Truyện ngắn Giang Trung Học
Vậy là nàng đã chắc chắn làm chủ ngôi biệt thự sang trọng
ấy. Tại sổ hồng sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, duy nhất có tên nàng.
Lại nữa, trong tay nàng còn một tài khoản hơn tám tý đồng. Số tài sản này chưa
to đối với nhiều đại gia, nhưng là điều không dám mơ tưởng trong ý nghĩ của hầu
hết người dân đất nước khốn khó mình. Vậy là từ nay nàng khỏi phải lăn tăn bởi
sự mưu sinh cơm áo.
Đến ở ngôi biệt thự, nàng mau chóng làm quen với cảnh sống
đơn độc chẳng mấy khó khăn. Hằng ngày ngoài việc chăm sóc bản thân, nàng không
còn phải hầu hạ ai. Tuy vậy, nàng cũng không mảy may nghĩ đến sở thích là những
chuyến đi chơi xa chơi gần. Việc thăm mẹ ở quê thì khoan được rồi. Sức khỏe bà nay
đã phục hồi, nhờ có thuốc thang nàng gửi về chữa trị kịp thời. Điều nàng chờ
đợi lúc này là cái giấy kết hôn. Chờ đợi song không quá sốt ruột, bởi nàng chắc
tin ở lão. Lão cần có đứa con trai. Nay đứa con trai ấy đang trong bụng nàng
đây này.
Khi biết nàng mang thai, lão hết sức ngỡ ngàng. Việc ăn nằm
với nàng, lão chỉ cốt thỏa mãn cái máu ham dục tình thôi. Đàn ông ở tuổi tám
mươi nhăm như lão, đâu phải ai cũng được trời phú cho sức khỏe để mà ham muốn.
Thế mà lão còn đủ sức sinh sôi mới lạ làm sao. Lúc đầu lão có nghi ngờ. Sau thì
lão tin. Tin nàng mang thai với lão. Lão thầm tự hào bởi cái sức lực cường
tráng của mình. Một lần lão buột miệng trước nàng rằng, mình đứng hàng hiếm xưa
nay.
Đang đà ve vãn nhau, nàng tức thời đối đáp: “Cháu cũng
thuộc hạng hiếm!”. Lão gật gù: “Phải. Phải…”. Phải, phải… có nghĩa thế nào? - nàng
toan hỏi nhưng lại thôi. Với lão, trước nay nàng vẫn kiệm lời. Lão đâu bằng vai
phải lứa với nàng, nên chẳng thể chuyện trò vô tư thoải mái như ngồi cùng đám
trai gái làng quê. Nàng dan díu với lão xuất phát từ ý nghĩ tìm kiếm cơ hội đổi
đời. Nhưng khởi nguồn cái sự dan díu ấy lại là từ lão. Không phải từ lão, nàng
dù to gan mấy cũng chẳng dễ mổ mắt bụt trên tòa cao. Trước ngày cam chịu ngồi
bẹp xó nhà, cả giai đoạn dài lão từng sinh sát hàng lô hàng lốc quan lớn quan
bé thuộc quyền. Nên đương thời người ta ghét lão, sợ lão hơn là nể phục. Làn
sóng phản đối lão có lúc rộ lên thật khủng khiếp. Kết cục lão chẳng những bình
an, mà còn được thăng ghế trị vì ngày càng cao chất ngất. Bởi phe cánh lão từ
trên xuống dưới đang rất mạnh; đủ sức đổi trắng thay đen, nói không thành có.
Chỉ nghe kể một thời về lão, nàng đã thầm e ngại. Rồi, nhìn đôi lông mày sâu róm
phủ trên cặp mắt xếch, cái cằm bạnh dưới đôi môi dày thâm xịt, thêm giọng nói
ông ổng khàn khan của lão, càng khiến nàng lo lo. Lo mình khó lòng hầu hạ lão
dài dài.
Dài dài như ý bà vợ lão tức là: “Cháu chịu khó giúp việc ở
đây, ông bà có trách nhiệm lo cho cháu
của ăn của để. Dù sao cháu cũng là người họ hàng đằng nhà bà. Nên bà tin tưởng
ở cháu. Nên mới nhờ người về quê đón cháu ra đây. Chứ thuê mướn người ngoài khó
tin lắm. Mới rồi bà phải đuổi con mẹ giúp việc, bởi nó dám léng phéng với ông.
Ông thì…”. Nàng không hiểu vì sao vợ lão đột ngột chuyển câu chuyện sang hướng
khác. Ngay sau đó nàng thấp thoáng cảm nhận được cái lý do vì sao.
Khi bước vào phòng riêng trình diện lão, lão nắm bàn tay
nàng lắc tít, rồi ôm vai vỗ về hồi lâu. Nàng có phần ngỡ ngàng trước sự biểu lộ
tình thân đặc biệt ấy. Có nên hiểu đó chỉ là hành động của bậc ông cha dành cho
phận dưới cháu con, hay còn là sự núp bóng nhằm thỏa mãn khát vọng riêng. Và
nàng nghĩ tới người đàn bà bị đuổi khỏi nhà này. Phải chăng lão và người ấy đã
thuận tình với nhau? Từ ấn tượng gặp gỡ lần đầu, rồi chuyện người đàn bà bị
đuổi việc, khiến nàng luôn luôn chủ động giữ khoảng cách cần thiết mỗi khi tiếp
cận lão. Dẫu vậy, nàng không hoàn toàn tránh khỏi sự cố tình đụng chạm từ phía
lão. Sau vài tuần hầu hạ, nàng đủ bằng chứng để quả quyết lão thuộc hạng đàn
ông dâm dê đặc biệt. Nhưng lão không dễ giở trò thô bạo hơn với nàng. Ngoài cái
khoảng cách do nàng tạo ra, lão còn bị bức tường chắn kè kè là bà vợ già. Có
điều, bà lão ốm o ấy chẳng thể sống mãi để mà ngăn chồng.
Sau khi bà qua đời, người con gái chiều ý bố, tha thiết đề
nghị nàng tiếp tục ở lại giúp việc gia đình. Lão cũng luôn tìm cách trò chuyện
và thưởng tiền nàng với lý do làm việc tốt. Cả khi bà vợ còn sống, thỉnh thoảng
lão vẫn dúi tiền cho nàng. Nàng nhận và cảm ơn, không mấy để tâm lòng dạ lão
muốn gì. Lão muốn gì, nàng biết rõ mười mươi. Dám móc túi lão, hẳn chẳng mấy khó khăn. Thật rủi ro cho
người đàn bà bị đuổi. Có thể chuyện ăn nằm giữa hai người bị vợ lão túm quả
tang, hoặc gần như thế. Ăn nằm với lão Khốt ấy, chắc chắn bà ta không nhằm thỏa
mãn tấm thân, mà vì mục đích kinh tế. Thì trên đời này hiếm có mấy ai cho không
nhau cái gì. Thường là phải mua bán đổi chác hoặc giành giật để mà có. Thậm chí
phạm tội để mà có. Ăn cướp, tham nhũng, làm đĩ, buôn lậu… nhan nhản khắp nơi.
Tội phạm là dân đen, doanh nhân, quan lớn quan bé… đủ hạng. Kẻ gặp may thì
thoát, xui đành chịu chết. Chẳng hay người đàn bà bị đuổi kia lang bạt nơi đâu.
Nghĩ cũng đáng thương. Thương người, nàng lại nghĩ thương mình vất vả long đong.
Tuy còn quá trẻ, song nàng chẳng đã một lần vấp váp rồi ư?
Cái tay giám đốc công ty phải gió ấy đã lừa nàng. Hắn mở lớp
dạy nghề. Mỗi suất phải đóng năm chục triệu đồng và tự túc ăn ở trong ba tháng.
Mãn khóa, học viên được xuất khẩu liền. Thế rồi gần hết khóa học, hắn tuyên bố,
do trục trặc từ phía nhận người, nên chỉ sắp xếp được một số đi ngay đợt đầu. Vậy là các cô các
cậu học trò xô nhau tiếp cận hắn, những mong mình được phần ưu tiên. Nàng lọt
vào tầm ngắm của hắn từ đấy. Hắn khen nàng học hành thông minh, cao ráo xinh
đẹp, đúng típ người hiện đại. Hắn rủ nàng đi chơi nơi này chốn nọ. Nàng đã yêu
hết mình, không giữ khoảng cách với hắn. Cả khi ngờ vực hắn rồi, nàng còn tự an
ủi rằng, chẳng lấy được nhau thì kiếm suất đi làm thuê đợt đầu cũng chắc ăn
hơn.
Rút cục, cả lũ bị lừa. Nàng bị đau hơn, mất cả tiền lẫn
tình. Sau cơn sốc, mấy ngày liền nàng lê la khắp cái phố huyện - nơi trọ học,
nhằm tìm kiếm cơ hội làm ăn. Phải mau mau tìm đường tới thành phố lớn thôi. Dân
phố huyện còn bỏ đi cơ mà. Họ coi kiếm ăn tại đây chẳng mấy khác cảnh buôn bán
nơi chợ quê. Mà người giàu nhà quê không bằng kẻ ngồi lê thành phố. Nhưng, ra
thành phố nào, làm gì, quả không dễ dàng. Đi đâu, làm gì, cũng cần có bạn có
phường chỉ đường dẫn lối, chứ không thể hành động như kẻ nhắm mắt lao đầu vào
đá. Đang bí rin rít thì nghe tin có người họ hàng phía đằng mẹ nàng tìm chân
giúp việc. Gia đình người ta cần người hầu hạ lão ông già yếu. Xưa lão ông từng
làm cán bộ to ở cấp trung ương. Nàng biết người già thường khó chiều. Nhưng
người ta đã làm to, lại là họ hàng dây mơ rễ má, hẳn việc đối nhân xử thế chẳng đến nỗi nào.
Nghĩ vậy nên nàng không phải đắn đo ngại
ngùng. Cũng như, chưa bao giờ nàng nghĩ mình ngã đổ trong vòng tay lão. Thực tế
lại trái ngược hoàn toàn.
Lần đầu chịu để lão ấp ôm, trong giây lát khởi cuộc, nàng
như vô thức. Lúc định thần trở lại, giọng nàng chới với: “Nhưng ông cháu mình có
họ với nhau!”. Lão cười hô hô: “Bán đại bác không tới ấy mà”. Thật ra, họ hàng
thế nào nàng có biết, song cứ ngoan ngoãn chấp thuận e cũng sượng. Câu nói của
nàng chẳng qua là để tỏ sự chống chế.
Chống chế một cách yếu ớt. Nó gần như thuộc tính đàn bà trước cuộc giao tình
bất chính. Nhưng thôi, âu cũng là số phận ta phải thế - nàng tự ru mình.
Đêm ấy nàng đã buông trôi thân thể quá dễ dàng. Lúc đang lúi
húi xoa dầu giải cảm cho lão, lão vòng hai tay ôm ngang lưng nàng vít xuống.
Không thấy phản kháng từ phía nàng, trong tích tắc khiến lão khó hiểu. Song ý
nghĩ ấy trôi tuột luôn khỏi đầu lão. Lão phải dồn sức lực nhằm thỏa mãn tấm
thân hằng khát khao. Thế là cái khoảng cách giữa hai người bấy lâu nay do nàng
chủ động tạo dựng, liền bị xóa nhòa. Do sức thúc ép từ bức thư của anh nàng gửi
tới lúc cuối chiều.
Chủ nợ gia hạn ba tháng nữa nàng phải trả xong số vốn lãi
là ba mươi mốt triệu năm trăm ngàn đồng. Nếu sai hạn thêm lần này, dứt khoát họ
kiện ra tòa. Việc khác: mẹ nàng đang ốm thập tử nhất sinh, nên rất cần tiền sắm cỗ áo quan. Khoản tiền ấy, dịp đi học nghề,
nàng đành năn nỉ mượn mẹ. Lúc nhận tiền, cặp mắt
nàng đã ướt mi. Bởi đấy là mồ hôi công sức mẹ tích cóp cả đời, nhằm lo hậu sự
cho mình, để bớt phiền con khổ cháu. Anh nàng bảo, không kíp mua sắm lúc này, khi mẹ
nằm xuống e xoay xở khó kịp. Từ lúc đọc thư, nàng như kẻ mất hồn. Hơn năm đi làm
thuê, nàng mới trả nổi một phần ba số vốn lãi vay người ngoài. Với tốc độ trả
nợ ấy, nàng phải cam phận cái nghề hầu hạ ba năm nữa mới thanh toán xong. Nhưng
người ta chỉ gia hạn thêm ba tháng. Rồi khoản tiền trả mẹ lại phải có ngay. Làm
cách nào để ra tiền? Cách nào?... Nàng thật sự bó tay!
Nỗi bế tắc dẫn đến sự cố nàng để cháy nồi súp, bữa ăn muộn
của lão. Mùi khét lẹt xông khắp nhà. Lão lò dò ngó vào bếp. Nàng hơi cuống:
“Dạ, do cháu sơ ý ạ”. Lão thủng thẳng nói rất nhỏ, như chỉ để mình nghe: “Tưởng
không ở trong đó”. Nàng toan thưa bữa ăn chậm ít phút, nhưng lão đã quay đi.
Lão ấy - nàng nghĩ - chỉ lão giúp được mình trả nợ!
Vậy sao nàng không nhờ lão? Chẳng phải nàng không muốn,
song còn đắn đo. Nên trình bày thế nào với lão. Cách tốt nhất là nói thẳng,
nàng cần tiền trả nợ. Nếu lão hỏi lý do nợ nần, nàng sẽ nói đúng sự thật. Hẳn
lão không từ chối. Với lão, vài chục triệu đồng không đáng bận tâm tính toán.
Hơn nữa, lão đang cần nàng yên tâm giúp việc. Có điều, khi phải cậy cục nhờ vả,
nàng sẽ khó né lão. Thậm chí không dễ chống trả quyết liệt nếu lão hành động thô
bạo.
Mà sao ta hay nghĩ rắc rối thế nhỉ? - nàng tự hỏi mình.
Nghĩ lắm càng thêm bế tắc. Ta đang trong tình thế bắt buộc phải trả nợ, và chỉ
một cách duy nhất là dựa vào lão, sao cứ đắn đo được - mất. Bọn Ôsin chúng nó
nói, đéo có thằng chủ nào không gạ gẫm con hầu. Nên, đứa ngu mới tha móc túi
chủ. Nếu không, suốt đời làm thuê vẫn trắng tay… Mỹ Hoa! Mày từng để mất cả
tiền lẫn tình
-
cái mất đầu đời ấy là một lầm lẫn lớn lao.
Vậy mà mày đã dễ dàng vượt qua, để đi tìm đường sống mới. Lúc này đây, mày đang
trên chặng đường mới đấy thôi. Phải từ đấy mà băng lên. Chớ để rơi vào ngõ cụt!
Sau đó, nàng đã trình bày với lão về hoàn cảnh riêng và đề
nghị sự giúp đỡ. Lão bảo: “Cháu yên tâm đi. Đấy là việc nhỏ”. Rồi lão đưa cho
nàng tròn ba mươi triệu đồng. Nàng nói không cần đến thế. Lão bảo: “Ngoài thanh
toán nợ, cháu còn cần tiền giúp mẹ chữa bệnh nữa”. “Nhưng vay nhiều quá, bao
giờ cháu mới trả nổi ông?”. Lão cười hô hô: “Trả à? Chỉ cần chăm chỉ giúp việc
ông… và ngoan ngoãn là được”. Nàng thầm đoán cái ý “ngoan ngoãn” lão buông ra.
Cầm tiền, nàng như trút được gánh nặng đè trên người. Nhưng, liệu cái gánh nặng
mới có xảy ra không. Từ nay nàng phải xử sự với lão thế nào cho phải đây. Răm
rắp nghe lão, hay là…
Và rồi, cái đêm ấy đã xảy ra…
Suốt ngày hôm sau nàng buồn thườn thượt, nói năng ít hẳn.
Ngoài giờ hầu hạ lão, nàng nằm dài trong phòng riêng. Lúc cuối chiều, lão gõ
cửa báo hiệu và chậm chạp bước đến bên giường nàng. Biết lão đã hết hơi, không
sức đâu tòm tem lúc này, nên nàng vẫn cuộn mình trong tấm chăn mỏng. Giữ phận
kẻ dưới, nàng hỏi trước: “Ông cần gì ạ?”. Lão: “Không”. Lặng im. Lão hỏi trống
không: “Mệt à?”. Vẫn lặng im. Lại lão: “Thôi… đừng buồn nữa… Mà có làm sao đâu
nào. Mọi chuyện trong nhà này chẳng thể lọt ra ngoài được”. Lão để cái gói mỏng
lên mặt tủ cạnh giường nàng: “Ông cho cháu đấy. Để giải quyết nhu cầu hàng
ngày”. Nói xong, lão bước ra luôn. Nàng đoán lão lại cho tiền.
Hủ hóa! Trả tiền! Có phải lão coi ta là con đĩ? - nàng tự hỏi. Chỉ
lão mới khẳng định được. Còn ta, ta có phải là con đĩ? Không! Không thể! Cho dù
còn phải tiếp tục ăn nằm với lão, ta vẫn không thể là con đĩ. Còn người đời rủa
ta thế nào là quyền của họ. Bởi tình cảnh khó khăn thúc ép, ta không có cách
nào khác, đành phải chấp nhận bán mình. Đấy là nỗi đau, ta đành nuốt. Ta thà
bán mình - bán cái vốn tự có của chính mình, tuy chẳng hay ho nhưng còn hơn
những kẻ tham nhũng, trộm cắp, buôn lậu bán gian, giết người cướp của. Liệu có
đúng không? Mà thôi, đúng hay sai thì ta đã quyết. Giá như tuổi lão với ta đừng
quá chênh nhau. Sự chênh lệch ấy có khiến ta chờn chợn. Hẳn sẽ quen thôi. Như
những ngày đầu ta ghê ghê khi phải kì cọ chân tay, giặt giũ áo quần, cả xoa bóp
thân thể lão nữa; rồi sau đó, ta thấy tất cả đều bình thường.
Phải. Khi sự ăn nằm với lão đã trở nên quen thì cái cảm
giác chờn chợn trong nàng cũng tan biến sạch. Lão cần thỏa mãn dục tính. Nàng
thì cần tiền. Họ trao và đổi cho nhau sau bức màn che: ông chủ - nàng hầu. Nàng
lại là đứa cháu họ, thật chẳng còn gì phải ái ngại trước cặp mắt xăm soi của
thiên hạ.
Thời gian ngắn sau, trên nhiều phương diện, nàng gần như
bà chủ trong tòa biệt thự kín cổng cao tường ấy. Chẳng hạn, việc chi tiêu ăn uống hằng
ngày, lão phó mặc nàng. Cái tivi trong phòng riêng của bà vợ quá cố, lão cho
chuyển về nơi nàng. Để khỏi mất tiền mua đồ mới - theo ý nàng đề xuất. Cả đến
sự ăn nằm chung đụng với lão, đôi lần nàng cũng chủ động tự nhiên như vợ chồng
vậy. Lão sung sướng, thỏa mãn, song thầm ái ngại. Ái ngại bởi sức lực lão không
đáp ứng nàng. Nhớ thời trai tráng, vào giai đoạn chống thực dân Pháp, giữa đêm
khuya lão đè cô du kích trên bờ ruộng lúa đang độ làm đòng. Chỉ ít phút cũng đủ
để nàng oằn oại, uốn cong người… đến giãy đành đạch, rồi lịm đi. Người con gái
thỏa mãn phải là như thế. Cho nên lão đồng ý để nàng bốc thuốc tăng lực cho
mình. Thỏa mãn với lão rồi, thì nàng khỏi nghĩ tằng tịu với ai.
Ấy là về mặt công khai nàng đề nghị thế - bốc thuốc tăng
lực cho lão. Còn trong thâm tâm, nàng nảy ý muốn sinh đứa con trai. Có con với
nhau, chỉ cần lão cắt một phần tài sản cho nó cũng đủ để hai mẹ con sống ung
dung lâu dài. Tốt hơn nữa là, nếu đồng thuận được, nàng sẵn sàng làm vợ lão.
Thì sớm muộn, cái khối tài sản kếch xù của lão sẽ chảy tuột vào túi nàng. Lão
sống khoảng mươi mười lăm năm nữa là cùng. Lão chết, nàng mới ngoài tuổi ba
mươi, cần lấy chồng tiếp, ắt chẳng khó khăn. Ở đất nước nghèo khó này, tiền bạc
có sức hút vô cùng mạnh mẽ cánh đàn ông. Mà không riêng cánh đàn ông. Nam nữ,
trẻ già, ai ai chẳng thích tiền. Nàng gắn bó với lão cũng chỉ vì tiền. Tiền để
trả nợ. Và cả hy vọng một cuộc Đổi đời! Với ý nghĩ thầm kín ấy, nàng say sưa tìm
thày tìm thuốc cho lão. Tuy vậy nàng chưa mấy tin ý định của mình thành công. Bởi
tuổi lão quá cao.
Cho đến một ngày… nàng mang thai thật. Hóa ra cụ lang râu
tóc bạc phơ nói đúng. Đàn ông tuổi chín chục vẫn có thể sinh nở cơ mà. Lúc nàng
công khai với lão, cái thai qua siêu âm được khẳng định là con trai. Lão hoàn
toàn ngờ vực, đưa lý lẽ phản bác dồn dập. Cái thai chắc đâu là của lão. Có phải
lão đã bị lừa. Cả đời lão chẳng chịu ai, nay thua mưu đứa trẻ ranh… Không khí
căng thẳng từ tối đến tận khuya. Thất vọng đến nỗi nàng phải cất lời trong
tiếng khóc nức nở: “Nếu ông quyết không chấp nhận cái thai, thì cháu chỉ còn
con đường tự tử. Tự tử ngay tại cái nhà này. Tất nhiên cháu sẽ có thư xám hối,
với cả lời đề nghị thử ADN của ông và cái thai. Khi ấy ông sẽ không thoát khỏi
sự lên án bởi tội giết chết hai mạng người. Dù lòng dạ có là sắt thép, thì suốt
chặng đời còn lại, ông chẳng thể nào thảnh thơi!”.
Sớm hôm sau, lúc nàng còn chưa rời giường, lão đã lần
sang. Lão xin lỗi tất cả những gì xảy ra tối qua. Lão vui vẻ nhận đứa con trong
bụng nàng. Suốt đêm không ngủ, nghĩ lại, lão thấy mình sai. Có đứa con trai,
với lão quả là phúc đức còn dày. Như thế tức trời phật thôi trừng phạt lão từ
đây. Ngày thằng Bảy hy sinh ngoài chiến trường, một số kẻ rủa lão cụt giống.
Cụt giống bởi ác giả ác báo. Dù không tin vào thần bí, nhưng nó vẫn ám ảnh lão
đằng đẵng mấy chục năm ròng khôn nguôi. Hóa ra - lão nghĩ - nàng không mang ý
lừa lọc ta. Cũng như ta, ta không lừa nàng. Ta muốn trao đổi sòng phẳng, cho dù
buổi đầu nàng có bị ta áp đặt. Nay nàng lại cùng ta sinh con đẻ cái để nối dài
dòng giống nhà họ Đào trên cõi đời này. Tức nàng làm sống lại nỗi khát khao đã
tắt ngấm trong ta từ quá lâu rồi. Vậy ta phải biết ơn nàng. Cho dù nàng còn khiếm
khuyết điều này điều nọ thì cũng chẳng sao. Cũng như ta, thiếu gì khuyết điểm,
và cả tội lỗi
nữa.
Trên đời này, không thể tuyệt đối có kẻ mười phân vẹn mười. Vì thế, việc cố ý
nặn ra mẫu người hoàn hảo tuyệt đối sẽ chẳng ai tin. Hãy tin vào những gì có
thật ở quanh ta. Như ta tin nàng.
Nàng để im bàn tay mình lọt trong bàn tay thô ráp răn deo
của lão, như tỏ ý hài lòng, hết giận.
Từ ngày nàng công khai cái thai và được lão chấp nhận, họ
xoắn xuýt nhau nhiều hơn. Họ nói năng với nhau cũng dịu dàng âu yếm, khác hẳn
trước kia. Xen trong ngôn ngữ “ông ông - cháu cháu”, thỉnh thoảng lão có xưng “anh”; và
gọi nàng là “em”, “mẹ bé”, hoặc “nàng”. Nàng thì, cũng thỉnh thoảng thôi, gọi
lão là “anh”, hoặc “bố bé”, và xưng mình là “em”. Vì trong thâm tâm họ đã coi
nhau như thể vợ chồng. Chính lão đã nói: “Ta cưới nhau đi!”. Lão lại nói:
“Nhưng không vội được. Còn phải chờ…”. “Chờ gì ạ?” - nàng hỏi. Lão bảo chờ ý
kiến cơ quan quản lý cán bộ. Lão thuộc hàng cán bộ cấp cao, dù đã hưu thì việc
này vẫn nên trao đổi với người ta. Còn việc cần làm ngay là, đưa mẹ con nàng đi
ở chỗ khác. Để chậm lại sẽ không che nổi cái bụng nàng cứ mỗi ngày phình tướng
lên. Lời đồn sẽ lập tức bay tứ tung khắp thành phố này. Và xa hơn nữa. Rồi từ
Sài Gòn, con gái lão ù ra, biết nói năng thế nào để nó bớt giận. Nó dễ làm bẽ
mặt nàng. Cho nên, dứt khoát phải để nàng lánh sớm. Về lâu dài thì, chắc chắn
không thể giấu thiên hạ điều gì.
Ban đầu, lão định xếp cho mẹ con nàng căn hộ hơn trăm mét
vuông tại một chung cư cao cấp. Chỗ ở như thế cũng thuộc hạng trung lưu rồi.
Nghĩ đi nghĩ lại, lão thấy không ổn. Để nàng đơn độc ở liền kề mọi người, rất
dễ xảy chuyện nọ chuyện kia, đâm rách việc. Hơn nữa, ít nhiều lão vẫn phải qua
lại với nàng nữa chứ. Tốt hơn hết, chỗ ở của nàng cách biệt hẳn ra. Nên lão
quyết định mua ngôi biệt thự thuộc khu đô thị vệ tinh của thành phố. Nó tương
đương ngôi biệt thự lão đang ở, nhưng giá hạ đến mười lần.
Bỏ ra mấy chục tỷ đồng để mua nhà, kể cũng khá to. Nhưng
có mất đâu. Tiền biến thành nhà cơ mà. Nhà bây giờ mang tên nàng, sau này sẽ là
của con trai lão. Có điều, khi rõ chuyện, khối kẻ sẽ xì xào bàn tán. Rằng tiền
lão lấy từ đâu mà nhiều thế. So với đông đảo dân chúng thì là nhiều, song không
thể sánh tài sản của lũ tham nhũng hiện nay. Tài sản chúng nó nhiều gấp mười
gấp trăm lão. Mà so tiền so của làm gì cơ chứ. Hãy so cái chí cái gan với nhau
xem?
Đời lão từng bị quân địch, cả quân ta (tức đồng chí với
nhau) bao phen giăng bẫy bủa vây nhằm hạ gục. Rốt cuộc lão vẫn sống, vẫn vững
vàng trên mọi cương vị mình gánh vác. Điều đó thể hiện lão có chí có gan ứng
phó và chịu đựng trước mọi sóng gió cuộc đời. Cái chí cái gan ấy hơn hẳn lớp
người thuộc thế hệ lão. Cái chí cái gan ấy nay vẫn còn. Cho nên, tất cả dư luận
xì xào bàn tán, lão chẳng sợ. Trước kia lão chỉ sợ con cái đói rách như cụ kị,
ông bà, cha mẹ lão thôi. Nay lão dám khẳng định, và đã khẳng định từ rất lâu
rồi: Đói rách không thể quay trở lại! Nhờ trướng bố, con gái lão đang cùng
chồng nó điều khiển một công ty nhà nước cỡ bự tại Sài Gòn. Chúng còn có khách
sạn riêng, hạng năm sao; hai ngôi biệt thự đẹp nổi tiếng; đi ô tô sang, giá
triệu Đô. Con cái chúng thì, mỗi đứa gái vừa lấy chồng Mỹ. Thế là quá yên tâm.
Còn đứa con trai của lão với nàng chưa chào đời, chắc chắn
nó cũng không khổ. Chỗ ở của nó là ngôi biệt thự lão sắp mua. Hàng trăm năm
sau, tức hết đời nó, ở thế vẫn cứ sang trọng. Rồi lão sẽ lập cho nàng một tài
khoản riêng, trên dưới chục tỷ đồng. Số tiền còn lại thuộc tài khoản của lão,
khoảng hơn chục tỷ đồng. Hằng năm, nếu không gặp sự cố đặc biệt, lão có cần
đụng tới vốn lãi ấy đâu. Lương hưu và các khoản khác đủ để lão chi dùng. Sau
này, khi lão chết rồi, tài khoản ấy sẽ chuyển hết cho mẹ con nàng. Tòa biệt thự
lão đang ở thì chia đôi, con gái một nửa, mẹ con nàng một nửa. Mấy câu di chúc,
lão viết lúc nào cũng xong. Vậy là cuộc đời lão chẳng còn gì lớn lao đáng phải
lo. Cũng chẳng lo sau này nàng đi bước nữa. Dù nàng có lấy ai, con lão cũng
không thể đói rách. Ai đó mưu mẹo, có thể chia sẻ chút ít tài sản của nó, chứ
không tài nào lấy đi tất cả. Như vậy là, cho dù vắng bóng lão trên cõi trần
này, con trai lão, cả mẹ nó nữa, đủ sống bền vững suốt đời. Được chứ, mình thân
yêu?
Nàng nói: “Em rất biết ơn mình. Em chỉ còn lo, khi em ra ở
riêng, người chăm sóc mình nay mai không được chu đáo. Với lại, em cũng lo lúc
con chúng mình ra đời, chưa biết sẽ khai sinh cho nó thế nào?”. “Thì anh chẳng
đã nói với nàng rồi, chúng mình sẽ cưới nhau. Nói vậy thôi, chúng mình chỉ cần
cái giấy kết hôn là quá đủ, phải không nàng? Để rồi anh sẽ liệu. Con trai chúng
mình có bố sờ sờ đây này!”. Vừa nói lão vừa đập bàn tay vào ngực bình bịch.
Nàng nhìn âu yếm lão, cười rõ tươi, rồi ôm choàng lấy lão: “Em cũng có chồng
hẳn hoi, mình nhỉ!”. “Chứ sao! Chồng em chẳng những hẳn hoi mà còn đứng hàng
hiếm nữa!”. Vừa nói, lão vừa đè nàng xuống giường. Lần đầu tiên nàng chủ động
hôn lấy hôn để lão. Rồi, không chờ lão, nàng còn tự trút bỏ áo quần mình.
Đêm ấy, sau cuộc ái ân, nàng vào giấc ngủ rất nhanh. Lão
thì chẳng hiểu sao cứ thao thức mãi. Và nghĩ ngợi lung tung.
Cái giấy kết hôn - lão nghĩ - thật dễ dàng với nhiều
người. Chỉ cần hai bên trai gái không vợ không chồng là xong. Còn ta, chưa hẳn
thế. Sẽ vô số ý kiến, trực tiếp gián tiếp luận bàn, chê bai, cản trở. Rằng sắp
sửa xuống lỗ còn tham lam vợ con. Rằng hủ hóa với con hầu, nên đâm lao phải theo
lao… Rồi, con bé ấy là người họ hàng cơ mà. Dám ăn nằm với lão già đáng tuổi cụ
mình, quả cũng to gan… Nhưng, không thế lực nào cản nổi ta kết hôn với nàng.
Nay ta đã hưu, đó là thuận lợi vô cùng to lớn, giúp ta sức mạnh kháng cự. Xưa
kia sức mạnh ấy chẳng thể có trong ta, và gần như nó bị triệt tiêu đối với tất
cả những ai đương chức đương quyền. Bởi nó đã bị sức mạnh của lòng ham say
quyền lực bủa vây đè bẹp, với một quan niệm gìn giữ đạo đức cách mạng (!?) Thế nên, thời kỳ nghiệt ngã ấy, đó
đây không hiếm những đứa con hoang. Chỉ vì không dám từ bỏ chức quyền, cha
chúng đã trốn chạy trách nhiệm. Ai đó dám công khai làm cha, ắt không tránh
khỏi hình phạt sa thải cùng nỗi nhục đeo bám suốt đời. Hình phạt nặng nề đã
trói chặt con người, khiến họ buộc phải nhẫn tâm vất bỏ phẩm cách sống, cho dù
biết đó là tội lỗi. Tội ấy, chính ta từng mắc!
Lần này nhờ có nàng nên ta thoát khỏi lỗi lầm. Ta thật ân hận
vì đã to tiếng với nàng suốt buổi tối xưa. Buổi tối ấy là cái mốc ghi nhận sự
chuyển đổi nhận thức trong ta. Ta sẽ công khai gánh vác trách nhiệm làm chồng
làm cha, theo đúng nghĩa vụ và phẩm cách một con người. Ta không thể bỏ mặc mẹ
con nàng, đẩy nàng thành gái chửa hoang, con thì không cha. Nay ta đã hưu. Tức
đã thoát khỏi cái sức cản ghê gớm nhất của quyền lực. Nên ta đủ sức vượt qua
mọi trở ngại để giành cuộc sống bình yên cho mẹ con nàng.
Ta đủ sức! Nàng có tin không? Chắc chắn rồi đây nàng sẽ còn
phải nói tiếp lời biết ơn ta… Còn phần ta, ta đã xin lỗi nàng. Và ta cũng mang
ơn nàng. Nàng đã khơi nguồn sức mạnh trong giòng máu ta. Nàng đang mang trong
cơ thể cả giòng máu ta. Nàng là người duy nhất sẽ xóa án tuyệt tự cho ta trong
nay mai. Nàng với ta nay là một. Trong ta có nàng. Trong nàng có ta. Ta
cứu nàng cũng tức là cứu cuộc đời ta. Tình yêu của hai ta thuộc hàng hiếm xưa
nay, phải không nàng?
Bất giác lão nghĩ đến người đời - là mấy
đồng chí cùng cái thời lão còn trai tráng. Sao họ hay săm soi bới lông tìm vết,
quanh chứng dâm dê trong ta. Mấy lần họ rắp tâm diệt ta mà không xong. Nay, nếu
họ còn sống và có cách nhìn hợp thời thế, thì nên mừng cách xử sự của ta. Họ
cũng cần hỏi mình rằng, nếu rơi vào trường hợp ta, họ chọn cách xử thế nào? Vì
ích kỷ hoặc gì gì đi nữa, ai đó không dám đương đầu cứu người ruột thịt, thì
đừng có to mồm nói lớn: Vì dân! Vì dân, chỉ là nói xạo, dối lừa!
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6437.html
- In trong tập Chuyện đời 3, Nxb Hội Nhà văn, 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét