Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Giải pháp nửa vời - doanh nghiệp sắp xếp lại còn ít(*)

      
Theo Báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Thành phố (Ban ĐM&PTDNTP) Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2005, số lượng doanh nghiệp đã sắp xếp đạt thấp; chỉ bằng 37,7% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguyên nhân được chỉ ra là: còn nhiều khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng chính sách mới về cổ phần hoá; về xử lý tồn tại tài chính và tài sản chuyển giao, đặc biệt là vấn đề đất đai, nhà xưởng…
            Chờ… xem… cùng rút kinh nghiệm
            Nghị định 187/2004/NĐ-CP có nhiều nội dung mới về xác định giá trị quyền sử dụng đất, xác định giá khởi điểm cổ phần chào bán, cơ cấu cổ phần bán đấu giá công khai, cổ phần ưu đãi cho người lao động theo giá đấu thành công bình quân… nên không ít doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi để “xem” những doanh nghiệp đi trước làm như thế nào, mới “học tập rút kinh nghiệm”. Xem ra đây là việc rất dễ hiểu, bởi việc xác định những giá trị đó đúng hay không đều liên quan rất thiết thân đến quyền lợi của mỗi cá nhân người lao động. Cùng với đó là việc xử lý tồn tại tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cũng không dễ. Bởi ở nhiều doanh nghiệp trước nay, lưu trữ hồ sơ chứng từ không thành nền nếp, không đầy đủ thậm chí thất lạc do những cá nhân liên quan đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác… là tình trạng phổ biến. Chính vì thế, tuy “trên” đã có chỉ đạo “dưới” – là các doanh nghiệp, phải xử lý tồn tại tài chính xong trong năm 2004, nhưng tới nay đã qua 1 năm mới có Cty Thiết bị kỹ thuật điện Hà Nội thực hiện xong.

            Chính sách chưa rõ ràng
            Việc quy định lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá theo Thông tư 126, cũng không thống nhất với thời gian quy định tại Nghị định 129 của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Luật Kế toán. Khi doanh nghiệp muốn lập báo cáo quyết toán thì phải có kết quả xác định giá trị của doanh nghiệp. Và, khi lập báo cáo quyết toán xong thì lại quá thời gian quy định của Thông tư 126 về xác định giá trị doanh nghiệp. Lúc đó, họ lại phải xác định lại giá trị doanh nghiệp. Điều này đã vô tình đưa doanh nghiệp vào một vòng tròn tính toán quanh quẩn. Ngay cả việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần cũng còn gặp nhiều khó khăn, do Nghị định 187 và Thông tư 126 đều không hướng dẫn cụ thể  cách tính đối với đất của các dự án đax và đang triển khai trước khi Nghị định 187 có hiệu lực và đã thực hiện nghĩa vụ theo Luật đất đai cũ. Cũng như, sẽ tính thế nào đối với diện tích đất xây dựng nhà chung cư cao tầng trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng một số tầng làm nhà ở, trụ sở làm việc hoặc văn phòng giao dịch. Thêm vào đó, cách tính hiện hành về chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất quá cao cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện cổ phần.
Một loạt các vấn đề khác về tiêu chuẩn nhà đầu tư chiến lược, xác định giá khởi điểm cổ phần chào bán lần đầu, giá chào bán cổ phần Nhà nước ở những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ… đều chưa có cơ chế chính sách và những hướng dẫn cụ thể. Việc xử lý những doanh nghiệp không muốn giao đất bị thu hồi để tiến hành bán đấu giá, cũng chưa được Thành phố tiến hành dứt điểm.
Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án đổi mới, sắp xếp 111 công ty Nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội. Kế hoạch năm 2005 đổi mới, sắp xếp 77 đơn vị; năm 2006 là 34. Tuy nhiên, cũng theo Báo cáo của Ban ĐM&PTDNTP, hầu hết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp đều liên quan đến khâu cơ chế, chính sách: hoặc chưa đầy đủ, hoặc không thống nhất, hoặc không phù hợp với thực tế; thậm chí có trường hợp cơ quan cấp trên tránh né, không xử lý triệt để, kiên quyết những sai phạm của một số doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cổ phần hoá.
Giải pháp nửa vời…
Vậy mà, các giải pháp để đẩy mạnh tốc độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp từ nay đến cuối năm 2005 của Ban ĐM&PTDNTP tại Báo cáo vẫn chỉ là: đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, chủ động thường xuyên tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, duy trì họp 1buổi/tuần, động viên khen thưởng… Và, chưa hề thấy một giải pháp cụ thể, triệt để nào nhằm tháo gỡ những khó khăn nêu ở trên.
Thiết nghĩ, sự tồn tại một Ban ĐM&PTDNTP chính là để có một đơn vị đủ thẩm quyền thay mặt Thành phố kiểm tra, theo dõi, giám sát, “đốc chiến” thực hiện chủ trương cổ phần hoá của các doanh nghiệp. Từ đó nắm rõ thực trạng để tư vấn xây dựng hoặc điều chỉnh cơ chế chính sách sao cho phù hợp thực tiễn, với mục tiêu nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp. Với nội dung các giải pháp trong Báo cáo, thử hỏi Ban ĐM&PTDNTP đã thể hiện thật hết chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm  và quyền hạn của mình chưa. Và, liệu tiến độ thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước ở Hà Nội có thể thực hiện được theo đúng kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt?

(*) Báo KH&ĐS, 7/11/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét