Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
Bà
nội bảo nó, suốt đời bà không đi lễ chùa. Bà quan niệm, Phật tại tâm, tu tại
gia. Quanh năm, vào dịp đầu xuân, bà có đến cửa chùa cũng chỉ để vãn cảnh, ngắm
trời đất cho lòng thư thái. Ông nội khuyên nó, làm một gã đàn ông, phải biết
đội trời đạp đất, sống vì công bằng và lẽ phải. Đừng bao giờ đi bằng đầu gối.
Nếu có đói cũng phải biết ngẩng cao đầu nén chịu, đừng vì miếng ăn mà đánh mất
nhân cách của mình. Bà nó suốt đời không biết nói dối một câu. Thậm chí, nếu
cần nói không đúng sự thật để cho sự việc tốt đẹp hơn, bà vẫn thấy như mình có
tội. Mấy kẻ có quyền hợm mình tỉ tê, vuốt ve ông nó, mong được chấp nhận làm
ngơ những điều sai trái mà chúng phạm phải. Nhưng ông đã ngạo mạn bước qua mà
không hề nghĩ đến việc mình có thể bị trù dập. Nó nghe kể, bà nội là gái Kinh
bắc. Con cả một quan đầu tỉnh có học. Quan đầu tỉnh sống chính trực, thương
dân. Năm đói Ất Dậu, mỗi sáng quan cho gia nhân nấu một nồi cháo lớn, cứu độ
những kẻ lâm cảnh hàn vi. Biết được sự việc ấy, mấy tên quan tham cùng thời vu
cho cụ ủng hộ Việt Minh, nên chốn lao tù là nơi kết cục cụ phải vào ngồi. Song
không tìm được thêm chứng cứ gì, chúng đành tha bổng cụ sau hơn một năm giam
giữ. Ra tù, cụ bỏ về quê sống nốt quãng đời còn lại. Bà nó không được học cao,
nhưng tứ đức ở bà, gái Kinh bắc chẳng mấy ai sánh kịp. Ông nội nó cũng là con
trai cả một nhà tư sản lớn ở Hà Nội, chuyên buôn bán những sản vật quý của rừng
như sâm, nhung, quế, hồi...
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại Đông
Dương, ông không nối nghiệp nhà, theo Cách mạng lên Việt Bắc, vứt lại một gia
tài kếch xù mà ông đương nhiên được thừa hưởng. Hoà Bình, ông về Hà Nội làm
Chánh thanh tra ngành Tư pháp. Bà nó, theo lẽ "tòng phu", suốt đời
coi phụng sự chồng là nghiệp của mình. Việc nhà, trông nom nuôi dạy con cái, lo
từ hạt gạo, mớ rau cho đến chữa mái nhà dột, bà gánh trọn, không một lời kêu
ca, ta thán. Ông nó, hết mình vì việc chung, sự trong sạch của đội ngũ cán bộ
trong ngành mới là điều làm ông mất ăn mất ngủ. Bà nó, cũng vì nhất nhất tuân
theo lẽ "tòng phu", nên lúc nào cũng chấp nhận cung cách gia trưởng
của ông, không bao giờ để ông bận tâm việc bếp núc. Có lần, ông vét nốt mấy
đồng bạc cuối cùng trong chiếc ví của bà, mang đi cho một người bạn ốm nặng, mà
bà nó không một lời trách móc. Bà tâm niệm "Một sự nhịn, chín sự
lành" là điều bà quý hơn cả. Mặc dầu vậy nó luôn cảm nhận, ông yêu thương
quý trọng bà hết mực. Ông cư xử có vẻ gia trưởng đấy, nhưng với ông, bà là tình
yêu duy nhất. Quan niệm về nếp nhà của ông bà là vậy. Nó chỉ tiếc rằng, bố mẹ -
những người sinh ra nó, chẳng được như ông bà nội.
Mỗi buổi chiều
muộn, nó thất vọng nhìn bố khật khà khật khưỡng bước vào nhà, hơi thở sặc mùi
rượu, miệng lè nhè những câu dấp dính. Mày
đã thấy con... con mẹ mày về... về chưa? Sao bố lại gọi mẹ như vậy? Câm con... con mẹ cái mồm mày đi. Mày dám
vặn vẹo thằng... thằng bố mày hả... ả? Vừa dứt từ ả, bố đổ vật dúi dụi
xuống giường. Một tích tắc bố nhỏm dậy, lao đầu ra phía ngoài. Tiếng nôn oẹ
thốc tháo. Mùi chua lờm lợm bốc lên khắp nhà.
Mẹ nó, bố quen
trong một chuyến lên biên giới đánh hàng điện tử. Sống ở một tỉnh giáp ranh
vùng biên, mẹ khôn ngoan, lọc lõi, tháo vát hơn người. Giống nhau ở cái nhạy
bén khi ngửi thấy hơi tiền. Thích nhau ở sự tháo vát, tinh tường. Họ dính với
nhau trong những phi vụ chuyển hàng lậu trốn thuế. Đến khi mẹ cảm nhận xuất
hiện mầm mống của một sự sống mới trong mình, thì nó đã được bốn tháng. Không
bỏ đi được, bố đành đưa mẹ về giới thiệu cùng ông bà.
Ông im lặng.
Bà nuốt nước mắt mỉm cười cùng người dâu bất đắc dĩ. Ông thở dài chua chát với
vẻ thất vọng đến tột cùng nhìn bố đưa về nhà một kẻ xa lạ. Bà, với tấm lòng đôn
hậu của người mẹ, đau thắt ruột mà vẫn ân cần khi con dâu đến kỳ sinh nở.
Trước, bố làm
giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu nông lâm sản. Mấy năm đầu thành lập, bố
làm ăn rất phát đạt. Công ty luôn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cán bộ,
công chức dưới quyền coi bố như thần tượng. Những cô gái chưa chồng chỉ mong
được lọt vào tầm ngắm của người thủ trưởng tài ba muộn vợ. Khi lễ ngày tết,
ngoài phần lương cứng, mỗi người đều được thêm một khoản rủng rỉnh. Năm nào, cơ
quan bố cũng được lãnh đạo các cấp tặng nhiều danh hiệu thi đua. Phong cách làm
ăn sáng tạo, năng động, đầy hiệu quả của một con người mới chân ướt chân ráo
rời quân ngũ được vài năm, đã nhập cuộc được nhanh chóng với môi trường và cơ
chế làm ăn mới, được coi như một điển hình cần nhân rộng. Bà nội tự hào về bố
lắm. Còn ông thì đùa, cái gien làm thương
nhân đến đời nó lại trội ra rồi, bà ạ. Nó rồi sẽ được như ông nội.
Cái nghề của
ông, muốn nghiêm túc ắt phải va chạm trong quan hệ. Nhiều người phạm pháp đến
cầu cạnh để ông làm ngơ. Không ít kẻ ỷ thế có quyền, đã làm điều bất chính, lại
còn rung doạ nếu ông khui ra. Từng có lần bà nhặt được bọc tiền to ném qua cửa
sổ vào nhà. Ông đưa đến cơ quan, thông báo công khai, làm thất vọng những kẻ
cạn nghĩ, cho rằng đồng tiền sẽ làm mai một được nhân cách. Nhưng với ông,
chúng hoàn toàn nhầm.
Công ty của bố
vẫn lên như diều gặp gió. Luôn đến thăm ông bà nội là một cấp phó của bố. Chẳng
hiểu sao, ông cứ thấy gờn gợn khi tiếp xúc với con người này. Bà cũng chẳng mấy
thoải mái với cung cách nịnh bợ hơi thái quá của ông ta. Con người này lưỡng quyền nhô cao, quai hàm hóp, đôi mắt nhiều lòng
trắng, cặp môi thâm xì, khó tin lắm, bà ạ. Tôi cũng thấy gai gai với cái
cười "hích, hích" của ông ta, ông ạ. Ông ta là người được việc, tư vấn cho con nhiều công vụ rất hiệu quả.
Cả cái khoản giấy tờ cho mỗi lần xuất nhập hàng, nếu không có ông ấy, con cũng
khó bề xoay xở. Các cụ dạy, trông mặt, đặt tên. Bố cứ nhắc con vậy. Mẹ không bao giờ can thiệp vào công việc của
bố. Nay với con cũng vậy. Nhưng linh cảm thật bất an khi tiếp xúc với ông ta.
Con nên cẩn thận. Vâng, con sẽ để tâm.
Mái tóc của
ông, sau mấy đêm vật vã khi biết chuyện động trời bố làm, đã đổi một màu trắng
xoá. Chỉ vài ngọn tóc lơ thơ trên đầu mà như cả khối đá tảng đè dí ông xọm
người xuống. Những giọt nước mắt lã chã rơi trên má bà. Ông chạy giúp con được không? Chạy là chạy như thế nào? Ông là thanh tra trong ngành tư pháp, có nhiều
chỗ quen biết để lo lót. Bà cũng nghĩ, tôi làm được những việc hèn hạ vậy
sao? Nhưng nó là con mình. Là con
mình thì có thể sống ngoài vòng pháp luật ư!? Bà nghĩ quẩn mất rồi? Đúng thật, bị đột ngột quá nên tôi mất
tỉnh táo. Nhưng tôi đau lắm ông ơi. Chắc bà hiểu, tôi cũng vậy.
Cảm giác xấu
hổ, tủi nhục đè trĩu con tim suốt đời trong sạch của hai ông bà. Đến cơ quan,
ông ngồi lì trong phòng làm việc. Bà không dám bước chân ra khỏi nhà để đi chợ.
Những ánh mắt dò xét của mấy kẻ tiểu nhân nhìn ông đắc chí. Bà quanh quẩn vào
ra, âm thầm gạt nước mắt. Một số người tâm phúc của ông dè dặt: Hay... anh đi gặp Bộ trưởng xem sao? Ông
kiên quyết lắc đầu.
Cái án toà
tuyên không ngoài dự đoán của ông. Ba năm tù giam cho các tội: chiếm dụng hoàn
thuế giá trị gia tăng; xuất nhập hàng lậu, hàng giả kém chất lượng. Bố đã tin
mù quáng vào gã cấp phó phản phúc. Trên mọi giấy tờ, chữ ký của giám đốc rành
rành, còn gã mặt quắt vô can. Cánh cổng nhà tù rít lên kin kít khép lại. Sau
lưng bố là ông bà nội cùng những năm tháng tuổi già cô đơn buồn tủi. Chiếc ghế
giám đốc giờ là kẻ mắt trắng môi thâm ngồi chỗm trệ. Không khí hoang mang tràn
ngập một công ty từng có thời vàng son.
Ông xin về hưu
trước tuổi. Bà quanh quẩn bên ông an ủi. Mấy
tháng trước, tôi đã linh cảm thấy điều chẳng lành, bà ạ. Vâng, ngắm mặt mũi
nó hốc hác, tâm tôi cũng bất an. Có lần tôi hỏi, nó cứ ậm ừ... Cũng chẳng ngờ, khi lâm thế bí, nó lại liều
đến thế, bà ạ. Chắc cái gã cấp phó đã tìm cách hãm hại nó. Quân tráo trở! Nếu đúng thế, cũng phải tự trách mình trước.
Tôi với bà đã chẳng nhắc nhở nó là gì. Nhưng nó cũng thật liều, dám chiếm
dụng của Nhà nước một lượng tiền lớn đến thế, lại còn buôn hàng lậu trốn thuế
nữa chứ. Làm ăn không chịu tính toán, vay
vốn đầu tư lớn, đến lúc bí lại làm liều. Sao nó lại dùng những kẻ như gã cấp
phó ấy ở bên cạnh cơ chứ? Nó chẳng còn nghĩ đến ông và tôi nữa rồi. Tôi thật xấu hổ, đã không dạy được con. Mình
không giữ được nếp nhà, sao có thể làm yên lòng thiên hạ đây! Về hưu sớm cũng
phải. Thôi thì, cha mẹ sinh con... mà ông. Ông cũng đã hết lòng vì nó. Bà có trách tôi không “chạy” cho con không?
Giờ thì không, ông ạ. Lúc ấy tôi quẫn nên nói lung tung như thế. Ông nghĩ
ngợi làm gì.
Bốn bàn tay
khô héo, nhăn nheo nắm lấy nhau thật lâu.
* * *
Tiếng oa oa
chào đời của nó phá tan bầu không khí nặng nề trong nhà. Dù đứa trẻ từ đâu ra
cũng là một thiên sứ. Huống hồ, nó mang dòng máu của ông bà. Khuôn mặt của nó y
trang cụ nội. Ông ngắm cháu như thấy lại cội nguồn vẻ vang. Bà nâng niu giọt
máu quý báu do nàng dâu từ “trên trời rơi xuống” sinh ra.
Mãn hạn tù, bố
trở về nhà. Tâm tính bố khác hẳn. Lầm lì. Cục cằn. Mỗi câu nói ra đều tỏ sự bất
cần. Có lần, nhiều ngày bố vắng nhà. Đi đâu ông bà chẳng hề biết. Cũng có khi,
bố đưa về nhà mấy người bạn, chỉ nhìn bề ngoài là có thể biết được xuất xứ từ
đâu. Họ nói với nhau toàn tiếng lóng khó hiểu. Ăn thì nhồm nhoàm thô tục. Tu
rượu như nước lã. Lúc đó, ông bà rút vào buồng riêng, đóng chặt cửa.
Bà ạ, ra tù sao nó thay đổi đến thế. Tôi cứ nghĩ, nhà tù là nơi rèn dũa con người cơ đấy. Cứ
hy vọng mấy năm ngồi trong đó, nó tu tỉnh để làm lại cuộc đời. Bà không biết đâu, tôi làm trong ngành thì
quá rõ. Rõ sao hả ông? Hầu hết vào
trong đó, đứa hiền lành lúc ra hung hãn lên. Đứa đã hung hãn, lại càng khủng
khiếp hơn khi được thả. Đứa không ăn cắp, bị bắt oan, khi ra trở thành kẻ đào
tường, khoét vách thành thạo... Sao lại thế hả ông? Người ta bảo, nhà tù là
trường học cơ mà. Thôi bà đừng hỏi nữa,
nói ra đau lòng lắm. Vậy là, tôi phải hiểu trường học theo nghĩa nào đây? Bà ạ, trong tù cũng là một xã hội thu nhỏ.
Cũng phân ngôi thứ, cũng có kẻ giàu, người nghèo. Cũng có đứa ngồi ghế “quan”,
đứa phải bưng bê, cung phụng, hầu hạ. Bị bắt vào tù vì ma tuý, làm đĩ. Khi vào
đó, vẫn tiếp tục buôn ma tuý và làm đĩ. Thậm
chí những ngón nghề chúng truyền bảo nhau tinh vi hơn, ma quái hơn. Trời
đất, nghe ông nói tôi ghê sợ quá. Về một
nghĩa nào đó, bà cũng có thể hiểu đấy là “trường học”. Không phải những
điều này từ ông nói ra, làm sao tôi tin được. Sự thoái hoá biến chất của những người làm trong các ngành công an, tư
pháp... đã góp phần không nhỏ, đẩy đạo đức xã hội xuống cấp nhanh chóng.
Công an, tư pháp cũng ăn cắp, nhận hối lộ nhiều lắm, hả ông. Thế bà không thấy à, bao nhiêu vụ án ma tuý,
buôn lậu thì gần hết số đó có công an, hải quan, cán bộ kiểm sát cũng dính vào.
Nào tôi có để ý. Nghe vụ nào biết vụ ấy, chứ làm sao tổng kết được như ông.
Tôi hỏi bà, nếu những người nắm giữ pháp
luật không hám tiền, bao che cho những kẻ làm ăn phi pháp thì làm sao có thể
lọt lưới những vụ động trời như báo chí đã đưa. Nhiều vụ nghe qua đã thấy vô
lý, không khác gì con lạc đà chui qua lỗ kim. Vâng, ông có nói tôi mới ngẫm
lại. Đúng thế thật. Chẳng phải chỉ là hám
tiền nên bao che kẻ phạm pháp, mà chính những người có chức, có quyền, họ cũng
trực tiếp làm những điều phi pháp cơ. Như thằng con mình đấy. Thôi... ông
đừng nói nữa. Xót xa quá, ông ạ. Bất lực
với nhân tình thế thái, rồi đến khi thằng con sa ngã, tôi thấy quyết định về
hưu là đúng, mặc dù còn gần năm năm nữa mới đến tuổi. Nhưng giờ mà nó như
thế này thì tôi với ông có khác nào sống dưới địa ngục. Không biết có phải là
nghiệp chướng? Sao bà nói vậy. Các cụ hai
bên đều ăn ở phúc đức cả. Chẳng qua, nó bị ảnh hưởng thời thế. Và, chính nó
không tự biết giữ mình. Đồng tiền là cái gì cơ chứ mà nó mê muội đến thế hả
ông. Giờ thì tôi với ông bất lực với nó thật rồi. Vậy thì đành “Lão giả an chi”, bà ạ. Pháp luật cũng quy định, mười tám
tuổi là đủ tư cách công dân để tự chịu trách nhiệm trước xã hội. Huống hồ, nó
giờ đã ngót bốn mươi. Không hiểu nó có biết rằng, nó đang đày đoạ tôi với
ông không, hả trời? Nó mà thương tôi với
bà thì đã khác...
Bố lăn lộn
kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng chuẩn mực đạo đức của con người bình thường cần
có ở bố, lại thay đổi tỷ lệ nghịch với số tiền mà bố kiếm được. Ông bà nội cũng
ngày càng sống lặng lẽ hơn, tách bạch hơn với cuộc sống của bố. Cho đến cái
ngày bố đưa mẹ vác cái bụng lùm lùm về ra mắt ông bà...
Sự có mặt của
nó trên đời đã phần nào xua tan cảnh sống hiu quạnh của ông bà nội. Mẹ đẻ nó
xong, cứ như trút được một gánh nặng ám ảnh. Dường như thiên chức của người đàn
bà không phù hợp với mẹ. Chỉ hơn tháng sau, mẹ đã thản nhiên vứt nó cho bà nội,
để trở lại “trên từng cây số”, xuôi ngược từ biên giới về Hà Nội và ngược lại.
Với bố cũng vậy, cho nó ra đời cũng chỉ là một sự chấp nhận khiên cưỡng. Hấp
dẫn bố hơn nó là những phi vụ làm ăn phi pháp, là những bữa nhậu triền miên sau
mỗi “quả thắng lớn”.
Bố nó mất đột
ngột. Đám tang diễn ra lặng lẽ. Chỉ có tiếng gào chồng của mẹ thật to. Nhưng
người ta có cảm giác, tiếng gào cứ truội đi đâu ấy. Anh ơi. Em chăm anh như thế. Nào có tiếc anh một thứ gì. Sâm ư? Nhung
ư? Linh chi ư?... Còn cả một đống đấy. Sao anh không dùng mà đã vội bỏ đi?...
Anh ơi, anh cho em theo cùng, hức... hức... hức? Mấy tiếng “hức” cuối cùng của mẹ cũng rành mạch,
rõ ràng, khô khan. Lẫn trong đám người đưa tiễn bố, thấp thoáng bóng gã thày
cúng. Gã đã cặp kè công khai với mẹ, từ khi bố nằm một chỗ. Trước đó, gã chỉ
xuất hiện khi làm lễ giải hạn cho bố. Hoặc xem ngày tốt, giúp mẹ thực hiện một
chuyến “đánh” hàng.
Ông ạ, thôi
thì nó chết cũng yên phận nó. Tôi chỉ thương thằng cháu côi cút. Tôi nói thế này, bà hiểu cho tôi. Sao hả
ông? Nó sống hay chết, với tôi cũng như
nhau cả thôi. Sống như nó trong thời gian vừa rồi, thì... Thôi thôi... ông
ơi. Nó vẫn là con mình mà ông. Bà còn nói
ra được. Chứ tôi thì... nỗi đau cứ đè nghẹt bên trong. Xót xa lắm, bà à! Còn
thằng cháu, nó cũng lớn rồi. Mấy hôm nay, tôi thấy nó cứ ngồi riết bên bàn
thờ bố. Những lần mẹ nó thắp hương, nó giằng lấy, tự tay thắp. Thực ra, từ bé đến giờ nó sống với bà và tôi
nhiều. Mấy khi được mẹ ôm ấp đâu. Thật tội. Từ khi xuất hiện gã thày cúng,
nó càng lầm lì với mẹ hơn trước. Chẳng hiểu sao mình cứ phải chịu tai ương thế
này. Thằng con mình, sau khi ra tù nó làm
nhiều việc bạt mạng, chẳng sợ gì thần thánh, thế mà cuối đời lại tin đến mù
quáng. Thật lạ! Từ khi lâm bệnh trọng, nó mê muội tới mức, chỉ lang thang
chùa chiền để kêu cầu? Trước khi nhắm mắt, không biết nó có nhận thấy quan hệ
của vợ với kẻ kia không? Nếu không nhận
thấy cũng tốt, ra đi cho nhẹ nhõm. Như thế tốt hơn, bà ạ. Giống tôi với bà ấy,
thời gian qua nhiều lúc phải giả mù, giả điếc là gì! Còn, nếu nó nhận thấy thì
đành ôm hận mà cười nơi chín suối thôi. Đó là cái giá nó phải trả cho sai lầm
của cuộc đời. Nhiều lúc tôi muốn khóc thật to, nhưng họng đau rát, còn nước
mắt thì cạn kiệt hết rồi, ông ơi! Thôi bà
ạ, cũng may, bên tôi và bà còn có thằng cháu.
Rồi, đột nhiên
mẹ nó cũng biến mất, không một lời để lại. Khi đó chưa đầy bốn chín ngày bố
mất. Cuộc sống của nó với ông bà lại đều đều trôi. Có phần yên tĩnh hơn. Một
tháng. Hai tháng. Rồi một năm qua đi.
Cháu à, thế là năm tới là năm cuối cấp phải không? Dạ, năm cuối ạ. Vậy,
cháu đã có ý định chọn thi vào trường nào chưa? Cháu định xin thi Luật, ông
ạ. Sao, Luật à?...
Ông hỏi thảng
thốt. Bà cúi đầu buồn. Nó loáng thoáng đoán được tâm sự của ông.
Học Luật cũng tốt, nhưng khó đấy cháu ạ. Cháu hiểu ông ạ. Không,
cháu chưa hiểu đâu. Học ở trong trường không khó. Với sức của cháu, để là một
sinh viên xuất sắc, ông tin. Nhưng.... Sao hả ông?
Ông im lặng.
Bà lắc đầu ra hiệu cho nó đừng hỏi tiếp. Nó biết, trong ông là nỗi đau giằng
xé...
Là một sinh viên xuất sắc thì dễ, nhưng làm một người luôn
nhận thức được đúng sai, luôn dũng cảm bảo vệ cho công bằng và lẽ phải, không
dễ đâu... Bà và nó nhìn nhau lo lắng. Ông nhắm
nghiền đôi mắt, giọng đều đều nhưng vẫn hiện rõ nỗi đau day dứt.
Cũng có khi con người ta vẫn nhận thức được đúng sai đấy,
mà nhiều ràng buộc lắm. Ràng buộc với đồng tiền. Với chức quyền. Với quan hệ
thân bằng cố hữu... Và, trăm kiểu thử thách khác như gái đẹp chẳng hạn. Đối
diện với tiền bạc, có phải ai cũng khí khái ngoảnh mặt quay lưng? Đứng trước
những kẻ lạm dụng chức quyền làm điều vô đạo, mấy ai dũng cảm đương đầu bảo vệ
chân lý? Dám nghiến răng, nuốt ngược nước mắt, để đặt lên cổ người thân lưỡi
hái của thần công lý, hỏi đã mấy ai? Xưa, chẳng đã có bao anh hùng bị rơi vào
cạm bẫy mỹ nhân, để đến nỗi sa cơ lỡ vận, nước mất nhà tan, tiếng xấu để đời là
gì! Thời buổi này, để làm một người tử tế chính trực, chẳng dễ dàng gì. Khó lắm
cháu ơi! Nhưng với cháu, khó mấy cháu cũng hãy cố trở thành một người tử tế. Tử
tế và chính trực, cháu ạ. Còn với ông, giờ đây ông thèm hai chữ thanh thản. Sự
thanh thản là điều sung sướng nhất. Vậy mà muộn mất rồi!
Ông thở hắt
ra, mệt mỏi. Bà rót mời ông chén nước nóng. Nó đưa tay xoa xoa lưng ông. Cả ba
chìm vào im lặng.
Rồi ông cũng
ra đi. Nhưng không đột ngột như bố. Ông vật vã cả tháng trời rồi mới hắt ra hơi
thở cuối cùng. Ông nằm bất động trên giường. Không ăn. Cũng chẳng uống. Triền
miên. Từ ngày này sang ngày khác. Nhưng đôi mắt ông vẫn mở to, chăm chắm nhìn
lên một điểm nào đó, rất xa xôi trước mặt. Ánh mắt ông khắc khoải. Bồn chồn.
Đau đớn. Nỗi đau của một người bất lực với cuộc đời. Với chính mình.
Nhưng, trong
sâu thẳm đôi mắt già nua tuổi tác của ông những giây phút cuối, nó vẫn nhận ra
những tia âu yếm và hy vọng. Những tia hy vọng dành cho nó. Nó hiểu, ông hy
vọng vào nó. Chính nó, chứ không còn ai khác, sẽ phải gột rửa bằng được vết
nhơ, mà những người sinh ra nó đã bắt ông (rồi sẽ đến bà), phải đau đớn mang
theo về cõi vĩnh hằng.
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6439.html
- In trong tập Nốt nhạc trầm, Nxb Hội Nhà văn, 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét