9. Lộng Chương - Đôi dòng kỷ niệm(*)

                                                                                                                                    GS Hà Văn Cầu            
             Năm 1948, do công việc, tôi đến gặp anh Lộng Chương tản cư tại nhà anh Vũ Tiến Thê ở Trực Nội (Thái Bình).

Lộng Chương - 1950
            Anh - một con người Hà Nội, tóc chải “phi-lô”, mũ mốt xăng, kính gọng vàng, ria mép con kiến, miệng ngậm píp, tay cầm can có pom-mô kim loại, mặc áo sơ mi kẻ, dùng mùi soa pia-ra-mit… Nói dài dòng thế để thấy một con người Hà Nội, một ông Phán Phủ Toàn quyền, quen cuộc sống an nhàn mà nay phải chịu cảnh bùn lầy nước đọng ở chốn nhà quê thì thật là đáng nể. Tôi rụt rè chào: “Thưa ông…”. Anh ngắt lời lập tức: “Cái cậu này, cách mạng rồi mà còn ông với ngài…”. Kỳ lạ, chúng tôi nhanh chóng thân với nhau.
            Cuối năm 1948, anh viết vở kịch ngắn về kháng chiến, kéo tôi đi diễn (Lúc ấy rất khó kiếm diễn viên, mà tôi lại đang ở đoàn Tuyên truyền xung phong, cần biết diễn, nên tôi nhận lời).
            Năm sau, anh đặt vấn đề với Chi hội Văn nghệ Liên khu III, tổ chức một lớp đào tạo diễn viên tại làng Cổ Khúc (tức làng Khuốc, xã Châu Phong, Thái Bình ngày nay). Đề nghị được chấp nhận. Anh đứng ra mời các thày Vi Huyền Đắc, Bùi Huy Phồn, Lê Đại Thanh, Phan Tại góp sức giảng dạy. Tôi được dự lớp đó. Đúng ngày bế mạc (7/2/1951), có tin Pháp từ Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, chia ra tám mũi tiến công Thái Bình, chúng tôi chia lớp thành nhiều nhóm chạy giặc.
            Tôi được đi theo anh Bùi Huy Phồn đến Trung đoàn 42, ở đó 5 hôm thì bị giặc vây. Trung đoàn phải vượt sông sang Hà Nam. Mồng ba Tết, về đến trụ sở Chi hội Văn nghệ thì đã thấy anh Lộng Chương ở đó. Anh vẫn cứ “sang trọng” như những ngày ở Trực Nội. Anh viết vở Lý Thới, diễn ngay ở Phù Lưu Tranh. Chiến sự lan rộng, Chi hội phải rời vào Thanh Hóa. Đoàn văn công ở lại Xích Thổ ít lâu rồi cũng phải giải thể vì không còn đất diễn. Chúng tôi vào Rừng Thông, tham gia dạy học sinh phổ thông tản cư ở đó. Anh Lộng Chương thì vẫn sáng tác. Những vở Đòi con, Du kích thôn Đồi của anh ra đời trong thời gian này. Anh giục Việt Hồ và tôi viết chị Zet tê… Anh bảo: “Viết vở để biểu diễn chào mừng Hội nghị Thi đua toàn quốc, nhưng đồng thời để đánh giặc. Cho nên cánh văn nghệ cũng phải tốc chiến, tốc quyết”. Chúng tôi chỉ có 5 anh em (Lộng Chương, Việt Hồ, Hà Văn Cầu, Hoàng Linh, Phùng Văn Thái) phải lo tất cả mọi khâu: viết, dựng, diễn. Riêng anh còn phải lo thêm khâu chạy gạo. Anh quen biết nhiều người Hà Nội tản cư nên cũng dễ vay mượn.
            Anh lại vận động Đoàn Thanh niên và Ban Thông tin ở Rừng Thông làm một cái rạp bằng tre lá cho chúng tôi diễn liền một tuần. Đêm nào người xem cũng chật kín. Tiền thu được, trừ mọi khoản chi phí, kể cả tiền làm rạp, chúng tôi còn sắm được một bộ phông màn, và mỗi người một bộ đồng phục. Rồi chúng tôi kéo nhau về Liên khu III, biểu diễn ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu. Đồng chí Lê Thanh Nghị xem xong vui vẻ khen ngợi, vì lập Đoàn Văn công mà cấp trên không mất một xu nào. Cho đến nay, thỉnh thoảng gặp lại anh Trần Ngạn và chị Nguyễn Thị Tâm (nguyên trong Ban Chấp hành thanh niên Rừng Thông), kể lại chuyện “Lộng Chương làm kịch” ở đất người, cứ như kể một câu chuyện huyền thoại.
            Từ một công tử Hà Nội, anh trở thành một cán bộ Việt Minh đích thực: áo nâu, quần túm, dép lốp, mũ lưới; mùa đông có thêm cái trấn thủ và mảnh dù quấn cổ; nhưng vẫn giữ ria mép con kiến.
            Cái chuyển biến lớn trong anh là: Tình người. Những ngày nắng hạn hoặc mưa lũ, anh hay bâng khuâng lo nghĩ: Không biết bà con nông dân ở Trực Nội, ở Vũ Thư, ở làng Bịu… mùa này có được no không? Và cái nỗi lo ấy cứ tràn lên trang giấy, như nỗi lo về anh em ruột thịt trong nhà.
            Chính vì tình yêu người lao động mà anh ghét cay ghét đắng cái lũ gian manh hại dân: Kẻ thù, tay sai của kẻ thù, và bọn cường hào mới, bọn tham nhũng… Anh thấy cần phải đánh chúng “một đòn chết bảy”, làm cho chúng kinh hồn bạt vía, sợ đến ba đời!
            Với thái độ ấy, anh viết Quẫn, Cửa mở hé, Quẫy… Cái cười trong các vở kịch này thật sâu sắc, không dễ dãi, vạch ra được bản chất của các loại người. Cho nên kịch của anh diễn hàng ngàn đêm vẫn cứ đông khách. Đó cũng là lý do vở Quẫn được Liên Xô dịch sang tiếng Nga - một trong các vở tiêu biểu của Việt Nam.
            Anh lại có công xây dựng nhiều đoàn kịch và đào tạo nhiều diễn viên cho Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tây… Trong số học trò của anh ngày nay, nhiều người đã trở thành Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nhà khoa học, nhà nghiên cứu… Thành công của họ đều có sự hướng dẫn của thày Lộng Chương, về nghề và cả ý chí nữa.
            Mấy năm trước, Nhà viết kịch Lộng Chương được tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba và Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý chính là do những cống hiến cho sân khấu Việt Nam và sự nghiệp trồng người của anh.
            Anh ra đi, gửi xương gửi thịt vào lòng đất, nhưng tâm hồn anh còn ở lại trong lòng nhiều người và nhiều thế hệ chúng ta. Đúng là: Trăm năm trong cõi người ta/ Thác là thể phách còn là tinh anh!


(*) Báo Văn hóa, ngày 1-3/7/2003; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét