11. Điếu văn Nhà viết Kịch lão thành Lộng Chương(*)

NSND Nguyễn Trọng Khôi, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam
                                           đọc tại Lễ truy điệu

Thưa Quý vị, Thưa các bạn đồng nghiệp, Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây, trong giờ phút thiêng liêng và đau xót này để vĩnh biệt một Cây đại thụ của nền Sân khấu Việt Nam; vĩnh biệt một Nhà viết kịch lỗi lạc, một Đạo diễn đầy tâm huyết, Người thày lớn của rất nhiều thế hệ diễn viên;… vĩnh biệt một người Nghệ sĩ, Nghệ sĩ với đúng nghĩa cao quý của danh từ này: Nghệ sĩ Lộng Chương! 
NSND Trọng Khôi - Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam
                        đọc điếu văn Nhà viết kịch Lộng Chương
    Nghệ sĩ, Nhà viết Kịch Lộng Chương tên khai sinh là Phạm Văn Hiền, sinh ngày 05 tháng 02 năm 1918 tại thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông đã từng sống ở Hàng Bạc - Hà Nội, đã từng là một viên chức nhà nước thời Tây, nhưng ông không theo nghề kim hoàn, cũng chẳng thiết tha với công việc của một viên chức “sáng vác ô đi, tối vác về”; mà ông âm thầm, bướng bỉnh theo cái nghiệp văn chương, nghệ thuật - cái nghiệp khó khăn, khắc nghiệt đã dằn vặt ông suốt cả kiếp đời như một định mệnh. Bút danh Lộng Chương với khối văn chương trào lộng, như câu đối của Giáo sư, Nhà Nghiên cứu Sân khấu Hà Văn Cầu - người bạn vong niên của ông, người tự nhận là học trò của ông, đề tặng: “Trọn một đời lấy bút làm gươm, nhếch mép nên câu trào lộng - Trải mấy độ coi trò như bạn, dắt tay theo nghiệp văn chương” đã nói lên tất cả. Bằng một lối văn trào lộng, Nhà viết Kịch Lộng Chương đã cười giễu vào mọi thói hư tật xấu ở đời, đã phê phán không thương tiếc những kẻ ăn trên ngồi chốc, những kẻ sống trên mồ hôi nước mắt của người lương thiện. Nhưng cũng cái ngòi bút sắc xảo ấy, ông lại dồn hết lòng yêu thương nhân ái cho những kẻ thiệt thòi, những kiếp người đói khổ. Hàng loạt tác phẩm sân khấu của ông ra đời như Quẫn; Cửa mở hé, Lý Thới, Đòi con, Đoàn quân tóc trắng, Hỏi vợ, A Nàng, Tình sử Loa thành, Đôi ngọc lưu ly,… và biết bao nhiêu tác phẩm nữa viết cho Đài Phát thanh, viết về những phong trào sản xuất và đấu tranh giải phóng đất nước… Viết ký tên ông và viết… mang tên những người khác(!). Những tác phẩm của ông một thời đã làm rạng rỡ cho sân khấu, là sinh mệnh của biết bao nhiêu đoàn nghệ thuật, là miếng cơm manh áo cho biết bao nhiêu con người. “Quẫn” là một trong những vở diễn lớn của ông với số lượng hàng ngàn đêm diễn, trải mấy chục năm trời, làm rạng danh cho Đoàn Kịch nói Trung ương, nay là Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở diễn đã làm sáng rực bao tên tuổi nghệ sĩ, diễn viên. Vở diễn đã trở thành kinh điển, trở thành niềm mơ ước của các tác giả và đạo diễn hôm nay. Các nhà nghiên cứu sân khấu rồi đây sẽ lúng túng khi xác định khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông, sức sáng tạo khổng lồ không mệt mỏi của ông. Bởi ông không chỉ ký thác đời mình vào khối lượng tác phẩm riêng, mà còn chia gửi những ý tưởng lớn cho mọi người, cả trong những tác phẩm của nhiều người viết kịch đến thụ giáo ông. Ngôi nhà 47 Hàm Long - Hà Nội, nơi ông trú ngụ đã trở thành ngôi nhà của một Mạnh Thường Quân, một Tụ Nghĩa Đường cho những bạn đồng nghiệp, những tác giả, đạo diễn, cả những người chơi kịch nghiệp dư, lui tới để nhờ ông giúp đỡ, để mong ông dạy bảo, để được thụ giáo ở ông dăm bảy “miếng nghề”. Có một học trò của ông đã nói rằng: “Chỉ tính cái số nước sôi của chị Lộng Chương đun để tiếp khách trong ngần ấy năm trời cũng để anh Lộng Chương xây cái nhà mấy tầng…” Nhưng ông đã không xây nhà tầng, mà vẫn ngạo nghễ ngồi uống rượu trong một ngôi nhà cổ, cũ kỹ, để dành tất cả cái vốn liếng tiền nong ít ỏi, cả bần hàn, đem sẻ chia cùng bạn hữu, cùng những người đến với ông. Nghệ sĩ - Nhà viết Kịch Lộng Chương không có trường lớp, không đứng trên bục giảng, nhưng những người trẻ tuổi đến nhà chỉ mong được gọi ông bằng Thầy, chỉ ao ước được là người trò nhỏ của ông. Học trò của ông đủ mọi thành phần: những người thầy thuốc, những kỹ sư, những sinh viên, những công nhân và nông dân, trải khắp đất nước, từ các thành phố lớn đến những vùng heo hút thưa người. Học trò của ông, ngày nay nhiều người đã có tên tuổi tiếng tăm lừng lẫy, nhiều người giữ trọng trách của Sân khấu từ Trung ương đến các địa phương trong nước. Tất cả vẫn nhớ ông, vẫn dành cho ông những niềm yêu thương, kính trọng. Vì ông - Người thầy lớn đã dạy cho họ một nghề nghiệp, một nhân cách sống, để cố gắng gánh vác cái sân khấu ngổn ngang, gian khó, cay đắng, nhưng cũng đầy vinh quang này. Ông là người luôn khao khát và luôn cống hiến hết sức mình cho sân khấu dân tộc. Hầu như suốt cả cuộc đời, ông chỉ đau đáu một điều: làm được cái gì đó cho sân khấu! Ông đã cùng các bạn Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Hà Văn Cầu… tiến hành cuộc vận động thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; đến hôm nay trở thành một Hội lớn mạnh với hàng ngàn hội viên trong cùng mái nhà ấm cúng, để cùng ghé vai gánh vác nhiệm vụ của sân khấu bây giờ. Ông cũng đã cùng các bạn lập nên Đoàn Chèo Cổ Phong, Đoàn Kịch Mùa Thu, Đoàn Kịch Công nhân, Đoàn Kịch Thanh niên Hà Nội,… để cho đến giờ trở thành Nhà hát Chèo Hà Nội lẫy lừng, tiếng tăm… Vĩnh biệt ông, giới sân khấu luôn nhớ về ông, một con người tâm huyết, một tấm lòng trăn trở với cuộc đời, một tâm hồn yêu thương nâng niu đồng nghiệp; vẫn nhớ về ông, một tài năng lớn, một nhân cách lớn, một người Anh, một người Thày lớn. Nghệ sĩ, Nhà viết kịch Lộng Chương đã nhận nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập, Huân chương Kháng chiến… và bao nhiêu giải thưởng khác. Nhưng có một giải thưởng lớn nhất là: Trong lòng những người làm sân khấu luôn đậm nét một ký ức về ông, không quên được ông, mãi mãi ông là một người đồng hành, người dìu dắt trên những bước đường nghệ thuật. Thưa quý vị, thưa các bạn đồng nghiệp… Hôm nay, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tiễn đưa Nghệ sĩ, Nhà viết Kịch lão thành Lộng Chương về nơi vĩnh hằng. Cho phép tôi thay mặt những người học trò của ông, bày tỏ sự tiếc thương vô hạn đối với một người Thày lớn. Thầy ơi! Vẫn biết sự sống của kiếp người là có hạn, vẫn biết sẽ có một ngày phải chia tay vĩnh viễn với Thầy, nhưng lúc này đứng ở đây, bên linh cữu Thầy, những học trò của Thầy sao mà đau đớn vậy? Thầy đã ra đi thật rồi, mới đó thôi đã thành người thiên cổ! Xin thay mặt những người làm nghề, những học trò của Thầy, gửi đến những người thân trong gia đình Thầy, gửi đến các bác, các anh, các chị, các em lời chia buồn, thương tiếc nhất của toàn thể những người làm sân khấu. Xin Thầy hãy yên lòng ra đi. Những bạn bè và những học trò của Thầy sẽ tiếp tục công việc của Thầy đang còn dang dở. Một lần nữa… xin vĩnh biệt thầy! 
NSND Trọng Khôi - Tổng thư ký Hội NSSK VN thắp hương 
              tại Lễ 100 ngày mất Nhà viết kịch Lộng Chương













NSND - Đạo diễn Doãn Hoàng Giang (áo đen) và Nhà văn Ngô Thảo thắp hương tại 
Lễ 100 ngày mất Nhà viết kịch Lộng Chương

Nhiếp ảnh gia Thành Hưng thắp hương tại Lễ 100 ngày mất 
         Nhà viết kịch Lộng Chương

















(*) - Sách: Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường, NXB Sân khấu, 2003; 
     - Lộng Chương trong trái tim bè bạn, NXB Hội Nhà văn 2013.  
























































NSND Trọng Khôi - Tổng thư ký Hội NSSK VN thắp hương 
              tại Lễ 100 ngày mất Nhà viết kịch Lộng Chương
























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét