Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
Tôi và hắn đã gặp lại
nhau. Đột ngột giống như khi chia tay vậy!
Thế mà
cũng đã một phần tư thế kỷ trôi qua.
Hắn, một
vợ, một con, đủ đầy, êm ấm.
Tôi, cô
đơn, chấp chới một mình cõi phù du văn chương lãng mạn.
Hắn,
đàng hoàng, đĩnh đạc, đương kim giám đốc một công ty đang ăn nên làm
ra.
Tôi, lận
đận, long đong hết tờ báo còm cõi nọ đến nhà xuất bản xập xệ kia.
Hắn, với
dáng vẻ một con người đàng hoàng, tư thế lắm.
Còn tôi,
chẳng có lời bình nào nghe cho dễ chịu. Thôi, chẳng nói ra thì hơn!
Và
hôm đó, thật bất ngờ...
Bước vào
phòng họp lúc còn chưa đông, tôi đang ngó nghiêng tìm một chỗ ngồi.
Bỗng có tiếng gọi nhỏ cất lên sau lưng: "H ơi, có phải em
không?". Đã qua bao năm, vẫn giọng nói ấy, vẫn tiếng gọi "H
ơi" làm tôi giật mình ấy. Quay phắt lại, tôi ngỡ ngàng:
"Anh..." - "Anh đã nhìn thấy em... từ xa...". Tôi líu
ríu: "Vẫn nhận ra em ư? " - "Có khác một chút, nhưng
không thể nhầm!". Một phút chết
lặng... Bốn mắt giao nhau. Hắn đây ư? Mối tình đầu thanh khiết của
tôi! Bao năm qua rồi, vẫn khuôn mặt ấy, vẫn ánh mắt ấy... của tôi!
Chỉ khác chăng, khoé môi hơi trễ, mái đầu điểm bạc, phong sương thì
không phải!
* *
*
Ngày ấy,
chúng tôi cùng học một trường. Hôm đến nộp hồ sơ, tôi đụng hắn ngay
ở cửa phòng giáo vụ. Hắn hỏi tôi: "Này, đằng ấy, còn giờ
không?" - "Sao cậu đến muộn thế?" - "Tớ hỏng xe"
- Tôi nhanh nhẩu, chanh chua: "Vào ngay đi, chậm như rùa".
Hắn mồ hôi nhễ nhại, lách qua được đám đông chen
chúc. Tự nhiên, tôi cứ muốn chờ hắn.
"Thế
nào, xong rồi chứ?". Hắn cười thoải mái: "Xong rồi" -
"Lớp nào?" - "Lớp B, còn cậu?" - "Tớ lớp
A". Hắn hiền lành: "Tiếc nhỉ, chúng mình khác lớp". Tôi
láu lỉnh: "Sao lại tiếc? Phải thấy là may mắn vì không phải
cùng lớp với tớ chứ". Hắn ngớ ra. Tôi phá
lên cười. Thế là quen nhau.
Những năm
đầu học khoa học cơ bản, cả khoa cùng ngồi ở giảng đường lớn. Lũ
con gái ít ỏi chúng tôi thường chiếm dãy ghế đầu. Ngồi phía trên,
tôi luôn cảm thấy ánh mắt của hắn xói vào sau gáy. Tóm được mối
quan tâm ấy, có hôm tôi cố tình đi học muộn, chui tọt xuống hàng ghế
cuối. Tôi hả hê quan sát cái đầu ngọ nguậy, bồn chồn của hắn quay
ngang, nhìn dọc. Để ông tướng cháy ruột hồi lâu, tôi mới tinh nghịch
vo viên giấy, bắn trúng gáy hắn. Hắn quay ngoắt lại, nhìn tôi cười
thoả mãn.
Hắn là
gã trai hiền lành, siêng năng, si tình nên dễ bị bắt nạt. Tôi là con
gái một gia đình cán bộ cỡ trung
lưu, được chiều chuộng, tính tình đỏng đảnh. Tôi biết gia đình hắn
nghèo lắm. Bố không còn. Hắn ở với mẹ và chị gái. Hai người tần
tảo cho hắn cố với cái bằng đại học. Nhà hắn ở ngoại thành. Chiếc
xe đạp tòng tọc nhiều hôm hại hắn, đã đến lớp muộn lại còn bị
đói. Có những lần, tôi lén giấu mẹ nửa chiếc bánh mì kẹp bơ sữa
đem đến trường. Nghỉ giữa giờ, tôi nháy hắn ra bãi cỏ sau giảng
đường. Ngồi nhìn hắn nhai ngon lành, tôi tủm tỉm: "Liệu có đủ
tráng đáy dạ dày không?". Hắn lại nhoẻn cười, thật hiền lành.
Lũ
sinh viên chúng tôi rất sợ môn triết học. Cái sự tư duy trìu tượng ấy
quả là khó gặm so với mấy môn khoa học tự nhiên. Thói thường, càng
sợ càng hay trốn học. Một lần, đợi điểm danh cả khoa xong, tranh thủ
lúc giáo viên đi lấy giáo trình, tôi nháy hắn chuồn. Hắn có vẻ
lưỡng lự, tôi toan cáu. Thấy vậy, hắn lặng lẽ đi theo. Hắn và tôi
lang thang trong công viên. Vào lúc giữa sáng, công viên vắng lắm. Tôi
liến láu kể những câu chuyện không đầu cuối. Hắn ngoan ngoãn lắng
nghe, đôi lúc nhẹ nhàng cắt ngang, hoặc mỉm cười. Như hai kẻ vô tư
nhất trên đời, chúng tôi
lăn đùng trên bãi cỏ, quên phắt luôn giờ phải về.
Mấy tuần cuối của năm
học sau cùng chúng tôi phải tạm thời xa nhau. Hắn đi thực tập tận
một tỉnh phía bắc. Tôi ngay tại Hà Nội. Bước chân đến nhà máy, tôi
được phân công đi làm ca hai. Những ngày đầu không quen, lại nhớ hắn,
tôi cứ thấp thỏm, bồn chồn. Mười giờ đêm, tôi thất thểu bước chân ra
khỏi nhà máy, cảm giác trống vắng, cô đơn oà đến, nước mắt trực
trào bờ mi. Chưa bao giờ tôi thấy mình yếu ớt đến như vậy.
Đang loay hoay mở chốt
cửa, bỗng có tiếng xe đạp lạch xạch phía sau. Tiếng động quen lắm.
Đúng hắn rồi! Tim tôi đập mạnh. Tôi cố ghìm mình, không quay đầu lại.
Một tích tắc… không có tiếng lạch xạch xích xe, không cả tiếng động
chốt cửa, gió hè thoảng đến mùi dầu mỡ... Không thể kiên nhẫn hơn được nữa, tôi từ từ quay lại. Hắn đang
nhìn tôi trân trối. Tôi mấp máy: "Cậu... về từ bao giờ?" -
"Từ tối. Đợi H ở cổng nhà máy". Thì ra hắn đã theo chân tôi
qua mấy dãy phố. Trên người hắn nguyên xi bộ quần áo bảo hộ, bẩn ơi
là bẩn.
Tôi kéo hắn vào nhà.
Mọi người đã ngủ cả. Hai đứa chúng tôi rón rén bên bàn ăn, thì thào
to nhỏ. Hắn kể tôi nghe về nhà máy, nơi hắn thực tập. Lõm bõm trong
câu chuyện có đủ cả, ông giám đốc, bà trưởng phòng, cô công nhân
hướng dẫn thực tập... Tôi nghe câu được, câu chăng. Chỉ nhìn thấy trước mắt mình một khuôn
mặt thanh tú, xạm đen, hơi gầy với ánh mắt sâu thẳm, tha thiết. Lúc
này chỉ có hắn nói. Với tôi, dường như chỉ nhìn hắn đã là đủ.
Loáng một cái, chúng tôi đã chén sạch nồi cơm nguội, tý cá kho khô
và bát canh rau muống luộc. Hắn đứng
dậy, lưỡng lự. "Mai.. đi rồi. Chỉ về được tối nay" -
"Thế thứ bảy tới.. có về không?" - “Chưa biết được. Tuy
đi thực tập nhưng cũng phải làm nhiều. Còn ba tuần nữa, lâu quá"
- "Anh... hơi gầy". Tôi buột miệng. Hắn sững sờ, nhìn xoáy
vào mắt tôi. Bối rối, tôi
ngồi xuống ghế, cúi đầu. Giọng hắn thoảng như một hơi thở:
"Có.. nhớ không?". Tôi im lặng, gật nhẹ. Hắn dè dặt định
nắm tay tôi. Tôi hốt hoảng rụt lại. Có tiếng thở dài...
Tiễn hắn về rồi, tôi
thao thức mãi. Trong tôi có cái gì đó trỗi dậy, bồi hồi. Chỉ một
điều da diết… khát khao được gần hắn.
Tuần cuối của đợt
thực tập, tôi được nghỉ sớm hai ngày. Tôi quyết định nhảy tàu lên
thăm hắn. Con tàu ì ạch bò lên phương bắc như cố ý trêu ngươi tôi. Đến
một ga xép, thình lình tàu hỏng máy. Tôi ngồi chết dí giữa các bà
buôn thúng, bán mẹt, khắc khoải, ruột gan cồn cào. Tận xẩm tối, tôi
mới mò được đến khu tập thể hắn ở, mệt bã bời. Khu nhà vắng lặng.
Vài ánh đèn vàng vọt hắt ra sân. Đang bơ vơ, nhớn nhác, chợt có
giọng ai đó khè khè, cất lên hỏi: "Cô tìm ai?". Giật mình, tôi quay lại.
Sau lưng tôi là ông bảo vệ, tay lăm lăm chiếc điếu cày, mắt soi mói.
"Dạ, thưa, cháu tìm mấy anh sinh viên thực tập" - "À, tối
nay họ liên hoan văn nghệ chia tay với nhà máy ở hội trường. Cô lên đó
mà tìm" - "Cảm ơn bác".
Quẳng mấy cái túi
lỉnh kỉnh vào phòng, tôi vội vã đi theo hướng người bảo vệ chỉ.
Tiếng loa oang oang đang vang lên mấy giọng ca “cấp cơ sở”. Tiếng đàn
ghi ta phừng phừng. Đông quá. Đứng ở cửa, tôi cố nhón chân, tia mắt ra
xung quanh. Kia rồi, hắn ngồi đó, gần dãy ghế trên. Bên hắn, một cô
gái trẻ đang nghiêng đầu thì thầm. Còn hắn, rũ ra cười, vẻ tâm đắc
lắm. Tôi cảm thấy mặt mình nóng ran, toàn thân bủn rủn, rã rời. Hay
là tôi quá đói, quá mệt qua một ngày ngồi tàu dài dằng dặc?
Tôi lặng lẽ quay đi. Về
đến khu tập thể, tôi gặp ngay người bảo vệ ở cổng. "Cô không tìm
thấy à?" - "Dạ, không" - "Cô ngồi nghỉ. Tôi đi tìm
cho" - "Thôi, cảm ơn bác"
Tôi vội vàng khăn gói quay
ngược ra ga. Rất may, còn nửa giờ nữa sẽ có chuyến tàu muộn. Tôi uể
oải ngồi xuống chiếc ghế phòng
đợi. Mệt, cả đói nữa. Thèm muốn được ngả mình, duỗi thẳng người
trên ghế, thiếp đi và không bao giờ trở dậy nữa…
"Trời, H ơi, sao lại
làm thế?". Tôi giật bắn mình. Hắn đứng sững trước mặt. "Lên
thăm... Nhưng thấy "bận quá". Thôi, H về". Tôi chậm rãi, giọng nghèn nghẹn. "Em sao vậy? Kết thúc
thực tập rồi. Mai anh định về chuyến tàu sớm". Hắn xưng “anh - em”
thật rõ ràng. Hay hắn đã quá quen xưng “anh - em” với cô gái kia.
"H sợ... không về được đâu. Có người giữ chân mà". Tôi chua
chát. "Em đừng nghĩ vậy" -
"H không nghĩ, mà là nhìn thấy". Tôi cáu kỉnh. "Đừng
hiểu lầm anh!". Tôi cố chấp: "Thế nào là hiểu lầm? Anh đừng
dối H".
Tiếng còi tàu hú dài,
báo hiệu sắp chuyển bánh. Tôi vụt đứng dậy. Hắn hốt hoảng nắm lấy
dây ba lô, níu lại. Tôi dằng mạnh, quất một cái nhìn dài giận hờn
vào mặt hắn. Đoàn tàu xình xịch chuẩn bị rời ga. Tôi leo lên, đi
thẳng vào toa. Khi sắp ra khỏi ga, qua cửa sổ tàu, tôi thấy hắn đứng
ủ rũ, tay buông xuôi, bất lực nhìn theo.
Tàu đêm vắng vẻ. Buồn
bã, hoang mang, tôi bật khóc tức tưởi. Thế là hết. Hết thật rồi ư?
Gục đầu xuống ba lô,
tôi bồi hồi nhớ lại. Năm năm đại học trôi vèo. Chỉ còn vài ngày nữa
là kết thúc, chấm hết cả quãng thời gian dài hai đứa bên nhau. Học
tập, lao động, đi thực tế... và những đêm dã ngoại bên ngọn lửa trại
bập bùng. Lúc đó hắn nhìn tôi say đắm, bằng con mắt có lửa. Tôi xốn
xang, muốn mình cháy rụi trong đám lửa đôi mắt hắn. Buổi tối ở vùng
quê ngoại thành không gian thật thoáng đãng. Gió thu lành lạnh. Tôi
ngồi xo ro, gục đầu trên gối, lặn ngụp thỏa thích trong tiếng đàn ghi ta đệm nhè
nhẹ cho chất giọng êm trầm của hắn. Rồi nữa, những đêm thâu, hai đứa
còng lưng bên bản đồ án. Hắn kỳ cạch sửa giùm tôi những nét vẽ chưa
chuẩn. Tôi lúi húi chỉnh lại câu chữ trong bản thuyết minh thiết kế
của hắn. Thức qua đêm đói lắm. Tôi và
hắn chia nhau gói mì ăn liền dội chút nước sôi. Ăn hết rồi còn nhìn
nhau, giả vờ hỏi: "Phần của tớ đâu?". Có những hôm nghỉ
học, lũ chúng tôi rủ nhau đi xem phim. Bọn bạn biết ý, đưa tôi hai vé
kề nhau. Hắn ngồi cạnh tôi, lặng lẽ,
thỉnh thoảng rụt rè liếc sang. Tôi hồi hộp, đôi lúc giật mình khi
chạm phải khuỷu tay hắn. Hết phim, đèn bật sáng. Tôi thở phào, cảm
giác như vừa thoát nạn, nhưng lại nuối tiếc đã để tuột mất cơ hội
khám phá điều mới mẻ.
Đúng là đã hết, hết thật rồi!
Về đến Hà Nội, trời
vừa sáng. Cả nhà đã đi làm. Tắm xong, tôi vùi đầu vào gối ngủ. Tôi
làm một mạch đến tận chiều tối. Tôi ngủ như chưa bao giờ được ngủ;
như để đưa vào giấc mơ những gì đã có, đã xảy ra trong mấy năm qua.
Và mong rằng, tỉnh dậy tất cả cũng chỉ là mơ thôi!
Khi thức giấc, chợt tôi
nhìn thấy mẩu giấy dưới chiếc gương để bàn. "H ơi, anh đến. H
ngủ say quá. Anh về. Tối quay lại". Mẹ đã đi làm về từ lâu, đang
nhìn tôi chăm chú. Lẳng lặng quay đi, tôi vò mẩu giấy, không để mẹ
biết. Ăn tối xong, tôi dặn mẹ, bất kể ai đến, cũng nói tôi vắng nhà.
Kể từ hôm đó, tôi
quyết không gặp hắn, bằng mọi cách.
Cho đến tận ngày lễ bế
giảng, cả khoa tập trung chia tay đi nhận công tác, tôi vẫn không một
lần cùng hắn giáp mặt. Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp từ xa, ánh mắt
buồn buồn, tội nghiệp của hắn đang nhìn tôi. Nhưng trong tôi, tính cố
chấp, thói đỏng đảnh, vẻ ương ngạnh, đã làm trôi tuột đi tình cảm
lứa đôi mong manh và đầy bí ẩn đang bắt đầu nhen nhóm giữa tôi và
hắn.
Hắn nhận công tác ở
phía Nam. Tôi vẫn được ở lại Hà Nội. Hắn đi rồi, tôi bần thần mãi.
Và, một
hôm vô tình, tôi gặp cô gái hướng dẫn hắn thực tập lần đó. Cô đi
cùng chồng. Anh chàng trông đàng hoàng và khá điển trai. Cả hai
cứ tiếc mãi, hôm đó không được gặp tôi. Khi chia tay, tôi đứng nhìn
theo chiếc xe chở hai người cho đến khi
khuất sau góc phố. Chiếc xe chở họ đi hay nó đã chở chính "dấu
chấm hết" cho cuộc tình đang bắt đầu chớm nở của đời tôi!? Tôi biết,
họ là nguyên nhân gây ra sự hiểu lầm của tôi, nhưng tôi lại là kẻ có
lỗi.
Trống trải, ngậm ngùi, tôi cúi đầu thả bộ trên hè phố, quay về
nhà.
Quãng thời gian dài sau
đó, tôi chật vật, cố gắng xếp hắn - đúng hơn là xếp những kỷ niệm
cùng hắn, vào góc yên tĩnh nhất trong cái đầu ương bướng của mình.
Thỉnh thoảng, có ai đó nhắc đến hắn, tôi chỉ quay đi im lặng.
Nhiều năm sau, qua bạn
bè, tôi biết hắn đã thành đạt. Cuộc sống riêng tư cũng yên ổn, dễ
chịu. Còn tôi, con đò chở số phận đã bị chìm nghỉm, chìm mất tăm
sau những va chạm làm rạn nứt toang hoác ván thuyền. Cả tôi và người
chồng đều ra sức hàn gắn, xong vô hiệu. Tôi hiểu, thói đàn bà cố
chấp, đỏng đảnh, ương ngạnh cố hữu trong tôi đã làm chính tôi khốn
khổ.
Giờ đây, tôi sống cùng đứa
con gái. Cũng từ lâu rồi, tôi đã bỏ cái nghề mà tôi theo học. Năm năm
trời học kỹ thuật cũng chỉ đủ cho tôi biết phân biệt, đây là cái kìm, còn kia là mỏ
lết. Tôi đã theo nghiệp văn chương, cái nghiệp mà thiên hạ ai cũng
hiểu, chỉ có đói dài đói rạc - nghiệp chướng ấy mà!
Nhưng rất may, cuộc sống khắc
nghiệt đã dạy tôi biết chấp nhận hoàn cảnh. Tôi còn học được cách
biết tự chế nhạo mình. Biết tự chế nhạo mình là tìm được sự giải tỏa nhẹ
nhõm nhất cho tâm hồn!
Đôi khi tôi âm thầm an ủi: Số
phận mà, đừng trách cứ ông trời gần xa mà làm gì!
* *
*
"H ơi" - Lại
"H ơi" - "Còn sớm, ta ra ngoài đi".
Tôi lưỡng lự đi theo
hắn. Đứng tựa vào lan can, tôi đá mắt ra xa tít. Tôi trốn ánh mắt
hắn. Tôi trốn cả một điều, đó là công nhận sự thất bại của chính
mình - trước hắn. Thất bại trong tình yêu - thất bại lớn nhất của
đời người đàn bà!
"H ơi". Tôi im
lặng. Hắn nói tiếp: "Em còn nhớ cuốn sổ nhỏ em tặng anh hôm đi
dã ngoại không?". Tôi không quay lại, gật đầu. "Anh vẫn giữ
nó đấy" - "Thật ư? Thế chị ấy...". Hắn ngắt lời:
"Anh để ngay trên bàn làm việc. Đó là kỷ niệm. Kỷ niệm đẹp của
một thời để nhớ. Chỉ để nhớ thôi! Và cô ấy tôn trọng điều đó".
Tôi từ từ quay lại.
Gần lắm, sát kề tôi, ánh mắt ấy đang nhìn tôi, chân thật, thiết tha.
Ôi, ánh mắt thuở nào của tôi!
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6123.html
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6123.html
- In trong tập Thánh địa, Nxb ThanhNiên, 2003
- Báo Người Hà Nội...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét