Truyện ngắn Giang Trung Học
Quãng đời làm lính, chưa bao
giờ hắn sợ hãi lo âu như lần này. Hắn cùng lũ đồng đội đều không
ngờ phải đối đầu với một cuộc tấn công mãnh liệt và ào ạt đến
thế. Bởi sự tin tưởng mù quáng vào hệ thống phòng ngự được đánh
giá là bất khả xâm phạm. Ngoài vũ khí hiện đại ken dày đặc trong
hầm hào bê tông cốt thép, các bãi mìn, còn cả một dòng sông chắn
ngang trước mặt. Cần thiết nữa, sẽ có lực lượng pháo đài bay B52
yểm trợ bằng rải thảm bom xuống mục tiêu. Đối phương có tài thánh
cũng không thể nào thắng cuộc.
Vậy mà tuyến phòng ngự đã bị
phá vỡ!
Mở màn là trận pháo kích bất
ngờ lúc ba giờ rưỡi đêm của các loại tầm xa, tầm gần, bắn thẳng, như
đổ lửa gang xuống toàn tuyến phòng ngự. Trận pháo kích kéo dài hơn
một giờ, khiến phần lớn hoả lực phòng ngự bị kiềm chế, không phát
huy được uy lực vốn có của nó. Nhiều trận địa pháo ở phía sau và
hoả điểm trấn giữ phía trước đã bị tiêu diệt. Quan quân nhốn nháo.
Tuy nhiên, họ vẫn chắc tin: Không sức mạnh tiến công nào có thể vượt
sông an toàn. Nhưng họ đã tính nhầm hướng tiến công chiến thuật của
đối phương. Đối phương đã bí mật vượt sông, nơi địa hình núi rừng
hiểm trở nhất, cách rất xa trung tâm chỉ huy phòng ngự, rồi vận động
đột nhập cạnh sườn vào lúc tờ mờ sáng. Lực lượng phòng ngự tuyến
một không còn khả năng chống đỡ, buộc phải tháo chạy; bỏ lại không
ít binh lính thương vong, rải rác khắp nơi.
Không cam tâm để mất tuyến một.
Mất tuyến một sẽ khó giữ nổi tuyến hai, tuyến ba... Bên phòng ngự
tổ chức phản công bằng B52. Hàng chục tốp B52 liên tiếp rải bom xuống
khu vực vừa bị mất. Mặt đất chao đảo, ngả nghiêng. Lửa rừng rực
cháy. Khói đen đặc quánh, phủ kín cả vùng trời rộng lớn. Theo tính
toán của giới chuyên gia quân sự, với lượng bom được sử dụng, trong
phạm vi oanh kích sẽ không còn sự sống cho con người. Đương nhiên là,
mọi loài động vật khác và cả cỏ cây đều bị huỷ diệt.
Nhưng đó vẫn chỉ là lý thuyết!
Nếu đúng như tính toán thì hắn
phải tan vụn cùng đất đá, hay ít ra là đã hết thở. Nhưng hắn chỉ bị
què cẳng. Mà không phải què vì bom B52. Do đạn pháo phía bên kia đánh
sập hầm khiến cây xà nóc quật xuống chân hắn. Giá mà viên trái phá
nổ trúng nóc hầm, thì cả lũ chúng cùng pháo đạn đã biến thành khói
bụi sạch sành sanh. Trong tình thế hoảng loạn như ong vỡ tổ, lũ đồng đội chỉ lo tháo thân, nên không ai quan tâm cứu
hắn. Hắn phải gồng sức nâng dần nâng dần cây xà ra khỏi chân, rồi lết tới cái hầm quan sát cạnh bờ sông. Hầm này cũng bị đạn pháo bắn
thẳng của phía bên kia khoan trúng cửa nhìn, ngay từ phút mở màn trận
đánh. Nhưng nó còn khả dĩ giúp hắn tạm nương thân. Tại đây, hắn nhìn rõ
mọi hoạt động trên sông.
Ngay lúc xảy trận mưa bom vừa ngưng, hắn thấy rất nhiều xuồng ghe từ bờ bên
kia vội vã lao sang chở quân lính họ rút về. Tức họ đoán biết không
thể cố thủ phần đất vừa chiếm giữ để tiếp tục tiến công.
Thật may cho những ai thoát chết!
Hắn cũng gặp may. Bởi trong
tình thế lùng sục vội vàng trước khi thoái lui, những người lính phía
bên kia đã để sót hắn. Rồi bom B52 cũng chừa hắn ra. Vậy là số hắn thoát
chết! Mà chắc đâu hắn thoát chết?
Bởi trong vòng bom B52, hắn sống sót thì phía bên kia có thể cũng còn
người sống. Giống như hắn, họ chẳng còn lành lặn, nên không đủ sức rút khỏi
nơi đây. Và họ bị đồng đội bỏ rơi. Bởi vậy, hắn cần cảnh giác phòng ngừa.
Để tránh bị phát hiện, tốt nhất là cứ nằm bẹp một chỗ đã. Chờ đội
quân tiếp viện tiến lên chiếm lại trận địa, hắn mới hy vọng cầm chắc sống. Nhưng biết đến bao giờ đồng đội
hắn xuất hiện? Hẳn không lâu hàng tháng, hàng tuần. Nhưng cũng không
thể ngay chiều hoặc tối nay. Nỗi kinh hoàng mất mạng vừa hạ nhiệt
sau tiếng đạn bom tạm ngưng, đã lập tức quay lại dày vò hắn. Có điều,
nó không vụt bùng lên, không giật bắn người thon thót, không run cầm
cập, không ngột ngạt, như trong giờ phút hắn phải hứng chịu đạn bom
giội xuống từ cả hai phía đối địch. Mà nó âm ỉ gậm nhấm, chà xát đầu
óc lẫn cơ thể hắn.
Từ mọi phía, chốc chốc hắn vẫn nghe thấy tiếng nổ ùng ình,
tạch tạch... Mong sao đó không phải sự đụng độ giữa những đám người
còn sống sót của hai bên. Nhưng thật khó tránh, khi lũ người này như những con mãnh thú cụng đầu nhau.
Càng không thể tránh, khi họ đang trong cơn say mùi thuốc súng, ngột ngạt, nghẹn đắng, cay nồng; cùng cảnh xương
thịt ngổn ngang, máu me đỏ đất, kích thích họ. Và, nơi chiến trận,
con đường sống duy nhất của những bày - thú - người này là: Tiêu
diệt đối phương! Phải tiêu diệt đối phương, quyết giành phần thắng, mới hy vọng
cái ngày trở về với gia đình vợ con.
Vì thế, giữa nơi trận mạc, không thằng lính nào giáp mặt kẻ đối địch
mà lại cười hoà được với nhau. Anh muốn hoà? Hay đầu hàng? Hay chạy
trốn? Sẽ không thoát khỏi ăn đạn của viên chỉ huy, hoặc từ thằng đồng đội khốn kiếp nào đấy. Hắn nghĩ và
thở dài thất vọng. Không phải đến lúc rơi trong tình trạng bi đát
khốn cùng như thế này hắn mới nhận ra bản chất tàn bạo của những
cuộc chém giết.
Ngay cả việc vào lính, vì không thể tránh, hắn đành chấp nhận
mà thôi. Chưa bước chân ra đi, hắn đã nói với cha rằng: “Con mong sơm
sớm mãn hạn!”. Bằng giọng nghèn nghẹn, cha hắn an ủi: “Ừ, cố giữ
nguyên vẹn cái gáo (tức cái đầu) để mà trở về, nghe con!”.
Liệu hắn có ngày trở về?... Trời đất! Trong lúc bế tắc hoảng loạn,
suýt nữa thì hắn la lên. Biết đâu chỉ một tiếng la sẽ là nguyên nhân
kết liễu đời hắn. Bị phát hiện, chắn tin những người phía bên kia không
thể tha mạng hắn. Rồi, bản năng tự vệ xui khiến hắn dán mắt vào
khẩu tiểu liên dựa tại vị trí sẵn sàng hành động.
Bốn bề, tiếng nổ bỗng ắng lặng. Hắn thấy bao tử ục ịch phát
tín hiệu đói. Và khát khô họng. Hoá ra từ sớm đến giờ hắn chưa hề
ăn uống. Lúc này đã là ba giờ chiều. Đất trời vẫn mù mù khói đạn
bom, cứ như sáng sớm mùa đông trong rừng sâu ngút ngàn vậy. Hắn lần
trong túi quân dụng, móc ra được gói lương khô. Nước uống thì không.
Hắn nhấm nháp từng tí một, mà còn thấy tắc cổ. Ăn kiểu này, liệu
hắn đủ sức chờ đợi được bao lâu? Ba ngày. Năm ngày. Quá lắm là bảy
ngày. Nhưng gói lương khô chỉ đủ bảo tồn sự sống tối thiểu cho một
ngày. Những ngày sau ăn gì? Hắn tắc tị câu trả lời. Nhờ niềm tin
kéo hắn ra khỏi bế tắc. Nhất định chỉ ngày mai ngày mốt sẽ có đội
quân tiếp viện lên chiếm giữ lại trận địa tiền duyên này. Họ sẽ cứu
hắn. Phải ráng sức chịu đựng. Ráng sức đợi chờ. Hãy chia khẩu phần
ăn ra làm hai ngày. Ăn cầm hơi thôi. Còn uống? Nước vô tận dưới dòng
sông kia. Nhưng lấy thế nào? Nghe nói không có nước, người ta phải nhấp
dè xẻn nước đái của chính mình. Không còn gì ăn, người ta dám bạo
gan nuốt cả giày da. Mới hay, cái ý chí sống của con người thật
quyết liệt. Giá đôi chân khoẻ khoắn, ban đêm hắn dám liều mạng băng ra
dòng sông kia, uống thả cửa. Cũng may, hắn
không gãy cẳng, chỉ bị xây xát và sưng vùng bắp đùi trái thôi.
Hắn đã bôi thuốc, cả xoa bóp luôn tay để nó mau lành.
Ngày hắn còn nhỏ, cha hắn cũng bị gỗ đè què
chân. Phải bó bột mấy tháng. Nhờ mẹ hắn giỏi xoay xoả nên cuộc sống
của cả nhà chẳng hề chi. Ít tháng trước, nghe tin mẹ ốm nặng, hắn
bồn chồn mất ngủ cả tuần. Mẹ ốm thì lấy gì sống. Lấy ai hầu hạ
cha hắn già nua, bệnh tật kinh niên. Hắn xin nghỉ phép không được, cáu
sôi sùng sục, dám chửi thẳng mặt viên chỉ huy. Còn nhận thách bắn bỏ
nhau. Hắn bảo chết cùng chết, chứ lính trơn như hắn được quyền lợi
mẹ gì. Chỉ lũ sĩ quan là được tất cả. Lương cao ngất, bổng lộc cũng
lắm. Nhiều tên dựa quyền thế, tổ chức những vụ làm ăn phi phấp kếch
xù. Báo chí chẳng đã bao lần phanh phui những đường dây buôn bán ma
tuý, thuốc phiện đấy ư. Kết cục, chẳng đứa nào chịu tội. Bởi bọn
giữ quyền hành trên dưới đều vào dây vào kíp kiếm ăn này. Tất chúng
phải bao che, bảo vệ nhau. Vậy mà còn cứ ra rả: Vì dân! Cái gì cũng
giương khẩu hiệu vì dân. Cầm súng vì dân. Xây dựng vì dân. Trường học
vì dân. Bệnh viện vì dân... Sao không nói buôn bán thuốc phiện, ma tuý
cũng vì dân cho rồi!? Mả mẹ chúng nó, tất tật là lũ bịp bợm, buôn
dân bán nước cả thôi. Xét ra, thời nào cũng thế. Có khác chăng chỉ là
hình thức biểu hiện mỗi thời một kiểu. Chứ sống lương thiện, sống vì dân, thì tất tật lũ chúng không thể giàu có được. Làm giàu
bằng sức lao động với cái tâm lương thiện quả là gian nan. Như cha hắn
đấy! Cha hắn cố học thành cậu Tú,
rồi hùng hục làm việc nửa đời người, dốc sạch túi mới mua nổi hai
cái ô tô con chở khách. Thế mà
đã bị gọi là tư sản bóc lột! Ông đành liều thân trốn chạy để tránh tai họa.
Cha ơi! Hắn xót xa thầm gọi. Dù sao ngày trước cha hắn chăm chỉ
học hành, dáng sức làm việc là nhằm mục đích vì mình, cho mình. Nay
hắn cầm súng chẳng mang mục đích gì cho bản thân. Và chắc chắn tất
thảy người dân cũng không muốn chiến tranh, để con em họ khỏi bị lùa ra
trận. Người dân đâu cần một cuộc tàn sát người mình với nhau. Có cần
chăng là những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm thôi. Vậy từ đâu mà
hắn và mấy thế hệ trước sau hắn cứ phải lao đầu vào chỗ chết?
Cha ơi! Mẹ ơi! Lúc này đã là cuối chiều, ngày... tháng... năm... cha mẹ
đang nghĩ gì?... Cha mẹ có khỏe không?... Còn con, suốt từ sáng sớm đến
giờ phải căng dây thần kinh chống chọi với cái chết!... Cái chết rập
rình đe doạ mạng sống của hắn. Từng giờ. Từng phút. Từng giây. Nó
đã sờ tận da thịt hắn. Chẳng biết hắn có qua khỏi ngày hôm nay?
Ngày hôm nay đối với hắn quả là một ngày dài lê thê, ảo não, sợ
sệt. Ngày của một người tù khổ sai sánh sao nổi nỗi khốn nạn khốn khổ mà hắn đang chịu đựng. Thế mà cổ nhân nói: Một
ngày trong tù dài bằng nghìn năm sống bên
ngoài. Vậy một ngày chiến tranh dằng dặc dài đến mức nào? Hay là vô
biên?
Thế là trời đã tối. Trời tối, hắn vừa mừng vừa lo. Mừng vì
được dấu kín mình trong bóng đêm. Và có thể chợp mắt lấy lại sức.
Nhưng nếu đêm tối thuộc về ma quỷ và những oan hồn thì hắn khó bề
yên thân. Chỉ cuộc đụng độ nội ngày hôm nay, chẳng biết đã có bao
nhiêu thằng lính chết, tức bấy nhiêu oan hồn thuộc cả hai bên. Một trăm hay
mấy trăm?... Hay đến cả ngàn?... Đừng hy vọng phía bên nào đưa ra con số đúng về sự tổn thất. Con số đúng là con số có
lợi nhất cho họ, chứ không thể là con số thật. Nhất là bên phía Cộng hòa, khi
họ dám dùng B52 “làm cỏ” trận địa của mình, cốt để giành lại phần đất bị mất,
thì càng không thể có con số thật được công khai. Con số thật trong trường hợp
này chính là Sự Thật Tàn Bạo, coi mạng sống của người như cỏ rác!
Cơn buồn ngủ khiến hắn mệt rã rời. Nhưng bóng đêm không cho hắn dễ
dàng chợp mắt. Thật lạ! Vốn hắn đâu phải kẻ nhát gan. Thế mà đêm
nay, một tí gió se se lạnh đủ khiển hắn chột dạ. Tiếng rít khàn
khàn của con chim lợn cũng làm hắn giật mình. Hắn sợ cả thứ ánh
sáng xanh ảo phát ra từ con đom đóm. Đó có thật là gió, là con chim
lợn, là con đom đóm? Hay sự biến hoá của ma quỷ và những oan hồn,
muốn nắn gân thử sức hắn. Hắn thầm thì cầu xin trời đất phù hộ
mình thoát tai họa. Rằng mấy năm làm lính, hắn không mảy may muốn gây
tội ác cho ai. Hắn chỉ là tên pháo thủ bê đạn theo lệnh chỉ huy. Viên
đạn bay đi đâu, gây hoạ thế nào, hắn không hề biết. Hắn hành động như
kẻ vô hồn, hệt cái máy khi bị ấn nút.
Bỗng hắn giật mình đánh thót. Thì ra hắn đã thiếp đi từ lúc
nào. Giấc ngủ dựa vách hầm bết máu đồng đội hắn. Giấc ngủ hẳn không
dài, song hắn thấy đầu óc chùng hẳn xuống. Nhưng cơn khát cháy họng
lại bùng lên hành hạ hắn. Thèm nước, hắn nghĩ ngay tới dòng sông.
Qua cái cửa nhìn bị đạn pháo phá toang hoác, hắn nhận ra dòng sông
lờ mờ phía trước. Là nhờ chút ánh sáng nhợt nhạt ném ra từ mảnh
trăng lưỡi liềm mỏng manh, lơ lửng tít trên cao. Nhờ trăng, hắn biết
được là đêm cuối tháng. Tháng chín âm lịch. Vậy đã là cuối thu. Thế
là bắt đầu tháng thứ nhất, năm cuối của đời lính hắn. Mong sao “cái
gáo” hắn nguyên vẹn để mà trở về. Để được làm phận sự báo hiếu
cha mẹ hắn. Rồi cưới cô vợ, cùng nhau xây đắp tổ ấm gia đình. Và
sinh lấy đứa con. Chỉ thế thôi! Ước muốn thật đơn sơ, bình dị như vạn
triệu con người, mà sao đối với hắn nó mong manh quá chừng. Nếu
chẳng may hắn không trở về thì cha mẹ hắn đau đớn biết nhường nào.
Trước ngày hắn vào lính, cha hắn từng sụt sùi thương con. Thương cả
đời ông. Chẳng biết nghe nguồn tin nào, ông bảo rằng, anh hắn - con bà
cả ở đằng ngoài - cũng bị đi lính mấy năm nay rồi. Muốn dẹp nỗi
buồn ở cha, hắn nói: “Chắc đâu là tin thật!” - “Cha cầu mong tin đó là
tin vịt, càng hay. Nhưng dù thế nào, lúc ra trận mạc con cũng phải
giữ gìn bản mạng.” Ai mà chẳng muốn sống - hắn nghĩ. Có điều tất
thảy những thằng lính ngoài chiến trận không dám chắc mình vẹn toàn.
Bất chợt, hắn nghe có tiếng động ở phía sau. Rất gần. Không thể
là tiếng ném đất đá. Cũng không phải tiếng xô đuổi nhau của loài
động vật hoang dã. Như là tiếng vấp ngã của người. “Lạy trời, không
phải là người phía họ!” Cùng lúc thầm cầu mong, hắn nhăm nhăm khẩu
súng ở tư thế sẵn sàng nhả đạn. Hắn được lợi thế là, nơi hắn trú
không ai có thể đột nhập dễ dàng. Bởi cửa hầm này đã bị bom lấp đến quá
nửa. Hắn phải nghiêng mình lách mới lọt. Nên, kẻ nào chán sống thì
ló mặt vào đây. Hắn chỉ cần điểm xạ một phát đủ chết tươi. Đạn đâu
có lắm mà nổ cả băng. Còn để phòng hộ cái thân hắn chứ! Hắn căng
tai nghe ngóng diễn biến tiếp theo. Chỉ thỉnh thoảng có tiếng gió vù
vù nhè nhẹ, mơ hồ. Và vẫn tiếng con chim lợn... Dễ đến hơn mười phút
sau, hắn mới dám né người, nhô mặt ra khỏi hầm để dò xét. Gió đưa cái
mùi khen khét, gây gây, xộc vào mũi hắn. Mùi này,
hắn đã thoang thoảng thấy ở trong hầm. Đó là mùi xương thịt lính bị
om trong khói lửa đạn bom. Vài ngày tới nó bốc thối, còn khủng
khiếp nữa. Hắn phải vội thụt vào hầm, ngồi thụp xuống để kìm nén một
tiếng ho. Rồi một tay bưng miệng, tay kia xoa xoa cổ họng, mà tiếng ho vẫn
hắt khỏi cửa miệng hắn “bục” một cái rất khẽ.
Lần nữa hắn lại né người thò mặt ra dò xét, nhưng thận trọng hơn. Ánh
trăng nhờ nhờ, đục màu sữa loãng, đủ giúp hắn nhận diện tất cả.
Mắt hắn đảo nhanh bốn phía, từ gần ra xa; bắt đầu ở nơi phát ra tiếng
động - là mấy cái hố bom, cách căn hầm hắn trú chừng năm - bảy mét. Cả một trận địa mênh mông bỗng
trở thành vùng đất chết. Chỉ thấy những đám cháy còn sót lại, lập
lòa lửa yếu ớt. Sau cùng, mắt hắn dừng lại nơi bắt đầu sưu sách. Trên
bờ mấy cái hố bom lô nhô lở loét, không để lại vết tích gì đáng khả
nghi. Hay đã có những tảng đất, tảng đá nào đó lăn xuống đáy hố, va
đập nhau? Nếu vậy thì không thể có tiếng “hự” sau tiếng động mạnh.
Cho dù bất ngờ, hắn vẫn phân biệt rõ ràng như thế. Hắn nghĩ đó là
tiếng động của người, chắc đúng hơn. Có thể là một anh lính bị ngã
xuống hố bom. Hẳn cũng bị thương, ốm yếu lắm. Nhưng giữa đêm khuya
khoắt, anh ta dò dẫm đi đâu. Anh ta thuộc phía bên nào. Sau cú ngã,
liệu còn sống nổi không? Còn sống thì cũng khó bề kháng cự, nên mới yên ắng
thế này. Rồi tính tò mò cùng ý thức sinh tồn bản năng giục hắn nảy
ý nghĩ: Phải lục soát! Biết đâu, hắn kiếm được chút đỉnh gì đó.
Thức ăn chẳng hạn. Hoặc là đồ uống. Lúc này, thức ăn đồ uống đối
với hắn, thứ gì cũng rất đáng quý.
Sau ít phút nghe ngóng và để mắt nhìn xa, nhìn gần, hắn không
thấy hiện tượng lo ngại nào. Trời đằng đông bắt đầu rạng hồng dải
quạt kia rồi. Hắn quyết định tiến hành cuộc lục soát. Trước mỗi hố
bom, hắn vung tay ném xuống mấy hòn đá to bằng nắm tay, vốc tay. Ném
và nghe. Không một chút phản hồi. Hắn phán đoán. Một là, trong đó
không người. Hai là, có người nhưng đã chết hoặc ngắc ngoải. Dù thế
nào, hắn vẫn phải sẵn sàng chủ động nổ súng tiến công. Hắn làm
động tác bò nghiêng, đến sát bờ mỗi hố bom thì xoay úp người về tư
thế nằm bắn. Trước khi nhô đầu quan sát tận đáy hố bom, hắn thận
trọng thả đất đá xuống lần nữa. Đến hố bom thứ ba, hắn nhìn thấy
rõ ràng một mạng người ngã cắm đầu xuống đáy hố, hai chân dựng ngược.
Một thân hình chết khổ chết sở. Bằng vào trang phục và súng đạn hắn
nhận diện khi lục soát, khẳng định người lính này thuộc phía bên kia.
Kéo cái xác nằm gọn một chỗ, hắn đoán nguyên nhân cái chết đến với
anh ta. Đó chính là vết thương ở ngực, làm mất nhiều máu. Tiếp theo,
có thể là cú vấp khiến cái thân hình liêu xiêu này đổ nhào xuống
hố bom, đập đầu trúng tảng đá. Hẳn rằng anh ta đang mò tìm lối
thoát cho mình. Thôi thì, chết thế này cũng là một lối thoát - hắn
nghĩ. Chứ mà còn sống, chúng mình thật khó tránh một cuộc choảng
nhau. Ai sống ai chết, chưa thể nào khẳng định được. Nhưng chắc chắn
không thể cả hai đều sống. Cả hai cùng chết thì có thể xảy ra. Và
hắn đặt khẩu súng CKC sát bên cái xác cứng quèo; sửa ngay ngắn cái
biển hiệu trên ngực áo anh ta. Hắn còn cởi chiếc khăn dù ở cổ mình,
phủ lên hình hài người lính chết ấy. Liền đó, hắn nhặt đất đá chặn
quanh tấm dù để nó không bay lên được. Rồi đứng dậy, cầm theo cái túi
khoác đựng thức ăn nước uống và mấy thứ lặt vặt, miệng lầm rầm: “Cậu vui
lòng cho mình thứ này. Nó không ích gì đối với cậu nữa. Nhưng mình
thì quá cần. Mình thực bụng biết ơn cậu. Xin cầu chúc cậu yên nghỉ ngàn
thu!”. Sau mấy lời cáo biệt, hắn định quay đi nhưng lại ngồi xuống. Hắn lôi
khẩu súng CKC ra: “Cái thứ này thực ra cậu cũng chẳng cần nữa đâu!”
Vừa nói, hắn vừa tháo khoá nòng vùi kín một chỗ; phần còn lại
đặt trả người lính chết, đúng vị trí cũ.
Trở về nơi trú ẩn, việc khẩn thiết với hắn lúc này là tự
thưởng mình một chầu nước. Trong cái túi của người lính chết có
bình nước còn nằng nặng tay. Nhưng phải uống từ từ. Để phòng ngừa,
bảo vệ an toàn bản mạng hắn. Cũng cần dè sẻn phòng xa nữa. Bụng
nghĩ thế, song chỉ sau lần nhấp đầu tiên chừng mươi giây đồng hồ, hắn
đã ngửa cổ tu ừng ực. Chỉ thấy nước ngọt lịm và mát tận ruột gan.
Nghĩ phòng ngừa quả là ngớ ngẩn. Thằng lính ra trận, đâu phải cần
đến thuốc độc mang theo. Đầy mình súng đạn, muốn tự chết chẳng khó
khăn gì. Khó nhất là cần sống để chờ ngày trở về nhà.
Thế là người lính kia đã hết hy vọng trở về! Cậu ta tên gì nhỉ?
Quê quán nơi đâu?... Chẳng biết nay mai cha mẹ cậu ta có nhận được cái
tin báo tử. Hay là người ta cố ỉm đi, nhằm nuôi giữ niềm tin cho
người hậu phương. Nghĩ về hậu phương, hắn liền liên hệ đến cha mẹ
mình. Cha mẹ làm sao hiểu nổi lúc này hắn đang trong tình thế sống
dở chết dở. Nhưng hắn quyết nuôi hy vọng trở về. Cần thận trọng
trước đạn bom. Mẹ hắn còn bảo: “Con phải giữ gìn sức khoẻ bằng việc
ăn uống và nghỉ ngơi điều độ”. Nghe lời khuyên, hắn “Vâng ạ” rất là
ngoan. Nay thấy tức cười bởi sự ấu trĩ ấy. Thằng lính ngoài mặt
trận thì ăn uống và nghỉ ngơi điều độ thế đếch nào được. Đói ăn
đói ngủ là sự thường. Hắn cũng đang đói cả hai thứ ấy đây. Đói suốt
từ sáng sớm hôm qua. Bây giờ phải nhồi tí gì vào bụng, để lấy sức
chống đỡ với sự biến động bất chợt xảy ra.
Hắn liền dốc hết mấy thứ còn lại ra khỏi cái túi khoác của người
lính chết. Hắn đưa thỏi lương khô lên miệng nhấm nhấm. Mùi vị cũng thơm
ngon lắm. Chẳng mấy khác khẩu phần dự phòng của lính bên hắn. Thế
là hắn cứ nhẩn nha gặm nhấm, và chờ trời sáng.
Khi ánh sáng trời lọt rõ cửa hầm, thêm lần nữa hắn nhận diện lại
số đồ vật của người lính chết. Cái lược, cái nhẫn, đều làm bằng nhôm
tàu bay. Cây sáo trúc nữa cơ à? Lãng mạn thật! Và bức thư. Bức thư
đã ố màu gió mưa, trận mạc. Nhìn chữ, hắn biết là chữ con gái. Em
gái hay vợ. Hay người yêu cậu ta. Đều không quan trọng. Điều hắn muốn
biết là: Quê quán anh lính mang tên Thắng này. Tên anh ta hiện ngay ở
lời mở đầu thư “Anh Thắng thân yêu”, đã gợi sự dò tìm trong hắn.
Thắng cùng tỉnh với hắn. Nhưng không rõ thôn xã huyện nào. Đọc nhanh bức
thư, không phát hiện được điều gì hơn, hắn quay tìm kiếm trên mặt
phong bì. Dù nét mực đã nhoè phai, hắn vẫn nhận ra họ tên anh ta là
Đoàn Duy Thắng. Đoàn Duy Thắng cũng là họ tên anh ruột hắn. Không lẽ người lính đã chết kia
lại là anh cùng cha khác mẹ với hắn? Nhưng thiếu gì người trùng họ
tên nhau, trên cùng quê hương. Ngay một lớp học thời hắn cắp sách cũng
khối trường hợp cùng họ và tên.
Giọng hắn khe khẽ: “Anh Đoàn Duy Thắng ơi! Anh linh
thiêng thì hãy báo mộng trả lời câu hỏi này: Anh có phải là con cha
Đoàn Duy Chiến, anh của em Đoàn Duy Lợi không? Em chính là Lợi đây!”.
Lặng đi một lát, hắn lại lý giải trong đầu: Rất có thể anh ấy là
anh ruột mình. Cha mẹ mình kể, khi ông bà đưa mình vào Nam, mẹ cả
giữ anh ấy ở lại, nhất quyết không bỏ quê hương. Thế nên bây giờ anh
em ruột thịt mới đứng hai bên chiến tuyến để diệt lẫn nhau. Mà tuyệt
nhiên không có thù hằn tranh chấp gì. Xét cho cùng, với hầu hết
những người lính thuộc hai phía, họ cũng chẳng có thù gì nhau. Họ
chỉ là thứ dân đen bị ném vào cuộc chiến này. Một cuộc chiến, trừ
mấy tên ngoại bang, còn lại là cảnh nồi da xáo thịt dành cho hàng
triệu người mình. Để làm gì? Để
cho ai?... Càng nghĩ càng uất. Hắn muốn cất lời chửi rủa thật to cả
lũ cầm quyền tham lam độc ác. Song cái ý thức bảo vệ sinh tồn bản mạng
mạnh hơn, đã cản giữ hắn phải câm lặng để nhằm giữ kín mình.
Nhưng cuộc chiến còn dài, liệu hắn có thoát chết? Nếu hắn chết, cả
anh Thắng cũng chết, cha mẹ hắn sẽ cơ cực đến mức nào?... Cần phải mau mau
tìm lối thoát cho ta - hắn tự nhủ - rồi vơ tất cả đồ vật của người
lính chết, nhét vào cái túi quân dụng. Hắn đinh ninh đấy là kỷ vật của
anh ruột mình. Tiếp theo, hắn đối chiếu địa hình, nơi người anh nằm yên
nghỉ, để làm căn cứ tìm kiếm mai sau. Biết rằng, mảnh đất này sẽ
còn xảy ra đụng độ tranh giành. Sẽ không giữ nguyên vẹn được bất cứ
cái gì. Lúc này, ánh nắng đã nhuộm vàng đỉnh núi tít xa, và cả mặt
đất mênh mông. Ánh sáng ban ngày đã xua tan nỗi sợ hãi mơ hồ, ám ảnh hắn suốt
đêm qua. Ngày hôm nay dễ đẹp trời. Giữa thanh thiên bạch nhật thì chẳng
thế lực thần bí nào khống chế nổi hắn. Mà thế lực cụ thể dường
như cũng vắng không ở nơi tiền duyên phòng ngự này. Cả vùng đất mênh mông
này có khi độc mình hắn sống sót. Chỉ trên trời cao vòi vọi, chốc chốc
lại thấy tiếng rít của máy bay trinh sát, hẳn là của phía hắn, vụt qua.
Hắn quyết định, ngay lúc này phải tiến hành việc
phủ cao đất đá cho ngôi mộ người anh. Cho dù người lính chết ấy không hẳn là ruột thịt hắn,
thì việc đắp điếm chỗ nằm cho anh ta cũng nên làm. Sau đó, hắn sẽ tự thương bằng
một phát đạn vào đâu đó trên cơ thể mình. Vết thương không thể chết, và
không biến hắn trở thành kẻ tàn phế suốt đời. Việc này phải làm trước khi đội
quân tiếp viện giáp mặt hắn. Phải như thế thì hắn mới không còn là thằng
Lợi cao ráo, khoẻ khoắn, lanh lợi, với mái tóc xoăn xoăn và đôi mắt
sáng nữa. Hắn sẽ biến thành một thằng Lợi khác. Thằng Lợi phế binh. Nhất định
hn phải làm như thế. Để tránh tiếp tục đương đầu ở chốn trận mạc vô tích sự
này. Thì con đường trở về nhà của hắn mới thật chắc ăn!
(*) Đăng trên
http://newvietart.com/index3.6543.html
- In trong tập Chuyện đời 2, Nxb Thanh Niên, 2004
- Báo Người Hà Nội số 39 26/9/2003
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét