Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Mong trời nam hửng nắng(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm

Mưa. Mưa vẫn rơi. Những hạt mưa phùn lâm thâm, li ti giăng màn sương dày đặc. Không một tiếng mưa gõ trên mái quán. Chỉ thỉnh thoảng nước trên mái rỏ lộp độp đều đều xuống đất.
            Từ trong nam ra Hà Nội, đang quen với tiết trời ấm áp, đụng ngay đợt gió mùa về, Lan xo ro cúm rúm trong chiếc áo tôi đưa mặc tạm. Nó bị lọt thỏm giữa lớp áo, dù tôi chẳng to con hơn Lan là bao. Thời gian qua đi, mỗi lần gặp nó, là một lần cảm nhận trong tôi sự hao hụt ở nó lại rõ rệt hơn. Thấp đi. Bé đi. Má hóp heo lại. Cũng hiếm thấy niềm vui trong ánh mắt. Còn nỗi buồn… dường như lại đầy thêm một chút. Chẳng hiểu sao chúng tôi hay đưa nhau đến cái quán nhỏ đơn sơ này. Chỉ cách quán hơn trăm mét, phía bên kia đường, là một dãy những hàng quán kín đáo, ấm áp hơn nhiều. Một điều chắc chắn, cả tôi và nó, đều yêu thích sự giản đơn, nhẹ nhõm!
-         Thế nào mày? Cứ vậy mãi sao? - Tôi cất tiếng hỏi, sau khi hai đứa đã ngồi ấm chỗ. Hai tách chè toả hương nghi ngút được chủ quán rót đặt ngay trước mặt.
-         Chắc là cứ vậy thôi? Mày bảo, tao còn làm được gì nữa ở cái tuổi đã quá ngũ tuần này? - Nó cúi đầu, nói chậm rãi. Câu trả lời của nó làm họng tôi đắng chát. Cái đắng chát của vị chè cùng cái đắng chát của sự cam chịu, sao mà đắng đến vậy, chát đến vậy! Dù biết chè quán này rất ngon mà ngẫm kỹ cũng không thấy vị ngọt lưu lại sau ngụm nhấp đầu.
Ừ nhỉ. Cái tuổi năm mươi. Sao nhanh đến thế? Thoắt một cái, ngoảnh đầu nhìn lại, thấy cái thuở ba mươi năm trước đây nó bay vèo đến một miền xa thẳm nào đó mất rồi. Cái thuở mà, tất cả lũ chúng tôi, đứa nào cũng hồ hởi, đứa nào cũng tràn trề hy vọng, đứa nào cũng phới phới những niềm tin…
Nước Hồ Tây hồi đó trong xanh lắm. Gió lại nhiều. Gió lay lao xao mặt nước hồ. Niềm vui của lũ con gái chúng tôi có lẽ cũng không ít hơn lớp lớp những làn gió lộng. Bánh tôm Hồ Tây rán vàng rộm, cốc nước xirô nhờ nhờ hồng, đĩa rau sống màu xanh, nước và gió hồ… Tất cả, đã làm lũ chúng tôi quên đi trong chốc lát, những giảng đường, những giờ lên lớp, những buổi học nhóm, những bản vẽ đầy chi tiết máy khô khan và rắc rối đến khó chịu…
Lan nhấc cốc xirô đưa lên miệng. Đôi mắt nó lim dim, khoái trá. So với khẩu phần ăn đạm bạc của sinh viên với vài lưng cơm gạo hẩm, mấy cọng rau muống luộc già sưng già sỉa; khi thêm miếng trứng tráng pha bột mì; lúc mấy lát thịt rang mỏng như tờ giấy, thì bữa bánh tôm Hồ Tây quả là sang trọng. Trong cái bộ óc luôn vận động của nó, chắc lại đang mường tượng đến không khí sôi động của một nhà máy sản xuất ô tô, một xí nghiệp chế tạo những chiếc máy cái, hoặc một lò luyện gang thép ngày đêm rừng rực lửa hồng; những nơi nó dự định xin về công tác sau khi ra trường. Trong lũ con gái lớp tôi, nó là đứa mạnh mẽ, ham học, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, mà cũng dám chịu.
Những ngày nghỉ học, chúng tôi đi chuyển đổi mười tám đồng năm hào, khoản sinh hoạt phí một tháng của sinh viên nữ hồi đó, ra những bữa bánh tôm Hồ Tây, một vài buổi ăn kem Bốn Mùa, thỉnh thoảng là bữa bún chả tự thao tác. Tất nhiên, “hoạt động ngoại khoá” của chúng tôi còn là dung dăng dung dẻ mấy vòng hồ Hoàn Kiếm, dạo dạo nơi Công viên Thống Nhất, rủ nhau lượn hiệu sách Nhân dân. Vớ được cuốn văn học nào mới ra là mua ngay và truyền tay nhau đọc. Sách thời bao cấp rẻ lắm. Cũng lạ, cả lũ nhảy vào học một ngành công nghiệp nặng, nhưng đều rất ham đọc sách văn học. Cũng hay kéo nhau đi nghe thời sự về tình hình đất nước. Ngẫm lại, mới thấy thời tuổi trẻ phơi phới và tự tin làm sao. Cứ nghĩ, sách vở viết sao, giảng viên nói thế nào, thì mình làm được vậy. Cho nên, chuyện dời sông lấp bể, xây dựng một xã hội công bằng bác ái, cứ như chỉ nằm trong lòng bàn tay mình mà thôi.
Những làn mưa vẫn nhẫn nại thả xuống nhẹ nhàng. Không có dấu hiệu trời sẽ tạnh. Chủ nhà rót thêm một lần nước nóng. Tách chè lần hai đậm hơn, chát hơn.
Hồi còn học trong trường, sinh viên nữ có mấy đứa uống được nước chè đâu. Mà cũng làm gì có chè để uống. Lần đầu tôi và Lan uống nước chè cùng nhau, là khi gặp lại sau năm năm ra trường. Nó chỉ nhấp một ngụm nhỏ, rồi nhăn mặt. Còn tôi, có vẻ thành thạo hơn một tí. Một tí thôi. Nó cười bảo:
-         Nhạt thế này thôi, mà đêm về vẫn mất ngủ đấy!
-         Phét. Mất ngủ vì nhớ “Chàng” chứ đâu vì nước chè! - Tôi truy nó.
-         Nhớ thì đã sao. Mình thì lúc nào cũng kè kè, ríu rít, đâu có thương người khác - Nó trả miếng tôi.
-         Thế ra bưu điện mà “đốt” tiền đi - Tôi kích nó. Giai đoạn đó, dùng điện thoại là một thứ xa xỉ.
-         Công tác phí còn phải bỏ tiền túi ra đây, nỡm ạ.
Nó thở dài, nhưng tiếng thở dài nghe lại giống như sự mãn nguyện. Ngồi đúng chỗ ánh nắng chiều xiên vào qua kẽ hở của vách quán, má nó phúng phính hồng hồng như hai trái táo chín. Đôi mắt đen luôn nhìn thẳng của nó dễ làm cho người đối diện thinh thích mà cũng ngài ngại… nếu chưa biết gì về nó.
-         Sếp giao bọn tao cùng nghiên cứu một đề tài. Khó nhưng cũng hấp dẫn lắm - Nó kể. Bọn tao ở đây, tôi hiểu là nó và “Chàng” - Giờ đang vào giai đoạn chót. Tao ra ngoài này thu thập thêm một ít số liệu, bổ sung vào phần điều tra thực tế để hoàn chỉnh báo cáo.
-         Vậy cùng nghiên cứu, sao không cùng đi thực tế cho lãng mạn? - Tôi trêu nó.
-         Đi sao được, mặc dù muốn lắm. Kinh phí ít. Đi một cho đỡ tốn. Vả lại, “Chàng” ở nhà còn hoàn tất tài liệu báo cáo và tiến hành nghiệm thu nội bộ trước.
-         Vậy, “Chàng” là đàn ông, đi có tiện hơn mày không? Dù thế nào, thân gái dặm trường cũng vất vả - Tôi vặn nó - Hơn nữa, hoàn tất tài liệu, mày cẩn thận đâu kém.
-         Nhưng “Chàng” bảo, ở ngoài này không có người nhà, không tiện bằng tao. Nghĩ cũng phải - Nó bao biện - Thế mày không thích gặp tao à? - Nó vặn lại tôi.
-         Thích chứ. Nhưng…  - Tôi bỏ lửng câu nói, thầm nghĩ, hay mình xét nét quá.
Ngắm vẻ mặt hồ hởi, tràn trề mỹ mãn của nó, tôi thấy mình vô lý. Nó và “Chàng” đã đến với nhau mấy năm nay rồi, còn gì mà phải nghi ngại. Chưa lấy nhau vì nó bảo, phải phấn đấu đã. Đeo cái ách gia đình vào rồi, thời gian đâu giành cho sự nghiệp. Ngắm nó, tôi vẫn thấy đầy ắp nét trong trẻo của những ngày bên Hồ Tây lộng gió, bên những đĩa bánh tôm vàng rộm thơm lựng từ nửa thập kỷ trước. Ừ, mà có gì phải nghi ngại. Cả tôi cũng vậy. Yêu, cứ yêu hết mình đi. Cống hiến, cứ cống hiến hết mình đi. Còn gia đình ư? Đó là số phận, rồi đâu khắc có đó. Đơn giản thôi mà!
Sau đó, khoảng mười năm sau lần thứ hai Lan ra Hà Nội. Lan đến tôi vào một tối thu trở gió. Do mấy ngày đêm ngồi tàu? Hay do cả làn gió thu lành lạnh, mà mặt nó tai tái, nhờn nhợt? Đâu rồi hai má phinh phính, hồng hồng như hai trái táo chín. Chỉ còn đôi mắt đen to, nhưng đọng ánh buồn trên khuôn mặt chẳng còn chút hồ hởi xưa. Cơm nước xong, tôi để ông xã trông con, hai đứa kéo nhau ra quán nước chè gần nhà. Lúc bước ra cửa, tôi nháy ông xã: “Chuyện đàn bà mà”.
-         Sao mày? Để ngần ấy năm, giờ mới cho tao ngó mặt. Mà thực hư thế nào? - Vừa đặt đít xuống ghế, tôi hỏi luôn.
-         Chuyện buồn. Biết chỉ thêm buồn. Tao chẳng muốn mọi người sầu vì tao - Lan nói chầm chậm.
-         Vì thế, mày im lặng ngần ấy năm. Khỉ ạ! - Tôi gắt nó.
-         Tao chẳng dễ trao tim cho ai. Hồ hởi đấy. Nhiệt tình đấy. Nhưng yêu đâu có dễ dàng. Dồn cho “Chàng” trọn cả trái tim. Thế là khối óc mù loà! Mấy công trình nghiên cứu cùng. Đều hết tâm, hết sức. Lăn lộn cơ sở ban ngày. Cắm mặt trên bàn làm việc ban đêm. Kiến thức học được, hỏi được, đều dồn vào những công trình, đề tài được giao chung. Vậy mà… - Lan ngừng lại, giọng tắc nghẽn.
-         Tao cũng nghe chúng nó nói, mày trắng tay trong những công trình được giao nghiên cứu chung cùng “Chàng”. Và, nhờ những công trình nghiên cứu chung ấy, nhưng vì tìm cách đăng ký chỉ riêng mình, mà “Chàng” giờ đang chỗm chệ cái ghế phó trực…
-         Mọi người bình rằng, trông trí thức thế mà đểu. Đau lắm! Mình cũng trí thức, mà có lường được sự “đểu” đến vậy. Con nhỏ bám theo “Chàng”, giờ đã thành vợ, là con một ông cỡ ở ban tổ chức tỉnh. - Lan cắt lời tôi.
-         Thảo nào, cái ghế quyền lực, chỗ dựa tin cậy và đàn bà… đã làm mờ mắt “Chàng” - Tôi thở dài nói.
-         Tao nào có ham hố quyền lực. Mình hết tâm hết sức, vì cái danh dự của chính mình. Vì để khỏi uổng công cha mẹ dạy dỗ. Vì để không bị coi là kẻ vô dụng. Vì… yêu “Chàng”… Nhưng do những cái “vì” như vậy, nên tao đã “mù”… Khi biết bị phản bội, bị cướp công, một thời gian dài tao suy sụp… - Lan lẩn nhẩn.
-         Tao không nghĩ, con người một thời thông minh, mạnh mẽ, quyết đoán,…
-         … như tao mà đến nỗi “mù” chứ gì? - Lan cắt lời gay gắt - Tao đã dồn hết cho “Chàng” tới mức, khi biết bị phản bội, có những hôm suốt ngày tao ngâm nga hát “Tình yêu như trái phá con tim mù loà”… rồi khóc… Rồi lại hát… rồi khóc… - Lan rơm rớm nước mắt.
Lan quay vào nam ngay đêm đó. Đứng nhìn hút theo con tàu chở Lan chạy từ từ ra khỏi nhà ga, ruột gan tôi cồn cào lạ. Con tàu mất hút vào bóng đêm đơn côi, giống như Lan vậy. Tôi trở bước, lững thững quay về căn nhà cũng chẳng mấy ấm áp của mình. “Chàng của tôi” đang ôm con bé ngủ khì, vẻ mặt chẳng một nét ưu tư. Với “Chàng của tôi”, chỉ cần hôm nay cơm hai bữa có tí rau tí thịt là được. Ngày mai ư? Đó là chuyện của ngày mai! Còn thế giới xung quanh, vận động và thay đổi với tốc độ như thế nào, không hề là chuyện “Chàng của tôi” phải nghĩ. Nhiều đêm khuya khoắt rời bàn làm việc, vén màn định bước vào giường, bị đập ngay vào mắt vẻ vô tư trên nét mặt “Chàng của tôi”, cùng tiếng ngáy khò khò vang rền, tim tôi chợt nhói. Lui ra ghế ngồi ôm gối, tôi cám cảnh cho phận đàn bà cặm cụi, lui cui của mình. Xoi mói, nhìn nhận chuyện của Lan, sao tôi có vẻ sáng suốt thế. Ngay ngày đầu đã có những nghi ngại cho nó. Vậy mà với “Chàng của mình” thì… Các cụ nói chẳng sai: Cờ ngoài bài trong!
Lan bất ngờ bay ra Hà Nội vào một ngày cuối năm. Cũng lại một ngày mưa phùn rét mướt. Sau hôm tiễn Lan trên chuyến tàu đêm ấy, chúng tôi thường xuyên thư cho nhau. Mới thế mà đã năm năm. Thỉnh thoảng điện thoại. Có khi dùng tin nhắn. Nhiều khi chỉ một câu: Mày thế nào? Lan “reply” lại: Vẫn vậy! Hôm Lan bay ra, chỉ nhắn tôi ngắn gọn: Tao bay chuyến mười sáu giờ. Sẽ ăn tối cùng mày!
Theo thói quen, dù mưa gió và nhà chẳng có ai, tôi lại kéo Lan ra quán nước chè đầu phố. Con gái tôi đã xách cặp đi học thêm buổi tối. Nó chuẩn bị thi tốt nghiệp và dự định thi vào trường Ngoại thương, khoa Kinh tế quốc tế. Thế hệ chúng nó giờ khác bọn tôi xưa nhiều lắm. Những toan tính thiết thực và rõ ràng. Mình không sống khoẻ, sống giàu, thì làm sao mà cống hiến tốt được! Nó bảo vậy. Một cơ thể ọp ẹp trong điều kiện sống nghèo nàn mà lại cứ đòi sống vì người khác, lấy cái gì mà “vì” đây? Nó lý luận tiếp. Nên phải biết làm giàu cho bản thân cái đã. Vẫn nó nói. Tất nhiên, nó bảo, con sẽ không bao giờ làm giàu phi pháp đâu, mẹ ạ! Hihihi… Nó nhăn răng cười. Tôi lặng lẽ suy ngẫm về những lý sự của thế hệ sau mình. Hơn hai chục năm qua, những toan tính chi li về bát cơm manh áo đã lôi tuột tôi ra khỏi giấc mơ về một xã hội công bằng bác ái.
Kéo Lan vào chỗ ngồi mọi khi, tôi chờ nó lên tiếng. Đơn côi, khô cứng, khép mình… là những cảm nhận của tôi về nó từ khi giáp mặt. Cú xốc đầu đời không còn dấu ấn, nhưng nỗi buồn vẫn đậm trên khuôn mặt hết bầu bĩnh và tự tin của nó.
-         Vậy là mày dứt khoát chia tay “Chàng của mày” hả? - Câu hỏi của nó làm tôi bất ngờ. Chờ để nghe chuyện nó. Vậy mà…
-         Kết thúc rồi. Xã hội phát triển mỗi ngày, chịu sao đặng cái kiểu được chăng hay chớ; ăn hôm nay khỏi cần biết ngày mai…
-         Và, sự phát triển chéo ngoe, lệch lạc của hai tâm hồn hết đồng điệu dẫn đến không còn núp chung một mái nhà - Lan mỉa mai tôi nhưng, nghe lại có nỗi xót xa cho chính cuộc đời mình.
-         Biết làm sao, mỗi ngày sự lệch lạc càng xa cách hơn; mỗi ngày cơm càng không lành, canh càng không ngọt; nếu cố níu giữ mà không đem lại vị ấm áp ngọt ngào cho con trẻ… nên chăng? - Tôi mệt mỏi bào chữa.
-         À, còn mày? Tao nghe nói, sau đó có mấy kẻ “xin chết” vì mày cơ mà - Tôi hỏi tiếp sau lúc cả hai đứa im lặng.
-         Ừ, chẳng thiếu! Nhưng chỉ một người tao tiếc đau tiếc đớn đến giờ. Anh chân chất lắm. Hơn tao gần chục tuổi. Công tác lâu năm ở đơn vị tao. Ai cũng quý vì nết ăn ở đâu ra đấy. Nhưng…
Lan ngừng nói, nâng tách nước chè nhấp chậm rãi, nói tiếp:
-         Cái gì cũng có thời điểm của nó. Nhận ra thì muộn mất rồi.
-         Chắc tại mày so đo quá chứ gì? - tôi vặn Lan.
-         Cứ nghĩ. Cùng là trí thức. Vậy mà chỉ được vài năm rồi “đứt”. Huống hồ…
-         Thì kể một lèo xem nào. Cứ như mèo vờn chuột ấy - Tôi sốt ruột giục.
-         Đến lúc tao nhận ra, người có văn hoá không nhất thiết phải là kỹ sư, tiến sĩ… Ngay từ chuyện của chính mình mà không thấy rằng, trình độ học vấn càng cao, khi sống đểu thì cái “sự đểu” càng kinh khủng! Còn người này… 
-         Vậy là mày để tuột mất cơ hội chứ gì?
-         Chuyện xảy lần trước, tao dở điên dở dại. Sau chuyện lần này, tao cay đắng lao đầu vào công việc - Lan không trả lời thẳng câu tôi hỏi - Ban ngày thì có thể quên được, chứ  tối về, trong căn phòng tập thể nhỏ chỉ còn biết ôm hết tivi lại máy tính. Cứ vậy đằng đẵng… vò võ… - Lan im bặt. Tôi thoáng thấy nó rùng mình.
Ngừng một lúc, Lan rơm rớm tiếp:
-         Chưa từng làm vợ, chưa từng làm mẹ… Có những lần, tao nằm nghe tiếng trẻ hàng xóm bi bô; cả tiếng bát đĩa vỡ xoang xoảng, cùng giọng loé xoé của mấy bà vợ; thậm chí, có khi cả cái tát đánh đốp của người chồng lên má vợ… mà họng đắng ngắt, ngơ ngác nhìn suốt lượt căn phòng trống trơn lạnh lẽo của mình… Thà rằng sống trong cảnh, lúc nhẹ nhàng bay bổng khi dùi đục chấm tương; nâng niu đấy, thoắt cái thượng cẳng chân hạ cẳng tay; đang lâng lâng với những lời đường mật rót, bỗng có thể một cái tát chát chúa giáng vào mặt. Nhưng… có lẽ, còn hơn cứ một mình một bóng; cứ một mình chống chọi với quằn quại của chính mình. Ôi, cái thân phận đàn bà… trí thức! Giở cuốn sách để đọc mà mãi không hết một trang. Lúc ấy lại mong có cối lúa để xay cuồng dại cho đến vã mồ hôi, giống mấy người đàn bà quê mùa ít học… Nhiều  đêm khuya yên tĩnh, chịu không thấu những tiếng đụng chạm phía bên kia vách ngăn, tao mở cửa cắm đầu chạy ra ngoài đường vắng lặng, vừa chạy vừa khóc… Như mày, cũng đã qua cảnh chéo ngoe, lệch lạc rồi đứt gánh, nhưng còn hơn… 
Giọng Lan đều đều, nhỏ mà chua chát. Đôi mắt to đen tròn giờ có thêm một quầng thâm viền quanh.
Ngoài trời, mưa vẫn nhẫn nại. Mưa phùn dày tạo thành hạt, nhỏ tí tách ngoài mái quán. Tiếng còi ô tô xe máy đã thưa hơn. Không biết con gái tôi đã đi học về chưa. Từ khi chia tay với “Chàng của tôi”, tôi cũng cắm mặt trên bàn làm việc nhiều hơn. Kiếm tiền cũng là cách để quên đi nỗi cô đơn của một người đàn bà. Nhưng có lẽ Lan nói đúng, ngoài những lúc “kiếm tiền để quên cô đơn”, tôi còn có một đứa con gái, để mà chờ, mà đợi, mà xẻ chia, mà hy vọng;… Còn Lan, suốt mấy chục năm qua, lúc nào cũng chỉ mon men mà chưa từng chạm đến cuộc đời làm vợ, làm mẹ. Hạnh phúc đời thường ấy với Lan giờ càng vời vợi hơn. Ôi, cái tuổi năm mươi…
Sáng hôm sau tôi lên sân bay tiễn Lan. Đứng chờ cho chiếc máy bay đem theo Lan lao vút vào bầu trời mưa phùn dày đặc, nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút, tôi mới lững thững quay ra ô tô.
Dưới làn mưa phùn tầm tã, tôi thầm mong bầu trời phương nam hửng nắng…

(*) - Đăng trên  http://newvietart.com/index3.6538.html
-  In trong tập Nốt nhạc trầm, Nxb Hội Nhà văn, 2014




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét