Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

KÝ ỨC MỘT THỜI

 

Phạm Hồng Thắm 

Mẹ sinh tôi vào một ngày cuối năm. Năm con dê. Sau này khi thấy cuộc sống của tôi chật vật, mọi người bảo, sinh vào ngày ấy đói là phải. Cuối năm là mùa đông lạnh giá, làm gì có cỏ mọc. Cỏ không mọc thì dê lấy gì để ăn. Tôi tặc lưỡi. Cả đất nước này đói, chứ đâu riêng mình. Nói bừa nói ẩu để tự an ủi. Chứ ngẫm kỹ, hình như không phải. Quanh tôi, có thấy ai kêu đói đâu. Hay là, hoặc họ không đói thật, hoặc họ giấu cái đói của họ giỏi quá…

          Cha nuôi mẹ và chúng tôi bằng ngòi bút. Tức, cha đã bán những thứ mình viết ra để có tiền. Quanh năm suốt tháng, tôi thấy cha nghiêng nghiêng mái đầu trên chiếc bàn cũ mọt. Khi còn bé tẹo, nghe mẹ bảo, cha đang mài óc kiếm tiền đấy. Tôi băn khoăn không hiểu. Sao óc lại mài được? Óc nằm ở trong hộp sọ. Hộp sọ chính là xương của đầu nằm trên cổ. Đó là một thứ mềm mềm, nhão nhão, chứa đầy những dây rợ hồng hồng vẽ trong sách giáo khoa của chị gái. Thế mà lại mài được. Hồi bé, chúng tôi hay mài những viên đá cứng thành hình tròn tròn để chơi bắn bi. Có khi cả tuần mới mài xong một hòn rồi đem so với nhau, bi của đứa nào tròn hơn. Thế mà cha lại đem óc mài thì thật lạ. Chắc đau lắm. Mẹ phì cười, cốc nhẹ đầu tôi. Ngốc ạ. Con phải hiểu, khi suy nghĩ những dây thần kinh sẽ yếu đi không còn khả năng làm việc nữa. Tức là không còn nguyên vẹn nữa. Coi như là nó bị mài mòn. Hiểu chưa nào? À ra vậy. Ngôn ngữ của mẹ thay đổi xoành xoạch. Lúc khác mẹ lại bảo cha làm việc là nạo đầu nạo óc. Là è đầu è cổ. Là nôn ruột nôn gan. Với tôi khi đó, nghe chỉ thấy là lạ. Và chắc chắn chẳng bao giờ hiểu được, đó là công việc khổ sai của người cầm bút.

          Mẹ nhìn cha làm việc theo nghĩa vật chất. Tức, cha làm việc để kiếm tiền. Có tiền sẽ nuôi sống được cả gia đình. Vì thế tiền với mẹ thật quan trọng. Mẹ cần tiền để đi chợ. Để lo ngày hai bữa ăn cho bà nội. Cho cha. Cho anh em chúng tôi. Để mua vải may áo quần, mua sách vở cho chúng tôi… Nghĩa là, mua nhiều thứ lắm. Nghĩa là nếu có tiền mọi người sẽ không bị đói. Thế là mẹ thoả mãn.

          Còn cha? Không biết có nghĩ như mẹ. Tôi chỉ thấy cha làm việc triền miên. Những giá sách quanh cha. Trên cả mặt bàn. Chất ngất sách và những trang bản thảo. Tôi phục cha lắm. Tôi tin rằng, những thứ cha viết ra, sẽ không bị “tồn kho”. Như vậy, cha luôn có tiền đưa về cho mẹ. Thế mà có lần vô tình tôi nghe thấy mẹ khóc với cha. Mẹ bảo, em chạy mấy chỗ quen biết rồi, họ đều lắc đầu. Còn những hơn mười ngày nữa mới đến kỳ lĩnh lương của mình, biết sống bằng gì. Cứ tháng nào cũng thế này. Khổ quá! Lạ thật. Đã bao giờ chúng tôi không có ăn đâu nhỉ. Kể cả những ngày cuối tháng. Sau này tôi mới biết. Chẳng riêng gì gia đình mình. Những nhà hàng xóm cũng vậy. Không ai nói ra, nhưng mọi người đều trong tình trạng, giật gấu vá vai, ăn trước trả sau cả. Thế mà chẳng hiểu sao, mỗi khi đọc báo nghe đài, biết tin chiến thắng của chiến trường, ai nấy đều vui như tết. Tết nghĩa là những ngày được ăn no. Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết mà. Một năm. Hai năm. Nhiều năm trôi qua. Thời gian cứ thế trôi. Mọi người vẫn cứ sống hồn hậu như vậy. Hồn hậu và hy vọng vào một ngày hoà bình, mọi thứ sẽ khác… Chắc, cái no nọ đã bù đắp cho cái thiếu kia. Mọi người đã “no” những tin chiến thắng từ chiến trường dội về qua những cái loa truyền thanh, qua mấy tờ báo, nên quên đi cái đói vật chất dai dẳng qua ngày qua tháng qua năm…

          Còn cha? Vẫn vậy. Lặng lẽ nghiêng đầu bên ngọn đèn khuya. Triền miên đưa bút trên những trang giấy đen xù xì thô ráp. Triền miên cho ra những trang bản thảo để đem bán. Triền miên và cần mẫn, cùng mẹ giật gấu vá vai cho cả gia đình.

                                                *        *        *

Năm tôi dự thi vào đại học, cha không muốn tôi theo nghề cầm bút - nghề của cha. Mặc dù, tôi luôn là học sinh giỏi văn. Cũng đã từng tham dự thi giỏi văn thành phố. Có lẽ, những nghiệt ngã trong nghề đã khiến ông có ý nghĩ, không muốn thế hệ sau đặt bước chân vào chính lối mòn của mình. Còn mẹ, bà muốn tôi theo học ngành y. Đó là một mong muốn mang tính thiết thực. Những sách nhiễu, họach hoẹ, kẻ cả, vòi vĩnh của “những lương y kiêm từ mẫu” thuộc cả một hệ thống các bệnh viện mấy chục năm thời bao cấp, đã làm bà sợ. Bà muốn có một bác sĩ của riêng mình. Của riêng gia đình. Được vậy, mỗi lần buộc đến cửa các “từ mẫu”, bà đỡ phải khúm núm. Đỡ phải run run. Đỡ phải hồi hộp. Thật tiếc, tôi đã bất hiếu với mẹ. Với cả cha. Cái sự bất hiếu với mẹ thì rõ rồi. Vì tôi quyết không theo học ngành y. Vì theo sự hiểu biết ít ỏi của mình, ngành y chỉ là một nghề gắn với kẹp với panh, với dao mổ, với đau đớn bê bết máu me. Nó còn gắn với cả sự chết chóc tang thương. Tôi sợ. Còn với cha, đến mấy chục năm sau, khi ông đã khuất núi, tôi mới thể hiện rõ sự bất hiếu của mình… Đó là cả một câu chuyện dài về đoạn đời sau của tôi. Thế là lúc đó, tôi quyết định theo học ngành xây dựng. Một ngành theo quan niệm chung, chẳng hề phù hợp với loại con gái chân yếu tay mềm như tôi. Nhưng tôi chẳng một chút đắn đo. Tuổi trẻ, với những suy nghĩ bồng bột. Những toan tính vô tư. Những nhận thức được tiếp sức từ duy nhất một hệ thống tuyên truyền… làm tôi bật lên khát khao cống hiến, khát khao được tham gia trực tiếp vào công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Phải được tham gia trực tiếp cơ. Trước mắt tôi như hiện ra những công trường xây dựng rộng lớn. Vang trong tai tôi thình thịch tiếng búa máy. Tiếng ì ầm của những đoàn xe tải chạy nối đuôi nhau. Tôi như nhìn thấy những toà nhà cao ngất trời chen chúc mọc lên như nấm sau mưa. Tôi tưởng tượng ra những công viên, những sân vận động, những cung văn hoá… nguy nga, to đẹp được xây dựng trên khắp đất nước… Tôi quyết định thi vào ngành xây dựng trong tâm trạng vô cùng háo hức.

          Tuy nhiên, trước khi tôi chính thức vào học ngành xây dựng, có một chút rắc rối nhỏ. Thời đó, những thí sinh đạt điểm trên chuẩn lấy vào đại học, sẽ được chọn đi học nước ngoài. Tôi là một trong những học sinh được chọn. Danh sách niêm yết tại trường đại học ngoại ngữ, đã có tên tôi. Vậy mà, đến thời hạn tựu trường, chờ mãi không nhận được giấy gọi, tôi buộc phải đến trường hỏi. Mới vỡ nhẽ, tên mình bị loại khỏi danh sách. Tên mình bị chuyển trở lại trường Xây dựng. Được đi nước ngoài hồi đó là vừa là một may mắn. Vừa là một vinh dự. Có lẽ, cũng là một ân huệ. Đó là ước mơ của không ít người thời đó. Thời ngay sau kết thúc chiến tranh. Ngay cả bây giờ, khi Việt Nam đã mở cửa và đang trong xu thế hội nhập toàn diện, đi làm việc và học tập ở nước ngoài vẫn là mơ ước của không ít người. Thế mà hồi ấy tôi đã bị đẩy ra khỏi danh sách đi học nước ngoài. Cha tôi tặc lưỡi. Về học xây dựng cũng tốt. Cha chấp nhận. Cha không có ý định tìm hiểu nguyên nhân đẩy tôi ra khỏi danh sách đi học nước ngoài. Cha cũng chẳng bao giờ thèm nghĩ đến chuyện kiện cáo. Tôi cũng không nghĩ sâu hơn. Có đứa bạn bảo, lại một con ông cháu cha nào đó “chèn” mày rồi. Ừ, thì cho chúng nó “chèn”. Tôi nói. Chẳng cho chẳng được. Bạn tôi đốp chát. Con vua lại làm vua mà. Chẳng biết đến bao giờ chúng mới phải đi quét chùa? Nó nói tiếp. Có mà mục thất! Tôi tặc lưỡi giống cha.

                                                *        *        *

Hồi ấy con gái học xây dựng cũng đã là một cái gì ghê gớm lắm với mọi người. Nên tôi cũng nhanh chóng quên chuyện đi học nước ngoài.

Trước đó mấy năm, anh tôi cũng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài. Anh về nước xung phong ngay vào quân đội. Anh đóng quân ở một nơi xa lắm. Chuyên chế tạo vũ khí đạn dược. Có lần, đến vài ba năm mới thấy anh xuất hiện ở nhà. Anh bảo, vừa vào chiến trường thử vũ khí mới. Mẹ hốt hoảng, lập cập đi thắp hương khấn ông bà ông vải phù hộ độ trì đã cho anh trở về lành lặn. Anh chỉ cười. Nói mẹ lẩn thẩn.

          Tôi coi anh như một tấm gương để noi theo. Cùng với anh, tôi còn có nhiều tấm gương để noi theo lắm. Những anh hùng liệt sĩ đã và đang được báo chí hết lời ca ngợi. Những người đang lăn lộn trên bãi chiến trường xưa để vực dậy nền kinh tế suy thoái sau chiến tranh. Các nhà khoa học đang ngày đêm nghiên cứu cho ra những kết quả có thể đưa vào ứng dụng hiệu quả trong sản xuất… Tôi phải học để làm được như anh. Như họ. Tôi còn nhiều cuốn sách gối đầu giường khác. Trong đó rất nhiều cuốn viết nêu gương người tốt việc tốt. Tôi mải mê đọc họ. Khát khao làm được như họ. Khát khao được tham gia xây dựng thành công một xã hội có đầy đủ cơm no áo ấm. Có công bằng và dân chủ.

          Cũng với suy nghĩ đó, ra trường tôi xin nhập ngũ. Biết được điều đó, cha im lặng. Dù cha đã có ý định xin cho tôi về một cơ quan tại Hà Nội. Cha không có thói quen áp đặt cho các con những quyết định của mình. Cũng như, khi biết người tôi chọn để yêu, cha cũng im lặng. Dù cha rất thất vọng. Thói quen tự lập. Sự vô tư của tuổi trẻ… Tất cả đã tác động không nhỏ đến việc chọn lựa bạn đời và cuộc sống riêng tư của tôi sau này. Việc nhập ngũ cũng chỉ mình tôi quyết định. Anh trai tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này. Phục vụ quân đội cũng là nguyện vọng của nhiều người thế hệ tôi. Khi đó tôi nghĩ như vậy. Sau này tôi mới biết, những sinh viên nhập ngũ cùng tôi khi ấy, không phải ai cũng nghĩ như tôi. Có đứa, không thể trốn. Có đứa, nghĩ sẽ được núp bóng cái lon tướng có quyền sinh quyền sát trong quân đội. Đó là một tương lai tươi sáng. Có đứa chấp nhận như một tất yếu. Còn tôi, hồ hởi, phơi phới, đầy hy vọng. Cho đến khi khoác trên mình chiếc áo lính, những ý kiến của cha mẹ đã không còn làm tôi bận tâm nhiều.

          Rèn luyện trong quân đội mang ý nghĩa là một sự rèn luyện toàn diện. Đã là quân nhân anh phải biết làm nhiều việc. Không chỉ biết bóp cò súng. Ném lựu đạn. Đào công sự. Chấp hành những điều lệnh quân ngũ… Anh còn phải biết gieo lúa, trồng rau, bới khoai, đào sắn… Bởi, chúng tôi là quân đội của nhân dân mà. Chúng tôi không phải là những lính đánh thuê chuyên nghiệp. Chúng tôi phải tham gia không thiếu một công việc nào trong tăng gia sản xuất để góp phần đảm bảo cuộc sống vật chất. Duy một “khoa mục” mà lũ con gái sinh viên chúng tôi phải bỏ chạy bán sống bán chết. Có đứa, chết thì thôi, không thể thực hiện. Đó là nộp nghĩa vụ phân tươi để bón rau. Thế là chúng tôi nghĩ ra một cách. Đi gánh bùn về nộp. Ông thiếu tá cán bộ khung, chỉ huy đại đội nữ không chấp nhận những gánh bùn này. Ông bảo, “phân của các đồng chí không thối”. Ông thổi còi tập hợp cả đại đội. Yêu cầu đi theo để xem ông làm động tác thị phạm. Trên “thực địa”, khi nhìn thấy ông xúc ra một xẻng phân lúc nhúc đầy giun lẫn với lổn nhổn hạt bo bo, thứ lương thực Việt Nam được các nước anh em chi viện, ăn vào thế nào ra thế ấy. Cả lũ chúng tôi chạy tán loạn. Có đứa bỏ cơm mấy hôm liền. Có đứa khóc rưng rức. Thế là ông cán bộ khung đành chịu thua lũ bộ đội con gái chúng tôi.

          Cái tết đầu tiên bị cấm trại phải xa nhà làm cả tiểu đoàn lính sinh viên xẹp như quả bóng xì hơi. Nhiều đứa bỏ ăn khi nghe tuyên bố cấm trại. Sáng mùng một tết, tiểu đoàn sinh viên vẫn được lệnh xếp hàng xuống bếp để ăn. Nhưng một số chui vào giường đắp chăn cáo ốm. Bên gian nhà ăn của đại đội sinh viên nam, khi nhìn thấy món sốt vang bò màu đỏ ngả sang đen, có một cậu ném veo đôi đũa xuống đất, đứng phắt dậy. Mẹ nó chứ. Không khác gì nước của chị em thải ra. Cậu ta vừa đi vừa lẩm bẩm. Sinh viên bên đại đội nữ cũng lần lượt bỏ dở bữa. Có tiếng khóc ấm ức cố nén mà không được.

          Không khí tết của cả tiểu đoàn như có tang. Từ nhà ăn về, hầu hết các sinh viên đều vào giường nằm. Bỗng có tiếng còi ô tô rộn rã. Tiếng còi của ba xe ô tô con. Ba ô tô rất sang trọng. Mấy đứa có người nhà đi xe đó lên, chạy ùa ra hớn hở. Sau tôi nghe chúng nó kháo nhau. Một xe của thứ trưởng. Một xe của tham mưu trưởng. Một xe của phó chủ nhiệm tổng cục chính trị. Vậy là, có ba đứa trong tiểu đoàn sinh viên có tết.

                                                *        *        *

          Hết thời gian huấn luyện, anh trai muốn kéo tôi lên đơn vị anh. Tôi lưỡng lự. Cha không có ý kiến gì. Với cha, lúc này dù bất ưng vẫn tỏ thích thú khi ngắm tôi khoác trên mình chiếc áo lính. Còn mẹ? Vẻ chững chạc và chiếc lon thiếu uý trên vai của tôi tạo cho bà cảm giác an tâm hoàn toàn. Tôi đã được quân đội rèn luyện và giáo dục mà. Đó là nơi không có đất cho những thói hư tật xấu, theo bà!? Cuối cùng tôi được phân công về một đơn vị nghiên cứu.

Tại đơn vị mới, tôi thuộc biên chế phòng quản lý kỹ thuật. Công việc cụ thể là tham gia xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trong thiết kết, xây dựng các công trình quốc phòng. Tính chất công việc đòi hỏi tôi phải có một vốn ngoại ngữ khả dĩ đáp ứng được yêu cầu. Tôi lao vào học ngoại ngữ. Cùng với đó là cắm cúi đọc tài liệu. Cắm cúi dịch. Cắm cúi đạp xe đi công tác. Dường như, mấy tháng lăn lê bò toài dãi nắng dầm mưa huấn luyện quân sự đã biến tôi thành con người khác hẳn. Tôi cho rằng, mình có thể sống được ở bất cứ nơi nào khó khăn gian khổ nhất. Và, tự hào về điều đó. Sau một năm tại đơn vị mới, tôi được trưởng phòng cho đi học chuyên tu tại trường đại học ngoại ngữ. Trưởng phòng là một đại uý cao tuổi chưa vợ, khuôn mặt phì phị, dáng chậm chạp. Về tình cảm, anh tỏ vẻ thích tôi, dù biết tôi đã có người yêu. Có dư luận, vì thích tôi mà anh ưu tiên suất học chuyên tu này. Một thượng uý khi biết tôi được cử đi học ngoại ngữ, thốt lên bức bối. Vừa mới chân ướt chân ráo về đã cho đi học. Lãi quá! Lãi quá! Tôi phì cười. Thấy rõ cái máu con buôn trong một sĩ quan cấp uý.

Theo một định hướng bất thành văn, sự thành đạt của mỗi người trong công tác không thể loại trừ con đường nâng cao trình độ chính trị. Điểm nhấn trong quá trình nâng cao đó là phải trở thành đảng viên. Tôi có một chị gái. Chị là công nhân của một nhà máy cơ khí. Đã là công nhân thì rõ ràng thuộc giai cấp lãnh đạo còn gì. Sau bao năm công tác, năm nào chị cũng là chiến sĩ thi đua. Vậy mà chị không thể trở thành đảng viên. Cho đến một năm, chị được cử đi lao động công ích. Chị vẫn chăm chỉ, cần mẫn như khi đứng bên chiếc máy khoan. Lần này, cùng với bàn tay chai sạn do cầm kìm, cầm cờlê, đôi vai chị sưng vù, trầy xước do chiếc đòn gánh tre kẽo kẹt trên vai. Gót chân chị cũng nứt toác rớm máu vì không thể đi dép khi gánh đất đắp đê. Thế là, ngay sau đợt lao động công ích, chị được vinh dự đứng vào hàng ngũ những người cộng sản. Cha tôi biết chuyện, chỉ im lặng lắc đầu. Mẹ lấy dầu xoa đôi vai sưng vù của chị. Vừa xoa vừa khóc. Còn bắt chị ngâm chân nước muối. Nhưng ngay sau đó, tôi nghe mẹ khoe với hàng xóm, giọng rất tự hào. Con gái tôi nó là đảng viên rồi đấy. Mẹ cũng tự hào như thế khi anh trai tôi về thông báo được kết nạp đảng. Anh kể, anh được kết nạp đảng ngay sau trận Mỹ ném bom nhà máy anh. Hôm đó, kho đạn bị trúng bom. Đầu đằng kia kho, đạn đang nổ. Đầu đằng này anh vẫn xông thẳng vào, khuân từng hòm đạn ra. Với anh chị tôi, như vậy là phải sau một biến cố nào đó, mới được trở thành đảng viên. Mà biến cố đó, phải gây nguy hiểm đến tính mạng, phải ảnh hưởng đến sức khoẻ chẳng hạn. Vậy, tôi muốn trở thành đảng viên cũng không thể là một ngoại lệ. Nhưng ở vị trí công tác của mình, tôi chưa biết có thể làm cái gì để tạo ra sự đột phá như anh chị tôi. Trước mắt, tôi chỉ biết làm thật tốt những công việc được giao. Với tôi, những lãnh đạo, những chỉ huy, những đảng viên trong đơn vị đang là tấm gương cần noi theo, học tập và phấn đấu để trở thành người như  họ.

Cùng với việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chúng tôi phải thường xuyên tham gia các lớp học nghị quyết để bồi dưỡng giữ vững lập trường chính trị. Khi học nghị quyết, chúng tôi hay được ôn lại lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thủ trưởng chính trị của đơn vị tôi là một đại tá chính uỷ có da mặt đen sần sùi. Nổi giữa khuôn mặt là chiếc mũi nhọn hoắt. Hài hoà với mũi là khuôn miệng như kiểu cái mỏ của con diều hâu. Mỗi khi đại tá chính uỷ trong cơn hùng hồn lên lớp, cái mỏ diều hâu của ông ta mở ra đóng vào như đớp mồi. Có lần ông kể: Các đồng chí biết không, tổ tiên ta là bà Triệu Ẩu. Để trả thù cho chồng là Triệu Quốc Đạt, bà đã đặt con cùng ngồi lưng ngựa đi đánh giặc. Khi lao vào trận, bà còn bình tĩnh một tay vắt vú ra đằng sau cho con bú, một tay vung gươm chém giặc. Cánh tay phải của ông cũng hùng hồn chém vào không khí trong khi nước bọt phun toé ra xung quanh. Nói xong câu đó, ông ngơ ngác nhìn quanh, không hiểu sao mọi người cười dữ thế. Cứ tưởng cái hình ảnh vắt vú ra đằng sau của bà Triệu Ẩu gây cười, đại tá chính uỷ cũng há mồm cười theo cả lớp. Chờ cho học viên im lặng, ông nói tiếp: Noi gương tổ tiên, Trần Hưng Đạo đã ba lần chiến thắng tưng bừng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Xác giặc bị xâu vào những cọc gỗ đóng trên sông, chỉ một ngày đã thối hoắc. Chúng thối nhanh như vậy vì chúng xấu xa quá. Sau những chiến thắng lẫy lừng đó, Trần Hưng Đạo cao hứng sáng tạo ra bài thơ Nam quốc băng hà nổi tiếng. Ôi trời. Chúng tôi lại được trận cười nôn ruột. Đại tá chính uỷ cũng lại há miệng cười theo. Ngây ngô. Ngơ ngẩn. Mấy ngày sau, nhân câu chuyện phiếm trong một chuyến đi công tác, tôi được biết, đại tá chính uỷ của chúng tôi chưa học hết lớp ba. Thực ra, chưa học hết lớp ba không chứng minh được điều gì. Quan trọng là tại sao lại có sự đặt người không đúng chỗ đúng việc đến như vậy. Hôm đó, tôi còn biết thêm một chi tiết về tiểu sử đại tá chính uỷ. Ông là em ruột một nhân vật đương nhiệm rất có vai vế trong chính phủ.

Một thời gian ngắn sau lần giảng bài ấy cho chúng tôi, đại tá chính uỷ về hưu. Nhưng tôi còn được gặp ông thêm lần nữa. Một sáng, ô tô đưa chúng tôi đi làm dừng ở cổng đơn vị. Trên ô tô có cả viện trưởng. Viện trưởng được cảnh vệ thông báo, hồi đêm bắt được hai kẻ trộm mang xe cải tiến đến xúc cát của đơn vị. Cảnh vệ đã bắt trói lại, đang giam ở phòng trực ban. Chúng tôi đi cùng viện trưởng vào đó. Ôi trời. Một trong hai người bị bắt là nguyên đại tá chính uỷ của chúng tôi. Người kia là con trai ông. Hoá ra, thấy đơn vị đổ cát để chuẩn bị xây dựng, nguyên đại tá chính uỷ cùng con trai tranh thủ đêm đêm ra xúc trộm, cũng để xây lại nhà. Mấy cậu cảnh vệ mới về đơn vị, không hề biết mặt ông.

Chúng tôi liếc mắt nhìn viện trưởng. Ông bối rối cúi đầu. Cả lũ lặng lẽ rút lui.

          *        *        *

          Thượng uý quân lực bảo: Nào, muốn lấy chồng thì làm hồ sơ đi. Miệng nói, mắt anh ta nhìn như bóc lớp da mặt của tôi. Hồ sơ gì cơ ạ. Tôi ngơ ngác. Còn hồ sơ gì nữa. Khai về mối quan hệ của hai người chứ còn gì. Thượng uý quân lực đưa mắt xuống nhìn chằm chằm vào ngực tôi. Vết sẹo trên mặt anh ta cắt chéo từ đuôi mắt trái xuống giữa má kéo đến sát cánh mũi giật giật, trông giống một tay anh chị sắp vào cuộc đấm đá. Thế này nhé. Đồng chí khai như trong sơ yếu lý lịch ấy. Còn phần tiếp dưới ghi rõ: Đã chính thức đặt vấn đề với nhau từ ngày nào. Đi chơi với nhau bao nhiêu lần. Bắt đầu cầm tay nhau vào ngày nào. Rồi… Sao lại phải khai kỹ thế ạ? Đấy là quy định. Nhưng chúng tôi yêu nhau đã lâu. Lý lịch thì quân đội cũng đã nắm rõ. Đã bảo là quy định thì ai cũng phải theo. Nhất là những người thuộc cấp bậc sĩ quan. Quân lực cần phải nắm bắt rõ sự phát triển về tư tưởng, tình cảm riêng tư của các đồng chí. Điều này góp phần đảm bảo sự trong sạch và lối sống lành mạnh chung của toàn quân ta. Tuyệt đối không để một yếu tố nào làm suy giảm sức chiến đấu của quân đội. Lạ thật. Công việc chuyên môn tôi hoàn thành. Nội quy điều lệnh quân đội tôi không vi phạm. Các hoạt động của đoàn thanh niên tôi tham gia tích cực. Tôi lại được là cảm tình đảng mấy năm rồi. Chuyện chúng tôi yêu nhau gần chục năm nay, bạn cùng cơ quan và bạn học đều biết. Gia đình hai bên cũng đã chính thức gặp gỡ từ lâu. Tức, mọi chuyện đều rất đàng hoàng. Giờ có cần là cần cái giấy giới thiệu của đơn vị, để đi đăng ký kết hôn. Tình cảm riêng tư ư? Trong sạch ư? Lành mạnh ư? Giảm sức chiến đấu ư? Lạ nhỉ? Một thượng uý quân lực sao lại phải biết chính xác chúng tôi bắt đầu “đặt vấn đề” với nhau từ lúc nào. Đi chơi với nhau bao nhiêu lần. Cầm tay nhau mấy cái. Câu thượng uý quân lực đang nói dở, bị tôi cắt ngang, có lẽ là: đã hôn nhau bao nhiêu lần. Thậm chí, đã ngủ với nhau chưa!? Khi nghe tôi thuật lại yêu cầu của thượng uý quân lực, một đứa bạn bảo: Sao không hỏi anh ta, có cần khai cảm giác lúc hôn nhau và ngủ với nhau như thế nào không? Một đứa khác: Quản lý toàn diện, xuyên suốt cả… cái đũng quần của người ta ấy mà!      

          Cũng chẳng phải hỏi gì thêm thượng uý quân lực. Hôm tôi nộp hồ sơ, anh ta tự “diễn” luôn. Tay cầm hồ sơ, mắt thượng uý quân lực chọc thẳng vào mặt tôi. Thế em khai rõ chưa? Anh ta gọi “em”. Chứ không “đồng chí”. Đồng chí cứ đọc đi - tôi trả lời. Anh ta xán lại, đặt tay lên vai tôi. Thế bao giờ “em” định tổ chức. Tôi lùi lại, nói trống không. Cũng chưa định được ngày. Thượng uý quân lực giơ tay vuốt má tôi, sỗ sàng. Da em mịn quá. Không kịp gạt tay anh ta ra, mặt tôi nóng bừng. Đồng chí làm ơn cho xin giấy giới thiệu. Miệng nói, chân tôi quay ngoắt đi. Anh ta chồm tới, choàng hai tay ra trước bụng tôi. Mùi thuốc lào hôi xì hắt vào mũi. Phía dưới anh ta áp sát vào mông tôi, cứng ngắc, ướt rượt. Sẽ có giấy giới thiệu nhanh thôi mà. Tôi thúc mạnh khuỷu tay ra phía sau. Đồ khốn nạn. Có tiếng gõ cửa. Anh ta buông phắt tôi ra. Tôi biến nhanh khỏi phòng quân lực, suýt nôn. Còn kịp nghĩ, quả là lối sống của thượng uý quân lực rất lành mạnh!(?)

                                                          *        *        *

          Sếp phó đơn vị tôi có đôi môi rất dày. Giọng nói miền trong ấm áp của ông đầy sức thuyết phục. Sếp phó là người đa tài. Hát hay. Đàn giỏi. Khi đăng đàn, nhiều người há miệng nghe ông nói. Những người cùng đơn vị bảo, vợ ông rất đẹp. Sếp phó yêu vợ lắm. Hai người trước kia cùng học đại học ở Hungari. Ngồi ô tô trên đường vào đơn vị, ông hay kể chuyện tiếu lâm. Với sự cởi mở, ông tỏ ra hoà đồng và gần gũi cấp dưới. Vì vậy, mỗi khi cần xin chữ ký, chúng tôi đỡ ngại ngùng, e dè hơn. Khi sinh hoạt cùng thanh niên, phong cách sếp phó thật thoải mái. Ông có thói quen hay nói câu: “Tuổi trẻ phải sống thật hồn nhiên, vô tư. Luôn luôn khẳng định lối sống thẳng thắn, trong sạch, lành mạnh. Điều đó sẽ giúp mình tự tin. Sống thẳng thắn, trong sạch, lành mạnh sẽ gia tăng sức chiến đấu của bản thân. Sẽ không bị gục ngã trước mọi cám giỗ, trước những viên đạn bọc đường”. Chúng tôi đặt tên sếp phó là “Hồn Nhiên, Vô Tư”.

          Một ngày, ngay đầu giờ sáng, tôi cần sếp phó ký công văn để đi công tác. Chẳng hiểu sao, cửa phòng sếp phó lại khoá trái. Trên ô tô sáng nay cũng không có ông đi cùng. Tôi quan sát thấy không khí đơn vị có gì là lạ. Lặng lẽ. Mọi người đi lại đều nhẹ nhàng, rón rén. Khi trao đổi với nhau, chẳng ai dám nhìn vào mặt ai. Tôi thắc mắc với cô văn thư. Cô văn thư chỉ lắc đầu. Cuối cùng, một đứa bạn cùng phòng thì thào vào tai tôi. Thì ra, đêm trước sếp phó bị trúng “Viên đạn bọc đường”. Đang “bị thương”, nên khoá trái cửa để nghỉ ngơi. “Viên đạn bọc đường” là cô cấp dưỡng của đơn vị. Chồng của “Viên đạn bọc đường” báo anh ta đi công tác. Đêm bất ngờ quay về, bắt quả tang “Viên đạn bọc đường” đang nằm dưới “Hồn Nhiên, Vô Tư”. Cả hai đều rất “thẳng thắn, trong sạch, lành mạnh” trong y phục của Ađam và Êva. Tôi còn nghe kể. Chồng của “Viên đạn bọc đường” bắt hai người để nguyên y phục đó, ngồi viết bản kiểm điểm nộp cấp trên. Cô bạn kết thúc: Không biết sếp phó đã kịp thưởng thức hết vị ngọt của đường chưa mà đã bị viên đạn bắn gục thế. Buồn thật!

          Thế là hôm đó, tôi chẳng có ai ký công văn để đi công tác. Đành ngồi đọc tài liệu tại phòng. Buổi chiều, ngẫu nhiên tôi đối diện với sếp phó ở khu vực vệ sinh. Cả một ngày trời, nhịn gì, chứ nhịn đi vệ sinh chắc sếp phó không thể. Da mặt sếp xanh lè. Như dân gian hay ví: xanh như đít nhái. Môi dưới như dày hơn, chảy dài xuống cằm, rệu rã. Đột ngột, tôi đưa tay quệt má. Cảm giác như chính mình có vết nhọ.

                                                *        *        *

          Bí thư chi bộ gọi tôi lên hỏi. Đồng chí là cảm tình mấy năm rồi nhỉ? Báo cáo, khoảng năm năm. Bí thư lim dim đôi mắt ti hí, hít một hơi thuốc, ngửa mặt lên trần nhà, nhấn nhá thả khói. Khuôn mặt tròn như quả bí ngô, bóng nhẫy thoả mãn. Năm năm à? Thế đồng chí đã tự thấy mình đủ tiêu chuẩn để đứng vào hàng ngũ những người cộng sản chưa? Sao cơ ạ? Tôi buột miệng hỏi. Thầm nghĩ. Công việc bao giờ tôi cũng hoàn thành tốt. Không có mâu thuẫn với ai. Không tranh giành quyền lợi. Tuân thủ đầy đủ nội quy điều lệnh quân đội. Những hoạt động ngoại khoá tích cực tham gia… Nghĩa là, chẳng thật xuất sắc thì cũng không vi phạm điều gì. Ở vị trí công tác hiện tại, muốn đòi hỏi tôi phải có một hành động thật tiêu biểu, như hy sinh tính mạng, sức khoẻ… giống anh trai, chị gái tôi, cũng khó! Vậy, tôi thiếu tiêu chuẩn gì nhỉ? Bí thư chi bộ đã gọi tôi lên gặp nhiều lần rồi. Lần nào cũng hỏi tôi những câu tương tự. Không có những ý kiến góp ý cụ thể cho cá nhân tôi. Mỗi lần gặp bí thư, tôi cộng thêm thời gian. Báo cáo, khoảng ba năm. Khoảng ba năm rưỡi. Khoảng bốn năm. Khoảng bốn năm rưỡi… Lần nào bí thư chi bộ cũng bảo. Đồng chí cần phải phấn đấu nhiều vào. Phấn đấu hơn nữa. Lần nào tôi cũng: Báo cáo, vâng. Nhưng phấn đấu nhiều vào. Phấn đấu hơn nữa là như thế nào. Chính tôi cũng không biết. Lần nào bí thư cũng đứng lên rót nước. Lần nào bí thư cũng đi vòng ra sau lưng tôi. Lần nào bí thư cũng ghé sát xuống lưng tôi. Lần nào bí thư cũng ghé mặt sát má tôi. Lần này… Bí thư đứng dậy khỏi bàn, đi ra khép cửa lại. Cái mặt tròn như quả bí ngô, bóng nhẫy ập nhanh xuống đỉnh đầu tôi. Ôi, mái tóc em dày mượt quá. Giọng bí thư ư ử. Hai tay bóp mạnh hai đầu vai tôi. Bị bất ngờ, tôi đứng phắt dậy. Đầu tôi đập mạnh vào cằm bí thư. Cú đau điếng người làm bí thư mất tỉnh táo. Một tay xoa cằm. Một tay ôm choàng lấy tôi. Ngoan nào. Biết điều, anh làm thủ tục kết nạp nhanh. Hiểu chưa?

          Tôi hất mạnh tay bí thư. Lớp mồ hôi nhẫy mỡ trên khuôn mặt tròn như quả bí ngô dính chặt vào tay tôi sau một cái tát, rờn rợn. Về đến phòng làm việc, tay chân tôi vẫn run bắn. Đứa bạn cùng phòng hỏi. Mày bị cảm à? Sao mặt tái xám thế? Tôi gục xuống bàn. Lắc đầu. Giờ thì tôi hiểu rồi. Phấn đấu nhiều vào. Phấn đấu hơn nữa. Phải phấn đấu theo kiểu bí thư chi bộ dạy bảo… Như thế, tôi sẽ được làm thủ tục kết nạp nhanh… Nếu muốn…

          Tôi không dám kể với mẹ những chuyện về thượng uý quân lực. Về sếp phó. Về bí thư chi bộ. Bà là người vợ, người mẹ mẫu mực. Bà tiễn tôi nhập ngũ với niềm tin tuyệt đối về một môi trường trong sạch và không có thói hư tật xấu. Đó là quân đội. Tôi không muốn để mẹ mất niềm tin vào bất kể điều gì. Tội nghiệp bà. Cho đến lúc nhắm mắt, mẹ tôi vẫn mang theo niềm tin đó!

                                                *        *        *

          Thượng uý quân lực bảo. Đồng chí đã nghỉ trước sinh một tháng rồi. Giờ tiêu chuẩn chỉ còn một tháng thôi. Tôi bảo. Công việc giao, tôi xin cố hoàn thành theo yêu cầu. Con tôi còn bé quá. Mong được nghỉ thêm nửa tháng. Không lương cũng được. Để cháu cứng cáp hơn một chút. Thượng uý quân lực lạnh lùng. Không thể linh động được. Đấy là quy định rồi. Tôi nài nỉ. Con tôi bé quá. Ăn nước cháo loãng không đảm bảo. Sữa tôi lại nhiều. Đi cả ngày phải vắt đổ đi. Khổ thân cháu. Mong được thông cảm. Thượng uý quân lực căng giọng. Đã là quân nhân, phải chấp hành quy định của quân đội. Vết sẹo giật giật. Hai mắt cắm chặt vào hai vạt áo sũng sữa của tôi. Tôi bước ra khỏi phòng quân lực. Vệt nước chát đắng từ má chảy vào miệng. Tia nhìn hằn học, diễu cợt bám sau lưng.

          Bản năng làm mẹ đã đánh bật khỏi tôi những khát khao cống hiến. Trước mắt tôi chỉ nhìn thấy đứa con gái đỏ hỏn khát sữa mẹ. Đứa con gái bé bỏng sinh ra nặng hai cân sáu. Nó là kết quả của những bữa cơm gạo hẩm. Những bữa cơm không thịt. Không cá. Không sữa. Không bơ. Những bữa nhai sắn khoai thay cơm gạo hẩm. Của những tháng ngày ốm nghén vật vã, thiếu đói dinh dưỡng triền miên. Trước mắt tôi chỉ nhìn thấy núm ruột của mình bé xẹo chỏng chơ, giãy dụa một mình, khóc đến hụt hơi trong chiếc cũi gỗ cứng đơ sũng sịu cứt đái. Trước mắt tôi chỉ nhìn thấy những cô bảo mẫu vô cảm vô tâm đang ngồi tán gẫu. Đau buốt trong tôi là bầu vú căng tràn dàn dụa sữa chảy ướt đầm hai vạt áo trước. Là những tia sữa ngọt ngào đặc sánh. Là những giọt nước mắt mặn chát. Là dòng nước cống đen ngòm hôi thối. Sữa, nước mắt, nước cống. Cả ba hoà vào làm một, bẩn thỉu và tàn nhẫn, cứa nát từng khúc ruột, chà xát tái tê khắp làn da của người mẹ, là tôi. Trước mắt tôi chỉ nhìn thấy cái miệng bé xíu của con gái chóp chép, nuốt từng thìa nước cháo loãng từ đôi tay gầy guộc run run của bà ngoại.

          Còn nữa, trước mắt tôi nhìn thấy lại, cả tiểu đoàn cấm trại chỉ ba đứa có tết. Cả tiểu đoàn nín lặng chứng kiến cuộc gặp mặt hồ hởi, rộn rã, chầm bập của ba “đồng chí” với ba chiếc ô tô con sang trọng nghênh ngang. Tôi cũng nhìn thấy lại, đại tá chính uỷ với cái mỏ diều hâu mở ra đóng vào như đớp mồi. Nụ cười ngây ngô. Ngơ ngẩn. Người đàn ông với cái mỏ diều hâu ngồi bệt dưới đất, nét mặt ê chề, hai tay quặt ra phía sau, bị trói cùng với một cặp tay khác. Còn nữa, thượng uý quân lực với vết sẹo trên mặt cắt chéo từ đuôi mắt trái xuống giữa má kéo đến sát cánh mũi, luôn giật giật khi bị kích động. Mùi thuốc lào hôi xì cùng cảm giác đụng chạm cứng ngắc ướt rượt bám riết lấy tôi. Còn nữa, tôi thấy sếp phó “Hồn Nhiên Vô Tư”, bị trúng “Viên đạn bọc đường”, có sắc mặt xanh như đít nhái, môi dưới dày chảy dài xuống cằm, rệu rã. Cả bí thư chi bộ với khuôn mặt tròn như quả bí ngô bóng nhẫy, đôi mắt ti hí lẩn sau làn khói thuốc nhấn nhá thả lên trần nhà, buông giọng ư ử khen tóc tôi dày mượt…

Khi kết thúc khoá huấn luyện quân sự, sau mấy tháng lăn lê bò toài dãi nắng dầm mưa, thiếu ăn đói uống, tôi nghĩ mình có thể sống được ở bất cứ nơi nào khó khăn gian khổ nhất. Đúng là như vậy. Nhưng với con gái bé xíu đỏ hỏn của tôi, thì không thể!

Tôi nhếch mép cười. Xa quá rồi. Xa tít mù cái khát khao ấy. Mẹ đói ăn. Con khát sữa. Mẹ thiếu dinh dưỡng. Con quắt queo còi cọc. Lấy sức đâu để khát khao cống hiến. Lấy sức đâu để phấn đấu nhiều vào. Phấn đấu hơn nữa. Giọt máu nhỏ nhoi, mỏng manh, yếu ớt của chính mình mà tôi không thể giang tay ôm ấp chở che, huống mong làm những điều to tát cho thiên hạ rộng lớn? Còn niềm tin? Còn sự ngưỡng mộ những lãnh đạo, những chỉ huy, những đảng viên trong đơn vị? Tôi đã bị đánh cắp! Giấc mơ trước kia về những công trường xây dựng rộng lớn. Tiếng búa máy thình thịch. Tiếng ì ầm của những đoàn xe tải chạy nối đuôi nhau. Những toà nhà cao ngất trời chen chúc mọc lên như nấm sau mưa. Những công viên, những sân vận động, những cung văn hoá… nguy nga, to đẹp được xây dựng trên khắp đất nước… tôi đã gói kín lại làm kỷ niệm. Kỷ niệm của một thời… Lâu quá rồi…

          Thế là, tôi đặt bút làm đơn xin ra khỏi quân đội. Cha tôi biết chuyện. Vẫn im lặng. Mẹ tôi biết chuyện. Chỉ lắc đầu khó hiểu.

          Thế là, cuộc đời tôi lật sang trang khác!

                                      ------------------------------------

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét