Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

TÌNH SỬ LOA THÀNH(*) - Chèo (Tiếp theo và hết)

                                                HỒI BỐN
Thành Cổ Loa nhìn từ trên cao

             Loa thành thất thủ 
            Một buổi chiều xẩm tối, trong cảnh hoang tàn đổ nát của can qua, lầu Công chúa Mỵ Châu vẫn y nguyên như cũ, chìm trong sự im lặng đến rợn người.
            Đài Nỏ bị phá hưu quạnh, in bóng sứt mẻ trên nền trời đỏ quánh loang màu máu.
            Bỗng tiếng cồng rền rĩ như vẳng từ một cõi sống vật vờ nào đó, âm ỉ trong gió lạnh và ngân dài theo tiếng hát chiêu hồn ảo não…
            Tiếng hát hiêu hồn mơ hồ…
 Rỉ vọng
            Hỡi ơi, thức dậy quỷ thần
            Mười phương trời rộng, chín tầng đất sâu
            Rùa vàng, hồn ở nơi đâu    
 Vượt qua cồn cát nương dâu mà về

TỈNH SỬ LOA THÀNH(*) - Chèo (Tiếp theo)

                                                          HỒI BA
Thành Cổ loa nhìn từ trên ca
Cảnh 1 
Trở lại huê viên trước lầu Công chúa.
Hoàng hôn một ngày xuân u ám, chuyển vào một đêm trăng hạ tuần u ám.
  
MÀN MỞ
 (Nàng Mây buồn rượi đứng bên bờ giếng, bồn chồn chờ đợi).
Mây: Mã Khởi chàng ơi!
Sử rầu
            Trời hạnh phúc, trời yêu thương bát ngát.
            Anh chợt làm gió nhẹ đẩy mây đi
            Rồi bỗng dưng trong đau đớn chia ly
            Anh lại xé mây tan từng khúc ruột…  

TÌNH SỬ LOA THÀNH(*) - Chèo (Tiếp theo)

                                                                HỒI HAI
Thành Cổ Loa nhìn từ trên ca 
Cảnh 1         
Chính sảnh Bắc sứ doanh.
            Cửa lớn quay vào trong, trông ra một vườn mai, với những cây lão mai gồ ghề, khúc khuỷu, đang kỳ nở hoa. Nền vĩnh cảnh Loa thành.
            Phía ngoài sảnh, lá cờ đại thêu chữ “Triệu” đen lánh, treo cao trên cột.
            Nội sảnh: Một bên kê sập son trải da cọp, phía trên tường sát sập treo một thanh gươm lệnh vỏ nạm bạc, một bên bày giá cắm đao, thương, phủ, việt, sáng loáng.
            Trước giá binh khí có mấy chiếc cẩm đôn.

TÌNH SỬ LOA THÀNH(*) - Chèo

Thành Cổ Loa nhìn từ trên cao
Nhân vật
Sái Bân                       Quan hầu Triệu Đại phu
Cao Lạc Hầu             Thái tể nước Âu Lạc
Quách Lôi                  Võ tướng Âu Lạc
Quách Vũ                  Võ tướng Âu Lạc
Mỵ Châu                    Công chúa, con gái Thục                                                    An Dương Vương
Nàng Mây                  Tỳ nữ của Mỵ Châu
Nàng Suối                  Tỳ nữ của Mỵ Châu
Trọng Thủy               Hoàng tử Triệu, con Vương                                                  Triệu Đà
Triệu Đại phu            Quân sư nước Triệu, tôn sư Trọng Thủy
Mã Khởi                 Tùy tướng của Trọng Thủy, 
                       mẹ người Âu Lạc, bố người Triệu

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

NVK LÃO THÀNH LỘNG CHƯƠNG VỚI MẢNG ĐỜI LÀM BÁO(*)

            
           Lộng Chương là nhà hoạt động sân khấu tài hoa đa năng, đa dạng. Trong lĩnh vực này, ông không chỉ là Nhà viết kịch, Nhà đạo diễn, Nhà quản lý, Người Thày, mà ông còn đảm nhiệm nhiều vai “chốt” trên sàn diễn. Với  sự nghiệp sáng tác của mình, ông có cả một kịch mục đáng tự hào gồm mấy trăm vở kịch ngắn dài bao gồm các thể loại: kịch nói, kịch thơ, tuồng, chèo, cải lương... Mấy chục năm qua, giới sân khấu và công chúng trong cả nước đều biết đến Lộng Chương là một Lão tướng trong ngành. Và, tháng 9 năm 2000, Ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng còn một Lộng Chương khác, một tác giả của nhiều tập thơ văn và  phóng sự, ký sự báo chí... mang đầy tính hài hước, chiến đấu, thì mấy ai đã biết.

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Thiết tưởng cũng cần nhìn lại ...

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị: “Các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh phải hạn chế đi công tác nước ngoài để tập trung thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ KT-XH”.
Chỉ thị của Thủ tướng đã nêu rõ những cán bộ lãnh đạo ở vị trí “bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh”. Bởi những cán bộ ở vị trí đầu ngành, đầu tỉnh là những “tư lệnh”, có trách nhiệm hàng đầu về nhiều vấn đề hệ trọng trước mắt cũng như lâu dài của một địa phương, một ngành kinh tế của cả nước. Chỉ thị cũng chỉ mới đề cập đến chuyện “hạn chế đi công tác nước ngoài” của họ. Vậy thì, các cuộc hội nghị, hội họp mang tính lễ lạt, xã giao ở trong nước, lãnh đạo các cấp khác nữa, có cần phải nhìn lại để xét xem, liệu có tốn kém thời gian, công sức và tiền của không, khi không ít trong số họ đang tồn tại nếp tư duy và hành động chưa hợp lý?

Cán bộ TTLT QG III thắp hương Cha

Cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III vừa đến thắp hương Cha (Mẹ). Chúng con cũng được ""thơm lây" đấy, Cha ơi.
Những năm trước họ đến thắp hương Cha. Nhưng, là những người con lưu giữ, bảo tồn Di sản của Cha, chúng con đều không được biết mà cũng chả được báo một lời, Cha ơi!




DÙ CÓ ĐI BỐN PHƯƠNG TRỜI...

Ảnh theo bài trên báo HNM
            "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,..." - Hình  ảnh thân thương trong bài hát ấy cứ đau đáu vương vấn tâm tôi mỗi khi nhớ về phố cũ Hà Nội xưa. Ấn tượng mùa thu Hà Nội mạnh mẽ quá, xao động quá, với những người đã gần trọn đời gắn bó với Hà Nội như tôi.
Phố tôi - phố Hàm Long, xưa êm ả, yên tĩnh lắm. Người phố tôi hiền lành và thuần khiết vô cùng. Hai hàng cây xanh bên đường dường như cũng biết hoà vào cuộc sống bình dị của con người, để cùng vui buồn, thương nhớ và cả giận hờn nữa. Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ đã in đậm dấu ấn trong kí ức lớp người nay đã gần chạm tuổi năm mươi. Thân cây cao to, tán rộng, ôm ấp che chở cho tuổi thơ chúng tôi qua bao tháng ngày. Vòm lá bàng xum xuê vươn ra, ngăn những hạt mưa rào bất chợt. Chùm lá cơm nguội làm dịu đi cái nắng gắt gao. Những đêm trăng tỏ, chúng rì rào cùng lời ru của bà, câu hát của mẹ, như làn gió mát lan toả lối ngõ, đưa chúng tôi lịm vào giấc mơ ngọt ngào.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG - MỘT TÀI NĂNG ĐA DẠNG(*)

Giang Trung Học
Lộng Chương - 1995
  (…) Nhà viết kịch Lộng Chương là một trong ba tác giả của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 với hai tác phẩm tiêu biểu: “Quẫn” và “A Nàng”.
Trong các vở diễn của Nhà hát kịch Việt Nam sau gần 50 năm thành lập, “Quẫn” có sức sống lâu bền nhất, với hàng nghìn buổi biểu diễn từ Bắc vào Nam. “Quẫn” được các nhà nghiên cứu văn học đánh giá là bước ngoặt trong quá trình sáng tác của tác giả, và đứng đầu thể loại hài kịch cách mạng Việt Nam. “A Nàng” cũng được hơn hai mươi đoàn nghệ thuật lần lượt chọn làm vở diễn, kéo dài khoảng thời gian hai mươi năm. Trong lịch sử sân khấu Việt Nam, hiếm thấy trường hợp tương tự như “Quẫn” và “ A Nàng”.

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Như thế là tốt lắm rồi!

Cơm chiều.
Chàng bánh mì. Nàng cơm nguội muối vừng. Cùng những lát dưa hấu.
- Nào, nhai chậm thôi!
- Ừ, nhai chậm thôi... i...
- Này, anh may mắn đấy nhé. Lấy được em, là lấy được bao nhiêu người. Chăm anh là bao nhiêu người, vừa là vợ, là em gái, là chị gái, là mẹ, là y tá điều dưỡng, bác sĩ, rồi thì là nhà văn, nhà báo, nhà "Oshin", là... (đập hai bàn tay đến đốp một cái" - Ôi trời, "lãi" thế còn gì! Mà em đi theo anh mải miết, anh không mất một xu cưới xin em nhá.
- Chả gì cũng công nhận là anh quá tốt đi. Sao lại có người chồng tốt thế! Ai mà may thế?
- Là em may chứ còn ai!
- Tuy rằng cũng còn nhiều khiếm khuyết, nhưng chắc cũng thấy không có gì đáng phàn nàn nhiều.
- Phàn nàn thì có, nhưng tổng thể, vớ được "người yêu" như thế là tốt lắm rồi, hì...

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Sao cho trang trọng nhưng tiết kiệm!?

Ảnh minh họa
Tôi vừa được mời đến dự lễ động thổ một công trình trọng điểm của Hà Nội. Tại đây, người ta đã dựng lên một dãy nhà khung hai lớp mái rộng,  mát và trang trọng. Hàng trăm chiếc ghế xếp nối nhau trên những tấm thảm màu xanh sạch sẽ. Quạt treo trên tất cả các cột thép thổi mát rượi. Nước  khoáng Lavie để khắp nơi. Đây là nơi ngồi dự của các quan khách đến dự lễ động thổ. Trước giờ khai mạc, mấy chục xe con đời mới lần lượt đổ về. Cũng có nhiều xe buýt ùn ùn kéo đến. Xung quanh cả khu đất, nhiều cổng chào, băng rôn được dựng lên và bóng bay rợp trời. Nói quá lên một chút, quanh cảnh trông thật "hoành tráng"! Sau khi qua vị trí kiểm tra an ninh máy di động, túi xách, tôi cùng các đồng nghiệp bước vào gian nhà giành cho quan khách. Theo thói quen hay quan sát, tôi chọn chỗ ngồi cuối, rồi quay ngang nhìn dọc. Còn ít phút nữa tới giờ khai mạc, khách vẫn đang đến ùn ùn. Trang phục của mọi người khác nhau, nhưng cung cách ai nấy rất trịnh trọng.

Đẻ nhiều như lợn!?(*)

          
    
Lễ ăn hỏi cháu ngoại Mai Phương của Nhà viết kịch Lộng Chương


Kịch tác gia Lộng Chương năm ấy đã ở tuổi ngót 90. Ở độ tuổi này, cụ vẫn còn dẻo dai về sức khoẻ, nhưng trí nhớ có phần giảm sút. Trong một lần ngồi trò chuyện vui vẻ cùng con cháu, cụ hỏi bà con gái cả (năm đó cũng đã hơn 60 tuổi):
    - Thế thằng Trung (con trai thứ hai của bà) lấy đứa nào nhỉ?
    - Dạ, vợ cháu tên là Mười, bố ạ. Nó là con thứ mười của ông thông gia với con, người làng Cót.
Cụ Lộng Chương lắc đầu ra vẻ ngán ngẩm và lẩm bẩm một câu:
    - Đẻ gì mà nhiều thế? Đẻ nhiều như… lợn!
Một cô con gái khác của cụ ngồi kề đấy nhanh nhẩu:
    - Bố ơi, bố quên con là gái thứ bảy của bố à? Con còn thằng em út là kiến trúc sư ở thành phố Hồ  Chí Minh đấy.... Các con cháu cụ Lộng Chương ngồi quanh cười ồ cả lên!


(*) Đăng Báo Phụ nữ Việt Nam cuối tuần 28/4/2002; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Mừng cậu cả đỗ Nghè...

                                             “Hội nước" ông bà lớn đã ghê
                                    Cậu cả đi Tây lại đỗ nghè.
                                    Mưa móc ơn cha con chuột lột
                                    Thơ mừng tìm mãi được vần "ghe"…
                                                                                    1974

 (*) Thơ "Ta - Bạn & Đời", Nxb Hội Nhà văn, 2013.

LỘNG CHƯƠNG - NHÀ VIẾT HÀI KỊCH XUẤT SẮC(*)

 Hoài Anh
Ký họa Lộng Chương
Ngồi trước một bàn thống kê những vở kịch đã viết của Lộng Chương, tôi không khỏi kinh ngạc về sức làm việc bền bỉ, dẻo dai, đầy nghị lực của anh. Tôi không khỏi thán phục vì những đóng góp của anh cho sân khấu Việt Nam. Tôi không khỏi giật mình vì một khối lượng đồ sộ những vở viết, những vở dựng trên sân khấu, những vở in trong sách, những vở đã phát trên đài, những vở chỉnh lý sửa chữa cho nhiều anh em viết không chuyên nghiệp, những vở dịch thuật, những tập thơ, ca dao, những phóng sự, ký sự kháng chiến, những tiểu luận - lý luận phê bình sân khấu, những bài báo… và… những vở kịch còn nằm trong ngăn kéo của anh.

Sứ... giả(*)

               Đi sứ phen này lại thấy ông
                    Tưởng đèn đã lụi hoá ra không!
                    Nhớ đeo vành khố vài viên sái
                    Phòng cái tầu bay nó lộn vòng!…
                                                             1974

(*) Thơ "Ta - Bạn & Đời", Nxb Hội Nhà văn, 2013.

ĐỔI ĐẦU HEO(*)

Hài kịch một màn

             Không gian và thời gian không cố định.
            Thời điểm tranh tối tranh sáng, lúc bọn gian thương thực phẩm đang tranh chấp thị trường, chống đối tổ chức quản lý quốc doanh.

             Nhân vật biểu tượng gồm:

1.      Chủ vựa heo - béo núc, lì lợm đến trâng tráo;
2.      Vợ chủ vựa - mảnh người, đanh đá, ngỗ ngược kiểu thớt heo đầu chợ;
3.      Con gái - mũm mĩm như một ả heo sữa, sống thả dàn;
4.     Trùm lò mổ - rất gợi dục với những bộ phận cơ thể bơm độn qua mỹ viện; đặc biệt luôn đeo cặp kính phản quang, trông như đeo hai ký hiệu đồng đô la;
5.      Đồ tể - tay săm, mặt thẹo, lộ rõ dân đao búa;
6.      Và, bốn đầu người nói điện thoại, cơ sở màng lưới bao vây thị trường của chủ vựa.

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Như thế là quá đủ!

- À, hay quá, "người yêu" đây rùi. Gọt cho em mấy quả susu.
"Người yêu":
- Đâu? Để ra đây cho anh. Này, đã rõ anh xứng đáng là "người chồng nhân dân" chưa?
Tôi:
- Chứ còn gì nữa! Danh hiệu riêng em tặng. Chứ ba cái danh hiệu nọ kia thì...
- "Người yêu":
- Em công nhận là quá đúng rồi. Ngày nào mà chả mục sở thị cái "người chồng nhân dân" này làm gì giúp em! Chứ mấy gã đàn ông khác thì có mà... hãy đợi nhé. Mở mắt ra nó hét: "Đã đun nước chưa? Đun rồi à? Thế ấm pha đã rửa sạch chưa?".

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

SẢN PHẨM CỦA MỘT THỜI(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học  
Theo hẹn, sáng mai ông phải nộp "quyển" rồi. Cho nên buộc ông phải thức đêm nay. Đêm nay bắt buộc phải xong. Gần một đời cầm bút, chưa bao giờ ông chật vật như viết cái truyện ngắn này. Nhiều lúc bế tắc đến nản lòng. Không nhẽ ta đã kiệt sức ư?
          Thấy bố vừa qua cơn cảm sốt đã lại thức khuya, anh con trai chẳng những không động viên mà còn tỏ sự bất bình. Đây không phải lần đầu anh bất bình. Anh muốn bố buông bút nghỉ ngơi từ lâu lắm rồi. Bố viết mãi chẳng để làm gì. Những gì làm được, bố đã làm rồi. Sách của bố mấy chục quyển, xem ra không ít. Có điều chẳng tác phẩm nào đáng để người đời thực sự ngợi ca. "Sao lại không? - ông phản ứng. Có lẽ anh không đọc, không nghe thiên hạ đánh giá thế nào về bố anh. Hay bụt chùa nhà không thiêng?". Văn - con ông im lặng. Anh sợ nói thẳng băng dễ làm bố sốc. Hơn nữa, nơi đây đâu phải là chốn tranh luận văn đàn.

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

ĐỜI CON MÈO(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
      Có một độ, không hiểu từ đâu chuột kéo về thành phố hoành hành ghê quá. Trước đại dịch chuột, nhà nào cũng phải kiếm lấy một con mèo. Mợ thằng Tán có con mèo vào dịp ấy đấy.
      Con mèo là của một người trong họ, từ quê đem đến. Trước khi giao cho chủ mới, nó được rửa ráy, chải chuốt thật sạch.
      - Mèo nhà em vừa đẹp vừa giỏi chuột lắm bác ạ! Nó còn là con vật thuộc hạng hiếm họi nữa đấy!

Một mùa xuân(*)

Tản văn
Tôi đã tiến thêm một bước tới gần cõi chết: Một năm đi qua, thản nhiên, lãnh đạm.
            Trong những ngày xuân đây, tôi thấy hình như thiên hạ họ vui sướng lắm. Sao họ vui sướng khi thấy mình già lên một chút?
            Vui sướng vì tuổi xuân dần mất ư?
Sao thế nhỉ? Sao tôi lại có cái ý nghĩ lạ kỳ đó không biết?
            Đời vui lắm  mà. Đẹp quá đi thôi! Tiếng pháo vẫn râm ran giao thừa. Hoa vẫn thắm. Bầu trời vẫn đẹp dịu dàng. Những nụ cười thiếu nữ vẫn mơn mởn, hồn nhiên… Có phải không anh?

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

NƯỚC MẮT ĐỎ(*)

 Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
         Bà đưa tay lên khóe mắt. Cảm giác nhầy nhầy, ươn ướt, dinh dính, quánh quyện. Soi ngón tay ra trước đèn. Một màu hồng hồng nhờ nhờ. Trời ơi, máu! Bà khóc ra máu. Tiếng nấc phát ra từ cổ họng bà nghẹn lại, không thoát ra được, tạo nên một tiếng ‘hực” đớn đau. Bà ngồi thụp xuống chân ban thờ cha mẹ, tay ôm lấy ngực, bóp mạnh nơi mà nỗi đau buốt đang xuyên từ sâu thẳm phía trong đẩy mạnh ra ngoài. Hồi lâu, cảm giác mệt mỏi, rã rời bao trùm toàn thân, bà níu mép ban thờ, đứng lên, từ từ lần tường đi ra ban công. Trong màn đêm nhàn nhạt của sáng tinh mơ, xung quanh, mọi nhà vẫn đang chìm vào giấc ngủ. Đưa mắt nhìn quanh khoảng tối mênh mông trước mắt, sao bà thấy nỗi cô đơn, lẻ loi của mình mới trơ trọi, tuyệt vọng làm sao… Bà thấy nhớ cha, nhớ mẹ đến cồn cào, đau đớn. Nơi ấy, nơi xa lắm, lúc này, cha mẹ đã thức giấc chưa. Cũng có thể, từ hôm qua, giấc ngủ ngàn thu của cha mẹ bà đã bị đứt đoạn; cõi linh thiêng của cha mẹ không còn được trong lành, thanh thản… Nghĩ đến đây, thái dương bà giật mạnh, nhói buốt…

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Dự án đường 5 kéo dài mở ra thành phố Bắc sông Hồng

Cầu Đông Trù - một trong những hạng mục chính của
Dự án Đường 5 kéo dài, vừa được khánh thành
chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô -10/10/2014
(chậm gần 10  năm khi bài báo này ra mắt)
        Tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh "Trước mắt mở rộng Thành phố về phía bắc, tây bắc và tây nam. Ưu tiên phát triển khu vực phía bắc sông Hồng". Thực hiện Quyết định này, qua một thời gian chuẩn bị, Dự án đường 5 kéo dài được khởi công xây dựng ngày 17/5/2005, nhằm kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác Hồ.
            Đường 5 kéo dài tới khu đô thị mới Bắc Thăng Long - Vân Trì là một trong những dự án trọng điểm ở phía bắc Thủ đô. Đây là công trình quan trọng trong mạng lưới giao thông, tạo trục lõi để phát triển khu vực phía bắc sông Hồng, với việc hình thành hệ thống tuyến đường vành đai II từ Sài Đồng đến Vĩnh Ngọc (nối về cầu Nhật Tân); đồng thời đảm bảo các điều kiện về hạ tầng giao thông vận tải, phục vụ chuỗi công nghiệp - đô thị: Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Sài Đồng - Yên Viên.

Hô hào động viên thôi chưa đủ!

          
Ảnh chụp ngày 10-10-2014
Nghị quyết 41- NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại;…”. Chính vì vậy, các ngành các cấp đã ban hành và chỉ đạo nhiều giải pháp tích cực, nhằm thực hiện hiệu quả nội dung cơ bản về phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tại Hà Nội, để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 995 Thăng Long - Hà Nội sắp tới, Thành phố cũng đưa ra những biện pháp thực hiện vấn đề này ráo riết hơn.
Trong thực tế, các ngành hữu quan đã có rất nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ môi trường và bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả không thể phủ nhận, sẽ không khó khăn gì mà không nhận ra những tồn tại, yếu kém vẫn xuất hiện, như một sự thách thức công khai đối với công luận xã hội.

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Không có thời gian đâu!

- Dạy mẹ lâu lắm, không có thời gian đâu!


       Nghe con trai lầu bầu, mẹ im lặng. Trong mẹ chẳng có một cảm giác gì là buồn phiền, đau đớn. Phải chăng, cảm giác đó đã bị chai cứng từ lâu rồi? Mẹ im lặng đứng bên, cố căng mắt nhìn tay con trai di chuột, bấm vào những file chức năng trên màn hình máy tính; để có thẻ học lỏm được chút gì hay không.
        Mỗi lần, máy có sự cố gì cần xử lý, trước khi gọi con trai, bao giờ mẹ cũng tự mày mò. Đến lúc không thể, mẹ mới nghĩ đến việc nhờ con. Nghĩ đến điều đó, thực ra còn cân nhắc một chút nữa: Có nên nhờ hay không?

Ông ta... chừng lại muốn ra!...(*)

                                Từ quan bởi mắc tiếng “nương dâu”
                                Chửa được bao lăm đã ngóc đầu!
                                Hẳn thấy nghề ta còn đục nước
                                Nên mi tiếc rẻ, lại buông câu!…
                                                                                              V.71

(*) Thơ "Ta - Bạn & Đời", Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Quên sinh nhật(*)

(Nhân Nguyễn Thành và Công Quí
                 nhớ… đem hoa đến mừng tuổi)

                        Sinh nhật hôm nay, sinh nhật ai?
                        Những tưởng sinh ra gập đúng thời
                        Hoa đào thuở ấy ai cười nhỉ?
                        Ảo ảnh nào hay ảo ảnh thôi!
                                                         Mồng 10 Xuân Lợn, 5. 2. 1971


(*) Thơ "Ta - Bạn & Đời", Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

NHỮNG KỶ NIỆM CÒN NGUYÊN VẸN(*)

Huy Lý
Đoàn trưởng Đoàn Chèo Thanh Hóa
             Mùa thu năm 1979, Đoàn chèo Thanh Hóa được vinh dự đón tác giả kiêm đạo diễn Lộng Chương vào giúp đỡ xây dựng vở. Trong thời gian này Đoàn chưa có khu văn công, chưa có trụ sở riêng. Đoàn đóng quân tại thôn Tạnh Xá, xã Đông Vệ, thị xã Thanh Hóa (bây giờ là thôn Tạnh Xá, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa - nơi rượu ngon nổi tiếng của xứ Thanh). 
Mừng thọ Thày Lộng Chương
           tại nhà Đoàn trưởng Huy Lý

Tôi - Đoàn trưởng trực tiếp đón anh Lộng Chương về gia đình ăn ở, sinh hoạt trong ngôi nhà ba gian lợp ngói. Sau khi thống nhất với Đoàn về chủ trương xây dựng vở, anh bắt ngay vào việc sáng tác. Anh làm việc say mê đến quên ăn quên ngủ.  Viết xong đoạn nào anh lại đọc cho diễn viên nghe và cùng nhau phân tích để sửa chữa, bổ sung. Tối, tôi ngủ chung với anh một giường. Tôi thường đi ngủ trước để hôm sau còn điều khiển công việc ở Đoàn. Khi thức giấc lúc hai - ba giờ sáng, vẫn thấy anh ngồi viết với ngọn đèn lờ mờ.

Thôi, em thu 5.000 đồng!?

- Cho tôi gửi phí vệ sinh - Tôi nói với cô gái ngồi trước dãy WC.
- Gửi bác này...
Nhìn thấy cô gái cầm 7.000 đồng định đưa trả, sau khi tôi đưa 10.000 đồng. Tôi:
- Ơ... sao lại 3.000 đồng?
- Hôm nay chúng em thu như vậy! (Ý là hôm nay ngày Lễ!?????, "em" tự quyết định như thế)
Vừa lúc "ông hàng xóm" bước đến:
- Bác trai cũng "đi" à? Vậy em trả bác gái 5.000 đồng.
Tôi:
- Ơ...
Cô thu phí:
- Thôi, em chỉ thu hai bác 5.000 đồng!
Tôi:
- Hay nhỉ?........
Theo các bạn thì thế nào????

Đâu rồi... Đâu rồi?

 

Nơi diễn ra Lễ hội kỷ niệm ngày Hà Nội
được vinh danh "Thành phố vì hòa bình"
Hồ Gươm ngày lễ trọng
Người và xe tấp nập
Lạc lõng
Dáng mẹ hao gầy
Một góc cõi đơn côi
Các con mẹ đâu rồi
Thả trôi một mái đầu bạc
Mẹ ơi
Mẹ ơi
Chơi vơi
Giữa dòng đời mênh mang...

Đầu năm chữa kịch(*)

Mồng một con heo chữa kịch người(**)
Đã rằng thôi nhé chuyện đua hơi
Mà sao tóc bạc còn cay thế
Đời có ra răng, mặc mẹ đời!...
                                      1971

(*) Thơ "Ta - Bạn & Đời", Nxb Hội Nhà văn, 2013.
(**) Kịch “Người giám khảo cuối cùng”;


Mãi mãi là điểm tựa của nhau(*)

Cha Mẹ (2001)
Đã qua giỗ hết mẹ. Lại sắp đến giỗ cha. Cũng là ngày giỗ hết.
Kể từ phút giây cha nằm xuống, còn chưa đầy ba ngày nữa là tròn hai năm. Hai năm là bảy trăm ba mươi ngày trôi qua trong nỗi nhớ cha nhớ mẹ triền miên day dứt bám riết nơi con. Nỗi nhớ cha nhớ mẹ là một phần trong giấc ngủ, mỗi khi con ăn, mỗi lúc con uống, ở mỗi công việc hằng ngày con trải. Cha nhắm mắt với niềm đau thắt ruột. Mẹ nằm xuống trong nỗi buồn mênh mang. Nỗi buồn, niềm đau qua ngày dường chẳng vơi đi, mà lại trào dâng quay quắt dày vò trong con. "Cha đưa mẹ đón" liên tiếp chưa đầy năm làm con chơi vơi đau đớn, luôn phải tìm về quãng sống xưa để hoài niệm một thời còn cha còn mẹ, mong khoả lấp khoảng trống chông chênh khi vĩnh viễn chẳng còn được "non cao nước nguồn" che chở.

LỘNG CHƯƠNG TRÊN MỘT QUÃNG ĐƯỜNG TỈNH THANH(*)

 Mai Bình(**)
Ông Mai Bình (đứng thứ hai từ phải sang) - một lãnh đạo ngành
Văn hóa Thanh Hóa, ông Huy Lý (ngoài cùng bên phải)
Đoàn trưởng Đoàn Chèo Thanh Hóa

Tôi và anh có quan hệ với nhau trong tình nghệ sĩ, là bạn bè tâm đắc nhưng lại cũng như anh em trong một gia đình. Nói là bạn, nhưng thực ra, anh coi tôi là bạn tri kỉ vong niên, mặc dù tôi kém anh gần chục tuổi đời và anh đã là người nghệ sĩ sáng danh trước khi tôi nhập hội. Trình độ nghề nghiệp và kiến thức ở một số mặt anh vượt hơn tôi. Nói như anh em trong một gia đình vì niềm vui nỗi buồn trong gia đình, chúng tôi thường thông báo, chia sẻ, tâm sự cùng nhau. Chúng tôi thường ăn ý nhau trong việc đối nhân xử thế hay nhận xét những nhân vật sống quanh mình. Có cái nguyên cớ để tôi nhắc lại một đôi điều về nghệ sĩ Lộng Chương với cái nghiệp sân khấu trên một quãng đường ở cái xứ Thanh này. Chuyện thì nhiều nhưng hôm nay, sự nhớ của tôi đâu còn tươi tỉnh minh mẫn như cái lúc đang xoan?

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

CỨ THẾ THU ĐẾN. CỨ VẬY THU ĐI!(*)

         
Cây cơm nguội vàng
  Tản văn

           Thu đã về trong gió heo heo. Thu của ai? Hay thu của tôi? Thu của tôi -  thu của những giao cảm đan xen trong gió và nắng. Xưa, cái tuổi còn ngơ ngơ, ngố ngố. Thu tới là mùa của những đêm trăng rằm có chị Hằng xinh đẹp ngồi gốc cây đa. Có chú cuội mải chơi để trâu ăn lúa. Có bánh dẻo ngạt thơm mùi nếp mới. Có bánh nướng ngầy ngậy nhân mỡ cùng ngan ngát hương lá chanh xanh. Có chiếc đèn ông sao năm cánh để cầm chơi chạy rong khắp phố. Có múi bưởi chua mẹ chia chỉ dám nhấm nháp từng con tép nhỏ. Có mâm cỗ xanh đỏ bày dưới ánh trăng thanh. Có cả lúc xúm quanh mẹ hiền, say mê ngắm nghía chú thỏ, chú chó bông sinh ra từ bàn tay của mẹ, bằng những múi bưởi tẽ ra… Nhiều, nhiều lắm chẳng thể kể xiết.

NGHỈ HÈ(*)

Tản văn
     Hoa gạo và hoa xoan tây khi vào hè đã khơi gợi sự thắc thỏm, sự hồi hộp, sự lo âu trong lòng những học sinh lớn tuổi; do họ phải nghĩ đến những ngày thi cử, những ngày sẽ phải chia tay bạn bè mỗi người một ngả.
         Còn đối với lũ trẻ con bé xíu, những ngày vào hè không có nỗi lo âu như thế; cũng không có sự chia tay bạn bè để làm cho lòng se se buồn.
Vào hè với tôi thuở còn bé xíu, khi còn là cậu học trò lớp tư, khi hoa gạo và hoa xoan tây càng nở đỏ bao nhiêu, thì sự vui mừng, khấp khởi trong lòng càng rộn rã bấy nhiêu. Những ngày dài được nghỉ học, được tự do nhảy nhót, và có thể còn được đi chơi xa, đã hiện lên trong tâm trí tôi bao điều sung sướng.

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

NHỚ MỘT NGƯỜI THÀY ĐÃ "ĐI XA"...

Nguyên Bí thư Đảng ủy Trường ĐHBK Hà Nội
Bùi Nguyên Cát cùng tác giả bài báo
Thưa Thày!
Giờ Thày đã “đi xa”. Rất xa. Chẳng bao giờ con còn được đến để sà vào vòng tay ấm áp, chở che; chẳng còn được áp má vào lồng ngực, nơi có tiếng đập con tim luôn thổn thức, đau đáu với những ngổn ngang nhân tình thế thái của Thày nữa, Thày ơi!
Còn nhớ một lần, trước khoảng một năm ngày Thày “đi xa”, con đến thăm Thày. Con thực sự ngỡ ngàng trước sắc mặt tái xạm của Thày. Trong con trào lên nỗi đau khó tả. Cha con - nhà viết kịch Lộng Chương, khi đó vừa “khuất núi”.
        Nay lại thấy Thày trong thể trạng như vậy, trong con xuất hiện một nỗi lo lắng mơ hồ. Một ngày nào đó, có thể rất gần thôi, Thày cũng sẽ “đi xa”; sẽ gặp lại cha con nơi chín suối…

TÔI NHỚ(*)

                                                                                                   Hà Khang
Viết những kỉ niệm về chặng đường hoạt động của Nhà nghệ sĩ lão thành Lộng Chương ở Thanh Hóa này thì biết viết sao cho hết, cho đủ. Vì ông đã để lại cho sân khấu Thanh Hóa bao nhiêu là việc tốt điều lành. Cánh nghệ sĩ địa phương chúng tôi đã tôn ông là một người anh lớn, người anh vừa có uy rộng lại có tình sâu.
Lộng Chương (đứng giữa, cạnh cô gái tết tóc đuôi sam)
dịp Đoàn Kịch nói Thanh Hóa ra mắt

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

A NÀNG(*)

Trường Lưu
Lộng Chương - 1960 (Là năm
Lộng Chương sáng tác và cho ra mắt Quẫn và A Nàng) 
      Lâu nay kịch thơ được trình diễn trên sân khấu đã rất ít, kịch thơ in thành sách văn học lại càng ít hơn. A Nàng(**) của Lộng Chương được xuất bản gần đây là một kịch thơ đã được “thử thách” trên sân khấu, dưới hình thức chuyển thể thành cải lương.
      A Nàng là một câu chuyện truyền thuyết của dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình. Lâu ngày quên dần, câu chuyện còn lại trở thành sơ lược, nhưng tên A Nàng vẫn dính liền trong trí nhớ mọi người. Lộng Chương đã dựa vào cốt truyện đó, đi sâu, tìm hiểu đời sống của dân tộc Mường để viết kịch thơ.

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

CÁI GHẾ(*)

                               Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
Thị huỳnh huỵch nện gót lên cầu thang. Từng bước một, Thị đặt mạnh chân, chắc chắn, tự tin. Thế là Thị  đã ngồi được vào cái ghế Trưởng phòng. Cảm giác thoả mãn đang ngập tràn trong Thị. Thế cân bằng giữa hai đối thủ đã bị phá vỡ. Bị nâng bổng lên ở  đầu đối diện với Thị, trên cái bập bênh bầu bán lần này là hắn, một gã "khu chớ" chính cống. Sức nặng đã nghiêng hẳn về Thị.
          Thị và gã, hai kẻ thật khác nhau.
          Hắn điển hình cho một mẫu người khác lạ. Một kẻ bị lai căng khuôn dạng và lối sống của hai miền đất nước. Cảnh nghèo khốn khó của một vùng chó ăn đá gà ăn sỏi tạo cho hắn cách nghiến kèn kẹt hai hàm răng khi nói, thể hiện cuộc sống quá đỗi gian truân. Đến cả một câu nói cũng muốn tiết kiệm năng lượng bằng sự hạn chế luồng hơi từ trong họng hắt ra. Cái nắng nóng thiêu đốt của "khúc ruột" miền Trung còn in đậm trên dáng hình khô khốc và làn da đen se sắt của hắn. Để lấp đi những khiếm khuyết thiên bẩm ấy, hắn cố tạo một dáng đi khệnh khạng, nghênh nghênh; với điệu bộ kênh kiệu, phớt đời như kiểu anh trí thức Bắc Hà cái thuở xa lắc ngày xưa.

MỘ TỔ(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
            
Họ Phan to nhất làng Văn. Là một trong hai họ có công khai phá lập làng cách đây hơn hai trăm năm. Ấy nhưng, dễ đã ba đời nay, họ Phan bị lép vế trước họ Trần nhỏ bé. Thành thử trong tâm trí người họ Phan luôn luôn có sự ấm ức.
          Từ hôm anh Khai lên giữ chân trưởng tộc họ Phan, xem ra rất máu me tìm mưu tính kế để dần dần giành thế thắng cho họ. Anh còn rất trẻ. Tuổi chưa đầy ba mươi. Cao to. Trường sức. Trình độ không được đại học thì cũng có cái bằng phổ thông trung học, và từng đi khắp đó đây. Lại thêm ưu điểm nổi bật là nhậy bén trước thời thế, với tính quyết đoán cao. Nên mọi người đều đặt niềm hy vọng và ra sức ủng hộ anh, để đưa họ Phan vượt lên.

Hoài I... (*)

Đêm kịch nội bộ,
sau đợt Văn nghệ sĩ Liên khu III học tập “cải tạo tư tưởng”
 tại Đông Môn, thành Tây Đô, Thanh Hóa. 1951.

                            Hồn lạnh hoang sơ lộng gió lùa
                            Xa rồi lũy ải nếp thành xưa!
                            “Vàng”(2) reo lỡ điệu trau mày lệ
                           “Đường” loạn “Kim” hài lạc hướng mơ!

                            Đêm hội Thiên Thai lửa dị kỳ
                            Mắt ngời suối thẳm đổ hàng mi
                            Nét hoa ngưng đọng lời xao "Xuyến"
                            Đôi lứa nghiêng sầu mưa biệt ly!

                            Tiền thân diễm lệ chuyện Tây Sương
                            Ngọc chuốt “Thôi-Oanh” đẹp dị thường
                            Luân hồi hò hẹn đêm giao cảm
                            Mây tóc vương tình trao phấn “Hương”.

                            Phấn hương nào thắm Trác Văn Quân
                            Rèm hoa xiêm lả tóc buông trần
                            Phím tơ Tư Mã tròn đêm mộng
                            Ngõ hạnh cầm ca trăng ái ân!

                            Tặng ngọc ai cầm một thuở xa
                            Khi lời mắt ngỏ ý phong ba
                            Hợp hoan đâu kể niềm ly cách
                            Ta của Em rồi, Em của ta…(3)
Nửa tháng 2 - 1951
Nhớ đêm “Màn cửa vàng”, Giải phóng biên giới.

(1)  Có nghĩa là: Nỗi nhớ nhung; Thơ “Ta-Bạn &Đời, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
(2)  Những từ trong ngoặc kép là tên gọi tắt của vở kịch và tên các nhân vật trong kịch.
(3)  Có nghĩa: Sân khấu như thể duyên nghiệp buộc tác giả (BT chú thích)

CỬA MỞ HÉ(*)

(Đoàn kịch Hải Phòng diễn)
Lê Hoàng   
      …Cửa mở hé là vở hài kịch thứ hai của Lộng Chương (sau Quẫn, đã gây được tiếng vang một thời). Với sở trường sẵn có, Lộng Chương đã dùng tiếng cười để chích vào cái ung nhọt ngụy quyền miền Nam, cố gắng phơi trần sự thối rữa của nó. Không giống cái cười trong Quẫn, cái cười ở đây không phải là cười sặc sụa, cười “liên hồi” mà chỉ rộ lên từng cơn rồi lại chìm vào sự chua chát, mỉa mai. Thông qua một gia đình miền Bắc di cư sống giữa đô thành Sài Gòn đang phân hóa kịch liệt, tác giả có ý muốn miêu tả sự bế tắc, suy sụp của xã hội miền Nam và xu thế đi lên của lịch sử, ưu thắng của chân lý.
        Giáo sư Tòng, một trí thức có danh vọng, vốn theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, một mặt không tán thành cách mạng, một mặt cũng không công nhận sự  thâm nhập trắng trợn của đế quốc Mỹ vào miền Nam. Theo ông, sự thâm nhập đó đã phá hoại mọi giá trị tinh thần, đã gây vết nhơ trên tâm hồn dân tộc.

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

NHỮNG TRỤ CẦU VỮNG CHẮC(*)

 (Tiếp theo và hết)
Ảnh minh họa
ĐOẠN BỐN

            Trở lại cảnh ĐOẠN MỘT: Hầm bám trụ của Ban chỉ huy Đội cầu ở ngay đầu mố cầu A.
            Ánh sáng trở lại: Trời tối đã lâu.
            Từng đợt oanh kích với tiếng bom đạn nổ chói tai và tiếng máy bay địch lượn vòng điên loạn.
            Ánh lửa bom lóe cao tứ phía, hắt từng luồng sáng chập chờn vào hầm.
            Vũ Thắng đứng ở cửa hầm, lặng lẽ giữa sự xáo động chung quanh. Vũ Thắng định quay vào hầm thì chị Hiền gánh nước tới.