Truyện ngắn Giang
Trung Học
Trên đời
này hỏi còn ai khốn khổ hơn hắn. Hai chân cụt quá đầu gối.
Tay phải cũng chẳng còn. Đã thế, hắn lại không có ai thân thích.
Không tiền bạc. Không cửa nhà. Tất tần tật là con số không. Đôi lần
hắn muốn chết quách cho xong một kiếp người. Chẳng thiếu gì cách
chết. Nghĩ đi nghĩ lại, hắn sợ chết. Đành chống chọi để sống. Sống
lê lết khắp cái thành phố mênh mang, lạ lẫm, sớm nắng chiều mưa này.
Chỉ bằng độc cách ăn xin thiên hạ.
Trước một quán phở
sớm nay, lúc người ta chưa mở cửa đón khách đã thấy hắn ngồi lù lù, như
đống giẻ rách ngấm nước bởi trận
mưa tầm tã. Cuộc vật vã kiếm ăn dưới nắng hè đổ lửa
khiến
hắn kiệt sức, dành bạ đâu
nằm đấy. Hắn đã nằm dưới hiên quán
phở này suốt cả đêm qua. Biết đoạn đường đến nơi trú ngụ chẳng
bao xa, nhưng hắn không đủ sức lê thân trở về.
Nơi hắn trú là
cái hang chó dưới gầm cây cầu bê tông vắt
ngang sông. Vậy mà hắn phải mò mẫm mãi
mới tìm ra nó. Những mong nơi
đấy có thể giúp hắn giành
giấc ngủ yên thân trong mỗi đêm đêm. Trước đó hắn tưởng nơi thành phố
mênh mang này, vỉa hè xó chợ thừa đủ cho hắn nương
tựa cả đời. Nhưng không. Ở những
nơi ấy, bất kể giờ nào hắn cũng dễ dàng bị xua
đuổi. Người ta xua hắn như xua một tên hủi cùn hủi cụt. Như để loại
trừ một vụ khủng bố, hoặc là vụ ăn
cướp có thể xảy ra. Còn trời đất xua hắn bằng mưa, bằng gió, bằng ánh nắng chói chang
ngày hè, bằng cả cái giá lạnh lúc canh khuya. Hắn
đành cam phận rúc vào ở cái
hang chó ấy.
Lần đầu đến thám
thính cái hang, lúc vừa thò mặt
đến cửa, hắn bị một thứ mùi hôi vừa lạ vừa quen xộc thẳng tận họng. Hắn xác
định ngay, đấy là mùi chó. Mùi chó trong hang yếm khí, khiến hắn hắt hơi năm
cái liền, rồi vội bò lùi trở ra. Không mau ra, đụng phải chó dữ khó mà bảo toàn
mạng sống. Nhưng vừa lùi được một tí, hắn chững lại ngay. Bởi trong hang có chó
dữ thì nó đã bổ thẳng vào hắn tức khắc rồi. Sau mấy phút nghe ngóng, không thấy
phản ứng cản trở nào, hắn quyết định thám thính tiếp. Qua cái cửa hẹp là ô đất
khá rộng, đủ để hắn nằm ngồi nghỉ ngơi. Nhưng mà… nhưng mà… lũ chó đi đâu?
Chúng đi kiếm ăn, hay đã bỏ nơi này? Xem chừng thì chúng bỏ hẳn rồi. Ngoài trời
đang đầy nắng; nhờ vậy hắn nhận rõ mọi dấu tích chó để lại trong hang đều đã
cũ. Những vết chân cào trên nền đất như bị phủ một lượt rêu trắng nhờ, mỏng
tang. Và mấy mẩu xương khô cỏng khô queo
trỏng trơ bừa bãi. Thôi thì kiếp chó
chúng mày đã bỏ nơi đây, hãy để kiếp người tao tiếp thu vậy. Với kiếp người,
ngoài tao, hẳn không ai chịu đưa thân đến ở cái hang này, phải không? Sau ít
phút ngó nghiêng, hắn ngồi áp lưng vào vách hang, cặp mắt lim dim như thỏa mãn
lắm. Thế là từ nay hắn đã có chỗ nằm
ngồi nghỉ ngơi, để mà tránh nắng tránh
mưa, và tránh mọi sự xua đuổi của con người. Mai mốt, chỉ
cần hắn tha về vài cái bao lác bao đay phế
thải ở đâu đó, để mà thay chiếu thay chăn cho yên giấc ngủ là
xong.
Nhưng rồi hắn lại nghĩ: Liệu lũ chó hoang
kia có quay lại đây không? Hay là một đàn chó khác kéo đến thì sao? Biết chẳng
thể giải đáp những điều mình đặt ra, hắn chép miệng: Thôi, mặc nó. Lửa cháy đâu
thì ta liệu đấy. Chó má, bỏ qua đi. Cái đáng lo đáng ngại chính là sự cư xử
giữa con người với nhau thôi. Không biết người ta có để cho mình sống yên thân
trong cái hang chó này?
Ít lâu sau, câu hỏi hắn đặt ra đã được giải
đáp: Chỉ trong vòng một tháng, hắn phải bốn lần đối mặt, khai trình, cầu xin
đồng loại - là những đội tuần tra an ninh, từ phường quận đến thành phố. Cho dù
trong lòng đầy oán giận, nhưng miệng hắn cứ phải thưa dạ ngọt xớt, và trả lời
trôi chảy tất tật những điều họ căn vặn thật khó lọt tai. Có vậy mới mong hưởng
sự ban phát chiếu cố từ họ, để hắn được tiếp tục cư ngụ trong cái hang chó ấy.
Nếu họ bất ưng, hắn sẽ bị tống khứ với vô vàn lý do. Rằng nơi cây cầu là tuyến
giao thông quan trọng của thành phố, nên cấm tuyệt đối mọi hành động vi phạm.
Rằng hắn vốn là tên lính ngụy - một đối tượng cực kỳ nguy hiểm, cần phải ra tay
hót liền. Rằng… v.v… và v. v…
Sớm nay, trước quán phở này, mặc
dù hắn đã chọn chỗ ngồi không hề làm vướng bận khách ra
vào, nhưng vẫn nơm nớp nỗi lo bị
xua đuổi. Toàn thân ướt lạnh, lại thêm cái
đói cồn cào suốt đêm, khiến hắn
run cầm cập liên hồi. Bị đuổi, nghĩ chẳng còn sức lê đi, nếu bây
giời hắn không được thứ gì
nhồi nhét vào bụng. Thế nên cả tiếng đồng hồ hắn
đành im lặng như một thằng câm, không hề cất
lời xin xỏ bất kỳ ai. Chỉ lâu lâu, hắn mới chìa
bàn tay độc nhất, khô héo, đen đủi, ra
trước khách; để cầu mong sự cảm thông,
thương hại, bố thí. Nhưng cả mấy
chục lần chìa tay ra, có ai động lòng thương xót hắn đâu. Hắn đã quen
cái
sự cư xử lạnh lùng như thế. Quen cả những lời nhiếc
móc mắng mỏ, mà nguyên nhân chẳng bởi hắn gây nên.
Cho mãi tới lúc vắng
khách, bà chủ quán béo nộn béo
phì mới buông một câu lạnh lùng hỏi hắn:
- Có cái gì đựng
không?
Hắn vội vàng đáp, như
thể chậm lại sẽ bị cắt suất tức thời:
- Dạ... dạ... có...
có... ạ!
Liền đó là cái bát
chậu bằng sắt tráng men, sứt sẹo, cóc cáy, được hắn chìa
ra. Và một thứ phở hổ lốn, dồn
từ đồ thừa của khách, được trút
vào cái bát ấy. Hắn cúi đầu cảm ơn cô gái chạy bàn, theo lệnh chủ,
đã
đem tận nơi cho hắn. Vừa ngửi
hơi thức ăn, hắn thấy ấm tít sâu trong bao tử.
Xưa kia, nhìn những kẻ sa
cơ tranh giành thức ăn thừa thải nơi
quán xá, hắn vội né xa, và từng nôn oẹ. Phải ăn những
thứ cho chó cho heo, khổ đến vậy mà sao họ
không dám chết. Sống kéo dài nỗi khốn nạn
để làm gì. Con người
ta sống do bản năng hay vì ý
thức quyết sống? Hắn không tự giải thích được những điều mình
đặt ra. Mà những điều
ấy chẳng làm hắn bận tâm lâu. Nó vuột đi
khỏi hắn như làn gió thoảng, chẳng hề đọng lại tí gì.
Nên lúc này, hắn càng không mảy may gợn nhớ tới hành động vả
cả loạt câu hỏi mình từng đặt ra từ cái thời
xưa ấy. Hơn nữa, sự sống cùng cực đã sớm làm cho não
hắn lì hết mọi lớp nhớ rồi. Lúc này vì quá đói, hắn
đang háo hức cần ăn. Vục miệng xuống
cái bát để trên bậc thềm, với sự trợ giúp của một bàn
tay còn sót lại, hắn húp đớp ngấu
nghiến, như thể giống heo ăn cám trong chậu vậy. May thay cái bao tử
hắn, chẳng biết từ khi nào đã trở thành
cỗ máy nghiền miễn dịch với tất thảy những đồ ăn
mất vệ sinh, chẳng khác dạ dày của bày chó bày heo.
Ăn xong, hắn lau qua
quít bát muổng bằng vuông giấy chùi tay thải bỏ, rồi
nhét nó trở lại cái túi bạt quân dụng luôn
theo sát bên mình. Trong túi còn
cả bộ quần áo lính rách bươm, nồng mùi mồ hôi, giống y bộ
đang mặc trên người hắn. Đó
là tất cả tài sản của hắn. Nó bất ly thân như súng đạn với người
lính vậy.
Hắn đã gần ba năm làm
lính. Một anh lính bị bắt buộc thực hiện quân dịch. Hắn từng chủ
tâm trốn chạy sự bắt buộc ấy, nhưng
không thoát. Tội gì đâm đầu vào chỗ chết để xây cái ghế vương giả
cho một nhóm người. Phải, thời nào cũng chỉ một nhóm người được
hưởng đặc quyền đặc lợi thôi. Còn hắn, tuy không
chết nhưng tàn phế như thế này đây. Sau khi chữa chạy vết thương, hắn
được hưởng chế độ nuôi dưỡng suốt đời ở một trại phế binh. Hắn
không mong hưởng cái chế độ ấy.
Mong, hoá ra thích mình tàn phế ư. Chỉ
kẻ rồ dại mới nghĩ thế. Nhưng khi số phận bị rơi vào cảnh
bĩ cực thì, chế
độ nuôi dưỡng ấy đủ để cho hắn yên
thân hết đời. Thế rồi, sự xoay vần của cuộc chiến đã quẳng hắn ra
ngoài lề cuộc sống chung. Chế độ Cộng hòa sụp đổ khiến hắn mất hẳn nơi nương
tựa. Hắn buộc phải sống lê lết, ăn xin khắp nơi.
Kẻ lành lặn chân tay đi ăn xin
đã là cơ cực quá rồi. Què
cụt như hắn, nỗi khổ càng không
kể xiết. Hắn đâu phải con người, mà là
cái khối thịt nhọ nhem, với cặp mắt
trắng dã
như thể mắt heo luộc. Da dẻ hắn
thì đầy mụn nhọt, giống hệt người
mắc bệnh SIDA giai đoạn cuối. Dạng hình như
thế, nên chẳng ai
muốn giáp mặt hắn. Hắn biết mình kém giá hơn con
chó ghẻ. Chó ghẻ còn có thể chế thành món
nhậu cho những kẻ bạo gan say sưa lu bù. Hắn
thì không!
Lúc
này là giữa trưa. Hắn vẫn trên lộ trình ăn xin, vừa là
trên đường về nơi trú ngụ. Tối nay, dù thế nào hắn
cũng phải giành giấc ngủ ngon. Hắn đang lết qua một ngã tư đường
phố. Với bàn tay độc nhất còn lại, hắn chống xuống mặt đường,
nghiêng người ở tư thế lao về phía trước.
Cách di chuyển này, hắn vận dụng từ động tác
bò nghiêng thời làm lính. Hoá ra đời lính cũng hữu
ích tí ti cho hắn. Dưới nắng, hắn chậm chạp lết
lên từng tý, từng tý. Chậm như ông mặt trời giữa trưa hè này, cứ lơ
lửng hững hờ trôi mãi không qua khỏi đỉnh đầu hắn. Không
khí nóng hầm hập. Nóng từ trời cao dội
xuống, nóng từ mặt đường nhựa bốc
lên, khiến quần áo hắn luôn đẫm mồ
hôi. Lết mãi, rồi hắn cũng qua nổi nơi ngã
tư dài chừng một trăm mét ấy. Không đủ sức tiếp tục cuộc
hành trình, hắn phải nghỉ ngay bên lề
đường, dọc rãnh nước thải. Hắn nằm úp mặt trên
cánh tay, mắt nhắm nghiền. Nếu không nghe phì phò
tiếng thở, người ta dễ nghĩ đó là một khúc xác chết.
Hắn chết thì chẳng có
gì đáng nói. Tình cảnh hắn, chết lúc nào cũng phải thôi. Hắn sống
mới là sự lạ. Sự lạ ấy bắt đầu từ sau khi cái trại nuôi dưỡng phế
binh bị phá bỏ. Hắn là kẻ vô gia cư, không
nơi nương tựa, đành phải sống
đời ăn xin nhục nhã, nhếch nhác, đã hơn ba năm nay. Cực là thế nhưng
cũng may, hắn chẳng hề ốm
đau trầm trọng bao giờ. Lúc mới sa cơ, đôi khi hắn nghĩ day
dứt đến cháy lòng, song vẫn thấp thoáng tia hy
vọng đổi đời. Chẳng là, phía bên kia họ từng nhồi sâu trong
não bộ hắn rằng: Người bạn Mỹ cùng Chính phủ
Cộng hoà không bao giờ bỏ mặc các chiến binh đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc. Đây
là sự cam kết danh dự! "Danh dự cái mẹ gì. Đấy chỉ
là lời hứa hão, bịp bợm. Tao khốn khổ bao
năm rồi, hỏi có ai tìm đến cứu vớt. Mà chẳng
có chúng mày cứu, cái thằng tao vẫn sống. Tao còn sống lâu. Hãy
mở to mắt ra mà xem tao sống. Tao sống thế nào?... Như con vật bị
ruồng bỏ… Như loài sâu bọ… Thì trước sau tao
vẫn là tao!". Có lần vì quá uất
ức, hắn đã thét lên như thế. Liền đó là
những tiếng nấc nghẹn tắc trong cổ họng. Nước
mắt thì cạn khô sạch rồi.
Nghĩ cũng thương
thay thân phận hắn. Tuy đã có thời cầm súng, nhưng xét cho cùng, hắn là
kẻ vô tội. Vì chưa một lần hắn nhằm bắn vào ai. Bị
bắt buộc đi lính, hắn trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc. Nay chiến
tranh qua lâu rồi, còn hắn vĩnh viễn cứ
là nạn nhân. Cho dù trong
tương lại nền y học nước này đạt thành tựu lớn đến đâu, cùng với khả năng kinh
tế giàu có, thì cái thân hình què cụt và sự ăn ở khốn khổ của hắn vẫn vậy thôi.
Bởi hắn đâu phải là đối tượng được cứu giúp. “Chỉ mong - hắn nói - tới ngày nào
đó, mọi người không coi tôi là kẻ thù của nhân dân nữa. Vậy thôi!”. Kẻ thù!? Đó
chỉ là một thứ quan niệm tạm thời. Liệu có dễ dàng xóa bỏ được không? Hay chẳng
bao giờ?...
Nhưng hắn đã quyết, dù phải sống như con
vật, như loại sâu bọ, thì hắn vẫn sống. Nên, vừa lết qua cái ngã tư dưới nắng
nóng hầm hập, hắn đã có thể bình thản ngồi gậm nhấm ngon lành chiếc bánh bitquy
bên gốc bàng cửa tiệm cà phê. Bất chấp cả vừa
đó, một chiếc hon đa vội tránh tai nạn, đã băng lên vỉa hè, đâm xây sát khuỷu tay hắn. Ông ta xin
lỗi, rồi vét túi đưa cho hắn hơn chục tờ giấy
bạc hai trăm đồng - tiền của chính quyền cũ còn được lưu hành trong
những năm đầu giải phóng. Số tiền không to
nhưng đủ để hắn sống cầm hơi mấy ngày. Chứng
kiến sự cố, mấy người ngồi tiệm cà phê thương cảm, ném cho hắn gói bánh dùng dở.
Khi cả thành phố lên
đèn hồi lâu, hắn mới nghĩ phải về nơi trú ngụ của
mình. Dễ đến bốn đêm rồi, hắn chưa trở về. Ngày
hôm nay - hắn nghĩ - gặp hoạ hoá ra hên. Có của
ăn, cả của để dành. Lúc ngang qua cái
vòi nước
công cộng, như thông lệ, hắn ngửa cổ uống từng thôi
ừng ực, rồi
rúc đầu vào gội rửa tóc tai mày mặt cho
thật đã. Thấy hắn đang say sưa thụ hưởng; những người đến
lấy nước đành xách xô đứng chờ và thì thầm kháo
chuyện về hắn. Khi con người tiều tuỵ bẩn thỉu
đó rời bỏ độc quyền rồi, họ vội xông đến cái vòi, xô
đẩy nhau… vì nước(!) Lúc này, đương
nhiên họ quên luôn hắn.
Hắn thì đang lết
đến nơi có tấm bê tông nhẵn nhụi, ấp trên cái
cống thoát nước ra sông cái. Tại đó, hắn ưa ngồi
hóng mát sau mỗi ngày kiếm ăn trở về. Nhìn sóng
sông dập dìu, với gió nam thổi mát tận lục phủ
ngũ tạng, hắn thấy khỏe luôn. Ngày
hè không có những phút tận hưởng thế
này, hắn chết mất. Tại đây, thi thoảng hắn còn đánh
giấc ngủ ngon nữa chứ. Mở mắt ra, có lần thấy
cả dải ngân hà chạy suốt bắc - nam, khiến hắn nhớ
tận những ngày bé thơ sống bên cha mẹ. Đêm
đêm, cả nhà hắn hay chơi trò đếm sao trời.
Thật hồn nhiên, vô tư.
Vậy mà nay, sự
hồn nhiên vô tư ấy biến mất; chỉ còn nỗi
đau chất chồng đeo bám cuộc đời
hắn. Ngày. Đêm. Đi. Về. Nó đang theo về cùng
hắn đây này. Như cái bóng ma ám ảnh. Song hắn dám đối mặt, dám
thách thức. Dường như sự tàn nhẫn càng đè nặng thì ý chí bất phục
tùng trong con người hắn càng nổi trội lên. Chẳng có mưu cầu gì
khác, chỉ bởi hắn chưa muốn chết.
Vì thế hắn phải cúi đầu thưa dạ tất thảy
các hạng người. Nếu chán sống, hắn đã bắt mấy đứa bỏ mạng rồi. Hắn chỉ cần thả
một trái lựu đạn là xong. Mà, theo hắn, trái lựu đạn ấy phải nhằm vào những tên
Tuần tra an ninh - khi cần. Còn những thứ như Cờ đỏ, Dân phòng, Tự quản… thì
cho qua luôn. Bởi chúng chỉ là thứ tay sai cuối rốt của chính quyền đương thời
này thôi. Duy nhất có bọn Tuần tra an ninh rắp tâm làm khổ hắn. Dù hắn vạ vật
nơi xó xỉnh nào, bất kể sớm khuya, đều không yên. Nay ở thế đường cùng, hắn
phải rúc vào cái ổ chó, nhưng vẫn bị hạch sách luôn luôn. “Vậy là sao? - hắn tự
hỏi, và bình tĩnh tìm kiếm lời giải đáp cho mình vào một đêm khó ngủ - Là sao
ư? Là người thừa của chế độ này. Nhưng họ lại không giết ta bằng một viên đạn
hay nhát dao. Mà họ giết bằng cách không
chấp nhận ta được trú ngụ ở bất kỳ nơi nào, bởi rất nhiều lý do: làm cản trở
giao thông, làm mất mỹ quan thành phố, vi phạm quy chế bảo vệ cầu phà… Rồi,
nghiêm trọng hơn là, họ quy kết ta cố tình bôi nhọ chế độ. Như thế tức họ muốn
ta phải chết!”.
Sau lời giải đáp, hắn thở dài thườn thượt,
nhưng ý chí quyết sống vẫn nguyên vẹn. Bởi chẳng phải đến lúc này hắn mới biết
mình bị ruồng bỏ. Lúc này, mọi điều hắn nghĩ chỉ là sự quy nạp bất chợt về
những hiện tượng đau lòng mà chính quyền đương thời đối xử với hắn.
Hắn đã lê thân xuống được cái
dốc đê thoai thoải,
dài
chừng chục mét, và đang ngồi
nghỉ tại đó. Bên dưới là mặt sông. Những
vệt sáng lấp lánh nối nhau toả dài theo dòng
nước chảy. Trên đầu, xe cộ không ngừng qua lại cây cầu. Nghỉ lấy sức
rồi, hắn chỉ việc nhoai chéo lên chừng nửa
đoạn dốc vừa xuống là tới cửa hang -
nhà hắn. Đêm dễ đã khuya. Nhiều sạp nhảy, quán bar không còn thứ ánh sáng lập
loè xanh đỏ. Đèn trên cây cầu cũng đã tắt bớt. Nơi cửa hang ém sát ngay sau
trụ cầu nên tối mịt tối mò. Hắn
phải hướng nhìn vào đấy ít phút cho cặp
mắt làm quen, thì mới dễ dàng lê lên được.
Vừa tới gần cửa
hang, hắn giật thót mình bởi có tiếng chó gầm gừ đe dọa. Chưa
kịp định thần, chưa kịp thế thủ, thì một con vật đen xì, khá
to, từ trong hang lao thẳng vào hắn. Hắn vội né. Con vật đang đà, vút
qua. Song nó vẫn xé rách vai áo hắn. Tức thời, hắn nhận ngay ra nó
là con chó đẻ. Vì cùng lúc có tiếng kêu rộn lên của đàn
chó con. Phản xạ tự vệ xui khiến hắn phải nhanh chóng xử
trí. Muốn thoát xa cái hang thật mau, hắn không thể bò lê
chậm như rùa được, mà chỉ bằng độc cách là lăn.
Nhưng đà tuột dốc sẽ dễ dàng ném hắn
xuống dòng nước sâu. Cái khúc cơ thể hắn khó có cơ hội túm nổi vật
gì để dừng lại. Với lại con đê
đất ấy, ngoài màn cỏ lơ thơ, chẳng có cây cối nào để cho hắn túm. Mà cho dù hắn có gặp may để khỏi
rơi xuống dòng sông, thì con chó đẻ kia không
dễ buông tha đối thủ, khi trong nó đã sôi dòng huyết
chiến nhằm bảo vệ đàn con. Đang lúc con
chó hung dữ mất đà nhao xuống dốc, hắn này ngay ý nghĩ chiếm
lĩnh cửa hang để giành lợi thế. Chắn được
cửa hang, dù chỉ có một tay, hắn cũng dễ bề
đối phó hơn. Thêm lợi thế nữa cho
hắn là, trong hang còn hai
hòn gạch gối đầu và mấy cái bao đay, đều có
thể dùng làm vũ khí chiến đấu được. Vậy
mà lực bất tòng tâm. Mặc dù hắn đã dồn sức nhoai lên, nhưng vẫn
không kịp giành lợi thế. Con chó đã lại sấn sổ lao đến. Hắn
chống đỡ bằng cách dùng cái
túi bạt quân dụng quật thẳng vào mặt nó. Sau mấy lần co kéo
giữa hai đối thủ, cái túi bị con chó giằng mất, hắn
quyết đánh bằng nắm tay trần. Mỗi lần nắm tay hắn vung
lên, là điểm con chó nhằm vào triệt hạ. Nó cắn, cào, xé… lên tay, lên
mặt, lên khắp người hắn. Cũng mấy lần con chó bị đấm
thẳng đấm chéo vào mặt vào
đầu, bằng cả sức mạnh tổng lực của hắn; khiến nó khiếp sợ, phải
buông hắn ra, phải lùi trở lại. Sau mấy
hiệp đấu, hắn cảm thấy khắp cơ thể tê buốt và rỉ máu, song không hề nhụt
chí. Không thể dừng trận quyết đấu. Dừng lại là buông
xuôi đầu hàng. Dừng, con chó hoang nuôi con dữ tợn này cũng
không buông tha hắn. “Mà tao đâu phải
kẻ thù của mày. Ngay những dứa rắp tâm hành hạ tao đến khốn khổ khốn cùng, tao
còn chưa nghĩ nó là kẻ thù của mình cơ mà. Nhưng tao biết, sức chịu đựng của
mỗi người đều có giới hạn. Chớ nên đẩy nhau vào thế đối đầu!”. Đấy là ý nghĩ
bỗng vụt ra từ tâm não hắn, khi con chó đang gầm gừ trước lúc nhào trở lại đối
thù của nó. Rồi, hắn bỗng nghe tiếng chó con nháo nhác, như gợi ý hắn phải
quyết xông lên chiếm giữ cửa hang lần nữa. Ý đồ mà đạt được, hắn sẽ tóm cổ lũ chó
con để làm vũ khí chống lại mẹ nó. Thử xem tình mẫu tử
loài khuyển mã chúng mày thế nào?
Khi hắn vừa nghiêng người đổi hướng để
nhoai lên, tức thời bị con chó mẹ bổ đến nhay ống
quần kéo tuột trở lại. Cơn điên máu trong hắn vụt bùng
lên. Hắn lựa thế, oằn người, vung mạnh cánh tay về phía con chó. Bàn
tay hắn túm đúng cẳng trước
nó. Nó quẫy. Nó đạp. Nó cắn. Cốt giằng khỏi hắn. Nhưng
làm sao khác được, bởi hắn đã quyết đấu bằng
tất cả sức lực mình. Khi con
chó ra sức cắm những cái răng sắc nhọn xuống vùng vai
hắn, cũng là lúc hắn đang lựa thế
chống lại nó bằng hàm răng mình. Phải
lựa. Phải lựa. Và hắn đã tóm đúng thời
cơ. Ở tư thế hai kẻ kình địch ôm nhau giằng xé, hắn đã bập
được hàm răng vào cổ họng con chó. Cổ bị giữ, một chân trước bị
giữ, bởi thứ sức mạnh một mất một còn của
đối thủ, khiến con chó không thể đổi hướng đổi chiều chống chọi. Hắn chống trả với
tư thế thật bình tĩnh, chắc chắn. Còn con chó thì điên loạn cắn xé và không
ngừng đạp giãy, như để cố thoát thân theo bản năng giống vật. Nhưng không thể
khác được nữa. Bởi chính con chó đã gây nên cuộc chiến, khiến hắn phải quyết
đấu với ý chí của một con người không còn
gì để mất. Vì thế, chỉ
khi nào bộ não u mê, trái tim ngừng đập, hắn mới chịu
phần thua. Hắn biết mình đang nuốt qua họng, lúc mỗi mau hơn, từng
giọt, từng giọt máu chó; cùng khi ấy, máu
hắn cũng rỉ đẫm khắp người. Theo
bản năng, con chó bị đau, càng cố gồng
lên để thoát thân. Hắn thì quyết níu
chặt đối thù đến cùng.
Bỗng cả hai, con người và con vật như bị khóa chặt
vào nhau, cứ trượt dần, trượt dần theo
con dốc. Lúc nhanh. Lúc từ ừ. Có lúc chững lại. "Tao chết thì
mày cũng khốn đốn. Mà tao có định tranh giành gì với mày
đâu. Vì cùng đường, tao phải rúc vào cái hang ấy. Mày cố giành thì để tao
đi, thế là xong. Mày tưởng dùng sức mạnh nạt được tao ư? Không! Mày
đã buộc tao phải chống chọi. Chống chọi đến cùng". Đó
là những ý nghĩ chót của cuộc đời hắn, trước khi có tiếng ùm dưới
dòng sông cuồn cuộn chảy giữa đêm khuya mênh mông.
(*) - Đăng trên
http://newvietart.com/index3.6593.html
- In trong tập Chuyện đời 1, Nxb Thanh Niên, 2003
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét