1. Thương nhớ thày Lộng Chương(*)

                                                                                Nhà nghiên cứu Chèo - Giáo sư Hà Văn Cầu          
         Thày Lộng Chương! 
        Rõ ràng trong lý lịch, ai cũng đọc thấy Thày sinh ra ở phố Hàng Bạc - Hà Nội. Song đến nay không một ai, kể cả Thày, có thể khẳng định được Thày vốn ở số nhà nào. Vì thời gian trôi qua đã quá lâu rồi, và cả sự đổi thay “dâu bể” trong gần 100 năm qua.  
NVK Lộng Chương
1990
         Cũng có người hiểu biết nói rằng, Thày vốn có quê gốc là Châu Khê - Hải Dương; nhưng nay không ai chỉ được cụ thể mảnh đất, ngôi nhà nào trong thôn là nơi các cụ trước Thày 3 đời đã cư ngụ. 
       Ai cũng biết rõ Thày có tên khai sinh là Phạm Văn Hiền, nhưng có ai đó đến tận phố Hàm Long, Hà Nội hỏi thăm nhà ông Phạm Văn Hiền thì chắc không ai chỉ được.    
         Bởi Thày là một người: Có tên họ hóa thành không họ - Có quê hương mà bỗng mất quê hương… 
       Cũng bởi Thày sinh ra không phải để làm nghề kim hoàn, buôn vàng, bán bạc, cũng không phải để cấy lúa trồng khoai. Thày sinh ra để làm cái nghề khó nhất trong các nghề sáng tạo: Nghề sân khấu! 
        Và cũng bởi Thày không thuộc về một họ mà là người của trăm họ, uống nước trăm sông, ăn gạo trăm làng để phục vụ hàng triệu con người. 
      Thày đã từng làm công chức thời Tây. Nhưng trong nhà Thày, chỉ thấy chất chồng đầy sách vở viết về nghề sân khấu, của Mounet, Moussinac, Corvin, Zéami… Chính là nhờ các sách đó, thày đã vượt qua mọi trở ngại và vượt qua cả bản thân mình, để học nghề một cách thầm lặng, chẳng cần phải thày bà trường lớp nào. Tuy vậy, nơi học chính mà Thày chăm chỉ dấn thân vào là Trường đời và các đoàn Nghệ thuật Sân khấu. Ngày Hà Nội mới giải phóng, đoàn nghệ thuật sân khấu rất ít. Ngoài mấy đoàn Cải lương, Tuồng, Chèo thuộc Liên đoàn Ca kịch Thủ đô thì Hà Nội chỉ có một đoàn kịch nói nghiệp dư Đông Phương bên cạnh Đoàn Văn công Trung ương. Muốn có đơn vị biểu diễn để làm nghề, Thày đã cùng các bạn là Ngọc Đĩnh, Nguyễn Văn Niêm, Việt Hồ, Hà Văn Cầu lập nên Đoàn kịch nói Mùa Thu. Rồi lại cùng các bạn Trần Huyền Trân, Nguyễn Đình Hàm, Lưu Quang Thuận, Hà văn Cầu lập nên Đoàn Chèo Cổ Phong. Chỉ riêng ở Hà Nội, thày xây dựng được Đoàn kịch Công Nhân và Đoàn kịch Thanh Niên, mà cơ quan và đoàn thể chủ quản không mất công sức và tiền của đầu tư, nhưng vẫn có tiếng nói của mình. Những năm kháng chiến chống Pháp, Thày là người đứng ra thành lập Đoàn Văn công Điện Biên - Liên khu III, được đồng chí Lê Thanh Nghị(**) - chào đón như một cống hiến tinh thần lớn, ngoài ý định của Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu III. Những năm kháng chiến chống Mỹ, Thày tham gia viết và dựng vở cho Đài Tiếng nói Việt Nam, một tuần một vở ba mươi phút với hai nhân vật (chỉ hai nhân vật) mà Thày gọi là Kịch tương thanh, theo yêu cầu của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Việc này được làm liên tục suốt chục năm không nghỉ. 
      Người làm nghề cần có tổ chức nghề nghiệp. Thế là Thày cùng các bạn nghề Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Hà Văn Cầu, Đoàn Đức Nhã… đứng ra tiến hành một cuộc vận động thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đến cuối tháng 7 năm 1957 Hội đã ra đời. Có Hội lại phải lo trụ sở: Thày vận động mua được căn nhà 84 Nguyễn Du, nhưng rồi lại phải nhường cho cơ quan khác để về 51 Trần Hưng Đạo như bây giờ.
     Thày từng giốc nhiều sức lực vào việc học nghề một mình… nhưng lại không làm nghề một mình. 
      Thày dành rất nhiều công sức giúp đỡ cho các lớp đàn em. Lịch làm việc của Thày thật chặt. Từ thứ hai đến thứ sáu: sáng sớm uống nước, đọc sách, sau một chút điểm tâm, Thày ngồi vào bàn viết. Ở đó, những kịch bản, những bài báo, những đề cương giảng dạy được lần lượt ra đời. Cho đến khi chiếc bàn Thày làm việc mọt đến chân thứ tư, rồi mới chịu thay. 
      Riêng ngày thứ bảy và ngày chủ nhật, Thày dành thì giờ cho sân khấu phát thanh, để phục vụ bà con miền Nam và góp phần vào công tác binh vận, địch vận. 
      Lịch là như thế nhưng bất chợt có bạn bè, cả những người mới chập chững vào nghề tìm đến, Thày đều dừng bút và ân cần tiếp đón. 
Báo cáo thành lập Hội NSSK VN ngày 7/5/1957
(đặt chính giữa) và bút tích của Lộng Chương
về công tác sáng tác, Nghị quyết Hội nghị đạo diễn lần I,
báo cáo tổng kết các cuộc thi sáng tác...
    Thày dành thì giờ nghe vở, góp ý, thậm chí giữ lại kịch bản để cầm bút sửa chữa giúp, không tiếc công. 
      Do sự chí tình ấy, tình cảm gắn bó giữa các học trò với Thày ngày càng khăng khít. Dần dần, nhà Thày chẳng khác gì một cái Ty Văn hóa. Anh chị em từ bốn phương về Hà Nội, cứ việc ném ba lô vào nhà Thày, báo với vợ con Thày xin ăn cơm chiều, cơm tối là xong ngay. Vậy mà thày nhất định không nhận tiền, không nhận tem phiếu của bất cứ ai. Thật cứ như người anh cả đối với các em ruột thịt trong nhà vậy. 
      Bụng càng rộng rãi thì cuộc sống càng eo hẹp. Trong nhà Thày có cái gì đáng giá đều theo nhau ra đi để có chút tiền mọn sinh sống. 
Những vỏ bao chè Hồng Đào, Ba Đình, Thanh Hương...
Lộng Chương dùng mặt sau làm giấy viết bản thảo
        
Ngay cả giấy viết cũng không có tiền mua. Thày phải nhặt rất nhiều vỏ bao thuốc lá, xếp thành từng tập: Thăng Long, Điện Biên, Hoàn Kiếm, Tam Đảo, Tam Thanh, Đ’rao… mỗi loại dùng ghi một chuyên đề nghiên cứu. Khi các đàn em cần học tập, tra cứu gì về sân khấu thì, chỉ cần mượn tập chuyên đề mà đọc, nhưng chỉ đọc tại chỗ, không được mang về. Anh còn viết cả lên những vỏ bao chè các loại như Hồng Đào, Ba Đình, Thanh Hương… 

                                                            Mặt sau những tờ tem phiếu thực phẩm
                                                                      cũng là giấy viết bản thảo của Lộng Chương
   Cách đây ba năm, anh Mai Bình (Thanh Hóa) sức đã rất suy, vẫn cố ra Hà Nội để chào vĩnh biệt bạn bè, trước hết là thày Lộng Chương. Sau đó, anh về Thanh Hóa, chẳng được mấy ngày là ra đi. 
      Cũng nên dành đôi ba dòng để nói đến nhân cách của Thày. 
      Nhiều người biết Thày hay tửu, hay tăm. Vì với Thày, rượu là tinh chất của gạo, của ngọc thực thế gian. Tuy không viết ra Tửu đức tụng như Lưu Linh hay Tương tiến tửu như Lý Bạch, nhưng cái sự uống rượu của Thày đã nhiều lần trở thành huyền thoại. Bữa rượu say ở Đoàn Kim Phụng năm 1959 đến nỗi Thày về đến cửa rồi mà vẫn tưởng ở ngoài đường. Bữa rượu hung thần ở Nhà hát Chèo năm 1962 tiếng đồn vang khắp, làm xôn xao cả Viện Văn học. Bữa rượu cưới con trai đạo diễn Trần Hoạt (uống cùng Văn Cao và Hà Văn Cầu) say đến nỗi tất cả đều gục xuống cạnh mâm. 
       Đối với Thày, rượu không chỉ là cái thú mà là chất kích thích, làm cho con người sống thật hơn. (Bình thường có thể con người né tránh, không dám chọc vào tổ ong, tổ kiến; chỉ đến khi phấn khích nhờ rượu mới dám bộc lộ những điều ẩn kín tận đáy lòng mình). 
       Tuy vậy, ít ai biết Thày thích trà. Với Thày, rượu chỉ làm cho con người hăng hái, dám tấn công. Còn trà mới giúp cho Thày thanh sảng, bình tĩnh trước cuộc đời đen trắng lẫn lộn, định ra đường đi nước bước cho bản thân và bè bạn. Chính những lúc uống trà, Thày thường nghĩ đến nắng lâu, mưa nhiều thì ai đói, ai khổ; cầm tờ báo lên mà thương những chiến sĩ gan vàng dạ sắt ngoài chiến trường, cùng những người vợ trẻ thay chồng gánh vác gia đình, xã hội và cắn đôi hạt thóc gửi ra tiền tuyến nửa phần. 
       Như vậy, một phần chí ở Thày nhờ rượu, còn tình hoàn toàn ở chén trà, kể cả khi trà đã cạn mà Thày còn cầm chén bâng khuâng. 
        Không là kẻ tâm giao thì không thể biết điều đó. 
       Trong số học trò sân khấu của Thày, ngày nay, điểm mặt lại không ít kỹ sư, bác sĩ, không ít nhà khoa học, không ít các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, đang giữ các cương vị then chốt của ngành mình, nhưng hàng năm vẫn thường lui tới nhà Thày vào ngày tết và ngày 5 tháng 2 dương lịch là ngày Thày ra đời. Tất cả họ đến nhà Thày để chung vui và cùng nhau ôn lại những ngày làm việc với Thày cùng trong một mái ấm. 
       Thày yêu đàn em như vậy nhưng lại rất nghiêm. Thày không chịu những ai đó đến với nghệ thuật chỉ để có mặt, báo công; mà phải nghe, phải hỏi, phải phát biểu, tranh luận cho ra mọi nhẽ để làm nghề ngày một tốt hơn, nhiều hơn. 
        Phải, Thày đã nêu gương sáng cho chúng tôi về sự lao động sáng tạo. Chỉ riêng kịch mục cho sân khấu của Thày, tôi đếm được một trăm bốn mươi vở. Và còn số lượng “tiết mục” khác cũng thật khổng lồ. Trong sổ tay góp ý cho các tác giả và đạo diễn, diễn viên, tôi đếm được hai trăm mười lần tên người. 
        Thật là một hiện tượng ít gặp! 
      Thày “cho” rất nhiều, nhưng “xin” chẳng bao nhiêu. Cho đến ngày ra đi, Thày chỉ được đi thăm Liên Xô bảy ngày. Trong việc phân phối nhà cửa, không ai nghĩ đến Thày, trong khi có người mới đặt chân về Hội đã được ngay một nơi ở khang trang. Tuy vậy cũng có điều an ủi là trong tập Kịch bản Việt Nam được Liên Xô dịch, ta thấy có Hài kịch Quẫn mà bạn đánh giá rất cao. Thế là đời người tuy ngắn nhưng nghệ thuật thì thật dài. Nhà nước lại đã tặng Thày Huân chương Độc lập hạng Ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. 
      Đó là những ghi nhận của Nhà nước, của bạn nghề trong nước và nước ngoài, mà không phải ai muốn cũng có được. 
       Hôm nay, vào lúc 13 giờ 54 phút, ngày 26 tháng 6 năm 2003, tức ngày 27 tháng 5 - Quý Mùi, Thày ra đi mất rồi. Thày đã để lại nỗi đau, nỗi nhớ không chỉ cho giới sân khấu cả nước, mà cả hàng triệu hàng triệu đồng bào yêu thích nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Thày ơi, xin Thày cứ yên nghỉ. Ở nơi trần tục nhiều bụi bặm này, bạn bè và học trò của Thày vẫn tiếp tục những công việc mà Thày còn dang dở. Xin cho phép tôi được thay mặt những người làm nghề và học trò của Thày, gửi tới gia đình Thày những lời phân ưu từ trái tim mình, với nỗi niềm thương tiếc nhất, đau buồn nhất. 
        Xin vĩnh biệt Thày - Thày Lộng Chương Phạm Văn Hiền! 
                                                                                       
________________________
 (*) Báo Lao Động - 28.6.2003; Sách “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường”, Nxb Sân khấu, 2003.
(**) Sau này là Phó Thủ tướng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét