5. Thương tiếc Nhà viết kịch lão thành Lộng Chương(*)

             Nhà viết kịch Lộng Chương tên khai sinh là Phạm Văn Hiền. Ông là tác giả lớn của nền sân khấu cách mạng Việt Nam, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Hơn nửa thế kỷ sáng tạo, ông đã có hơn 130 tác phẩm sân khấu; trong đó có nhiều vở đã trở thành kinh điển, hàng trăm bài viết về sân khấu và nhiều tài liệu có giá trị học thuật khác, đóng góp không nhỏ vào chuyên ngành Sân khấu Việt Nam. Ông là người có công lớn trong việc xây dựng nền Sân khấu Việt Nam đương đại.
NVK Lộng Chương (1998)
Lộng Chương tham gia hoạt động sân khấu rất sớm. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là người khởi xướng, thành lập Đoàn Văn công Liên khu III. Hòa bình lập lại, ông cùng các đồng nghiệp như: Hà Văn Cầu, Ngọc Đĩnh, Nguyễn Văn Niêm, Việt Hồ, Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Hàm… thành lập Đoàn kịch nói Mùa Thu và Đoàn Chèo Cổ Phong, cùng tham gia cộng tác với Đoàn kịch Trung ương.
Ông là người tâm huyết với phong trào văn hóa quần chúng, nhất là phong trào văn hóa văn nghệ ở Thủ đô. Ông thành lập Đoàn kịch Thanh niên Hà Nội và Đoàn kịch Công nhân Hà Nội. Ông đi vào từng nhà máy, xí nghiệp, trường học… để tìm kiếm, phát hiện và lựa chọn người có năng khiếu vào hai đoàn kịch nói trên. Phần lớn trong số người được ông dìu dắt đã trở thành sinh viên Khóa 1 Trường Sân khấu và khi ra trường, họ đã là lứa diễn viên trụ cột của Đoàn kịch Trung ương và Hà Nội như Trần Tiến, Lê Mai, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Ngọc Hiền, Mỹ Dung, Minh Ngọc, Trần Hạnh… Khóa 1 Điện ảnh và Khóa 1 Sân khấu đã đào tạo được một lớp diễn viên xuất sắc của nền sân khấu và điện ảnh Việt Nam.


Nói đến hoạt động phong trào văn hóa quần chúng của Hà Nội là nói đến hai tên tuổi say sưa làm việc và say sưa phục vụ, mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì, đó là Lộng Chương với phong trào sân khấu không chuyên của Thủ đô và họa sĩ Phạm Viết Song với phong trào hội họa công nhân viên chức Thủ đô.

NVK Lộng Chương (ngồi ghế chính giữa) với
Đoàn kịch Công Nhân Hà Nội

Cùng với nhiều bạn nghề, Lộng Chương là người tích cực đứng ra vận động thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (5-1957).
Đối với hoạt động sân khấu chuyên nghiệp, ông như một người anh cả. Những soạn giả sân khấu tên tuổi cũng như những nghệ sĩ nổi tiếng ở các đoàn kịch trung ương và địa phương đều là bạn của ông. Họ đến với ông và ông đến với họ như anh em ruột thịt. Phần lớn cuộc đời ông giành cho sân khấu.

NVK Lộng Chương cùng bạn bè và học trò

Trong hàng trăm tác phẩm sân khấu do ông sáng tạo, nhiều vở đã trở thành kinh điển, đi vào giáo án của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Có thể kể những tác phẩm tiêu biểu: Kịch thơ
A Nàng, Hỏi vợ, Trở nồm, Cánh chim bằng, Lý Thới, Chiến đấu trong lòng địch, Đoàn quân tóc trắng, Lá thư chưa gửi, Quẫn, Cửa mở hé… Vở hài kịch Quẫn ra mắt công chúng Thủ đô năm 1960 chủ đề về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; liên tục được diễn suốt 30 năm từ 1960 đến 1990, đã có tới 1.500 buổi biểu diễn - mà đêm nào khán giả cũng náo nức, hể hả khi màn nhung khép lại. Nhiều thế hệ diễn viên kế tiếp nhau, từ nghệ sĩ Song Kim thủ vai bà Đại Lợi đến lớp kế tiếp Tuyết Mai thay thế, những người đã từng đóng các vai trong vở Quẫn, sau này đều là những nghệ sĩ nổi tiếng. Đối với họ, được tham gia diễn Quẫn là một niềm tự hào trong đời làm nghề, là một kỷ niệm không bao giờ quên. Tiếp đó là vở hài kịch Cửa mở hé, như là hậu Quẫn, do Đoàn kịch Hải Phòng dàn dựng, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong công chúng và giới sân khấu.

NVK Lộng Chương dự 

Hội nghị về Sân khấu tại Liên Xô (1975




Học trò Trọng Kỳ (người cầm cặp) và Công Quý, Mai Anh (diễn viên
Đoàn kịch Công Nhân Hà Nội) tiễn Lộng Chương đi Liên Xô


Vào những năm 60 của thế kỷ trước, kịch bản Quẫn đã được chọn in trong tập “Kịch Việt Nam”, dịch và xuất bản ở Liên Xô. Quẫn được các nhà hoạt động sân khấu nước bạn đón nhận và đánh giá cao. Ở khía cạnh nào trong hoạt động sân khấu, Lộng Chương cũng để lại những ấn tượng đậm nét. Trong thời kỳ kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, ông được Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ viết kịch bản và dàn dựng kịch truyền thanh, mỗi tuần một vở, thời lượng 30 phút trên sóng của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Chương trình kéo dài gần hai mươi năm cùng với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Nhiều vở đã trở thành câu chuyện truyền khẩu ở các đơn vị quân đội. 
Lộng Chương sống giản dị, bao dung, nhân ái và quý trọng tài năng. Ông như người anh lớn trong đại gia đình sân khấu. Ông đã qua đời vào 13 giờ 54 phút ngày 26.6.2003, hưởng thọ 87 tuổi.
Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động sân khấu, Nhà viết kịch Lộng Chương là tấm gương tiêu biểu cho sự phấn đấu, học tập, nghiên cứu và cống hiến không biết mệt mỏi; từ một công chức nhỏ thời Pháp thuộc đi theo kháng chiến, trở thành một Kịch tác gia lớn của nền Sân khấu Cách mạng Việt Nam đương đại. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng công chúng và đồng nghiệp.
                                                                                                          Đinh Quang Tỉnh
________________
(*) Báo Nhân dân - 29.6.2003; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét