Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

CÔNG HÂM - Truyện ngắn, 1-2008, Báo Lao động Thủ đô cuối tuần

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm

         

Ai cũng gọi hắn là Công Hâm. Mà, phải gọi đầy đủ như thế. Chứ nếu gọi: “Công ơi!” hắn không thưa đâu. Hắn sẽ cho rằng, không phải gọi hắn. Dường như, hắn thật sự tự hào với cái biệt danh “Hâm” được gán cho từ những năm học cấp Ba ấy.

            Hồi ấy, lớp tôi có nhóm học sinh cá biệt. Nói đến từ “cá biệt” tức đích thị là mấy cậu choai chúa trốn học, quên làm bài tập, hay kéo bè phái gây gổ đánh nhau. Công Hâm nổi bật trong nhóm cá biệt còn vì cách ăn mặc, đi đứng. Cái thuở mấy chục năm trước, khi hầu hết mọi người chìm trong sự giản đơn và nghèo nàn của cuộc sống thời bao cấp thiếu thốn xưa, thì hắn đã nghễu nghện dạo quanh trường trên chiếc xe đạp “cuốc” Liên Xô trước đây. Trông hắn thật ngổ ngáo, bặm trợn. Chưa hết. Đi xe đạp “cuốc” nhưng hắn lại vận bộ quần áo nâu sồng, chân xỏ đôi guốc mộc. Rõ ràng là một cách thách thức trêu ngươi mọi người còn gì.

Thành tích của nhóm sở hữu tính chất “cá biệt” là kết quả học tập thường xuyên kém. Thế nhưng, tuy là một trong những thành phần “cộm cán” của nhóm “cá biệt”, Công Hâm học lại chẳng kém tí nào. Bởi tuy hắn thích chơi bời, ham đánh nhau, nhưng lại không chịu bỏ học, không để bị điểm thấp. Rồi, có một ngày xảy ra điểm nhấn “cao trào”, càng chứng tỏ sự khác biệt của hắn với nhóm “cá biệt”, dẫn tới biệt danh “Hâm” đi theo hắn cho tới bây giờ. Chẳng là, hằng tuần trên bảng thông báo của trường, thày cho những bài toán khó. Học sinh toàn trường, đứa nào thích thì cứ “thiên nhiên” mà đến đó để tỏ mặt “anh tài”. Một sáng, trong giờ ra chơi, khi các “anh tài” của mấy lớp “chuyên” còn đang cau mày nhăn trán trước một bài toán thày vừa viết lên, thì hắn xuất hiện. Trên mặt hắn, mồ hôi chảy nhễ nhại (do vừa đánh nhau ngoài cổng trường). Nhoáy một phát, hắn làm cho cả lũ vây quanh ngỡ ngàng vì cách giải ngắn gọn, rõ ràng và thật khoa học. Một “cây” toán của trường thấy vậy, rất phục nhưng cũng tức, buột miệng: “Này, cái đồ con c… , loại “cá biệt” như mày, tưởng chỉ biết đánh nhau thôi chứ. Đáng ra, mày chuyên chú dành phần “năng lượng” tiềm tàng này cho học hành thì hay biết mấy. Đúng là thằng… “Hâm”. Chứng kiến câu chuyện, lũ con trai cười ồ lên. Còn mấy đứa con gái tròn mắt nhìn hắn, thán phục. Thế là, hắn vênh vang với biệt danh “Công Hâm” từ đấy.

Có lẽ, cách tư duy toán học trong cái đầu nghịch ngợm cũng là nguyên nhân của nhiều trò đùa ác, mà chỉ những đứa “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” như hắn mới nghĩ ra được.

Còn nhớ một hôm trong giờ ra chơi, hắn xoa phấn trắng đầy tay. Rồi alêhấp, hắn đập đánh bộp xuống mặt ghế của giáo viên. Đến giờ học, khi cô giáo đứng viết bảng, lưng quay lại lớp thì ôi thôi, cả cái bàn tay bằng phấn trắng phớ nổi rõ trên nền chiếc quần lụa đen nơi mông. Cả lớp phải bụm miệng, nín thở để… cười. Riêng Công Hâm mặt lạnh như bom, tay chống cằm, mắt ngước chăm chú lên bảng. Cô thấy vậy, ngơ ngác nhìn cả lớp, rồi tự nhìn mình từ trên xuống dưới. Không phát hiện gì đặc biệt, cô quay lại bảng viết tiếp. Lần này, tiếng cười như quả bóng đang căng, bị chọc thủng phì mạnh ra. Cô lại dừng tay viết, bối rối… Sự việc sẽ đi vào bế tắc nếu lớp trưởng không chạy lên nói nhỏ vào tai cô. Hai người ra khỏi lớp. Một lúc sau, giờ giảng được tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra. Có lẽ, cách cư xử vị tha của cô giáo đã khuấy niềm ân hận còn ẩn náu đâu đó trong con người Công Hâm chăng, mà những vụ việc tương tự vậy ở lớp tôi sau này bớt dần đi. Đó là một trong những trò đùa “ác” của Công Hâm hồi đó với thày cô, mà tôi còn nhớ. Và cho đến khi chia tay nhau trong màu phượng đỏ rực mùa hạ năm cuối của tuổi học trò, trong tôi đã đọng lại hình ảnh một học sinh cá biệt, nghênh ngáo và luôn trong tư thế thật hiếu chiến… là Công Hâm.

“Trời đất! Nói chuyện với ai mà em cứ xưng hô mày mày tao tao vậy hả?”. Ông xã tôi rền rĩ, sau lúc bị vợ “hành” bằng một cú điện thoại với “ai đó” (là đàn ông) tới hơn một giờ đồng hồ. Tôi cười: “Ôi, ông bạn. Một ông bạn từ trên trời rơi xuống”. “Sao lại thế?”. “Chứ không à? Sau gần ba mươi năm. Hơn một phần tư thế kỷ. Cứ ngỡ chẳng bao giờ gặp lại nhau. Thậm chí, hầu như cũng chẳng có mấy tích tắc nhớ về nhau. Vậy mà…”. “Thế thì là ai? Mà ai cũng vậy, em nên nhớ, đang ở tuổi ông tuổi bà rồi đấy”. “Hihihi. Hắn tên là Công Hâm. Mà hắn mày tao với em, như thuở học trò vậy. Thì em cũng trở lại cái thuở xa xưa ấy một chút. Có chết ai?”. Tôi cãi chày cối với chồng. Nghe vậy, ông xã thở dài đánh sượt, kéo chăn trùm kín đầu, quay đi. Tôi cũng im lặng, thầm mừng. Chồng không cáu là may rồi. Thử hỏi, trong cái tiết trời đông giá rét giữa đêm, có ông chồng nào đủ kiên nhẫn nằm một mình nghe vợ “ninh cháo” điện thoại, chuyện trên trời dưới bể với một gã vu vơ nào đó!? Sau này nghe tôi kể lại mẩu đối thoại đêm đó với chồng, Công Hâm cười ha há: “Biết vậy, tao cứ tán dài dài. Cho chồng mày nhảy dựng luôn thể”. “, sao không thử?”. Tôi cười đáp lại. Đến khi hoà vào những cuộc tái hồi cùng bạn bè phổ thông sau ngần ấy năm, tôi thực sự hiểu Công Hâm đúng là người dư sức “tán dài dài” với đa dạng các thể loại người.

Gặp lại Công Hâm, ngắm kỹ, tôi thấy hắn đúng là người của những cuộc trần ai. Trong bộ đồ quần soóc lửng, áo hoa, dấu vết bộ râu quai nón xanh rì quanh mặt, trông hắn thật to béo với kiểu đi “khuỳnh khuỳnh” đậm cá tính ngang ngửa. Dáng dấp ngổ ngáo, bặm trợn thuở học trò vẫn còn đâu đó, khuất sau cái vẻ từng trải, tự tin. Đó là “thành quả” thật rõ của Công Hâm mấy chục năm bôn ba xa đất cố đô. Theo hắn kể, đó là những năm đi bộ đội vào Nam, rồi tây tiến qua Lào, Campuchia. Sau đó ra quân, phục vụ trong ngành an ninh. Tôi trêu: “Trải ngần ấy năm. Dấu chân đã in lại trên bao địa danh lẫy lừng từ bắc chí nam, từ đông sang tây, chắc đầy mình chiến tích. Mà này, nghe đâu cũng dính mấy xìcăngđan rượu chè gái gẩm gì đấy, cuối cùng bị “tuột xích” dẫn đến “trắng tay”, đúng không?”. Hắn cười hì hì: “Thành tích thì… Kể làm chó gì. Ra trận, muốn sống chỉ có đường tiến. Tiến thì có thể sống. Còn chết thì sẽ được vẻ vang. Chết vẻ vang cũng là một kiểu sống. Còn nếu không tiến, lùi lại phía sau, mình không chết thì sống cũng như chết. Chẳng thằng nào tha cho mình đâu. Vậy nên đành phải hăng máu. Phải bắn giết. Mà phải bắn hăng hơn địch thì mới giết được nó. Thế là mình thắng. Là có thành tích. Là được cấp trên khen. Hìhìhì. Còn xìcăngđan ư? Có đấy! Sau giải phóng tao ở lại Sài Gòn. Đúng là rượu chè gái gẩm thì có. Nhưng chỉ là cái cớ để bọn họ cho tao “tuột xích”. Nguyên nhân sâu xa là ở chỗ khác cơ”. “Kể thật nghe nào”. Tôi giục Công Hâm. “Tao phụ trách nhóm bảo vệ cái kho lớn của Cảng. Lần đó, một lượng lớn hàng buôn lậu bị tuồn khỏi kho. Trăm sự cũng vì cái tính cả nể của mình. Tao hỏi mày, dân đen buôn lậu, không vây, không cánh, không thần, không thế, liệu có thoát không?”. “Sao tự nhiên mày hỏi vậy?”. “Thì… cũng để kể về mấy ông chiến tích đầy mình, thoát chết từ những chiến thắng vang dội mấy năm cuối chiến tranh. Về mấy thằng con ông cháu cha. Sau chiến tranh, thời buổi nhập nhoạng, họ tranh thủ làm “kinh tế gia đình” bằng các chuyến buôn lậu. Đụng vào những thành phần ấy, khó sống lắm… Tao thường cho qua. Những vụ hàng lậu vừa vừa thì chót lọt. Đến cái vụ đó, lượng hàng lớn quá. Thế là tao bị thí. Tất nhiên họ vin vào cớ: vì gái và rượu nên ngủ quên, hàng bị thất thoát. Hìhìhì… Thực ra, tao là thằng được việc, nên mấy ông cấp trên cũng e nể. Nhưng có e nể đến mấy, khi cái vụ này om xòm lên, mấy ổng cũng đành cho “tuột xích” luôn. Thậm chí, khi đã xuống tay, họ “gột” sạch sành sanh thành tích gần hai mươi năm phục vụ quân ngũ và ngành an ninh của tao. Nhõn cái “án” làm thất thoát tài sản quốc gia là họ ghi thật rõ trong lý lịch. Hìhìhì…”. Cười xong, Công Hâm tiếp: “Này, đã hai lần đây giơ cao nắm tay, thề phục vụ nhân dân trọn đời đấy nhé. Thế mà, khi trở về cố hương, trên vai chỉ nhẹ bẫng chiếc ba lô quân ngũ lép xẹp với một bộ hồ sơ “trắng phớ”, tao trở về vị trí một “bạch vệ”. Nhưng giờ ngẫm kỹ, lại thấy may. Có thế tao mới trở về đúng với cái “thằng tao” bây giờ. Tự làm. Tự sống. Ôi, tự do muôn năm! Mày thấy có đúng không?”. Tôi gật gật đầu. Với Công Hâm, đúng là như vậy.

Công Hâm còn kể, bước chân về đến Thủ đô giữa đêm, lang thang trên đoạn phố đậm hương sữa mùa thu, chưa bao giờ thấy lòng mình trống trải đến vậy. Hắn cúi đầu chầm chậm bước. Chợt đôi chân đưa hắn đến cổng trường xưa. Hắn ngỡ ngàng dừng lại, cảm giác như sắp khuỵu xuống. Hắn như nhìn thấy tất cả. Các thày. Các cô. Những đứa bạn gái xinh xắn, hiền hiền. Và, những trò đùa “ác” với thày, với bạn, bất biết đến hậu quả ra sao của lũ con trai nghịch ngợm, mà hắn là một trong những “đầu tàu”… Hắn vứt uỵch balô ngay cạnh cửa trường, ngồi lên, ôm gối cúi gục đầu xuống, lịm đi trong chốc lát. Ôi, cái thuở mười lăm mười bảy vô tư đến tận cùng đã trôi tuột vào dĩ vãng xưa. Cả những năm dài cầm súng chiến đấu vừa qua. Tất cả đã ở lại sau lưng. Tất cả đã trở thành mây khói, tan biến mất rồi. Còn phía trước? Phía trước sẽ là gì đây? Hắn lắc mạnh đầu như muốn văng thật xa cái khối u uất đang đè nặng trong não.

“Thế mà giờ mày là ông chủ lớn, giỏi quá còn gì!”. Tôi trêu Công Hâm. “Lớn gì mà lớn. Một cái xưởng con con…”. “Sao lại quá khiêm tốn thế, khác hẳn trước kia, nghênh ngáo kinh khủng. Khó khăn như hiện tại, mày lo được công việc cho mấy chục nhân công quanh năm, quá “bố tướng” rồi”. Tôi bật cười tinh quái, tiếp: “Chưa kể, thường xuyên được các bạn gái tin cậy, gửi con nhờ cai quản. Khéo không lại bị một bạn nào đó “ăn vạ” đấy”. Hắn cười hìhìhì: “Ôi giời, doạ ai, chứ doạ Công Hâm này, chẳng khác muỗi đốt inox. Tao đã có cái biệt danh “Hâm” mấy chục năm nay rồi. Thêm một biệt danh nữa, mày không nhớ à?”. “Nhớ chứ. Danh hiệu “Người chồng nhân dân” mà các bạn gái đã mến tặng buổi đầu gặp lại sau một phần tư thế kỷ. Hai biệt danh ấy đủ để bạn bè nhớ suốt đời, mày ạ”. Công Hâm cười hahaha. Trông hắn rõ ra kiểu “anh Hai” Nam Bộ. Kẻ cả, phóng khoáng, chịu chơi hết mình. Chợt hắn vỗ đánh độp vào đùi: “Thôi chết cha. Tao phải đi đăng ký vé cho cô chủ nhiệm ra hội lớp tháng tới đây. Đợt này vé hiếm. Lỡ chuyến cho cô thì…”. “Thế ai tài trợ?”. Tôi hỏi. “Bọn tao”. Hắn trả lời ngắn gọn, rồi tất tả ngồi lên xe phóng đi. Tôi tần ngần đứng nhìn theo, trộm nghĩ: Cái lũ “Bọn tao” ấy, dám chắc lại nó là chủ yếu thôi. Thời buổi này, thử hỏi: Hâm như nó, được mấy ai!?

                                                                                                            PHT


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét