Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

NGÀY XƯA ƠI!(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm 

 Giờ nếu ai cho Phương một trăm điều ước, Phương chỉ cần một: thoát khỏi cảnh cô đơn quạnh quẽ trong mấy năm nay. Gần ba chục năm trời đã trôi qua, kể từ khi Phương lấy chồng lần đầu. Trong gần ba chục năm ấy, hai lần Phương đắm "đò"! Xen lẫn có cả những chuyến đò "tạt ngang, tạt ngửa". Nay, vẫn chỉ mình Phương với những trống trải vô duyên. Qua mảnh gương soi, Phương nhìn thấy khuôn mặt thon gọn đã hằn rõ những vết nhăn nơi khoé mép. Hai bên má chảy xệ. Đôi môi hơi dày có đường viền cắn chỉ chẳng còn được tươi tắn như xưa.
Con mắt lúng liếng của những năm tháng trước giờ chỉ còn lại cái nhìn trễ nải, nản lòng. Trí từng chết mê chết mệt con mắt lúng liếng ấy. Chẳng chỉ riêng mình Trí. Hoãn "ghi ta" cũng xin “chết” vì đôi mắt lúng la lúng liếng của Phương. Kim gặp Phương, xin Phương "tha" cho Hoãn. Kim thấp bé, chỉ đứng đến vai Phương. Mắt Kim đượm buồn khi nói chuyện với Phương. Kim biết Hoãn say Phương lắm. Kim nói, Phương đã có Trí. Mà Hoãn đã là của Kim. Kim không muốn đứa con gái bé bỏng của Kim mất cha. Kim còn hỏi, không biết Phương có lo cho đứa con trai nhỏ của Phương như thế? Trí hỏi Phương, sao độ này Phương hay đi làm về muộn? Phương thủng thẳng, cuối năm rồi phải đi các đơn vị nghiệm thu đề tài cho xong kế hoạch. Trí im lặng. Hết giờ làm việc, Trí đón con ở nhà trẻ. Trí tranh thủ qua chợ mua mớ rau, con cá, rồi về nấu cơm. Kim gặp Phương còn hỏi, Phương không nghĩ rằng, một ngày kia, Hoãn có thể cũng sẽ chán Phương, bỏ Phương, như đang đối xử với Kim à? Nghe Kim nói, Phương cũng thấy mủi lòng, cũng thấy sợ. Nhưng khi Hoãn đón đường vào đơn vị của Phương để gặp, thì Phương lại quên luôn cả Trí. Quên cả thằng con trai nhỏ. Phương lại lòng ròng theo Hoãn đến một xó xỉnh nào đó.
Nhưng rồi, chẳng đợi đến lúc Hoãn chán Phương, mà chính Phương đã nhanh chóng chán Hoãn. Cũng hết cả mê mẩn những bản nhạc Hoãn "ghi ta" độc tấu. Phương biết nhiều lần, Hoãn cứ đứng mãi ở đầu con đường dẫn vào chỗ làm việc của Phương trong Tổng cục, để nhìn theo hút cái lưng áo màu rêu, trên vai có gắn quân hàm trung uý của Phương, thẫn thờ thở dài. Phương cũng biết, cách chỗ Hoãn đứng không xa, Kim dựa xe đạp ở gốc cây ven đường, chờ đến khi Hoãn thất thểu đạp xe đi, Kim mới uể oải đặt chân lên bàn đạp, quay về nơi làm việc.
Phương đem đôi mắt lúng liếng trở về cùng Trí. Phương đã quên Hoãn "ghi ta", quay lại chú tâm chăm sóc mái ấm của mình. Mẹ Phương thắc mắc, sao độ này Phương không làm thêm ngoài giờ. Phương trả lời, xong kế hoạch nghiệm thu đề tài rồi, chắc qua đầu năm, khi nào cấp trên duyệt kế hoạch năm mới, lúc đó sẽ bận. Trí được thảnh thơi được vài tháng. Không phải đón con ở nhà trẻ. Không phải đi chợ. Không phải nấu cơm. Trí cũng được ngắm nhiều hơn đôi mắt lúng liếng của Phương. Đến khi bước chân ra khỏi phiên toà xử ly hôn, ánh mắt lúng liếng của Phương vẫn bám riết theo Trí. Phương biết, Trí còn yêu mình lắm. Thật tội cho Trí, ra toà mà cũng không biết mình có lỗi gì. Vẫn nộp vợ tiền lương đều đều. Vẫn tham gia dọn dẹp nhà cửa. Vẫn đón con từ nhà trẻ về. Vẫn đưa vợ con đi chơi trong ngày lễ tết. Vậy mà Phương cứ thấy xa cách Trí dần dần. Hôm nào Phương bảo, tối anh tắm kỹ vào nhé, là Trí khấp khởi ra mặt, vì biết sẽ được ngủ cùng Phương. Nhưng những lần như thế ngày càng thưa thớt. Còn khi không thấy Phương nói gì, Trí cứ yên tâm ăn cho no, ngủ cho kỹ. Phương cũng chẳng hiểu sao, ngọn lửa lòng với Trí lại nguội nhanh đến thế. Có chậm cũng chỉ nguội chậm hơn so với Hoãn mà thôi. Kim bé nhỏ, xinh xắn, dịu dàng là thế. Kim và Hoãn đã nhiều năm cùng học ở Cộng hoà Dân chủ Đức, có với nhau cả núi kỷ niệm. Thế mà, vừa chân ướt chân ráo về đến Hà Nội, nhận công tác ở đơn vị có Phương, Hoãn đã nghiêng ngả tức thời trước ánh mắt lúng liếng của Phương. Hoãn và Phương đến Viện như chỉ để nhìn thấy nhau, như để chờ đến giờ trưa, mang cặp lồng ra một góc phòng, vừa ăn vừa thủ thỉ trò chuyện. Bước chân lên ô tô của Viện đưa đón cán bộ đi làm, Phương đã có Hoãn ngồi giữ ghế. Ô tô vừa dừng, Hoãn nhảy phắt lên, nhanh chóng chiếm một cái ghế. Tay ôm khư khư chiếc túi, tay xách cặp lồng cơm. Chờ đến bến có Phương lên, Hoãn kéo Phương ngồi xuống. Có lúc Hoãn ngồi cùng. Có lúc Hoãn đứng sát Phương. Hoãn cúi xuống. Còn Phương ngẩng mặt lên. Hoãn và Phương trò chuyện. Trước mắt Phương chỉ có Hoãn. Trong mắt Hoãn cũng chỉ là Phương. Trên ô tô, toàn anh em cùng đơn vị. Hoãn và Phương đều không nhìn thấy. Phương cũng không nhìn thấy cả mấy đứa bạn thân đang đứng ngồi ở quanh. Còn mấy đứa bạn gọi là thân của Phương, cũng cố không tự ái khi bị Phương hỏi: Ơ, sao hôm qua không thấy mày đi làm? Những ngày đó, Phương chỉ nhìn thấy những gì Phương nghĩ trong đầu. Phương không nhìn thấy bất cứ gì ở xung quanh. Quan hệ của Phương và Hoãn, bạn bè chẳng ai có thể nói được gì. Đó là chuyện riêng tư. Đó cũng là chuyện khó nói. Kim đã tìm gặp Phương ngay từ những ngày đó. Phương chuyển lên Tổng cục công tác. Hoãn và Phương vẫn cặp kè. Kim tiếp tục tìm gặp Phương. Dịu dàng và chịu đựng. Khi Phương đặt lên vai cái lon trung uý, Hoãn xin “chết" vì Phương. Khi cái lon thượng uý thay cho lon trung uý, cũng là lúc Phương chán Hoãn. Lúc ấy, Kim mới không tìm gặp Phương nữa. Còn với Trí, Phương chán chậm hơn một chút. Trí lại là cha của đứa con trai Phương. Phương đẻ nó khi đang mang lon thiếu uý. Khi Phương về Viện công tác được nửa năm. Khi Phương ra toà bỏ Trí, Phương đeo lon thượng uý đã được một năm.
Hồi chưa lấy nhau, chiều thứ bảy nào Phương cũng đạp xe ra bến đò Chèm ngóng Trí từ đơn vị về. Có những chủ nhật chỉ gặp Trí được vài giờ đồng hồ, lúc tiễn Trí đi, Phương khóc như mưa như gió. Hôm toà xử ly hôn, Phương lại chẳng hề chảy một giọt nước mắt nào. Phương cảm giác như đi dự toà xử ly hôn ai đó. Ngồi trong phòng xử, Phương dường như chẳng nghe thấy ông Chánh án nói gì. Chỉ ong ong trong đầu câu nói của Mạnh: Sau khi toà xử xong, Mạnh đón Phương đi du thuyền. Đi qua đêm cho khuây khoả. Phương lắc đầu, cười. Ai lại thế. Vừa chia tay chồng, đã đi chơi với bồ. Phương còn bảo: Mấy tháng tới, sẽ phải ở lại cơ quan sau giờ làm việc nhiều, để vào máy cho xong cái kế hoạch được cấp trên duyệt cơ mà. Cứ từ từ, cuộc đời còn dài lắm! Thằng con trai đón Phương ngay ngoài cửa hỏi, bố đâu hả mẹ. Phương thản nhiên: Bố đi công tác xa. Một tháng nữa mới về. Nó bóc lịch, chờ đến cái thời hạn một tháng Phương nói. Nhưng chưa đến một tháng, Trí đã về. Trí bảo, đón con đi chơi. Phương đồng ý và nói, đến chiều đưa con về cho nó học. Trí đưa con về như Phương hẹn. Không ở với Phương nữa, Trí làm mọi việc vẫn theo ý của Phương. Không phàn nàn. Không cự nự. Sau vài lần bố về đón đi chơi, thằng con trai không còn hỏi Phương: "Bố đâu? " nữa. Nó đủ lớn để hiểu, Trí không còn ở với Phương. Trí đã về nhà bố mẹ đẻ ở.
Không đi du thuyền qua đêm hôm Phương ra toà, thì hôm sau Mạnh với Phương cũng đi chơi tới giờ "O". Thời gian cả tối trôi nhanh quá. Phương vẫn mặc bộ quân phục đi với Mạnh. Chỉ cất đi cái lon thượng uý. Mạnh đèo Phương bằng chiếc xe máy Honda năm mươi đèn tròn của Phương. Thời gian đó, cả Tổng cục chỉ một vài người có xe máy. Xe của Phương "ngon" lắm. Máy nổ êm ru. Khi nào đi chơi với Phương, Mạnh đưa chiếc xe đạp cà tàng gửi vào một chỗ giữ xe. Phương đùa bảo, đấy là xe đạp “Hữu nghị”. Vì nó được lắp bằng phụ tùng của nhiều cơ sở sản xuất. Đi ăn tối với Mạnh, Phương trả tiền. Đi bơi thuyền với Mạnh, Phương trả tiền. Đi xem phim với Mạnh, Phương trả tiền. Tóm lại, đi đâu với Mạnh, Phương cũng trả tiền. Mỗi lần Phương móc tiền trong ví ra trả, Mạnh thản nhiên ngồi nhìn. Buổi tối đi chơi với Mạnh sau hôm Phương ly hôn với Trí, Mạnh đã tuyên bố: Để Mạnh chịu một nửa tiền cho Phương. Nhưng là một nửa số tiền để mua lại nắp cốp xe máy. Nửa số tiền còn lại là Phương phải móc ví ra. Giá trị nắp cốp xe máy lúc ấy to quá. Mạnh tặc lưỡi, thôi đành! Xe dựng ngay cạnh chỗ Phương và Mạnh ngồi ở rệ đê. Thế mà xe của Phương bị kẻ gian tháo mất nắp cốp. Câu Mạnh tuyên bố: Chịu nửa tiền giá trị cái nắp cốp bị mất, không làm Phương suy nghĩ. Phương thản nhiên kể lại câu nói đó với mấy đứa bạn thân. Cái cách chúng nó nhìn nhau, cũng không làm Phương để tâm. Phương vẫn còn quá phấn khích về kiểu ôm ấp, làm tình của Mạnh tối hôm ấy. Phương cứ phân vân, sao Mạnh lại có kiểu làm tình giỏi thế. Trong vòng tay ghì chặt của Mạnh mà Phương lại thấy như mình đang bay bổng. Không biết ngủ với Lài, Mạnh làm tình có giỏi như thế? Lài cũng đã gặp Phương. Lúc đó có cả mẹ Phương ở nhà. Lài gặp Phương trong bộ quần áo xoàng xĩnh và tóc búi sau gáy. Lài cao như Phương, nhưng đậm người. Khuôn mặt Lài chân chất, quê quê. Lài cũng xin Phương "tha" cho Mạnh. "Tha" cho cả Lài với cái mái ấm được Mạnh và Lài chung sức xây dựng đã gần hai mươi năm. Nhìn Lài lúc xin Phương "tha" thật hiền, thật tội nghiệp. Phương ngẫm thấy mình cũng thật "may". Cả Kim cả Lài, chẳng ai có cái máu Hoạn Thư, nên Phương “may” chưa bị tạt a xít vào đôi mắt lúng liếng. Nhưng, cũng không hẳn là Phương "may". Tối hôm trước Lài gặp Phương. Ngày hôm sau, Phương đến cơ quan với vết quầng thâm xì ở dưới mắt phải. Phương bảo, bị va mặt vào cạnh bàn lúc mất điện. Vài hôm sau vết thâm đó nhạt dần. Phương lại hẹn hò cùng Mạnh. Lại xuất hiện vết thâm ở gò má trái. Phương chẳng giải thích vì sao nữa. Mấy đứa bạn chỉ nghe hàng xóm của Phương đến cơ quan xì xào: Sau lần Lài đến nhà Phương, thỉnh thoảng trong nhà Phương có tiếng xô xát. Có tiếng chửi rủa của mẹ Phương. Có tiếng bàn ghế đổ huỳnh huỵch. Trong đầu chúng nó tưởng tượng ra cảnh một bà già to béo vừa xô đẩy, vừa nguyền rủa sự lang chạ của đứa con gái độc nhất đang sống độc thân - một nữ sĩ quan đang chuẩn bị thay quân hàm thượng uý lên đại uý.
Cách làm tình của Mạnh luôn bám riết đầu óc Phương. Phương cứ như bị hút hồn vào những cuộc hẹn hò với Mạnh. Nhiều hôm, không đi chơi được xa, Mạnh và Phương hẹn nhau ở lại cơ quan sau giờ làm việc. Họ cùng nhau làm máy tính. Phương nhập vào máy những kế hoạch nghiên cứu đã được trên duyệt; những kết quả nghiệm thu dự án, đề tài của các đơn vị thuộc lĩnh vực Phương quản lý. Mạnh ở lại để xử lý hộ Phương những sự cố máy tính. Không ai dám có ý kiến về cách làm việc cặp kè của Phương và Mạnh. Những người cùng đơn vị Phương nghe loáng thoáng, bố Phương quan hệ mật thiết với Tổng cục trưởng lắm. Những người bên đơn vị Mạnh sợ ảnh hưởng đến sự lên hàm, lên cấp của mình khi động chạm đến Mạnh. Mạnh là trung tá, Cục phó Cục Xăng xe, Bí thư Chi bộ Cục. Lơ mơ, động đến Mạnh, không lên được hàm, không vào được Đảng, không xin được xe đi công tác. Sẽ còn ti tỉ thứ "không được" nếu động đến Mạnh. Mà có phải việc của họ đâu. Phương biết, họ đã đắn đo chán. Họ chẳng tốn hơi làm gì. Hơn nữa, đàn bà trong quân đội ít lắm. Phương không chồng. Thích thì Phương ban cho một tí cái của không người sở hữu ấy, không hơn à? Đừng có gây thù chuốc oán mà làm gì. Đã có kẻ thử chấm mút, tí toét với Phương rồi. Có lần họ nhấm nháy với nhau. Họ tỏ thái độ hài lòng lắm. Phương tự nhủ, chỉ cần Phương khéo điều hoà cái lũ đàn ông sống bằng bản năng nhiều hơn chí khí ấy. Thế là Phương thấy ổn. Thỉnh thoảng mẹ gọi điện đến cơ quan, Phương vẫn nhận điện đều đều. Mẹ tin rằng, Phương đang "bận" làm thêm ngoài giờ!? Làn thôi không tìm đến Phương nữa. Làn sợ. Làn chấp nhận sự thờ ơ nhạt nhẽo của Mạnh. Phương biết, Mạnh đã doạ bỏ Làn. Mạnh bỏ Làn, với đồng lương thợ may bậc thấp, làm sao Làn nuôi nổi hai đứa con còn bé. Thế là Phương yên tâm về Làn. Hàng ngày, Phương đến cơ quan sớm. Phương về nhà muộn. Thằng con trai Phương cũng đã lớn. Mẹ Phương trông nom nhà cửa. Đi chợ. Nấu cơm. Phương nhiều thời giờ rảnh rang để ở lại cơ quan "làm việc" ngoài giờ.
Cái kiểu làm tình khác lạ của Mạnh đã "trói" được Phương lâu hơn. Lâu gần bằng thời gian Phương ở với Trí để có thằng con trai. Chẳng có ai làm phiền Phương và Mạnh cả. Phương độc thân. Còn Làn lại sợ Mạnh bỏ. Vậy là Phương hoàn toàn tự do với Mạnh. Phương gắn với Mạnh từ khi đeo lon thượng uý được một năm và gần hết thời gian đeo lon đại uý. Chỉ còn một thời gian ngắn là đến đợt phong hàm. Mà nếu Phương được phong hàm, là lên ngạch sĩ quan cấp tá. Nhưng để được phong hàm cấp tá, Phương phải là đảng viên. Vậy mà Phương lại không phải là đảng viên. Nếu không lên hàm được, Phương có nguy cơ phải chuyển ngành. Chuyển ngành với Phương lúc này thật khó. Lương đại uý ra cơ quan ngoài ít nơi xếp được chỗ ngồi phù hợp. Những cơ quan "ngon" mà Phương quen biết, người ta đều đủ ban bệ cả rồi. Làm một đại uý, ra cơ quan ngoài, ngồi vị trí chuyên viên thường, nghe mất oai quá. Mà chuyên viên thường làm sao lại nhận đồng lương cao tương đương đại uý được. Còn nếu ngồi lại quân đội, Phương "kịch trần" mất rồi. Phải làm gì để leo được vào ngạch "tá" chứ.
Một vài lần Mạnh hẹn, Phương không đến được. Phương phải đi gặp ông Cục trưởng, Bí thư chi bộ nơi Phương làm việc. Rồi sau đó, Phương báo Mạnh biết, Phương vừa được kết nạp đảng. Phương biết, Mạnh tự hiểu việc vào đảng của Phương và việc Phương gặp gỡ Bí thư chi bộ có liên quan như thế nào. Vì Mạnh cũng là Bí thư chi bộ mà! Trước khi duyệt kết nạp đảng một ai đó, Mạnh cũng từng được kéo đi nhậu. Mạnh cũng từng được đưa đi nhậu từ A đến Z. Mạnh cũng từng giơ tay nhận phong bao. Nhưng Mạnh thắc mắc, không biết Phương "đi nhậu" với ông Bí thư của Phương như thế nào? Không biết Phương đưa phong bao của Phương theo "kiểu" gì cho ông Bí thư của Phương? Điều ấy, chỉ có Phương và ông Bí thư của Phương biết thôi. Phương biết Mạnh nóng mặt lắm. Phương còn biết, Mạnh nóng mặt vì ông Bí thư của Phương cũng đang độc thân. Hai đứa con ông đã lớn, đều đi học ở xa. Nhưng Phương biết làm sao được. Phương phải vào được đảng. Phương phải lên được cấp tá. Điều này, chỉ có ông Bí thư của Phương giúp được Phương, chứ Mạnh không giúp được Phương. Mạnh chỉ biết làm tình giỏi với Phương thôi. Vậy, Mạnh có nóng mặt với Phương cũng không thể giúp Phương vào đảng được!
Sau khi lên thiếu tá, Phương bắt đầu xa cách Mạnh. Phương bắt đầu "nhờn" với cách làm tình của Mạnh. Nhưng thỉnh thoảng gặp lại nhau một tí Phương cũng thấy thích. Chỉ thỉnh thoảng thôi - Phương nghĩ vậy. Còn giờ thì Phương thích gặp ông Bí thư của Phương hơn. Thích đến căn nhà mới xây tiếp giáp hai mặt phố của ông hơn. Thích căn phòng ngủ lúc nào cũng có điều hoà nhiệt độ của ông hơn. Thích cái xe máy đời mới bóng loáng của ông hơn. Đi với ông, Phương không phải nhìn thấy cái xe đạp "Hữu nghị" năm cha ba mẹ của Mạnh. Đi với ông, xe máy của Phương không phải vứt vạ vứt vật nơi đầu đường bờ đê. Đi với ông, xe máy của Phương được gửi cẩn thận tại nơi giữ xe của khách sạn. Đi với ông, Phương không lo bị mất chiếc nắp cốp xe máy. Đi với ông, Phương không lo phải moi tiền trong ví để chịu “một nửa giá trị” của chiếc nắp cốp, nếu nó bị mất. Đi với ông, Phương càng không bao giờ phải rút tiền trong ví ra để chi những khoản “tình phí” như đi với Mạnh. Đi với ông, Phương sẽ “có cả ông trời, nếu em thích!?”. Ông Bí thư đã nói với Phương thế. Vậy, tội gì mà Phương cứ phải lẽo đẽo với Mạnh nơi đầu đường góc phố làm gì. Hơn nữa, dù ông Bí thư có cao tuổi một chút, nhưng “cái khoản kia” của ông cũng không đến nỗi nào. Phương tần ngần so sánh như vậy. An toàn hơn nữa, sẽ chẳng có ai đến gặp Phương để xin “tha” cho chồng của họ cả. Phương cũng không còn bị “va vào cạnh bàn lúc mất điện”, để đến nỗi thâm quầng cả dưới mắt phải nữa. Phương đã bỏ chồng. Còn ông Bí thư thì goá vợ. Phương được lên thiếu tá. Còn ông ta lại có Phương. Hai lương cấp tá và cả trăm khoản khác được hưởng theo chế độ đặc biệt của quân đội, thừa sức “mua cả ông trời” cho Phương - Phương nghĩ vậy. Thuận đủ đường. Thế là, ngay cả ý định thỉnh thoảng gặp lại Mạnh một tí, Phương cũng không thực hiện được. Vì sau những đắn đo đó, Phương quyết định ôm quần áo đến căn nhà góc phố của ông Bí thư. Phương quyết định sáng sáng, ôm eo ông Bí thư đi ăn phở. Sáng sáng, ôm eo ông Bí thư đến đơn vị. Trưa trưa, ôm eo ông Bí thư đi ăn đặc sản. Chiều chiều, ôm eo ông Bí thư qua chợ mua đồ về nấu. Tối tối, ôm eo ông Bí thư đi dạo mát. Đêm đêm, ôm ông Bí thư ngủ trong phòng máy lạnh mát rượi. Ông Bí thư cũng quyết định, sáng trưa chiều tối “buộc chặt” Phương vào cái chỗ ngồi phía sau chiếc xe máy đời mới bóng loáng. Còn đêm đêm, ông cũng ôm Phương ngủ, như Phương ôm ông. Ông quyết định “buộc chặt” Phương như vậy, vì ông thừa biết, cái toà nhà cách chỗ ông và Phương làm việc một khoảng sân, còn có Mạnh. Mà Mạnh lúc nào cũng sẵn sàng “ẵm” Phương của ông đi. Đi du thuyền. Đi xem phim. Đi ăn tối. Thậm chí chẳng cần đi đâu cả. Chỉ cần cùng Phương “làm việc” ngoài giờ ngay tại cơ quan. Vì vậy, ông còn quyết định, nếu Phương thích gì, bằng mọi giá, ông cũng phải đem về bằng được cho Phương. Phương mãn nguyện kể: So với những ngày đầu, “cái” của ông ấy to hơn hẳn. Lũ bạn hiểu: Trước, Mạnh chỉ có tình cho Phương. Giờ ông Bí thư cho Phương cả tình lẫn tiền! Thôi thì, mừng cho bạn…
Sáng trưa chiều, Phương cũng vẫn nhìn thấy Mạnh. Nhìn thấy cả cái xe đạp “Hữu nghị” đặt kề chỗ Mạnh đứng. Mạnh nhìn theo hút cái xe máy đời mới trên đó có Phương. Mạnh không thể kè kè cùng Phương, khi nơi làm việc của Mạnh cách nơi làm việc của Phương một cái sân to. Còn ông Bí thư lại làm việc với Phương trong cùng một toà nhà. Mạnh không thể kéo “cả ông trời” xuống cho Phương, vì Mạnh còn phải nuôi một gia đình có bà mẹ già, có người vợ công nhân thu nhập thấp, có hai đứa con nhỏ đang học phổ thông. Mạnh nuối tiếc nói với mấy ông bạn nhậu, “cái người đàn bà trí thức, đáng yêu, lịch lãm thế. Hơn hẳn cô vợ nhà quê của mình”. Nhưng Mạnh bất lực! Giờ thì Phương không cần Mạnh để “làm việc” ngoài giờ nữa rồi. Thậm chí, nhiều hôm cả ông Bí thư, cả Phương đến cơ quan muộn, rời nhiệm sở sớm. Họ chẳng có lý do gì để “làm việc” ngoài giờ  cả. Có hôm, ông Bí thư còn ký duyệt giấy tờ cho Phương ngay tại nhà cơ mà!
                                    *          *          *
Toà tuyên án, cho Phương ly hôn với ông Bí thư. Ông Bí thư không chịu. Ông Bí thư bảo, vẫn yêu Phương lắm. Ông không có lý do gì để phải chia tay với Phương. Nhưng Phương khăng khăng, đòi ly hôn ông Bí thư bằng được. Phương bảo: Ông Bí thư lừa đảo. Ông Bí thư không trung thực. Ông bảo “kéo cả ông trời xuống” được cho Phương. Nhưng ông đã không “kéo được ông trời xuống”. Ngược lại, ông nợ chồng nợ chất. Phương bảo, suốt ngày đêm, Phương phải nghe người ta réo rắt đòi nợ. Ông Bí thư bảo: Ông làm bất cứ việc gì cũng là để chiều Phương. Ông nợ, cũng là để chiều Phương. Đấy, chạy vay nợ, mà ông vẫn cố hoàn thiện ngôi nhà góc phố để đón Phương về ở cùng. Đấy, chạy vay nợ, mà vẫn phải suốt ngày mở điều hoà không khí cho Phương đỡ nóng. Đấy, chạy vay nợ, nhưng liên tục phải đưa Phương đi chơi xa, hết nghỉ hè lại nghỉ đông. Đấy, chạy vay nợ, nhưng Phương thích đôi giày nửa triệu, ông vẫn sắm tặng. Đấy, chạy vay nợ, ông vẫn sắm riêng cho Phương một xe máy đời mới. Đấy, chạy vay nợ… Đấy, chạy vay nợ… Ông kể lể nhiều thứ nữa. Nhưng Phương vẫn không chịu. Giờ thì làm sao ông giữ được Phương. Ông đã đến tuổi hưu. Có là đại tá đến tuổi hưu vẫn cứ phải nghỉ. Còn địa vị, còn chức quyền. Mà ông vẫn nợ dài dài. Mà ông vẫn không “kéo được ông trời xuống” cho Phương. Hết địa vị, hết chức quyền. Vậy, ông “kéo ông trời xuống” cho Phương thế nào được!? Rõ ràng, nhiều năm qua ông lừa đảo Phương. Ông có cái gì đâu mà “Em thích cái gì anh cũng chiều”. Đuối lý, ông đành im lặng. Nhưng, ông chỉ ký vào đơn ly hôn, khi Phương đồng ý trả ông cái xe máy đời mới. Té ra, ông cò cưa không ký giấy ly hôn, vì ông phải đòi lại được chiếc xe máy đời mới đã. Chứ, không phải vì ông “yêu Phương lắm”, ông “không thể xa được Phương”, như ông đã nói lúc đầu trước toà. Cái của rành rành một khoản ấy, Phương đành trả. Vì ông mua và đăng ký xe tên ông. Còn nhiều khoản khác, chẳng còn chứng cứ pháp lý gì, nên ông không thể đòi được. Cái khoản nghỉ hè, nghỉ đông chẳng hạn. Ông đã sơ suất không lấy hoá đơn về. Cũng như nhiều bộ quần áo đắt tiền, nhiều đôi giầy “xịn” ông sắm cho Phương, ông đâu ngờ có ngày hôm nay, để xin hoá đơn thanh toán. Còn cái nhà ư? May cho ông Bí thư quá, Phương không thể đòi chia một nửa. Ông mua mảnh đất mang tên ông, trước khi ông có Phương. Ông xin giấy phép xây nhà, cũng trước khi ông có Phương. Nên ông không thể chia đất cho Phương. Ông cũng không thể chia nhà cho Phương. Còn những khoản ông vay nợ, đứng tên ông, ngẫm lại ông thật tiếc. Vì ông không thể bắt Phương cùng chịu nợ. Ông vay tiền để hoàn thiện nhà. Ông vay tiền để sắm nội thất. Ông vay tiền để sắm đồ cho Phương. Ông vay tiền đưa Phương đi du lịch. Ông vay tiền để trả tiền vay. Tất cả đều đứng tên ông. Thế là ông tiếc. Tiếc vì không thể san xẻ một nửa số tiền vay nợ để Phương cùng gánh chịu. Về phần Phương, chỉ có một thứ Phương “cho” ông - theo quan niệm của Phương, chính là vốn tự có của con người Phương, thì Phương không thể “hạch toán” để đòi ông được. Phương không thể rạch ròi, năm ba mươi bảy tuổi Phương có “giá” bao nhiêu. Còn lúc đứng trước toà, với cái tuổi ngót ngét năm mươi, thì cái “giá” con người Phương còn lại bằng nào. Thật khó cho Phương và chắc chắn, toà càng không thể căn cứ độ tuổi để tính xem sự thất thoát “tài sản” của Phương đến mức nào, để bắt ông Bí thư cùng chia xẻ!
Phương lại ôm quần áo trở về nhà mình. Phương lại ngồi lên chiếc Honda năm mươi đèn tròn cũ kỹ xưa để đi làm. Loại Honda này, bây giờ những người lái xe ôm cũng không còn dùng. Nhưng, cái xe máy đời mới thì bị ông Bí thư đòi mất rồi. Chưa biết Phương có sắm lại nổi cho mình cái xe máy đời mới khác không. Mà ở cái tuổi năm mươi của Phương giờ, khuôn mặt thon gọn đã hằn rõ những vết nhăn nơi khoé mép. Hai bên má chảy xệ. Đôi môi hơi dày có đường viền cắn chỉ chẳng còn được tươi tắn như xưa. Con mắt lúng liếng của những năm tháng trước giờ chỉ còn lại cái nhìn trễ nải, nản lòng. Vậy, liệu có còn ai “xin chết” vì Phương nữa không? Liệu có còn ai sẵn lòng sắm cho Phương chiếc xe máy đời mới khác? Bao giờ, hỏi bao giờ Phương sẽ tìm lại được những ngày xưa ấy!
Trí đã có một mái ấm thực sự. Một cô giáo cấp hai nhỏ nhắn ưa nhìn. Một đứa con gái mười tuổi xinh như mẹ. Hoãn, qua những ngày tháng nông nổi, bị tiếng sét ái tình làm loá cặp kính cận, nay đã bình tâm quay về với Kim, tiếp tục vun cao hơn nữa cái núi kỷ niệm của hai người xây đắp từ khi cùng học ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Mạnh, chiếc xe đạp “Hữu nghị” bán cho hàng đồng nát từ bao giờ. Cái lon thiếu tướng đã thay thế lon đại tá từ lâu. Cái lon thiếu tướng cũng đảm bảo để Mạnh không phải về hưu đúng tuổi. Cán bộ cao cấp mà, có nhu cầu thì quân đội còn dùng dài dài. Chắc chẳng bao giờ Mạnh còn doạ bỏ Làn. Dù thế nào, đó cũng là người vợ thuỷ chung, chân chất, tin cậy. Còn việc đưa đón cái cô gái trẻ hơn Phương tới mười mấy tuổi, luôn mặc chiếc mini zuyp bó chẽn lấy hông đến với Mạnh, đã có chiếc xe hơi bóng lộn và gã tài xế trung thành của Mạnh. Với Mạnh, có lẽ lúc này cô ta còn “trí thức, đáng yêu, lịch lãm” hơn Phương xưa.
Phương đưa tay với lấy chiếc gương soi. Trong đó, hiện lên một khuôn mặt thon gọn đã hằn rõ những nếp nhăn nơi khoé mép. Hai bên má chảy xệ. Đôi môi hơi dày có đường viền cắn chỉ chẳng còn được tươi tắn như xưa. Con mắt lúng liếng của những năm tháng trước chỉ còn lại cái nhìn trễ nải, nản lòng!
-  In trong tập Nốt nhạc trầm, Nxb Hội Nhà văn, 2014
- Báo Người Hà Nội, số...





                              





                                                                                                                                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét