Lý lịch Nghệ thuật

  • Năm 1942, Lộng Chương xuất bản Tiểu thuyết phóng sự Hầu Thánh. Tiểu thuyết này được tái bản nhiều lần: Nhà xuất bản Hà Nội, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Giáo dục…
  • “Trong 9 năm chống Pháp, Lộng Chương sáng tác 17 vở kịch, trong đó có những vở ghi đậm dấu ấn lên quá trình sáng tác của ông, được nhiều người biết đến như: Lí Thới (1948), Du kích thôn Đồi (1952), Chiến đấu trong lòng địch (1954), Đoàn quân tóc trắng (1954), Giữa đường (1954), Ma hiện (1955).v.v… Giá trị của những vở kịch này trước hết thể hiện ở tinh thần công dân, ý thức của một nghệ sĩ nhập cuộc một cách tích cực vào sự nghiệp chung của dân tộc”. (TS Phan Trọng Thưởng - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học).
  • Hòa bình lập lại, Lộng Chương về Hà Nội, cùng Nguyễn Văn Niêm, Ngọc Đĩnh, Việt Hồ, Hà Văn Cầu, lập ra Ban kịch Mùa Thu, dựng các vở kịch dịch, theo phương hướng Việt Nam hóa, phục trang kiểu ta, diễn như chèo (kịch Tác-tuýp của Mô-li-e – Pháp, là vở điển hình, được nhiều nhà hoạt động nghệ thuật nổi tiếng ca ngợi).
  • Tiếp đó, Lộng Chương cùng Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Hàm, Hà Văn Cầu… tổ chức, xây dựng Đoàn Chèo Cổ Phong, nhằm bảo tồn, lưu giữ vốn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Từ Đoàn Chèo Cổ Phong đã được phát triển thành Đoàn Chèo Hà Tây nổi tiếng).
  • Cùng thời gian, Lộng Chương còn chủ trì xây dựng và phát triển các Đoàn nghệ thuật tại Thủ đô như: Đoàn kịch Công Nhân, Đoàn kịch Thanh Niên… Lộng Chương còn trực tiếp xây dựng các đoàn kịch cho: Bộ Lâm Nghiệp, Bộ Nội Thương, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hoàng Liên sơn, Bắc Ninh, Hải Hưng, Hải Phòng… Ở đâu cần, Lộng Chương lập tức có mặt. Ông làm đủ mọi việc: Hướng dẫn tổ chức xây dựng đoàn kịch, tuyển diễn viên, dạy nghề, cung cấp kịch bản, đạo diễn… Công sức của Lộng Chương dành cho việc xây dựng phong trào văn nghệ của các tỉnh phía Bắc, các Bộ - Ngành, trong hàng chục năm ròng rã, không ai có thể sánh nổi.
  • Liên tiếp 2 năm 1960 - 1961, Lộng Chương cho ra đời 2 vở: Hài kịch Quẫn và Cải lương A Nàng, là 2 tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Quẫn là vở diễn có tuổi thọ dài nhất, hơn 20 năm trời, với hơn 2.000 đêm diễn từ Bắc đến Nam”.
  • A Nàng cũng là vở được hàng chục đoàn nghệ thuật trong nước dàn dựng và biểu diễn suốt thời gian dài: Đoàn Cải lương Kim Phụng (Hà Nội), Đoàn Bình Minh (Nam Định), Đoàn Hoa Mai (Hà Sơn Bình), Đoàn Đồng Nai, Đoàn Vũng Tàu, Đoàn Sông Bé, Đoàn Huỳnh Long (TP Hồ Chí Minh)…
  • Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội… Lộng Chương vừa viết vừa chỉnh lý, viết lại, đến trên 60 vở, gồm nhiều kịch chủng… với nhiều sáng tác tiêu biểu, như: Cửa mở hé, Tình sử Loa Thành, Quẫy, Ngã, Bên dòng sông Vị, Dũng sĩ Rạch Gầm, Đường hoa, Bè trầm bản hành khúc
  • Còn một mảng sáng tác có thể coi là đóng góp không nhỏ của Lộng Chương trong chiến tranh chống Mỹ, đó là Kịch Truyền thanh viết cho Đài Tiếng nói Việt Nam, để phục vụ công tác binh vận - một nhiệm vụ không thể thiếu ở thời kỳ chiến đấu quyết liệt với kẻ thù trong những năm 60-70. Đó là những vở: Bầu bán, Đêm hầm ngầm, Đường đạn thẳng, Viết đêm, Hai tuyến lửa, Ngô gia náo kịch
  • Mảng nghiên cứu, sáng tác và bảo tồn môn nghệ thuật Chèo của Lộng Chương (cùng bạn hữu) cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá cao.
  • Lộng Chương chưa từng “ăn cơm” với nghề đứng trên giảng đường chính quy của các trường nghệ thuật, nhưng học trò của ông thì nhiều lắm, có ở khắp nơi. Họ làm nghề giáo, kỹ sư, bác sĩ, công nhân, nông dân… trên khắp mọi miền đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét