Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Như là định mệnh(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
Bà bước chân về đất Hà Nội những ngày cuối thu. Cảm giác xốn xang, ngỡ ngàng. Như có cả chút ngậm ngùi, xa xót, tủi cực của một người bị ruồng bỏ. Sống mũi cay cay, nước mắt bà chực trào ra. Đã mấy chục năm rồi còn gì. Kể từ cái ngày cuối cùng, bà đến chào tạm biệt người thày - người anh của bà, để theo chồng ra đi. Khi đó, đi đâu bà cũng chưa biết. Với những người không thuần dòng máu Việt - như chồng bà, phía trước, tương lai mờ mịt xa. Phía sau, chẳng có đường lùi. Đứng trước thày - người mà bà luôn kính trọng, ngưỡng mộ, bà bật khóc nức nở. Lẫn trong thổn thức, giọng bà yếu ớt: Chẳng biết em có còn được gặp thày?!
Vậy mà, đã gần ba mươi năm trôi qua. Ba mươi năm của một đoạn đời. Đoạn đời khởi đầu bằng một con thuyền chông chênh và tiếng mái chèo khua nước oàm oặp vô tận, bất định đâu là bến đậu. Con thuyền đi mãi. Đi mãi. Mang theo nó hơn năm chục mạng người, từng nhiều lúc xuôi tay, phó mặc sự sống của mình cho sóng nước, bão giông.

*          *          *

            Trong di ảnh, ánh mắt của người thày đang nhìn bà; ánh mắt yêu thương, trìu mến của quá vãng xưa, giờ lung linh, hư ảo trong khói hương quấn quyện. Lạy thày, thày ơi, em đã về đây. Em hằng khát khao được gặp lại thày khi trở về mảnh đất này, nơi từng in đậm bao kỷ niệm những tháng ngày đẹp nhất cuộc đời em. Vừa làm xong thủ tục xin về thăm Việt Nam, cũng là lúc em nghe tin xấu. Vài dòng chữ về thày em đọc được trên một trang Web, làm em thảng thốt. Em vội vã bay về, nhưng muộn mất rồi! Vậy là, mãi mãi em không còn được gặp thày nữa, thày ơi...
         "Sao em lại khóc? Sống chết cũng là sự thường. Quan trọng là em đã trở về" - Một giọng trầm trầm từ cõi u huyền văng vẳng bên tai bà. Bà thổn thức: Vâng, trở về. Em đã trở về. Về với đất mẹ thân thương. Dù từng bị ruồng bỏ, em vẫn coi nơi đây, nơi có những người thân, có thày, có biết bao trái tim bè bạn - là đất mẹ. Đất mẹ đã nâng niu ấp ủ em từ tấm bé; đã ru em bằng những điệu chèo đằm thắm, mê mẩn lòng người; đã cho em một dáng vẻ yêu kiều, quyến rũ ở tuổi mộng mơ; đã cho em được gặp thày, có thày, kể từ cái lần gặp đầu tiên ấy... "Để ta đón em từ mảnh chiếu chèo sân đình lên thành phố...". Vâng, thật là cái "duyên" tiền định...
Gánh chèo thôn Tiền có từ lâu lắm. Chính nội em là ông Trùm của gánh chèo này. Còn bà nội là một thôn nữ xinh đẹp, có giọng hát chèo đong đưa ngọt lịm. Hai người lấy nhau cũng là do cái "duyên" của chèo đưa đẩy. Gánh chèo ông em đến hát ở quê của bà. Dân làng kéo nhau ra đình xem hát chèo đông lắm. Suốt mấy đêm diễn trò, ông để ý một cô thôn nữ xinh đẹp, thường ngồi sát ngay chiếu chèo. Hồi đó, mảnh chiếu sân đình chính là sân khấu, chẳng có phông màn. Khán giả ngồi đứng, quây quanh ba mặt. Vì vậy, giữa diễn viên và khán giả luôn có sự gần gặn. Khi "vãn trò", bao giờ cô cũng là người cuối cùng ra về, dáng vẻ "dùng dằng đi chẳng dứt". Ông lân la hỏi chuyện, cô bẽn lẽn nói rằng, mê hát chèo lắm, mà không biết có hát được hay không. Ông bảo cô hát thử. Rồi chính ông đâm mê cả người lẫn chất giọng mộc mạc, hồn nhiên, nhưng hứa hẹn một giọng hát chèo mê hồn của cô sau này. Hai người gá nghĩa vợ chồng, kể từ ngày cô trốn nhà đi theo cái gánh chèo của ông.
Rồi, ông bà sinh ra cha em. Cha em lớn lên và nhập cuộc với cái gánh chèo tòn teng nay đây, mai đó của ông bà nội. Vẫn cái duyên của chèo là nguyên cớ để cha em gặp mẹ và sinh ra em. Đến khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, gánh chèo của gia đình em không còn rong ruổi đi hát hết làng nọ đến thôn kia nữa. Ông bà nội cũng đã lần lượt về cùng tiên tổ. Cha đưa mẹ về quê ven đô làm ruộng. Hai người chỉ thỉnh thoảng hát chèo mỗi khi làng có hội.
Đến lượt em, cái "duyên" của chèo xem ra còn "quyện" chặt hơn... Nối tiếp cái "nghiệp" từ đời ông bà để lại, em thừa hưởng cả dáng vẻ lẫn khuôn mặt yêu kiều của bà nội. Ở trường học, em rất hay bị thày cho điểm kém vì không thuộc bài. Nhưng với chèo lại hoàn toàn khác. Ngay từ tuổi lên mười, em đã thuộc làu nhiều bài hát của các nhân vật trong những tích chèo xưa. Tuổi mười ba, khi cha mẹ vắng nhà, em đóng cửa "độc diễn". Em mê các vai nữ "chín", hiền dịu, hiếu nghĩa, thuỷ chung như các nàng Thị Kính (vở Quan âm Thị Kính), Thị Phương (Vở Đôi ngọc lưu ly), Châu Long (vở Lưu Bình - Dương Lễ)...  Nhưng em còn đắm đuối hơn với các vai nữ "lệch", sắc xảo, đa đoan, mạnh mẽ, dám "nổi loạn" chống trả luật lệ bất công, thói đạo đức giả của lễ giáo phong kiến xưa... là các ả Thị Mầu (vở Quan âm Thị kính), Xuý Vân (vở Xuý Vân giả dại). Một lần bất chợt chứng kiến em đang "độc diễn" màn "Xuý Vân giả dại", cha em lắc đầu, thở dài. Cái thở dài ấy, sau này mẹ kể lại, cha như linh cảm về cuộc đời chìm nổi nơi đất khách của con gái mình.
Do học kém, hết phổ thông, em ở nhà làm ruộng. Nhưng cái máu chèo chẳng để em yên. Em sinh hoạt trong đội văn nghệ xã. Những trích đoạn chèo em tham gia, được chọn đi hội diễn huyện, rồi hội diễn tỉnh, cho đến hội diễn khu vực, đều đạt giải cao. Và, thế là một lần... Chắc thày còn nhớ...
"Ta nhớ chứ. Chỉ là một diễn viên nghiệp dư, Xuý Vân điên dại trong em đã hút hồn cả một hội trường đông nghẹt khán giả. Người phụ nữ quằn quại, vẫy vùng, quyết dứt tung những trói buộc hà khắc của xã hội cũ được em thể hiện qua từng vũ điệu, giọng ca, giống như lưỡi dao lam sắc lẹm, cứa ngọt vào lòng người."
Kết thúc đêm diễn đó, thày đã tìm gặp em. Nói đúng hơn, trời đã run rủi cho em được gặp thày. Thế là, số phận em được định đoạt sau đó. Từ một cô thôn nữ nơi xóm nhỏ ven đô, quen hát chèo trên mảnh chiếu sân đình, em đã được hoá thân vào những vai diễn trong ánh sáng lung linh, huyền diệu của thánh đường sân khấu thành phố. Thày đã rèn cặp em, đã dạy dỗ em vững vàng hơn, chững chạc hơn trong từng vai diễn. "Trong cái khoảng không ước lệ của sân khấu, em đã thực sự là một Thị Mầu cuồng si, khao khát được yêu; một Xuý Vân điên điên dại dại, nổi loạn để đòi quyền được sống, được ái ân... Mỗi khi em diễn, khán giả như bị em cuốn vào cái không gian ước lệ ấy. Họ suy tôn em, coi em là một diễn viên gạo cội. Ngay ta cũng không thể ngờ, em lại thành công đến thế". Nhưng thày ơi, đó chính là thành công của thày. Không có thày, mãi mãi sân khấu của em chỉ là những mảnh chiếu nơi sân đình. Em luôn ngưỡng mộ, kính trọng và biết ơn thày. Hình như có lúc, cả yêu nữa, thày ơi. Vâng, đã có lúc em nghĩ đến điều đó. Ngàn lần xin thày tha lỗi cho em về tội bất kính này...
"Đó cũng là sự thường. Ta cũng cảm nhận được. Nhưng rồi em đã ra đi. Đi trong tâm trạng u ẩn của một người mộng du, tràn trề thất vọng". Vâng, em đã vô cùng thất vọng. Bởi, em đã yêu biết bao mảnh đất này. Cho đến khi đặt chân đến một miền đất quanh năm trắng tuyết mênh mông bên kia quả địa cầu, nỗi thất vọng vẫn vò xé trong em! "Thôi mà, em đã hiểu vì sao". Chính vì vậy mà em càng day dứt. Một mảnh thuyền con lênh đênh ôm trọn mấy chục kiếp người được gọi là "thuyền nhân"... Khủng khiếp! Sao em lại không được ở nơi em thích, em yêu... Một luỹ tre xanh. Một giọng chèo ngọt lịm. Những con người quanh năm tảo tần mưa nắng... " Con người ta, sống là bể khổ... ". Vâng, bể khổ trầm luân, em biết chứ. Nhưng với những thuyền nhân, còn khủng khiếp hơn ngàn lần bể khổ. Hàng chục con người chen lấn, xô đẩy trên một manh thuyền nhỏ trước sóng biển duềnh lên, dập xuống. Già trẻ, gái trai, lớn bé, trí thức, công nhân... trong đó có một diễn viên - đó là em. Tất cả cùng vật lộn trong bão tố, mưa giông, đói khát,... và... trời ơi, một lũ cướp biển...
Đau lắm thày ơi. Tiếng hò hét. Tiếng khóc lóc, van xin. Tiếng chửi bới tục tĩu. Ré lên đâu đó giọng cười đểu cáng, khoái trá của những con thú mặt người dâm đãng. Một phát súng đanh gọn vang lên cùng một tiếng rú thê thảm, tiếp sau là một thây người bị ném "ùm" xuống mênh mông sóng nước. Con trai em đó, thày ơi... Nó đã dám cự lại bọn cướp khi chúng xông vào kéo đứa con gái của em đi. Nó mới chỉ mười hai tuổi đời, tay không, làm sao chống lại được một lũ mặt người dạ thú, súng đạn đầy mình. Sau lúc ngất đi, tỉnh dậy em biết, mình đã mất một đứa con trai. Và, còn một đứa con gái. Nhưng một đứa con gái bị trở thành đàn bà ở tuổi lên mười. Còn chồng em ư? Anh cũng bị chúng đánh đến gãy một bên chân phải. Hai tay bị  trói quặt về phía sau cùng với hai cánh tay em. Bất lực! Tiếng khóc than dậy một vùng biển đông... Ôi, tận cùng của bể trầm luân!
            Ngay sau đó, em sống điên điên dại dại. Điên dại thật sự. Chứ không phải như Xuý Vân giả dại trong vở chèo em diễn đâu, thày ơi. Số người sống trên thuyền chỉ còn chưa đầy một nửa. Mọi người đều trắng tay, ngoài manh áo rách đang mặc. Bọn cướp đã mang đi tất cả. Em ôm đứa con gái tội nghiệp vào lòng mà hát: ..."Than ôi, loạn ly xẻ nghé tan đàn. Vì đâu nên nỗi muôn vàn xót xa. Dặm ngàn chân bước bơ vơ. Xót thay con trẻ tuổi thơ đâu còn "... Tiếng hát của em đứt quãng trong tiếng nấc. Gần hai chục người còn sống sót ôm nhau cùng khóc. Khóc cho thân phận mình. Khóc cho những thây người bị ném xuống biển, đang dập dềnh cùng sóng nước. Còn em, em hát miên man. Vừa hát vừa khóc. Cũng lạ, những câu em hát cứ như ứng diễn, chứ không phải những làn điệu chèo đã từng thuộc theo kịch bản trên sân khấu. Có lẽ, cái chất ứng diễn dân dã rất riêng của những gánh chèo xưa vẫn đang cuồn cuộn chảy cùng dòng máu trong cơ thể em. Nó cuồn cuộn tuôn trào, ngay cả lúc em đang đau đớn đến điên loạn...
            "Trời đất. Thật đúng là bể khổ trầm luân... Ta cùng bạn bè sau khi chia tay thường nhắc tới em. Nhưng không thể ngờ...".
Thày ơi, em đã làm gì nên tội mà phải chịu đớn đau đến vậy?
"Có những điều tìm ra tận cùng nguồn gốc cũng chẳng thể làm gì. Và như vậy, đành phải mang theo về cõi hư huyền ". Vâng, em đã cố quên. Cố quên nhiều lắm. Chỉ giữ cho mình những hoài niệm êm dịu của quê hương, của thày... và những làn điệu chèo thân thương nơi đất mẹ. "Vậy là tốt rồi. Điều đó sẽ đem đến cho em sự thanh thản.". Thanh thản ư? Thày ơi, đôi lúc cũng có đấy. Và, em đã cố...
            Con thuyền của em rồi cũng cập được một bến của Hồng Kông. Vẫn còn một chút may mắn cho vợ chồng em. Những người thuộc diện ra đi như vợ chồng em tạm thời cư trú mấy tháng tại đó, rồi được một nước thứ ba cho định cư. Những tháng đầu nơi đất khách, với mấy đồng trợ cấp xã hội ít ỏi, gia đình em sống ở khu ngoại ô thành phố. Chồng em xin được chân quét tuyết trong một khu thể thao. Anh chưa cho em đi làm, vì không dám để đứa con gái bé bỏng ở nhà một mình. Cháu vẫn chưa hoàn hồn sau những ngày kinh hoàng trên biển đông...
Rồi mọi chuyện cũng dần ổn định. Chồng em chính thức xin được vào làm ở một công ty sản xuất ô tô. Tay nghề khéo léo của một thợ nguội bậc cao đã giúp anh ấy kiếm được khá nhiều tiền. Thậm chí, có khi ngày nghỉ anh ấy cũng phải đi làm vì nhiều việc. Đứa con gái nhỏ đáng thương của em đã tìm lại được sự yên tĩnh cho tâm hồn. Cháu bắt đầu đến trường học. Phần mình, em mở một quầy hàng bán sách báo. Với công việc này, em có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại người. Ta có. Tây có. Đặc biệt, với cộng đồng người Việt, em quen biết khá rộng? Nơi xa xôi, mọi người rất thèm biết tin tức quê nhà. Biết vậy, nên em tổ chức cho mọi người trao đổi sách báo tiếng Việt với nhau. Nhiều khi, những tờ báo cũ nát nhàu hàng tháng sau vẫn có người tìm đọc. Em liên hệ với cả sứ quán Việt Nam, xin mua lại sách báo cũ. Mỗi lần vắng khách, em lại giở báo trong nước, tìm đọc những tin tức về quê hương, về thày cùng bè bạn. Nỗi nhớ quê nhà, nhớ ánh đèn huyền diệu của thánh đường sân khấu với ả Thị Mầu cuồng si cùng nàng Xuý Vân giả dại luôn da diết trái tim em. Và, thật bất ngờ, một ý nghĩ xuất hiện trong em. Hay là tổ chức diễn chèo. Không phải diễn để kinh doanh, mà để đỡ nhớ. Đỡ nhớ quê nhà. Đỡ nhớ thày, nhớ bạn. Đỡ nhớ những đêm em hoá thân Thị Mầu, Xuý Vân làm sân đình nghiêng ngả. Biết được ý định của vợ, chồng em động viên nhiều lắm. Chẳng phải đến bây giờ, mà thời gian còn ở trong nước, mỗi khi em lưu diễn dài ngày, chồng em đều trông nom cửa nhà, con cái chu tất. Đời em, truân chuyên lắm, nhưng cũng may mắn nhiều. Bởi, có thày nâng đỡ em trên nẻo đường của duyên nghiệp chèo. Còn chồng em, đó là người bạn đời không ai có thể thay thế. Anh cũng yêu chèo, nhưng lại chẳng biết hát chèo cùng em. Thày có còn nhớ hồi đó, mỗi lần em lên sân khấu với những vai mới, anh ấy luôn có mặt để xem vợ mình diễn?
Vậy là, ngày ngồi bán hàng, tối về, em bắt đầu tập lại những trích đoạn mình từng độc diễn. Mấy anh chị trong cộng đồng người Việt biết ý định của em, ủng hộ lắm. Họ thông báo rộng rãi cho nhau. Họ mời cả bạn bè bản xứ. Buổi diễn được tổ chức tại nhà hàng của một anh Việt kiều trong dịp tết trung thu năm đó. Có lẽ, đây là một "gánh chèo" độc nhất vô nhị trong lịch sử nghệ thuật chèo của Việt Nam. Chỉ có một diễn viên, vừa là thành viên, vừa giữ vai trò "Trùm". Lại chẳng có bất kể một loại đạo cụ nào!
Tối hôm đó, bạn bè người Việt, người bản xứ đến xem em diễn rất đông. Kể từ khi lưu lạc đất người, chưa năm nào tại thành phố em ở, cộng đồng người Việt lại gặp nhau đông đến thế. Bạn bè bản xứ đến xem cũng không ít.
            “Về buổi diễn này, ta đã được biết qua lá thư chúc tết của em năm đó. Thật mừng vì cái "duyên" chèo vẫn sâu đậm trong em” - giọng nói mơ hồ đâu đó lại trầm trầm bên tai bà. Mệt mỏi, bà ngồi xuống chiếc chiếu trải trước ban thờ, cúi đầu rì rầm như tâm sự với chính mình.
            Em bước ra “sân khấu”, tim đập thình thịch. Hồi hộp đến nghẹt thở. Mà đâu phải sân khấu như em đã từng diễn ở quê nhà. Chỉ có một khoảng sàn hẹp phía gần quầy rượu. Khán giả quây kín ba mặt. Không gian ước lệ của “sân khấu” do em tưởng tượng ra. Trang phục mớ ba mở bảy của cô Mầu chẳng có, em vẫn làm điệu bộ vuốt nhẹ mái tóc vấn đuôi gà, cầm tà áo phe phẩy khi ve vãn quanh một Thị Kính vô hình. Em không còn là người phụ nữ đang tuổi ba lăm. Cái cô Mầu “lên chùa từ mười ba”, lẳng lơ, đĩ thoã, da diết với bản năng trần tục của con người mà em thể hiện, cứ vần vũ, uốn lượn quanh những chiếc bàn, chiếc ghế ngay cạnh “sân khấu” để “đi rình của chua”. Cô nghiêng, cô ngả, cô da diết nắm lấy cái cán chổi (những cái thành ghế ngay cạnh “sân khấu”) của Thị Kính với ánh mắt đong đưa, liếc ngang, liếc dọc tìm kiếm sự đồng loã của Thị Kính, mà không được. Thế là, cô giận dỗi, vùng vằng, cong cớn “Bỏ mõ em đánh cho nào. Người đâu thấy gái lại chạy thế?". Khán giả, diễn viên đã hoà vào làm một, cảm thông, thán phục và ngưỡng mộ. Tán tỉnh mãi Thị Kính mà không được, Thị Mầu gục xuống, sau khi hát mấy câu đầy si mê cuối cùng của trích đoạn: “Chẳng trăm năm cũng một ngày. Gương kia còn bóng, áo này còn hơi! Tôi ngồi lấy hơi thầy tiểu xem, chị em ơi”. Động tác gục xuống là do tập trung cao độ để diễn, nên em gần như kiệt sức. Nhưng mọi người lại hiểu là em đang ôm riết lấy cái áo (tưởng tượng) của Thị Kính, đã bị em kéo tuột ra khỏi người, khi em nắm lấy cái tay áo rộng thùng thình của nàng, còn nàng thì chạy mất. Tiếng vỗ tay rộ lên chẳng dứt. Những người bạn bản xứ tỏ ra xôn xao lắm. Họ đã hiểu nhân vật bằng ngôn ngữ của nghệ thuật chèo, chứ không phải bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Ngẩng dậy, khuôn mặt em đầm đìa nước mắt. Em tưởng như mình đang ngồi trên chiếc chiếu chèo sân đình nơi quê nhà, xung quanh có những người thân, bè bạn xuýt xoa, khích lệ. Lạ hơn nữa, đứa con gái nhỏ của em lúc đó ngồi ngay cạnh nơi em gục xuống. Mắt nó cũng đẫm nước. Lẫn trong nước mắt, em phát hiện những tia nhìn lạ lắm. Em dám chắc, đó là tình yêu thiết tha của nó dành cho làn điệu chèo dịu ngọt mà em vừa thể hiện.
            Em định diễn tiếp trích đoạn “Xuý Vân giả dạI”, song không đủ sức. Đành khất mọi người. Đêm đã khuya. Tất cả như chưa hết hưng phấn, đều nấn ná không muốn về. Câu chuyện rôm rả, xoay quanh việc cần phải tổ chức một đoàn nghệ thuật của Việt kiều bên này. Chủ yếu là biểu diễn chèo. Em không ngờ, trận đầu “xuất quân” lại thắng ròn rã đến thế. Em nhận ra điều quan trọng hơn là, dù xa quê hương nửa vòng trái đất mà cộng đồng người Việt vẫn nặng lòng đến vậy với những điệu chèo dân dã của quê hương. Và sau đó...
            “Những chuyện sau đó, em đã viết thư kể với ta. Chỉ tiếc rằng, ta chưa bao giờ có dịp sang bên ấy, để một lần xem em diễn. Bây giờ thì, âm dương cách biệt...”. Thày ơi, vạn dặm xa xôi, ngàn lần em có lỗi đã không kịp về gặp thày trước khi biệt ly mãi mãi. Với bất kể nguyên do nào, vẫn là lỗi tại em. Thày đã dạy: “Có những điều tìm ra tận cùng nguồn gốc cũng chẳng thể làm gì. Và như vậy, đành phải mang theo về cõi hư huyền”. Vâng, em đành phải ôm niềm ân hận này cho đến tận khi theo thày về nơi thiên cổ. Chỉ một điều, em muốn nói cùng Người. Đứa con gái nhỏ của em, nay lại giữ chân “Trùm” của một gánh chèo không chuyên tại đất nước mà gia đình em đang định cư. Gánh chèo ấy giờ “giàu” lắm, đầy đủ các loại đạo cụ hẳn hoi; chứ không như cái “gánh chèo độc nhất vô nhị” mà em ra mắt lần đầu tiên với cộng đồng người Việt đâu. Mỗi dịp lễ tết của Việt Nam, cộng đồng người Việt ở đó rất háo hức rủ nhau đi xem hát chèo. Nếu thày thấy con gái em hôm nay, ắt tưởng như nhìn thấy mẹ nó một thuở... Ôi, cái “duyên nghiệp” với chèo chẳng khác gì như một định mệnh của cuộc đời em!
Cuộc đời con người ta cho đến lúc xuôi tay, hãy hỏi xem mình đã làm được gì cho thiên hạ. Dù phải tha phương, dù từng bị ruồng rẫy, nhưng em vẫn yêu thiết tha mảnh đất này, vẫn đắm đuối với làn điệu chèo dịu ngọt, quyến rũ của quê hương. Em còn làm cho nó vươn dậy mạnh mẽ, đi xa ngàn trùng... Thử hỏi, ở đời này dễ có mấy ai?”.
Thày ơi, những việc em làm được chỉ là hạt cát nhỏ trong sa mạc mênh mang. Sao có thể sánh với công lao mà thày đã tâm nguyện xây đắp cho nền sân khấu nước nhà. Nhưng thày ơi, đến giờ, thày có thể vững tin rằng, chèo “của em”, “của thày”, của dân tộc mình, không những được giữ gìn, bảo tồn trong nước, mà còn đang được yêu mến đón nhận ở nhiều nước trên thế giới, nơi có đông đảo cộng đồng người Việt đang sinh sống. Và, cả bạn bè các nước nữa. Nơi cõi hư huyền, thày hãy vui lòng…”.
Bà từ từ đứng dậy. Vái lạy lần cuối cùng người thày yêu kính của mình, rồi bước lùi ra cửa. Ánh mắt trong di ảnh rõi theo cho đến khi bước chân bà đi khuất.                                   
-  In trong tập Nốt nhạc trầm, Nxb Hội Nhà văn, 2014
Tác phẩm được Giải Nhì Cuộc thi Truyện ngắn và Thơ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
Do Hội LH VNNT Hà Nội – Báo Người Hà Nội tổ chức (2005-2006)
19/12/2006




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét