Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

QUÃNG THỜI GIAN CỦA ĐỜI NGƯỜI(*)

 Khát vọng văn chương

(Đọc Quãng thời gian của đời người, tác giả Giang Trung Học, 

đăng trên Văn nghệ số 38, 9-2001)

                                                                                         Lời bình của Ngô Hải Phượng

(Giảng viên Đại học Tây Bắc - Thuận Châu - Sơn La)

Đăng trên Báo Văn nghệ số 40 (6/10/2001

 Quãng thời gian của đời người là truyện ngắn khá hay với lối viết trầm kín và sắc sảo. Chỉ là một “quãng thời gian” thôi, rất ngắn ngủi, một khúc đoạn của con người mà cuộc đời còn được sống: Sự lao động thầm lặng của người nghệ sĩ.

Nhân vật Điền trong Trăng sáng của tác giả Nam Cao cũng viết văn trong hoàn cảnh nghèo túng cho những kiếp người nghèo túng và nhân dân lao động nói chung, còn “hắn” - nhân vật không tên tưởng như nhạt nhòa ấy lại viết truyện làm “rộn lên dư luận khắp thành phố”. Tuy rằng ở những phạm vi khác nhau song cả hai “nhà văn trong văn” này đều có chung một lý tưởng: sống và viết.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Chuyện ngày xửa ngày xưa(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm

Chuyện xảy ra lâu lắm rồi. Từ ngày xửa ngày xưa...
Có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, con của quan đốc học đầu tỉnh. Gia cảnh quan đốc không giàu, nhưng do coi trọng sự học, đã hết lòng đầu tư cho anh con trai theo đuổi nghiệp bút nghiên. Người con trai cũng là kẻ biết nghĩ, cảm động vì được cha mẹ chăm lo chu đáo nên đã tu chí học hành. Ngay từ thuở tóc còn để chỏm, anh có thể ôm tứ thư ngũ kinh, xếp chân bằng tròn,  ngồi nghiền ngẫm từ sáng đến trưa. Từ trưa đến chiều. Có những hôm đọc ê a nhiều quá, mồm anh méo xệch, dãi rỏ ròng ròng. Những lúc tập viết, có khi chỉ một nét ngang hay xổ đứng, anh chấm ngọn bút lông đến khô cong đáy đĩa mực tàu mà vẫn chưa ưng ý. Sau một ngày bò lê bò càng để viết, bộ quần áo nâu anh mặc lem luốc đầy vết mực loang. Vợ chồng quan đốc thấy con chăm học như vậy thì mừng lắm. Quan đốc ông thì thầm bảo quan đốc bà, sau này nó sẽ làm to...

CHỐNG CHỌI(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
            Trên đời này hỏi còn ai khốn khổ hơn hắn. Hai chân cụt quá đầu gối. Tay phải cũng chẳng còn. Đã thế, hắn lại không có ai thân thích. Không tiền bạc. Không cửa nhà. Tất tần tật là con số không. Đôi lần hắn muốn chết quách cho xong một kiếp người. Chẳng thiếu gì cách chết. Nghĩ đi nghĩ lại, hắn sợ chết. Đành chống chọi để sống. Sống lê lết khắp cái thành phố mênh mang, lạ lẫm, sớm nắng chiều mưa này. Chỉ bằng độc cách ăn xin thiên hạ.
            Trước một quán phở sớm nay, lúc người ta chưa mở cửa đón khách đã thấy hắn ngồi lù lù, như đống giẻ rách ngấm nước bởi trận mưa tầm tã. Cuộc vật vã kiếm ăn dưới nắng hè đổ lửa khiến hắn kiệt sức, dành bạ đâu nằm đấy. Hắn đã nằm dưới hiên quán phở này suốt cả đêm qua. Biết đoạn đường đến nơi trú ngụ chẳng bao xa, nhưng hắn không đủ sức lê thân trở về.

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Như là định mệnh(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
Bà bước chân về đất Hà Nội những ngày cuối thu. Cảm giác xốn xang, ngỡ ngàng. Như có cả chút ngậm ngùi, xa xót, tủi cực của một người bị ruồng bỏ. Sống mũi cay cay, nước mắt bà chực trào ra. Đã mấy chục năm rồi còn gì. Kể từ cái ngày cuối cùng, bà đến chào tạm biệt người thày - người anh của bà, để theo chồng ra đi. Khi đó, đi đâu bà cũng chưa biết. Với những người không thuần dòng máu Việt - như chồng bà, phía trước, tương lai mờ mịt xa. Phía sau, chẳng có đường lùi. Đứng trước thày - người mà bà luôn kính trọng, ngưỡng mộ, bà bật khóc nức nở. Lẫn trong thổn thức, giọng bà yếu ớt: Chẳng biết em có còn được gặp thày?!

KIẾP MÙ LÒA(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
            Một năm trước đây, đúng vào ngày này tháng này, gã lại nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Thế là chấm dứt đoạn đời mù loà cơ cực, gã phải gánh chịu đằng đẵng gần hai mươi năm. Gã xúc động ôm chặt vợ một bên, con gái một bên. Cô con gái nay đã vào tuổi cập kê, gã mới lần đầu biết mặt. Gã tự hào thấy nó xinh đẹp vượt trội, chẳng khác gì mẹ nó ngày xưa. Song, niềm vui vượt trên tất cả là, từ nay gã lại có đôi mắt sáng để cầm bút vẽ. Gã sẽ vẽ thật nhiều để bù lại cái khoảng thời gian đã mất. Quan trọng hơn là, gã phải vẽ sao cho có những tác phẩm nổi tiếng để đời - như mong muốn của nhiều người thân quen. Cả gã cũng mong.
    *            *          *

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

MỘT NGÀY CHIẾN TRANH(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
            Quãng đời làm lính, chưa bao giờ hắn sợ hãi lo âu như lần này. Hắn cùng lũ đồng đội đều không ngờ phải đối đầu với một cuộc tấn công mãnh liệt và ào ạt đến thế. Bởi sự tin tưởng mù quáng vào hệ thống phòng ngự được đánh giá là bất khả xâm phạm. Ngoài vũ khí hiện đại ken dày đặc trong hầm hào bê tông cốt thép, các bãi mìn, còn cả một dòng sông chắn ngang trước mặt. Cần thiết nữa, sẽ có lực lượng pháo đài bay B52 yểm trợ bằng rải thảm bom xuống mục tiêu. Đối phương có tài thánh cũng không thể nào thắng cuộc.
            Vậy mà tuyến phòng ngự đã bị phá vỡ!

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Mong trời nam hửng nắng(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm

Mưa. Mưa vẫn rơi. Những hạt mưa phùn lâm thâm, li ti giăng màn sương dày đặc. Không một tiếng mưa gõ trên mái quán. Chỉ thỉnh thoảng nước trên mái rỏ lộp độp đều đều xuống đất.
            Từ trong nam ra Hà Nội, đang quen với tiết trời ấm áp, đụng ngay đợt gió mùa về, Lan xo ro cúm rúm trong chiếc áo tôi đưa mặc tạm. Nó bị lọt thỏm giữa lớp áo, dù tôi chẳng to con hơn Lan là bao. Thời gian qua đi, mỗi lần gặp nó, là một lần cảm nhận trong tôi sự hao hụt ở nó lại rõ rệt hơn. Thấp đi. Bé đi. Má hóp heo lại. Cũng hiếm thấy niềm vui trong ánh mắt. Còn nỗi buồn… dường như lại đầy thêm một chút. Chẳng hiểu sao chúng tôi hay đưa nhau đến cái quán nhỏ đơn sơ này. Chỉ cách quán hơn trăm mét, phía bên kia đường, là một dãy những hàng quán kín đáo, ấm áp hơn nhiều. Một điều chắc chắn, cả tôi và nó, đều yêu thích sự giản đơn, nhẹ nhõm!

NẾU CÒN KIẾP SAU…(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
            Chiều hôm ấy, không hiểu sao bộ phận “Một cửa” của Ủy ban nhân dân phường Đình làm việc chậm đến một tiếng đồng hồ. Sự chậm trễ khiến khách chờ khó chịu, bàn tán xôn xao. Nhưng khi cô nhân viên “Một cửa” xuất hiện thì ai nấy cùng nín thinh. Nín thinh gần như là thói quen chịu đựng của mọi công dân khi có việc phải đến “cửa quan”. Và như một thói quen xưa nay, “người nhà nước” hiếm có khi mở miệng xin lỗi công dân, mà kẻ gây lỗi lại chính là họ. Biết vậy nên vợ chồng tôi cứ lặng lẽ ngồi chờ.

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

RỈ RẢ CHUYỆN ĐỜI(*)

 Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm          

Ông và nàng cùng ngửa mặt lên trời đếm sao. Một, hai, ba,... nhiều quá! Trời khuya sâu thẳm. Chi chít những vì sao nhấp nháy trên đầu. Làm sao đếm nổi. Vậy mà, trừ những đêm mưa rét, còn cứ cơm xong, họ lại kéo nhau lên sân gác đếm sao!
            Không gian quanh đến giờ này đã yên ắng. Ngoài quốc lộ xa xa, thảng hoặc, còi ô tô chợt toe toe rồi tắt ngấm. Cái nóng ban ngày đã dịu lại, nhường chỗ cho những làn gió nam phe phẩy. Chỉ đến lúc này họ mới chịu tĩnh lặng. Một chút thôi, trước khi cả hai nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.
            Thế là lại qua một tuần nữa đấy. Rồi sẽ qua một tháng. Và một năm... Họ sẽ bên nhau được đến bao giờ? Ông nói: “Anh sẽ sống đến tám mươi!”. Nàng ứ hự: “Không... Vậy lúc đó em mới... sáu mươi à? Chết theo anh thế còn trẻ quá”. Nàng kéo dài cái âm tiết “mới”, nghe ngồ ngộ. “Thế em muốn bao nhiêu?” - “Anh phải một trăm. Em tám mươi!”. Ông cười: “Em định chết theo anh à?”. Nàng nheo mắt: “Còn xem...”. Cái câu “còn xem” của nàng thật nghịch.

ĐỐ KỴ(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
 
Lão Hượu hay vỗ ngực tự đắc là dân gốc gác ở cái xóm ven đô này. Chỉ khổ nỗi gia đình lão nghèo xác nghèo xơ. Ba gian nhà lụp xụp, lớp ngói ta, mủn lâu rồi mà không có tiền sửa sang lại. Còn miếng cơm manh áo của cả nhà chỉ dựa vào gánh cháo kĩu kịt trên vai vợ lão. Thế nên lão đố kỵ thật lực với ông Tân. Đố kỵ ngay từ khi ông Tân xây ngôi nhà ba tầng lừng lững trước cửa nhà lão. Mất mẹ cái gió đông nam của người ta. Lại như bịt mắt nhau. Khiến chẳng còn nhìn thấy xe cộ tấp nập trên con đường cái quan, mà lão hay ngoác mồm rủa chúng gây điếc tai bố mày!

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

NGÀY XƯA ƠI!(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm 

 Giờ nếu ai cho Phương một trăm điều ước, Phương chỉ cần một: thoát khỏi cảnh cô đơn quạnh quẽ trong mấy năm nay. Gần ba chục năm trời đã trôi qua, kể từ khi Phương lấy chồng lần đầu. Trong gần ba chục năm ấy, hai lần Phương đắm "đò"! Xen lẫn có cả những chuyến đò "tạt ngang, tạt ngửa". Nay, vẫn chỉ mình Phương với những trống trải vô duyên. Qua mảnh gương soi, Phương nhìn thấy khuôn mặt thon gọn đã hằn rõ những vết nhăn nơi khoé mép. Hai bên má chảy xệ. Đôi môi hơi dày có đường viền cắn chỉ chẳng còn được tươi tắn như xưa.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

BỨC THƯ ĐỂ LẠI(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
      Trường trở về nhà sau những năm ở trại giáo dưỡng. Khi đi trại, nó còn là đứa trẻ vị thành niên, nay đã vào tuổi người lớn hẳn hoi. Ông Thường nửa mừng nửa lo, đón con bằng một lời khuyên: "Từ nay chịu khó tu chí để mà nên người!". Không hiểu sao khi ấy nó "vâng" một tiếng có vẻ hững hờ. Sự hững hờ khiến người bố nghĩ rằng, nó chưa hẳn nguôi giận ông. Bởi chính ông đã hạ bút ký cam kết với công an để tống nó đi trại giáo dưỡng. Nơi ấy xưa nay không chỉ riêng nó coi là chốn lao tù. Mà cảnh tù xứ mình, chỉ nghe kể cũng đủ sợ vãi đái ra quần. Nhưng phải thế - ông Thường nghĩ - phải bắt nó và tất cả những kẻ vô lương bất trị đương đầu với cảnh sống khốn khổ khốn nạn, may ra chúng mới tỉnh ngộ, để trở lại làm người tử tế. Chứ ông thì hoàn toàn bất lực trước cậu con trai rồi.

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

HAI DÊ(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
            Hai Dê là cái tên do đám tù đặt cho hắn. Bởi với hắn, làm tình là nhu cầu bức thiết hằng ngày. Một đêm hắn dám nhận thách đố xơi sáu đứa con gái. Mà chơi  như giã giò, thình thịch tới nơi tới chốn nhé. Đến nỗi cô nàng nào cũng mệt rã rời tơi tả, lè lưỡi, lắc đầu. Còn Hai Dê vẫn tươi tỉnh phởn phơ, sẵn sàng nhào vào những cuộc thách đố khác với niềm tin thắng cuộc. Không thắng, bọn gái đĩ chẳng chịu hiến không "vốn tự có" của mình. Để thua, hắn phải trả gấp đôi số tiền theo thông lệ, thế có mà cháy túi. Cháy túi - hắn nói - phạt dạ dày thì được, nhịn L. đéo xong. Khi biết Hai Dê quá trường sức, sau này những cuộc thách đố làm tình với hắn hoạ hoằn mới xảy ra. Tuy nhiên, cảnh mua bán dâm trong tù vẫn cứ tiếp diễn luôn luôn. Cả khi trại tù thực thi một loạt biện pháp nhằm cách ly đám tù nam nữ, cũng không thể chặn đứng việc họ làm tình với nhau. Hai Dê bạo miệng phản ứng: Chặn đứng thế đéo nào được. Được thì, cánh đàn ông mình chỉ còn cách chặt cu thôi!

Cuộc đời đáng yêu!(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm

            Mỹ Hoa nằm đưa mắt nhìn chong chong lên trần nhà. Trần nhà và những bức tường xung quanh, chỉ một màu trắng toát. Hình như bệnh viện vừa mới quét vôi lại. Cả những tấm ga trải giường nữa, cũng trắng. Sao trắng đến thế? Cái màu trắng lành lạnh, rờn rợn, đầy vẻ đơn côi, bao bọc quanh Hoa! Thế là thần chết chẳng đón được Hoa đi. Những tưởng rằng, chuẩn bị cho cuộc du ngoạn vào cõi thinh không như thế thì còn ai có thể cản được Hoa. Vậy mà, giờ Hoa vẫn nằm đây. Nằm đây sau nửa ngày mê man, vật vã. Vật vã trong sự cuống cuồng lo âu của cha mẹ - không như thái độ hờ hững hàng ngày của họ. Trong sự tất bật nhưng lạnh lùng của các y, bác sĩ. Họ phải làm nhiệm vụ cứu người. Đúng hơn là, cứu cái sự sống của một người không muốn sống. Rất có thể một ai đó trong số y, bác sĩ đã nghĩ: Không muốn sống thì để chết quách đi cho cuộc đời rảnh nợ! Cứu mà làm gì một con người đã không còn yêu cuộc sống...

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Làm người tử tế khó lắm!(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm

 Bà nội bảo nó, suốt đời bà không đi lễ chùa. Bà quan niệm, Phật tại tâm, tu tại gia. Quanh năm, vào dịp đầu xuân, bà có đến cửa chùa cũng chỉ để vãn cảnh, ngắm trời đất cho lòng thư thái. Ông nội khuyên nó, làm một gã đàn ông, phải biết đội trời đạp đất, sống vì công bằng và lẽ phải. Đừng bao giờ đi bằng đầu gối. Nếu có đói cũng phải biết ngẩng cao đầu nén chịu, đừng vì miếng ăn mà đánh mất nhân cách của mình. Bà nó suốt đời không biết nói dối một câu. Thậm chí, nếu cần nói không đúng sự thật để cho sự việc tốt đẹp hơn, bà vẫn thấy như mình có tội. Mấy kẻ có quyền hợm mình tỉ tê, vuốt ve ông nó, mong được chấp nhận làm ngơ những điều sai trái mà chúng phạm phải. Nhưng ông đã ngạo mạn bước qua mà không hề nghĩ đến việc mình có thể bị trù dập. Nó nghe kể, bà nội là gái Kinh bắc. Con cả một quan đầu tỉnh có học. Quan đầu tỉnh sống chính trực, thương dân. Năm đói Ất Dậu, mỗi sáng quan cho gia nhân nấu một nồi cháo lớn, cứu độ những kẻ lâm cảnh hàn vi. Biết được sự việc ấy, mấy tên quan tham cùng thời vu cho cụ ủng hộ Việt Minh, nên chốn lao tù là nơi kết cục cụ phải vào ngồi. Song không tìm được thêm chứng cứ gì, chúng đành tha bổng cụ sau hơn một năm giam giữ. Ra tù, cụ bỏ về quê sống nốt quãng đời còn lại. Bà nó không được học cao, nhưng tứ đức ở bà, gái Kinh bắc chẳng mấy ai sánh kịp. Ông nội nó cũng là con trai cả một nhà tư sản lớn ở Hà Nội, chuyên buôn bán những sản vật quý của rừng như sâm, nhung, quế, hồi...

ĐỔI ĐỜI(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
Vậy là nàng đã chắc chắn làm chủ ngôi biệt thự sang trọng ấy. Tại sổ hồng sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, duy nhất có tên nàng. Lại nữa, trong tay nàng còn một tài khoản hơn tám tý đồng. Số tài sản này chưa to đối với nhiều đại gia, nhưng là điều không dám mơ tưởng trong ý nghĩ của hầu hết người dân đất nước khốn khó mình. Vậy là từ nay nàng khỏi phải lăn tăn bởi sự mưu sinh cơm áo.
Đến ở ngôi biệt thự, nàng mau chóng làm quen với cảnh sống đơn độc chẳng mấy khó khăn. Hằng ngày ngoài việc chăm sóc bản thân, nàng không còn phải hầu hạ ai. Tuy vậy, nàng cũng không mảy may nghĩ đến sở thích là những chuyến đi chơi xa chơi gần. Việc thăm mẹ ở quê thì khoan được rồi. Sức khỏe bà nay đã phục hồi, nhờ có thuốc thang nàng gửi về chữa trị kịp thời. Điều nàng chờ đợi lúc này là cái giấy kết hôn. Chờ đợi song không quá sốt ruột, bởi nàng chắc tin ở lão. Lão cần có đứa con trai. Nay đứa con trai ấy đang trong bụng nàng đây này.

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

ĐƯỜNG VỀ CÕI NIẾT BÀN(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học  
Sáng hôm ấy, chú Kiển lôi mười hai đứa chúng tôi từ trong giàn lạnh ra, xếp vào hai cái hòm gỗ gọi là quan tài. Đáy quan tài được rải lớp cỏ khô, để hút ẩm và chống hôi. Trên lớp cỏ là tấm vải trắng tinh. Sau khi xếp chỗ cho từng đứa, chú đắp cho chúng tôi một tấm vải khác, cũng màu trắng tinh. Rồi chú đậy nắp quan tài, dùng đinh chốt chặt lại. Khi cả hai chiếc quan tài được đưa vào nơi trực chờ bàn giao, chú lặng lẽ đốt ba nén hương tiễn biệt chúng tôi. Chú nói bằng giọng tiếc thương bùi ngùi: "Thay mặt bố mẹ các cháu, cùng tất cả các bác các cô các chú trong bệnh viện phụ sản, chú cầu mong các cháu được an lành may mắn trên đường về cõi niết bàn vĩnh viễn!"

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

GÃ SI TÌNH BẤT TỬ(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm           

 Vậy là gã được lưu danh sử sách. Lưu danh cho muôn đời sau. Sướng thật. Sướng quá đi chứ. Ai cũng một lần chết. Chết như gã, đáng để chết lắm. Người ta bảo, cuộc sống chỉ là đoạn đời gửi gắm. Đã gửi gắm thì thật tạm bợ, ngắn ngủi, chông chênh... Còn để được vĩnh cửu phải đến khi thác về cơ. Mà khi thác đi, vẫn để lại được tiếng tăm trên dương cõi thì sự vĩnh cửu càng đáng giá ngàn vàng. Cái chết của gã, ra chết!
Hai cây bạch đàn thì thầm với nhau như vậy, sau khi nghe gã nằm dưới mộ kể lại cuộc ra đi về cõi vĩnh hằng của mình. Chúng vừa được người ta đưa đến nghĩa trang này hôm qua. Thời gian trước đây, chúng còn ở cùng với lũ bạn tại một vườn ươm bạch đàn. Ở đó, bạn bè của chúng đông lắm. Có tới vài chục ngàn đứa. Chúng được đánh số để người ta dễ dàng quản lý và khai thác sử dụng. Mỗi lần, để phục vụ cho mục đích gì đó cần đến sự có mặt của chúng, người quản lý lại dóng lên những con số - tên của từng đứa, để đưa đi. Khi chia tay, cả lũ hay khóc lắm. Quanh năm chúng xum vầy thân thiết với nhau, tự dưng người ta cứ tỉa dần chúng đi. Nên chúng đau lòng. Càng đau lòng hơn nữa vì biết chẳng thể chống lại. Chúng hiểu, cuộc sống của chúng phụ thuộc vào những thế lực mạnh... Hôm chia tay lũ bạn, hai cây bạch đàn khóc đỏ cả mắt. Chúng lăn lộn, nghiêng ngả trên thùng chiếc ô tô tải đang lăn bánh, khắc khoải nhìn lại lần cuối, nơi chúng được sinh ra và lớn lên cùng bao bạn hữu. Chúng cũng đã cố đưa mắt ghi lại hình ảnh những người đã ươm hạt và sinh ra chúng. Ôi, những bà mẹ trẻ với đôi bàn tay chai sạn nhưng rất đỗi dịu dàng, ấm áp. Thế là từ nay, chúng con rơi vào cuộc ly biệt vĩnh viễn với các Mẹ. Ngàn lần xin các Mẹ tha thứ cho sự bất hiếu vô cùng này!

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

ÁM ẢNH(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
           Tên cúng cơm của bà là Hiên - Nguyễn Thị Hiên. Nhưng khoảng mười năm nay, người làng Vũ không ai gọi tên ấy nữa. Họ gọi là Bà Già Điên. Bà điên thật. Điên từ khi mọi người còn gọi bà là chị Hiên cô Hiên, hoặc gọi tên chồng: chị Hoàn cô Hoàn cơ. Được cái là, chưa một lần Bà Già Điên tỏ ra khó chịu với cách gọi ấy. Thì tớ điên thật mà lỵ! - vào lúc tỉnh cơn, bà từng toét miệng cười nói thế. Về phía dân làng, tuy gọi vậy nhưng với tấm lòng đầy cảm thông trìu mến Bà Già Điên. Sớm tối, nhiều người trong xóm, có cả các cụ khoẻ chân mạnh tay, vẫn hay lui tới trò chuyện, và đỡ đần bà những khi trái gió trở trời. Mọi người đều biết, khi cơn điên nặng trong bà bốc lên thì đừng có can ngăn. Can ngăn chẳng những không nổi mà đâm rách việc. Lúc ấy bà sẵn sàng chống trả bằng bất kỳ cái gì vơ được ở xung quanh.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

KÝ ỨC MỘT THỜI(*)

             Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
          Mẹ sinh tôi vào một ngày cuối năm. Năm con dê. Sau này khi thấy cuộc sống của tôi chật vật, mọi người bảo, sinh vào ngày ấy đói là phải. Cuối năm là mùa đông lạnh giá, làm gì có cỏ mọc. Cỏ không mọc thì dê lấy gì để ăn. Tôi tặc lưỡi. Cả đất nước này đói, chứ đâu riêng mình. Nói bừa nói ẩu để tự an ủi. Chứ ngẫm kỹ, hình như không phải. Quanh tôi, có thấy ai kêu đói đâu. Hay là, hoặc họ không đói thật, hoặc họ giấu cái đói của họ giỏi quá…
            Cha nuôi mẹ và chúng tôi bằng ngòi bút. Tức, cha đã bán những thứ mình viết ra để có tiền. Quanh năm suốt tháng, tôi thấy cha nghiêng nghiêng mái đầu trên chiếc bàn cũ mọt. Khi còn bé tẹo, nghe mẹ bảo, cha đang mài óc kiếm tiền đấy. Tôi băn khoăn không hiểu. Sao óc lại mài được? Óc nằm ở trong hộp sọ. Hộp sọ chính là xương của đầu nằm trên cổ. Đó là một thứ mềm mềm, nhão nhão, chứa đầy những dây rợ hồng hồng vẽ trong sách giáo khoa của chị gái. Thế mà lại mài được. Hồi bé, chúng tôi hay mài những viên đá cứng thành hình tròn tròn để chơi bắn bi. Có khi cả tuần mới mài xong một hòn rồi đem so với nhau, bi của đứa nào tròn hơn. Thế mà cha lại đem óc mài thì thật lạ. Chắc đau lắm. Mẹ phì cười, cốc nhẹ đầu tôi. Ngốc ạ. Con phải hiểu, khi suy nghĩ những dây thần kinh sẽ yếu đi không còn khả năng làm việc nữa. Tức là không còn nguyên vẹn nữa. Coi như là nó bị mài mòn. Hiểu chưa nào? À ra vậy. Ngôn ngữ của mẹ thay đổi xoành xoạch. Lúc khác mẹ lại bảo cha làm việc là nạo đầu nạo óc. Là è đầu è cổ. Là nôn ruột nôn gan. Với tôi khi đó, nghe chỉ thấy là lạ. Và chắc chắn chẳng bao giờ hiểu được, đó là công việc khổ sai của người cầm bút.

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

NƠI KHÔNG CÒN ĐẠN BOM(*)

                                     Truyện ngắn Giang Trung Học
Bỗng hắn lù lù xuất hiện. Vào cái lúc mặt trời vừa tụt xuống bên kia dãy đồi chè. Nhưng đất trời còn sáng rực rỡ. Người đầu tiên trong gia đình chạm trán hắn là Nhân. Nhân đang trao đổi công việc với ông Nam, thấy người thấp thoáng ngoài cổng, liền chạy ra. Anh chủ động hỏi: "Dạ, thưa anh cần gì ạ?". Hắn nghiêng đầu chào và đáp: "Tôi xin lỗi, đây có phải nhà đại tá Nam?". "Đúng đấy ạ!". "Tôi là con trai ruột đại tá Nam...". Nhân sững sờ trong giây lát, rồi kêu lên: "Anh có phải anh Trung?". "Vâng. Tôi là Trung". Nhân lẹ tay mở rộng cánh cổng, mời hắn vào nhà. Đi bên, Nhân nói: "May quá, anh về giờ này đông đủ cả nhà". Hai bên lối dẫn vào nhà là những hàng cau cao ngang tầm người, trĩu trịt quả. Vừa bước đến sân, Nhân tíu tít gọi: "Ba ơi... Anh Trung về ba ơi! Hương đâu?... Em ra đón anh Trung này!".

CÕI NIẾT BÀN(*)


Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm

Em nhẹ nhàng đứng dậy. Vạt áo dài nâu sồng luấn quấn bước chân em. Cái màu nâu duyên nợ cùng em từ tấm bé. Tự thuở lọt lòng, em nào hay cha mẹ là ai! Chỉ biết sư bà bảo, nhặt được em từ một chợ ngoại thành nào đó. Ai đẻ ra em? Người nào mà tàn nhẫn tới mức, mang nặng chín tháng, vượt cạn đẻ đau, rồi vứt veo núm ruột của mình đi không hề xót thương nhỉ? Cũng còn may cho em. Cửa Phật đã giang rộng đôi tay từ bi, để em được nương tựa đến lúc này. Khi mà, nếu không phải tuân theo lề luật nhà Phật, em có thể đã có một mái tóc dài mượt mà, óng ả ngang lưng. Và đôi nhũ hoa, dù không mặc đồ lót hiện đại, vẫn căng mẩy ưa nhìn qua hai lần áo. Thường áo ngoài em mặc, bao giờ cũng hơi thùng thình một chút, để che bớt đi bộ ngực non đầy đặn. Vậy mà, chẳng làm sao giấu nổi nét duyên dáng của cô gái đang tuổi dậy thì.

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Câu chuyện chiều mồng 4 Tết Ất Mùi

Giữa chiều. Xe buýt đi trên cầu Chương Dương. Mình: Alo, đến cháu Khoa đi anh. Em đợi ở bến buýt cạnh trạm xăng nhé. Hẹn hò người iu xong, mình chuyển sang xe40 để đáp bến hẹn. Chíu xíu, thấy người iu "băm bổ" đi đến. Lại chút xíu, có xe11. Cả 2 vội nhảy lên. Xe buýt Tết. Vắng. Lướt nhanh. Chút xíu, đã đến nhà người cháu. Làm đủ thủ tục của "bề trên" với "người dưới"; lại dung dăng dung dẻ ra bến buýt, "hồi hương".

Người iu băm bổ đi đến chỗ hẹn
Ngồi trên buýt, chuyện vu vơ: Anh ơi, ông anh mình bị bố ép lấy vợ, không iu, thế mà vẫn sòn sòn cho ra tới 3 đứa. Người iu: Thì cứ nhốt chung một chuồng, mãi cũng phải "tí toáy", rồi thế là cho ra "sản phẩm" chứ sao! Ờ, mà càng ngẫm, càng thấy câu chuyện "Người thứ bốn mốt" viết thật giỏi. Một bạch vệ, một bôn sê vích, chỉ 2 con người trên một đảo hoang; trong một hoàn cảnh cụ thể, đã yêu nhau tha thiết. Nhưng, rốt cuộc, khi phải lựa chọn 1 trong 2, cô nàng bôn sê vích đã thẳng tay bắn nát đầu người tình. Tác giả đã chứng minh: hai trái tim có thể chung một nhịp đập, nhưng 2 lý tưởng vẫn luôn là 2! 
Trên bus 11
Oh, vậy theo anh, trong xu thế hiện tại, cách xử lý ấy có chấp nhận được không?
Hì, trước đọc chuyện, xem phim thì thấy mê đấy. Nhưng giờ thì, cái lý thuyết "có tao không có mày" khó nuốt lắm... Vậy nhưng họ cứ leo lẻo: Hội nhập, khép lại quá khứ... Thôi thì đủ trò...
Mình: hì, lại sắp sửa "chính chị chính em" rùi. Thui.... Dừng cho nó lành....
Vừa lúc đến bến. Lại thả bộ về nhà trên con đường sắp hoàn thành. Hai bên đường, đèn đã bật. Không gian vắng vẻ và êm ả. Bình yên... Thật hay hư?
Những chuyến đi bộ và những câu chuyện thường vu vơ như thế đấy!

Con đường gần nhà đang hoàn thành


Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Ngày Tết, đến thăm GS Hà Văn Cầu - “Người trò” của Cha.

Ngày mồng hai tết đến thăm và chúc tết cụ Hà Văn Cầu. Nhác trông thấy cụ, tim mình thắt lại. Đâu rồi sự minh mẫn, sáng suốt, tinh anh? Ngồi cùng con cháu, cụ chỉ im lặng. Thỉnh thoảng cười hiền.
Trước, vớ được vợ chồng mình đến thăm, câu chuyện giữa chủ và khách nở như ngô rang, triền miên, vô tận… Cuối cùng, việc kết thúc chỉ xảy ra khi thời gian không phải là vô hạn. Khách miễn cưỡng đứng dậy. Chủ bịn rịn chia tay.
Nay, cụ là vậy đó!
Cha mình - người luôn được cụ tôn vinh là: Người thày đầu tiên cầm tay dạy chữ cụ (vào nghề), đã đi xa gần 12 năm rồi. Nay cụ cũng đang dần tiến gần đến cõi vĩnh hằng. Cho dù đó có là quy luật của tự nhiên, thì chắc chắn, người thân, bạn bè, những ai yêu mến cụ, vẫn đầy lo âu, thấp thỏm…
Một thế hệ “VÀNG” - những nhân vật lịch sử tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của dân tộc là CHÈO, những người từng thắt lưng buộc bụng để dồn tâm sức xây đắp, bảo tồn môn nghệ thuật truyền thống này, như các cụ Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Hàm và Cha mình, giờ là cụ Hà Văn Cầu, đang dần biến vào cõi hư vô.

Đau đấy, nhưng cười đấy. Cười là bởi, mình chắc tin: Sống như các cụ mới thật là sống. Mới mãi mãi còn lại với nhân gian, với lịch sử nghệ thuật truyền thống của dân tộc: Nghệ thuật Chèo!

 

Ghi lại một chuyến đi đúng ngày sinh Cha- 5/2/2015

Từ trái sang: Đạo diễn Xuân Ba, Rể út của Cha,
Chủ tịch Hội VHNT HD Nguyễn Thị Việt Nga,
 Gái út của Cha
Hôm nay Cha tròn tuổi 97, nếu còn sống. Nhưng, Cha đã đi xa hơn 11 năm có lẻ. Và, kể từ ngày Cha về nơi vĩnh hằng, kể cả không phải ngày 5/2, chả ngày nào vợ chồng con không nhắc nhớ về Cha Mẹ.

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Mồng Ba Tết Thày!

Sáng này tel chúc Tết anh Doãn Hoàng Giang - học trò của Cha. Mình nói: Em chờ ngày hôm nay, mùng 3 Tết mới tet chúc anh. Anh biết tại sao không? Anh cười hì hì: Anh chịu... Mình: Bởi cách ứng xử với Cha em - Thày của anh, đã là tấm gương để em coi anh là một người Thày. Nhân gian chả đã có câu: "Mồng Một Tết Cha, mống Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết Thày là gì? Anh Giang phá ra cười, cười mãi. Cả mình cũng cười. Chắc anh cho mình là loại "lẻo mồm, lẻo miệng". Nhưng anh Giang ơi, đó đúng là điều em nghĩ trong tâm đấy. 
Khi Cha còn sống, cả quãng thời gian dài Cha đã đi xa, chẳng Tết nào anh không đến chúc sức khỏe Cha, và thắp nhang tưởng nhớ Cha.
Năm 2013 - tròn 10 năm Cha mất. Anh đã góp tâm sức với vợ chồng em ra 3 tập sách của Cha và cùng với Hội Nhà văn VN và Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của Người thật trang trọng, đầy ắp nghĩa tình. 
Vậy, thử hỏi, coi anh là một người Thày trong cách ứng xử thể hiện đạo nghĩa Thày - Trò quá đúng còn gì!
Anh Giang còn hỏi: Em với anh Học có khỏe không? Mình: Anh nghe giọng cười phe phé của em thì biết. Vậy là 2 anh em lại cười và cười...
Mình chúc anh Giang: Trước tiên sức khỏe. Thứ nữa: Chúc một điều bình thường thôi, là: Anh đã siêu rồi, vậy phải siêu nữa, siêu nữa... Hai anh em lại cười...
Anh Giang còn hẹn, sắp tới gửi vé mời vợ chồng mình đi xem vở kịch "Những chấn động còn lại" anh mới dựng cho Nhà hát kịch Việt Nam. Hi, đi thôi chứ nhỉ?

NSND Doãn Hoàng Giang tại Lễ tưởng niệm 10 năm Cha mất (3/7/2013)

NSND Doãn Hoàng Giang và NSND Lê Khanh tại Lễ tưởng niệm 10 năm Cha mất (3/7/2013)



Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

CON ĐIẾM(*)

           Truyện ngắn Giang Trung Học
Ảnh minh họa 
Nhìn đồng hồ tay, em thấy trễ giờ. Vội đặt hoa trái lên ban thờ, em thắp nhang, cúi đầu lặng lẽ, tưởng nhớ ngày cha mẹ qua đời.
            Đúng ngày này tròn sáu năm trước, lính thuỷ đánh bộ Mỹ mở cuộc vây quét triệt hạ cái xóm nhỏ quê em. Vì theo chúng thì, Cộng quân đã mấy lần xuất kích từ đây, gây tổn thất lớn cho phía liên quân Mỹ và Chính phủ Cộng hoà. Sớm hôm ấy, lúc đất trời với biển còn dày đặc sương giăng, lính Mỹ đã bu đặc cả bốn bề xóm vạn chài. Người đầu tiên chạm trán giặc chính là cha em, khi ông giữ thói quen ra tập thể dục trên bãi biển vào giờ này. Loạt đạn liên thanh khởi trận liền xả thẳng vào ông. Tức thời các loại súng lớn súng nhỏ đồng loạt gầm vang, trút lửa đạn xuống mục tiêu.

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Khai bút Ất Sửu(*)

Ảnh minh họa
         Rồng rắn qua rồi, đến ngựa trâu
                        Một bầy lục súc cắn đuôi nhau.
                        Đèn cù quay tít mù thiên địa
                        Reo rắc bao nhiêu nỗi thảm sầu!

Thiên cơ, thiên vận… suy, suy thịnh
Suy thịnh do trời, ai biết đâu.
                                                                 Vận suy muôn thuở cùng đinh chịu
                                                                 Thời thịnh, tranh công… húc chết nhau!
                                                                                                                       Xuân Trâu,1.1985

(*) Thơ "Ta - Bạn & Đời", Nxb Hội Nhà văn, 2013.


Một thời để nhớ(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
Tôi và hắn đã gặp lại nhau. Đột ngột giống như khi chia tay vậy!
          Thế mà cũng đã một phần tư thế kỷ trôi qua.
          Hắn, một vợ, một con, đủ đầy, êm ấm.
          Tôi, cô đơn, chấp chới một mình cõi phù du văn chương lãng mạn.
          Hắn, đàng hoàng, đĩnh đạc, đương kim giám đốc một công ty đang ăn nên làm ra.
          Tôi, lận đận, long đong hết tờ báo còm cõi nọ đến nhà xuất bản xập xệ kia.
          Hắn, với dáng vẻ một con người đàng hoàng, tư thế lắm.
          Còn tôi, chẳng có lời bình nào nghe cho dễ chịu. Thôi, chẳng nói ra thì hơn!
          Nghĩa là, hai đứa chúng tôi - hai đầu xa thẳm!