Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT

KỶ NIỆM VỀ PHONG CÁCH ĐẠO DIỄN CỦA BÁC LỘNG CHƯƠNG

Nhà văn Nguyễn Hiếu

Năm 1976 là năm thứ sáu tôi nhận công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Mặc dù công việc của một phóng viên kinh tế khá vất vả nhưng vẫn không làm giảm niềm ham muốn viết kịch của tôi.

Tôi đam mê viết kịch từ khi học xong lớp 10. Trong lúc chờ gọi Đại học, tình cờ tôi vớ được tuyển tập Kịch Sếch-xpia do Bùi Ý, Bùi Phụng dịch. Tôi đọc liền hai lần tập kịch hấp dẫn này. Sau đó tôi viết ngay kịch bản “Truyền thuyết nỏ thần”mà lớp lang, tình tiết, ngôn ngữ hệt Sếch-xpia. Lại bởi luận văn tốt nghiệp đại học tôi cũng chọn đề tài về A.P. Sê Khốp - cha đẻ của loại kịch xung đột ngầm - nên sự say viết kịch trong tôi càng tăng.

Chuyến công tác đầu tiên với tư cách phóng viên Đài TNVN, sau khi thâm nhập Thủy điện Thác Bà, tôi viết luôn ba kịch bản dài Bản giao hưởng kiến thiết mở đầu như thế nào?”. Và kịch ngắn “Những hạt bụi của đời” là sản phẩm  Những năm sau đó, tôi với anh Phạm Bằng kết thành một cặp; tôi viết, anh Bằng đạo diễn, nhằm giúp các cơ sở công nghiệp những vở kịch ngắn tham gia hội diễn văn nghệ nghiệp dư.

Năm 1975 sau chuyến công tác vào Sài Gòn vừa giải phóng, tôi viết kịch ngắn”Những hạt bụi của đời”. Viết xong thì để đấy, chứ tôi là một phóng viên mới vào nghề, lại không có sự giúp sức của người thân hay bạn bè trong ngành kịch, thì làm sao dựng được. Tuy vậy tôi vẫn không nản. Nhân khi Hà Nội phát động phong trào “3 xây 3 chống”, tôi viết kịch bản hài “Chuyện như thế thì cần phải nói”. Viết xong, mặc dù sướng âm ỉ nhưng tôi vẫn ngậm ngùi đút vào ngăn kéo. Rồi tình cờ, kịch bản hài của tôi lọt vào tay tác giả “Quẫn” lừng danh: Lộng Chương!

            Tôi thực sự run và mừng đến phát khóc khi nhận được giấy của Đoàn kịch Công nhân Hà Nội mời đến làm việc với đạo diễn Lộng Chương, về việc dựng kịch bản hài “Chuỵện như thế thì cần phải nói”.

            Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in nhà bác Lộng Chương ở trong một cái ngõ giữa phố Hàm Long. Nhà giữa phố mà hệt như ở làng. Cũng cổng xây, qua cổng là đến sân gạch. Phía trước nhà là tấm dại nứa đã nhuốm màu thời gian. Bác Lộng Chương mời tôi vào nhà, rót nước cho tôi, nhìn tôi chăm chú. Rồi bác nói:

- Viết được kịch mà còn trẻ thế này là rất tốt.

- Dạ, cháu cũng đang tập viết.

- Không sao. Uống nước đi đã. Cứ bình tĩnh.

- Dạ.

-  Vừa uống vừa nói chuyện. Thế này nhé… Vở này cậu ghi là hài kịch, nhưng thực ra, nó chưa phải là hài kịch. Hài kịch là cười xong khán giả phải khóc, hoặc chí ít cảm động mà rưng rưng. Còn kịch của cậu chỉ gây cười một cách cơ giới, cười để mà cười. Cười xong là hết, nên chỉ có thể gọi là náo kịch. Cậu hiểu tôi nói chứ?

- Dạ cháu hiểu ạ.

- Rất may, tuy là náo kịch nhưng kịch bản của cậu có nhiều miếng khá lý thú. Vì thế tôi mới nhận dựng .

- Cháu cám ơn bác - tôi run run nói.

           Bác Lộng Chương mỉm cười nhìn tôi như nhìn học trò. Mái tóc bác dầy, lốm đốm bạc, rung rung. Chính cái nhìn của bác làm tôi bình tĩnh lại. Bác nói tiếp:

 - Tôi vừa là tác giả, lại là đạo diễn. Nhưng vở này thì… cậu là tác giả, tôi chỉ là đạo diễn thôi. Nhưng để vở diễn thành công đúng ý đồ thì, trong thời gian tôi dựng vở, cậu phải liên tục có mặt. Vì sao tôi sẽ nói sau. Cậu đang đi làm… phải không?

- Vâng ạ.

- Thế thì, buổi tối cơm nước xong cậu đến Câu lạc bộ Lao Động,  chúng ta cùng làm việc. Được chứ?

          Vậy là liên tục hai tháng trời, hết giờ làm việc ở 58 Quán Sứ, tôi lại phải gò lưng guồng xe đạp, vượt chặng đường trên 10 cây số, về nhà tận khu tập thể trường cấp II Xuân Đỉnh. Tôi về nhà không chỉ để ăn cơm, mà quan trọng hơn là để đỡ đần vợ chăm hai cậu con trai mới lên một và ba tuổi. Khi việc nhà tạm ổn rồi, tôi lại tức tốc phóng xe đến nơi tập kịch, với quãng đường cũng tương đương chặng về nhà.

        Đến ngày tổng duyệt thì, ông Yết - cán bộ Công đoàn Hà Nội vừa từ Liên xô về - đến dự. Mới xem được 2 màn, với tư cách là người phụ trách đoàn kịch, ông  đã ra hiệu dừng lại. Mặt hầm hầm, tay ông vung lên giận dữ:

 - Không được! Không được! Ai cho các anh dựng vở kịch bôi xấu chế độ thế này?

Bác Lộng Chương đứng lên bình tĩnh nói:

 -  Tôi và tác giả cùng diễn viên trong đoàn làm việc hai tháng liền vất vả; anh thấy chỗ nào chưa được, xin chỉ ra để chúng tôi sửa chữa .

Ông Yết càng tức tối:

 - Không sửa gì hết. Vở này các anh bôi xấu giám đốc. Giám đốc là người đứng đầu nhà máy của chính phủ. Vậy là các anh bôi xấu nhà nước, bôi xấu chế độ.

Tôi nói:

 - Kịch bản này tôi viết hưởng ứng cuộc vận động 3 xây 3 chống thành phố vừa phát động ạ!

 - Phong trào là một chuyện. Kịch lại là một chuyện. Tôi đã bảo dẹp là dẹp! Không diễn gì hết! - Cổ ông Yết vươn lên nổi đầy gân. Thân hình bé nhỏ của ông cứng đơ.

Biết không thay đổi được ý kiến người phụ trách, bác Lộng Chương im lặng một lúc, rồi vỗ khẽ vai tôi rủ rỉ như một người cha :

 - Thôi con ạ. Bác cháu mình chả sai phạm gì. Nhưng đây là quyền của người ta. Con còn trẻ, sự nghiệp còn dài, bác chỉ mong con đừng để mất niềm say mê với kịch trường.

Gần 12 giờ đêm, tôi đạp xe về nhà giữa cái rét căm căm tháng Chạp. Đến nhà, vợ tôi ra mở cửa hỏi khẽ:

 - Tối mai diễn kịch của anh chứ. Con còn bé quá, giá nhờ được ai trông, em đi xem thì hay quá nhỉ?

Mặt tôi đần ra nhìn vợ, không nói gì. Thật bất ngờ tôi thấy lờm lợm trong cổ và không ghìm được, lập tức tôi thổ ra một ngụm máu tươi.

                                                *

                                    *                       *

     Vở kịch không được diễn nhưng bù lại, hai tháng được làm việc với  một đạo diễn kiêm nhà viết kịch tài danh, đã cho tôi nhiều bài học bổ ích về nghệ thuật viết kịch và cả về phong cách đạo diễn của bác Lộng Chương. Ngay buổi đầu tiên gặp nhau, bác đã giải thích vì sao tôi phải có mặt mỗi khi bác đạo điễn. Rồi lần gặp nào bác cũng trò chuyện, giảng giải cho tôi như với một học trò. Tôi còn nhớ một lần bác nói:

 - Kịch bản là yếu tố cấu thành đầu tiên của vở diễn. Vở diễn có hay hay không, quyết định đến 90% là do kịch bản. Kịch bản là bột. Còn đạo diễn là người nặn. Bột dở thì người nặn tài mấy cũng không làm ra bánh  ngon được. Kịch bản là sáng tạo nghệ thuật thứ  nhất, còn  đạo diễn là sáng tạo thứ hai trên nền của kịch bản. Vì thế, muốn vở diễn thành công thì tác giả và đạo diễn phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Trước hết đạo diễn phải tôn trọng kịch bản. Nhưng để nắm được đường dây trong kịch bản, yêu cầu đầu tiên đối với đạo diễn là phải tìm ra “chìa khóa mở hành động kịch”. Dù đã có chìa khóa, nhưng vì tư duy nghệ thuật khác nhau, nên đôi khi đạo diễn đã làm sai cả ý đồ của tác giả. Vì vậy, tôi muốn cậu liên tục đi với tôi trong quá trình tôi dàn dựng vở. Tôi muốn chữa câu thoại hay lớp lang nào, cậu không đồng ý thì tôi cũng khó hoặc không được chữa. Ngược lại, cậu muốn chữa lời thoại nào, cảnh nào, tôi phải chấp nhận. Chấp nhận để sửa. Hoặc phải  bàn bạc với cậu để nhằm diễn đạt đúng ý đồ nghệ thuật của vở kịch.

     Vào một buổi tối, tôi vừa vào đến phòng tập, bác Lộng Chương đã vẫy tôi lại gần, vẻ phấn khích bác bảo:

 - Tôi suy đi tính lại mấy ngày  rồi, đến hôm nay ý đồ mới chín, tôi nói cậu nghe xem có đồng ý không nhé .

Thấy bác có vẻ quan trọng, tôi rụt rè bảo:

- Vâng ạ. Bác cứ nói.

- Thế này nhé… Tôi hiểu ý đồ của cậu là muốn phê phán tệ quan liêu, xa rời quần chúng, nói mười làm một của tay giám đốc. Nên ở cảnh trong phòng hắn, trên cái bàn làm việc của hắn, tôi sẽ cho phóng to cái điện thoại, đặt cạnh cái gạt tàn thuốc cũng phóng to, điếu thuốc lá hút dở cũng phóng to… Rồi đám khói bay vật vờ, phải làm sao giống như khói từ bình hương bốc lên. Và, tay giám đốc ngồi sau phải như tượng đất! Cậu thấy thế nào?

- Dạ, cháu thấy dùng hình ảnh tượng trưng như thế là hay lắm ạ.

- Nghĩ kĩ chưa? là cậu còn trẻ, mới vào nghề, nhưng nên nhớ trong nghệ thuật không có chuyện nể nang, đừng có e dè cấp bậc thấp cao. Nghệ thuật  là phải độc lập sáng tạo theo tư duy của mình mới thành công. Tôi làm nghề lâu nhưng không phải nghĩ cái gì cũng hay, cũng mới; biết đâu lại là cái mòn, cái cũ. “Miếng” vừa nói với cậu, quả là tôi mới nghĩ ra.  Nhưng cậu cũng phải nghĩ xem có hợp với ý đồ kịch bản của mình không. Hay để tôi dựng cậu xem đã, rồi cho ý kiến chính thức nhé.

Còn đối với diễn viên, tôi thấy bác Lộng Chương trao cho mỗi người một kịch bản và yêu cầu họ đọc kĩ để tìm hiểu sâu kịch, hiểu mối liên hệ giữa các nhân vật, nhất là phải thuộc làu phần thoại của nhân vật mình sắm vai. Riêng với diễn viên đóng vai giám đốc - vai trung tâm vở diễn, bác Chương gọi anh và cả tôi đến nói:

- Lúc nào hai anh em ngồi bàn với nhau để hiểu thêm về nhân vật giám độc này nhé.

Anh Tiến gật đầu lễ phép:

- Thầy yên tâm. Việc đó là tất nhiên rồi ạ!

-  Sau đó,anh nói với tôi xem nhận thức của anh về nhân vật giám đốc này. Trình bày cả lý lịch của ông ta trên cơ sở kịch bản đấy.

Nhớ lại những gì tôi chứng kiến quá trình bác Lộng Chương đạo diễn Chuyện như thế thì cần phải nói”, tôi nhận ra phong cách đạo diễn của bác cực kì thận trọng. Thận trọng từ khi đọc kịch bàn, phân vai, khả năng sáng tạo và phương pháp tiến hành đạo diễn… Bác còn coi trọng động viên khuyến khích các diễn viên say mê nghề nghiệp để họ phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo nghệ thuật trong quá trình dựng vở. Bác bảo: Phải thận trọng để mong có vở diễn hay, hoặc ít nhất là không tồi!...

                                          Quỳnh Mai 29/12/2017

 

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét