Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Câu chuyện chiều mồng 4 Tết Ất Mùi

Giữa chiều. Xe buýt đi trên cầu Chương Dương. Mình: Alo, đến cháu Khoa đi anh. Em đợi ở bến buýt cạnh trạm xăng nhé. Hẹn hò người iu xong, mình chuyển sang xe40 để đáp bến hẹn. Chíu xíu, thấy người iu "băm bổ" đi đến. Lại chút xíu, có xe11. Cả 2 vội nhảy lên. Xe buýt Tết. Vắng. Lướt nhanh. Chút xíu, đã đến nhà người cháu. Làm đủ thủ tục của "bề trên" với "người dưới"; lại dung dăng dung dẻ ra bến buýt, "hồi hương".

Người iu băm bổ đi đến chỗ hẹn
Ngồi trên buýt, chuyện vu vơ: Anh ơi, ông anh mình bị bố ép lấy vợ, không iu, thế mà vẫn sòn sòn cho ra tới 3 đứa. Người iu: Thì cứ nhốt chung một chuồng, mãi cũng phải "tí toáy", rồi thế là cho ra "sản phẩm" chứ sao! Ờ, mà càng ngẫm, càng thấy câu chuyện "Người thứ bốn mốt" viết thật giỏi. Một bạch vệ, một bôn sê vích, chỉ 2 con người trên một đảo hoang; trong một hoàn cảnh cụ thể, đã yêu nhau tha thiết. Nhưng, rốt cuộc, khi phải lựa chọn 1 trong 2, cô nàng bôn sê vích đã thẳng tay bắn nát đầu người tình. Tác giả đã chứng minh: hai trái tim có thể chung một nhịp đập, nhưng 2 lý tưởng vẫn luôn là 2! 
Trên bus 11
Oh, vậy theo anh, trong xu thế hiện tại, cách xử lý ấy có chấp nhận được không?
Hì, trước đọc chuyện, xem phim thì thấy mê đấy. Nhưng giờ thì, cái lý thuyết "có tao không có mày" khó nuốt lắm... Vậy nhưng họ cứ leo lẻo: Hội nhập, khép lại quá khứ... Thôi thì đủ trò...
Mình: hì, lại sắp sửa "chính chị chính em" rùi. Thui.... Dừng cho nó lành....
Vừa lúc đến bến. Lại thả bộ về nhà trên con đường sắp hoàn thành. Hai bên đường, đèn đã bật. Không gian vắng vẻ và êm ả. Bình yên... Thật hay hư?
Những chuyến đi bộ và những câu chuyện thường vu vơ như thế đấy!

Con đường gần nhà đang hoàn thành


Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Ngày Tết, đến thăm GS Hà Văn Cầu - “Người trò” của Cha.

Ngày mồng hai tết đến thăm và chúc tết cụ Hà Văn Cầu. Nhác trông thấy cụ, tim mình thắt lại. Đâu rồi sự minh mẫn, sáng suốt, tinh anh? Ngồi cùng con cháu, cụ chỉ im lặng. Thỉnh thoảng cười hiền.
Trước, vớ được vợ chồng mình đến thăm, câu chuyện giữa chủ và khách nở như ngô rang, triền miên, vô tận… Cuối cùng, việc kết thúc chỉ xảy ra khi thời gian không phải là vô hạn. Khách miễn cưỡng đứng dậy. Chủ bịn rịn chia tay.
Nay, cụ là vậy đó!
Cha mình - người luôn được cụ tôn vinh là: Người thày đầu tiên cầm tay dạy chữ cụ (vào nghề), đã đi xa gần 12 năm rồi. Nay cụ cũng đang dần tiến gần đến cõi vĩnh hằng. Cho dù đó có là quy luật của tự nhiên, thì chắc chắn, người thân, bạn bè, những ai yêu mến cụ, vẫn đầy lo âu, thấp thỏm…
Một thế hệ “VÀNG” - những nhân vật lịch sử tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của dân tộc là CHÈO, những người từng thắt lưng buộc bụng để dồn tâm sức xây đắp, bảo tồn môn nghệ thuật truyền thống này, như các cụ Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Hàm và Cha mình, giờ là cụ Hà Văn Cầu, đang dần biến vào cõi hư vô.

Đau đấy, nhưng cười đấy. Cười là bởi, mình chắc tin: Sống như các cụ mới thật là sống. Mới mãi mãi còn lại với nhân gian, với lịch sử nghệ thuật truyền thống của dân tộc: Nghệ thuật Chèo!

 

Ghi lại một chuyến đi đúng ngày sinh Cha- 5/2/2015

Từ trái sang: Đạo diễn Xuân Ba, Rể út của Cha,
Chủ tịch Hội VHNT HD Nguyễn Thị Việt Nga,
 Gái út của Cha
Hôm nay Cha tròn tuổi 97, nếu còn sống. Nhưng, Cha đã đi xa hơn 11 năm có lẻ. Và, kể từ ngày Cha về nơi vĩnh hằng, kể cả không phải ngày 5/2, chả ngày nào vợ chồng con không nhắc nhớ về Cha Mẹ.

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Mồng Ba Tết Thày!

Sáng này tel chúc Tết anh Doãn Hoàng Giang - học trò của Cha. Mình nói: Em chờ ngày hôm nay, mùng 3 Tết mới tet chúc anh. Anh biết tại sao không? Anh cười hì hì: Anh chịu... Mình: Bởi cách ứng xử với Cha em - Thày của anh, đã là tấm gương để em coi anh là một người Thày. Nhân gian chả đã có câu: "Mồng Một Tết Cha, mống Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết Thày là gì? Anh Giang phá ra cười, cười mãi. Cả mình cũng cười. Chắc anh cho mình là loại "lẻo mồm, lẻo miệng". Nhưng anh Giang ơi, đó đúng là điều em nghĩ trong tâm đấy. 
Khi Cha còn sống, cả quãng thời gian dài Cha đã đi xa, chẳng Tết nào anh không đến chúc sức khỏe Cha, và thắp nhang tưởng nhớ Cha.
Năm 2013 - tròn 10 năm Cha mất. Anh đã góp tâm sức với vợ chồng em ra 3 tập sách của Cha và cùng với Hội Nhà văn VN và Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của Người thật trang trọng, đầy ắp nghĩa tình. 
Vậy, thử hỏi, coi anh là một người Thày trong cách ứng xử thể hiện đạo nghĩa Thày - Trò quá đúng còn gì!
Anh Giang còn hỏi: Em với anh Học có khỏe không? Mình: Anh nghe giọng cười phe phé của em thì biết. Vậy là 2 anh em lại cười và cười...
Mình chúc anh Giang: Trước tiên sức khỏe. Thứ nữa: Chúc một điều bình thường thôi, là: Anh đã siêu rồi, vậy phải siêu nữa, siêu nữa... Hai anh em lại cười...
Anh Giang còn hẹn, sắp tới gửi vé mời vợ chồng mình đi xem vở kịch "Những chấn động còn lại" anh mới dựng cho Nhà hát kịch Việt Nam. Hi, đi thôi chứ nhỉ?

NSND Doãn Hoàng Giang tại Lễ tưởng niệm 10 năm Cha mất (3/7/2013)

NSND Doãn Hoàng Giang và NSND Lê Khanh tại Lễ tưởng niệm 10 năm Cha mất (3/7/2013)