Truyện ngắn Giang Trung Học
Tên cúng cơm của bà là
Hiên - Nguyễn Thị Hiên. Nhưng khoảng mười năm nay, người làng Vũ không
ai gọi tên ấy nữa. Họ gọi là Bà Già Điên. Bà điên thật. Điên từ khi
mọi người còn gọi bà là chị Hiên cô Hiên, hoặc gọi tên chồng: chị
Hoàn cô Hoàn cơ. Được cái là, chưa một lần Bà Già Điên tỏ ra khó
chịu với cách gọi ấy. Thì tớ điên thật mà lỵ! - vào lúc tỉnh cơn,
bà từng toét miệng cười nói thế. Về phía dân làng, tuy gọi vậy nhưng
với tấm lòng đầy cảm thông trìu mến Bà Già Điên. Sớm tối, nhiều
người trong xóm, có cả các cụ khoẻ chân mạnh tay, vẫn hay lui tới trò
chuyện, và đỡ đần bà những khi trái gió trở trời. Mọi người đều
biết, khi cơn điên nặng trong bà bốc lên thì đừng có can ngăn. Can ngăn
chẳng những không nổi mà đâm rách việc. Lúc ấy bà sẵn sàng chống
trả bằng bất kỳ cái gì vơ được ở xung quanh.
Tối nay bà lại lên cơn
điên nặng. Như mấy trăm lần nó đã xảy ra trong suốt bốn chục năm qua.
Từ sau ngày bà để mất đứa con trai độc nhất trong vòng tay mình đang
ôm ấp nó. Đêm bà mất con tựa như tối nay. Tối nay không khí oi nồng
đến ngạt thở. Do cái nắng nóng lên tới ba tám độ, chất chồng cả
chục ngày toả ra. Lại thêm mất mưa. Gió cũng biến hút. Khiến sức
trẻ khoẻ chống chọi còn tướt bơ, huống hồ già nua bệnh tật như bà.
Ngồi trên cái ghế tựa ba nan, bà ngửa mặt nhìn trời. Tít trên cao,
lưa thưa những ngôi sao lặng lẽ, thờ ơ. Sao thưa chẳng khác cái đêm xa
lắc xa lơ trước kia. Đêm ấy bà với đứa con trai ba tháng tuổi phải vật lộn trên những
cánh đồng nước sâu, nơi đất khách quê người. Bụng mẹ đói meo. Con thì
khát sữa. Và trong tình thế lo âu sống chết cận kề. Bỗng bà nhớ nó
da diết. Khiến cơn chóng mặt bốc lên, buộc bà phải đi nằm. Sau hồi
thở dốc, khắp cơ thể bà nổi nóng phừng phừng, ý nghĩ lộn xộn, nửa
tỉnh nửa mê. Bà đưa tay quờ sang hai bên, không thấy con đâu. Liền vùng
ngồi dậy, quờ tìm khắp giường. Tay chạm phải cái gối, bà vội ôm lên
vỗ về cưng nựng: "Con ơi! Mẹ đây... Mẹ đây!...". Và trong đầu
bà chỉ thấy tiếng khóc ngằn ngặt của con,
lẫn tiếng đạn bom ùng oành chát chúa. Thế là bà co cẳng chạy ra khỏi
nhà. Rồi chạy thục mạng dọc con đường làng. Vừa chạy vừa hét:
"Bà con ơi... giặc càn! Chạy thôi!...". Đương nhiên không ai
chạy cùng bà. Bởi ai cũng biết Bà Già
Điên đang lên cơn. Mỗi lần lên cơn nặng, đầu óc bà náo loạn những cảnh chạy
giặc ngày xưa.
Cái trận càn làm bà
mất con vô cùng khủng khiếp. Mấy Zem quân viễn chinh Pháp cùng
quân Chính phủ Bảo hoàng thay phiên nhau chà đi xát lại khắp một vùng
đồng bằng rộng lớn. Chúng thực hiện bao vây từ xa rồi khép dần lại.
Với ý đồ gom hết lực lượng Việt Minh vào khu vực nhỏ, và làm mấy
mẻ cất vó là xong. Làng Vũ nằm trong khu vực nhỏ đó. Vì thế, nó là
nơi phải hứng chịu đạn bom nhiều nhất. Những trận pháo kích dội đến
ngày đêm. Với từng đàn máy bay Hencat, Vanh xit lao tới ném bom liên tiếp.
Giặc hy vọng, Việt Minh không bị quét sạch hoàn toàn thì cũng kiệt
sức chiến đấu. Khả năng chống trả sẽ không còn. Lúc ấy, sự hiện
diện của Liên quân Pháp - Bảo hoàng chỉ là để tiêu diệt nốt số tàn
quân đối phương, và làm công việc thu dọn chiến trường mà thôi!
Trước đạn bom ác liệt,
người già và trẻ con buộc phải sớm tản đến những làng tề để nương
thân. Chị du kích Hiên thì cùng trai gái làng ở lại bám đất, rồi tuỳ
cơ tìm cách cứu mình. Việc chống càn của du kích được lệnh tạm thời
thủ tiêu, nhằm bảo toàn lực lượng. Chỉ nơi nào có quân đội chính quy tác chiến, du kích mới được tham gia
phối hợp. Vì vướng con nhỏ, chị Hiên không thể chui hầm bí mật khi
giặc tràn đến. Cuối cùng chị buộc phải ôm con hoà vào dòng người
chạy quẩn.
Như bao lần khác, Bà Già
Điên lại ôm cái gối chạy quẩn. Bỗng nghe tiếng lão thả ống lươn quát từ
ven ao: "Quay về! Quay về!". Nghĩ là tiếng quát của giặc, bà
càng chạy thục mạng. Con đường làng lát gạch phẳng lỳ, thế mà bà suýt
ngã mấy lần. Tại hai chân cứ díu vào nhau. Đến đoạn đường đồng, đàn
vịt thấy động vội ào xuống nước. Nghe vịt chạy rào rào, bà cho rằng
giặc đã chặn ở phía trước. Bà liền đổi hướng, cứ thế băng đồng nước
ngập quá đầu gối; như cái lần chạy giặc bà để mất con.
Lần chạy giặc ấy, từng dòng
người ngổn ngang sao mà đông đến thế. Hầu hết là thanh niên nam nữ, và
cả lứa tuổi trung niên. Họ bị giặc dồn từ các nơi đến đây. Ai cũng mang
bộ mặt nhớn nhác lo âu; áo quần xộc xệch, ướt át, nhọ nhem. Hành
trang của họ thường chỉ có vài thưng gạo hay nắm cơm, với bộ quần áo
để trong tay nải hoặc cái bị cói. Chị Hiên ôm con nhập vào dòng người tứ
xứ ấy. Họ chạy đâu, chị theo đấy. Có khi đang tất tưởi chạy hướng
này, bỗng lại ào ào lội đồng quay
hướng khác. Hướng nào cũng nghe tin giặc áp sát. Còn phải tránh máy
bay và đại bác nữa. Mỗi khi thấy máy bay từ xa, ai nấy đều vội nằm
rạp xuống; bất kể chỗ đó là cồn đống hay bờ ruộng, mặt nước. Để
chúng phát hiện, lập tức ăn đạn ngay. Còn
thứ máy bay bà già thì vè vè nghênh ngang sát đồng lúa. Nó từng
quăng lựu đạn xuống đám đông người. Nhưng không sợ bằng nó thả quả khói,
xác định mục tiêu cho đại bác bắn về. Rất may, mẹ con chị Hiên luôn
luôn nằm ngoài tọa độ bắn của đại bác. Tuy nhiên, mỗi khi đạn nổ oành oành chát
chúa, con chị không tránh khỏi giật mình, khóc ré lên. Lúc này chị chỉ biết
ôm chặt lấy nó. Và tiếp tục chạy…
Chạy giặc ban ngày vất
vả, nên ai cũng mong đêm tối xập xuống cho mau. Dù không bớt lo âu, song
ban đêm còn được nằm ngồi chốc lát, để lấy sức chống chọi với gian
nan vất vả những ngày tiếp sau.
Đêm đầu tiên rời làng,
chị Hiên ôm con tựa vào ngôi mả xây giữa bãi tha ma nơi lạ nước lạ cái.
Đấy là suất ưu tiên con mọn, chị được những người bên cạnh dành cho.
Lúc này còn nửa nắm cơm với muối vừng, chị cố nuốt để lấy sữa cho
con bú. Miệng vừa khô vừa khát, nhưng chị chỉ dám nhấp tí nước cho dễ
trôi cơm. Có chai nước đem theo, mẹ con đã dùng hết non nửa rồi. Chị
từng uống nước ruộng, nên chai nước mới còn phần để dành. Cạn sữa, lại
cạn nước, mai kia con chị lấy gì để sống. Sang ngày mai, nếu không nấu
nổi cơm, chị đành nhai bỏng rang vậy. Những gói bỏng là suất ăn để
ngồi hầm bí mật, chị đem theo thật đúng lúc. Không có nó, đến phải
nuốt gạo sống như nhiều người thôi. Mẹ ăn uống thế, con chị đủ no sao
được.
Ngay đêm nay, chị đã
thấy thằng bé không no bụng. Nó khóc suốt đêm. Đến gần sáng còn bị
đi ngoài xoèn xoẹt. Từ đây nó nằm im không khóc, hẳn đã quá mệt.
Chị cũng mệt, mà không sao chợp mắt nổi. Vì lo cho con. Vì lo ngày mai
không biết chạy đi đâu. Số phận rồi sẽ thế nào?
* * *
Thấy bóng người lóp
ngóp trên bờ ruộng, hai đứa đánh dậm liền theo dõi. Đợi cái bóng
đến gần, chúng cùng chĩa thẳng đèn pin và quát to: "Ai?... Đứng
lại!". Cái bóng bị chói mắt, chững trong tích tắc rồi nhao đầu
chạy vào cánh đồng lúa. Biết chắc là Bà Già Điên, vậy mà chúng vẫn lia đèn theo, còn bắn
súng bằng mồm: "Pằng pằng pằng!... Đoàng!". Nghe chúng nói nói
cười cười, có vẻ thích thú trò đùa ấy lắm. Nhưng rồi chúng ái ngại,
bảo nhau: Trêu bà cụ, lỡ làm sao thì mang tiếng chết. Khổ thân bà cụ, ruột thịt chẳng có ai. May mà trời
phú cho cái sức khoẻ. Lúc lên cơn điên có khi bà cụ khoẻ ra. Chạy
nhảy, lội ao lội đồng suốt ngày đêm vẫn được... Mà sao yên ắng thế
nhỉ. Loáng một cái không còn nhìn thấy bà cụ. Hay bị ngã. Giụi đầu
xuống nước thì nguy. Một đứa liền soi đèn tìm kiếm.
Sau hồi chạy bì bõm
vượt cánh đồng lúa mênh mông nước, Bà Già Điên thấy mình thấm mệt. Vừa
lên bờ ruộng đi một đoạn, hai chân như rời ra, bà đành ngồi bệt xuống cái
mô đất. Phát hiện ra bà, Kiên - tên đứa đánh dậm, cất tiếng: "Bà
ơi bà! Cháu người làng Vũ đây!". Nghe tiếng gọi, bà lại vùng
chạy thục mạng, như cái lần chạy giặc xa lắc xa lơ trước kia.
Lúc ấy đằng đông chỉ
mới ửng hồng mấy tia dải quạt. Chị Hiên nhờ người ôm con để ra bờ
ruộng giặt cái tã cứt cho nó. Nhưng chị vừa đi được mấy bước, thì nghe
tin giặc đến gần. Người ta vội trao lại đứa trẻ cho chị. Vậy là cái tã
không kịp giặt, mà không thể vứt đi. Chẳng phải chị coi là vật kỷ
niệm, bởi nó được xé từ cái áo rách của chồng. Quanh chị không thiếu
kỷ niệm của anh Hoàn để lại. Thứ lớn lao nhất chính là đứa con này đây. Còn
là mảnh đất, ngôi nhà, do anh lao động cật lực làm nên. Là tình thương yêu anh
dành cho chị trong gần một năm chung sống bên nhau. Là tấm ảnh người
lính Vệ quốc quân và mấy bức thư của anh gửi về… Giờ đây, thằng bé
chỉ có hai cái tã mang theo. Nó ỉa đái, phải tranh thủ giặt ngay. Tã ẩm,
chị còn phải quấn vào bụng mình cho nóng lên. Trong tình huống khẩn cấp
này, chị đành rung rung để cứt rơi ra, và vắt kiệt nước là xong. Rồi chị
chùi tay xuống cỏ, sau đó quệt quệt vào hai ống quần mình. Hai cái
ống quần liền được xắn lên quá đầu gối. Đứa con cũng đã ấp ủ gọn gàng. Chị
tức tốc lao theo dòng người chạy giặc.
Chạy đi đâu, chị Hiên
không biết. Giặc cách bao xa, cũng không biết. Chỉ loáng thoáng nghe
nói: Nó đuổi sát sau đít ấy! Nhưng sao không thấy tiếng súng? Thì
thiếu gì những trận càn, nó lặng lẽ áp sát để bắt sống người mình.
Cho nên ai cũng cố chạy thật nhanh để mong thoát tay giặc. Ai cũng lo
mình chậm chân, phải làm cái đuôi trong dòng người chạy trốn. Cái đuôi
dễ bị giặc cắt lại trong những cuộc đuổi bắt như thế này. Cho dù
phải ôm con thơ, chị Hiên vẫn đủ sức vượt qua nhiều người. Chị còn
cả gan lội sông, nước ngập ngang ngực. Vì không muốn xô đẩy nhau trên cây
cầu gỗ ọp ẹp, vừa chậm vừa khó bảo đảm an toàn. Chị sang được sông
thì trời sáng bảnh. Nhìn trở lại, bên kia cầu còn đông nghịt người. Giặc
mà ập đến, đám đông ấy khôn hồn trốn thoát. Và cả ngàn người chạy
giặc liệu có thoát? Vừa nghĩ chị vừa gắng sức lao theo những người
khỏe chân mạnh tay. Áo quần từ ướt sũng đến khô dần. Đột nhiên có
tiếng gọi chuyền nối nhau vang lên: "Đồng bào hãy bình tĩnh. Không
phải giặc đuổi đâu!". Tiếp đó là những câu hỏi cùng lời đáp: “Không
phải giặc thì là gì?”. “Là anh em bộ đội huyện được lệnh bỏ đất
ấy mà!”... Bộ đội chủ lực rút lui. Đến lượt địa phương quân bỏ đất.
Vậy dân chạy đâu cho thoát chết
đây? Chạy đâu chưa biết. Chỉ biết ngay tức khắc, ai ai cũng được thở
phào. Bởi tạm bớt đi chút lo âu đang căng lên ở từng người.
Nay, chuyện chạy giặc
ngày xưa đã trở thành quá vãng xa vời. Nhiều người gần như không còn
nhớ gì cụ thể. Nhưng Bà Già Điên thì vẫn vanh vách kể ra nhiều điều
ở cái thời loạn ly ấy. Có thể vì nỗi đau khiến bà khó quên. Nỗi đau
đã ám ảnh và hình thành những cơn điên trong bà suốt từ mấy chục năm
qua.
Bà Già Điên vùng chạy trốn
hai đứa đánh dậm, cho tới khi chạm con đường đá cắt ngang thì dừng lại.
Bà phục bên rệ đường, dõi nhìn, nghe ngóng. Một bên nách không quên
cặp chặt cái gối ướt sũng nước. Vì không thể rành rọt những gì đúng
sai, nên trong đầu bà tất thảy đều là giặc. Thấy bóng mấy người đi
đường, bà nghĩ là giặc, vội lủi vào bờ lúa. Thấy ánh đèn ô tô từ xa
lấp lóa, bà ghì chặt cái gối vào bụng, thầm bảo: "Giặc chiếu
đèn pha đấy. Con ngoan, không được khóc.
Khóc, nó nghe thấy thì chết. Đêm nay mẹ con mình phải vượt vòng vây
thôi!”. Hình ảnh về cái đêm vượt vòng vây giặc ngày xưa đang làm xáo trộn đầu
bà, vừa thực vừa hư.
Ngày ấy, dòng người
chạy giặc không tới được vùng đồng chiêm trũng, nước mênh mông bạt
ngàn, với hy vọng có thể nương thân an toàn. Do vòng vây giặc đã chặn ngắc đường
đi. Song, con đường sống duy nhất vẫn là: Phải vượt vòng vây! Vượt vòng
vây liệu có nổi? Chẳng ai dám chắc. Nhưng không thể trù trừ. Trù trừ
tất rơi vào tay giặc. Sẽ không thoát sự tra khảo, hãm hiếp, giết chóc,
tù đày... Thế là cuộc vượt vòng vây
diễn ra trong đêm khuya theo một hướng khác. Cái đêm ấy sao thưa, không khí
oi nồng đến ngạt thở. Dòng người xếp thành hàng một nối đuôi nhau,
lầm lũi thận trọng dò từng bước trên đồng lúa nước sâu. Chặng vượt
dài chừng một cây số. Một bên là đồn giặc. Một bên là chốt đóng quân ban đêm của lính Zem tham gia
càn quét. Chỗ luồn vòng vây gần giặc nhất chỉ hơn một trăm mét. Cho
nên nghiêm cấm phát ra bất kể loại tiếng động nào. Nghĩa là không
được nói gọi nhau. Không rên rỉ khóc than. Cấm cả tiếng lõm bõm khi
lội nước. Đến sát đồn giặc phải dãn cự ly. Bị đèn pha quét, phải
lập tức ẩn nấp tại chỗ. Những ai thấy khó thực hiện thì tự giác
không vượt vòng vây. Ai để lộ, gây thương vong cho đồng bào sẽ bị
trừng trị. Đấy là những quy định bắt
buộc. Quy định không biết do ai đặt ra, nó bất thành văn, song mọi
người trong cuộc đều rất coi trọng. Bởi nó can hệ đến sinh mạng của
bao nhiêu con người.
Lúc đầu chị Hiên lưỡng
lự trước cuộc vượt vòng vây. Chẳng phải chị thiếu quyết tâm, mà sợ
con khóc. Nó chỉ oe oe mấy tiếng là thả sức ăn đạn giặc. Giữa đồng
không mông quạnh, ẩn nấp vào đâu cho thoát. Nhưng nếu chị dừng lại?
Chắc chắn bị giặc bắt. Cái chết rất có thể xảy ra. Rơi vào tay giặc,
ắt không tránh khỏi bị hãm hiếp.
Thật ghê khi gặp phải lũ Tây đen. Ở làng bên có cô gái to khoẻ bậc
nhất, bị lũ Tây đen thay nhau làm nhục đến chết. Rồi còn con chị, làm
sao nó sống nổi khi rời mẹ. Vậy
nên, bắt buộc chị phải chọn con đường vượt vòng vây. Dù có thế nào,
vượt vòng vây vẫn là hơn. Cái không may xảy ra do con khóc, điều này chỉ
là dự tính thôi. Thằng bé vốn ít khóc, khi bụng đã no sữa. Phần
nữa, nó đang rất mệt vì bị đi ngoài, nên chỉ nằm im. Trước lúc vào
cuộc, chị cố vắt bầu vú để con bú thêm. Rồi cởi cái khăn vuông trên
đầu chị, làm địu treo nó ở đằng trước. Những ngày qua, nhờ cách này
mà chị ôm con chạy giặc cũng đỡ mỏi tay. Đoạn lội đồng đêm nay không
dài, với cách địu con như thế, khiến chị yên tâm. Cả khi gặp tình huống
phải tháo chạy thật nhanh, cũng không quá ngại.
Mọi việc chuẩn bị xong
xuôi, chị bình tĩnh hít từng hơi
thở cho căng lồng ngực. Bình tĩnh nhìn những chùm pháo sáng, thỉnh
thoảng lại vụt lên bầu trời mờ mờ sao. Bình tĩnh trước tiếng nổ
của các loại súng đại bác, liên thanh, chốc chốc lại vang lên ùng oàng,
tạch tạch... Bình tĩnh, lúc này thật cần thiết. Và cẩn thận hơn, chị còn
khấn cầu chồng phù hộ hai mẹ con chân cứng đá mềm, tai qua nạn khỏi.
Vậy mà, không hiểu sao tai ương lại giáng xuống đầu
mẹ con chị.
Thấy chị ôm con hoà
vào dòng người lặng lẽ vượt vòng vây, ai đó khẽ nhắc: "Chị
phải đề phòng tiếng khóc của trẻ". Chị vui vẻ "vâng".
Nếu điều đó xảy ra, chị sẽ gập người để ngăn tiếng khóc của nó không
bay ra xa. Chứ chẳng thể bóp chặt miệng con. Điều quan trọng hơn là, phải
giữ làm sao để nó không khóc.
Càng tiến đến gần đồn
giặc chị càng thấy tim mình đập mạnh hơn. Mỗi bước đi, mỗi bước lo.
Một tay chị ôm con sát bụng mình, tay kia xoa nhẹ lên người nó. Mong
sao con chị nằm yên. Nằm yên độ nửa giờ thôi. Khoảng thời gian ấy, dù
bị ùn tắc cũng thừa sức vượt qua chặng nguy hiểm nhất. Đang lúc chị ngang
đồn giặc, thì gặp pháo sáng ngay trên đỉnh đầu. Cái thứ ánh sáng
xanh lét như mắt ma ấy không doạ dẫm nổi chị - người nữ du kích từng
nhiều lần cùng bộ đội đi đánh đồn giặc. Nó chỉ nạt nổi những ai yếu
bóng vía thôi. Nó lơ
lửng tít trên cao kia, lũ lính gác có căng mắt nhìn cũng khó phát
hiện được gì. Nhưng dù sao chị vẫn phải dừng chân. Bởi phía trước, dòng
người đâu có tiến. Dừng ở khoảng cách gần giặc nhất, thật bất lợi
cho mẹ con chị. Chỉ một tiếng khóc từ thắng bé vang ra, rất có thể bị
lộ. Tai họa sẽ không riêng mẹ con chị gánh chịu. May thay thằng bé vẫn
ngủ ngoan, khiến chị vừa sung sướng vừa hồi hộp.
Niềm sung sướng trong chị càng
tăng lên khi thấy mình vừa vượt qua điểm nguy hiểm nhất.
Bỗng từ trong đồn, giặc bắn
xối xả, cùng những vệt đèn pha loang loáng sát mặt lúa đồng. Tức
thời, chốt đóng quân của lính Zem cũng nổ
súng hùa theo. Tuy chúng bắn rát, nhưng có lẽ chỉ là bắn vu vơ, nhằm
thị uy sức mạnh vũ khí mà thôi. Tiếng nổ làm thằng bé giật mình
khóc ré lên, khiến chị hoảng hốt. Song chị định thần được ngay. Chính
tiếng súng đã át tiếng khóc của con chị. Khi chúng nó dừng bắn mới là mối nguy
hiểm cho cả đoàn người vượt vòng vây, nếu thằng bé còn khóc ngằn ngặt thế này.
Nên, ngay lúc này, khi chúng nó đang say bắn loạn xạ ầm ầm, chị phải cố vượt ra
xa đồn giặc. Và, chị đã chớp được thời cơ. Tiếng súng vừa chuyển
hướng, chị liền vùng chạy thật nhanh. Bây giờ, dù thằng bé có khóc
to, dù tiếng nước có lõm bõm, vẫn chìm đi trong tiếng súng râm ran
như pháo nổ giao thừa.
Lúc chị vừa khom khom đứng
lên, đã thấy mấy người vội vã vượt qua. Họ giục nhau chạy nhanh hơn
nữa, để tránh giặc bắt sống. Nhử kẹo, chúng nó cũng không dám lao
vào đêm tối - chị còn đủ tỉnh táo để thầm nghĩ thế. Nhờ tỉnh táo,
lại có kinh nghiệm phòng đạn bom, nên ngay lúc đó chị tránh được cái
chết cận kề. Nghe tiếng nổ đầu nòng, chị biết súng giặc đang chuyển
dần về hướng mình. Chị vội nằm rạp xuống bờ ruộng. Tức thời, làn
đạn chiu chíu sát sạt đầu. Mẹ con thoát chết. Nhưng chị thầm lo, vì
thằng bé bị va xuống đất. Va nhẹ, song với
sức nó có thể là không bình thường. Hình như nó đã hết sức để
khóc to. Tiếng khóc như hụt hơi. Chứng tỏ là nó bị đau.
Nếu thằng bé chỉ bị va
đập thế thôi thì bi kịch không thể xảy ra.
Đáng buồn hơn là, nó lại bỏ
chị khi mẹ con đã vượt khỏi vòng vây. Vào cái lúc chị đang chờ đò
qua sông để sang vùng an toàn. Đại bác giặc đã giết chết nó ngay
trong vòng tay chị. Cái mảnh gang bé tẻo teo chết tiệt găm trúng đầu
thằng bé, cho dù chị đã lấy thân
mình che nó. Chị đau đớn chôn xác con tại một bãi cát trong đê, phía
bên kia đò. Nơi ấy cách làng chị tới gần hai chục cây số.
Từ đấy hình ảnh cái
bến đò và đứa con thơ luôn luôn ám ảnh dày vò chị ngày đêm, quanh năm
suốt tháng khôn nguôi. Những khi trái gió trở trời, chị phát điên
thật sự. Mỗi lần nổi cơn điên thì hình ảnh đứa con thơ chết trên tay mẹ lại
hiện lên nguyên vẹn, rành rành. Thời sung sức, đôi lần dân làng còn thấy
chị điên vì tình. Những trận điên tình, đám đàn ông con trai rất sợ
gặp chị. Sợ chị ôm chầm lấy họ, để hôn hít, sờ soạng, rủ rê...
Thấy cảnh ngộ chị, ai nấy đều thương.
Tuổi mới hăm bốn hăm lăm, lại khoẻ mạnh như thế mà mất chồng mất con
thì còn nỗi khổ nào bằng. Thương nhưng không biết giúp gì cho chị.
Thế mà có một độ, ai đó ác ý lại tung tin: Chị Hiên giết con!(?)
Đương nhiên tin ấy bị dư luận chôn vùi tức khắc. Chị không cần một
lời thanh minh. Có điều, những khi tỉnh táo nghĩ đến cái ngày ôm con
chạy giặc, chị từng tự hỏi: Nếu như lúc vượt vòng vây, tiếng khóc
của thằng bé trở thành nguy cơ tính mạng cho cả đoàn người, mình sẽ xử
trí thế nào? Vì sự an toàn cho số đông,
mình có dám bạo gan hạ sát con, như một câu chuyện hoang đường từng
lan truyền trong thiên hạ? Tự đặt ra câu hỏi, nhưng chị thấy không cần
trả lời. Chỉ buồn một nỗi, cuộc chiến đã cướp mất chồng mất con, khiến
chị trở thành điên dại.
Đêm nay, trong cơn điên, hình
ảnh cái bến đò xưa lại hiện lên trong đầu Bà Già Điên. Rồi tình cờ
bà gặp con sông, cây cầu - chỗ giáp ranh giữa địa phận làng Vũ với làng
bên. Thế là bà nghĩ ngay đến việc tìm kiếm mộ con. Hai bàn tay bà
không ngừng cào sâu trong bùn đất ven đê, nơi chân cầu. Cào rồi bỏ.
Hết chỗ này lại cào chỗ khác. Đến cạn hơi kiệt sức vẫn không thấy
gì. Bà ngửa hai bàn tay, đưa sát mắt vẫn không thấy gì. Sau cùng, Bà
Già Điên với mái tóc ngắn rũ rượi như một bóng ma, đành ngồi bệt
bên mí nước sông… gào khóc… gọi con… bằng cái giọng khản đặc thảm
thê, đứt quãng...
Lúc này, hừng đông chưa
hẳn tỏ mặt người.
- In trong tập Chuyện đời 3, Nxb Hội Nhà văn, 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét