Lại một cái Tết nữa, con không còn mẹ, cũng chẳng còn cha. Không biết đến bao giờ, con mới quen với ý nghĩ, rằng cha mẹ không bao giờ còn ở trên đời! Như một thói quen lẩn thẩn, từ ngày mẹ “ra đi”, rồi đến lượt cha “khuất núi”, mỗi khi tết đến xuân về, con lại lần giở từng “trang cuộc đời”, để tìm lại những kỷ niệm về cha và mẹ. Đây đó, ở mỗi “trang” nhỏ, vẫn đậm dấu ấn về một thời con còn có đủ cả mẹ cùng cha.
Cha Mẹ - năm 1998 |
Gia đình mình vốn dĩ đông đúc. Thuở còn bà nội, trên vai cha đã nặng gánh mưu sinh cho một gia đình hơn chục con người. Ngoài số nhân khẩu thường trực của gia đình, cha lại luôn rộng lòng mở cửa đón nhận bạn bè, học trò, từ các tỉnh xa về, ăn ở trong những quãng thời gian dài dài. Với cha, chuyện lo cơm áo gạo tiền cho vợ con là trách nhiệm đương nhiên; nhưng dành cho bạn bè, học trò, cũng là một thứ nhẹ như lông hồng vậy. Cha không muốn mẹ đi làm kiếm tiền. Mẹ ở nhà chăm một đàn con đến gần chục đứa, cha mới yên tâm cầm bút. Với một người sống bằng ngòi bút, giữ cho gia đình mình ở thời mấy chục năm trước tồn tại một cách bình thường, thật quá khó. Nhất là những ngày cuối năm, để có một cái tết tương đối trọn vẹn càng không dễ dàng gì. Vậy mà đến giờ, con vẫn nhớ như in những cái tết đầm ấm thuở ấy - thuở còn được trong vòng tay yêu thương của cả mẹ và cha.
Mãi đậm tim con là hình
dáng mẹ mỗi khi ngồi tỉ mẩn soạn những ô tem phiếu mua hàng. Thời
bao cấp, sự sống hằng ngày của từng người được tính bằng mỗi ô giấy
bé chỉ bằng đốt ngón tay. Những mẩu giấy bé xíu nhưng thật quan
trọng với mẹ. Vào dịp gần tết lại càng nhiều loại phiếu hơn, mà sao
mẹ vẫn nhớ rõ ràng, rành mạch. Đây là ô mua thịt. Kia là ô mua đỗ
xanh. Còn đó là ô mua gói hàng tết với những thứ tưởng như rất vụn
vặt. Nào là bóng bì. Nào là miến. Nào là mì chính. Nào là gói
kẹo đường đen... Mẹ xếp ra từng loại tem phiếu, rồi gói vào một
chiếc mùi xoa nhỏ. Mẹ nâng vạt áo cánh, nhét chiếc mùi xoa đã gói
gọn vào túi. Mẹ tìm chiếc kim băng nhỏ, cài chặt miệng túi lại.
Với mẹ, những ô tem phiếu trong chiếc mùi xoa là sinh mệnh của cha,
của chúng con, của cả gia đình mình. Những ngày thường, lo hai bữa
cơm chu tất mỗi sáng mỗi chiều cho một gia đình có bà mẹ chồng khó
tính; cho cha đủ đồ nhắm thết bạn nhâm nhi cùng ly rượu làng Vân trong
vắt; cho cả đàn con còn đang tuổi ăn tuổi học… đã là gánh nặng trĩu
trên vai mẹ. Những ngày lễ tết, gánh nặng ấy càng trĩu vai mẹ hơn.
Trước tết nhiều ngày, mẹ
thường dậy sớm, tong tả đi xếp hàng. Mẹ dự tính, hôm nay đi xếp hàng
mua đỗ xanh trước. Buổi chiều sẽ đi mua gói hàng tết. Sáng mai là mua
lá dong và ống giang để chẻ lạt. Những thứ này mua sớm, vì để được
lâu. Mẹ tính thật kỹ, thật đúng, để cầm chắc rằng, mỗi ngày mẹ sẽ mua
thêm được những thứ hàng, ngõ hầu làm cho mâm cỗ thời bao cấp bớt đi
sự đạm bạc. Nhưng nhiều lần, xếp hàng nửa ngày cũng có mua nổi những
thứ mẹ dự tính đâu. Khi thì hàng hết. Lần thì hết giờ bán hàng. Lần
thì mẹ bị chen ngang mất chỗ… Có thể liệt kê cả trăm nguyên nhân xảy
ra để thử thách lòng kiên nhẫn của mẹ, của những người dân luôn thấp
thỏm nỗi lo cơm áo. Còn thịt ư? Mẹ tính phải mua sát ngày dự định
gói bánh chưng. Một buổi sớm, mẹ dậy từ tinh mơ. Mới bốn giờ sáng,
khi chúng con còn đang vô tư ngủ ngon trong giường nệm ấm, mẹ đã khẽ
khàng mở cửa. Mẹ nhẹ bước chân để không làm kinh động ngòi bút của
cha. Mẹ bước ra đường trong luồng gió buốt lạnh, dưới làn mưa phùn
giá rét, chỉ mong xếp hàng được gần vị trí người bán, để mua cho xong
vài lạng thịt tươi. Con còn nhớ một lần, mẹ bị xô ngã xấp xuống
đường, thiên hạ cứ thế đạp lên lưng mẹ mà chạy đến chỗ xếp hàng. Quần áo
bẩn đã đành, mẹ còn bị xây xát cả mặt mày. Miếng thịt thời bao cấp
to quá! Khiến con người ta sẵn sàng dẫm đạp lên nhau mà giành giật.
Hôm đó, mẹ không mua nổi thịt. Mẹ còn bị nằm bẹp mấy hôm vì đau… Cho
đến tận khi làm mẹ, con mới thấu hết nỗi đau của mẹ lần ấy. Đau không
chỉ vì bị dẫm đạp lên người. Còn nỗi đau lớn hơn, là mẹ chưa lo được
cho cha cùng chúng con những chiếc bánh chưng với miếng thịt lợn mà
mẹ ưng ý. Nỗi đau thể xác không sánh được với nỗi đau tự vấn trách
nhiệm trong mẹ. Điều ấy, con chắc cha thấu lắm…
Chính vì thấu tình mẹ mà
quanh năm cha miệt mài trên những trang bản thảo. Đêm, cha cắm cúi lia
bút. Còn ngày, cha làm việc tại cơ quan. Có ngày cha tiếp bạn bè
bằng hữu tại nhà. Chiều chiều, cha chăm vườn cảnh be bé của mình
với những nhánh xương rồng gai góc. Nhiều người ví nhánh xương rồng
gai góc như là cá tính mạnh mẽ của cha - nhà viết kịch Lộng Chương.
Sau ngày cha mất, nhiều chú bác còn nhắc tới cá tính gai góc của
cha với tình cảm thật trân trọng. Con cũng biết, không ít người từng ngài
ngại cá tính ấy của cha. Nhưng nhiều học trò, bạn bè bằng hữu của
cha lại coi đó là nét đáng yêu đáng nhớ về cha.
Cuộc đời cha có thể đo đếm bằng
số lượng kịch bản đã sáng tác. Nhiều lắm. Hàng trăm kịch bản cha
đã cho ra đời. Những trang bản thảo của cha được viết trên đủ loại
giấy, trắng đen, to nhỏ, và cả trên những vỏ bao thuốc lá. Không ít vở
kịch của cha được đánh dấu bằng những sấp giấy mang tên thuốc lá:
Điện Biên, Tam Đảo, Trường Sơn… Chữ cha nhỏ, nhưng đều và thật rõ ràng.
Con đoán, cha viết nhỏ là để tiết kiệm giấy viết. Còn đều: là biểu
hiện sự kiên định trong tính cách cha - sự kiên định chưa từng một lần
thay đen đổi trắng trong cả cuộc đời. Về sự rõ ràng của từng con chữ thì
như chính con người cha vậy! Con người cha với đặc điểm rõ nhất là
chất minh bạch, bộc trực và thẳng thắn. Cái chất minh bạch, bộc
trực, thẳng thắn ấy đã từng nhiều phen làm cho thiên hạ mếch lòng.
Nhưng, không ít bạn bè, học trò, người quen… lại yêu kính, quý trọng
cha vì chất minh bạch, bộc trực, thẳng thắn ấy. Cũng có người cho
rằng, chất minh bạch, bộc trực, thẳng thắn trong cha là một nhược
điểm. Thì có sao đâu, phải không cha? Nhân vô thập toàn mà!
Cha ơi, con vẫn nhớ, mỗi vở kịch
viết xong cha lại cặm cụi ngồi gõ máy. Chiếc máy chữ đời cũ mang tên
“Olimpia” thuỷ chung theo cha đến mấy chục năm, liên tục vang lên “lạch
cạch… lạch cạch…” mỗi đêm hè nóng nực cũng như khuya đông rét buốt.
Với những ngày năm hết tết
đến, cha càng đưa bút mải miết hơn. Cả tiếng gõ máy cũng vội vàng hơn. Còn mẹ, cũng tất bật nhiều hơn với những
việc nội trợ mà người đời quen gọi “việc không tên”. Cơm tối xong, mẹ
ngồi chẻ lạt để gói giò cùng bánh chưng xanh. Đôi tay mẹ nhẹ lướt
trên những thanh giang. Lạt mẹ chẻ ra, mỏng, mềm, đều đặn lắm. Nhìn
những chiếc lạt của mẹ, con hay nhớ đến câu nói của cổ nhân: “Lạt
mềm buộc chặt”. Thế là con lại liên tưởng đến tình cảm dịu dàng
của mẹ đối với cha. Sự nghiệp của cha gắn liền với nền kịch nước
nhà. Còn sự nghiệp của mẹ lại chính là tình yêu mẹ dành cho cha. Con biết
cha luôn tự hào vì có mẹ. Suốt đời
cha - đời một nghệ sĩ, chưa từng có người đàn bà nào khác ngoài
mẹ. Suốt đời mẹ, trong tâm tưởng mình, cũng chỉ có cha. Nghe chuyện
tưởng như là huyền thoại vậy, nhất là trong bối cảnh cuộc sống xô
bồ giờ đây. Lúc này cha mẹ đã “khuất núi”, với những hiểu biết của
mình, con vẫn luôn khẳng định, tình yêu mà cha mẹ dành cho nhau là
một “huyền thoại có thật!”.
Lạt chẻ xong, mẹ đem cà rốt,
su hào ra tỉa để làm dưa góp. Qua tay mẹ, cà rốt, su hào trở thành những
hình quả lựu, quả táo, chiếc lá có răng cưa... làm duyên dáng thêm
bát nước chấm thơm lừng mùi tỏi với hạt muối tiêu. Con ngồi cạnh,
bắt chước mẹ tỉa hoa, tỉa lá. Nhưng bàn tay ham chơi vụng về, lóng
ngóng của con chẳng thể làm ra những chiếc lá, quả lựu xinh xắn như
của mẹ. Mẹ mắng yêu: Cha bố cô, còn tốn cơm, con ạ!
Những ngày này, ánh đèn
bàn của cha thường rực sáng thâu đêm. Vào dịp cuối năm, nhiều đoàn
nghệ thuật vẫn trông chờ ở cha những kịch bản hay, để ra mắt chào xuân
mới. Họ tin ở cha. Bởi họ biết, khi đã nhận giúp vở, cha chưa bao giờ
thất hứa. Chính vì thế, khi nói về cha, ông Hà Khang, một cán bộ lãnh
đạo ngành văn hoá tỉnh Thanh, từng thốt lên: "... những mong sao
trong anh em văn nghệ nhà mình có được nhiều người như Anh, hết lòng
hết dạ, lao tâm khổ tứ đầu tư cho công trình của bạn mình... Nhưng cho
đến nay, sau nhiều năm nhìn ngang nhìn dọc, trông lên trông xuống, tôi
ngẫm ra thì... có lẽ rằng là: Hiếm!" (Tr 923 Kịch
Lộng Chương, Nxb Văn học, 1997). Có nhiều vở kịch cha thảo xong
không kịp đánh máy, đã phải vội trao cho các đoàn nghệ thuật, dù nó
được viết trên những tờ giấy vừa đen, vừa sần sùi. Hồi đó, có giấy
để mà viết đã là may mắn lắm, phải không cha? Chỉ việc nhỏ vậy
thôi, mà cha cũng không có quyền lựa chọn. Cái khó thời của cha quả là
khủng khiếp. Vậy mà những cái tết của nhà ta bao giờ cũng thật vui.
Ngày gói bánh chưng, chúng
con xúm quanh manh chiếu mẹ trải giữa nhà. Đôi lúc vụng trộm, chị em
con nhúm nhanh mấy hạt đỗ bỏ vào miệng. Mẹ bắt gặp, chỉ nhoẻn cười
hiền. Mẹ còn dành đỗ gạo, gói cho mỗi đứa một chiếc bánh nhỏ.
Chiếc bánh xíu xiu nhưng chứa đựng niềm hứng khởi vô tận của tuổi
thơ chúng con. Vui nhất là khi chúng con nhìn cha bắc bếp luộc bánh
chưng. Bếp là ba chồng gạch cao, đặt ngay ngắn trước thềm nhà. Những
tưởng là nghệ sĩ chỉ quen cầm bút, cha khó có thể làm "ba cái
việc lặt vặt" này. Nhưng không phải! Sau khi bắc bếp, cha chất
củi thật khéo. Và, chỉ loáng một cái, củi đã cháy rừng rực. Mẹ
xếp từng cặp bánh chưng vuông vức, đều đặn vào nồi. Chúng con tranh
nhau, để lên trên cùng chiếc bánh nhỏ của mình, rồi thấp thỏm ngồi
quanh bếp, chờ nước trong nồi xình xịch sôi. Những đôi má trẻ thơ của
chúng con rực hồng trước lửa. Chúng con hít hà mùi lá dong cùng gạo
nếp bốc hương ngào ngạt. Lúc này thì cha yên tâm trở lại với trang bản
thảo viết dở trên bàn. Thỉnh thoảng cha dừng bút, thư giãn cùng mẹ
và chúng con. Mẹ nướng mời cha con mực khô. Cha xé nhỏ, chia cho chúng
con. Con ăn hết phần của mình, lại cò kè xin cha thêm mấy chiếc râu
mực. Cha âu yếm cốc nhẹ đầu con, chê ăn tham thế, rồi cùng mẹ nâng ly
rượu bên ngọn lửa hồng. Đôi mắt mẹ nhìn cha rạng ngời hạnh phúc. Đôi
mắt cha thanh thản ngắm nhìn ngọn lửa, bình tâm với ý nghĩ sẽ viết
xong kịch bản trước lúc trời rạng. Ý cha đã định, con biết bao giờ
cha cũng làm xong. Và con chắc tin, hai chữ "Lộng Chương" sẽ
được cha ký dưới trang bản thảo cuối cùng, cũng là lúc mẹ vớt ra khỏi
nồi những chiếc bánh chưng xanh thơm lừng. Con thường ngầm ngắm chữ ký của cha. Hai chữ "Lộng
Chương" cha ký, thật vô cùng khoáng đạt.
Sau bữa cơm tất niên chiều ba
mươi tết, mẹ lại tất bật chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa. Mẹ lúi húi với
chõ xôi gấc đỏ và nồi chè lam. Cả con gà trống hoa ngậm bông hồng nhỏ. Khi tiếng pháo bắt đầu râm ran đâu đó,
mẹ mới được ngưng tay. Lũ chúng con hồi hộp đón pháo nhà mình nổ ròn
rã; hồi hộp xem cha mẹ làm lễ giao thừa. Thích nhất là lúc cha tủm tỉm
mang ra những bao giấy đỏ, “mở hàng” cho chúng con. Trong đó chỉ là
những đồng hào mới coong, thơm lừng mùi giấy. Những đồng hào mừng
tuổi nhỏ nhoi, mà sao chúng con vẫn sung sướng đến vô cùng!?...
Rồi mâm cỗ đêm ba mươi diễn ra thật
đầm ấm, rôm rả. Mâm cỗ của một thời gian khó, mà sao mẹ lo đầy đủ
ngon lành thế. Bánh chưng, dưa hành, giò lụa, canh bóng bì thịt nạc,
nộm đu đủ xanh, nem rán thật ròn… chẳng thiếu một thứ gì. Khi ngồi
bên mâm, chúng con chỉ biết xì xụp, thấy ngon quá đỗi. Vì quanh năm,
nào có được một bữa ăn với nhiều món ngon như thế. Cha mẹ thì dường như
chẳng hề đụng đũa. Suốt bữa chỉ thấy cha nâng ly lên, rồi lại đặt
xuống; cùng nét cười rạng rỡ trên khuôn mặt hiền. Còn với mẹ, biết cha vui
và chúng con được no đủ, là mãn nguyện lắm rồi. Mãi sau này, khi đã
trưởng thành chúng con mới hiểu, mỗi món ăn trong mâm khi đó, đều đầy
ắp những gió sương lặn lội của mẹ; những đêm lạnh lẽo chong đèn,
miệt mài thao thức của cha. Con thường day dứt tự hỏi: Sao cha mẹ có thể bền bỉ gồng mình,
để đưa lũ chúng con vượt qua quãng dài của một thời khốn khó?… Để
đến giờ ngoảnh đầu nhìn lại, con vẫn ngỡ đó như là những giấc mơ…
Mấy
năm đầu của thời kỳ mở cửa, cuộc sống vật chất vẫn là nỗi lo
thường nhật của mỗi gia đình. Thế nên, mẹ vẫn tảo tần, vẫn cố lo đủ
cho cha cùng chúng con những cái tết xum vầy vui vẻ. Phần dành cho
mẹ, chỉ là những tiếng cười của cả một gia đình ấm êm, đông đúc cháu
con.
Nhưng rồi, bao biến động của
xã hội thời mở cửa, những vật vã chuyển mình của nền kinh tế thị
trường, đã làm đổi thay tất cả!
Cùng với thời gian trôi, cha
mẹ lúc này cũng bắt đầu đau yếu. Còn chúng
con, dù đã trưởng thành, nhưng lại
bị cuốn vào vòng xoáy lo toan cuộc sống riêng tư; nên nhiều lúc vô tình, không nhận ra nét ưu buồn
trên khuôn mặt tuổi tác của cha và mẹ. Mỗi độ tết đến xuân về, anh em
chúng con đã rủ nhau mua biếu cha mẹ những thứ mà ngày xưa mẹ phải
chật vật lắm mới xếp hàng mua được; cả những vật phẩm quý hiếm, không dễ
thấy ở nhiều gia đình. Và, thở phào nghĩ: Thế là quá "được"!
Sau đó, chúng con tản mát, ai nấy trở về lo việc nhà mình.
Cứ vậy, cho đến khi cả
cha và mẹ đều đã về nơi tiên tổ, chúng con mới bừng tỉnh, nhận ra sự vô tâm
cạn nghĩ của phận làm con. Lại nữa, khi rơi vào cái vòng luẩn quẩn khốn
khó của cuộc đời làm vợ, làm mẹ, con càng thấu hiểu công ơn trời biển
của cha và mẹ; phận làm con, cho dù có đền đáp bao nhiêu vẫn là chưa đủ! Mà,
cha mẹ có bao giờ đòi hỏi điều gì ở chúng con đâu. Âu đó cũng là những cái “nợ
đồng lần”, “nước mắt chảy xuôi’ phải không ạ, thưa cha mẹ! Biết lẽ đời là vậy,
nhưng trái tim con luôn nhói đau ân hận khi nghĩ tới cha mẹ, nghĩ về tình yêu
cạn kiệt của đấng sinh thành dành cho chúng con. Dẫu biết rằng nghìn thu nơi
ấy, giống như ngày xưa ở nơi dương thế, cha mẹ luôn tha thứ lỗi lầm
của lũ chúng con; song cứ mỗi dịp cuối năm, khi tết đến xuân về, con
lại bồi hồi nhớ cha nhớ mẹ, lại băn khoăn day dứt về một thuở vô tâm
cạn nghĩ của mình…
______________________
(*)
Báo KT&ĐT - Xuân Mậu Tý 2008
- Đăng Newvietart...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét