2. Tiếng cười “Lộng” cả nghìn “Chương”(*)

                                                                                                      Nhà văn Hoàng Công Khanh           
              Như vậy là đã gần nửa thế kỷ, kể từ ngày anh và tôi cùng cộng tác với nhau trên kịch trường, khi cả hai cùng dấn thân vào cái nghiệp dĩ này. Chắc chắn tình yêu, niềm say mê sân khấu là tố chất bẩm sinh chảy trong huyết mạch,  nên anh thủy chung với nó đến hết đời, bất chấp mọi thăng trầm, hệ lụy. 
NVK Lộng Chương - 1978
       Với trí tuệ sắc sảo, tâm hồn giàu có và sức bút mạnh mẽ công phá - ngoài công tác đạo diễn, huấn luyện kịch nghệ, làm diễn viên, xây dựng các đoàn kịch - anh đã viết vài trăm vở với đủ thể loại. Những cái tinh túy, độc đáo cuối cùng kết lại thành trầm hương ở hài kịch, ở những Tiếng cười “Lộng” cả nghìn “Chương”(**). Tiếng cười trong sáng tác của anh rất phong phú, đủ mùi vị: chua, cay, mặn, chát, hắc, đắng, ngọt, bùi… Lại ở đủ các cung bậc: nhạt, khẩy, ruồi, đốp chát, như pháo nổ, như sấm ran… Cái lõi của những tiếng cười ấy là trừ ác khuyến thiện, trị bệnh sửa đời, giúp vào việc hình thành một nhân cách, một đạo sống làm người. Trong tiếng cười có tiếng khóc. Khóc thương cho những nhân phẩm xuống cấp, cho những số phận bị chà đạp. Lộng Chương viết khỏe và liên tục. Chỉ đến 1989 - 1990 sau khi đóng vai Cố Hồng trong phim Số Đỏ xong, anh mới ngừng lại. Anh bảo: “Muốn dành thời gian viết Hồi ký. Có nhiều kinh nghiệm xương máu muốn để lại cho người tiếp bước mình đỡ vất vả. Tuổi cao rồi, không viết sợ không kịp”. Anh đề nghị tôi đóng góp thêm tư liệu. Tôi nhận lời, góp với anh những gì tôi biết. Anh đặt tên Hồi ký là: Cuộc đời sân khấu của tôi, dự kiến khoảng 700 - 1.000 trang. Tôi tin, với nghị lực và tài năng của anh, anh sẽ làm được. Gia dĩ, anh đã có một hậu phương vững chãi là chị Nguyễn Thị Quy - vợ anh; mới đây lại được Phạm Hồng Thắm, con gái thứ bảy của anh gia cố thêm.
            Lộng Chương thích rượu. Hồi kháng chiến chống Mỹ, khi đi công tác xa, anh thường đèo một bi đông chất cay hảo hạng mà anh thường gọi đùa là “Lọ nước thần”. Có lần thấy anh say, tôi góp ý không nên lạm dụng. Người khác can, anh giận. Với tôi, anh nể chỉ lắc đầu cười: “Lấy gì nhóm cho lửa bốc?”. Bẵng đi ít lâu - hình như đầu năm 2001 - gặp tôi, anh bảo: “Mình bỏ rượu rồi!”. Tôi mừng hỏi: “Vậy Cuộc đời sân khấu của tôi đến đâu rồi?”. “Sẽ xong!”. “Bao giờ?”. Anh không trả lời và đưa tay với ly nước màu để ở góc bàn. Hóa ra anh thay rượu Vân bằng vang nhẹ và dùng có liều lượng phải chăng.
Những ấn phẩm in sáng tác của NVK Lộng Chương
            Đầu tháng 6 vừa rồi, nghe tin anh ốm và bất ngờ ra đi vào gần cuối tháng. Tôi đến chỉ còn biết ôm anh và nước mắt chan chứa. “Anh Lộng Chương! Anh có nhớ Charlie Chaplin trong phim “Ánh đèn diềm sân khấu” (Les lumièfres de lampe) mà chúng mình đã xem không? Charlot Vua hề xắm vai hề trong phim hay quá. Do khán giả vỗ tay nồng nhiệt yêu cầu, Vua hề đã già lại quá mệt, vẫn cứ phải ra sân khấu diễn lại nhiều lần. Đến lần thứ ba hay bốn gì đó, khi quay vào sau cánh gà, Vua hề đuối sức gieo vội mình xuống cái trống đạo cụ bên cạnh để xả hơi. Mặt trống cái đã cũ vỡ toác, Vua hề rơi tọt vào lòng trống, đít tuột xuống tận đáy, chỉ còn bốn chân tay thò lên khua loạn xạ. Charlot không thể tự mình thoát ra được. Người khác muốn lôi anh ra thì phải đập vỡ tang trống. Khán giả bên ngoài vẫn vỗ tay hò hét “bis bis bis…” đòi Vua hề tiếp tục ra mua vui cho họ. Charlot cố ngóc đầu lên, mếu máo giở khóc giở cười nói với người kéo màn: “Je veux jouer encore mais je suis coincé!” (Tôi còn muốn diễn nữa, nhưng tôi bị kẹt mất rồi!). Chữ
kẹt vừa gói kín vừa gợi mở. Cái trống là biểu tượng của bất hạnh trên đời. Charlot bị kẹt vì cái trống. Còn Lộng Chương, anh bị kẹt vì số mệnh. Niềm an ủi và vinh quang của người bị kẹt tài hoa là: “Thác là thể phách, còn là tinh anh!”.                                                                                       __________________________
* Báo Văn nghệ số 27 - 5.7.2003; Sách “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường”,  Nxb Sân khấu, 2003; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
* Chữ “Chương” ở bút danh Lộng Chương nghĩa là “Ngọc Chương” rút trong sách cổ “Nam giả lộng chương, nữ giả lộng ngọc”. Tại bài này, chữ “Chương” nghĩa là “bài văn” do thành ngữ “lộng bút thành chương” (múa bút thành văn) hoặc ở câu: “Chương thiên vân hán” (Sông văn ở trên trời - tức sông ngân hà rực sáng).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét