Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Chòng chành

 Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm

Năm nay mùa đông thật lạnh. Cái lạnh thấu da thấu thịt. Cái lạnh chưa từng thấy ở châu Âu kể từ 50 năm trở lại đây. Đấy là Hân nghe đài báo nói vậy. Chứ Hân ở cái đất khách này mới được mươi năm. Mươi năm chưa phải là tất cả của đời người, nhưng đó là quãng thời gian sung sức nhất của tuổi trẻ. Của Hân. Của rất nhiều người Việt đang sinh sống tại đất nước này.

Với Hân, cái lạnh dường như còn đồng lõa với nỗi đau, với nỗi buồn tê tái, cứa vào da thịt, làm tim Hân rỉ máu. Giờ đây, Hân biết mình đã rơi vào cảnh lỡ làng. Ngồi nhìn đứa con đang ngủ ngon lành, hai má căng đầy, lòng Hân càng như bị xát muối. Có lẽ, Hân mất Hoàng thật rồi!? Đã hơn tuần nay Hoàng không về.

Chợt có tiếng kẹt cửa. Hân giật thót, nhận ra lúc này má mình đang ướt, vội đưa tay áo lau. Vừa lúc đó, Hoàng đã đứng ngay cạnh. Hân lắp bắp:

-         Anh… anh đã về! Sao…? Câu hỏi dở chừng khi bốn mắt gặp nhau.

Mặt Hoàng hốc hác, mệt mỏi. Còn Hân, đôi mắt đen sâu thẳm vẫn đọng đầy nước. Ai đó đã bảo Hân: Người nào có đôi mắt này sẽ phải chịu nhiều oan nghiệt lắm…

-         Ừ, mấy hôm vừa rồi anh gặp Đạt. Nó kéo anh đi công chuyện ở Muynich - Hoàng trả lời vẻ thiếu tự tin.

Hân cúi đầu cam chịu. Hân biết Hoàng đang nói dối. Hoàng nói dối để làm yên lòng Hân, hay thực lòng nói dối. Hôm kia, Đạt vừa gọi điện cho Hân để tìm Hoàng.

-         Con thế nào? - Hoàng cúi xuống hít má thằng bé.

-         Ngay hôm anh đi nó sốt mất ba ngày. Mấy hôm vừa rồi đã đỡ, nhưng em vẫn chẳng dám gửi ai để đi làm - Hân lí nhí trả lời, mắt không nhìn Hoàng.

Vậy là Hân không còn tiền. Nghe cách Hân nói là Hoàng biết. Ăn bữa sáng, lo bữa tối là cảnh sống của họ bây giờ. Hoàng thở dài, miệng khô khốc. Túi Hoàng cũng đã cạn veo sau khi vét đến đồng cuối để trả tiền khách sạn tối qua. Hoàng giấu biệt Hân việc đi cùng Vera cả tuần vừa rồi; nhưng chắc Hân cũng đoán biết. Giờ Hoàng như con cá bị mắc cạn.

-         Còn chút đồ ăn trong tủ, anh ăn đi rồi nghỉ - Hân nhắc.

Không trả lời, Hoàng lẳng lặng đi vào bếp. Cái dáng cao cao, đôi vai hơi nhọn hơn trước. Từ khi bập vào cuộc “hôn nhân vờ” với đứa con gái người Đức tên Vera, Hoàng như đang dần xuống sức. Hân gục đầu xuống bên má con, nước mắt lại dàn dụa. Hai cánh mũi xinh xinh của nó phả ra hơi thở thơm tho, nhè nhẹ, trông thương quá. Con ơi, sao con lại ra đời lúc cảnh ngộ này!?

*          *          *

            Là chị cả trong nhà, sớm phải ghé vai cùng mẹ nuôi các em sau cái chết của bố, Hân hiểu lắm cái giá của những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt. Bố Hân là thợ cơ khí trong một nhà máy chế tạo phụ tùng ô tô. Ông đã chết sau một tai nạn lao động. Mẹ Hân suy sụp dưới gánh nặng bốn đứa con thơ. Hân buộc phải nghỉ học. Xí nghiệp nơi mẹ Hân làm việc đã nhận cô vào học nghề. Ba tháng sau, Hân chính thức làm thợ trong phân xưởng ép đế giày.

            Khi thị trường lao động các nước Đông Âu bắt đầu mở cửa, người ta đưa tên Hân vào danh sách đoàn xuất khẩu lao động đầu tiên của Xí nghiệp sang Tiệp Khắc. Việc ra đi này của Hân được mọi người trong gia đình coi như một cứu cánh; hy vọng về một tương lai sẽ sáng sủa hơn. Nhà Hân có bốn chị em. Hân lúc đó mười chín tuổi. Thằng út mới lên bốn. Hân còn nhớ như in cái ngày mẹ và các em tiễn đưa ở sân bay Nội Bài. Chiếc ô tô của đoàn Hân từ nơi tập kết đến sân bay đang tấp dần vào sát hè nhà chờ, mẹ và mấy đứa em Hân đã bổ nhào từ đâu đến. Cái Hoan - em sát Hân, miệng mếu máo, thỉnh thoảng lén nhìn chị rồi quay đi lau nước mắt. Các cụ nói chẳng sai: Yêu nhau chị em gái! Hân với nó suốt ngày ríu rít chuyện trò. Tối đến, cả nhà đã tắt đèn đi ngủ, hai đứa còn thì thầm, cấu chí nhau. Hân đi rồi chắc nó buồn lắm. Gánh nặng chăm sóc hai em trai nghịch ngợm sẽ đè lên vai nó. Đứng cạnh cái Hoan là hai thằng nhóc mặt mũi mồ hôi nhễ nhại, ngơ ngác. Có phải chúng nó đang mường tượng ra cái chân trời xa thẳm sẽ nuốt chửng chị nó chỉ sau mấy tiếng đồng hồ nữa? Còn mẹ Hân, đôi mắt đỏ cạch cố nén những tiếng thở dài… Năm trước đưa chồng về nơi chín suối dưới mưa phùn lạnh lẽo; năm nay, bà tiễn con đi tận cuối trời trong cái nắng chang chang, ngột ngạt…

            Nhà chờ đông nghẹt. Kẻ đi thì ít mà người tiễn quá nhiều. Không khí khô ran, nóng nực, làm cho sự chờ đợi càng trở nên bức bối, bồn chồn hơn.

            Hân đứng như chôn chân, không dứt được mắt ra khỏi mẹ và các em. Tiếng gọi giật giọng của cô bạn cùng đoàn làm Hân choàng tỉnh. Hân cuống cuồng ôm tạm biệt mẹ và các em, nước mắt lã chã, nhòe nhoẹt trên đôi má. Khoác vội chiếc túi lên đôi vai rã rời, Hân đi như mộng du vào phòng chờ phía trong, mắt ngoái lại cố nhìn đến tận phút chót những cánh tay níu kéo của người thân, đang vẫy vẫy lẫn trong cả rừng cánh tay giơ cao của thiên hạ.

*          *          *

            Cái buồn, cái nhớ gia đình những ngày đầu cứ day dứt trong Hân. Bữa ăn công nghiệp nơi phương xa, dù có đơn giản đến mấy cũng còn hơn đứt mâm cơm có đĩa rau muống luộc cứng quèo với bát tép kho mặn của mẹ và các em Hân. Mà có được những thức ăn đó, cũng còn là may mắn. Chẳng thiếu những ngày các em Hân chờ mòn mỏi mẹ và chị mang gạo, mang củi về khi trời đã tối muộn… Hân chẳng sao quên được cái lúc cu Hải, em dưới cái Hoan, bò rất nhanh qua gầm bàn, đến bên nồi cơm, cầm cái thìa vét quèn quẹt. Cu út Hùng nhìn thấy miếng cháy thằng anh giơ lên miệng, liền mếu máo: “Trả cháy em đây”... Liệu mấy năm trên đất khách xa xôi này, Hân có đỡ đần được chút nào cái gia đình khốn khổ của mình không? Cái Hoan rồi có phải theo vết chân Hân, bỏ học kiếm việc làm phụ giúp mẹ, nuôi các em? Hân thoảng thấy bên tai tiếng thở dài não nuột cố nén của mẹ lúc chia tay. Mẹ gầy quá, già quá, so với cái tuổi bốn sáu của mẹ.

            Theo đúng nghề, Hân được vào làm tại phân xưởng ép đế giày. Ngoài đồng lương chính thức ra, Hân tranh thủ nhận thêm việc khi xí nghiệp có yêu cầu. Tay nghề của Hân khá, nên có tháng Hân còn được thưởng do vượt năng suất. Hân chi tiêu dè xẻn cho những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Còn lại, Hân cố dành dụm, khi có thời cơ Hân theo các bạn mua những thứ hàng trong nước khan hiếm, tìm cách gửi cho mẹ. Hoặc khi có người tin cậy, Hân nhờ họ cầm đôla về. Thôi thì cố gắng để mẹ đỡ phải lần hồi khuya sớm. Khi còn ở nhà, giấc ngủ của Hân luôn bị ám ảnh trong tiếng đạp máy khâu lạch xạch rất khuya của mẹ. Bóng mẹ đổ dài chập chờn trên mặt tường loang lổ, đẩy hổi ức của Hân trở về những ngày còn bố. Bố ngồi ở bên cái bàn nước nhỏ góc nhà, nhẩn nha hút điếu thuốc, chờ mẹ máy xong lô hàng để sớm mai mang trả. Bố mẹ Hân đều là người hiền lành chất phác. Người đời bảo: Ở hiền gặp lành. Thế mà, sao bố mẹ Hân khổ vậy? Thương bố mẹ nhiều, Hân cũng tìm cách kiếm tiền đỡ bố mẹ ngay khi còn đi học. Bốn giờ sáng, nghe tiếng xe lạch cạch của bác hàng xóm đi làm ca sớm, Hân cố giương đôi mắt cay sè, gượng ngồi dậy mò tìm mớ rau muống. Như thói quen vô thức, Hân mắt nhắm mắt mở căm cúi chẻ đến đầy một rá rau. Trời hửng sáng. Hân đem ra chợ bán buôn. Trong tiếng giảng bài đều đều của cô giáo. Hân mơ thấy mình đang chen chúc giành mua mớ rau mậu dịch. Để rồi, sớm hôm sau lại tiếp tục một vòng tròn quanh quẩn mưu sinh. Ngày bố bị nạn, Hân đủ lớn để hiểu rằng, từ đây, cái đòn gánh đặt trên vai Hân không còn bồng bềnh, nhè nhẹ như trước. Cùng với mẹ, chiếc đòn ấy bị kéo trĩu thêm xuống, đè nặng lên đôi vai mỏng mảnh của Hân.

            Được vài năm, cái nếp sống mà Hân theo đều đều như một quy luật nhất định, đã bị phá vỡ. Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Thời thế đổi thay. Hợp đồng lao động cũng chẳng còn. Người lao động Việt Nam và cả người các nước khác như ong bị tan đàn. Tất cả đều nhớn nhác, xáo xác tìm đường sống cho mình. Mà quá nhiều kiểu để sống lúc bấy giờ. Những người Việt Nam, một số đủ tiền thì tìm đường hồi hương. Số khác đi buôn lậu; chấp nhận sự bấp bênh giữa lằn ranh được - thua, tối - sáng. Có số ít lập ra các băng nhóm ăn cướp, chủ yếu là “mình” trấn lột “ta”.

            Phần mình, Hân quyết định ở lại. Không phải để đi buôn lậu. Cũng không để đi ăn cướp. Sao Hân có thể làm được những việc đó? Nhưng bằng giá nào, Hân cũng phải tìm cách ở lại. Hân quyết không trở về cảnh sống vật vã xưa. Thư nhà viết sang, Hân được biết nhiều nhà máy, xí nghiệp trong nước hiện cũng đang dần bị đóng cửa, vì làm ăn thua lỗ. Các doanh nghiệp đang trong cơn bĩ cực, do phải chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang tự hạch toán, nên chưa tìm ra được lối thoát. Còn khi quyết định ở lại, Hân sẽ chạy sang Đức, đi làm tạp vụ cũng đủ sống. Khi ổn định, lại tìm cách giúp gia đình sau vậy.

            Tuy nhiên, lúc này việc đi lại giữa các nước cũng trở nên khó khăn hơn. Đường giao thông chính bị cảnh sát ngăn chặn. Những người vượt biên sang Đức chỉ còn cách lặn lội qua rừng trong đêm, để khỏi bị đụng cảnh sát. Nếu bị bắt ngay đường biên, sẽ bị cảnh sát phạt tiền và vứt trở lại Tiệp. Nhưng dù thế nào, Hân cũng phải đánh liều chấp nhận sự chông chênh của số phận! Toán vượt biên của Hân có năm người. Ba nam và hai đứa con gái. Hai thằng dẫn đường người Tiệp to cao lừng lững, nhưng Hân thấy chúng có phần vụng về. Vì vậy, mấy ngày đêm lội tuyết len lỏi trong rừng, cả bọn mới lọt sâu vào được đất Đức. Cảnh sát Đức thu ngay giấy tờ tùy thân và gom mấy đứa vào một khu quản lý những người tị nạn. Mấy ngày nằm dài trong trại, Hân nhớ mẹ và các em cồn cào. Càng day dứt hơn trong cảnh ngồi rồi. Chẳng lẽ cứ nằm khàn mãi, ngày chầu chực mấy bữa ăn bố thí cho dân tị nạn thất nghiệp.

            Đang trong lúc bế tắc, Hoàng - người Hải Phòng, cùng trong toán vượt biên với Hân, rủ:

-         Em có muốn đi làm không?

-         Làm gì hả anh?

-         Có một quán ăn cách đây ba phố, của một anh người Việt, Phó tiến sĩ vật lý bỏ nghề. Anh vừa “tăm” được hôm qua.

-         Thế anh đã hỏi gì chưa?

-         Chưa. Nếu em đồng ý, anh sẽ trở lại đó xem sao.

Còn xem sao nữa. Phải đi làm thôi. Cuộc sống tạm bợ này sẽ kéo dài đến bao giờ. Một đồng tiền giắt lưng chẳng còn. Ngày ba bữa giơ bát đi xin ăn, còn nói chi đến tiền gửi về cho mẹ.

Hôm sau, Hoàng đưa Hân đến quán ăn đó. Anh Toàn hỏi:

-         Sao? Bạn Hoàng đây hả?

-         Dạ, em chào anh - Hân chào mạnh dạn.

-         Mình và Hoàng cũng mới biết nhau. Ngẫm cảnh của các cậu mà thấy buồn. Mình dù sao cũng có cơ yên ổn được. Còn các cậu, sẽ long đong đấy…

Cái sự “long đong” ấy, đến giờ Hân mới thật thấm thía…

            Sau đó, hằng ngày Hân đến làm tạp dịch cho quán ăn của anh Toàn. Rửa bát, lau nhà, bưng bê phục vụ bàn, thậm chí dọn nhà vệ sinh. Có vất vả hơn khi làm ở nhà máy, song thế là quá tốt cho Hân rồi. Hơn nữa, anh Toàn là người tử tế. Tiền công anh trả sòng phẳng, đôi lúc chị vợ còn cho Hân thêm chút ít. Họ thực sự thông cảm với hoàn cảnh cơ nhỡ của Hân. Còn Hoàng, từ khi giúp cho Hân có việc làm cũng hay lui tới đây. Có tối Hoàng đến đón Hân cùng về. Hân biết Hoàng cũng đến làm tại quán ăn của một người Tàu, nhưng Hân không hỏi nhiều. Ở đó, chắc Hoàng sẽ vất vả hơn, lại còn phải đi xa nữa chứ. Hoàng đã giúp Hân nơi đi lại thuận tiện, giúp Hân có việc làm thêm. Vậy mà Hân thật vô tâm, không nhận ra sự khang khác ở Hoàng. Chỉ đến khi Hoàng ngỏ lời yêu, Hân mới cảm thấy mình tin cậy Hoàng, mà chả biết từ lúc nào. Hình như từ khi cùng lặn lội với nhau trong rừng những ngày vượt biên chăng? Có lẽ, vì Hân mải lolắng cho sự bấp bênh của cuộc sống hiện tại mà không nhận ra ngay chính tình cảm của mình.

            Một thời gian sau, Hoàng lo được cho cả Hân giấy phép định cư tạm thời ở Đức. Đám cưới hai đứa bạn bè đến không nhiều nhưng cũng khá vui. Dù sao, trong cảnh tha hương, Hân - Hoàng đã có nơi có chốn để nương tựa vào nhau. Hoàng chăm chỉ lắm. Và cũng thương Hân nữa. Khi Hân có thai cu Dũng được bốn tháng, không thể làm tạp dịch ở quán anh Toàn được nữa, đành nằm nhà.

            Được mấy ngày, cái Lan gọi điện đến:

-         Này, ra chợ với tao đi.

-         Sợ anh Hoàng không đồng ý - Hân lưỡng lự.

-         Sao, ngại à? Ra chợ, khi nào tao chạy hàng, mày đứng ôm quần áo bán. Phải chuẩn bị ít “đạn” cho khi nằm ổ chứ.

-         Để tối tao bàn cùng anh Hoàng đã.

-         Bàn chó gì nữa. Không tranh thủ, liệu khi đẻ, một mình Hoàng có lo nổi không?

Hân nhìn xuống cái bụng đã lùm lùm của mình, thấy Lan nói có lý. Đúng là phải chuẩn bị ít “đạn”. Cuộc sống tạm bợ này, khi xảy sự cố, biết nương tựa vào ai?

Hân quyết định ra chợ bán hàng cùng Lan. Quầy chẳng qua là một chỗ đứng trong chợ. Vì vậy, nơi bán hàng không ổn định. Nay chỗ này, mai chỗ khác. Trên tay, dưới đất là đủ loại quần áo. Có khách mua hàng thì níu kéo, miệng liến thoắng mời chào. Ngôn ngữ bất đồng, chỉ cần nói ok và giơ mấy ngón tay ra hiệu. Đơn vị tiền tệ, dù là DM hay Đôla, khách và chủ đều nhanh chóng hiểu nhau.

Có hôm tuyết rơi nhiều, đứng bán hàng đôi chân bị lạnh cóng, Hân liên tục phải chuyển động đôi chân. Để đỡ lạnh, Hân lót la liệt những mảnh bìa caton nơi đứng bán. Tối về nhà mệt quá, Hân chả thiết ăn uống gì, chỉ nằm dài thở dốc, nước mắt ứa ra đắng ngắt khi ngắm hai bàn chân xuống máu to đùng. Hân không dám kể với Hoàng, sợ chồng xót không cho đi bán hàng nữa. Giá lúc bụng mang dạ chửa này có mẹ ở bên, Hân sẽ được mẹ an ủi cũng đỡ mủi lòng.

Hoàng giờ đã là bếp chính trong quán ăn người Tàu. Vì thế tiền công cũng khá hơn. Nhưng cuộc sống như thế chỉ còn là quanh quẩn với cái chảo và chiếc giường. Cả ngày đôi tay dính liền cùng chiếc chảo, hết xào lại rang trên ngọn lửa ga ngùn ngụt. Đêm về, Hoàng nằm vật ra ngáy, có hôm chẳng kịp nói với vợ một câu. Bao nhọc nhằn của kẻ làm thuê đọng rõ nơi hốc mắt thiếu ngủ sâu hoắm của Hoàng. Hân ngồi ngắm chồng ngủ, lòng ngổn ngang trăm mối.

Cuộc sống có lẽ cứ vậy trôi, nếu nhà nước Đức không có chính sách mới về người lao động tạm trú trên đất họ. Những đối tượng như Hân và Hoàng, hoặc phải về nước, hoặc phải gắn bó lâu dài với một ai đó có quốc tịch Đức, mới mong được ở lại. Phải làm sao đây? Về nước ư? Hân biết sẽ chẳng dễ dàng gì nếu ôm con về nước. Sau khi Hân đi được mấy năm, Hoan đã phải thế chân Hân vào làm việc tại xí nghiệp giày. Hàng viện trợ của Hân không đủ cho ba em ăn học. Mẹ Hân lại nay ốm mai đau, phải nghỉ hưu, tối ngày ngồi miết bán nước ở cái quán đầu ngõ. Sau đó, cái Hoan đi lấy chồng. Việc ở xí nghiệp lúc này không đủ cơm nuôi miệng mình, Hoan ở nhà ôm con ăn bám chồng. Gia cảnh nhà Hân vì thế khó khăn hơn. Đến lượt thằng Hà, em sát Hoan, bỏ học đi làm thuê ở cửa hàng sắt. Cái dáng loắt choắt ngày nào của nó cứ hằn đậm trong trí nhớ của Hân. Nay trong sự tưởng tượng, Hân lại như thấy nó đang gò lưng cố uốn cong thanh thép to tướng. Tội nghiệp quá! Trong thực cảnh của mình, Hân khó giúp gì được cho mẹ và các em nếu về nước. Biết đâu lại làm cho cái gánh mẹ đang mang nặng hơn nữa…

Phải ở lại thôi!

Để ở lại được, Hân - Hoàng đi đến một quyết định. Hoàng nhắn tin về nhà, nhờ các anh chị mình mua bằng được giấy chứng nhận ly hôn, giả vờ hủy cuộc hôn nhân hiện tại của hai đứa. Nếu ra tòa tại Đức, e họ sẽ phát hiện ra ý đồ tìm cách ở lại của mình. Thôi đành chịu mất tiền! Thế là ba ngàn đôla được chuyển về nước. Hai bên nội ngoại ngăn cản vì nhận thấy đó thực sự là một cuộc phiêu lưu. Hân - Hoàng đều công nhận thế. Nhưng Hân đã quyết và… Hoàng cũng vậy! Sau gần nửa năm, một tờ giấy mỏng mảnh, bé xíu nhưng đủ mạnh, tạo cho Hân “thoát khỏi” sự ràng buộc của cuộc sống hôn nhân. Cho cả Hoàng nữa.

Hân mỉm cười chua chát:

-         Thôi nhé, anh đi đường anh. Em đường em. Nghĩa tình đôi ta từ đây đứt đoạn…

Hoàng lườm Hân:

-         Chỉ nói nhảm. Mình cố tìm người nào thực sự chỉ cần tiền, ta thỏa thuận với họ là xong, em khỏi lo.

Hân thở dài:

-         Em cũng chỉ mong có vậy, nhưng khó đấy!

Lúc này cu Dũng đã được năm tháng. Hoàng kiếm tiền là chủ yếu. Thỉnh thoảng nơi nào làm vụ việc, Hân tìm người trông cu Dũng để tranh thủ kiếm thêm. Hân định khi con đủ tuổi đi nhà trẻ, sẽ kiếm việc làm ổn định.

Một hôm, Lan đưa đến ông già người Đức. Hân đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống này, vậy mà vẫn cảm thấy ngỡ ngàng. Lại một lần tặc lưỡi! Lại một lần “sang sông” đánh bạc với đời!

Sau mấy ngày Hân và ông ta tập “làm vợ chồng”, Hoàng cùng Lan đưa hai người đi đăng ký kết hôn. Cái cảnh bèo dạt mây trôi nhiều năm nay tưởng đã làm Hân dạn dĩ lên nhiều. Nhưng không! Khi đứng trước những người làm thủ tục đăng ký kết hôn, mặt Hân hết đỏ lại tái, trống ngực cứ đập thình thịch. Còn ông già nọ, mặt tỉnh bơ. Ai bảo làm gì, ông ta làm nấy. Lúc ra khỏi tòa thị chính và đi qua mấy dãy phố, Hân cắm cúi bước vượt lên phía trước, mặc Hoàng và Lan dừng lại thanh toán nốt tiền cho ông ta. Về đến nhà, Hân ôm con ngồi hàng tiếng đồng hồ không nói gì. Hoàng cũng im lặng. “Phận” của Hân thế là xong. Xong về thủ tục thôi. Chứ thi thoảng, vẫn phải ôm con đến ở nhà ông ta, khi có nguy cơ nhân viên xã hội kiểm tra. Chưa khi nào Hân có thể nghĩ, đời mình lại lắt lay đến như vậy…

Tới lượt Hoàng, Hân mới thật sự tê tái ngấm cái cảnh “long đong” mà anh Toàn nói hôm đầu gặp nhau. Người “kết hôn” với Hoàng là cô gái người Đức trẻ trung, cũng khá xinh, vốn là con gái bà mẹ nuôi người Đức của Hoàng. Cô ta không hề đòi sáu ngàn DM như ông già góa vợ đã nhận lời “kết hôn” cùng Hân. Nhưng giá mà cô ta đòi như vậy còn hơn…

Hôm biết Hoàng định “nhờ” cô ta làm vợ, Hân đã can:

-         Anh nên tìm người khác. Người ta không cần tiền, e lại cần thứ khác thì sao?

-         Anh cũng muốn thế, song ngay cả đến tiền giờ mình có còn đâu.

-         Không còn thì vay bạn bè, rồi kéo cày mà trả. Trả nợ tiền còn dễ, chứ trả “cái khác” khó lắm!

Nghĩ Hân ghen, Hoàng suýt cáu. Nhưng trong tâm, Hoàng biết rõ là Hân có lý. Trước khi lấy Hân, có thời gian Vera theo Hoàng riết lắm. So nhiều gã trai Tây, Hoàng chẳng thua kém gì về chiều cao cũng như hình thức. Thậm chí, cái vẻ đẹp trai kiểu Á Đông của Hoàng còn có phần lạ lẫm và hấp dẫn hơn những gã đàn ông thô kệch người Đức. Còn vay tiền bạn bè thì Hoàng cũng đã thử. Song, hầu hết đều như Hoàng - Hân cả; cũng bê bối đủ đường. Thằng Đạt vừa rồi còn bị trấn lột mất hai chục ngàn Đôla, trông bạc cả người. Cái Lan đang chuẩn bị lấy chồng, một ông người Đức bỏ vợ. Nó lấy thật hay giả cũng chẳng biết. Vì nó khác vợ chồng Hoàng. Nó tự do thật sự.

-         Thôi Hân ạ, chẳng còn cách nào đâu. Chúng mình phải chấp nhận thôi. Còn anh, bao giờ cũng lo cho em và con.

-         Anh tự quyết vậy. Em còn biết nói sao! Chỉ có điều cu Dũng còn bé quá…

-         Chẳng lẽ em nghĩ, anh bỏ mẹ con em thật sao?

Hân im lặng. Nước mắt lưng tròng…

Đưa Hoàng đi “lấy vợ” chẳng có ai. Chỉ Hoàng và Vera. Về đến nhà, như hôm Hân đi “lấy chồng”, Hoàng cũng im lặng cho đến tối khuya. Khi cả hai đang định đi ngủ, chuông điện thoại chợt réo. Hân dự cảm điều chẳng lành. Hoàng cầm máy:

-         A lô… à… sao, bây giờ à? Thôi sáng mai gặp… Nhưng đã thỏa thuận rồi mà… Sao lại vậy?... Giấy tờ ấy à?... Thôi mà… Thôi… Được rồi… - Giọng Hoàng gằn lại, uất ức…

Hân đoán được điều xảy ra. Thậm chí, Vera còn không để cho Hoàng làm quen dần với cái sự “giả vờ” nữa…  

Hoàng lồm cồm ngồi dậy, mặc quần áo. Cái giấy “kết hôn giả” sáng nay với Vera đã lôi tuột Hoàng ra khỏi giường người vợ thật của mình…

Và Hoàng đã qua đêm đó với Vera tại một khách sạn cách nhà mình có hai dãy phố.

Vậy là, cuộc hôn thú giả với Vera đã trói ghì Hoàng đến nghẹt thở. Một vài ngày, Vera lại gọi điện thoại, đòi Hoàng đưa đi ăn tiệm. Những ngày nghỉ cuối tuần, có lần cô ta còn giữ riệt Hoàng ở bên, trong một căn nhà thuê nào đó ở ngoại ô. Có nhiều hôm về đến nhà với mẹ con Hân, Hoàng chỉ còn như cái xác không hồn. Số tiền Hoàng lăn lộn kiếm được ở quán ăn người Tàu đã ít dần khi đến được tay Hân. Cứ thế này, liệu bao giờ qua được quãng thời gian đủ tiêu chuẩn, để Hoàng có thể định cư lâu dài tại Đức?

Mà, Hoàng ơi, Hoàng với Vera, vợ chồng giả hay thật đây? Tuần qua, Hoàng và Vera đã cùng nhau đi những đâu, làm những việc gì? Những lúc đó, Hoàng có nhớ đến giọt máu mới vài tháng tuổi của mình, rồi đây rất có thể sẽ bị chấp chới, chìm nổi trong dòng đời vô tận, đầy hiểm họa? Canh bạc mà Hoàng mạo hiểm dấn thân vào tìm kiếm vận may, liệu có đem lại sự yên ổn cho kiếp sống tha hương lênh đênh của hai người; hay sẽ đẩy cả gia đình Hoàng đến mép bờ vực thẳm? Và tuần này, cái tuần lạnh giá nhất trong năm nay, trong năm mươi năm trở lại đây, Hoàng đã trở về. Hoàng đã trở về sau một tuần biền biệt, mang theo cái lạnh giá vô cùng ấy, để cứa nát con tim người vợ thật của Hoàng, là Hân đây!

2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét