8. Lý luận của "thần lưu linh"(*)

Đầu năm 1965, khi những trận bom của Mỹ đang dội cuồng loạn xuống Cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá), trong đêm tối bỗng có một băng nhóm xuất hiện đột ngột tại nhà ông Mai Bình (nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Thanh Hoá). Tốp người này ăn mặc thật kỳ dị, đủ kiểu tây, ta. Thì ra, đó là những mãnh hổ nghệ sĩ đất Thăng Long mở đường máu vào Ái Châu để phục vụ chiến đấu. Cầm đầu băng nhóm này là Lộng Chương, rồi đến Lưu Quang Thuận, Hà Văn Cầu, Trần Bảng và mấy anh nghệ sĩ choai: Nguyệt Ánh, Minh Ngọc, Nguyễn Thànhcùng cậu nhỏ Lưu Quang Vũ. Ngay đêm đó, họ mở tiệc thi rượu. Rượu làng Tạnh nổi tiếng đất Thanh, nhắm với ổi xanh rụng ngoài vườn do bom Mỹ rung hộ. Đang lúc chủ khách nồng nàn nâng chén thì máy bay Mỹ ập đến. Một loạt bom Mỹ nổ như xé tai. Tất cả ào xuống hầm. Mai Bình nhìn đi nhìn lại, thấy thiếu Lộng Chương, vội đội nắp hầm lên tìm. Thì, trợn tròn mắt thấy… Lộng Chương đang bình thản buộc cái bi đông rượu vào ngang hông, rồi lắc xem có chắc không. Trông Lộng Chương lúc này giống như anh lính xung kích sắp công đồn. Mai Bình xẵng giọng nhắc, nhưng Lộng Chương lại khịt mũi cười khẩy: Ông không biết à? Đây là năng lượng, là chất gây hưng phấn để tư duy. À, nó còn là tinh tuý của trời đất, là men say của sáng tạo đấy. Mình phải bảo vệ cái bửu bối này cẩn trọng, còn hơn cả cái tú hũ của mình đấy!…
Mai Bình lắc đầu… Trời ơi, cái lý luận của thần lưu linh này thì ông… chịu thua rồi!
                                                                        Theo lời kể của ông Mai Bình
Ông Mai Bình (thứ hai từ phải sang); Lộng Chương (thứ hai từ trái sang)
Ngoài cùng phải là ông Mai Lý - Đoàn Trưởng Đoàn Chèo Thanh Hóa

(*) Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét