10. Dù cha đã “thác về” nơi xa lắm…(*)

     Cha ơi! Mẹ vừa “ra đi” tháng 10 năm trước. Nước mắt khóc Mẹ trong con còn chưa kịp cạn, tháng 6 này lại đã lưng tròng rỏ xuống gọi Cha! 

     Vẫn biết rằng, phận làm con, chẳng ai tránh được lúc đứt ruột đưa gửi mẹ cha về nơi chín suối; nhưng với con, mỗi hạt đất rơi xuống vùi lấp đi “thể phách” của Cha, thì nỗi đau khôn cùng lại trào dâng, nung nấu thêm trong con khát khao, ước vọng tìm kiếm, sưu tập, để bảo tồn mãi mãi khối “tinh anh” của Người.
      Cha ơi!
NVK Lộng Chương
1963
     Nhiều chục năm trước, trong sự đói ăn rách mặc thường trực ở mỗi con người trên đất nước này, Cha đã vắt kiệt mình cho cái “nghiệp” mà Người chót “sa chân” tự thuở thiếu thời - “Nghiệp sân khấu”. Khối di phẩm khổng lồ mà Cha để lại - chỉ kể phần vợ chồng con biết - đã là minh chứng hiện hữu sức sáng tạo khổng lồ, không mệt mỏi của một con người luôn trải mình hoà chung nỗi buồn vui của bao kiếp sống nhân gian. Trong vô vàn bút tích của Cha còn đó, còn có cả những dòng liệt kê tỉ mẩn về chi phí nho nhỏ cho cuộc sống đời thường. Đọc mỗi dòng mỗi chữ, là mỗi lúc lòng con quặn thắt; càng thấu hiểu sức kiên cường đối chọi với muôn ngàn thiếu đói, gian nan của Cha để làm nên một “Tính cách Lộng Chương”; một tính cách còn mãi trong lòng những người yêu thiết tha nền sân khấu nước nhà. Cũng từ những dòng, những chữ “chi li” đó, con càng thấm thía bao cơn vật vã, thậm chí có thể coi là những ca “tự phẫu thuật” đớn đau trong Cha, để tìm ra cho mình một chỗ đứng duy nhất, chỗ đứng của một nhân cách - Nhân cách Lộng Chương. Và, mỗi khi lần giở từng trang bản thảo của Người, con lại cảm nhận sự hèn hạ, thấp kém đôi lúc xuất hiện trong con; bởi, từng có lúc suýt để những bon chen danh lợi làm tâm bớt sáng!?
      Cha ơi!
     Vừa mấy năm trước, khi con còn có được cả Cha và Mẹ; khi mà Cha lúc tỉnh lúc say cùng với những chén rượu ân tình vơi đầy Mẹ rót, chúng con đã cố bảo tồn một phần “di sản tinh thần” của Người trong tập Kịch Lộng Chương, dù trước đó đã có nhiều cuốn sách của Cha được giới thiệu. Với độ dày gần ngàn trang khổ lớn, nếu đặt tập Kịch này vào tay một Hội đồng Biên tập cùng đủ các chức danh, ban bệ, để hoàn thành e cũng sẽ phải kéo dài trong thời gian nhiều năm. Vì cũng là công chức Nhà nước, nên con hiểu rằng, để nhanh chóng có được kết quả tốt đẹp khi sách ra đời, vợ chồng con nên gánh phần trọng trách - phần nội dung. Bởi, để tra cứu, sưu tầm, chọn lựa và tập hợp hiệu quả những tác phẩm mà Cha đã nạo hết ruột gan mình trút dồn vào đó, thì người thực hiện không thể ai khác, ngoài vợ chồng đứa con gái út bướng bỉnh này của Cha! Đành rằng, nguồn kinh phí cho việc xuất bản tập sách đối với chúng con cũng là vấn đề quá nan giải…
       Vậy là, vợ chồng con “khởi sự” vào tháng 9 năm 1996. Nếu sa bút kể lể về bao ghập gềnh, trắc trở trên những nẻo đường mà vợ chồng con lặn lội kiếm tìm “dấu vết” Cha, e sẽ thất thố với hương hồn đã khuất của Người. Vậy nên, con chỉ muốn dâng lên Cha (với cả Mẹ), những gì mà vợ chồng con được chứng, như một thứ tư liệu “ngoài chính sử”, để Cha thấu rằng, con gái út của Cha yêu và hiểu Người nhiều lắm. Cha ơi, anh Nguyễn Ánh - một trong những trò tự nhận được Cha yêu quý nhất, hiện đã mất, nói với vợ chồng con rằng: “Học trò của Thày thì nhiều lắm, hàng trăm, hàng ngàn; ở rải rác khắp ba miền đất nước; công tác trên mọi lĩnh vực; có “đứa” là công dân bình thường; có nhiều “thằng” rất thành đạt, giữ vị trí cao sang hẳn hoi;… Nhưng anh dám khẳng định với cô một điều, trong số đó, không ai là không có tư cách!”. Nguyễn Ánh là người hay chuyện, đôi khi có chút bốc đồng. Song, riêng điều anh nói ở trên thì con tin đó là sự thật. Cũng từ anh Nguyễn Ánh cùng một vài chú giữ trọng trách của Hội NSSK Việt Nam mà con được biết, Cha là người có số phiếu bầu cao nhất trong những người do Hội đề nghị Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý đợt đầu (năm 1996). Vậy mà, lúc công bố Giải không hề có tên Cha. Con buồn lắm. Cả đau nữa! Nhưng rồi con cũng hiểu được sự lắt léo của thế thái nhân tình… Điều an ủi là, đến đợt trao tặng Giải này năm 2000, Cha đã được trả lại sự công bằng. Và, tại Điếu văn tiễn đưa Cha về cõi vĩnh hằng vừa rồi, anh Nguyễn Trọng Khôi, một trong những trò gần gũi của Cha, Tổng thư ký Hội NSSK Việt Nam hiện nay, một lần nữa khẳng định, còn có một giải thưởng lớn nhất giành cho Người, đó là: “Trong lòng những người làm sân khấu luôn đậm nét một ký ức về ông, không quên được ông, mãi mãi ông là một người đồng hành, người dìu dắt trên những bước đường nghệ thuật”.
      Cha ơi,
     Tiếp tục lần tìm “dấu vết” của Cha, con đã đến gõ cửa Giáo sư Hà Văn Cầu, người tự nhận là học trò lớp đầu tiên của Cha với một câu nói thể hiện sự trân trọng Người hết mực: “Thầy Lộng Chương là người cầm tay dạy chữ cho tôi”. Bước vào nhà, con hỏi: “Chú có nhận ra cháu không?” - “Sao lại không! Không nhận ra thì đáng đánh đòn!”. Chao ơi, một Giáo sư đầu ngành nghiên cứu Chèo của Việt Nam, người được rất nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hoá Việt Nam thuộc nhiều nước trên thế giới biết đến, mà lại bị đánh đòn vì con - cô con gái út ít “tẹp nhẹp” của Cha thì thật nực cười! Nhưng con cũng hiểu rằng, bằng câu nói này, một lần nữa Giáo sư khẳng định tình cảm quý trọng Người lắm lắm. Dù tuổi cũng đã cao, sức chẳng được khoẻ, nhưng Giáo sư Hà Văn Cầu vẫn nhanh nhảu “xí phần” viết bài về Cha, và nhiệt tình cung cấp thêm tư liệu cho con. Ông còn nói: “Tôi đã sống cùng ông ấy gần hết cuộc đời. Cũng “chỉ mới” 50 năm thôi… (cười). Trời, ông Lộng Chương thì giỏi, giỏi lắm. Viết hay ghê gớm, làm tổ chức cũng tài… Mà thật lạ, người như ông Lộng Chương, suốt đời đấu tranh cho lẽ phải, chống mọi thói hư tật xấu, tổ chức phong trào thật hay, không bê tha trai gái,… vậy mà không được vào Đảng (!?)…”.
     Cha ơi, ngồi nghe Giáo sư nói về Người, con tiếc nhiều, nhiều lắm. Trong cái lũ con cái đông đúc của Cha, chẳng ai tiếp nối nổi “nghiệp” của Người, dù đôi lần con từng nghe Cha thốt lên: Đó là “Nghiệp chướng!” Cha có nhớ cái lần gặp mặt cuối cùng của Đội Kịch Công nhân Hà Nội vào ngày Kỷ niệm Giải phóng Thủ đô (10/10/1996) tại nhà mình không? Giữa lúc tỉnh tỉnh say say khi đã nâng vài ba ly rượu, Cha giơ tay, chỉ xuống đất mà rằng: “Nhà này của ông Lộng Chương. Những người ở đây cũng là “của” ông Lộng Chương!” Câu nói khiến các trò của Cha bật dậy vỗ tay rào rào. Chắc chắn, họ hiểu Cha và họ sung sướng! Cái từ sở hữu “của” ấy đã nói lên tất cả. Cha đã coi những trò đang xúm quanh Cha thực sự là “của” mình rồi còn gì! Và con hiểu, cái “Nghiệp chướng” dù có lúc từng làm Cha đau đớn, thì cũng chính nó đã đem lại cho Cha sự “giàu có” hơn tất cả những người giàu có khác! Dưới suối vàng Cha có hay rằng, mãi mãi Cha là người “giàu có” và mãi mãi Cha không bao giờ đơn độc không, Cha ơi!
      Rong ruổi đến Nhà hát kịch Việt Nam, rồi Nhà hát Chèo Trung ương; lặn lội vào cả Đoàn Chèo Hà Tây để tìm những bản thảo chỉ nghe tên mà chẳng thấy dáng hình đâu cả, thêm nhiều lần con được nghe mọi người kể về Cha, với niềm tự hào về người Thầy của họ. Cha có biết, tại Nhà hát Kịch Việt Nam, các trò của Cha trao cho con tờ gấp, giới thiệu đợt công diễn đầu tiên vở Hài kịch Quẫn của Người? Ký ức về những trận cười nghiêng ngả của khán giả khi xem Quẫn tại Nhà hát lớn Thành phố lại đổ về trong con; đẩy con trở về thời thơ ấu. Thời mà con còn bé xíu, từng làm “cái đuôi” của Cha để chui vào tận hậu trường sân khấu; để sờ tận tay cái “mông lồng bàn” của cụ Đại Lợi; để xem ông Đại Cát tay vái mẹ lia lịa, nhưng tiếng nói lại rít qua kẽ răng, vừa để kiềm chế sự bực tức, vừa sợ hãi vì lo lộ nơi giấu vàng; để mê mải ngắm cái dáng đi õng ẹo của các bà tư sản Đại Cát, Đại Hưng… là những nhân vật trong vở Hài kịch Quẫn nổi tiếng của Cha. Và rồi, những ngày sau con theo mẹ ra chợ, nghe các bà các chị bán hàng ngoài đó kháo nhau rằng, đi xem Quần của một ông tên là Lộng Chương, hay lắm! Con bật cười như nắc nẻ… Kịch của Cha đã đến với những người lao động như vậy đó!
       Bây giờ thì Cha đã đi xa rồi. Rất xa! Sẽ chẳng bao giờ con được níu áo Cha, để được vào tận sau cánh gà sân khấu nữa, Cha ơi!
      Nhưng con biết rằng, đoạn đời mà Cha “sống gửi”, Cha đã “cho” rất nhiều. Vậy nên, dù nay đã “thác về” nơi xa lắm, thì sự gắn bó máu thịt và tấm tình sâu nặng mà Người đã dâng hiến cả đời cho sự nghiệp sân khấu nước nhà, vẫn luôn được triệu triệu công chúng mến mộ Cha ghi nhận.
       Cha ơi,
     Có một số tư liệu Người gửi vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia từ những năm 1980 (thế kỷ XX). Mò được tới đó, vợ chồng con “lặn ngụp” trong hàng ngàn trang bản thảo cũ kỹ, mục nát, nhạt mờ. Đó là những trang bản thảo ra đời trong hàng ngàn đêm cha thức trắng, dưới ánh đèn dầu nhập nhoà giai đoạn chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ; trong những đêm mưa to, gió giật, nước tạt qua kẽ ngói, rỏ cả xuống bàn làm việc của Người; trong sự bồn chồn, day dứt về nỗi lo cơm áo cho chúng con; trong niềm khắc khoải, yêu thương, vỗ về của Mẹ;… Nhưng con hiểu, để vượt lên tất cả những điều tưởng chừng như rất đỗi thường tình đó, và làm nên một sự nghiệp để đời như Cha, không phải là điều đơn giản! Lần giở khẽ khàng từng trang bản thảo mục nát của Người, những “tồn tại vật chất” mỏng manh mà bất cứ lúc nào cũng có thể biến đi vĩnh viễn vào cái không gian vũ trụ mênh mang vô tận này, con thực sự bất yên! Trong con càng thôi thúc một quyết tâm về công trình Kịch Lộng Chương. Và thế là, tập Kịch đã ra đời cuối năm 1997. Cho dù còn có điều chưa được ưng ý, thì công trình ấy cũng đã giúp chúng con thể hiện sự tạc dạ công sinh thành, dưỡng dục của Cha và Mẹ.
       Lúc này đây, khi mà tập Kịch đã ra đời được mấy năm, khi mà con không còn có được cả Cha và Mẹ, vợ chồng con lại đang tiếp tục sưu tập những “di sản tinh thần” của Cha; với quyết định bảo tồn khối “tinh anh” của Người trong một công trình sẽ có tên là “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường”.
      Giống như lần trước, khi làm tập Kịch Lộng Chương; lần này, chúng con lại được sự ủng hộ nhiệt tâm của các đồng nghiệp và nhiều trò của Cha như: GS Hà Văn Cầu, NSND Nguyễn Trọng Khôi, bà Hà Nhân - nguyên Cục trưởng Cục biểu diễn nghệ thuật, nhà văn Hoàng Công Khanh, anh Ngô Thảo - TBT tạp chí Sân Khấu, NSND Doãn Hoàng giang, NSƯT Lê Chức, NSƯT Thanh Trầm, anh Ngọc Thụ, anh Nguyễn Đăng Chương…
      Những ngày này, vợ chồng con đang nghiền ngẫm không ngơi nghỉ trên những trang bản thảo mỏng manh của Người… Hy vọng công trình “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường” được dâng lên Cha và Mẹ một ngày sớm nhất. Và giờ đây, mỗi khi chạm vào những trang bản thảo đó, con chỉ dám đưa tay nhè nhẹ. Như mỗi lần con về để được tắm rửa cho Cha, con cũng chỉ khẽ khàng vuốt nhẹ thân thể khô gầy, yếu ớt của Người. Trào dâng trong con một nỗi lo lắng mơ hồ về sự mất mát lớn lao, mà nay đã là hiện thực. Mà nay, con đã không còn có được cả Cha và Mẹ nữa… 
Con gái út của Cha và Mẹ

 ________________________ 
 (*) Báo Người Hà Nội - 26.9.2003; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

2 nhận xét:

Phạm Hồng Thắm nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Phạm Hồng Thắm nói...

Nhớ cha nhớ mẹ ngày qua tháng
Chẳng thể nguôi ngoai trọn kiếp đời
Dẫu khi thân này về cát bụi
Khắc khoải tim tàn lẫn tro phơi!

Đăng nhận xét