Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
Mỹ Hoa nằm đưa
mắt nhìn chong chong lên trần nhà. Trần nhà và những bức tường xung quanh, chỉ
một màu trắng toát. Hình như bệnh viện vừa mới quét vôi lại. Cả những tấm ga
trải giường nữa, cũng trắng. Sao trắng đến thế? Cái màu trắng lành lạnh, rờn
rợn, đầy vẻ đơn côi, bao bọc quanh Hoa! Thế là thần chết chẳng đón được Hoa đi.
Những tưởng rằng, chuẩn bị cho cuộc du ngoạn vào cõi thinh không như thế thì
còn ai có thể cản được Hoa. Vậy mà, giờ Hoa vẫn nằm đây. Nằm đây sau nửa ngày
mê man, vật vã. Vật vã trong sự cuống cuồng lo âu của cha mẹ - không như thái độ
hờ hững hàng ngày của họ. Trong sự tất bật nhưng lạnh lùng của các y, bác sĩ.
Họ phải làm nhiệm vụ cứu người. Đúng hơn là, cứu cái sự sống của một người
không muốn sống. Rất có thể một ai đó trong số y, bác sĩ đã nghĩ: Không muốn
sống thì để chết quách đi cho cuộc đời rảnh nợ! Cứu mà làm gì một con người đã
không còn yêu cuộc sống...
Nhìn sang giường bên, Mỹ Hoa thấy một
phụ nữ nằm nhắm mắt, có lẽ hơn cô chỉ vài tuổi. Nét mặt thanh tú, thỉnh thoảng
hơi nhíu nhẹ đôi lông mày.
Cơn đau
buốt xoáy vào tận xương tuỷ làm Linh Nga đổ vật xuống sàn diễn. Quanh Nga, đầy
ắp những giọng nói lo âu, những ánh mắt xót xa, yêu mến của đồng nghiệp. Có lẽ,
đã đến lúc căn bệnh quái ác quật ngã nàng. Sao nhanh đến vậy? Không biết mình
còn sống được bao lâu? Liệu có còn một lần nào nữa, chỉ một lần thôi, mình được
vẫy vùng trong ánh sáng lung linh của thánh đường sân khấu?
Linh
Nga được đặt nhẹ nhàng lên giường bệnh. Một màu trắng rạng rỡ đổ oà trước mặt
nàng. Trần nhà và những bức tường xung quanh, cả tấm ga trải giường đều một màu
trắng. Trắng quá. Cái màu trắng tinh khôi, vẹn nguyên, trong sáng làm sao! Với
Linh Nga, màu trắng bao giờ cũng làm nàng xao xuyến...
Giường
bên, một cô gái trẻ luôn cựa quậy gây ra những tiếng động nhẹ, vẻ bồn chồn, bất
an.
Mỹ Hoa được cha mẹ nuông chiều từ bé.
Nhà chỉ có hai anh em. Anh của Hoa đi lao động xuất khẩu ở Đức, rồi biệt tăm
luôn. Vào tuổi cập kê, Hoa thường xuyên phải sống một mình trong căn nhà bốn
tầng rộng mênh mông, luôn thiếu vắng tiếng cười và không khí đầm ấm của một gia
đình hạnh phúc. Cặp kè thường trực cạnh cha là những bản hợp đồng có giá trị
kinh tế lớn. Còn mẹ, chốn hấp dẫn là những chuyến phiêu liêu tình ái không bao
giờ có điểm dừng. Mỹ Hoa lẻ loi, trống vắng trong nỗi cô đơn triền miên. Một gã
điển trai, cao to, lẽo đẽo theo sau Hoa mỗi lần cô từ nơi làm việc về nhà. Chỉ
sau vài lần làm cái đuôi của Hoa, hắn đã "hạ gục" cô một cách ngon
lành và bắt đầu xuất hiện ở nhà cô với sự cần mẫn, chu đáo của một kẻ tôi tớ.
Hoa chết ngây chết ngất cách cư xử ra vẻ lịch lãm cùng điệu cười pha chút đàng điếm
của hắn. Hoa lịm tim khi hắn ỏn thót bên tai cô những lời đường mật kèm theo
tới tấp những nụ hôn ướt át, ngọt ngào. Ngôi nhà mênh mang tưởng chừng không đủ
chỗ chứa cái gọi là tình yêu bốc lửa mà hắn nói rằng, chỉ có thể giành cho
"mỗi một Hoa" thôi. Mỹ Hoa đắm chìm trong mối tình cuồng dại và thả
mình cho kẻ trai lơ "no xôi chán chè"...
Thực ra, Linh Nga biết mình bị ung
thư xương từ lâu rồi, khoảng gần một năm trước. Lúc đầu nghe chẩn đoán của bác
sĩ, nàng còn bán tín, bán nghi. Bởi, trong gia đình nàng, tiền sử có ai bị bệnh
này đâu. Sau vài lần kiểm tra lại, cùng những triệu chứng đau xuất hiện hàng
ngày, nàng mới tin đó là sự thật. Được bác sĩ thông báo, Nga ngã ngồi xuống
chiếc ghế kê sát tường của phòng khám, ôm mặt khóc nấc lên. Chẳng biết nói gì hơn,
người bạn đứng cạnh, nhẹ nắn vai Nga an ủi, nước mắt cũng lưng tròng. Vậy là
không lâu nữa, Nga sẽ phải từ bỏ cuộc sống này để đi vào chốn u tịch! Chẳng lẽ
duyên phận với nghiệp hát chèo, cái duyên kỳ ngộ từ thuở mười ba của nàng, cũng
đành đứt đoạn ư?... Ôi, ông trời ơi, sao trời cao lại cay nghiệt nhường này?
Những
cơn gió đầu thu xào xạc, đẩy đi hơi nóng mặt trời cuối ngày. Từng đám lá vàng
bị cuốn theo gió, bay là là trên hè phố. Mệt mỏi, Linh Nga bảo bạn rẽ vào một
quán nước nhỏ bên đường.
* * *
Tại phòng họp của khoa cấp cứu. Các y
bác sĩ đã có mặt đầy đủ. Chỉ còn thiếu bác sĩ trưởng khoa. Ông đang trở về sau
cuộc giao ban với lãnh đạo bệnh viện. Tất cả như chìm trong im lặng lúc ông bước
chân vào.
- Xin chào tất cả. Nào, ta họp nhé. Bắt đầu
là phòng bệnh số 13. Anh Trình, báo cáo trước đi. - Giọng bác sĩ trưởng khoa
nhẹ, nhanh, nhưng dứt khoát.
- Báo cáo anh, bệnh nhân Hoa đã qua cơn
nguy hiểm sau khi tiến hành rửa ruột. Tuy nhiên, vẫn cần phải theo dõi chặt chẽ
vì có biểu hiện chức năng của gan bị rối loạn nặng nề. Cô ta đã uống trọn vẹn
một lít dầu hoả.
Tiếng rì rào nổi lên. "Ôi trời. Một
lít dầu cơ à?" - "Đúng là đồ điên." - "Thiếu gì đàn ông mà
phải..." - "Xinh gái thế. Thật đáng tiếc!" - "Kiểu này, ai
dám chắc không có lần hai...".
- Thôi, tất cả trật tự. Cô Hải, báo cáo
tiếp trường hợp thứ hai. - Giọng bác sĩ trưởng khoa lại vang lên.
- Báo cáo anh. Kết quả xét nghiệm của
bệnh nhân này khẳng định, cô ấy bị ung thư xương giai đoạn cuối. Điều rất lạ
là, nếu theo lời kể của bệnh nhân về thời gian trước khi nhập viện, bệnh diễn
biến nhanh quá.
- Vậy, cô phán đoán điều này thế nào?
- Dạ, thưa anh. Bệnh nhân là diễn viên
chèo, chuyên đóng vai chính. Có một con gái nhỏ hơn hai tuổi. Theo đồng nghiệp,
cô ấy là một người tâm huyết với nghề. Họ quý cô ấy lắm.
- Tôi không hỏi về điều đó. Mà sao cô...
- Thế nhưng thưa anh, những điều này lại
rất liên quan đến điều anh hỏi. Tôi phán đoán, có thể trước khi vào đây, cô ấy
giấu đồng nghiệp và gia đình về bệnh tình của mình. Cô ấy lo sợ, phải xa rời
nghề diễn...
Tiếng "ồ", "à" lại
nổi lên. "Ung thư giai đoạn cuối là đau lắm" - "Một phụ nữ trông
yếu ớt vậy mà chịu đựng giỏi thế nhỉ." - "Diễn viên có khác. Đẹp
quá" - "Ông trời thật bất công. Đúng là, người tử tế thì không được
sống. Kẻ no đủ thừa thãi quá lại điên khùng tìm đến cái chết"...
- Thôi... thôi nào. Đến phòng bệnh số
14. Anh Dũng, báo cáo đi.
* * *
Quê
Nga cách biển vài chục cây số. Hơi gió từ biển thổi tới làng mang vị mặn mòi
của sóng biển đã cho Nga một làn da nâu sáng, mịn màng. Trên khuôn mặt nhẹ
nhõm, thanh tú của nàng, là đôi mắt tròn long lanh, sinh động. Tục lệ quê Nga,
con gái thường được gả chồng sớm lắm. Gia đình tính chuyện cho Nga đi làm dâu
khi nàng vừa tròn tuổi mười ba. Con gái lớn rồi, để ở nhà lâu sinh chuyện. Nhà
Nga đến làm dâu, nghe đâu giàu nhất phố huyện. Anh "chồng" mới mười lăm.
Nhưng ỷ thế cha mẹ lắm tiền nhiều của, chẳng chịu học hành, suốt ngày lêu lổng
với lũ bạn ngoài đường phố. Nga phong thanh biết chuyện, liền trốn đi theo một đoàn
chèo trên tỉnh về hát ở làng. Cái duyên của Nga "bắt" với chèo từ đấy.
Nga
chưa từng mơ làm diễn viên. Cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ hát được những làn điệu
chèo bao lần làm nàng mê mẩn mỗi khi trốn nhà ra đình xem hát. Ngồi sát chiếu
chèo, ngẩn ngơ ngắm những vai nữ, đẹp như tiên giáng thế, Nga lẩm nhẩm hát theo
mà cũng không hề biết mình đang hát. Trốn nhà theo đoàn chèo, Nga chỉ mong
thoát khỏi cuộc ép duyên vội vã của gia đình. Thế nhưng, khi Nga hát thử vài điệu
chèo cổ, thì thật không ngờ, những người còn hoài nghi việc nhận Nga ở lại đoàn,
đã phải gật lia lịa vì mê cái chất chèo ngọt lịm trong giọng hát của Nga. Một
thời gian sau, Nga dần được làm quen với ánh đèn sân khấu, để rồi trở thành một
diễn viên chính của đoàn, chuyên đóng các vai nữ lệch chanh chua, đáo để; khác
hẳn với Linh Nga ngoài đời đoan trang, nết na, thuỳ mị.
Sự xuất hiện của
gã kẻng trai ở nhà Hoa bắt đầu thưa dần. Gã thừa đủ lý do để biện minh cho cái
sự "bận rộn" nên xao nhãng việc chăm sóc "mỗi một Hoa" của
gã. Cho đến khi, bẵng đi một thời gian, không thấy gã kẻng trai tới. Hoa bắt đầu
nghi ngờ cái gọi là tình yêu bốc lửa mà gã chỉ dành cho "mỗi một Hoa"
thôi. Hoa bắt đầu nhớ điên dại nụ hôn ướt át, hơi thở khoẻ mạnh phả trên mặt
khi gã đưa cái lưỡi lia xoắn xuýt vào miệng mình. Hoa dấm dứt trong cảm giác
thèm thuồng những ngón tay của gã mơn trớn thành thạo trên da thịt con gái tuổi
đang thì. Hoa khát khao vòng tay của gã, ghì xiết bờ eo của cô, như muốn kéo
dính hai cơ thể đang ngùn ngụt lửa vào nhau... Chờ mãi. Đợi mãi. Chẳng thấy hắn
đâu. Hết kiên nhẫn. Hoa gọi điện cho hắn liên tục. Gọi vào di động. Vào cả máy
cố định. Khi thì vắng nhà. Khi thì "đang ngoài vùng phủ sóng. Xin bạn gọi
lại sau". Hoa hết kiên nhẫn. Trong cảm giác mệt mỏi, chán chường, Hoa đi
làm cũng thất thường. Còn hắn, chẳng một hồi âm, chẳng một lần xuất hiện. Bế
tắc. Tuyệt vọng. Ở ngay tại nhà mình mà Hoa như rơi vào một bãi tha ma giữa đồng
không mông quạnh đầy ám khí. Cha đi đằng cha. Mẹ có nẻo của mẹ. Còn Hoa, tìm
cách biến vào cõi hư vô.
Nga
hăm hở lao vào cuộc sống mới. Trên sàn tập, lúc đọc kịch bản, khi luyện lời ca
Nga dần hiểu rằng, nghệ thuật đích thực thật gian nan. Không chỉ có tô son, vẽ
phấn, khoác lên mình bộ xiêm áo sắc sỡ đủ màu để làm những nàng tiên tuyệt thế
uốn lượn dưới ánh đèn sân khấu lung linh kỳ ảo. Mà, đằng sau những giây phút
rạng rỡ đó là mạch thời gian đằng đẵng với những giọt mồ hôi nhọc nhằn lã chã rơi.
Có những lần sau khi học hát, họng Nga đau rát, ăn chẳng nuốt trôi. Chỉ thèm
những giọt nước mát mà không được phép uống. Nhiều khi đọc kịch bản, học cho
thuộc những lớp lang, phân tích tâm lý nhân vật mình vào vai, về đêm lại thao
thức, trằn trọc để tìm cách thể hiện "đắt" nhất. Nhiều đợt lưu diễn
xa xôi, tận biên giới, hải đảo đầy gian nan, cực nhọc, có cả những hiểm nguy đe
doạ mạng sống. Nhưng Nga vẫn mê mải, đắm
đuối với làn điệu chèo dân dã; coi đó là máu thịt, là mạch sống của mình. Lao động
nghệ thuật cùng tình yêu cuộc sống mới làm Nga như lột xác. Khuôn mặt khả ái
trời cho ngày một rạng rỡ, cùng giọng ca ngọt ngào, đằm thắm và cái tên Linh
Nga của nàng đã trở nên quen thuộc với nhiều khán giả say chèo. Linh Nga thấy
cuộc đời thật đáng yêu. Rồi, Nga lấy chồng và sinh "ngỗng con". Cuộc
sống của Linh Nga thấm đẫm vị ngọt của hạnh phúc lứa đôi. Bất hạnh đổ xuống đời
Nga như một định mệnh - nàng bị ung thư xương.
* * *
- Hoa ơi, em đau lắm à? - Linh Nga
dè dặt hỏi.
- Không... ạ. - Hoa trả lời chậm,
miễn cưỡng.
- Mình tên là Nga. Linh Nga. Mình
biết tên Hoa vì thấy bác sĩ gọi. Đêm qua thấy Hoa trằn trọc nhiều. Thế, vì sao
mà Hoa vào đây?
- Dạ... em... đau bụng.
- Thế à? Đau thế nào?
- Không... Đỡ rồi ạ. Thế chị?
- Mình bị ung thư xương. Cũng đau
lắm. - Tiếng Nga nhẹ, buồn buồn.
Hoa ngồi bật dậy, ngạc nhiên:
- Thế cơ ạ? Lâu chưa?
- Gần một năm rồi.
- Anh ban nãy là chồng chị à?
- Ừ, anh ấy đấy.
- Khi chị ngủ, em thấy anh ngồi nhìn
chị không chớp mắt.
Linh Nga từ từ ngồi dậy. Nước mắt
long lanh nơi bờ mi.
- Anh ấy mới biết mình bị bệnh trước
lúc cấp cứu. Mình giấu mọi người. Chỉ một chị bạn biết.
- Sao chị gan thế? - Hoa tò mò hỏi.
- Mình thương chồng con lắm. Biết
sớm, mọi người buồn.
- Thế bé con mấy tuổi.
- "Ngỗng con" của mình hơn
hai tuổi.
- Nó giống chị lắm, trông yêu quá.
- Chẳng biết mình còn được bao thời
gian?- Giọng Linh Nga lặng đi.
Hoa nhìn Nga thương xót. Chị ấy xinh
thế. Mà lại chịu đựng giỏi. Ngẫm phận mình, Hoa vừa tủi, vừa thấy thật hèn. Hoa
từ từ nằm xuống, nghiêng mặt vào tường, lén lau nước mắt. Từ hôm Hoa bị cấp
cứu, chẳng hề thấy gã kẻng trai ló mặt. Hoa hiểu, có nghĩa là hắn sẽ
"lặn" luôn. Còn may, trong Hoa chưa kịp xuất hiện một mầm sống mới.
* * *
Tại Khoa Cấp cứu. Cuộc họp bất thường
được triệu tập. Nguyên nhân: Bệnh nhân Linh Nga có một đề nghị: Khoa bố trí
ngay tại Hội trường Bệnh viện cho nàng được biểu diễn lần cuối. Đây là một đề
nghị thật đặc biệt. Cần tổ chức hội đồng y khoa hội chẩn. Có thể phải mời thêm
những bác sĩ đầu ngành, chuyên về ung thư xương. Song, là đơn vị trực tiếp điều
trị, Bác sĩ trưởng khoa muốn được nghe ý kiến của những người từng tiếp xúc và
tham gia điều trị cho Nga.
- Nếu chúng ta đồng ý với nguyện
vọng của bệnh nhân sẽ hết sức nguy hiểm, có nên không? - Bác sĩ trưởng khoa
nói.
- Về cô Nga, tôi là người trực tiếp điều
trị, tôi biết. Giai đoạn này, bệnh nhân đau lắm - Bác sĩ Hải nói - Có nhiều đêm
cô ấy hầu như không ngủ. Nhưng cho uống thuốc giảm đau thì lại không chịu.
- Người chồng bệnh nhân có ý kiến gì
không? - Bác sĩ Trình lên tiếng.
- Anh ấy thương vợ. Và, muốn vợ mình
được toại nguyện. - Bác sĩ Hải trả lời.
- Có thể, nếu chúng ta đồng ý, cô ấy
sẽ gục xuống ngay lúc đang diễn - Bác sĩ trưởng khoa cúi đầu nói, vẻ phân vân.
- Nhưng theo tôi, đây là nguyện vọng
rất đáng được chúng ta trân trọng. Tất nhiên, cũng cần phải cân nhắc kỹ - Bác
sĩ Hải thêm vào.
- Có lẽ, cần phải trao đổi lại với Đoàn
Chèo, nơi cô ấy công tác - Bác sĩ Dũng góp ý.
- Chắc chắn là thế rồi. Nhưng về
tình trạng bệnh lý, chúng ta chịu trách nhiệm là chính - Bác sĩ trưởng khoa
khẳng định.
- Thật thương quá. Người như vậy mà không được
sống. Còn kẻ khác, khoẻ mạnh thì lại... Bác sĩ Hải lẩm bẩm, chắc chị đang nghĩ đến
bệnh nhân Mỹ Hoa.
* * *
- Chị ơi... - Hoa dè dặt.
- Sao cơ? - Linh Nga nhẹ nhàng hỏi.
- Em kém cỏi lắm chị ạ.
- Có chuyện gì mà em nói vậy. Em
xinh thế kia mà.
- Em chỉ muốn chết.
- Bậy nào. Xinh đẹp thế. Còn trẻ
thế. Mà hình như bố em làm chức vụ gì cũng quan trọng, phải không? Nãy ông vào,
chị thấy có một anh đi cùng. Có lẽ là lái xe, bê khệ nệ mấy đồ dùng cho em theo
sau.
- Vâng. Nhưng... em cần họ cái khác
cơ...
- Sao?
- Chẳng hiểu sao mới gặp chị mà em
thấy tin cậy ngay. Nhìn anh chăm chị, em thèm lắm... - Hoa không trả lời vào
câu hỏi của Linh Nga, chỉ lẩm bẩm nói đủ nghe.
Vừa lúc đó, chồng và con Linh Nga bước
vào. "Ngỗng con" sà ngay vào lòng mẹ, rồi quay sang thỏ thẻ chào Mỹ
Hoa. Con bé ríu rít kể mẹ nghe những chuyện ở nhà trẻ. Nó bảo, cô giáo hỏi thăm
mẹ, mong mẹ khoẻ để còn đưa con đi học. Để còn cho cô vé đi xem mẹ biểu diễn.
Sống mũi Linh Nga cay xè, miệng đắng ngắt. Hoa nhìn hai mẹ con, thấy thương
Linh Nga quá. Cô ra khỏi giường, đến gần giơ tay đón "Ngỗng con". Nó đứng
lên vòng tay ôm cổ Mỹ Hoa. Nó đã quen với cô Hoa, cũng quý cô lắm. Mỗi lần bố
con nó đến, Hoa ý nhị đưa nó đi chơi, để Linh Nga có thời gian gần gũi chồng.
* * *
Cuối cùng, điều day dứt khi Linh Nga ngã
vật xuống sàn diễn trước khi vào bệnh viện đã được toại nguyện. Cũng may, sắp
tới bệnh viện tổ chức đại hội công nhân viên chức. Hội đồng y khoa thống nhất
bố trí nàng biểu diễn vào dịp này. Đây là nguyện vọng thiêng liêng của một người
chắc chắn sẽ "đi xa", "đi rất xa" trong nay mai. Vì thế,
cần được trân trọng. Chồng Linh Nga đã đồng ý ký vào một văn bản thoả thuận
cùng bệnh viện về sự việc này. Khuôn mặt gầy héo của Nga bừng sáng, tràn trề
hạnh phúc khi hay tin, nguyện vọng của mình được mọi người ủng hộ. Tuy không được
vẫy vùng trong ánh sáng lung linh huyền ảo của sân khấu, thì Nga cũng được biểu
diễn cho đông đảo khán giả ngay trong bệnh viện xem. Nga biết, đây sẽ là buổi
biểu diễn cuối cùng. Buổi biểu diễn thiêng liêng nhất với nàng. Để rồi Nga sẽ
vĩnh viễn chia tay với ngôi nhà nghệ thuật thân yêu của mình. Nước mắt Nga chảy
dài trên má.
Ngoài hội trường chật kín khán giả -
những bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện. Một ngoại lệ đã được các bác sĩ
cho phép: những ai không phải nằm bất động, được đi xem diễn viên một đoàn chèo
cũng đang điều trị tại bệnh viện, biểu diễn trích đoạn chèo cổ: Xuý Vân giả dại.
Thật là buổi tối hy hữu, chẳng bao giờ có tại một bệnh viện. Khán giả ngồi lặng
lẽ, nghiêm trang, như chờ đợi một điều kỳ diệu sắp xảy ra. Hoa ngồi ôm
"Ngỗng con" của Linh Nga trong lòng, ở hàng ghế sát sân khấu. Bên
cạnh là chồng Linh Nga cùng nhiều bạn diễn của nàng.
Trong phục trang mớ ba mớ bảy của nàng
Xuý Vân điên dại, Linh Nga nhẹ nhàng bước ra sân khấu. Không khí yên ắng đến
nghẹt thở. Bất chợt, tiếng cười của nàng Xuý Vân ré lên, xé tan bầu không khí,
tiếng cười chua chát và cay đắng. Nàng Xuý Vân xinh đẹp, hiền thục, đoan trang
trước kia là thế, giờ uốn éo, vung vẩy tà áo dài xanh đỏ, giả vờ điên dại. Nàng
giả điên giả dại vì cô đơn, lạnh lẽo trước người chồng nhạt nhẽo, chỉ mê mải
bon chen chốn trường thi, nỡ tâm để nàng lẻ lôi, trống vắng nơi quê nhà heo
hút. Nàng giả điên giả dại để quyết dứt áo ra đi, giật tung những ràng buộc vô
hình của trật tự xã hội phong kiến giả dối, đầy bất công và oan ức đối với người
phụ nữ; thiết tha hướng theo tiếng gọi của tình yêu:
"Đôi ta đã quyết thì liều.
Cầm bằng con trẻ chơi diều đứt
dây".
Xuý Vân quằn quại, quay cuồng trong vũ điệu
mềm mại. Lúc thì chầm chậm, khi lại vấn vít cuống cuồng, đôi tay uốn lượn, lúc
vấn khăn, khi xe chỉ, lúc ngồi quay tơ, khi thì bắt bướm; lúc lại vuốt ve mái
tóc dài xoã xượi tung bay. Cùng với những động tác múa may cuồng dại của nàng
là tiếng hát dồn nén, xót xa, nhưng đầy liều lĩnh, cùng đường của con thú bị
dồn đuổi. Đôi lúc, xé tan bầu không khí im ắng xen lẫn tiếng cười ròn tan, man
dại, rờn rợn....
Cả hội trường nín thở, theo dõi sự bứt
phá của một Xuý Vân "nổi loạn", đòi hỏi mãnh liệt được ái ân trong
tình yêu đôi lứa:
"Đôi ta dắt díu lên đây
Áo giải làm chiếu chăn quây làm
mùng".
Để tìm được cái hạnh phúc thường tình,
nhỏ nhoi, mong manh ấy, dường như thật khó khăn với Xuý Vân. Trong đôi mắt đen
thăm thẳm, đau đớn, luôn đong đưa của nàng đọng đầy nước mắt. Nàng khóc cho nỗi
đời đen bạc của Xuý Vân. Hay nàng khóc cho bất hạnh tận cùng của cuộc đời Linh
Nga? Có lẽ cả hai!
Dõi theo Linh Nga hoá thân vào nàng Xuý
Vân cuồng dại, đang vật vã đi tìm hạnh phúc đích thực của người phụ nữ trên sân
khấu, dưới khán giả, Hoa luôn tay chấm nước mắt. Mỗi khi thấy vậy, "Ngỗng
con" lại ngước lên thỏ thẻ: Sao cô lại khóc? Tội nghiệp nó. Không biết, đến
khi nào thì nó sẽ không còn mẹ? Chị ấy đau lắm. Sao chị ấy vẫn có thể đắm say
nhiệt thành đến thế trong vai diễn đầy trắc ẩn này nhỉ? Hoa đăm đắm dõi nhìn
khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Xuý Vân. Có lẽ, chị ấy khóc cũng còn vì đau nữa.
Giọng chị ấy đang run lên kia kìa. Giọng hát của chị ấy ngọt quá, đằm quá, mà
thật xót xa, ai oán. Không thể tin được, người như chị ấy, đẹp thế, tài thế, mà
chỉ nay mai thôi, sẽ phải chia tay vĩnh viễn cuộc đời này?
Trên sân khấu, Xuý Vân đã dứt bỏ được
quá khứ buồn bã, chia tay với người chồng hám tiền tài danh vọng, chạy đến với
người tình trong mộng Trần Phương, hy vọng cùng chàng bước lên chuyến đò hạnh
phúc. Bên bến đò khuya, nàng chờ, nàng đợi. Đợi hoài mà chẳng thấy Trần Phương đâu.
Cuối cùng nàng đã hiểu ra, gã họ Sở chơi hoa rồi phũ phàng vin cành ngắt hoa.
Thất vọng đến tột cùng, nàng bối rối, đau xót thốt lên:
"Tôi chắp tay, lạy bạn đừng cười.
Lòng tôi không giăng gió, tôi gặp người
gió giăng".
Tiếng hát thê thảm, day dứt của Xuý Vân
làm tan nát lòng người. Gã Sở Khanh đã biến mất. Xuý Vân bị dồn đến ngõ cụt.
Chẳng còn chỗ lùi. Phía trước cũng không một chốn nương thân. Quẫn bách, Xuý
Vân lao mình xuống dòng sông đen lạnh ngắt.
Tự tận là con đường cùng tất yếu của người
đàn bà đáng thương, khát khao sống, khát khao được yêu, nhưng cả tin và đơn độc,
chọn cho mình.
Sân khấu vụt tối đen. Khi đèn bừng sáng
hồi lâu, mọi người không thấy Xuý Vân - Linh Nga đứng dậy. Những người ngồi
ngay hàng ghế đầu ào lên sân khấu. Tại đó, Linh Nga nằm gục nghiêng bất động, đầu
kê lên một cánh tay. Khuôn mặt nhẹ nhõm, thánh thiện đầm đìa nước mắt lẫn mồ
hôi. Người chồng bế xốc vợ dậy, đặt lên băng ca đã trực sẵn. Hai bác sĩ đẩy
ngay băng ca đi. Chạy sau là những người thân, bạn bè. Hoa nước mắt ròng ròng,
ôm "Ngỗng con" theo sát. Tất cả đều im lặng. Chỉ những tiếng gọi
"Mẹ ơi" của "Ngỗng con" xé nát không khí, cứa vào lòng mọi
người. Bất giác, Hoa ôm "Ngỗng con" chặt hơn, rồi ghì sát nó vào người,
thầm thì: Nín đi con, nín đi con!
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6460.html
- In trong tập Nốt nhạc trầm, Nxb Hội Nhà văn, 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét