Truyện ngắn Giang Trung Học
Chiều
hôm ấy, không hiểu sao bộ phận “Một cửa” của Ủy ban nhân dân phường Đình làm việc
chậm đến một tiếng đồng hồ. Sự chậm trễ khiến khách chờ khó chịu, bàn tán xôn
xao. Nhưng khi cô nhân viên “Một cửa” xuất hiện thì ai nấy cùng nín thinh. Nín
thinh gần như là thói quen chịu đựng của mọi công dân khi có việc phải đến “cửa
quan”. Và như một thói quen xưa nay, “người nhà nước” hiếm có khi mở miệng xin
lỗi công dân, mà kẻ gây lỗi lại chính là họ. Biết vậy nên vợ chồng tôi cứ lặng
lẽ ngồi chờ.
Người được
gọi tên trước tiên là tôi. Bởi tôi đã đặt tờ giấy hẹn đúng chỗ quy định, và trước
tất cả mọi người. Xưa nay tôi vẫn giữ thói quen, dù đi họp đi hành, dù vào rạp
xem hát, đều có mặt thật sớm. Thế nên
cái việc đến Ủy ban nhân dân phường xin giải quyết chuyện riêng, tôi càng không
thể chậm trễ. Tôi muốn có mặt sớm để sớm xong việc, đỡ phải chạm mặt nhiều người.
Sự né tránh ấy chẳng phải vì tôi là kẻ phạm tội lỗi gì. Gần chót cuộc đời rồi,
tôi sạch bong. Dù nghề nghiệp phải tiếp xúc thường xuyên với các nhà kinh
doanh, nhưng tôi không mảy may vướng vào tiền bạc. Thế hệ tôi trở về trước, là
“người nhà nước”, từ anh quyền cao chức trọng đến người coi kho, dường như
không ai phạm tội trộm cướp. Vì vậy anh to anh bé, tất cả đều nghèo. Ngày xưa
chúng tôi nghèo nhưng trong sáng lắm, chứ không như cán bộ thời nay. Thời nay
cán bộ cỡ lớn cỡ vừa, gần như đều giàu có cả. Gia sản cỡ dăm ba triệu đô la Mỹ,
hoặc hàng chục hàng trăm triệu, đến hàng tỷ đều có. Trong khi, xét thu nhập
chính đáng của họ, gồm tiền lương và phụ cấp, thì không anh nào còn tiền để
dành, dù có chi tiêu dè xẻn đến mấy. Vậy tài sản họ lấy từ đâu? Họ đã lấy cắp của
dân, mà trong các văn bản lưu hành thường gọi là tham nhũng. Thật lạ là, kẻ trộm
cướp tham nhũng lại không hề ngượng ngùng xấu hổ; vẫn leo lẻo lên án tham nhũng,
vẫn hô hét “Vì dân”!?
Tôi thật
sự thấy xa lạ trước việc làm trái ngược với lời nói của chính họ. Làm một đường
nói một nẻo mà họ không biết hổ thẹn là sao? Phải chăng sự ngượng ngùng hổ thẹn
nó không còn ngự trị trong trái tim và khối óc họ nữa. Còn tôi, có phải tôi là
kẻ lạc loài giữa thời thế này? Chỉ cái việc đến Ủy ban nhân dân phường xin giấy
chứng chỉ kết hôn, là việc làm chính đáng, phù hợp luật pháp, và không hề vi phạm
đạo đức, thế mà tôi vẫn thầm ngượng chứ lỵ. Bà xã tôi phải mấy lần lên “dây cót
tinh thần”, tôi mới mạnh dạn xuất hiện tại cái bộ phận “Một cửa” này. Dù đã xác
định phải bình tĩnh, vậy mà khi nghe gọi tên mình, tôi vẫn thấy xốn xang ngường
ngượng.
Tôi đứng
lên khẽ đáp: “Có!”. Cô nhân viên “Một cửa” nhìn tôi, nói ngay: “Sao lại là ông?
Việc này không thay thế được. Phải người xin đăng ký có mặt, vì còn ký trước Ủy
ban nữa… Mà cả hai người cùng có mặt!”. Toàn thân tôi nóng lên. Chắc là mặt tôi
đỏ lắm. Hẳn tất thảy mọi người tại đây đều đồ dồn mắt nhìn tôi. Tôi trở thành
hiện tượng lạ đối với họ. Hiện tượng lạ này, nếu không làm trò cười cho thiên hạ
thì cũng là đề tài để họ đàm tiếu thầm thì.
Dường
như cô nhân viên “Một cửa” định nói gì đó, thì tôi đã tiến đến sát cái “lỗ giao
dịch”, kịp cất lời thanh minh: “Cô ạ… tôi… chúng tôi xin đăng ký cho chúng
tôi”. Cô nhân viên trợn tròn mắt nhìn thẳng mặt tôi, dõng dạc hỏi rõ to, cứ như
cần để mọi người trong gian phòng này cùng nghe: “Ông kết hôn?”. Giọng tôi lạc
đi: “Vâng!”. Tiếng vâng thoát khỏi cửa miệng tôi thật khó khăn. Tôi như bị tắc
đườm trong cổ, và ngạt mũi nữa. Nghe giọng nói, biết đâu có người nghĩ tôi
khóc. Và như thế, càng kích thích cái thói tò mò trong họ. Tò mò, thóc mách,
đàm tiếu, thêu dệt… đã trở thành nếp sống của đông đảo người mình; cho dù nó từng
bị dư luận uốn nắn, đả phá. Nhưng phá làm sao nổi trong khi đất nước này đang
trong cảnh nhốn nháo, nhiễu nhương, tốt xấu khó phân định rạch ròi. Tôi như chới
với giữa đám đông mà không thể thoát ra nổi. Làm sao tôi có thể bỏ dở việc mình
đang cần, để chạy trốn khỏi nơi đây. Tôi muốn quay mặt lại tìm kiếm sự hỗ trợ của
bà xã, nhưng e đám đông phóng mắt nhận diện tôi, nên đành đứng im như phỗng giấy.
Cứ để họ nhìn đằng sau, dù sao tôi cũng đỡ ngượng ngùng. Nhìn tận mặt thì rành
rành tôi là một ông lão; bởi khuôn mặt gầy, vầng trán hói, cặp mắt sâu, hai má
hõm. Ông lão mà còn ham lấy vợ(!?) Và rồi, trong ý
nghĩ mấy chục con người có mặt tại đây sẽ cùng một lúc đặt ra không biết bao
nhiêu câu hỏi về tôi. Người cảm thông, nghĩ tốt cho tôi hẳn có, song không nhiều.
Số đông, chắc chắn là số đông, họ cho rằng tôi vợ nọ con kia, tìm mới nới cũ,
dâm dê đa tình… Thôi thì, họ có quyền nghĩ thế. Tôi chỉ thầm mong họ đừng quá sỗ
sàng bàn tán ngay lúc này. Chỉ ít phút nữa, sau khi vợ chồng tôi cùng ký vào Sổ
gốc của Ủy ban nhân dân phường và tờ giấy chứng nhận kết hôn, là chúng tôi sẽ
mau chóng rời khỏi nơi đây. Lúc ấy, dù họ cố nhận mặt tôi thì cũng chỉ xảy ra
trong tích tắc.
Sau một
hồi chạy phòng nọ phòng kia mới tìm được tờ giấy chứng nhận kết hôn mang tên vợ
chồng tôi, cô nhân viên “Một cửa” hỏi: “Thế bà có mặt chưa?”. Từ lúc đến, bà xã
tôi vẫn ngồi chờ tại dãy ghế đặt nơi cuối phòng; nghe cô nhân viên hỏi, liền
lên tiếng: “Có tôi!”. Giọng trả lời của bà ấy mạnh mẽ và dứt khoát. Rõ ràng là
bà ấy tự tin, bình tĩnh hơn hẳn tôi. Tự tin, bình tĩnh, thẳng thắn, vốn là gốc
tính của bà ấy. Những lần động viên chồng đi đăng ký kết hôn, thấy tôi ái ngại,
bà ấy từng vờ gắt: “Việc mình là việc chính đáng, là hợp pháp, anh không phải
ngượng. Chúng nó trộm cướp tài sản của dân, rồi cầm tiền đi nhà thổ, người người
đều biết, mà có đứa nào ngượng đâu!”. Tôi biết vậy, song không dễ vượt qua cái
tính e ngại cố hữu trong con người mình.
Cô nhân
viên “Một cửa” đẩy mấy thứ giấy tờ ra phía ngoài cái “lỗ giao dịch”, bảo: “Mời
ông bà ký vào đây!”. Rồi cô hạ giọng nói như có sự cảm thông: “Năm trước chúng
cháu làm giấy kết hôn cho một cặp, mà cụ ông đã vượt tuổi tròn tám mươi. Ông
đây còn kém cụ ấy năm sáu tuổi cơ mà!”. Một câu nói như thế cũng giúp tôi thêm
chút bình tĩnh, vì thấy mình không phải trường hợp độc nhất ở cái thành phố
này. Lúc đó, tôi nghe phía sau xì xào: Các cụ cao tuổi rồi, lấy vợ lấy chồng
làm gì nhỉ? Già rồi, sống được mấy nữa đâu mà… Già cả, cần gì phải đăng ký kết
hôn!...
Đăng ký
kết hôn, sao lại không? Đó là luật nước. Luật này không chỉ có ở Việt Nam mình,
mà khắp thế gian này đều cần đến nó. Vợ chồng tôi không chối bỏ việc đăng ký kết
hôn. Tuy nhiên, chúng tôi đã ăn ở với nhau mười tám năm tròn, rồi mới có mặt tại
Ủy ban nhân dân phường vào chiều hôm ấy. Với chúng tôi, việc ăn ở trước đăng ký
kết hôn không phải là “sống thử”, như một số bạn trẻ thời nay. Bởi chúng tôi thấy
cần phải có nhau, cho dù việc đăng ký kết hôn chưa thể thực hiện được. Mười tám
năm, chúng tôi đã chung sống thuận hòa yên ả, thương yêu chăm sóc nhau, thấy
mình hạnh phúc hơn rất nhiều cặp vợ chồng khác.
Đương
nhiên chúng tôi có gặp khó khăn này nọ. Như nhiều cặp vợ chồng nghèo mới lập
gia đình, chúng tôi không có nhà cửa, cả bữa ăn hàng ngày còn phải tính toán.
Song những cái khó ấy không là nỗi lo dằn vặt ngày đêm đối với vợ chồng tôi.
Thách thức lớn đối với chúng tôi lại là những chuyện khác…
* * *
… Cuối
cùng thì, người đàn bà là vợ cũ của tôi đồng ý ly hôn với hai điều kiện: Không
ra tòa, và yêu cầu tôi để lại toàn bộ tài sản cho bà. Hai điều kiện này quả là
một thách thức lớn đối với tôi.
Không ra
tòa nghĩa là tôi bị “treo” đến chết. Tôi chẳng thể lấy ai. Mà ai dám cả gan đến
với tôi, khi danh chính ngôn thuận, người đàn bà ấy vẫn đang là vợ tôi? Bỏ bà
ta, tức là tôi phải chấp nhận cảnh sống cô đơn, không nhà cửa, cùng với tuổi
già nó sồng sộc đến. Nhận rõ ác ý của bà ta, nhưng tôi vẫn hỏi: “Sao không ra
tòa?”. Chẳng cần úp mở, bà ta tuyên bố trắng phớ rằng: “Một đời chồng đủ nặng
đũng quá rồi. Hơn nữa, đàn bà vào tuổi năm mươi thì thiết đéo gì lấy chồng nữa
mà phải kéo nhau ra tòa. Còn, quyết bỏ gái này hử? Liệu có gan chấp nhận trắng
tay không? Liệu có con điên nào dám bấu víu vào cái thằng già trên răng dưới
dái ấy nữa?”. Rồi một chuỗi cười đắc thắng lẫn miệt thị, bà ta hắt tiếp vào mặt
tôi.
Nỗi đau
chồng chất nỗi đau, tôi chỉ còn cách lặng im. Gần ba chục năm chung sống với bà
ta, tôi đã lặng im quá nhiều rồi. Tôi rất sợ cảnh ồn ào trong gia đình. Tôi thật
xa lạ với những cặp vợ chồng cãi lộn nhau như cơm bữa, thậm chí chửi bới đánh đập
nhau, rồi họ vẫn dễ dàng ôm ấp hòa đồng để sinh con đẻ cái ùn ùn. Tôi lặng
im cốt để tránh chuyện đôi co ầm ĩ,
nhưng bên trong là một tâm trạng thất vọng nặng nề. Sự thất vọng bởi một mối
tình tan vỡ, mà kẻ thua cuộc là tôi. Và đây là lần thứ ba tôi đặt vấn đề chia
tay với bà ta.
Lần đầu
tôi nói: “Nếu cái cảnh ông chẳng bà chuộc không thể khắc phục thì chúng ta nên
ly hôn. Ly hôn sớm tốt hơn!”. Khi ấy chúng tôi lấy nhau được hơn ba năm, nhưng
thực sống bên nhau mới khoảng một năm. Thời gian trước, tôi đương là lính, hằng
năm chỉ có mấy ngày phép về thăm nhà, rồi lại biền biệt xa. Nghe tôi nói, cô ta
(lúc này đang tuổi hăm sáu) quá ngỡ ngàng. Trước nay mâu thuẫn vợ chồng, tôi
thường nhẫn nhịn, cho dù sai trái luôn thuộc về phía cô ta. Phải chăng trong đầu
cô ta, mọi cơn nóng giận qua đi sẽ chẳng để lại tí gợn nào. Còn tôi, tất tần tật
những gì bị xúc phạm, nó đều ngưng đọng và to dần lên trong óc trong tim tôi.
Mâu thuẫn giữa tôi với cô ta như là một khối u, cần cắt bỏ sớm mới mong duy trì
sự sống lâu dài. Vì thế tôi đã đề cập việc ly hôn. Cô ta trợn ngược mắt, hét rõ
to khiến đứa con trai vừa tròn năm của chúng tôi giật mình mếu máo. Sau ít giây
lặng đi, cô ta cất giọng sin sít: “Nếu anh quyết ly hôn, tôi sẽ bóp chết đứa bé
này. Không đùa đâu!”. Tôi nói: “Sao phải xử đứa trẻ như vậy?”. Không cần nghĩ,
cô ta thốt ra luôn: “Vì nó mang dòng máu thằng bố, mang họ thằng bố. Bố nó đã cạn
tình, đã giết chết đời đứa con gái này thì…”. Đến lượt tôi ngỡ ngàng. Sao cô ta
lại nghĩ đứa con chỉ mang dòng máu người bố. Sao ly hôn là tôi giết chết đời
con gái cô ta? Tôi với cô ta đã tự nguyện yêu thương nhau, tự nguyện làm vợ làm
chồng cơ mà. Khi tình yêu tắt thì ly hôn là hành động tốt nhất để giải thoát
cho nhau, điều đó có gì xa lạ đâu. Vì thương đứa con nhỏ, buộc tôi phải suy
nghĩ kỹ lưỡng hơn. Giết chết con mình, tôi đoán chắc cô ta không đủ gan. Nhưng
đày đọa nó thì có thể.
Tôi
không muốn con trai tôi rơi vào bất cứ trường hợp xấu nào, nên đành chấp nhận
thua cuộc.
Đã thua
cuộc thì, đương nhiên tôi phải tiếp tục cắn răng câm họng, và gồng mình gánh
vác việc lớn việc bé trong nhà, để bớt đi sự ồn
ào cãi lộn xảy ra. Hằng ngày, nhiệm vụ của một công chức nhà nước không làm tôi
hao sức và mất nhiều thời giờ. Sức lực, thời giờ, tôi dồn làm việc nhà mình. Đêm
đêm tôi xếp hàng rồng rắn bên cái vòi nước công cộng, xách được dăm ba thùng nước
và giặt xong chậu quần áo của cả nhà là mất đứt vài ba tiếng đồng hồ. Đêm nào
nước nhỏ giọt thì thức trắng. Khoảng bốn năm giờ sáng lại bắt vào việc nhóm bếp
cơm cháo cho con. Rồi, trước khi đến cơ quan làm việc, tôi còn phải đưa con gửi
nhà trẻ và chở vợ tới xí nghiệp bằng cái xe đạp cà tàng. Hiếm khi cô ta chịu cuốc
bộ, dù đoạn đường từ nhà tới xí nghiệp không quá một cây số. Đưa con đi, đón
con về, là việc bất di bất dịch của tôi. Còn đón cô ta thì họa hoằn thôi. Tuy
thế, ban ngày tôi chẳng có thời giờ rỗi rãi. Bởi ngày nào tôi cũng phải vùi đầu
vào bếp nấu ăn cho mình, đương nhiên cho cả cô ta. Với cái đám “người nhà nước”
không trực tiếp sản xuất của cải vật chất, đánh cắp thời gian là thứ bệnh kinh niên khó chữa đối với số đông chúng tôi. Thế tức là với
cơ quan, tôi dễ dàng đi muộn về sớm mà không sao. Thì cái sự chui đầu vào bếp nấu
ăn cho vợ cho con là lẽ đương nhiên - cô ta lý luận thế. Và tôi luôn tự giễu
mình: Hát ơi, mày đang là kẻ thua cuộc, hãy cố chịu đựng cho yên cửa yên nhà!
Vậy mà
cái thân tôi đâu có được yên như mình thầm mong. Phải chăng khi vợ chồng bất
hòa thì, trước cặp mắt người đàn bà xấu tính xấu nết, anh chồng trở thành cái
gai đáng ghét. Dù anh có làm hùng hục như trâu như ngựa, dù anh có nín nhịn đến
mấy, cũng đừng hòng yên thân.
Này đây:
Một ngày chủ nhật, tôi đi kéo xe bò quá mái trở về, đang ngồi ăn cơm thì cô ta
khởi ra câu chuyện bất bình. Chỉ vì bọn bạn rủ tôi vào cuộc kiếm ăn đột xuất,
ba giờ sáng bị chúng lôi đi, nên tôi không kịp chẻ mấy cái mấu củi để nhóm bếp.
Đương nhiên cô ta phải gánh thế việc này. Củi mấu, dao cùn, không quen việc…
khiến cô ta phồng tay, mệt mỏi. Lời qua tiếng lại mới chỉ đôi câu giữa chúng
tôi, đã dẫn đến sự bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của tôi. Mâm cơm tôi đang ăn bị
đá tung lên. Chưa hết. Cô ta còn xách nồi cơm quăng ra ngoài sân. Sự việc này,
xóm giềng bình rằng: Cái lão Hát thế mà chịu!? Phải tay khác, cô vợ cầm chắc om
xương! Vâng, tôi chịu nhẫn nhục cốt để tránh cho gia đình mình biến thành chốn
kẻ chợ ồn ào thôi. Còn cái trò thượng cẳng chân hạ cẳng tay lại càng xa lạ đối
với tôi. Nhưng sự việc xảy ra này, tôi coi đó là nỗi nhục không thể quên trong
cả cuộc đời.
Sau đó,
tôi đã dựa công việc của cơ quan, xung phong biệt phái vào khu Bốn hơn một
tháng. Chuyến đi hợp thức này đối với tôi thực chất là một cuộc ly thân ngắn, để
đo sức phản ứng của cô ta đến mức nào. Tôi hy vọng quan hệ vợ chồng tôi có thể
sẽ tốt hơn, bởi sự xa cách khiến cô ta nghĩ lại. Vậy mà ngày tôi trở về, cô ta
không mảy may thay đổi cung cách cư xử. Câu đầu tiên cô ta hắt ra là: “Sao
không cút luôn đi, còn vác mặt về đây làm gì?”. Tôi nói: “Cô không có quyền đuổi
tôi!”. Lập tức, cô ta nắm cái túi đựng quần áo tôi vừa đặt xuống giường, ném thẳng
ra khỏi cửa: “Này không có quyền này! Này không này!...”. Sự việc diễn ra, lại
thêm một lần khiến tôi bất ngờ.
Một
tháng sau, tôi bế con về thăm quê. Tôi định nhờ thày u và anh chị tôi nuôi nấng
cháu. Gửi được con, tôi sẽ kiếm một công việc ở nơi xa tít tắp, mà cô ta khó có
cơ quấy rày. Không thể ly dị thì tôi làm cuộc ly thân dài dài với cô ta. Biết rằng
sẽ còn xảy nhiều rắc rối đối với tôi và cả đứa con, song tôi quyết tâm chọn
cách này. Rất buồn là khi đưa thằng bé về quê, nó lên cơn sốt cao mấy ngày liền
không khỏi, nên tôi lại phải ẵm nó quay về Hà Nội. “Thôi thì vì đứa bé, làm cha
mẹ phải biết hy sinh!” - đấy là lời khuyên của thày u tôi.
Tôi tiếp
tục sống cảnh lặng lẽ âm thầm bên người vợ bất đắc dĩ ấy. Vì con, tôi chấp nhận
thua cuộc. Vì con, tôi cố tránh sơ sảy hằng ngày, để cô ta không có cớ hành hạ
nó. Nhiều lần vì không bằng lòng tôi, cô ta đã trút xuống đứa con những lời xỉa
xói bóng gió nhằm hắt vào tôi; cả những cái phát hằn đít thằng bé, khiến nó
khóc thét lên. Vì con, tôi đã gánh vác việc nhà với tư thế của một người đàn
ông đầy trách nhiệm; và như một thằng hầu câm điếc, chỉ biết quần quật làm việc
ngày đêm. Tôi biết, dù mình có cố công cố sức đến đâu, cũng không thể xóa được
mâu thuẫn vợ chồng. Tôi chỉ cầu mong hạn chế được sự điên khùng ở cô ta. Để tôi
bớt tủi thân. Và để bố vợ tôi cùng xóm giềng bớt phải chứng kiến cái cảnh lục đục
giữa vợ chồng tôi. Bố vợ tôi hiền lắm. Mấy lần ông bảo con gái rằng: “Có chồng
có con đương nhiên là vất vả hơn khi chân son mình rồi. Tôi rất không bằng lòng
cái sự chị hay bẳn tính với chồng. Rồi thằng bé nữa, nó làm gì nên tội mà động
một tí là đánh con. Tôi gà sống nuôi con, chị có thấy tôi đánh mắng chị lần nào
không?... Tôi thật ngượng với chồng chị, mang tiếng không biết dạy bảo con. Hãy
suy nghĩ thấu đáo trước sau để mà sửa mình”. Và duy nhất một lần ông nói với
tôi: “Tôi xin lỗi… Vì nó được chiều chuộng quá mức nên bây giờ đụng vất vả là
đâm ra như thế. Tôi và cả nhà đã dồn tình thương cho nó, bởi nó mồ côi mẹ từ
lúc ba tuổi. Có thể vì thế mà…”. Tôi đáp: “Không hẳn thế đâu bố ạ. Cái chính là
tại cô ấy”.
Tại cô ấy
nên tôi đã hai lần bỏ nhà ra đi dài dài; rồi mới đến cuộc thương thuyết ly hôn
vào lúc cuối đời, mà tôi vừa kể mở đầu đoạn hai của câu chuyện này.
Chuyện
tôi bỏ nhà ra đi lần thứ hai thì vắn tắt như sau:
Vì tranh
giành địa vị, vì ghen ăn tức ở, mấy tay chó đẻ ở cùng cơ quan tung tin rằng tôi
có người yêu. Không chỉ một, mà những ba cô! Vợ tôi tin ngay. Thế là lại một lần
nữa bát đĩa, cốc chén trong nhà tôi bị đập ném vỡ vụn; cùng tiếng la hét nhiếc
móc tôi suốt ngày này qua ngày khác. Cô ta còn bắt tôi phải tường trình cụ thể
những mối tình ấy. Tôi bảo: “Chẳng có mối tình nào hết!”. Đương nhiên là cô ta
không tin. Cả khi cơ quan tôi dập tắt dư luận xằng bậy này rồi, cô ta vẫn không
tin. Không khí trong gia đình tôi tiếp tục bị rang nóng lên. Không ngày nào tôi
được yên thân. Cô ta đâu chỉ xúc phạm tôi, còn động đến thày u tôi nữa. Lôi
thày u tôi vào chuyện này là không thể được. Cô ta làm vợ tôi, song chưa một
ngày phải hầu hạ thày u tôi. Tuy có vài lần theo tôi về thăm quê, nhưng thày u
và anh chị em tôi không để cô ta mó tay vào bất cứ việc gì. Nay thày u tôi mất đã
lâu rồi, sao cô ta dám chê trách các cụ là dân nhà quê không biết đường dạy bảo
tôi? Điên quá, tôi xông đến trước mắt cô ta, định táng cho một cái tát, nhưng lại
kịp dừng tay. Và tôi phải cắn răng, mím chặt môi, để tránh cả những câu nặng lời
xổ vào mặt cô ta. Như được thể, cô ta càng già mồm xỉa xói, nhiếc móc tôi. Tôi
lặng lẽ ngồi vào một xó viết luôn đơn ly hôn, rồi để trước mặt cô ta. Cô ta liếc
mắt thấy nội dung, liền xé vụn ra. Tôi tuyên bố: “Cô không đồng ý, thì tôi đơn
phương đưa đơn ra tòa. Vì chính cô không mở lối cho tôi lùi bước!”. Cô ta cười
nhạo báng: “Đơn phương ra tòa?... Đừng hòng!”. Chẳng phải tôi không thấu hiểu nỗi
khó khăn của việc xin ly dị nhau. Dù cả hai phía đều ký đơn, nhiều trường hợp vẫn
bị kéo dài năm này qua năm khác. Chỉ vì các bước hòa giải thật lắm phiền hà. Người
ta cứ muốn ép các cặp vợ chồng phải tiếp tục chung sống, dù họ đã không thể. Nên
tôi không mấy tin trường hợp đơn phương gửi đơn ly hôn của tôi đạt tới mong muốn.
Nhưng tôi vẫn quyết đưa đơn ra tòa.
Việc tôi
công khai đơn phương gửi đơn ra tòa, khiến cô ta càng lồng lộn điên khùng. Không
chịu nổi, tôi lại đành phải xách túi ra đi.
Gần hai
tháng sau, tôi quay về. Quay về không chỉ bởi nội dung cái thư cô ta gửi tôi vẻn
vẹn mấy chữ thế này: “Ông phải về nhà ngay! Nếu không, đừng có trách tôi bạc
ác!”. Lá thư được dán kín, do ông bố vợ đưa đến cơ quan cho tôi. Ông còn nói: “Anh
không về, tình hình ngày càng xấu đi; e rằng, lúc ấy hối thì đã muộn”. Tôi vẫn
nghĩ, cô ta không đủ gan giết chết con mình. Việc tôi quay về cốt để con cái bớt
khổ. Vả lại, tôi còn phải lo học hành cho nó. Mặt khác, tôi cũng có chút nể lời
bố vợ. Quay về, song tôi không mảy may hy vọng quan hệ giữa vợ chồng tôi có sự
cải thiện tốt lên. Tốt lên làm sao được, khi lối sống nếp nghĩ của cô ta đã lỳ
như hòn đá tảng, lại có thêm chỗ dựa là cánh người làng Văn. Quay về, tôi vẫn
không quên cái đơn ly dị. Đã mấy lần tôi đến hỏi tận tòa, nhằm thúc ép họ giải
quyết.
* * *
Nhạc mẫu
tôi qua đời, theo thông lệ thì mấy người đại diện - tức nhóm đứng đầu cánh người
làng Văn sinh sống ở Hà Nội cần có lời chia buồn với đại gia đình tôi. Nhưng
không! Khi nghe tôi báo tin buồn, ông Bi - người đại diện nhóm, nói giọng tưng
tửng: “Khó nhỉ!”. Tôi hiểu ngay cái lý do khiến ông ta nói vậy. Tức ông ta cho
rằng, tôi chung sống với người vợ mới là không hợp pháp, vì không có giấy kết
hôn. Tôi thoáng sững sờ, liền ngắt luôn máy điện thoại.
Xưa nay
tôi không thích cầu xin ai cái gì. Khi còn trong bộ đội, cả chục năm không thay
đổi lon vai, tôi chẳng hề hé miệng phàn nàn. Trước ngày rời quân ngũ, viên
Chính ủy hỏi tôi: “Đồng chí có thắc mắc gì, và đề nghị gì không?”. Tôi mỉm cười:
“Rất nhiều thắc mắc, thưa Chính ủy. Nhưng tôi xin không phải trình bày, cũng
không đề nghị gì. Bởi đời quân ngũ đối với tôi, mọi nhu cầu chính đáng đều đã
muộn”. Tôi nhớ khi trả lời viên Chính ủy, tôi đã phải nén tiếng thở dài; và lúc
này, sau động tác dập mấy điện thoại khá mạnh, tôi cũng phải nén tiếng thở dài.
Dập máy,
song tôi vẫn hy vọng nhóm đại diện làng Văn sẽ có một quyết định “người” hơn.
Vì dù sao tôi đã mấy chục năm cùng chung niềm vui nỗi buồn với họ. Người vợ mới
của tôi cũng đến với họ năm sáu năm nay. Nàng từng nhiều lần thay chồng, móc tiền
trong bao lưng để đóng “lệ phí” hằng năm, theo quy ước họ đặt ra. Thế nghĩa là,
tôi và người vợ mới của tôi đã giữ trọn phận sự làm thành viên của cánh người
làng Văn sống trên đất Hà Nội này. Cứ nghĩ, giữa vợ chồng tôi và họ không có
khoảng cách. Hóa ra tôi nhầm!
Tôi
không nghĩ trình độ hiểu biết của cái nhóm đại diện ấy lại thấp kém đến mức tồi
tệ. Là bởi trong nhóm họ, tuy có kẻ chỉ là nhân viên cà tàng, là dân buôn vỉa
hè, nhưng còn cả người đương ngồi ghế quan ở hàng cao ngất ngưởng kia. Té ra, tất
cả họ đều chung một mặt bằng nhận thức thấp tịt; cho dù không ít kẻ cũng ôm đủ
văn bằng chứng chỉ học cao. Học cao ư? Tôi đã bắt gặp trong cuốn sách viết về một
nhà khoa học lỗi lạc của Việt Nam ta, nói thế này: Dắt con bò từ nước mình qua
Liên Xô mấy năm, lúc quay về nó cũng có bằng Phó tiến sĩ! Rõ là khôi hài. Khôi
hài mà là sự thật. Sự thật này tại nước mình nhan nhản khắp nơi.
Nghĩ lại
ngày xưa ở làng tôi, một làng thuần nông xa tít mọi thành thị, thế mà các cụ ta
xử sự nhiều điều hơn đứt cái nhóm đại diện làng Văn tôi ở Hà Nội bây giờ. Đơn cử
chuyện về một anh Vệ như sau: Anh lính khố xanh ấy, khi mãn hạn đã dắt díu theo
cô gái nhà thổ về làng. Cô ta bị bà cả ghen lồng ghen lộn, đánh đập ngày đêm, dứt
khoát đuổi di. Xót thương cảnh ngộ cô gái nọ, các bậc cao tuổi đã bảo nhau dàn
xếp ổn thỏa sự này. Còn với dân làng, cô gái ấy được coi là vợ hợp lệ của anh Vệ.
Khi cô sinh con đẻ cái, được ông Ký làng cấp giấy khai sinh đàng hoàng, chứ chẳng
hề có chút phiền hà nào. Xử sự như các cụ xưa sao mà đẹp vậy!
Còn cái
nhóm đại diện kia thì thật tàn nhẫn với vợ chồng tôi. Tuy vậy, tôi vẫn cứ thầm
mong, rồi sẽ có lúc họ nhận ra sai trái. Nhưng tôi không mong một lời xin lỗi từ
phía họ. Bởi trên đời này không ít kẻ vẫn khư khư với lối nghĩ: Nhận lỗi trước
mặt bạn còn khó hơn nhận cái chết trước kẻ thù. Rốt cuộc, điều tôi thầm mong họ
nhận ra lầm lỗi đã không thể có. Tôi đủ căn cứ để khẳng định vậy.
Sau gần
một năm nhạc mẫu tôi qua đời, thì nhạc phụ tôi mất. Dịp này báo chí nói rất nhiều
về ông. Khách khắp ba miền đất nước đổ về Hà Nội viếng ông. Chỉ có cánh làng
Văn là không một đại diện nào có mặt trong lễ tang ông. Rất may, lần này người
bên ngoại không hỏi tôi vì sao thiếu vắng cánh đồng hương làng Văn nữa. Khi nhạc
mẫu tôi qua đời, tôi đã tái mặt bởi câu hởi “Vì sao?” ấy. Tôi chưa biết nói thế
nào thì ông chú họ đã kịp đặt bàn tay lên vai tôi an ủi: “Hỏi vậy thôi, chứ chú
cũng không cần biết làm gì. Gần chục năm anh làm rể các cụ, chẳng có điều gì
khiến bên ngoại phàn nàn, như vậy là tốt rồi… Còn họ, anh đừng để bụng cách đối
xử hay dở thế nào nhé!”.
Nhưng
tôi không dễ quên. Cái đầu tôi tuy không thông thái, song chẳng phải là thứ đầu
đất. Việc vợ chồng tôi chưa có giấy chứng nhận kết hôn, thiếu sót ấy chúng tôi
phải chịu trước nhà nước, chứ đâu với họ. Hẳn nhà nước không buông tha, nếu
chúng tôi mắc lỗi đến mức phải hầu tòa. Tình trạng hôn nhân trên đất nước này
luôn luôn có hàng triệu cặp vợ chồng, trẻ có già có, thiếu giấy kết hôn kia.
Thiếu do rất nhiều cảnh ngộ khác nhau. Ngoài số ít trường hợp bị hầu tòa bởi tội
tranh vợ cướp chồng gây mất an toàn cho công dân và xã hội; còn hầu hết các cặp
vợ chồng thiếu giấy chứng nhận kết hôn, họ vẫn yên tâm sống và sinh con đẻ cái,
có làm sao đâu. Thế mà cái nhóm đại diện cánh làng Văn đã đối xử với vợ chồng
tôi tàn nhẫn như vậy đấy!
Cội nguồn
dẫn đến lầm lẫn của họ, như tôi đã nói, là do trình độ hiểu biết thấp kém đến mức
tồi tệ. Với lại, cái nhóm ấy còn bị mắc mưu một anh chàng muốn “trả hận” tôi. Kẻ
đó định cướp trắng mảnh đất của tôi. Khi ấy, nếu tôi không vay mượn nổi tiền bạc
để thế chân hắn trả nợ ngân hàng thì, việc tôi bị mất đất chắc chắn xảy ra. Khi
ấy tôi đã chỉ mặt hắn nói: “Đừng bao giờ nhìn nhau nữa!”. Bị bẽ mặt, nay hắn lợi
dụng được cơ hội để “chơi tôi”. Hắn có cái mồm ăn nói nhỏ nhẹ, dễ xiêu lòng người.
Nhóm đại diện lại đều là cánh họ hàng hắn. Nhờ thế, hắn chót lọt ý đồ xấu xa chẳng
khó khăn gì.
Đấy
không phải cú đầu tiên hắn “chơi” tôi. Trước đó hắn từng tung tin bịa đặt đủ thứ
xấu cho tôi. Tin xuất phát từ người đàn bà từng là vợ tôi, vốn đã sai lệch méo
mó, khi qua miệng hắn càng tệ hơn. Rằng tôi là thứ đàn ông lang chạ có hệ thống.
Rằng tôi từng yêu ba người đàn bà cùng một lúc. Rằng tôi từng lợi dụng danh
nghĩa nghề nghiệp để bòn tiền khắp thiên hạ. V.v. và v. v. Vì tin hắn, nên
không chỉ cái nhóm đại diện, mà nhiều người làng Văn đã tìm gặp người đàn bà ấy,
nhằm an ủi động viên và góp bàn cách giúp bà ta phục hưng lại hạnh phúc gia
đình xưa.
Xét kế
sách họ đưa ra, tôi thừa hiểu bà ta không thể theo nổi điều gì. Bảo nhẫn nhịn
thì, cái tính điên khùng cáu bẳn ở bà ta đã trở thành thứ bệnh mãn tính kinh
niên, vô phương cứu chữa. Ấy là chưa tính về phía tôi. Liệu tôi có thể cho qua
nỗi hận, nỗi nhục chất chồng trong suốt mấy chục năm chung sống với bà ta, để
chấp thuận quay trở lại? Còn việc dùng “đầu gấu” trấn áp người vợ mới của tôi,
bà ta đã nghĩ từ lâu, ngay khi biết chúng tôi ăn ở với nhau. Muốn lắm, nhưng bà
ta lại sợ sức phản kháng đáp lại quyết liệt hơn, khiến cái mạng mình khó an
toàn. Suy đi xét lại, bà ta thấy đắc sách nhất vẫn là tiếp tục thực hiện ly hôn
không ra tòa, và nắm giữ tất cả tài sản thuộc gia đình tôi. Khối tài sản không lớn, nhưng đủ để bà ta ung dung sống cả đời.
Tuy vậy, bà ta không để lộ ra cái “đắc sách” ấy. Vì nó chính là yêu sách của bà
ta đặt ra trước tôi. Đặt ra, song chính bà ta lại không tin tôi dám thuận cả
hai điều kiện bất lợi cho tôi. Biết không thể phục dựng được hạnh phúc gia
đình, bà ta vẫn thưa thớt cửa miệng trước đám người đồng hương: “Thôi thì, mọi thứ xin nhờ các anh các chị đỡ cho gia đình tôi yên ổn trở
lại”. Nói rồi bà ta quên luôn. Còn cánh làng Văn thì vì sĩ diện, và vì này vì nọ,
cũng hứa ào ào: “Mang tư cách là đồng hương, chúng tôi phải có trách nhiệm với
gia đình ta!”. Hứa rồi họ cũng quên luôn. Hằng năm, theo thông lệ, chỉ thấy một
đôi lần họ cử người thăm hỏi bà ta, như thăm các gia đình người làng Văn sinh sống
ở Hà Nội này.
Với vợ
chồng tôi thì được họ “đặc ân” quan tâm gây khốn khó, như tôi đã chép ở phần
trên đoạn truyện này. Hằng năm họ còn luôn luôn gọi điện đến chúng tôi; nhất là
những ngày áp tết, những lúc đêm khuya. Họ hỏi han sức khỏe, rồi sinh sống thế
nào, và thường kèm lời giục giã dành riêng cho tôi: “Hãy về đi!”. Thế tức là họ
vẫn mang ý đồ phá đến cùng cái tổ ấm mới của tôi. Thế tức là họ vẫn muốn nhốt
tôi trở lại cuộc sống cũ, nơi mà tôi đã phải chấp nhận hy sinh tất cả quyền lợi
vật chất để ra đi với hai bàn tay trắng. Thế tức là họ muốn tôi phải chết dưới
sự kìm kẹp của người đàn bà, mà tôi từng ghê sợ trong suốt quãng đời gần ba
mươi năm làm chồng bà ta. Đã có lần tôi nổi nóng với cái ông ngồi ghế quan hàng
cao ngất ngưởng rằng: “Nếu ông còn nhũng nhẵng cái trò quấy rày này, tôi sẽ nói
rõ trước thiên hạ: Ông là ai?”. Hẳn ông ta ngại tôi công bố chuyện kín của
mình. Thời nay có ông quan nào sạch sẽ đâu. Ghế càng cao càng bẩn. Từ đấy, cái
băng rè thăm hỏi cùng lời khuyên nhủ của ông ta tắt ngấm trong máy điện thoại của
tôi. Còn mấy người khác trong nhóm họ thì vẫn thay nhau tiếp tục làm công việc
vô tích sự, như họ đã làm. Bởi họ từng rèn được cái tính kiên trì trước mọi sự
trên đời. Cái tính kiên trì này, tôi thấy có màu sắc bầy nhầy, dai như đỉa đói
hút máu người. Tuy thế, nhịp độ thực hành cũng thưa dần theo thời gian
trôi; thể hiện rằng họ có nản lòng trước hành động vô duyên của
mình.
Rồi từ
nhịp độ thưa dần đến… tắt ngấm! Tắt ngấm từ sau cái ngày người đàn bà từng là vợ
cũ của tôi đi vào cõi vĩnh hằng. Cú điện thoại cuối cùng của họ gọi đến tôi là:
“Ông Hát, việc tang lễ bà nhà thế nào? Sao chưa thấy ông về chủ trì?”. Nhiều lần
trước do bực bội, tôi đã ngắt máy điện thoại ngay lập tức. Vậy mà lần này, không hiểu sao tôi lại bình tĩnh để muốn
nghe hết những điều vị quan ngồi nghế cao ngất ngưởng nọ muốn
phán truyền. Nghe ông ta hạ giọng, ỡm ờ: “Thôi thì…
nghĩa tử là nghĩa tận…”. Suýt nữa tôi cười phá lên bởi cái lời khuyên ấy. Hóa
ra trong đầu ông ta cũng có chút am hiểu lễ nghĩa, chứ đâu chỉ toàn bã đậu. Nhưng
ông ta, cả cánh người làng Văn, sao không dùng sự am hiểu ấy để mà xử đúng tình
đúng nghĩa vào dịp Nhạc mẫu rồi Nhạc phụ tôi qua đời? Biết chắc ông ta lâm vào
thế bí, nếu còn tiếp tục mở mồm khuyên răn tôi. Sau vài
giây im lặng từ phía ông ta, tôi hỏi: “Ông còn định thể hiện
thêm gì nữa không?”. Ông ta “Ờ… ờ” rồi lại lặng thinh như tắc cổ. Tôi nói: “Bởi các ông không chịu hiểu đúng nguyên
nhân vì sao gia đình cũ của tôi tan vỡ, nên tôi không cần giải đáp điều ông vừa hỏi “Thế nào?” và “Sao?” làm gì. Lúc
này tôi coi mọi lời giải đáp đều quá muộn màng. Cũng chắc tin phía các ông không
thể sửa chữa lỗi lầm!”.
Với người
vợ cũ của tôi qua đời, tuy không phải trách nhiệm chủ trì lễ tang, song tôi có
về thắp hương cho bà. Tôi cầu mong linh hồn bà siêu thoát, được thanh thản nơi
đất mẹ, đoàn tụ cùng tổ tiên dòng tộc đời đời.
Còn với
cánh người làng Văn, tôi đã tự hỏi mình và đinh ninh rằng: Người vợ cũ của tôi
nếu còn sống, cũng sẽ đến lúc họ từ bỏ hẳn cái việc quấy rối tôi. Lúc ấy là bao
giờ? Tôi chẳng cần để tâm. Chỉ biết rằng, khi người ta bỏ công sức làm một việc
vô bổ vô duyên, thì không thể kéo dài mãi mãi.
… Gần bốn
năm sau khi người đàn bà là vợ cũ của tôi qua đời, vợ chồng tôi mới “đủ điều kiện”
rủ nhau đi xin cái giấy chứng nhận kết hôn. Vậy là thủ tục làm vợ chồng đối với
chúng tôi đã xong. Giá như cái ngày gia đình của tôi tan vỡ, người đàn bà ấy
không ác ý giở trò “treo” chồng, thì tôi chẳng phải mang tâm trạng băn khoăn, e
ngại, ngượng ngùng, lúc xuất hiện giữa đám đông người vào chiều nọ, tại
Ủy ban nhân dân phường Đình. Từ nay, mọi sự rắc rối do
phía người vợ cũ của tôi và cánh người làng Văn gây ra cho chúng tôi, thế là kết
thúc. Với gia đình mới chúng tôi, tuy tiền bạc vẫn còn thiếu, song mười tám năm
qua, chưa một lần vợ chồng tôi nặng lời với nhau vì nó. Chúng tôi chắc tin sẽ
đi trọn cuộc đời hạnh phúc bên nhau. Nếu còn kiếp sau, chúng tôi vẫn mong có
nhau.
Lời cuối,
tôi xin để câu hỏi cho nhóm đứng đầu cánh người làng Văn ở Hà Nội trả lời: Vợ
chồng tôi đã cầm trong tay giấy chứng nhận kết hôn rồi đấy, các ông bà nghĩ
sao? Tròn 10 năm ngày mất Nhạc phụ -
Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương (26/6/2013)
(*) - Đăng trên
http://newvietart.com/index3.6529.html
- In trong tập Chuyện đời 3, Nxb Hội Nhà văn, 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét