8. “Con tinh” của sân khấu!(*)

“Con tinh của sân khấu!” - đó là câu nói mà Lộng Chương - người thày đầu tiên của tôi, đã dùng ngón tay chỏ, thân mật dí vào trán tôi và thốt lên, sau khi tôi thể hiện thành công vai cô Cúc - một nữ du kích trong vở Du kích thôn Đồi. Lộng Chương chính là tác giả của vở kịch này; trong vở, ông cũng là nam diễn viên đóng đôi với tôi - vai nam du kích tên là Kỳ.
Bà Hà Nhân - Nguyên Cục trưởng
Cục NTBD, Người sáng lập và là Giám đốc
đều tiên của Nhà hát Tuổi trẻ

Thực ra, không phải ngay từ những ngày mới bước chân về Đoàn kịch, tôi đã coi Lộng Chương là người thày đầu tiên trong “nghiệp phấn son” của mình, cho dù tôi luôn trân trọng và nể phục ông. Tôi trân trọng, nể phục ông chỉ là bởi, sau một thời gian về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu III, tôi được biết nhiều về con người tài năng, hoạt bát, có biệt tài thuyết phục mọi người này. Đặc biệt, Lộng Chương thật điển trai, cư xử rất “nam tính”, song ông lại giữ được sự nghiêm túc trong quan hệ nam nữ. Ông chính là người đã thuyết phục được cha mẹ của hai cô gái gốc tỉnh thành đến Đoàn kịch thử vai diễn trước khi tôi về Đoàn; nhưng họ đã không thành công, không đáp ứng được yêu cầu nghề diễn, và lại cũng không nghiêm túc khi luyện tập. Chuyện coi Lộng Chương là “thày nghề” thì dài lắm, tôi sẽ kể ở phần sau.
            Lại nói về vở kịch đầu tiên tôi nhập vai, vở Du kích thôn Đồi của Lộng Chương…
            … Có một chi tiết khá buồn cười trong lần đầu tập vở Du kích thôn Đồi mà tôi chẳng bao giờ quên được. Đó là cảnh đôi nam nữ du kích thể hiện tình cảm lúc gặp nhau. Đáng ra, khi gặp và chuyện trò cùng anh du kích Kỳ, cô Cúc thỉnh thoảng phải đưa mắt âu yếm nhìn người yêu. Thế nhưng, có thể do tôi còn cái tâm lý “hậm hực” khi phải về công tác tại Đoàn, cũng có thể là do tôi chưa quen diễn xuất nên ngượng nghịu; vậy là cái đưa mắt âu yếm người yêu của tôi biến thành một kiểu liếc xéo như lườm nguýt, khiến Lộng Chương nổi cáu. Đang trong lúc tập, ông to giọng quát: “Cô diễn cái kiểu gì đấy hả? Cô lườm nguýt tôi đấy à?”. Bản tính của tôi là, đã định làm gì thì quyết làm cho bằng được. Cho nên, dù bị Lộng Chương quát, tôi cũng cố dẹp tự ái cá nhân lại, tiếp tục thể hiện một hành động mà mình chưa bao giờ làm trong cuộc đời thực. Và tôi đã liếc mắt thật tình tứ với người yêu - nhân vật nam du kích, do đích thân Lộng Chương vào vai. Ông vô cùng thích thú với ánh mắt tôi thể hiện thành công trong vai cô du kích Cúc xinh đẹp. Và ông đã thân mật dí ngón tay vào trán tôi, nói: “Đây chính là “Con tinh” của sân khấu!”…
         … Tôi muốn trở lại nói về người đầu tiên hướng dẫn tôi vào vai diễn kịch - Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương. Như trên đã nói, cho dù tôi rất trân trọng và kính nể ông, nhưng thực tâm khi đó, trong suốt một thời gian dài đến mấy năm, tôi vẫn chưa thực sự coi ông là “thày”. Tôi cũng không thể hiểu là vì sao. Cho đến tận khi tôi được cử đi học đạo diễn ở Liên Xô thì mới có sự chuyển đổi nhận thức của mình về Lộng Chương. Đó là cái lần tôi (cùng Nguyễn Văn Chiêu và Vũ Đình Phòng) diễn thử một trích đoạn trong vở Bức ảnh (tác giả Nguyễn Văn Niêm), báo cáo trước vị giáo sư người Nga - Andrey Alexander Goncharov. Ông có hỏi tôi: Ai đã dạy chị như vậy? Tôi nói đó là một nghệ sĩ người Việt Nam, tên là Lộng Chương. Ông ồ lên một tiếng thán phục và giảng giải với tôi rằng: “Đấy là nghệ thuật sân khấu Stanilapxki (Nghệ sĩ, Nhà lý luận sân khấu nổi tiếng, đại diện cho một trường phái). Diễn viên, trên cơ sở kịch bản, luôn thể hiện được tính tư tưởng cao và chiều sâu nội tâm nhân vật qua cách thể hiện bằng ngôn ngữ, hành động và hình thể của mình. Nói cách khác, theo Stanilapxki, chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật sân khấu chính là mối liên hệ hữu cơ giữa vở diễn và cuộc sống, giữa sân khấu và hiện thực - cuộc đấu tranh cho một xã hội tương lai của nó phải được miêu tả qua mối quan hệ giữa con người và sự kiện điển hình trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Người thày Việt Nam đã nghiên cứu và làm quen với nghệ thuật Stanilapxki như thế nào mà dạy chị diễn được như vậy thì thật là giỏi, giỏi lắm!”.
Được học tập nghề nghiệp tại một trường đại học lớn của một đất nước vĩ đại, lại được nghe ông thày Nga nói thế, ngẫm kỹ mới thấy rõ ràng Lộng Chương là một người rất am tường nghệ thuật Stanilapxki. Ngay lập tức tôi khẳng định rằng, Lộng Chương chính là người thày đầu tiên hướng dẫn, khơi gợi, đưa tôi tiếp cận và tiếp thu nhanh chóng kiến thức nghệ thuật Stanilapxki từ những năm 1951-1952. Phải chăng ông đã tiếp nhận trường phái Stanilapxki từ cái thời còn là học sinh trường Bưởi. Nhưng ai là thày dạy ông? Hay sách vở nào đã hướng dẫn ông, khi mà ở Việt Nam lúc đó chưa có tài liệu hướng dẫn về trường phái nghệ thuật này?... Dù học từ đâu, thì rõ ràng Lộng Chương đã tỏ ra là người đến rất sớm với trường phái này, trong khi nền kịch nghệ nước nhà còn rất non trẻ!
Đầu đuôi câu chuyện là thế. Rồi tôi còn nghĩ, việc mình gắn bó, say mê với “duyên nghiệp” sân khấu, rõ ràng có sự giúp sức, động viên rất nhiều của Lộng Chương.
Khi đã định hình chắc chắn sân khấu là con đường đi tới của mình, tôi luôn nhớ về một kỷ niệm ban đầu, sau lần ra mắt thành công vở Du kích thôn Đồi, Lộng Chương đã lập tức có cái nhìn chuẩn xác, nói tôi là: “Con tinh” của sân khấu! Tôi mãi mãi tự hào và vô cùng cảm ơn ông!
Còn một kỷ niệm nữa với Lộng Chương giai đoạn sau này là: Khi tôi đang đắn đo có nhận (hay không) quyết định về làm Phó Cục trưởng Cục Biểu diễn nghệ thuật, Lộng Chương với tác phong rất gia trưởng (tất nhiên là trước những người ông quý mến thôi), đã đập bàn quát: “Cô phải nhận đi! Cô là người am hiểu nghệ thuật và đã làm nghề lâu năm. Anh em rất cần những người như cô ngồi vào cái “ghế quyền lực” ấy, để giúp họ cho ra đời được sáng tác đích thực của mình. Chứ, để mấy “cái kẻ ù ù cạc cạc” duyệt vở thì… vứt hết!!!”.
Hành động ấy cùng câu nói thể hiện sự tin tưởng của ông đối với tôi, đã tác động khá nhiều trong quyết định nhận chức Phó Cục trưởng Cục Biểu diễn nghệ thuật của tôi.
Bà Hà Nhân thắp hương tại Lễ 100 ngày mất NVK Lộng Chương
… Thật tiếc, khi tôi đang có những hồi ức đẹp đẽ về người nghệ sĩ lớn của sân khấu Việt Nam với cô con gái út ít này của ông (Người ghi sách) thì, ông đã “đi xa, rất xa” mất rồi. Thôi thì, với ông, tôi chỉ còn biết nói: “Thác là thể phách, còn là tinh anh!”. Chắc chắn, tôi sẽ mãi mang theo những kỷ niệm đẹp về người thày sân khấu đầu tiên ấy của mình - thày Lộng Chương, cho đến khi được về cõi cửu tuyền. Hẳn rằng, ở chốn ấy, tôi sẽ tìm gặp ông!”.
  
(*) Trích Hồi ký “Hà Nhân - Một thời đáng nhớ” - Nxb Hội Nhà văn, 2011(PHT ghi)


1 nhận xét:

Unknown nói...

chúng tôi cung cấp đèn sân khấu, ánh sáng sân khấu, giá rẻ, bảo hành uy tín

Đăng nhận xét