3. Về cõi hư huyền(*)

             Lộng Chương không chỉ là nhà viết kịch nổi tiếng, ông còn là nhà họat động sân khấu cách mạng giàu tâm huyết, bền bỉ, đa năng. Ngót bảy thập niên gắn bó máu thịt với kịch trường nước nhà, cho đến những năm tháng cuối đời, người nghệ sĩ cao tuổi vẫn vẹn nguyên khát vọng dâng hiến cho sân khấu Việt Nam, khát vọng được thắp sáng ngay từ thuở thiếu thời.
         

  
Ông tên khai sinh là Phạm Văn Hiền, còn có bút danh là Viên Hán, sinh ngày 5-2-1918 ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Hồi nhỏ, mới sáu bảy tuổi cậu bé Hiền đã ngồi dưới hố nhạc Nhà hát Lớn Hà Nội nhắc vở với người cô, để xem bác ruột của mình diễn những vở Hài kịch trứ danh của Môlie: nào “Tactuyp”, rồi “Trưởng giả học làm sang”. Phải chăng không khí kịch trường những năm đầu tiên Kịch nói Việt Nam ra đời, vào thập niên thứ 2 thế kỷ trước, một không khí say mê đến cuồng nhiệt đã dụ chàng trai đa cảm, hiếu động ấy đến với kịch nghệ và có “duyên nghiệp” với thể loại Hài kịch, để sau này có những tác phẩm lừng danh để đời? Cả thời trai trẻ, Lộng Chương tham gia chơi “Kịch tài tử” với những văn nghệ sĩ, trí thức lịch duyệt nổi tiếng thời bấy giờ ở Ban kịch Hà Nội, Nhóm kịch Thế Lữ… từng bước lên sân khấu các rạp Quảng Lạc, Sán Nhiên Đài, Cải lương hí viện, cả sàn diễn Nhà hát Lớn Hà Nội. Phong cách vừa là nhà biên kịch, vừa là Thày tuồng, vừa là Nghệ sĩ biểu diễn của nền kịch nghệ tiền chiến đã tạo nên tố chất Lộng Chương trở thành Kịch tác gia kiêm Đạo diễn sân khấu, là người Thày đào tạo các thế hệ diễn viên…
     
NVK Lộng Chương (Bên phải ngoài cùng)
tiếp Đạo diễn Tiệp Khắc
DevorJack
Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến bùng nổ, ngay từ những ngày đầu bão táp ấy của nước Việt Nam mới, Lộng Chương đã hồ hởi lên đường theo tiếng gọi “sơn hà nguy biến”. Cách mạng đã nâng đôi cánh cho chàng nghệ sĩ - chiến sĩ ấy bừng nở tài năng. Ông tham gia chỉ đạo Ban kịch Bình Dân, Ban Tuyên truyền xung phong kháng chiến, tổ chức nhóm kịch Báo Công Dân - Nam Định kháng chiến. Từ năm 1950 trở đi là Ủy viên Chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên khu III, phụ trách bộ môn sân khấu, Đội trưởng Đội công tác văn nghệ Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, rồi Thường trực Ban sân khấu Hội Văn nghệ Việt Nam, là một trong những sáng lập viên Hội Nghệ sĩ Sân khấuViệt Nam, là Ủy viên Thường vụ Hội cho đến ngày nghỉ hưu - 1978…
            Cuộc đời sáng tác của Lộng Chương thật đa dạng, phong phú. Nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông đã viết nhiều thể loại kịch với hàng trăm vở ngắn dài, có 9 tập thơ và ca dao, 5 tập phóng sự - ký sự kháng chiến, nhiều bài tiểu luận phê bình sân khấu. Nghỉ hưu, ông lại cần mẫn viết hồi ký “Sân khấu đời tôi” hơn ngàn trang với nhiểu tư liệu quý, gắn liền với sự phát triển của nền sân khấu cách mạng. Tuy sáng tác nhiều thể loại nhưng viết kịch vẫn là sở trường, là công việc tâm huyết nhất của ông. Thời kháng Pháp có những vở đáng kể như: Lý Thới (1948), Du kích thôn Đồi (1952), Chiến đấu trong lòng địch (1954) - tác phẩm được Giải thưởng Văn học 1954-1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam. Thủ đô giải phóng, Lộng Chương đã góp công sức không nhỏ xây dựng các đoàn nghệ thuật, như Đoàn Chèo Cổ Phong (Chèo Hà Tây sau này), rồi Chèo Nam Hà, Kịch Hà Tây, Kịch Thanh Hóa, đặc biệt là hai đoàn Kịch Thanh Niên và Công Nhân của Hà Nội - cái nôi dinh dưỡng cho những tài năng sau này như Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Đoàn Dũng, Hà Văn Trọng, Mỹ Dung, Trần Hạnh, Dương Quảng, Trịnh Mai, Hoàng Quân Tạo, Ngọc Hiền, Bích Lân. v.v.
            Thời kỳ này cũng bộc lộ tài năng viết kịch của ông. Sẵn tố chất người cán bộ cách mạng, Lộng Chương luôn luôn viết những vở kịch mang tính thời sự nóng bỏng nhất. Những kịch phẩm như: Chặn tay chúng lại (viết ngay trong đêm nghe tin Mỹ ngụy gây vụ thảm sát Phú Lợi, Đoàn kịch Thanh Niên dựng diễn ngay trên đường phố Tràng Tiền), rồi Đổi đầu heo, Dì Mai, Bầu bán, Người nữ tự vệ áo trắng… mang tính chiến đấu cao, đúng chức năng “mũi xung kích hiện đại” của sân khấu. Giai đoạn này, ông và nhà báo Xích Điểu là hai tác giả thường xuyên viết kịch truyền thanh cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Những họat kịch hài hước, chấm biếm chua cay, đả kích mạnh mẽ quân thù xâm lược và bè lũ tay sai làm nức lòng quân dân ta, làm phía bên kia điên đầu. Phẩm chất ấy của Nhà viết kịch nổi tiếng thực đáng trân trọng. Ngoài những vở phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, Lộng Chương cần mẫn viết nhiều tác phẩm sân khấu cho các đoàn kịch nghệ thuật miền Bắc dàn dựng, đáng kể như: Dũng sĩ Rạch Gầm, A Nàng, Tình sử Loa Thành, Đôi ngọc lưu ly, Cửa mở hé,  Án tử hình, Cánh chim luân lạc.v.v.
            Viết nhiều, riêng cho sân khấu có tới 81 kịch bản dài ngắn, nhưng một kịch phẩm làm nên Lộng Chương - Kịch tác gia Hài kịch, đó là vở Quẫn. Có thể nói kịch bản này đã huy động vốn tri thức trầm tích trong ông suốt mấy chục năm qua: từ những năm 30 - 40 tiếp thụ tinh hoa của các nhà văn Pháp như Plốttơ, Môlie với những trước tác Hài kịch nổi tiếng; chịu ảnh hưởng của những vở Hài kịch cùng thời kỳ ấy của: Vi Huyền Đắc, Vũ Đình Long, Nguyễn Hữu Kim, Tương Huyền, Nam Xương…; và không thể không kể tới sự nhuần thấm chất hài trong Chèo, Tuồng cổ truyền dân tộc. Độc đáo hơn cả (cũng là rất riêng của Lộng Chương), hầu hết các nhân vật chính trong Quẫn đều được ông hư cấu từ nguyên mẫu những người thân trong gia đình, họ tộc. Tất cả họ đang sống, đang bươn chải, tính toan trong thời buổi cả miền Bắc, nhất là Hà Nội và các thành phố lớn, phải đối mặt với công cuộc cải tạo tư bản tư doanh - bước chuyển đổi kinh tế xã hội cơ bản của những năm đầu thời kỳ quá độ tiến lên CNXH. Chất liệu kịch bản tươi rói hiện thực đời sống; các nhân vật tính cách sắc sảo, đài các, điêu ngoa, vật vã, rất gần với thế giới thường nhật, không hề xa lạ với bất kỳ ai, đã tạo nên sức hấp dẫn và hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm này. Kịch phẩm lại được Nhà đạo diễn bậc thầy Trần Hoạt dàn dựng cho lớp diễn viên hàng đầu của Đoàn kịch Trung ương như: Song Kim (vai cụ Đại Lợi), Chu Xuân Hoan (vai ông Đại Cát), Thu Hà (bà Đại Cát), Vũ Đình Hải (Ba Lường), Trần Tiến, Vĩnh Phúc (vai hàng xách)… Đêm diễn nào khán giả cũng đông chật nhà hát; từng trận cười thâm thúy khi thì vỡ òa, lúc thì nhỏ nhẹ; rời nhà hát trên đường về nhà vẫn gằn gặn tiếng cười. Tiếng cười giã từ quá khứ để khoát đạt bước vào thời kỳ mới. Thật khó tìm trong nền Kịch Việt Nam một vở Hài kịch đích thực như Quẫn, và Lộng Chương là Kịch tác gia, vừa là cầu nối vừa là người khởi sự cho bộ môn này “sống lại” trên Kịch trường nước nhà. Ở Kịch phẩm Quẫn, tác giả đã khéo léo sử dụng yếu tố hài trong Chèo và những thủ pháp của văn châm biếm, hài hước như so sánh, ẩn dụ, ngoa dụ, hoán dụ, cách chơi chữ trong lời thoại. Sức mạnh của Quẫn chính là “…một sự phẫu thuật, làm hết ung nhọt trong tâm hồn con người” - lời Azit Nêxin, nhà văn châm biếm nổi tiếng thế giới người Thổ Nhĩ kỳ. Quẫn của Lộng Chương đã đạt được yêu cầu đó. Vở diễn cũng nêu một luận điểm mỹ học: Hài kịch không đơn thuần chỉ là tiếng cười. Có nghĩa là, cái hài và cái cười tuy thống nhất nhưng không đồng nhất. Cái hài mang tính bản chất hơn cái cười. Vì thế nhân vật Hài kịch phải có số phận, có tính cách rõ rệt, và nhất thiết phải nằm trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể nào đó. Và tác giả Hài kịch cần phải là những người lịch lãm, đã từng trải đau khổ, đắng cay cuộc đời, phải yêu cuộc sống , yêu con người đến vô cùng mới có thể phẫn nộ, căm ghét những cái lố bịch ở đời, những kẻ đạo đức giả, những tên điêu trác… Giá trị của Quẫn đã tạo cho vở diễn có tuổi thọ nhiều ngàn đêm, cho các nghệ sĩ thăng hoa tài năng, một dấu son của nền sân khấu hiện đại, xứng đáng là tác phẩm xuất sắc nằm trong cụm tác phẩm được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác giả Lộng Chương.

            Lông Chương, bút danh, nghệ danh ấy phải chăng là đích thực phong cách của nhà nghệ sĩ - văn chương trào lộng. Có lẽ vì thế mà trong buổi mừng ông 60 tuổi (1978) nhà nghiên cứu chèo Hà Văn Cầu đã tặng người Thày của mình đôi câu đối: Trọn một đời lấy bút làm gươm, nhếch mép nên câu trào Lộng / Trải mấy độ coi trò như bạn, dắt tay theo nghiệp văn Chương.
            Sau hơn một nửa thế kỷ vắt mình cho sự nghiệp sân khấu nước nhà, 13 giờ 54 phút ngày 26 tháng 6 năm 2003, Nghệ sĩ - Nhà viết kịch Lộng Chương đã trút hơi thở cuối cùng, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho hàng triệu công chúng hằng mến mộ ông.
            Nhưng, ở cõi hư huyền, chắc ông đang mỉm cười!...
Các nghệ sĩ Việt Nam với Nhà hài kịch Nga Mackeonop và
Nhà thơ Nga Only (1976, NVK Lộng Chương thứ ba bên phải)

                                                                                    Hà Nội, đêm mưa 29/6/2003
                                                                                                                    NSƯT Vũ Hà
_____________________
(*) Báo Văn nghệ số 27 - 5.7.2003; Sách “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường”, Nxb Sân khấu, 2003; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét