Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

GÃ SI TÌNH BẤT TỬ(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm           

 Vậy là gã được lưu danh sử sách. Lưu danh cho muôn đời sau. Sướng thật. Sướng quá đi chứ. Ai cũng một lần chết. Chết như gã, đáng để chết lắm. Người ta bảo, cuộc sống chỉ là đoạn đời gửi gắm. Đã gửi gắm thì thật tạm bợ, ngắn ngủi, chông chênh... Còn để được vĩnh cửu phải đến khi thác về cơ. Mà khi thác đi, vẫn để lại được tiếng tăm trên dương cõi thì sự vĩnh cửu càng đáng giá ngàn vàng. Cái chết của gã, ra chết!
Hai cây bạch đàn thì thầm với nhau như vậy, sau khi nghe gã nằm dưới mộ kể lại cuộc ra đi về cõi vĩnh hằng của mình. Chúng vừa được người ta đưa đến nghĩa trang này hôm qua. Thời gian trước đây, chúng còn ở cùng với lũ bạn tại một vườn ươm bạch đàn. Ở đó, bạn bè của chúng đông lắm. Có tới vài chục ngàn đứa. Chúng được đánh số để người ta dễ dàng quản lý và khai thác sử dụng. Mỗi lần, để phục vụ cho mục đích gì đó cần đến sự có mặt của chúng, người quản lý lại dóng lên những con số - tên của từng đứa, để đưa đi. Khi chia tay, cả lũ hay khóc lắm. Quanh năm chúng xum vầy thân thiết với nhau, tự dưng người ta cứ tỉa dần chúng đi. Nên chúng đau lòng. Càng đau lòng hơn nữa vì biết chẳng thể chống lại. Chúng hiểu, cuộc sống của chúng phụ thuộc vào những thế lực mạnh... Hôm chia tay lũ bạn, hai cây bạch đàn khóc đỏ cả mắt. Chúng lăn lộn, nghiêng ngả trên thùng chiếc ô tô tải đang lăn bánh, khắc khoải nhìn lại lần cuối, nơi chúng được sinh ra và lớn lên cùng bao bạn hữu. Chúng cũng đã cố đưa mắt ghi lại hình ảnh những người đã ươm hạt và sinh ra chúng. Ôi, những bà mẹ trẻ với đôi bàn tay chai sạn nhưng rất đỗi dịu dàng, ấm áp. Thế là từ nay, chúng con rơi vào cuộc ly biệt vĩnh viễn với các Mẹ. Ngàn lần xin các Mẹ tha thứ cho sự bất hiếu vô cùng này!

Đến lúc bình tâm trở lại, hai cây bạch đàn lau nước mắt, mới thấy đang đứng giữa một nghĩa trang đầy mộ chí. May quá, hai đứa vẫn được ở cùng nhau, đặt bên một ngôi mộ mới được sửa sang, trông tinh tươm lắm. Chờ cho những người dự lễ trồng cây ra về hết, chúng bắt đầu tìm hiểu nơi định cư mới. Còn đang quay dọc ngó ngang, bất ngờ cả hai nghe thấy tiếng nói lẫn trong tiếng gió vi vu: "Xin chào. Thế là tớ có bạn để ngày đêm trò chuyện rồi". Hai cây bạch đàn sửng sốt, chưa kịp phản ứng, thì thấy trước mắt khi ẩn, khi hiện một khuôn mặt trẻ, đẹp trai, đang mỉm cười thân thiện. Cả hai cùng thở phào nhẹ nhõm. Cây bạch đàn cao nói: "May quá, tưởng dưới mộ là cụ già khó tính, chứ anh trai này thì ô kê quá, sàn sàn tuổi nên sẽ nhanh chóng hiểu nhau thôi". Hình bóng mờ tỏ của gã trai cười hiền: "Các cậu còn kém xa tuổi tớ. Nếu còn sống, tớ năm nay cũng có mặt trên trái đất hơn nửa thế kỷ rồi". Cây bạch đàn thấp ồ lên: "Thế cơ à. Đúng là người ta nói: Những người chết còn trẻ mãi". Cây bạch đàn cao tò mò: "Vậy, cớ sao anh trai lại giã từ dương gian sớm thế. Em thấy, cuộc đời thật tuyệt! ". "Sao u? Có một thời, đất nước lâm nguy. Bom đạn thù cày xéo mọi miền Tổ quốc. Trai tráng từng đoàn, từng đoàn quân kéo nhau ra trận, nguyện chiến đấu đến giọt máu cuối cùng bảo vệ sự trọn vẹn của non sông gấm vóc. Tớ cũng như bao chàng trai ấy, đã xếp bút nghiên, khoác ba lô lên đường ra mặt trận". Cây bạch đàn cao ngắt lời: "Giọng anh trai nghe hấp dẫn quá. Nhưng, anh nói từ từ thôi, để chúng em kịp hiểu. Thế mọi thanh niên đều phải ra trận hay sao?". "Chỉ một số học sinh thuộc thành phần cơ bản, được bố trí đi học xa, để sau này về xây dựng đất nước. Còn lại, hầu hết phải tham gia cuộc chiến. Không chỉ nam giới, mà nhiều thiếu nữ cũng xung phong ra chiến trường, đối mặt với đạn bom". Cây bạch đàn thấp nhăn mặt: "Eo ơi, nghe khủng khiếp quá". "Khủng khiếp cái gì. Có im đi mà nghe anh trai kể không". Cây bạch đàn cao gắt lên, rồi hỏi tiếp gã trai: "Em không hiểu. Thành phần cơ bản là gì hả anh". "Đó là con cái những người công nhân, nông dân, cán bộ cách mạng... Họ được ưu tiên không phải đi chiến đấu. Họ được gửi đến nơi thật xa chiến trường, yên bình lắm. Sau này, họ sẽ là đội quân chủ lực xây dựng đất nước khi hết chiến tranh". "Vậy, các anh - những người ra trận đối đầu với hiểm nguy, tạo tiền đề độc lập đất nước cho họ xây dựng, đúng không? ". Cây bạch đàn cao gật gù nói ra vẻ hiểu biết. "Nói thế cũng đúng một phần. Mỗi người phải xác định vị trí của mình khi đất nước lâm nguy". "Thế anh không học giỏi à? Không phải là con cái thành phần cơ bản à?" - cây bạch đàn thấp chen vào. Gã trai cười buồn, thoáng nhớ trong đầu về cái thành phần tiểu chủ mà cha mẹ gã bị quy chụp những năm năm mươi thế kỷ hai mươi. Còn học giỏi ư? Gã chỉ cần ôn tập chưa đầy một tuần mà thi đỗ thủ khoa một trường đại học có tiếng của miền Bắc lúc bấy giờ. Vậy, như thế là học giỏi hay học dốt đây? Nhưng, cái danh hiệu thủ khoa đã chẳng giúp gì được cho gã, khi mà cái thành phần tiểu chủ của cha mẹ đã hằn sâu từng trang lý lịch cuộc đời gã lúc bấy giờ. Thế là, cuộc chiến cuốn gã đi ngược chiều với con đường mà đáng ra, một thủ khoa xuất sắc sẽ ngẩng cao đầu tiến bước trên đó. Nếu gã được đi xuôi chiều con đường ấy, biết đâu giờ đây đất nước đã có thêm một nhà khoa học vật lý nguyên tử lẫy lừng, hoặc một chuyên gia tiếng tăm đầu ngành về kinh tế!(?) Gã mỉm cười đau khổ, một nụ cười méo mó. Thấy vậy, hai cây bạch đàn lại cho là ngọn gió vừa thổi qua làm biến dạng khuôn mặt điển trai của gã.
"Các cậu khơi lại làm gì những chuyện đó. Dù sao thì tớ cũng đã ra trận. Tớ biết, khi đó với tớ không còn con đường nào khác. Có thế giờ chúng ta mới được dịp gần gũi nhau thế này chứ...". Hai cây bạch đàn lắc đầu khó hiểu. "Mà thôi, ta nói chuyện khác đi. Tớ sẽ kể cho các cậu nghe về một cô gái". Cây bạch đàn thấp lau chau: "Người yêu anh à?". Cây bạch đàn cao lườm cây bạch đàn thấp, cau có: "Đừng có mà ngắt lời anh ấy. Chỉ được cái nhanh nhẩu đoảng". "Không sao, kệ cho cậu ấy hỏi. Về cô ấy, gọi thế cũng được...”.
                                                *          *          *
Gã gặp nàng chưa đầy một tháng trước khi ra trận. Nàng mảnh mai bé nhỏ. Nàng có khuôn mặt của Đức mẹ đồng trinh. Đôi mắt nàng là cả một kho tàng bí ẩn. Cái nụ cười mỉm hút hồn những ai chót dại ngó nhìn. Tóc nàng dài đến gần khuỷu chân, tết thành hai đuôi sam liên tục đung đưa, tung tẩy mỗi khi nàng dạo gót nhẹ nhàng trên hè phố. Tất cả những hình ảnh đó của nàng, gã đã gắn chặt vào con tim non nớt của tuổi hai mươi, làm hành trang mang theo ra trận. Lần cuối cùng hai người gặp nhau là một đêm thu đầy hương hoa sữa. Thứ hoa đặc trưng, luôn đi vào nỗi nhớ dai dẳng triền miên của người Hà Nội khi xa xứ.
"Eo ơi, người yêu của anh trai đẹp thế. Ít nhất cũng phải là hoa hậu Việt Nam anh nhỉ?" - Cây bạch đàn thấp xuýt xoa. Gã phì cười: "Hồi đó chiến tranh khốc liệt lắm. Chưa có chuyện tổ chức thi hoa hậu như những năm gần đây đâu. Nhưng với tớ, nàng là người con gái hoàn mỹ nhất!". Cây bạch đàn cao tư lự: "Sau khi chia tay ra trận, chắc anh nhớ chị ấy nhiều lắm". Hình bóng gã trai tự nhiên chìm đi, lẫn trong đám khói hương đang quấn quýt lan toả quanh mộ và cả nghĩa trang. Khói nhiều thật, khói mù mịt khắp cả nghĩa trang. Khiếp quá, quanh năm nơi đây lạnh lẽo, cỏ dại mọc đầy. Thậm chí có những ngôi mộ hầu như chẳng có ai hương khói cả ngày tuần. Đột nhiên, những ngày này người ta kéo nhau đến ùn ùn. Nào là rẫy cỏ, nào là đắp đất, nào là thắp hương cả nắm to tướng. Có nhiều người còn sụt sùi khóc. Gã trai mấy hôm nay bị đánh thức liên miên. Những người thân đến với gã thì đã đành. Nhưng hai hôm nay có nhiều đoàn đông lắm, toàn những người lạ hoắc lạ huơ, đến khấn khấn vái vái trên mộ của gã. Hôm qua, lại có ông to béo, cao ơi là cao, tóc hói quá cả đỉnh đầu, tự tay trồng hai cây bạch đàn hai bên mộ cho gã. Mấy chục năm qua cô quạnh, nay ước muốn có cây bạch đàn để trò chuyện của gã mới thành sự thực. Sao giờ họ lại sực nhớ đến gã nhỉ? Nhưng thôi, dù muộn vẫn còn là may. So với nhiều đồng đội đã ngã xuống, gã may mắn thực sự. Được trở về quê hương. Nay, ngoài gia đình, lại có nhiều người khác, nhiều lắm, nhắc đến tên gã.
 “Sao thế anh trai? Sao anh im lặng? Anh nhớ chị ấy à?” - cây bạch đàn cao nhắc lại câu hỏi. Gã trai giật mình, vội đưa tay lau hai hàng nước mắt nhạt nhòa chan chứa trên má. Đàn ông nhớ người yêu ai lại khóc. Xấu hổ quá. Nhưng gã lo xa đấy thôi. Khói hương dày đặc che khuất, hai cây bạch đàn không nhìn thấy đâu. “Điều đó thì khỏi phải nói. Tớ nhớ nàng nhiều lắm. Ngày đêm tớ nhớ nàng. Hành quân, nhớ. Lăn lộn tập trên thao trường, nhớ. Dọn vệ sinh nơi xóm đóng quân, nhớ. Tắm cho lũ trẻ con của chị chủ nhà cho ở nhờ, nhớ. Ăn, nhớ. Ngủ, nhớ… Tóm lại, lúc nào hình bóng yêu kiều của nàng cũng luẩn quẩn tâm trí tớ. “Trời ơi, thế thì tình yêu của anh với nàng mãnh liệt quá!” - cây bạch đàn thấp thán phục. “Đúng vậy. Các cậu có biết, lần cuối cùng được đi ngang qua Hà Nội, tớ chỉ ước ao nhìn thấy nàng lần cuối. Hành quân trên một đoàn tàu không số ra mặt trận, cả tiểu đoàn tớ nhao nhao thò tay ra cửa tàu vẫy vẫy những người đi đường. Chẳng hiểu sao, trước mắt tớ chỉ thấy khuôn mặt nàng loáng thoáng, ẩn hiện giữa đám đông đứng dưới đường. Mặc dầu lúc đó tớ biết, nàng đã ở xa tớ hàng ngàn cây số”. Cây bạch đàn cao tò mò: “Thế cơ à? Thế người yêu anh đi đâu? Di tản à?”. Gã trai cười phá lên, cười ngặt cười nghẽo vì sự vô chính trị rất vô tư của cây bạch đàn cao. “Lúc đó chưa có từ “di tản”. Đối tượng di tản sau năm một chín bảy lăm mới xuất hiện. Đó là những người ra đi vì mục đích cá nhân. Họ không thiết tha với Tổ quốc nữa. Còn nàng, chính là học sinh thuộc thành phần cơ bản mà tớ đã kể với các cậu lúc nãy đấy. Nàng cũng được chọn đi học ở xa. Để sau này về xây dựng Tổ quốc”. “Ồ, thế thì người yêu anh học giỏi lắm nhỉ?”. Cây bạch đàn cao hỏi tiếp. “Ừ, nàng học giỏi. Xinh đẹp. Thật là một con người hoàn hảo. Thời gian đầu nàng xa Tổ quốc, đôi lần tớ cũng nhận được tin của nàng. Nhưng thật buồn…”. “Sao hả anh?” - cây bạch đàn thấp ngắt lời, ngay lúc đó nó được nhận luôn cái nguýt dài của cây bạch đàn cao: “Cái đồ lắm mồm. Đang đến đoạn hay lại cứ chen vào…”. Gã trai dàn hòa với giọng cười hiền: “Không sao. Chúng ta còn ở với nhau dài dài mà. Cứ bình tĩnh. Thế rồi…”. Gã trai im lặng. Dường như gã đang cố nén nỗi đau luôn tìm cách ngấu nghiến trái tim tuổi hai mươi non nớt của gã. Rồi gã tiếp tục nói, giọng trầm hẳn xuống: “Nhưng thật buồn vì… nàng đã không dùng cái sự hoàn hảo ấy của mình để phục vụ cho Tổ quốc. Sau khi ra trường, nàng nhập quốc tịch ở một nước xa lắc xa lơ, cách Việt Nam đến nửa quả địa cầu. Nàng đã hiến dâng sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của mình không phải cho một chàng trai Việt da vàng mũi tẹt. Mà nàng hiến nó cho một người đàn ông to lớn, có mái tóc màu hạt dẻ, mũi cao, mắt xanh biếc. Nàng cũng sử dụng những kiến thức khoa học tiếp thu được để lập nghiệp trên đất nước xa xôi ấy. Tóm lại, đất nước đã mất đi cả sắc đẹp lẫn tài năng của nàng!”. “Ơ, thế hóa ra đất nước bị “thất thoát” khi cho người yêu anh đi học ở xa à? Đáng ra chị ấy phải quay về để xây dựng đất nước chứ. Vậy là, chúng ta mất cả chì lẫn chài rồi” - cây bạch đàn cao thắc mắc. “Thì đúng là thế. Nhưng thực ra, đó là quan niệm cũ, xưa rồi. Thậm chí, dư luận hồi ấy có thể còn đánh giá hành động của nàng là quay lưng với Tổ quốc. Nhưng giai đoạn này thì cách nghĩ chung của xã hội cũng cởi mở hơn nhiều. Anh có thể ở bất cứ đâu trên thế giới, nhưng nếu anh có những việc làm tích cực cho Tổ quốc cũng có thể được coi là yêu nước. Đấy, như những đối tượng ra đi những năm bảy lăm thế kỷ trước chẳng hạn, mà ban nãy các cậu bảo là di tản đấy. Giờ họ về thăm đất nước, đóng góp cho Tổ quốc bằng tiền bạc, hay sức lực, thì cũng được trân trọng và coi đó là những người yêu nước… Tuy nhiên, đối với riêng tớ, sự ra đi của nàng thật là nỗi đau khó nói!”. Cây bạch đàn thấp gật gù: “Anh trai quả là một người chung tình ghê gớm”. “Cậu nói chỉ đúng một phần. Phải, tớ yêu nàng lắm. Nhưng, với nàng tớ còn có nỗi đau khác nữa, các cậu có biết vì sao không?”. Hai cây bạch đàn lắc đầu, nhún vai khó hiểu. Gã trai trầm ngâm một chút, rồi nói: “Giai đoạn đó, tớ nghĩ và viết về nàng nhiều thật. Đến mấy trăm trang giấy. Trên những chặng đường hành quân ra trận, dừng chân ở đâu, chỗ nào, cứ hạ ba lô xuống là tớ lấy cuốn sổ ra viết. Lúc nào tớ cũng chỉ muốn nói chuyện với nàng trên những trang giấy trắng. Nhưng chỉ để cho riêng nàng thôi. Vậy mà, bao điều gan ruột tớ viết riêng cho nàng, giờ nàng đem ra công bố. Để làm gì nhỉ? Sao tự nhiên lại xới xáo lên những chuyện từ mấy chục năm trước”. “Anh buồn cười thật. Sao anh lại bảo là tự nhiên. Chẳng có gì là tự nhiên hết anh ạ. Anh thử cố nghĩ thêm một chút đi” - cây bạch đàn cao ra vẻ hiểu biết, tủm tỉm cười, ngó vào khuôn mặt đăm chiêu của gã trai. Đôi mắt của anh trai đẹp quá. Thẳng thắn quá. Ngây thơ quá. Đúng là ánh mắt của cả một thế hệ sống vô tư, hồn nhiên, trong sáng, quên mình vì lý tưởng độc lập tự do của Tổ quốc. “Cậu bảo sao? Bao nhiêu năm qua, tớ vẫn là tớ. Năm nay. Những ngày này. Với tớ, có khác gì bao ngày tháng của những năm trước đây?”. Cây bạch đàn thấp cũng cười theo cây bạch đàn cao. Có lẽ, nó hiểu được điều bạn nó định nói: “Đúng là anh trai ngây thơ thật đấy. Sao anh không nghĩ, việc công bố những điều riêng tư của anh trai và chị ấy, nhất là những điều anh trai tâm sự, gắn với một giai đoạn hừng hực khí thế thật hào hùng của cả nước, thì không những tên tuổi của anh mà cả của chị ấy, sẽ được lưu danh mãi mãi”. “Ôi trời ơi. Có thế mà tớ cũng không nghĩ ra. Nhưng… tớ thấy cũng chẳng để làm gì. Thực ra, thế hệ chúng tớ, hàng triệu, hàng triệu thanh niên đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, có ai nghĩ đến một ngày nào đó sẽ được lưu danh cùng thiên hạ!”. “Anh không nghĩ, nhưng người khác - những người đang sống nghĩ! Thực tế đã rõ rành rành như vậy, mà anh còn… ngây thơ quá!” - cây bạch đàn cao cất giọng gay gắt. Nó nói tiếp: “Em chẳng thể tin, những năm qua cuộc sống hối hả, bộn bề như thế, mà người ta vẫn khắc khoải, canh cánh với những điều anh tâm sự từ nhiều nhiều năm trước. Đồng ý đó là những kỷ niệm đẹp. Vô cùng đẹp là đằng khác. Nhưng những điều riêng tư, thầm kín, theo em chỉ thiêng liêng, khi được nhắc đến một cách đúng mực, nhẹ nhàng và tế nhị… Đằng này…”. Cây bạch đàn thấp cắt lời bạn: “Đúng thật anh ạ. Lần đầu tiên, em nghe một cô gái giọng nhỏ nhẹ, đọc một đoạn văn hay lắm, của một người con trai viết về người con gái của lòng mình, nghe cảm động lắm. Nước mắt em cứ ròng ròng chảy. Em có biết là của ai đâu. Vừa qua, dư luận xã hội thấy cứ rầm rĩ cả lên về một cuốn nhật ký. Hoá ra, cuốn đó là của anh trai. Và, đoạn văn em nghe được là ở trong ấy. Em nói thật nhé, giờ nghe lại đoạn văn đó, em chẳng còn rung động mấy nữa đâu”. “Thật lòng, tớ cũng có nghĩ rằng, cuộc sống sẽ có những ngày như vừa qua đâu. Cả việc cái ông to béo đưa các cậu về đây làm bạn với tớ nữa. Nghe ông ấy bảo, trước là đồng đội cũ của tớ nữa cơ. Thế mà tớ tệ quá, chẳng hề nhớ gì cả. Ngẫm kỹ, thấy là họ quý tớ  thật đấy chứ”. Cây bạch đàn cao trề môi, dài giọng: “Quý gì mà quý! Thế sao mấy chục năm qua, chưa có một lần ông ấy đến thắp hương cho anh. Giờ thì, khi báo chí rộn cả lên, ông ấy mới…”. Cây bạch đàn thấp chen ngang: “Lại nghe nói, mấy ông nào đó, cũng nhận là đồng đội cũ của anh, còn xuýt xoa thốt lên: “Giá mà tôi “đi” thay  để anh ấy sống nhỉ?. Xin lỗi nhé, nếu anh trai thử sống đến bây giờ xem. Và, nếu anh hiện đang cùng đơn vị công tác của ông ta xem…”. “Ôi trời ơi, các cậu nói gì mà khó hiểu thế! Thoang thoáng thôi các cậu ạ. Đừng khắt khe quá”. “Dù sao em cũng thấy bức bối lắm, khi chứng kiến những điều tai nghe mắt thấy thời gian vừa qua. Anh trai ra trận. Anh trai chết đi. Thôi thì, cũng là sự cống hiến cho Tổ quốc. Còn họ, cũng ra trận, lại may mắn được sống. Đó là số phận của từng người. Nhưng, họ đừng có “Giá mà…” này nọ nữa, nghe chối tai lắm…” - cây bạch đàn cao ngúc ngoắc cái cổ, như muốn đẩy bật những điều đã tai nghe mắt thấy ra khỏi đầu. Cây bạch đàn thấp đột ngột hỏi tiếp: “À, anh trai ơi. Tình cảm của chị ấy đối với anh như thế nào? Từ nãy chỉ nghe thấy anh nói về cái trái tim cuồng nhiệt nóng hôi hổi của anh thôi”. Gã trai trầm ngâm: “Thật ra, tớ và nàng quen nhau chưa đầy tháng trước khi ra trận. Sự gần gũi nhất có được của hai người là đêm trước hôm lên đường, tớ được nắm đôi bàn tay nhỏ bé và mềm mại của nàng. Chấm hết. Sau đó, khi nàng vào nhà rồi, tớ dựa gốc cây hoa sữa đầu phố, gần nhà nàng, đứng nhìn lên cửa sổ buồng nàng đến quá nửa đêm, rồi lủi thủi ra về…”. Cây bạch đàn thấp thốt lên: “Trời ơi, tội nghiệp anh trai quá! Mới thế mà anh trai đã, ngày quên ăn, đêm quên ngủ vì nàng…”. “Sao các cậu lại so kè như vậy. Tình yêu là sự dâng hiến. Chứ nếu so kè như thế, còn đâu gọi là tình yêu nữa”. Cây bạch đàn cao xuýt xoa: “Thế thì trái tim anh trai bao la thật đấy. Còn chúng em thì, tình yêu duy nhất chỉ biết dành cho những người mẹ của chúng em thôi. Những người đã ươm hạt, gieo trồng, chăm sóc chúng em lớn lên. Ôi, công lao của các mẹ mới to lớn làm sao?”. “Ơ, thế mẹ của anh trai đâu? Sao không thấy anh trai nhắc một lời nào về người đã sinh thành ra mình. Thế anh trai được ai trồng đấy?” - cây bạch đàn thấp đột ngột ngơ ngác hỏi. Câu hỏi bất ngờ của cây bạch đàn thấp làm cho gã trai ngớ ra, im bặt.
                                                *          *          *
Hai cây bạch đàn thấy vậy lắc đầu khó hiểu. Khi thấy gã trai không trả lời, mà lại lặng lẽ ẩn vào chỗ nằm của mình, chúng thì thầm với nhau: Đúng là con người ta sinh ra có số thật. Gã trai si tình này đã may mắn hơn bao nhiêu người nằm xuống nơi chiến trận. Dù chưa lập được chiến công hiển hách nào, nhưng giờ đây với thiên hạ, gã và cuộc tình si mê của gã, chắc chắn là đời đời bất tử rồi!
                                  
-  In trong tập Nốt nhạc trầm, Nxb Hội Nhà văn, 2014 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét