Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

Vài suy nghĩ lan man ngày 24/12/2021

Bà Lộng Chương - Nguyễn Thị Quy
1940
Hồi mẹ còn trên thế gian này, có lần mình hỏi:

- Sao bố mẹ lại đặt tên con là Thắm?

- Tại đến lúc đó, tình cảm bố mẹ vẫn thắm thiết, nên...

- Thế nhỡ bố mẹ không đẻ thêm được thì sao?

Mẹ cười hiền...

Khi hỏi câu này, thì mình đã có cậu em rồi, nên chẳng qua là "vặn vẹo" mẹ chút để cười thôi...

Mẹ mình là vậy. Không mấy khi tranh luận, đối chất với bất kể ai. Phần thua thiệt (các kiểu) luôn nhận về mình.

Xưa, mẹ phải gánh trên vai một gia đình đông đúc, hàng chục đứa con, một ông chồng khó tính trong ẩm thực, một bà mẹ chồng nghiện rượu, chưa đến bữa đã "e hèm" đòi đồ nhắm... Và, hàng ngày, lại phải tiếp đón, mời cơm không ít bạn bè, học trò (từ muôn nơi) của chồng đến làm việc, "xin thày chỉ giáo nghề nghiệp", trong điều kiện nghèo nàn, ốm o của nền kinh tế đất nước giai đoạn chiến tranh; với cái gia sản được xây đắp bởi "chỉ nhõn" một ông chồng "cày cuốc" bằng ngòi bút trên những trang giấy đen ngòm nham nháp, hoặc viết tận dụng trên mặt sau của những bao chè, bao thuốc lá, những tem phiếu thực phẩm... thời bao cấp, mà lúc nào trên khuôn mặt mẹ cũng rạng ngời nét cười vui vẻ, hiền hậu... mới thấu hiểu sự VĨ ĐẠI của mẹ kinh khủng đến thế nào!

Nhiều lúc mình lẩn thẩn nghĩ: Cha được người đời tôn vinh như thế, ờ, cũng đúng. Vì Cha sống cực kỳ hết tâm, hết sức, hết lòng... với đời, với người, với nghề, với nghiệp...

Nhưng, chắc chắn, cái sự vẻ vang của Cha sẽ không có, nếu bên cạnh Cha, không có Mẹ...

Đúng như cụ Hà Văn Cầu - GS. Chèo, nói: "Không có bà Lộng Chương, thì không thể có Nhà viết kịch Lộng Chương"!

Viva bà mẹ VĨ ĐẠI của con!

Ông bà Lộng Chương - 1941

(Vài suy nghĩ lan man nhân ngày CHÚA ra đời)

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

CHUNG CƯ "DU KÝ"

 

Thực ra cũng chả “du” được đi đâu, chỉ là chạy từ tầng trên xuống mặt đất tầng 1, rồi lại cuống cẳng chạy lên tầng trên.

* Cô bé bán bưởi tầng cao hơn, alo: Cô ơi, cháu mang bưởi cho cô, nhưng cháu không vào hẳn tầng đâu, (nàng ấy sợ F0 ngay cạnh căn hộ của mình).

-         Ừ, thế cứ mang đến cửa thang máy, để đó cô ra lấy, rồi cô chuyển khoản.

-         Vâng cô.

Thế là tong tả vừa chạy ra cửa thang máy, vừa đeo vội 2 cái khẩu trang vào mẹt. Ra đến nơi, cô bé đứng lấp ló sau cánh cửa thang bộ. Bao tải bưởi thì đã đặt hẳn vào không gian của tầng mình ở. Nàng thấy mình, vẫy tay một cái, rồi biến thật nhanh. Suýt bật cười vì cái cách “hoạt động bí mật” ấy. Thực ra, mua đồ của nàng nhiều lần, nhưng mình cũng chả nhớ mặt nàng như nào. Lần nào cũng như đánh trận giả, vì dịch dã, mặt ai cũng kín như bưng…

Đến khi chuyển khoản, nàng ấy còn ưu ái mình về giá bán nữa chứ. Thật là…

·     *   Rồi nàng bán khẩu trang cùng tầng, lại cũng một/hai đòi biếu thêm. Mình thì chả thích nhận quà của các bạn ấy. Toàn những là một nách 2-3 con, làm gì có “xiền” nhiều mà cứ đòi biếu với chả xén. Nàng ấy đưa con về quê “lánh nạn”, cử chàng chồng chuyển hàng cho mọi người.

·       *  Hôm rồi, mấy con dao ta cùn ghê quá, mà dịch dã chả mang đi mài được. Nhà có đến dăm con dao Nhật để cắt sushi, tức dao rất sắc. Nhưng mình lại cứ thích mấy con dao ta xấu xí, vì cầm nhẹ tay. Thế là một chàng cùng tòa nhận mài hộ. Trong vòng một nốt nhạc, chàng mài dao nhờ chàng bảo vệ tòa mang lên tận phòng. Nghe mấy tiếng gõ cửa rất nhẹ. Ngó ra, người đã biến mất, dao còn ở lại…
Cầm con dao mới mài thái thịt, tay cứ như đang lướt… đi tận đẩu đâu ấy… hehe

Nhắn lời cảm ơn trong Group, chàng ấy đưa luôn 1 slogan rất vui, hehe...


       * Thôi thì, ở nơi chung cư dành cho người ít xiền, nhưng lại có rất nhiều cái khác. Cái khác ấy luôn làm ấm lòng người cư ngụ. Thế đó các pác ạ.
23/12/2021

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

Chuyện về cái băng dính ago xứ người

 Em bé đi bác sĩ để tiêm, về khoe cái băng dính xinh xinh, bắt mắt, có hình ngộ nghĩnh, được đính vào chỗ tiêm để bảo vệ. Mẹ bé kể, tiêm bé không hề khóc.

Nhớ lại gần năm trước, đưa bé đến BV lấy máu để kiểm tra sau sinh khoảng gần tháng. Mình ngồi chờ ở ngoài nghe tiếng bé khóc gắt. Chút sau, cô nhân viên y tế bế bé ra trả cho bà trong tình trạng bé khóc ngằn ngặt, mặt tím tái. Ôm lấy bé, mình nhìn cổ tay bé vẫn chảy máu. Không phải là có vết máu mà là máu đang chảy ra hẳn hoi, chỗ lấy máu. Và chính vì không có dính băng nên mới nhìn thấy.

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Lễ TRAO TẶNG SÁCH cho quê hương CHÂU KHÊ (22/1/2019)

 Tại Lễ trao tặng sách cho quê hương Châu Khê, gia đình Nhà viết kịch Lộng Chương đã chuyển giao 670 đầu sách, bao gồm 15 hộp, với nhiều lĩnh vực: Văn học, Khoa học kỹ thuật, Tôn giáo, Lịch sử, Từ điển, Tạp chí Xưa và Nay... Đặc biệt là các tác phẩm in sáng tác của Nhà viết kịch Lộng Chương.


Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Chuyện về những cái thẻ gắn chíp

Mình nhận được tin nhắn đến đổi thẻ gắn chíp miễn phí. Trước khi đi, mình tel hỏi Chi nhánh - nơi mình mở thẻ: Rằng, có đổi liên thông cho các thẻ khác Chi nhánh (cùng Ngân hàng) không? Bởi, thẻ của ông hàng xóm mình mở ở một Chi nhánh khác. Họ nói: Không. Vậy là mình đành chỉ đi đổi thẻ của chính mình.

Khi đến làm việc, mình lại cẩn thận hỏi: Vậy những thẻ từ còn hạn, mà không đổi thẻ chíp, thì còn dùng được không?

CHUYỆN NHẶT DỌC ĐƯỜNG (8)

Lần đầu tiên đi tacxi Grab, lái xe là nữ.

- Alo

- Em đang đứng đâu nhỉ?

- Tôi đang đứng…

- Chị đợi tí nhé. Em đang từ trong đường chính khu CC rẽ ra.

Số phận một tình yêu (*)

        Truyện ngắn Giang Trung Học

              Tôi gặp anh sau mấy năm thủ đô Hà Nội được giải phóng theo quy định của Hiệp nghị Giơnevơ. Chúng tôi học cùng lớp trong trường đại học. Tôi từ một trường nữ sinh tên tuổi bậc nhất Hà Nội được tuyển chọn vào. Anh ở lớp bổ túc văn hoá cấp tốc dành cho cán bộ kháng chiến và con em họ được gửi đến. Chúng tôi thực lòng yêu nhau vào giai đoạn đầu năm học thứ hai. Yêu mà chỉ đôi lần dám nói nhỏ lời "anh yêu em", "em yêu anh"; hoặc ngồi chỗ vắng, cũng chỉ chạm nhẹ vào nhau, hay cầm bàn tay nhau đã là táo tợn. Ngày xưa tình yêu đẹp thường bộc lộ đến thế thôi. Còn thì chúng tôi tìm nhau qua ánh mắt nhiều hơn. Cặp mắt từ ngượng ngùng, lảng tránh, đến đắm say không muốn rời nhau. Khi yêu rồi, cả tôi và anh mới thấy thấm đậm cái hay ở những câu ca của tiền nhân để lại: "Mắt em là một dòng sông - Thuyền ai bơi lặng trong dòng mắt em"; hoặc như: "Cơm ăn hai chén lưng lưng - Nước uống cầm chừng để dạ thương em"... Từ yêu nhau, chúng tôi sưu tầm được thật nhiều thơ ca tình yêu. Chính những sưu tầm ấy đã mở hướng cho chọn viết thành công luận án tốt nghiệp đại học đạt mức xuất sắc và đưa tôi bước tiếp vào con đường nghiên cứu văn chương sau này.

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

VÀI KỶ NIỆM NHỚ LẠI.

Trước năm 2000 tôi được mời dự khánh thành nhà lưu niệm một người bạn của Cha tôi. Tôi thật sự vui và thành tâm chúc mừng người con có hiếu, đã rất cố gắng xây dựng được công trình tưởng niệm Cha mình!

Tuy nhiên, ngay khi đó trong tôi đã xuất hiện nhiều băn khoăn, trăn trở, khi ngắm xem nhà lưu niệm. Về tổng thể, chưa nói đến giá trị quý của các hiện vật, tư liệu và tác phẩm; chưa nói đến tính thẩm mỹ cao trong cách bày biện, sắp đặt và bố cục chung của nhà lưu niệm… thì rồi đây sẽ phải bảo quản, gìn giữ thế nào những đồ vật quý giá kia trong điều kiện bụi bặm, nóng ẩm của xứ nhiệt đới? Với vị trí khá khuất của nhà lưu niệm, với những người con dù rất có tâm, nhưng lại không có chuyên môn, nghiệp vụ về lưu trữ, bảo tàng, truyền thông… thì làm sao có giải pháp hiệu quả để bảo tồn và giới thiệu được tới rộng rãi công chúng những giá trị quý về ý nghĩa lịch sử và văn chương của các tư liệu ấy?    

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

KHÔNG CHỈ TẠI THẰNG CON (*)

                                                 Truyện ngắn Giang Trung Học  

      Bà nhìn ông không chớp. Cặp mắt sâu hoắm, chậm chạp, đờ đẫn. Ông nắm bàn tay bà, lòng thầm xót thương. Hai người đều chưa đến tuổi già. Ông gần sáu chục. Bà mới năm mươi hai. Nhưng khốn khổ cho bà, vì sức lực sớm tàn. Chỉ tại cái bệnh thấp khớp nó lẩn vào tim quá nặng. Lại thêm chứng thần kinh tọa nữa. Thành thử quanh năm thuốc thang, mà chẳng đâu vào đâu. Đến cả năm nay không ra được khỏi nhà. Mọi việc chợ búa, bếp núc ông gánh tất. Để bà làm, nhỡ ra thì chẳng bõ.

CHUYỆN NHẶT DỌC ĐƯỜNG (7)

Số các “chàng - nàng” đến chi nhánh một ngân hàng để đổi thẻ gắn chíp không nhiều lắm, khoảng hơn mươi người. Mình đang ngồi trong đám các “cây cao bóng cả”, chợt nghe phía khoang làm việc của cô nhân viên bộ phận dịch vụ, một “chàng” cỡ U70 lớn tiếng:

-          Sao mãi không đến lượt tôi? - vừa hỏi vừa ghé đầu vào ô cửa của tấm kính ngăn, “chàng” vừa lấy khuỷu tay chen hẩy một “đương sự” ngồi trên ghế xoay cao, là người đang làm việc với nhân viên ngân hàng.

-           Bác đợi tí. Rồi sẽ đến lượt thôi mà - cậu nhân viên đứng phía trong quầy, cạnh máy photo quay lại, trả lời thay cô nhân viên đang “lấy lời khai” của đương sự.

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

CHUYỆN NHẶT DỌC ĐƯỜNG (6)

Nhân bài viết CHUYỆN ĐƠN GIẢN của anh nguyễn hồ, xin kể câu chuyện của chính mình.

Sau khi tiêm VX Astra mũi 1 được gần 8 tuần, mình nhận được tin nhắn của đơn vị tiêm mũi 1, rằng ngày X (là ngày mình đủ 8 tuần sau mũi 1) mời bà đến tiêm mũi 2. Cùng ngày nhận được tin nhắn này, thì nơi cư trú của mình có lịch tiêm trả mũi 2 cho VX Asstra, nhưng sớm hơn ngày X là 1 ngày.

Cô Trưởng tầng nói với mình: Ông bà cũng đã đăng ký ở đây, sớm 1 ngày chắc không sao đâu, bà cứ ra tiêm ạ. Và cô ấy động viên bọn mình đến tiêm tại nơi cư trú cho gần...

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

CHUYỆN NHẶT DỌC ĐƯỜNG (5)

Đi dạo đến một ngã tư trong khu đô thị, thấy góc đường đối diện khá đông đúc hàng quán, mình mò sang. Hỏi:

- Em ơi, chỗ này mới có mấy hôm nay à?

- Không cô ơi, có từ mấy đợt giãn cách trước cơ - Cháu gái bán đồ hải sản trả lời.

- Ơ, sao cách đây mấy hôm, cô cũng lượn chỗ này, mà không thấy.

- Hic... những lần 2 cô chú đi dạo, rồi chụp choẹt góc đường có mấy cây hoa kia, chúng cháu đều để ý. Gớm, các cụ mải mê quá, chả nhìn thấy ai. Thế hôm nay mua gì cho chúng cháu đê...

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

MẤT HẾT (*)

 Truyện ngắn Giang Trung Học

         Ông hàng xóm mở cửa gian nhà, bật ngọn đèn bảy mươi nhăm oát sáng lên thứ màu vàng ệch, rồi cất tiếng nói:

            - Anh vào đi!

            Vừa bước vào nhà, một thứ mùi ẩm mốc xộc sâu tận não, khiến Năm hắt hơi liền liền. Vẫn xách cái túi du lịch to kềnh trên tay, Năm đứng nhìn ngơ ngác, như chưa bao giờ tới đây.

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

CHUYỆN NHẶT DỌC ĐƯỜNG (4)

Bước vào cabin thang máy mình thấy đã có 2 người. Một ông cỡ U70 và một cháu gái trên dưới 20 tuổi. Mình gật đầu chào, rồi đứng lách vào góc cabin.

-          Ông đi lĩnh lương về ạ? - Cháu gái hỏi người đàn ông, khi nhìn thấy trên tay ông ta một tệp tiền 500k khá dày.

-          Ừ, ông đi lĩnh lương về - Ông ta trả lời.

-          Lương ông cao nhỉ, nhiều thế!

-          Ông đại tá, nhưng lĩnh lương tướng.

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

CHUYỆN NHẶT DỌC ĐƯỜNG (3)


Len lách qua một con ngõ hẹp và dài, bạn tacxigrab nói:

- Bà xem, ngõ thì bé, mà mỗi nhà cứ tìm cách lấn ra một chút. Thành thử, đã nhỏ hẹp lại càng nhỏ hẹp hơn. Cứ nhà sau, lại lấn ra hơn nhà trước, không ai chịu ai. Chán...

- Kiểu dân mình nó thế... mình đáp.

- Vâng, đúng vậy ạ. Như kiểu xây nhà ấy, cứ nhà sau phải cao hơn nhà trước. Mày xây 3 tầng hả, thế thì bố mày phải xây 4 tầng. Nếu không xây hơn được mày số tầng, thì bố phải xây thêm cái tum, thành 3 tầng rưỡi, chứ bố mày đâu có kém. Hihi...

Và, thời gian vẫn cứ trôi! (*)

Truyện ngắn của Phạm Hồng Thắm

            Nhật bảo, thế kỷ 21 sẽ là của phụ nữ. Nó giải thích: Phụ nữ giờ chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Vậy nên, dứt khoát phụ nữ phải chứng minh được vai trò quan trọng của mình ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng tôi không phản đối nó. Bởi, trên đời này, có cái gì mà không thể xảy ra? Trong lũ con gái của Khoa chúng tôi, có đứa nào dám khẳng định, cái Hồng, dốt nhất Khoa, giờ lại là Vụ trưởng một vụ thần thế ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn cái Huyền, hồi xưa học chỉ ở mức tầm tầm. Có một vài tài lẻ là hát hay, chơi ghi ta được. Nhiều năm nay chuyển làm công tác phụ nữ một quận nội thành. Nghe bạn bè rỉ tai nhau, nó đang dòm ngó cái chức Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố. Còn cái Hạ, học "siêu" nhất nhì cả lũ con gái trong Khoa. Giờ đang lặng lẽ đứng sau quầy bán thuê hàng thuỷ sản. Lại còn cái Nhung nữa. Khi cầm trong tay tấm bằng kỹ sư được hai năm rồi, còn hỏi tôi: Mày ơi, thiết kế cái thanh gá chịu lực của máy tiện nhỏ thì bắt đầu từ đâu? Vậy mà, nó nay là tiến sĩ, Phó giám đốc một công ty cơ điện lạnh tầm cỡ của Bộ Công nghiệp. Trải hơn hai chục năm, chỉ điểm đôi ba gương mặt điển hình trong lũ nữ sinh đại học chúng tôi xưa, mới thấy danh phận nào có gắn với chữ tài! 

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

CHUYỆN NHẶT DỌC ĐƯỜNG (2)

-         Chào anh - Bước lên xe mình cất tiếng với anh tài xế.

    Dạ, cháu chào 2 ông bà. Gớm, về hưu được như 2 ông bà là nhất đấy, quần là áo lượt đưa nhau đi chơi thế này.

    Thi thoảng thôi. Hôm nay chúng tôi đi có việc liên quan đến việc chúc mừng, lễ lạt…

-    Cháu nói thật (từ lúc này, anh tài xế gần như “cướp” diễn đàn, xả liên tục. Hiếm lắm mình mới chen vào được vài từ), cứ hưu trí như ông bà, ít tiền, nhưng cũng yên. Chúng cháu đợt giãn cách  vừa qua khốn nạn quá. Không có thu nhập, liêu xiêu cả nhà.

-       -    Thế có được chính quyền địa phương hỗ trợ theo chính sách không? 

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

CHUYỆN NHẶT DỌC ĐƯỜNG (1)

- Bác ở Time city à?

- Không, tôi ở xa hơn nhiều.

- Sao bác đợi xe chỗ này?

- À, tôi tăng bo từ buýt ấy mà. 

- Bác đi chơi về à?

- Chơi gì lúc này. Đi tiêm đấy.

- À... Chán bác nhỉ. Dịch dã làm bon em mấy tháng ngồi nhà, chả có thu nhập gì cả.

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

Aeon trước giãn cách lần 4 (20/7/2012)


 Cố đi Aeon 1 lần cuối trong đợt dịch lần 4 này.

Cảm nhận: hàng hoá nhiều. Khách hàng khá văn minh. Giá cả không hề tăng. Mua đủ cho 2 ụ đóng cửa ngồi nhà khoảng 2 tuần. Rau xanh ăn trước, củ quả ăn sau. Thịt cá về rửa nước muối, chia thành từng bữa để ngăn lạnh.

Tất cả nhờ các bạn dịch vụ chuyển đến tận nhà trong ngày. Đồ tươi các bạn ý có tủ chuyên dùng để chuyển. 

Chỉ tòong teng 2 khay trứng với gói bánh dễ vỡ kéo về. Trước khi về, lượn thêm lên tầng 2, 3 ngắm nghía. 

Tất nhiên, lên xe xuống xe đều xoa tay nước sát khuẩn. 

20/7/2021


Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

Bảo tàng Văn học Việt Nam cho tôi một tâm thế an yên, tin tưởng!

Tháng 6/2015 Bảo tàng Văn học Việt Nam khánh thành, thì trước đó gần chục năm chúng tôi đã được đón tiếp cán bộ Bảo tàng tại nhà riêng.

Đó là một ngày mùa hạ năm 2007, cũng vào tháng 6. Lúc này thời tiết khá khắc nghiệt. Nóng kinh khủng. Vậy mà 2 bạn trẻ, một nam một nữ đã đội nắng đến với chúng tôi, đến với hương hồn người Cha đã khuất của tôi là NVK Lộng Chương, là bạn Chu Hòa và Phương Hùng. Rồi sau đó, năm 2009, lại có những buổi tiếp xúc gần gũi hơn, thân mật hơn, có thêm bạn Thanh Minh - PGĐ Bảo tàng, để chúng tôi tin cậy đặt vào tay các bạn ấy những di vật quý giá của Cha mình. Những di vật chứa đựng nhiều hoài niệm, thiêng liêng, bất biến trong tâm chúng tôi!

Nhóm SO YOU CAN PAINT - Dù đã bên kia dốc cuộc đời

Một buổi tới làm việc tại Công ty mà bạn Phùng Ngọc Quý làm lãnh đạo, trong câu chuyện vãn, mình buột miệng:

-       Chả hiểu sao tớ lại vào học Bách Khoa. Giờ thấy mình dường như chả dùng được gì những kiến thức đã được học ở đó.

Phùng Ngọc Quý nói:


 -          Tớ lại có quan điểm khác. Dù sau này có làm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào, thì Bách Khoa vẫn là nơi trang bị cho mình những kiến thức nền, rất cơ bản để nhìnnhận và giải quyết vấn đề khá chính xác và bài bản. 

Chả hiểu sao, câu nói của bạn mình vẫn luôn nhớ cho đến lúc này…

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Dâu hiền... hehe...


Cái thời xa lắc xa lơ đã được tặng thơ, đã được lồng vào thơ một hình ảnh cũng rất "thơ" (nhưng không thực), rồi để đọc, để tự dối mình... rất ghê. 

Ông bạn của chồng, sau vài lần gặp, đã trân trọng tặng "vợ của ông chồng mình", một bài thơ... rất "thơ" cả nhà ạ. 

Giờ đọc, thì cứ bò lăn ra cười, và trong tâm thì... xin hương hồn ông bạn cõi xa vắng... xá cho... 

Đăng lại cho vui, nhân ngồi sắp xếp tư liệu. Thơ được tặng cách đây gần 15 năm cơ đấy. 


Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

Quà nhỏ nhưng... thật thích...

Trong số quà được vợ chồng ông bạn Phạm Thanh Giao tặng, có lọ dầu này năm nay mới lấy ra dùng.

Một đêm nhức chân, mãi không ngủ được, nhớ đến lọ dầu được tặng mấy năm trước, bèn mang ra xoa bóp "ống đồng" với gan bàn chân. Đậy nắp lọ vào, đặt lưng xuống, nhoáng cái ngủ lúc nào chả biết.

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Không có tiền thì không được... ốm...

 Có lẽ, nên gọi là: Một cuộc họp chợ thì đúng hơn cả, cho buổi “dã ngoại” ngày hôm nay của mình.

Rất lâu rồi, lần kiểm tra sức khỏe gần nhất của mình là cách đây hơn 1 năm. Thế nên, nhiều điều mới mẻ ở bệnh viện đã làm mình ngỡ ngàng khi đặt chân đến nơi đây.

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

Chị tôi đại thọ! (22/11/2020)

Chị tôi đại thọ!

Ngày chủ nhật đông đúc và thật vui. Con cháu chắt tề tựu, đếm thật đủ, chắc chắn không dưới 50 nhân khẩu. 😁

Mấy chục năm làm dâu họ Giang, tôi chưa từng nghe thấy bất kỳ chuyện bất hoà giữa con cháu của chị. 

Chị cũng chưa từng to tiếng với con cái, nhưng mọi việc trong nhà cứ răm rắp, đâu ra đấy.

Thật vô cùng ngưỡng mộ. 😍

Cầu chúc chị thêm tuổi, thêm khỏe, là chỗ dựa tinh thần, là nơi chốn ấm êm để con cháu quây quần vui vẻ khi lễ ngày tết.

Viva chị tôi!

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Quê hương viếng mộ NVK Lộng Chương (22/6/2019)

Kính thưa Cha Mẹ!

Hôm nay, 22/6/2019 (tức 20/5 âm lịch), trước giỗ Cha đúng 1 tuần, chúng con gồm - trai - gái - dâu - rể cùng các cháu nội ngoại có mặt tại đây, để tưởng niệm ngày giỗ lần thứ 16, ngày cha về cõi Vĩnh hằng.

Cùng dự buổi Lễ tưởng niệm hôm nay, chúng con đã trân trọng kính mời:

Đại diện Đảng ủy xã Thúc Kháng có: Ông Bùi Văn Cường - Bí thư Đảng ủy; Ông Phạm Kiệt - P Bí thư Đảng ủy, CT HĐND xã; Ông Vũ Đức Thoại - Chủ tịch UBND xã; Ông Bùi Quang Sơn - CT MTTQ xã. Và, các vị đại diện của một số ban ngành, đoàn thể trong xã.

Đại diện thôn Châu Khê có: Ông Phạm Duy Cơ - Bí thư Chi bộ; Ông Phạm Đình Hưng - Trưởng thôn. Và, đại diện các đoàn thể của thôn đều có mặt.

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Những hình ảnh đẹp đáng nhớ Ngày kỷ niệm NVK Lộng Chương tròn 100 tuổi tại Nhà hát Lớn 7/1/2018

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội NSSK VN (ngồi giữa),  PGS. TS Trần Trí Trắc (ngồi bên trái)
 
NSƯT Trần Minh Ngọc - Hiệu trưởng Trường SKĐA Tp HCM (ngồi bên phải)
NSƯT - Đạo diễn Lê Chức (phát biểu)

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

Cái cốc của "anh Gorbachev"

 Vui thật, “ông hàng xóm” rót bia vào cái chén uống nước chè cho vợ. Chén này mình đem về từ Liên xô (cũ) cách nay 36 năm về trước.

Có lần ổng nói: Những k niệm của em, anh sẽ giữ cho đến khi nào, nếu chưa “ra đi”, thì cũng là hết ý thức tinh tường thì thôi. Hi...

Thế mà chính mình nhiều khi, nếu ổng không moi ra, cũng chả nhớ có những cái “kỷ niệm” này nữa. Huhuhu...

Với cuộc sống giờ, những “kỷ niệm” này chả là gì. Nhưng gần 40 chục năm trước, mang được về Việt Nam từ LX (thời anh Gorbachev), là cả kỳ công đấy, cả nhà ợ...

(Bài đăng fb 29/4/2021)

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2021

Nhất Zợ nhì giời...

Nhìn “ông hàng xóm” lúi húi lau quạt, lại đúng ngày nóng kinh hoàng, xót ruột nói:

- Khổ, U90 rồi mà phải tự làm thế kia… giá có con cái ở bên…

Ổng thủng thẳng:

- Nó ở bên mà có tiền, chắc lại thuê người làm…

- Có lẽ thế thật. Ấy nhưng mà, vợ mà bảo gì, thì lại cum cúp làm ngay. Các cụ xưa nay thánh thật, không có dài dòng chi hết: Nhất vợ nhì giời! Nhõn 4 từ mà đúng thế. Không chệch đi đâu được.

Ổng vẫn thủng thẳng, rõ từng từ một:

- Thì… suy… từ… mình… mà… ra…

Haha… cười rung rún… nhưng mà… cấm cãi được một từ nào.

                                                                                                                    Ngày nắng nóng 18/6/2021


Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Đến NXB Sân Khấu nộp lưu chiểu Sách Cha

Sáng nhảy tacxi đến NXB Sân khấu để làm việc, hạ kính xe nói với anh bảo vệ: Anh ơi, em T con bố Lộng Chương  đây. Em chở đồ hơi nặng, cho em đưa xe vào chân cầu thang nhé.

Nhận sách Cha đúng NGÀY CỦA CHA

Bài này đưa từ 20/6 (Ngày của Cha), nhưng rồi phải ẩn vì cần chờ nộp lưu chiểu 10 ngày mới được phát hành. Vậy nên giờ mới cho “em nó” ra mắt. Xin được trình diện cả nhà!

Đúng ngày này - NGÀY CỦA CHA (20/6) - vợ chồng Út và gái Út ít đã thực hiện thành công “mưu đồ” được “ủ” từ mấy năm trước. Tập sách: Nhà hoạt động sân khấu LỘNG CHƯƠNG - Sống để cho đi! đã hoàn thành.

Chúng con xin thành kính dâng lên hương linh của Người. 

Xin phép các nhà lãnh đạo, quản lý ngành Sân khấu, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, lý luận phê bình… những người đã dành tình cảm yêu kính Cha chúng tôi, thể hiện trong bài viết tại Tập sách này, được trân trọng kính tặng trong thời gian sớm nhất!

20/6/2021

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

Đi Aeon trước lúc dịch căng 5/5/2021

Dịch Covid giờ quanh năm suốt tháng, chả nhẽ cứ đóng cửa ngồi nhà. Mà đã sống thì nhu cầu tối thiểu về ăn uống phải đủ để tồn tại nên phải “chiến” thoai.


Chỉ còn nhõn việc, là cố gắng bảo vệ mình tối đa, bằng mọi cách: Đeo 2 khẩu trang y tế, dù rất khó thở. Lọ nước rửa tay thường trực trong túi, liên tục xoa vặn vẹo bàn tay ngón tay. Đứng cạnh mấy chàng không đeo kt, lại còn ho hắng, nhổ bọt lung tung, là phải tránh cho xa...

Lúc này, chả ai giúp được mình, kể cả những ng thân nhất!

Thế thoai…           

(Aeon 5/5/2021)

Nghề dọa vợ!?

Nhìn con bé ngấu nghiến xúc đồ ăn, mềnh thích thú:

- Ối, con bé ăn hăm hở ngộ chưa kìa.

- Anh hơn 8 "sọi" còn hăm hở nữa là...

Mềnh ngớ ra chút, òi bật cười tồng ý:

- Đúng xật! Mỗi khi măm IEM thấy "người iu" hăm hở hơn cả nhóc kia.

Ổng lại dọa mềnh:

- Khi nào hết hăm hở măm, là chuẩn bị leo tàu về ga cuối đới...

Hêhhe... lại "bổn cũ soạn lại"; chuyên nghề dọa vợ phải ở một mềnh. Hic...

- Còn lâu mới thoát khỏi tay IEM... Nhá!

Câu chuyện ngày 2/11/2018


Tặng a Lê Tiến Thọ đĩa thu âm vở Tuồng TÌNH SỬ LOA THÀNH

 Thía là IEM xong lời hứa với ông anh roài đấy nhá.

Mang đĩa ghi vở Tuồng Tình sử Loa Thành (tác giả Lộng Chương) nhờ được thằng cháu Trần Hiếu (ĐTNVN) sao giúp, đến tặng xong ông anh mà nhẹ cả người. Hì...

Sách NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG - SỐNG ĐỂ CHO ĐI!

Đây rượu, đây trà, đây sách Cha

Lễ bạc - tâm trong, vậy thôi mà!

Chín suối nơi ấy, Cha cười mỉm

Nhắp ngụm rượu thơm, cất tiếng: Khà…

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Lời cuối sách “Lộng Chương - Sống để cho đi!”

Thưa Cha,

 Ngày đưa tiễn Cha về cõi vĩnh hằng, trong Điếu văn do NSND Nguyễn Trọng Khôi - Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đọc tại Lễ truy điệu, có câu: “Vĩnh biệt ông, giới sân khấu luôn nhớ về ông, một con người tâm huyết, một tấm lòng trăn trở với cuộc đời, một tâm hồn yêu thương nâng niu đồng nghiệp; vẫn nhớ về ông, một tài năng lớn, một nhân cách lớn, một người Anh, một người Thày lớn.


Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT

LỜI CẢM ƠN CỦA GIA ĐÌNH

Kính thưa quý vị

Hôm nay, nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cha tôi - Nhà viết kịch Lộng Chương, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam kết hợp với gia đình tổ chức cuộc Tọa đàm này, để chúng ta cùng nhau tưởng nhớ về ông; tưởng nhớ về một con người đã dành cả cuộc đời mình để làm tất cả những gì liên quan đến nghệ thuật sân khấu nước nhà; với kỳ vọng nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh.

        

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT
NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG VỚI TÔI

                                                                                                    NSND Bùi Thanh Trầm 

                                                                                                Chủ tịch Hội NSSK Hà Nội 

(…)

Nhà viết kịch Lộng Chương - Cây đại thụ của sân khấu nước nhà, đã có nhiều đóng góp lớn trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Nhiều vở kịch ngắn và bài tấu của Ông đã theo chân chúng tôi phục vụ kịp thời các chiến sĩ trên mâm pháo phòng không tại Hà Nội. Bản thân tôi còn được đóng nhiều vai trong các vở chèo của Ông. Trong vở “Đôi ngọc lưu ly”, tôi vẫn nhớ như in cái đoạn Thị Phương khoét mắt cứu mẹ chồng. Thấy tôi loạng choạng đứng dậy dắt mẹ, Ông bảo: Không được! Lúc này Thị Phương đang rất đau đớn, phải gục xuống chứ. Thị Phương có còn mắt đâu để mà dắt mẹ đi. Từ đây, chính bà mẹ mới là người dắt con dâu… để vào bài Vãn theo đó. Thế mới đúng với tình huống.

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

 GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT

VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG


Tác giả Ngọc Thụ

m 1974 tôi mới trực tiếp gặp Nhà viết kịch Lộng Chương lần đầu. Trước đó, tôi đã được xem một số vở kịch của ông. Và, khi còn là diễn viên đoàn Kim Phụng, tôi từng thủ vai phụ trong vở “A Nàng” của ông.


Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

 GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT

Trần Hoạt và Trần Lực

DỰNG QUẪN CỦA LỘNG CHƯƠNG(*)

                                                     
                                                PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái

                

                                                             

 Quẫn, hài kịch sáng giá nhất của Nhà viết kịch Lộng Chương, đã được hai đạọ diễn dàn dựng thành công, dù giữa họ là khoảng cách tuổi tác rất xa. Đạo diễn - NSND Trần Hoạt dựng Quẫn cho Nhà hát Kịch VN - năm 1960, công diễn hơn 2000 đêm. Đạo diễn NSUT Trần Lực dựng Quẫn cho sinh viên trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội tham gia Liên hoan Sân khấu Hà Nội lần 2 - năm 2016; Trần Lực đoạt Giải Đạo diễn xuất sắc nhất, vở diễn Quẫn đoạt Huy chương Bạc…