Trường trở về nhà sau những năm ở trại giáo dưỡng.
Khi đi trại, nó còn là đứa trẻ vị thành niên, nay đã vào tuổi người
lớn hẳn hoi. Ông Thường nửa mừng nửa lo, đón con bằng một lời khuyên:
"Từ nay chịu khó tu chí để mà nên người!". Không hiểu sao khi
ấy nó "vâng" một tiếng có vẻ hững hờ. Sự hững hờ khiến
người bố nghĩ rằng, nó chưa hẳn nguôi giận ông. Bởi chính ông đã hạ
bút ký cam kết với công an để tống nó đi trại giáo dưỡng. Nơi ấy xưa
nay không chỉ riêng nó coi là chốn lao
tù. Mà cảnh tù xứ mình, chỉ nghe kể cũng đủ sợ vãi đái ra quần.
Nhưng phải thế - ông Thường nghĩ - phải bắt nó và tất cả những kẻ vô lương
bất trị đương đầu với cảnh sống khốn khổ khốn nạn, may ra chúng mới
tỉnh ngộ, để trở lại làm người tử tế. Chứ ông thì hoàn toàn bất lực trước cậu con trai
rồi.
Vâng. Bây giờ thì con
trai ông tỉnh ngộ rồi đây. Nó rất muốn làm người tử tế đây. Nó đang
chờ ông tìm kiếm công ăn việc làm đây...
Ngay từ ngày đầu trở
về, Trường đã mong có luôn một việc làm để nuôi thân, mà không muốn
ăn bám bố quá một ngày. Ăn bám là bất lương. Trộm cắp là bất lương.
Những điều ấy, mấy năm qua nó được học thuộc lòng, như thể con chiên
học kinh thánh vậy. Có điều, con chiên thì tự giác học. Còn nó
(cùng đồng bọn) thì bị bắt buộc nhồi nhét vào đầu. May mà nó sớm nhận ra lẽ phải,
biết ăn năn trước lỗi lầm, tích cực lao động cải tạo. Nên nó mới
được rời trại trở về.
Ông Thường đã phải
chạy đôn chạy đáo kiếm việc cho nó. Để nó nằm dài ở nhà, không
khéo lại sinh hư. Trước kia vì ham chơi mà nó bỏ học. Vì ham chơi nên
sa vào cái nghề trộm cắp bất lương. Nhiều lần bị người ta đánh cho
sưng mày sưng mặt. Nhiều lần ông phải ra đồn công an ký bảo lãnh xin
tha cho nó. Khiến ông chẳng mặt mũi nào muốn nhìn ai nữa. Giá mà dễ
dàng chết được thì ông dám chết quách cho rồi. Mặc nó tự đương đầu
với cõi đời này. Coi như dòng dõi nhà ông đến đây là mạt vận. May
thay, nó biết trở lại làm người. Tức là phúc đức nhà ông vẫn còn.
Nên ông cần phải sống làm chỗ tựa cho nó.
Nơi đầu tiên ông cậy
cục việc làm cho con là chỗ người em họ. Chú ấy quyền hành không
lớn, nhưng có sức chi phối thiên hạ. Tuy là anh em gần, song vì quan
niệm sống trái chiều nên bao năm rồi hai bên không qua lại nhau. Sau này
người em nhờ chức quyền trở nên giàu có, khiến ông càng thêm xa lánh.
Nay ông phải tìm đến gõ cửa, nghĩ cũng ái ngại vô cùng. Thôi thì vì
con, ông đành cúi đầu xuống vậy. Nghe trình bày, người em họ nói thẳng
băng: "Trường hợp của thằng Trường thật khó. Nghề nghiệp đã
không, lại còn bị cái án tù nữa mới gay!". Ông liền thanh minh. Rằng thằng
Trường không mắc án tù. Mà do ông gửi nó vào trại giáo dưỡng, cốt
bứt khỏi cái lũ hư hỏng ở xung quanh. Và hy vọng sự dạy dỗ nghiêm
ngặt ở trại sẽ cứu vớt nó nên người. "Mong chú hiểu rõ trường
hợp của cháu là như thế!". "Em
hiểu. Em hiểu. Nó không bị xử tù là bởi khi ấy còn đang trong tuổi
vị thành niên. Nếu là người lớn, làm sao nó tránh án tù được. Vậy
bản chất sự việc không khác nhau đâu. Nên chỗ người nhà, em mới nói
tuột nó là như thế". "Thôi thì... Xin chú thương cháu. Thương cháu tức là thương tôi. Tôi không dám xin
cho cháu công việc ở nơi cơ quan chú. Chỉ xin chú ném cháu xuống đơn
vị nào đó. Chẳng hạn như là Công ty Vệ sinh môi trường. Nơi ấy chắc
không đòi hỏi bằng cấp cao siêu hoặc nghề nghiệp gì ghê gớm. Cốt
sao cháu có việc làm là được". Người em
cười khẩy: "Xin bác đừng có coi thường cái nghề hót rác, đổ
thùng. Nghề ấy bây giờ thơm
chán. Thu nhập các khoản không ít tiền đâu. Muốn vào việc cũng phải
tìm đúng cửa mà đút lót mới trôi. Bác không thấy thời thế bây giờ
nó thế ư?". Ông khẽ gật đầu: "Thôi thì... nếu có phải quà
cáp thế nào, xin chú cứ bảo. Miễn sao công việc trôi chảy".
"Ơ kìa, có bố chúng nó cũng không dám nhận gì của em. Nhưng mọi
trường hợp đều miễn nhận thì... cấp dưới em chúng nó ăn gì? Hít
không khí đủ sống à? Cho nên chúng em đều phải tự biết đến vấn đề
là: Không có lấn sân nhau!". "Hay là, xin chú mách cho tôi
đường đi nước bước để tôi tự... Coi như chú không hề biết việc này.
Tôi và cháu cũng xin giữ kín quan hệ họ hàng gần gặn với chú".
"Bác nói, xem ra thì được. Song, chắc chắn bác không đủ sức lo lót đâu.
Đều tính bằng cây que cả
đấy!". Ông đành ra về với nỗi buồn khác lạ. Vẫn biết thời thế
bây giờ đạo đức con người xuống cấp, song ông cứ nghĩ đó không phải
là tình trạng tràn lan. Hóa ra ông nhầm to. Ngay người em họ ông cũng
không một chút nể vì, dám hắt toẹt đi cái đề nghị cỏn con trong tầm
tay hắn. Phải chăng trước đồng tiền bát gạo, họ hàng ruột thịt chẳng
còn ý nghĩa gì ư? Mà ông với hắn không chỉ có quan hệ chung chung là
anh em con bác con cô ruột
thịt. Còn sâu nặng hơn nhiều. Xưa bố ông đã phải thay cha mẹ nuôi mẹ
hắn từ lúc hai tuổi đến khi gả chồng cho em. Bố hắn chết, ông lại
phải bù trì cho mẹ hắn nuôi hắn, cũng từ hai tuổi cho tới trưởng
thành. Thế mà giờ đây hắn quên sạch. Bởi coi đồng tiền là trên hết
ư? Nếu hắn là người dưng nước lã, ông chỉ việc xoè
ra cây que cùng với lời đề nghị
yêu cầu, hẳn là sự việc chót lọt ngay thôi. Trong tích tắc, ông đâm
oán mình vẫn còn niềm tin vào con người. Nhưng sao lại không tin! Có
điều, niềm tin nên đặt vào đâu, vào ai. Tin ở
lẽ phải, tin ở chân lý, điều đó không sai. Song, lẽ phải và chân lý
lại do con người nắm giữ. Vậy làm thế nào tìm ra ông Bao Công trong
cái biển ngưòi mênh mông này để mà gửi gắm niềm tin. Làm thế nào?
Liệu trên đời có còn ông
Bao Công bằng xương bằng thịt không? Và ông Bao Công liệu có thắng nổi
sức tàn phá của con người đang như sóng thần dâng không?
Đương nhiên ông chưa hẳn
thất vọng. Ông tiếp tục đi gõ cửa tìm việc cho con. Nơi thứ hai ông
đến chính là chỗ mình làm việc hơn hai chục năm cho tới ngày nghỉ
hưu. Ông không nghĩ vị giám đốc một viện nghiên cứu tầm cỡ quốc gia
lại sẵn sàng tiếp cái lão nhân viên quèn ngày trước. Sau khi rót
nước mời, vị giám đốc hồ hởi hỏi: "Thưa, bác có yêu cầu gì
với viện ta ạ?". Ông rụt rè nói: "Báo cáo đồng chí viện trưởng, chả là tôi có
thằng con... Vâng, thằng con độc nhất... nay cần việc làm".
"Thế cháu học ngành gì ạ?". "Dạ, cháu nó chưa có nghề
nghiệp. Chỉ được cái trẻ khoẻ... và sẵn sàng nhận bất kỳ công việc
chân tay nào được phân công ạ!". "Vậy thưa bác, tôi xin nói rõ: Viện có chủ trương ưu tiên
tiếp nhận con em cán bộ công nhân viên từng công tác lâu năm tại đây.
Nhưng chỉ tiếp nhận khi có nhu cầu. Nên, xin mời bác đăng ký cho cháu
tại phòng tổ chức ạ". Nói rồi, đích vị viện trưởng dẫn ông đi.
Thôi thì, chẳng biết bao giờ mới đến lượt con ông
được vời gọi, song cách cư xử của người đứng đầu viện khiến ông mát
lòng hởi dạ hẳn lên. Mà vị viện
trưởng rõ là trẻ. Chắc ở đâu mới về, nên mình không quen mặt.
Trong lúc ông Thường đi
gõ cửa thiên hạ thì Trường cũng đã tăm vài ba nơi. Đoàn thanh niên
phường hứa sẽ cố gắng thu xếp một việc gì đó. Mấy thằng bạn bảo
kiếm việc cho. Một công ty trách nhiệm hữu hạn hứa nghiên cứu sắp
xếp. Trường còn bòn mót cho đủ năm mươi nghìn đồng để đăng ký tìm
việc tại một trung tâm tư vấn
lao động được quảng cáo là: Uy tín, chất lượng, hiệu quả. Đến nơi
nào nó cũng được nghe sự động viên yên tâm chờ đợi, tin tưởng. Thế
rồi một tháng, hai tháng trôi qua. Rồi nửa năm trôi qua. Cái mục tiêu
"việc làm" cứ mỗi ngày như thêm
xa hơn. Tun hút. Thăm thẳm. Đến lúc này thằng Trường mới nhận thức
rõ ràng rằng: Nó thất nghiệp không chỉ do tình trạng thiếu công ăn việc làm đang
là căn bệnh trầm trọng tại đất nước mình gây nên; mà còn bởi cái lý lịch màu xám
của nó gây khó thêm cho nó. Từ đấy, tia hy vọng chờ việc làm tắt ngấm trong nó. Nó
đã cố nén mà nhiều khi không ghìm nổi những tiếng thở dài thườn
thượt trước bố. Khiến ông buồn thỉu buồn thiu ra mặt; làm cho
nó luôn luôn động lòng thương cái thân già gày guộc như xác ve ấy.
Gần cả cuộc đời bố quá khổ rồi. Chắc chắn còn khổ cho đến khi tận
số. Phải chăng nỗi khổ của bố là nỗi khổ thuộc về thế hệ. Thế hệ
trải qua chiến tranh triền miên, và thiếu cơm rách áo. Có người tới
lúc chết chưa hề được bữa ăn ngon. Chỉ
bọn có chức có quyền thì ở đâu cũng tha hồ nhậu nhẹt thoả thuê, phung phí.
Ngay trong cái trại
giáo dưỡng cũng không thiếu cảnh ăn đút lót diễn ra. Vì ăn đút lót
nên mới có hiện tượng xuất trại sớm cho những đứa hư nổi tiếng.
Những đứa ấy cậy bố mẹ chúng lắm tiền. Có tiền mua tiên cũng được,
thì xá gì họ không đút lót để kéo con cái trở về. Còn nó,
nó bảo bố đừng có sốt ruột, đừng có thăm nom. Thăm nom tốn sức, tốn
tiền; trong khi bố đã cạn sức và không có tiền. Rồi sẽ đến ngày nó
được "xuất chuồng", chứ chẳng chịu chết trong trại đâu. Mà, đưa con vào trại chẳng là nguyện vọng
của bố đấy ư? Có điều, bố nó làm sao thấy được những sự xấu xa
trong cái trại giáo dưỡng này. Cứ nghĩ họ là cán bộ dạy
người thì phải khá hơn. Khá hơn! - nó cười sặc sụa bởi ứ khí
tại cổ họng. Khá hơn ở thủ đoạn tham lam thì có. Họ
chẳng nề hà bớt xén từ bữa ăn tối thiểu hằng ngày của trại viên
- là những đứa trẻ khốn khổ trên cõi đời này. Và
tất cả việc gì đụng đến đồng tiền là họ tìm cách ăn chặn. Họ
nói, không ăn có đói rã họng. Ở thế ăn được mà chịu đói là ngu.
Thời buổi liêm khiết qua rồi. Liêm khiết không để làm gì. Ấy thế mà
hằng ngày họ vẫn ra rả dạy đạo đức làm người!(?) Nhưng đố đứa nào
dám cãi. Đố đứa nào dám lý sự, chê bai, tố cáo. Dám, chỉ có mà ăn
đòn. Các kiểu đòn. Đòn roi không đáng sợ bằng đòn thù. Họ mà thù,
anh có cải tạo tốt mấy, vẫn bị coi là ngoan cố bướng bỉnh. Thì cái
"cửa ra" đối với anh cứ là xa vời vợi. Thế nên, vô phúc thì
chui đầu vào cái trại cải tạo này. Vậy
mà bố nó tin nơi ấy là "trường học lớn" dạy dỗ con người.
Những ngày đầu bị vào trại, nó trách ông nhiều lắm. Sau, nó đã mau chóng tìm ra hướng xử sự đúng. Dù sao
thì mình cũng mang tiếng là đứa trẻ hư. Có oán bố đến đâu cũng
không thay đổi được gì. Chỉ còn độc cách là làm thế nào để những
người quản trại nhận xét mình cải tạo tốt. Đó là con đường duy nhất
để thoát ra.
Nó mà không được thả,
hoặc giả chết trong trại - người bố nghĩ - thì thật ân hận suốt
đời. Thôi thế cũng là may. May vì nó đã ra tù, à... nó đã cải tạo
tốt ở trại giáo dưỡng. Nhưng ông, và
cả nó, lại rất buồn vì những lời hỏi
thăm: Thằng Trường đã được ra tù rồi ư? Với cả những lời thì thào
của hàng xóm láng giềng: Thằng ấy về rồi, cẩn
thận cửa rả, chẳng nó cuỗm tuốt đồ đạc trong nhà! Nghe đắng ngăn
ngắt mà ông không biết thanh minh ra sao. Hẳn chẳng có lời lẽ nào
bằng sự lặng im. Còn thằng Trường thì phải bằng hành động để
chứng minh, từ nay nó là người tốt.
Đương nhiên với trách
nhiệm người cha, ông không thể ăn ngon ngủ yên trong lúc thằng Trường
chưa có việc làm. Tức nó đang ăn bám ông. Ăn bám không đáng sợ bằng
sự nhàn cư kéo dài, khiến nó dễ làm điều bất thiện. Dù sao thì
lúc này ông còn có chút yên tâm là, cả thời gian qua thằng Trường ít
giao du bạn bè. Bởi nhiều lý do. Nể bố, nghe bố chỉ là một phía.
Nó còn có ý lánh mặt mọi người trong xóm;
để khỏi phải trả lời những câu hỏi vô bổ, thậm chí gợi lại nỗi đau
buồn cũ. Và, cái chính là nó cố lánh lũ bạn hư hỏng, nhằm tránh
bị lôi kéo trở lại con đường xưa; con đường mà
nó đã phải trả giá bằng sự tập trung cải tạo suốt ba năm ròng. Từ
khi trở về nhà đến nay, nguyện vọng tha thiết của nó chỉ là kiếm
được việc làm. Việc làm. Việc làm là trên hết. Sức
lực nó dư thừa. Ý chí nó đã quyết. Vậy
sao khó khăn đến thế?
Cũng không chỉ thằng
Trường kiếm việc khó khăn. Khó khăn là khó khăn chung của cả nước.
Hàng triệu người trong độ tuổi lao động đang chơi dài đấy thôi. Nên
càng dễ phát sinh đủ thứ tệ nạn. Trộm cắp. Đĩ điếm. Cờ bạc.
Nghiện hút. Đâm chém nhau... Những tệ nạn ấy đáng sợ hơn mọi thứ
bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hễ ngơi cảnh giác phòng ngừa là nó lây
lan sang mình. Vướng phải những tệ nạn ấy, thật khó thoát ra. Lại
còn mang tai mang tiếng với đời nữa chứ!
Những năm tháng thằng
Trường ở trại giáo dưỡng, ông Thường chỉ một nỗi niềm mong mỏi nó
sớm được trở về. Được trở về, tức nó có sự cải tạo tiến bộ. Thế
là ông yên lòng. Rồi kiếm cho nó một việc làm. Rồi vợ con cho nó.
Xong xuôi mấy việc ấy là ông xong bổn phận làm cha. Nghĩ thì đơn
giản. Thực tế lại không đơn giản
chút nào. Thằng Trường chỉ cần một việc làm thuần tuý cơ bắp mà bế
tắc suốt. Ông đã cậy cục gõ cửa năm bảy nơi đều bị từ chối, trừ cơ
quan cũ của ông cho xếp hàng chờ. Chờ đến bao giờ? Mấy lần hỏi qua
điện thoại, anh cán bộ tổ chức không trả lời nổi câu hỏi ấy. Đến
bây giờ thì ông cạn niềm hy vọng vào bất cứ lời hứa nào. Thế mà
có lần trong giấc ngủ, ông mơ thấy thằng Trường cầm quyết định đi xuất
khẩu lao động. Đi Mỹ hẳn hoi. Mặt nó tươi hơn hớn, mắt sáng long lanh.
Nó nói cười rộn rã, chứ không nằm dài thườn thượt như trước đó. Ông
hỏi: "Đi mấy năm hả con?". "Năm năm bố ạ!". "Lâu
thế cơ à?". Ông buông câu ấy là vì lo lắng đến cái tuổi cao sức
yếu của mình. Lo lúc chết, không có thằng Trường ở bên.
Bỗng thấy câu nói của mình dễ làm nhụt bước chân con, ông vội
đính chính: "Nhưng
không sao. Bố thừa sức sống quá năm năm. Có khi chục năm ấy
chứ!". Nói thế nhưng bụng ông nghĩ: Mình sống chết chẳng quan
trọng gì. Cốt sao thằng Trường có công ăn việc làm là mừng. Con cứ
yên tâm mà ra đi. Đi lâu bao nhiêu cũng được.
Đang thiu thiu bỗng ông bừng
tỉnh. Giấc mơ còn lưu nguyên vẹn trong đầu. Nếu sự thật diễn ra như mơ
thì sao? Ừ thì... nó cứ yên tâm mà đi. Đi lâu bao nhiêu, hay đi mãi mãi
cũng được. Xứ sở nào có việc làm để sống thì con cứ đến cứ ở. Ở
Mỹ hay Pháp, có lẽ đều tốt cả. Hẳn là tốt, nên
người Việt mình mới bảo nhau kéo đến nước họ xin cư trú. Không tốt thì họ mặc
cho chết chìm giữa biển khơi chứ lỵ. Đằng này, chẳng những họ cứu mạng, còn tạo
điều kiện cho hàng triệu người mình làm ăn sinh sống lâu dài, như vậy là quá tốt.
Vậy sao đài - báo nước mình cứ ra rả nói Mỹ - Pháp là xấu nhỉ? À mà thôi, việc ấy
mặc kệ họ. Còn với thằng Trường thì nó ở nơi đâu, tự nuôi sống
mình, lại biết góp phần xây dựng Tổ quốc tức là yêu nước. Sống ở
trong nước mà vô tích sự cũng chẳng có nghĩa lý gì. Con có thống
nhất với ý bố không, hở Trường? Ông thầm hỏi thế.
Giá mà lúc này ông có cất
tiếng hỏi, thì thằng Trường cũng chẳng
ở nhà để mà thưa. Nó đi từ chiều, đến giờ chưa về. Ông bật điện nhìn
đồng hồ. Đã quá mười hai giờ đêm. Gần đây nó hay đi sớm về khuya.
Nói rằng, săn bạn bè để tìm việc.
Nói thế, ông chịu rồi. Không thể ngăn cản nó. Mà có ngăn cũng không
nổi. Thỉnh thoảng ông còn bắt gặp mấy đứa đến nhà rủ rê nó nữa.
Ông kỵ nhất đứa nào hay
văng tục chửi bậy. Song giáp mặt ông, đứa nào cũng biết
chào hỏi lễ phép ra phết. Đố ai dám nghĩ chúng là những đứa hư. Ấy
thế mà hư chứ lỵ. Vừa rồi, ông mất trọn xuất lương hưu mới lĩnh về.
Không phải mấy đứa bạn thằng Trường thó thì cứ chặt đầu ông đi. Có
điều ông không bắt được quả tang, đành chịu. Có lũ bạn
như thế, nghĩ đến con, ông yên lòng sao được, hở trời? Nó dễ
"ngựa theo đường cũ" mất thôi. Hay là tìm cách cho nó đi xuất
khẩu lao động?
Phải chăng giấc mơ của ông là
điềm lành báo trước? Nhưng thật khó. Lấy đâu mấy chục triệu đồng để
ném vào các khoản làm thủ tục cho nó đi. "Hay là bố bán nửa
cái nhà này?" - nó đề xuất. Ông Thường không
thông, nên im lặng. Bán nhà mà công việc thông đồng bén giọt ắt chẳng
sao. Nhỡ gặp trục trặc thì khốn. Hai bố con không thể ở mãi gian nhà
chỉ còn hơn chục mét vuông.
Mà rồi nó cũng phải lấy vợ nữa chứ. Nghe ông phân tích, nó gật đầu
nói: "Là con thoáng nghĩ vậy thôi. Đúng là không thể bán
nhà!". Không bán nhà - ông Thường nghĩ - khác nào mình cột chân
con. Giữ nó ở lại, phải tìm nổi việc làm để nó nuôi thân. Nhưng làm gì? Làm gì? Cầm bơm xe ra vỉa
hè thì bị công an quét. Mà thanh niên thành thị chẳng đứa nào chịu
bơm xe, bán báo, hay đánh giày. Còn việc đạp
xích lô - cái nghề mạt hạng thời xưa, nay có muốn cũng chẳng được.
Nghề mạt hạng ấy bây giờ trở thành độc quyền của một nhóm người rồi. Kinh
doanh độc quyền, lại chuyên chở khách Tây khách ngoại, cầm chắc sống rồi. Chỉ còn việc chạy xe ôm, có thể thằng Trường chấp
nhận. Xắm cái xe năm bảy triệu đồng, tìm chỗ vay mượn may ra còn
được. Nghe bố nói, nó bảo: "Được thì được, nhưng bố để mặc con
tự thu xếp". "Thế tức là con đồng ý chạy xe ôm, phải
không?" - Ông Thường hỏi lại lần nữa. Nó: "Vâng". "Vậy con thu xếp bằng cách
nào nào?". Đoán biết nỗi lo của bố, nó nói: "Con thề không
trộm cắp đâu!". Là nó cứ hứa đại thế thôi. Ít
ra cũng làm bố khỏi băn khoăn lúc này. Bố nó lại nhắc: "Tính
toán thu xếp thế nào, chớ để mang tai mang tiếng
là được. Bây giờ con lớn rồi, nếu phạm pháp là họ bỏ tù mọt
gông".
Nói đến đi tù, Trường sợ
phát khiếp. Vào trại giáo dưỡng đã sợ, đi tù còn sợ hơn. Thời gian
ở trại giáo dưỡng, nó mong ra từng ngày ấy
chứ. Ra để mình đỡ khổ. Bố cũng đỡ buồn. Hơn nữa, bố già yếu rồi,
có mình bên cạnh, bố cũng yên tâm. Vắng mình, nhỡ bố ốm đau, lấy ai
trông nom. Nghĩ thương ông cụ quá! Đấy là lần đầu tiên trong đời thằng
Trường nghĩ đến tình yêu thương bố. Giá mà nó sớm nghĩ được trách
nhiệm làm con, có thể trại giáo dưỡng không phải mở cửa nhận nó
vào. Nay xuất trại rồi, nó lại thấy việc chống chọi để không sa ngã
sao mà khó thế. Khó hơn hẳn việc phấn đấu để ra trại. Ở trại chỉ
cần vâng lời cán bộ, chăm chỉ lao động, tự giác chấp hành nội quy
là quá đủ. Ngoài ra, khỏi phải lo lắng gì hơn. Bây giờ cái lo trước
tiên là: Việc làm! Không có việc làm, cứ kéo dài mãi cảnh ăn bám
bố già thì quá trớ trêu. Nghịch cảnh! Mà hai người chỉ sống bằng
khoản hưu còm của bố, sức lực xuống dốc nhanh là phải. Bố quắt queo
hơn hẳn ngày mình mới về. Mình cũng gày rộc đi. Do kém ăn. Lại nghĩ ngợi nhiều. Chứ
còn nguyên nhân gì nữa, mà xóm giềng cứ hỏi vì sao? Vì sao? Vì không
có việc, phải chơi dài đây!
Đã chơi rông chơi dài thì khó
tránh những phức tạp xảy ra - ông Thường nghĩ. Phía trước thằng
Trường hay dở thế nào, đành trông chờ vào sự may rủi của số
phận thôi. Không ít đứa đã ra tù, rồi lại vào tù. Chỉ vì xã hội
chẳng có việc gì cho chúng nó làm. Liệu thằng Trường có giữ mình
lâu dài được không? Quả là khó! Bất giác ông Thường thấy không khí oi
nồng khó thở. Lại phải mở tung cửa sổ bên giường mà ông vừa đóng
trước khi đi nằm. Trong giấc ngủ chập chờn, ông thấy cảnh trại tù
hiện ra trước mặt. Rồi hai người cảnh sát ập đến nhà trói thằng
Trường. Ông bật ngồi dậy. Biết là giấc mơ, song không hết bàng hoàng
lo sợ. Gần đây ông luôn thấy những giấc mơ hoảng sợ. Có thể vì ông lo
lắng đến số phận thằng Trường nhiều quá. Chẳng biết giờ này nó
đang ở đâu? Nó bảo xin phép bố đi chơi xa bốn năm ngày. Tiền do bạn
bè nó bao vô tư. Có thật vô tư, hay là... ? Hay là...? Nó nói bằng
giọng không bình thường: Sao cái gì bố cũng nghi ngờ? Như thế chỉ
khổ bố thôi!
Nào có phải cái gì ông
Thường cũng nghi ngờ đâu. Với việc thằng Trường xin đi chơi, ông không có
chút nghi ngờ. Thế mà, kết cục là… nó
không đi chơi. Nó đã bỏ trốn. Trốn ông. Trốn đất nước này. Ông phát
hiện sự thật đau lòng ấy qua bức thư nó để lại. Dưới đây là mấy
đoạn trong thư của nó:
"... Trước tiên xin bố
đại xá cho con về tội bất hiếu, bởi đã bỏ mặc bố sống cô quạnh
những năm cuối đời. Con đành phải ra đi, vì có ở lại đất nước mình
cũng khó hy vọng sáng sủa gì hơn. Gần một năm qua, cả bố và con đều
cố công cố sức mà nào có đào bới được việc làm cho con đâu... Chẳng
lẽ để khỏi ăn bám bố, con lại sa vào trộm cắp - điều mà con không
hề muốn bao giờ. Cũng chẳng ai muốn. Mà đã trộm cắp thì sớm muộn
phải ngồi tù. Ngồi tù rồi lại ra tù. Ra tù đối với con cũng không
khó. Ra tù... nhưng không có việc làm, sẽ khó thoát khỏi cái vòng
luẩn quẩn... lại vào tù. Nỗi nhục ngục tù, đâu chỉ riêng con gánh chịu. Con biết bố
không thể sống, nếu con thêm một lần nữa ngồi
tù. Như thế khác nào con phạm tội giết bố? Con muốn tránh xa tội ác
ấy, cũng không muốn tiếp tục ăn bám vào bố nữa. Sức
dài vai rộng mà ăn bám bố già, nghe nực cười lắm bố ạ... Cho nên con phải tìm đường biệt xứ thôi. Con coi
cảnh tha phương cầu thực là sự bất đắc dĩ, và chẳng có vui sướng
gì. Biết rằng, không ít người phải bỏ mạng vì đi theo con đường
ấy... Nhưng con đường ấy may ra có thể cứu đời con. Như nó đã cứu
hàng vạn người mình trước nay. Có ít
người đã trở nên vẻ vang khi họ trở về thăm đất nước quê hương, được
tung hô trọng vọng đến bất ngờ, được lãnh đạo quốc gia nghênh đón. Bởi
họ có túi Đô la đem về góp phần xây dựng đất nước. Và, vì có Đô la chìa
ra, nhiều người còn được quê hương bỏ qua cho họ
những tội ác xưa...
Thưa bố, những lời con giãi
bày không nhằm gieo hy vọng ở nơi bố, đối với đứa con bất hiếu đã
vứt bỏ tất cả để hòng tìm lối thoát thân một mình. Chỉ hy vọng bố
yên lòng khi đã biết rõ cái lý do con ra đi...
Con tin bố đủ tỉnh táo và ý
chí để sống qua chặng đời thiếu
vắng con... Con còn kè kè bên bố, nửa cái nhà nhà mình rồi
sẽ đi tong, lại chưa dám chắc kiếm được
công ăn việc làm. Thiên hạ nó lừa giỏi lắm, bố ơi!... Thà rằng, nửa
cái nhà ấy dành để cứu bố những khi yếu đau cần tiền. Thế là
thiết thực, phải không ạ?...".
Ông Thường quá bất ngờ trước
sự việc xảy ra. Chưa một lần ông nghĩ thằng Trường lại biệt xứ. Chỉ
lo nó dính vào trộm cắp thôi. Nó đi theo hướng nào, hở trời? Hẳn
không như ngày xưa, biết bao người phải chạy trốn bằng con thuyền nan,
lênh đênh trên mặt biển vô định mịt mùng. Bây giờ chúng nó ra đi, dù là bất hợp
pháp, nhưng vẫn có thể ngồi tàu bay. Trường ơi! Trường ơi là
Trường!... Con đi đâu? Con đi bằng gì?... Ông thầm gọi. Mắt ông nhoè
nhoè nước, như sương mù giăng trước mặt. Những giọt nước mắt rơi ướt
cả lá thư trong tay. Chỉ vì ông bất lực, không kiếm nổi một việc làm
đơn giản cho con!
(*) - Đăng trên
http://newvietart.com/index3.6472.html
- In trong tập Chuyện đời 3, Nxb Hội Nhà văn, 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét