Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

NƠI KHÔNG CÒN ĐẠN BOM(*)

                                     Truyện ngắn Giang Trung Học
Bỗng hắn lù lù xuất hiện. Vào cái lúc mặt trời vừa tụt xuống bên kia dãy đồi chè. Nhưng đất trời còn sáng rực rỡ. Người đầu tiên trong gia đình chạm trán hắn là Nhân. Nhân đang trao đổi công việc với ông Nam, thấy người thấp thoáng ngoài cổng, liền chạy ra. Anh chủ động hỏi: "Dạ, thưa anh cần gì ạ?". Hắn nghiêng đầu chào và đáp: "Tôi xin lỗi, đây có phải nhà đại tá Nam?". "Đúng đấy ạ!". "Tôi là con trai ruột đại tá Nam...". Nhân sững sờ trong giây lát, rồi kêu lên: "Anh có phải anh Trung?". "Vâng. Tôi là Trung". Nhân lẹ tay mở rộng cánh cổng, mời hắn vào nhà. Đi bên, Nhân nói: "May quá, anh về giờ này đông đủ cả nhà". Hai bên lối dẫn vào nhà là những hàng cau cao ngang tầm người, trĩu trịt quả. Vừa bước đến sân, Nhân tíu tít gọi: "Ba ơi... Anh Trung về ba ơi! Hương đâu?... Em ra đón anh Trung này!".
            Trung chưa tiện hỏi tên người mở cổng. Sao kêu cha mình là ba? Tức cũng là con. Con đẻ hay con nuôi? Hay con... Không có lẽ... Anh chàng nom khoẻ mạnh, rắn rỏi hơn hẳn mình. Bộ mặt ưa nhìn. Nhất là nét cười có duyên. Tức thời, Trung thấy đau nhói trong tim. Chứng bệnh này hắn bị sau lần chết hụt ở cửa ngõ Sài Gòn. Từ đó, mỗi khi cảm xúc mạnh là nó xuất hiện. Đôi lần chóng mặt làm hắn té xưng cả mặt.
            Lúc vừa nhìn thấy cha, hắn cũng suýt té. May mà ông Nam kịp ôm chầm lấy con.
            Cùng lúc, Hương xuất hiện. Hương hồi hộp đứng sững cách cha và hắn chừng bốn bước. Để nhận diện xem có đích thực là anh Trung. Đúng rồi. Nước da nâu với khuôn mặt vuông của ba đây rồi. Cả hàng ria con kiến cũng là của ba. Bỗng Hương như thể bất động. Chỉ thấy những giọt nước mắt trào ra.
            Nhân đang cạnh ba và Trung, liền bước đến bên Hương. Anh không nói gì. Song cốt để Hương sớm lấy lại bình tĩnh trước tình huống này.
            Đã từ lâu, đại tá Nam không nghĩ con ông còn sống để trở về. Vậy mà nó đang hiện diện trong vòng tay ông đây. Thế là, sau hơn hai chục năm xa cách, cha con mới có dịp gặp nhau. Thì ra cái tin hắn chết, tưởng thật mười mươi mà lại không thật. Tin phát ra từ người bạn cùng ấp, và cùng đơn vị tham chiến với hắn. Phát ra vào cái lúc người lính Cộng hoà này tự trút bỏ binh phục, chui lủi về quê, trước khi đến trình diện chính quyền Cách mạng. Chính anh ta cõng hắn rút chạy. Rồi đành bỏ hắn trước sức tiến công ào ạt của đối phương. Hơn nữa, anh ta thấy hắn khó lòng sống nổi, do vết thương mất máu quá nhiều. Mấy lần lay gọi, hắn chẳng hề cảm nhận được gì. Để có thể thoát thân, anh ta đành vứt hắn nằm lại chiến trường.
            Nhiều người trách anh ta chỉ cốt sống cho bản thân. Đại tá Nam không nghĩ như họ. Là người lính kinh qua bão lửa hai cuộc chiến tranh, ông quá hiểu những khắc nghiệt ở chiến trường, nơi sự sống và cái chết đan xen lẫn nhau. Đương nhiên, ai chẳng mong cho mình và đồng đội cùng sống. Nhưng khi cái chết đe doạ cận kề rồi, người ta buộc phải nghĩ đến bản thân mình trước hết. Hiếm có ai chịu đứng ngoài cửa hầm trú ẩn để nhường đồng đội vào hết, rồi mới đến lượt mình. "Cho nên - đại tá Nam giải thích - cháu đừng vì việc bỏ thằng Trung nằm lại chiến trận mà nghĩ ngợi băn khoăn. Những người lính phía bên bác cũng gặp trường hợp phải bỏ xác đồng đội, thậm chí bỏ cả thương binh, để rút lui cơ mà". Cuộc gặp gỡ giữa đại tá Nam và anh ta vào dịp ông về thăm quê. Ông trở về khi cuộc chiến tranh kết thúc đã hơn một năm. Cả ấp đều hỏi: Sao trễ vậy? Ông không ưa vòng vo nói giấu. Thiệt bụng đáp, bởi những người gần gặn nhất của mình chẳng còn ai, trong khi việc quân lại bộn bề. Vợ ông bị giết từ thời Ngô Đình Diệm còn chấp chính. Hương - cô con dâu thì ông chưa biết mặt. Hơn nữa, chồng nó chết rồi. Đôi lần nhận được thư, ông đã kịp thời viết lại cho nó. Ông khuyên con dâu nên tìm nơi tìm chốn mới, nếu được người nào yêu thương. Lần đầu gặp ông, Hương nói: "Khi nào có điều kiện, ba cho con đi theo với!". Thế là sau khi nghỉ hưu, ông kéo Hương đến lập nghiệp tại nơi mình. Nơi đây làm ăn thuận hơn hẳn quê hương ông. Đất rộng. Người thưa. Và là vùng chiến lược, rất cần phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng.
            Khi Hương có mặt thì cái trang trại nho nhỏ của đại tá Nam đã xanh mướt những hàng chè. Nửa năm sau sẽ cho thu hoạch đại trà. Hương cứ thầm thắc mắc: Nhà chỉ có hai người, làm thế nào trồng được cả chục ha chè. Rồi đến vụ thu hoạch thì xoay xở ra sao? Hoá ra ba với anh Nhân chỉ là người tổ chức và hướng dẫn kỹ thuật. Còn việc gieo trồng, chăm sóc cây, đến thu hái sản phẩm sau này, đã có lực lượng lao động làm thuê. Một đơn vị bộ đội làm kinh tế, thuộc quyền đại tá Nam trước kia, cũng "sẵn sàng hỗ trợ thủ trưởng thu hái khi cần thiết". Hồi ông và Nhân bắt tay vào việc khai phá đồi rừng, họ từng giúp mấy trăm công lao động. Tuy thế, ông luôn xác định Nhân là cánh tay phải trong kế hoạch lập nghiệp hiện nay. Thiếu Nhân, tất nhiên ông phải tìm kiếm người khác giúp việc. Song tốt nhất vẫn là Nhân. Bởi ông hiểu và tin Nhân hơn ai hết. Nhân từng là người lính cần vụ của ông. Sau đó, anh trở thành sĩ quan, bắt đầu bằng một đề xuất khá táo bạo. Nó được phát ra trong lúc cả ban tham mưu sư đoàn nghỉ giải lao sau hồi bàn luận căng thẳng, rối mù. Mọi người không ngờ ý kiến bâng quơ của chú lính nhóc cần vụ - là Nhân - lại trở thành một gợi ý hay. Dựa vào đó, và có sự bổ sung hoàn chỉnh, sư đoàn phó kiêm tham mưu trưởng Nguyễn Thế Nam quyết định mở mũi tiến công đột phá, để giải vây cho bộ đội mình. Sau chiến thắng ròn rã này, Nhân được đề bạt lên sĩ quan, làm việc trong ban tham mưu. Kết thúc chiến tranh, anh từ chối việc vào trường đào tạo nghiệp vụ chính quy, nhưng lại sẵn sàng tư tưởng phục viên. "Phục viên thì cậu về đâu? Làm gì?" - đại tá Nam hỏi. "Em về quê. Đốt rẫy làm nương thôi, thủ trưởng ạ!". Biết Nhân không còn ai thân thiết ở quê hương ngoài Bắc, đại tá Nam rủ: "Hay là cậu đi với tớ? Tớ cũng sắp sửa hưu. Chúng mình cùng ra ngoài lập nghiệp. Ngay tại vùng sư đoàn ta đóng quân". Nhân không phải đắn đo suy nghĩ. Bởi trước mắt, đại tá Nam cũng như anh, chẳng vướng víu gia đình vợ con gì. Như thế, việc ăn ở và hợp tác làm lụng với nhau cũng đỡ lôi thôi. Việc đi khai hoang lập nghiệp, thời gian đầu không ít khó khăn; lại vướng víu bầu đoàn thê tử ở bên thì khó lòng vượt lên được. Nhân đáp: "Thế thì em giơ cả hai tay đồng ý. Thủ trưởng đi đâu, em xin đi đấy!".
            Rời quân ngũ được mấy năm rồi, Nhân vẫn quen miệng gọi ông Nam là thủ trưởng. "Không! - ông Nam từng nói mấy lần - Từ đã lâu, mình không còn là thủ trưởng của cậu nữa. Quan hệ giữa chúng ta bây giờ là... Nên thế nào cho phải nhỉ?". Nhân nhìn ông, cười. Trước nay, ông rất ưa tiếng cười cởi mở ấy. Còn thích cái núm đồng tiền con gái thấp thoáng hai bên má, với cặp mắt sáng trong của anh. Thế mới chết mệt đám thiếu nữ con nhà lành đây! Lần đầu tiên ông Nam thầm nhận định về Nhân như vậy. Sao bao nhiêu năm trước, chưa một lần ông nghĩ tới điều này nhỉ? Có thể vì ông và mọi người đều mải miết với nhiệm vụ trong chiến tranh. Chiến tranh khiến người ta dễ bỏ qua tất cả những gì ít liên quan đến nhiệm vụ chung. Bây giờ là thời bình, nó khác. Rồi ra, Nhân phải lấy vợ, và sinh con đẻ cái. Việc ấy, mình phải gánh trách nhiệm lo toan. Trách nhiệm mình, có thể như là người anh cả. Nhân thì, một lần cậu ta nói: coi mình như người cha. Tuổi mình gấp hai, nên cậu ta nói thế chẳng phải là quá. Cậu ta tin yêu mình, như mình tin yêu cậu ta. Còn cách gọi nhau thế nào không thật quan trọng.
            Mặc dù đã mấy lần ông Nam đề cập chuyện xưng hô, song Nhân chẳng thay đổi được bao nhiêu. Chỉ sau khi xuất hiện Hương, cái từ "thủ trưởng" và cả từ "bác" mới bớt dần. Bắt chước Hương, Nhân cũng gọi ông Nam là "ba". Sau này, khi đã quá hiểu nhau, Hương đùa trong lúc chỉ có hai người: "Ai cho anh gọi ba em là ba?". Nhân nhìn vào mắt Hương, đáp: "Anh nghĩ là em cho?". "Em không đâu!". Nhân chìa bàn tay ra trước: "Em có cho anh không?". Hương đặt bàn tay mình vào bàn tay Nhân, nói nhỏ: "Em cho!". Liền đó, hai mái đầu họ chụm vào nhau. Rồi họ hôn nhau. Êm dịu. Ngọt ngào. Chẳng còn để ý đến cái nắng non trưa ngày hè nữa. Họ cứ muốn ngồi mãi bên nhau. Ngồi giữa những hàng chè này. Thế là từ đấy họ không còn phải dè dặt thăm dò nhau như trước kia. Hằng ngày họ luôn trao cho nhau những nụ hôn, cùng bộc lộ tâm tình và bàn về tương lai êm ấm. Tuy vậy, Hương ít tham góp ý kiến trong mọi chuyện quan hệ đến hạnh phúc mai sau, mặc dù cô yêu Nhân say đắm. Bởi Hương muốn tránh tiếng mình là gái đã một đời chồng, gặp trai tân thì bày mưu kiếm kế trói buộc nhau. Vả lại, nếu thành vợ thành chồng với nhau, cái chuyện ấy đâu phải ngày một ngày hai xong xuôi. Nên tốt nhất là để Nhân nói Hương nghe. Nghe để hiểu hết ý anh.
            Về phía Nhân, anh yêu Hương cũng thật lòng. Ngay từ lần đầu trao gửi những nụ hôn cho Hương, anh không hề mang ý nghĩ lợi dụng nhằm thoả mãn khát vọng. Anh càng không đánh giá Hương cao thấp vì đã có chồng hay chưa. Anh yêu bởi cảm nhận được ở Hương nhiều điều tốt đẹp. Mà không phải sự cảm nhận hời hợt thoáng qua. Hương ở bên anh đã hàng năm trời. Thời gian cùng sự gần gặn giúp anh nhận thức và kiểm chứng rõ ràng. Hương không đẹp sắc nhưng quyến rũ anh bởi tính nết dịu dàng. Sự dịu dàng khiến anh mê hơn cả suối nước mát bên đồi chè; anh từng dìm mình trong đó, sau những giờ lao động quần quật dưới nắng lửa hè. Hương quyến rũ anh còn ở sự chăm chỉ và sáng dạ trước mọi công việc. Còn là cái bếp gọn sạch với bữa ăn hợp khẩu vị, hơn hẳn thời chỉ có hai người đàn ông trong nhà này.
            Tình yêu của đôi trai gái, cho dù họ có ý tứ che giấu thế nào, ông Nam cũng vẫn nhận ra. Chẳng những ông không ngăn mà còn vui trong bụng. Ông từng sớm nghĩ đến chuyện chúng nó yêu nhau thì là điều thuận, điều hay. Cái cơ ngơi này, sau ông, vợ chồng nó kế thừa để phát triển lên. Thế là ông toại nguyện lúc về già. Được thế, tức ông sống có ích cho đời. Có ích cho con cho cháu. Thằng Nhân, cái Hương, ông không sinh ra đứa nào, nhưng đã coi chúng như con ruột. Chúng cũng thực sự xem ông như người cha mẫu mực, tin cậy.
            Mấy năm  qua rồi, chưa một lần ông thấy buồn phiền vì quyết định lập nghiệp tại vùng đất này. Không phải ông say sưa làm giàu. Mà chỉ thích nơi yên tĩnh, thoáng đãng, có không khí trong lành, có mảnh đất trồng cây. Để bảo đảm cho cái phần cuối đời của ông được sống khoẻ sống vui. Điều kiện ấy, ông không tìm thấy ở nơi quê mình, nên mới đến đây - vùng đất mà trước kia đơn vị ông đã giành giật bằng máu xương. Mấy vết sẹo trên người ông cũng từ trận đánh ác liệt tại mảnh đất này gây nên. Việc ông rủ Nhân đi cùng, lúc đầu chỉ do ngẫu hứng là chính. Không ngờ Nhân kết ngay. Có Nhân, tất nhiên ông vui hơn hẳn. Có Nhân, ông cần mở quy mô sản xuất rộng ra. Và càng chắc tin mình sẽ thành công trên chặng đường phía trước. Niềm tin không xuất phát từ lòng tự mãn trước thắng lợi của hai cuộc chiến ông trải qua. Ông không cho rằng, hễ đánh thắng giặc xâm lược thì chẳng có khó khăn nào ngăn trở nổi bước phát triển về kinh tế. Bởi đánh trận thuộc một lĩnh vực khoa học. Làm kinh tế lại là phạm vi của khoa học khác. Người mù tịt về khoa học kinh tế thì đừng có nghĩ gặt hái thành công trong làm ăn. Sẽ mất cả chì lẫn chài, và trở thành kẻ nói láo nói phét trước thiên hạ.
            Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, không ít người đã can ông Nam trồng chè. Trồng chè vừa vất vả, vừa không kinh tế. Vậy mà ông quyết giữ vững ý định. Cây chè có nhiều thuận lợi để phát triển cả trước mắt và lâu dài. Về thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất thích hợp với loại cây này. Trang trại của ông lại nằm trong vùng chuyên canh chè rộng lớn, như thế sẽ có lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Còn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, đã có anh em trong đơn vị cũ của ông đảm nhiệm hướng dẫn, chuyển giao. Với Nhân, cậu ta cũng là dân vùng chè phía Bắc. Vùng này, ông từng sống nhiều năm trong thời kỳ tập kết theo quy định của Hiệp định Genève. Nên Nhân và ông có am hiểu chút ít về nghề chè. Từ những lợi thế ấy, ông quyết định lao vào kinh doanh cây chè. Có chè, ông hy vọng sẽ có tất cả. Ông không quan niệm như nhiều người: phải trồng mỗi thứ một tí, theo lối tự cấp tự túc từ cái thời xa xưa.
            Đến nay, cây chè cho ông thu hoạch sắp sửa kết thúc năm thứ ba. Sản phẩm được xí nghiệp chế biến chè tại địa phương thu mua toàn bộ, thanh toán tiền nong sòng phẳng. Nhờ thế, mấy khoản vốn vay ngân hàng và bạn hữu, ông đã trả xong từ cuối năm trước. Trong nhà vẫn còn chút vốn dự trữ. Ông quyết định cơi cao ngôi nhà. Ngôi nhà lên ba lầu, kiểu biệt thự, nom thật bắt mắt. Có nhà khang trang đẹp đẽ rồi, ông liền lãng mạn đề xuất cưới cho đôi trai gái. Để mọi việc lớn của gia đình xong xuôi đi. Thế là đời ông thanh thản.
Từ khi biết chắc hai đứa yêu nhau, ông hay ngỏ ý vun vào. Nhất là với Nhân, nhiều lần ông phân tích cụ thể, bảo nên lấy con Hương. Hiểu rõ ý đồ ông, đôi trai gái dần dần công khai tình cảm của họ. Trước mắt ông, chúng dám ngồi sát nhau đùa vui như vợ chồng. Cả khi làm việc trên đồi chè, chúng cũng ríu ra ríu rít, khiến ông vui lây. Miễn sao hai đứa đừng có vội quá đà!
Đương nhiên họ không để ông nhìn thấy cái sự quá đà. Tình yêu ở lứa tuổi gần ba mươi, cả đôi đều ở độ ngấu rồi, lại ăn ở cùng nhà, làm sao tránh nổi. Lần đầu tiên họ ăn nằm với nhau vào dịp ông Nam đi dự kỷ niệm mười lăm năm ngày thành lập sư đoàn. Ba ngày hai đêm ông vắng mặt, họ chung sống hết mình, như cặp uyên ương trong tuần trăng mật. Nhân hùng hục nhưng thiếu kinh nghiệm. Dù sao cậu vẫn là trai tơ. Kho chuyện tán dóc của lính chưa thể giúp cậu dạn dày trong sự ái ân. Hương hơn hẳn. Cô chủ động phối hợp và nâng đỡ, để người tình vượt qua bỡ ngỡ. Vậy mà cậu vẫn thất bại liền liền suốt cả đêm thứ nhất. Nhân không thể kéo dài thời gian giao hoà trong mỗi lần. Lúc cậu xỉu rồi, Hương chưa biết điểm đỉnh đợi mình ở đâu. Cô sững sờ hẫng hụt. Nhưng không thất vọng. Bởi cô tin Nhân sẽ mau biết cách điều chỉnh thôi. Sức ảnh không thua kém. Thần kinh cũng vững vàng. Có điều mình cần bỏ qua e ngại, nói rõ sinh lý đàn bà con gái, là ảnh biết cách thực hành ngon lành... Đúng như Hương nghĩ. Ngày và đêm hôm sau, cả ngày sau nữa, Nhân đủ sức dẫn dắt Hương liên tiếp đạt đến điểm đỉnh dục tình. Vào thời khắc ấy, vòng tay Hương ghì chặt Nhân, và dướn cong mình lên. Bần bật. Bần bật. Khiến Nhân muốn toàn thân tan chảy vào cơ thể em yêu. Nhưng rồi... Nhân lo. Lo Hương mang bầu thì sao? Hương cười tủm tỉm, cất giọng âu yếm: "Ngốc ạ! Đang là những ngày an toàn tuyệt đối của em!".
Tuy không nhìn biết, nhưng ông Nam đoán chúng nó dễ quá đà trong những ngày mình vắng nhà. Thôi thì, chúng nó yêu nhau, có sao cũng dễ giải quyết. Chúng nó không ưa nhau, lại để xảy sự cố mới đáng ngại. Nên, tổ chức cho hai đứa thành vợ thành chồng là yên tâm nhất.
"Các con có nhất trí với đề xuất của ba không?". Nhân lên tiếng trước: "Thưa ba, con nhất trí ạ!". "Còn Hương?". "Vâng, con xin nghe lời ba!". Thế là, đám cưới được tổ chức. Đơn giản. Ấm cúng. Và đúng thủ tục pháp lý.
Từ đấy ông Nam đã tưởng yên tâm thanh thản được rồi. Không ngờ  thằng Trung về. Nó từ trại cải tạo trở về. Về quê. Rồi mò mẫm đến đây. Nom ốm còm như cái que. Da xanh hệt tàu lá. Nó bảo không chết là may mắn lắm. Suýt nữa thì bị xe tăng Việt cộng nghiền nát. Vậy mà trước dịp nghe tin thằng Trung chết trận, ông có tìm kiếm nó trong mấy trại cải tạo, sao không ra? đời kể cũng lắm chuyện oái oăm. Bây giờ, việc thằng Nhân con Hương nên thế nào đây? Trong sự đã rồi này, ông mang lỗi không nhỏ với thằng Trung. Giá ông đừng lãng mạn vội vàng, thì đâu nên nông nỗi khó xử nay mai. Và thật khó nói lúc này. Khó nói ngay cả với thằng Trung - con ruột ông.
Trung không đợi ai nói. Hắn nhận ngay ra điều rắc rối trong nhà mình. Bằng chứng rành rành là tấm hình cưới treo tại phòng khách. Hương với anh ta. Anh ta tên Nhân. Nghe ba kêu là Nhân. Nhân đã cướp vợ mình ư? Câu hỏi đó khiến hắn mất ngủ suốt đêm. Sao ta không chết trước đạn bom cho rồi. Để khỏi cảnh tù đày dài dặc sáu năm. Nói học tập cải tạo sáu tháng, sao biến thành tù sáu năm? Họ đã đánh lừa ta. Đánh lừa tất cả những tên lính thua trận, nhẹ dạ cả tin. Hết tù, ta lại phải chứng kiến sự rắc rối đau lòng này. Ba bảo sẽ giải quyết. Giải quyết bằng cách nào. Cách nào thì đời ta cũng khó xoá sạch nỗi đau. Với Hương, có quay lại với ta, cũng chẳng sung sướng hạnh phúc. Chiến tranh đã triệt đứt khả năng sinh nở của ta. Hương ơi, em ngủ hay là thức. Em ngủ với anh ta hay một mình?
Hương không một mình. Bởi không chấp nhận ý Nhân đưa ra: "Đêm nay em nằm riêng nhé!". "Còn sự rắc rối - Hương nói với Nhân - giải quyết thế nào là việc sau này". Xử vậy nói vậy, song Hương không tránh khỏi rối bời trong tâm. Vẫn biết lúc này mình không coi Trung đứng ở vị trí người chồng, nhưng rồi, nếu ảnh yêu cầu đoàn tụ, cả ba khuyên nữa thì sao? Mình trước sau kiên định giữ anh Nhân là đúng. Song thương Trung quá.
Thấy Hương sụt sịt, Nhân nghiêng mình ôm gọn em. Vuốt nhẹ mái tóc em. Và khe khẽ nói: "Nay mai, dù trường hợp nào xảy ra thì anh vẫn rất yêu em!". Hương: "Vâng. Nhưng theo anh thì giải quyết thế nào?". "Thế nào là do em, anh, cả ba... và Trung quyết định". Nói vậy nhưng Nhân nghĩ: Trước hết, cần khẳng định quan hệ giữa anh và Hương đang là cặp vợ chồng hợp pháp. Nên, giải quyết theo hướng nào là do hai người định đoạt. Không ai có quyền áp đặt. Còn Trung, hắn chỉ là chồng Hương của một thời quá vãng. Nghĩ vậy, Nhân yên lòng hơn, bỏ qua sự bực bội ngầm ngầm, bởi Hương đã chiều chuộng hắn một cách khác thường. Sao Hương phải lo từ thùng nước tắm cho hắn? Trong bữa ăn, sao Hương cứ luôn gắp thức ăn cho hắn?
Bỗng Nhân thấy mình bị mất mát. Cho dù đó chỉ là ý nghĩ mơ hồ thoảng qua. Để tránh gây thêm rắc rối giữa các mối quan hệ trong nhà, Nhân cần tìm cách xử sự ngay. Không cách nào tốt hơn là mình nên tạm rời chỗ ở này. Và anh đã nói với Hương. Hương bảo: "Anh không phải đi đâu. Một phần gia sản nơi đây là của anh cơ mà!". "Vẫn biết thế. Nhưng ra đi lại là chuyện khác". "Tức anh bỏ em?". "Không. Anh mãi mãi yêu em. Vì yêu em, anh ở lì đây khi Trung đã về, sẽ chẳng dễ chịu gì cho cả bốn người". "Thế anh đi đâu?". Nhân im lặng. Đi đâu, chính anh chưa rõ. Có thể anh ra Bắc thăm quê hương họ hàng. Có thể anh đến chỗ bạn bè quanh vùng này. Hy vọng khoảng thời gian ấy sẽ giúp anh và cả Hương, cùng tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho việc đoàn tụ vợ chồng. Kết quả cũng có thể ngược lại điều anh mong muốn. Nếu là ngược, anh không đóng vai cản trở việc Hương lựa chọn. Hương nhắc lại: "Thế anh đi đâu?". Nhân kể mấy hướng dự định, và nói Hương giữ kín chuyện này. Lúc cần trình bày với ba thế nào, trách nhiệm thuộc về anh. Hương đồng ý và giao hẹn: "Anh đừng có dối em!".
... Nhân đi rồi. Ông Nam thật buồn. Hương thật buồn. Trung thì chẳng cần biết vì sao Nhân đi. Nó biến khỏi cái nhà này càng hay. Mới mấy ngày trời giáp mặt nhau, ta đã khó chịu quá rồi. Nếu còn kéo dài cảnh sống chung đụng, ta không chịu nổi. Ta sẽ nổ tung. Đời ta có còn gì đâu để mà mất!
Sau bữa ăn tối, Trung mượn rượu giở giọng cà Hương: "Sao mình không đi cùng thằng... gì gì... nhỉ?". Hương im lặng. Hắn nâng chén trà tợp một hớp rồi đưa ngang mặt Hương: "Mình uống chung với anh nào!". "Em không quen dùng trà". Hắn nhích cái ghế nan, ngồi sát Hương, nói khẽ: "Đêm nay chúng mình ngủ cùng, nghe em!". Hương đáp lại bằng cái nhăn mặt.
Ông Nam ngả mình trên ghế xích đu ở một góc sân gần bàn nước. Bề ngoài tỏ ra thờ ơ, song ông nghe hết, thấy hết lời nói và hành động của anh con trai. Ông bực lòng, ngồi bật lên khi hắn vừa buông ra câu nói: "Thằng cha cút rồi, từ nay chúng mình trở lại vợ chồng như xưa, em nhỉ?". Cùng với câu nói, hắn kéo tay Hương. Hương giằng co. Tiếng quát của ông buộc hắn phải dừng tay: "Thằng Trung! Thôi ngay cái trò thối ấy đi!". Ông bước tới bên bàn nước, hạ giọng: "Nhân sự việc xảy ra, nên ba nói trước hai đứa thế này: Ba cấm ngặt thằng Trung giở trò sàm sỡ với con Hương. Con Hương bây giờ là vợ thằng Nhân. Chứ không thể nào khác được. Đừng có làm ba đau đầu thêm". Hắn giương cặp mắt chó luộc nhìn cha: "Ba nói vậy, tức không cần con trở về?". "Con không được hiểu lầm. Trong nhà này, ba cần cả ba đứa. Song nên nhớ, mấy điều ba vừa nói phải coi là bất di bất dịch!". Ông định nói dài, nhưng thôi. Nói vậy cũng tạm đủ. Việc cần thiết trong nay mai là, phải sắp xếp chỗ ở mới cho vợ chồng thằng Nhân con Hương. Rồi gọi thằng Nhân sớm trở về. Nó ra Bắc thăm quê là đúng. Tuy nhiên, có thể còn điều tế nhị cu cậu khó nói ra. Cu cậu lánh xung đột với thằng Trung. Và để xem lập trường mình, cả con Hương, có thay đổi hay không. Thay đổi là cu cậu cứ thế rút luôn một mạch đấy. Không! Ai cho rút. Để nó rút thì cái mặt mình, mặt con Hương không còn là mặt người nữa... Rồi còn phải từng bước tách riêng công việc sản xuất ra cho vợ chồng nó. Sau nữa thì tính chuyện tìm vợ cho thằng Trung. Để mình còn kiếm thằng đích tôn chứ. Vậy là mình lại phải lao đầu vào việc "tậu trâu, lấy vợ, làm nhà" cho chúng nó. Vất vả không đáng ngại. Chỉ lo thằng Trung phá tán, chẳng chịu nghe cha nó sắp đặt. Sao nó hay thở dài oán giận chiến tranh, kêu mình mất hết? Riêng gì nó mất. Mọi người trong cái nhà này, ai chẳng mất. Ai chẳng gánh nỗi buồn nỗi đau. Ngay như cái sự lôi thôi đang xảy ra, nói cho cùng, đó cũng là hậu họa chiến tranh. Chớ có nghĩ hết đạn bom thì mọi sự đều ổn thoả. Liệu thằng Trung có còn vướng bận điều gì nữa không?

Trung không nói, hoặc chưa kịp nói, làm sao ông Nam biết. Chỉ cái sự hắn mất khả năng sinh nở, nếu ông biết, liệu có giữ nổi bình tĩnh không? Bởi trong ông, tư tưởng duy trì dòng giống quan trọng ghê gớm lắm. Lần nghe tin con chết, ông từng điên đầu cả năm. Hắn chết, tức ông tuyệt tự. Nay hắn trở về, hy vọng nối dài dòng giống lại đang bùng lên trong ông. Vì thế với ông, một phen điên đầu nữa thật khó tránh, khi nghe thằng Trung nói rõ thực trạng sức khỏe của mình.

Đăng trên: - http://newvietart.com/index3.6374.html
-  In trong tập Chuyện đời 3, Nxb Hội Nhà văn, 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét