Truyện ngắn Giang Trung Học
Một năm trước đây, đúng vào ngày này
tháng này, gã lại nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Thế là chấm dứt đoạn đời mù loà
cơ cực, gã phải gánh chịu đằng đẵng gần hai mươi năm. Gã xúc động ôm chặt vợ một
bên, con gái một bên. Cô con gái nay đã vào tuổi cập kê, gã mới lần đầu biết mặt.
Gã tự hào thấy nó xinh đẹp vượt trội, chẳng khác gì mẹ nó ngày xưa. Song, niềm
vui vượt trên tất cả là, từ nay gã lại có đôi mắt sáng để cầm bút vẽ. Gã sẽ vẽ
thật nhiều để bù lại cái khoảng thời gian đã mất. Quan trọng hơn là, gã phải vẽ
sao cho có những tác phẩm nổi tiếng để đời - như mong muốn của nhiều người thân
quen. Cả gã cũng mong.
* * *
Tác phẩm để đời thật khó, còn tiếng tăm
một thời thì tên tuổi đã gã từng rộn rã. Rộn rã từ khi đất nước đang sục sôi
đánh giặc cơ. Gã được gọi nhập ngũ vào cái năm học cuối cùng ở trường mỹ thuật.
Để có thể phát huy khả năng hội hoạ, người ta bố trí gã làm những công việc
loong toong tại Ban Chính trị Sư đoàn. Chứ bắt gã cầm súng trực tiếp đánh nhau
thì, xem chừng dễ làm lãng phí một tài năng non trẻ(!) Đáp lại sự quan tâm ưu
ái ấy, gã đã mau chóng cho ra mắt một loạt ký hoạ bút mực bút chì. Gã vẽ những
cảnh luyện tập, lao động của bộ đội. Vẽ về phong trào sản xuất của quần chúng
nhân dân. Vẽ về cảnh đẹp thiên nhiên đất nước. Và, vẽ về chiến tranh… Tranh của
gã được khen là bám sát cuộc sống, có tác dụng thiết thực đối với bộ đội. Thế
nên đơn vị quyết định sắm thêm vài thứ dụng cụ vẽ, nhằm động viên khuyến khích
gã phát huy hơn nữa khả năng mình. Gã lập tức "trình làng" những bức
tranh bột màu trên pano vải cỡ to. Và cũng lập tức, người ta đem treo tác phẩm của
gã tại lối ra vào chính của Sư đoàn bộ, được dư luận hết sức hoan nghênh. Viên
Chính ủy có ý định sẽ cho tổ chức thí điểm một câu lạc bộ mỹ thuật, để rồi sau
đó nhân rộng ra khắp các đơn vị trong Sư đoàn. Rất tiếc rằng, kế hoạch xây dựng
và phát triển hội họa chưa được thực hiện, thì cả đơn vị gã nhận lệnh hành quân
đi chiến trường xa. Ai ai cũng phải hành trang gọn nhẹ, để bảo đảm chiến đấu và
phục vụ chiến đấu tốt nhất. Cho nên, ngoài những trang bị bắt buộc phải mang, gã
chỉ có thể đem thêm cái kẹp ba dây, với xấp giấy trắng và mấy cái bút.
Trên đường hành quân gian nan, cả
trong vòng chiến trận, gã đều miệt mài vẽ, như những anh lính ham ghi nhật ký vậy.
Chỉ nửa năm trời, gã vẽ được gần một trăm bức ký hoạ. Có nhiều bức ở dạng phác
thảo chẳng đâu vào đâu, gã vẫn giữ nó như một vật quý hiếm. Gã nói đùa: Biết
đâu sau này tác phẩm lừng danh của gã nằm trong những phác thảo ấy. Nhiều người
trợn tròn mắt, không hiểu. Gã bảo: "Nghệ thuật mà. Nghệ thuật là thứ vừa dễ
hiểu vừa khó hiểu, vừa thực vừa hư!". Gã liền kể về tác phẩm nổi tiếng của
một danh hoạ cỡ thế giới; nhằm góp vui, và còn để mọi người khỏi nghĩ gã là kẻ
ba hoa khoác lác. Chuyện rằng: Một lần danh hoạ trượt chân ngã, vồ trúng khay
màu. Thế là ông áp luôn bàn tay đầy màu vào tờ giấy. Ngắm kỹ, ông thấy nó đúng
là một bức tranh, liền ký tên mình vào đấy. Sau ngày danh họa qua đời, nó trở
thành tác phẩm được bán với giá cao nhất trong cuộc triển lãm tranh của mấy tác
giả nổi tiếng cùng thời. Nghe gã nói, có anh lính trẻ buông lời: "Vậy xin
anh bạn hãy ký ngay tên mình vào mớ tranh của anh đi. Ăn nhau là ở cái chữ ký ấy...
Thời buổi chiến tranh chớ nên chậm trễ!". Biết mình bị kê kích, gã cười:
"Số tớ còn lâu mới chết!”.
Nhưng chỉ mấy ngày sau gã bị ăn bom. Thương
tích đầy người. Hai hốc mắt bỏng rát. Gã phải mấy lần chuyển trạm điều trị.
Nhưng năng lực của các trạm này chỉ chữa lành được vết thương trên vai trên
mông gã, còn cặp mắt thì đành bó tay. Vậy gã mù hẳn ư? Sống mù khác gì chết. Sống
ăn bám thì thà chết còn hơn. Không! Các thày thuốc khuyên gã bình tâm, kiên trì
chờ đợi. Sớm muộn, nền y học nước nhà sẽ trả lại cho gã đôi mắt tinh tường như
xưa. “Lúc ấy đồng chí tha hồ mà sáng tạo, để có những tác phẩm nghệ thuật lưu
danh muôn đời”. Thoạt đầu, gã còn nghi ngờ. Coi đó chỉ là những lời an ủi nhất
thời. Sau nhiều lần dò hỏi, gã tin tưởng khả năng chữa trị thoát mù là có thể
thực hiện. Nên gã dần dần trấn an được tinh thần, và cảm nhận cặp mắt mình hình
như có chuyển biến tốt hơn.
Một buổi sớm mùa hè, khi mọi người còn
đang trong giấc ngủ, gã lờ mờ nhận ra
bàn tay mình huơ huơ sát mặt. Đúng là mắt gã có được phục hồi chút xíu. Thế
cũng đủ để gã mừng, liền thét toáng lên: "Mọi người ơi!... Các đồng chí ơi!...
Tôi nhìn được rồi!...". Có tiếng hỏi, giọng bực bội: "Thật hay ông
điên đấy? Ông đứng dậy đi thử xem nào?". Đang cơn sung sướng tột độ, gã bật
khỏi giường để chứng minh. Nhưng chỉ đi được mấy bước, gã loạng choạng vập mặt
vào cây cột giữa lán ngủ. Các thày thuốc xác nhận mắt trái gã đã phục hồi với số
đo thị lực bằng hai phần mười. Song không hy vọng sẽ có tiến triển khá hơn nữa,
nếu chừng nào mắt gã chưa được y học can thiệp bằng phương pháp thay giác mạc mới.
Với trình độ y học của các nước phát triển, việc ghép giác mạc dễ như lật bàn
tay. Còn nước ta do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, nên việc này mới đang trong
thời kỳ nghiên cứu.
Gã hỏi vội như cướp lời người thày thuốc đang đối thoại với mình: "Nghiên cứu bao
lâu?". "Bao lâu, ai mà dám khẳng định. Cũng tựa như là thời kỳ quá độ
tiến lên chủ nghĩa xã hội ấy, chẳng ai biết nó dài bao nhiêu năm". Thấy
câu so sánh ví von không có lợi cho tư tưởng bệnh nhân, người thày thuốc định
thanh minh thì gã đã nói: "Dù lâu mau thế nào, tôi vẫn phải đặt hy vọng vào
sự phát triển của nền y học nước nhà". Gã lại nghĩ: Nếu như mắt mình vĩnh
viễn mù thì sao? Liệu có đường thoát nào không? Thoát ra để trở thành người hữu
ích thật là khó. Còn thoát bằng đi tìm cái chết thì dễ ợt. Nhưng nay đã qua cơn
xốc ban đầu, nhất định gã phải tìm kiếm con đường sống hữu ích.
Từ đấy gã không nằm dài thườn thượt suốt
ngày, với bộ mặt đưa ma như trước nữa. Thỉnh thoảng gã còn tưng tửng kể chuyện
cười. Những lúc như thế, mọi người thấy gã rất gần họ. Khi biết anh lính này là
hoạ sĩ, họ càng tỏ ra tiếc nuối cặp mắt gã bị mù.
Thế nhưng gã vẫn đang nuôi hy vọng đeo
đuổi nghề vẽ. Hàng ngày gã hay giở cái túi tranh ra xem. Để nhận biết bức
tranh, gã phải dí sát tận mắt. Có lúc gã lần sờ bức tranh, như thể những đầu
ngón tay ấy cũng có mắt vậy. Gã nghe nói, không ít người mù phát sinh giác quan
đặc biệt tinh tường. Vì thế gã ra sức phát hiện khả năng bản thân. Và rồi gã vẽ.
Trước tiên gã ký hoạ chân dung mình. Một khuôn mặt gầy, trán cao, sống mũi dài,
miệng rộng. Với cặp mắt, trước khi hạ bút gã định vẽ nó mù, cho đúng thực cảnh
hiện tại. Nhưng khi thực hiện, gã thấy cần phải để đôi mắt sáng. Hơn nữa gã còn
vẽ nó mở to hơn thông thường. “Như vậy - gã giải thích - chẳng những tôi đã tái
hiện cặp mắt bản thân, lại còn thể hiện được cả khát vọng của mình, các đồng
chí ạ!”. Nghe nói, ai cũng gật gù, cho dù họ chẳng hiểu cái lý thuyết hội họa từ
gã phát ra. Tuy nhiên, nhìn bức họa thì mọi người đều công nhận
đấy là gã.
Bức ký hoạ thứ hai của gã là người
con gái có khuôn mặt trái xoan, tóc xõa trùm vai. Cặp mắt nàng ngước nhìn, lộ vẻ
chờ trông buồn buồn. Gã bảo: "Vợ mình đấy!". "Cậu vẽ người vợ có
chồng ra trận chống quân thù, sao có thể buồn?". Không phải gã, mà là người
khác lên tiếng: "Thế vui được à? Mẹ tớ khóc suốt từ khi con bà chưa bước
khỏi nhà kia. Là mẹ là vợ, ai chẳng buồn thắt ruột bầm gan, khi con mình chồng
mình phải đối đầu trước cái chết. Nhưng họ vĩ đại là: Sẵn sàng để chồng con ra
trận khi Tổ quốc lâm nguy. Còn những người lính chúng ta, chẳng thằng nào mong
đất nước có chiến tranh để được ra trận. Đương nhiên, đứng trước kẻ thù, chúng
ta đều xác định quyết tâm đánh thắng, thì mới mong có ngày đoàn tụ gia đình.
Nhưng xin đừng nói như ai đó: Cuộc đời đẹp nhất là cầm súng đánh giặc!”.
Lại người khác lên tiếng: "Thôi
thôi, để cho chúng tớ xem tranh!". Rồi họ đối chiếu vợ gã giữa tranh với ảnh,
xem có giống nhau tí nào không. Giống. Quá giống. So với ảnh, trong tranh chỉ
khác ở chỗ ánh mắt và cặp môi không cười. Như thế mới đúng là tranh! Vậy tranh
y như ảnh thì không phải là tranh ư? Nghe họ luận bàn, gã suýt bật cười. Bởi giữa
nơi đạn bom rình rập ngày đêm, lại diễn ra cuộc bàn cãi về quan điểm nghệ thuật.
Ở cái trạm xá quân y này, từ khi anh
lính mù nọ giở ra cái trò vẽ tranh, đâm vui nhộn hẳn lên. Hôm nào cũng có người
nhờ gã vẽ. Vẽ ai gã cũng cố gắng tả đúng đường nét người ấy. Một số trường hợp,
gã chỉ vẽ nét điển hình; thậm chí, đặc tả cả tính cách họ lên tranh. Chẳng hạn,
anh chàng ưa hứng chuyện, gã tặng cho cái tai vừa to vừa dài; anh ba hoa liến
thoắng thì gã vẽ cái vòng miệng há rõ to, và đôi môi dẩu ra... Với những người
lính đến chữa trị tại trạm xá, xem ra ít ai không nhờ gã vẽ. Và, cũng từ những
người lính mà tên tuổi gã mỗi lúc một vang xa theo dấu chân họ trên khắp các ngả
đường đánh giặc. Rằng gã là người lính hoạ sĩ. Hoạ sĩ nghiệp dư. Hoạ sĩ mù. Vậy
mà "Đồng chí ấy đã quyết tâm vượt qua tất cả khó khăn chủ quan khách quan,
để không ngừng cống hiến phần còn lại của bản thân cho công cuộc kháng chiến cứu
nước hôm nay. Đồng chí ấy là tấm gương sáng, đáng để mọi người noi theo!"…
Có một phóng viên chiến trường nghe
kể về gã, khiến anh rất sốt ruột vì chưa tiếp cận được con người đáng kính phục
ấy. Nhưng khi anh tìm đến trạm xá thì, nơi đây vừa hứng một trận oanh kích của
máy bay giặc. Người hoạ sĩ mù - là gã, thêm lần nữa mang thương tích nặng. Thế
nhưng, trước lúc bất tỉnh, gã còn kịp vẽ xong bức tranh bằng máu mình.
Không thể nói chuyện với gã, anh
phóng viên chỉ biết giơ máy ảnh bấm vài kiểu về cái hình hài bất động ấy, cùng
bức tranh bằng máu kia. Anh còn được nghe các thày thuốc kể về tác phẩm “Từ mẫu”,
gã vẽ tặng trạm xá này. Đó là bà mẹ Việt Nam mặc bờ lu, đi chân đất, đang lấy
thân mình che đỡ thương binh giữa đạn bom khói lửa mịt mùng. Bức tranh được
treo tại vị trí trang trọng trong phòng khám bệnh. Vậy mà kỷ vật đó đã bị thiêu
cháy cùng toàn bộ lán trại của trạm xá. “Tuy thế - anh phóng viên nói - các đồng
chí và cả tôi, chẳng có lý do buồn rầu, phải không ạ? Vì kẻ thù không thể giết
chết anh hoạ sĩ trẻ của chúng ta. Rồi đây tôi sẽ viết bài giới thiệu tấm gương
sáng hiếm hoi này!”.
Thế là tên tuổi gã được dịp bùng
lên. Mấy tờ báo lớn và cả đài phát thanh quốc gia, cùng một lúc ca ngợi gã hết
lời. Coi gã là một trong số những hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ, đã tự nguyện
gác bút nghiên để xông ra mặt trận. "Anh không đánh giặc bằng cây súng - lời
bình của báo Quân Giải phóng - mà đánh giặc bằng khả năng nghệ thuật vốn có của
mình. Với mấy trăm bức ký họa của anh, tuy không trực tiếp bắn vào đầu thù như
những viên đạn vút ra từ nòng súng, song nó đã góp phần làm nên sức mạnh tinh
thần cho đồng đội anh quyết chiến quyết thắng. Đặc biệt hơn là, sau khi bị
thương mù cả hai mắt, anh vẫn không ngừng sáng tạo nghệ thuật. Anh cầm bút vẽ
ngay trên giường bệnh, như để tuyên chiến với thương tật và giành giật lấy thời
gian. Tinh thần lao động sáng tạo của anh - qua chuyện kể của đồng đội trên khắp
các nẻo đường - có sức lan toả theo cấp số nhân, có tác dụng thúc đẩy người người
lớp lớp vượt qua trở ngại bản thân và đạp bằng mọi hiểm nguy của chiến tranh ác
liệt, liên tục tiến lên giành thắng lợi này đến thắng lợi khác".
Dưới đây là trích đoạn bài viết trên báo
Tuổi trẻ: "Chúng ta chiến thắng vì chúng ta có sức mạnh của hàng triệu con
người ưu tú như anh, biết đặt lợi ích Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân, sẵn
sàng quên mình vì nghĩa lớn. Trong cuộc chiến ác liệt này, kẻ thù có thể cướp
đi tính mạng anh, song hàng trăm bức tranh của anh sẽ còn sống mãi với thời
gian. Tranh của anh được sáng tạo không chỉ bằng tài năng, trí tuệ, lương tâm,
sức lao động, mà còn bằng cả máu mình".
Sau khi báo chí "lăng xê" đợt
đầu, nhiều đơn vị quân đội và tổ chức đoàn thanh niên ngoài quân đội, đã phát động
một phong trào thi đua mang tên gã. Đương nhiên là, tên tuổi cùng tác phẩm của
gã lại được báo chí tung hô, đề cao vào dịp này. Chỉ riêng bức tranh vẽ bằng
máu đã có mấy bài báo dài ngợi ca gã hết lời. Mà gã không hề kể lể dài dòng gì với
các nhà báo cả. Cũng chẳng có chuyện để mà kể. Gã chỉ biết nhe răng cười, trước
khi trả lời mấy câu ngắn gọn rằng: "Tôi thấy máu mình chảy ròng ròng, đầu
óc thì choáng váng cao độ. Chợt nghĩ mình khó lòng qua khỏi cái chết. Lúc ấy
tôi đang ôm kẹp giấy vẽ, liền dùng ngón tay chấm máu ngoặc mấy nét chơi. Coi đó
là chứng chỉ cuối cùng tôi còn sống trên cõi đời này. Chứ không nghĩ gì
khác". "Thôi được - lời một phóng viên - chúng tôi hiểu rằng khi ấy đồng
chí không đủ sức nghĩ điều gì. Nhưng hành động của đồng chí lại chứa đựng ý
nghĩa hết sức cao siêu. Chúng tôi có trách nhiệm ghi nhận và tôn vinh giá trị
hành động ấy!".
Được đề cao tôn vinh, ai mà chẳng vui chẳng
thích. Tuy thế, bên cạnh niềm vui gã lại thấy lo lo; vì chưa biết rồi đây mình
sẽ phải làm gì, và làm thế nào?
* * *
... Bây giờ thì gã lo thật sự rồi. Đúng
một năm qua gã đã thoát mù. Đúng một năm qua gã vẽ thật nhiều. Hành động đó thể
hiện rằng, gã trước sau nhất mực với nghề hội họa. Nhưng sao tranh của gã cứ bị
chìm đi? Chìm đi ở bất cứ nơi nào gã nhảy vào đọ sức. Cay đắng nhất là sự thất
bại tại hai cuộc dự thi lớn. Cuộc thi ở trung ương, lúc đầu gã cũng mong manh chút hy vọng. Khi biết tin tác phẩm
của mình bị loại, gã có buồn song đã mau chóng lấy lại bình tâm. Hàng nghìn tác
phẩm tranh tài, giải giành cho các thể loại chưa tròn hai chục, gã bị đánh trượt
là chuyện bình thường, chẳng sao. Đến cái lần dự thi do Hội Mỹ thuật thành phố
tổ chức, gã đặt quyết tâm phải ăn giải. Bức tranh sơn dầu, gã hì hục vẽ đến cả tháng
trời. Cẩn thận hơn, gã còn triệu mấy đứa bạn về nhà mình uống rượu ba lần, để họ
góp ý cho tác phẩm thật hoàn hảo. Ai cũng gật gù bảo, lần này dứt khoát ăn đứt
giải, bét ra là cái khuyến khích. Thế mà kết cục vẫn cứ xuông. Gã đâm nghi ngờ về
sự công minh vô tư của ban chấm thi.
Trước nay gã không tin có chuyện mua bán
trong lĩnh vực nghệ thuật. Nghệ thuật luôn luôn cao cả, chứ đâu phải thứ hàng
tôm hàng cá nơi chợ búa, vỉa hè. Hoá ra thiên hạ nói không sai: Thời buổi nay
cái gì cũng có thể mua bán đổi chác được tuốt. Bỗng gã nhớ tới chuyện xưa.
Chính gã bị kềnh môn năng khiếu thi tuyển vào trường mỹ thuật, nên phải “chạy”
mới chót lọt. Ngày ấy bố gã chỉ rỉ tai cấp dưới của mình - đương kim hiệu trưởng
trường mỹ thuật, là xong ngay. Thế tức thị chẳng riêng nay, mà từ xưa đã có cái
sự chạy chọt mắc ngoặc rồi. Có điều, bây giờ chạy chọt không dễ như xưa. Ngoài
dựa quyền dựa thế, anh còn phải thò tiền ra. Có tiền thì những thứ anh cần như
học hàm, học vị, chức sắc, huân chương, giải thưởng... chẳng khó khăn gì. Thậm
chí, anh vốn mù tịt hội họa, thi ca, nếu thích đứng tên tác giả một bức tranh
hay cả tập thơ vẫn xong. Chỉ cần anh chi tiền, sẽ có người bán ngay. Tại cuộc
thi này, giá như gã chịu khó chạy cửa sau… Nhưng lấy tiền đâu để mà chạy. Hằng
ngày, vợ chồng gã và cô con gái không thể treo miệng được. Hay là bổ đi vay?
Vay thì rồi phải trả. Chẳng thể trông chờ vào tiền giải để mà xóa nợ. Tiền giải
may ra chỉ đủ chi vài khoản vặt vãnh là xoẳn. Lấy giải, chẳng qua là để lấy cái
tiếng thôi. Có tiếng thì mới có miếng - tức tiền bạc, địa vị. Vì thế, chỗ nào
cũng xảy tình trạng kèn cựa xô đẩy nhau, để giành giật lấy tiếng, lấy miếng. Chỉ
tiếc rằng, tiếng tăm một thời của gã cách nay đã quá xa. Nó mà đang nóng hổi
lúc này thì gã cầm chắc giải. Rồi từ giật giải, nó tạo cơ may cho gã nhảy vào Ban
chấp hành Hội Mỹ thuật cũng nên. Có chân trong đó sẽ tạo nên Cơ Hội Vàng cho những
bước thăng tiến tiếp sau của đời gã. Và còn vô số cơ may to nhỏ khác. Nhỏ nhặt
như là, cần bán một bức tranh cũng ngon ăn hơn. Vì không có tiếng nên tranh của
gã tiêu thụ quá khó khăn, và đều phải bán với giá bọt bèo. Thế mới biết cái tiếng
nó quan trọng đến nhường nào.
Suy đi ngẫm lại, gã thấy mình thật ngu
lâu. Cứ như mình từ trên trời nhìn xuống, chứ không phải con dân đất nước này. Chỉ
tại gã quá tin vào lời cổ nhân: Hữu xạ tự nhiên hương. Lời dạy đó đúng thôi. Nhưng
nay cái đúng cái hay đang bị lấn át tới mức thảm hại, khiến cho trật tự xã hội
lộn tùng phèo cả lên, thì sự ngồi im trông chờ công lý đem lại phần thắng cho
mình là điều không tưởng.
Đương còn chưa biết thoát khỏi bế tắc bằng
cách nào thì gã gặp anh phóng viên năm xưa. Nói đúng hơn là, anh phóng viên nhận
ra gã đang thất thểu trên đường. Những năm chiến tranh, anh là người đầu tiên
tung ra loạt bài về người lính hoạ sĩ mù trên các tờ báo và đài phát thanh. Dư âm
của những bài báo ấy còn in đậm trong tâm trí nhiều người, cả khi cuộc chiến
tranh đã kết thúc. Nhờ vậy, gã như có thêm phiếu bầu vào danh sách đặc biệt ưu
tiên chữa chạy cặp mắt mù loà. Nhờ vậy, gã bước lên bàn phẫu thuật còn nghe bao
lời nể phục của các thày thuốc dành cho. Nay tình cờ gặp lại nhau, gã vui sướng
xiết chặt tay anh phóng viên, và nài nỉ bằng được anh đến chơi nhà mình. Nhà gã
vừa chật trội, vừa bộn bề tranh, cùng ngổn ngang dụng cụ đồ nghề. Vì bận việc,
anh phóng viên chỉ lui lại với gã không quá mười phút. Còn hứa, sẽ nhờ cánh
phóng viên trẻ viết bài giới thiệu tác phẩm của gã, "chứ mình hưu rồi"
- anh bảo thế.
Từ hôm ấy, gã thầm hy vọng một cơ may mới.
Biết đâu tiếng tăm gã lại được dịp bùng lên. Bùng lên như cái thời gã còn đang ở
chiến trường. Gã quyết định dành thời giờ hoàn chỉnh ngay mấy tác phẩm mình tâm
huyết nhất, và chọn một số tranh cũ, nhằm sẵn sàng ra mắt các phóng viên. Nhưng
đợi mỏi mắt, khách vẫn biệt tăm. Phải chăng gã đã quá sơ sài trong việc tiếp đãi
người từng giúp mình nổi tiếng một thời. Thuốc lá không. Đến cả chén nước cũng
không. Cần phải sửa cái lối sống đơn giản thời lính tráng ngày xưa. Có phải vì
giữ lối sống ấy nên gã để trượt mất cơ may?
Thế rồi gần ba tháng sau, có hai quân
nhân, gồm một phóng viên và một hoạ sĩ, tìm đến nhà gã. Họ mau chóng nhập đề
câu chuyện. Rằng họ đã rõ về gã trong quá khứ chiến tranh. Đã xem kỹ mấy bức
tranh của gã, có cả bức vẽ bằng máu, được lưu giữ tại Bảo tàng truyền thống
Quân khu K. Nay họ muốn biết sức bật mới của tác giả, nhất là từ khi cặp mắt gã
được cứu chữa lành lặn. Họ đề nghị xem dăm ba tác phẩm mà tác giả của nó cho là
tiêu biểu nhất. "Trong nghệ thuật, số lượng ấy đủ giúp chúng tôi có đôi điều
nhận định và bình luận bước đầu ạ!" - anh hoạ sĩ quân nhân nói với thái độ
khiêm tốn. Anh chính là người thẩm định tác phẩm, để có nên viết bài giới thiệu
trên báo hay không. Gã xoa xoa hai bàn tay, nói: “Vâng, xin mời các đồng chí
dùng nước mát đã ạ!”. Sau động tác bật bia ướp lạnh mời khách, gã trình bày năm
bức tranh, lồng khung kính hẳn hoi. Mỗi bức tranh gã đều giới thiệu xuất xứ ý
tưởng sáng tác, quá trình lao động nghệ thuật cùng ý kiến nhận xét của bạn bè về
chất lượng tác phẩm. “Tuy nhiên - lời gã - tất cả những điều từ tôi nói ra đều
thuộc phía chủ quan tác giả. Những bức tranh này có bay xa bay cao hay không,
trăm sự đều cậy nhờ phía các đồng chí - những người giữ vai trò quan trọng
trong công tác truyền thông”. Anh hoạ sĩ quân nhân nói: “Những tác phẩm tuyệt vời,
tự thân nó có cánh bay thôi!”. Anh phóng viên nhìn gã, hỏi: “Nhận định như vậy
mới là đúng, phải không ạ?”. Gã gật gù cười: “Đúng… đúng… Thì xin các đồng chí
hãy làm ngọn gió giúp cho đôi cánh của những bức tranh này thêm sức thêm đà bay
lên…”. Vẫn anh phóng viên: “Sự có mặt của chúng tôi tại đây mang ý đồ như đồng
chí vừa nói đấy ạ!”.
Sau khi ghi chép đôi điều vào sổ tay
công tác, khách đứng dậy ra về. Gã kịp thời đưa ra hai chiếc phong bì “Gọi là có chút bồi dưỡng thuốc nước, để các đồng
chí làm việc ạ!”. Khách nhất mực từ chối, khiến gã tỏ ra băn khoăn. Anh phóng
viên vỗ vai gã: “Đồng chí yên tâm đi. Giúp nhau được gì, chúng tôi sẽ cố hết mức”.
Gã thật khó tin vào lời hứa ấy. Họ không nhận tiền bồi dưỡng, hẳn có vướng mắc
nào đây?
Nhưng chỉ ba ngày sau, gã nhận được tờ
báo biếu gửi đến tận nhà. Gã mừng quýnh, mở ra xem ngay. Tìm mãi mới thấy ô chữ
nhỏ li ti, đăng tận trang cuối tờ báo, là phần dành cho gã. Cái tin vỏn vẹn có
bốn mươi chín từ. Mà sao lại là con số bốn mươi chín - một con số chết?! Đăng
tin như thế, thà không còn hơn.
Thêm lần nữa gã nghĩ sai. Chính nhờ cái
tin bốn mươi chín từ ấy mà gã được mời tham gia trưng bày tranh. Cuộc trưng bày
nằm trong chương trình chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ của Liên ngành Thương
binh - Xã hội và Du lịch. Người đại diện cơ quan tổ chức nói: “Nếu không có cái
tin trên báo, thì chúng tôi đã bỏ quên một nhân tài”. Gã hồ hởi đáp: “Vâng, xin
cảm ơn anh có lời khen. Mà sao anh tìm ra tôi trong cái ngóc ngách này?”. Người
đại diện nói rằng: Tất cả đều từ các đồng chí phóng viên mà ra. Ngoài việc vẽ
đường chỉ dẫn, họ còn kể rất nhiều điều hay về gã - người lính hoạ sĩ mù nổi tiếng
thời chiến tranh. Gã thầm công nhận cánh phóng viên đã nhiệt tình giúp mình.
Không có sự nhiệt tình ấy, làm sao gã chen chân vào được “top” hai mươi tác giả
thương binh tại cuộc trưng bày tranh lần này. Thế chẳng phải là vinh dự hiếm
hoi sao? Nên gã cần thể hiện thế nào cho xứng với sự tin cậy và vinh dự ấy.
Gã hỏi người đại diện về nội dung công
việc của thành viên tham gia. Được biết, mỗi tác giả thương binh - là đối tượng
ưu tiên, sẽ trưng bày mười bức tranh, nhiều gấp hai số lượng của mỗi tác giả khác.
Thêm nữa, đối tượng ưu tiên không phải đóng lệ phí trưng bày; nếu mở quầy bán
tranh cũng được giảm giá thuê một nửa. “Tất nhiên là - lời người đại diện - các
quầy tranh có thể tổ chức vẽ chân dung và bán kèm một số hàng hoá khác, để bảo
đảm kinh doanh có lãi”. Gã hỏi lại: “Chắc ăn không, đồng chí”'. “Quá chắc với cả
đối tượng không được hưởng ưu tiên”. Nghe sự khẳng định, gã liền đăng ký thuê
luôn một quầy. Dịp làm ăn này có thể gã “vào cầu”, được cả tiếng lẫn miếng. Gã
sẽ bán được tranh. Tên tuổi gã sẽ theo tranh bay đi muôn phương. Trong nước và
ngoài nước. Và gã sẽ có tiền đưa cho vợ. Sẽ… Sẽ…
* * *
… Ấy nhưng bao nhiêu cái “sẽ” tràn đầy lãng
mạn, tin tưởng, hy vọng, từng làm sục sôi cơ thể gã, nay xẹp hẳn xuống. Xẹp ngay
từ cuối dịp cả nhà gã lao vào cuộc trưng bày tranh.
Cứ nghĩ vào cuộc lần này gã sẽ “phất”,
bởi “thiên thời, địa lợi, nhân hóa” đã hội đủ cả ba. Này nhé: Tháng bảy năm nay
khác hẳn mọi năm, không hề có nắng gắt. Địa điểm trưng bày tranh thì nằm kề dãy
khách sạn bốn sao năm sao, và khu vui chơi giải trí lớn nhất thành phố. Cái quầy
bán tranh của gã cũng “đắc địa” hơn hẳn mấy chục quầy khác. Thêm thuận lợi nữa
là, lần đầu tiên vợ con gã vui vẻ tự nguyện nhẩy vào cuộc tìm kiếm danh lợi cho
chồng cho cha.
Vậy mà, sau mấy chục ngày mở quầy
tranh, gã chỉ bán nổi ba bức ký họa cũ kỹ, vẽ từ thời chiến xa xưa. Với các loại
ký họa mới, và tranh sơn dầu, bột màu… gã “tâm huyết nhất” thì chẳng ma nào nó
đếm xỉa. Trong khi ấy, chính gã lại bán được những bốn bức sơn dầu của bạn bè
ký gửi. Nhiều quầy gặp may hơn, đã bán trên dưới chục tranh lụa và sơn dầu với
giá cao ngất ngưởng. Còn việc vẽ chân dung thì, mới ba ngày đầu gã xơi ngon sáu
khách. Cứ đà này - gã nghĩ - chỉ khoản thu chân dung sẽ thừa trang trải tiền
thuê quầy và các chi phí vặt vãnh khác. Nhưng không! Từ ngày thứ tư đến lúc “dẹp
đám”, quầy của gã vắng teo vắng ngắt; trong khi những quầy khác vẫn nườm nượp khách
vẽ khách mua. Có phải tại số gã làm ăn kinh doanh không thể phát đạt? Hay còn
nguyên nhân gì nữa? Mặt gã xỉu như bánh
đa bị mưa.
Gã càng buồn hơn khi nghe báo cáo tổng
kết của Ban tổ chức trưng bày tranh. Người ta chỉ nhắc sơ qua về gã. Rằng gã từng
là thương binh mù nhưng có bề dày hội họa, chứ không hề tán thưởng tác phẩm của
gã. Cho nên, trong số mười tặng thưởng của Ban tổ chức trao, không có tên gã là
hiển nhiên rồi. Mà có phải gã không quan tâm đến cái việc thu phục Ban tổ chức
đâu. Cả cánh báo chí, gã cũng săn ráo riết cơ mà...
Sao thế nhỉ? - gã tự hỏi mình. Đương
nhiên là gã không dễ tìm ra đáp số đúng cho câu hỏi ấy. Bởi gã có thấy nghề nghiệp
mình thua kém ai trong giới hội họa đâu. Gã từng lý sự: Nếu thua kém thì ta
không thể có tác phẩm được lưu giữ tại nhà bảo tàng; và, báo chí với đài phát
thanh không thể tung hô ngợi ca ta. Trong giới hội họa cùng thời, hỏi có mấy ai
bằng được ta?
Thấy gã nhầm to, nhưng không ai muốn
tranh cãi làm gì. Bởi họ cho rằng, chừng gã nào chưa thoát khỏi kiếp mù lòa về nhận
thức, thì không thể hiểu được sự nổi tiếng một thời của mình là do cơ hội chính
trị đem đến, chứ không xuất phát từ giá trị nghệ thuật của những bức tranh xây
nên. Tranh của gã chưa bao giờ đủ sức để giành giật thị trường.
Bởi không thấy mình nhầm lẫn nên gã đã
phải hứng chịu hết thất bại này đến thất bại khác, khiến gã nhìn nhận càng thiếu
chính xác về cái xã hội vốn đầy rẫy những bất công với nền đạo đức suy đồi khủng
khiếp hiện nay.
Sau cuộc làm ăn thất bại, gã nằm thượt
tại nhà đến cả tuần lễ. Trong đầu gã, câu hỏi tại sao đời mình từ khi sáng mắt
đến nay, mọi cuộc đua chen cứ luôn luôn thất bại, vẫn chưa hề được giải đáp. Cả
đến cái nợ cỏn con là mười nghìn đồng đi xích lô - bằng tiền cốc nước trà đá,
gã cũng chưa biết moi đâu ra để trả. Vợ gã thẳng thừng tuyên bố: Không cho! Bởi
còn khoản vay gần chục triệu đồng ném vào cuộc làm ăn của gã vừa rồi, đang làm thị
toát mồ hôi, chưa biết xoay xở thế nào để hoàn lại cho người ta. Gã thấy tắc tị
hoàn toàn!
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6570.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét