Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

RỈ RẢ CHUYỆN ĐỜI(*)

 Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm          

Ông và nàng cùng ngửa mặt lên trời đếm sao. Một, hai, ba,... nhiều quá! Trời khuya sâu thẳm. Chi chít những vì sao nhấp nháy trên đầu. Làm sao đếm nổi. Vậy mà, trừ những đêm mưa rét, còn cứ cơm xong, họ lại kéo nhau lên sân gác đếm sao!
            Không gian quanh đến giờ này đã yên ắng. Ngoài quốc lộ xa xa, thảng hoặc, còi ô tô chợt toe toe rồi tắt ngấm. Cái nóng ban ngày đã dịu lại, nhường chỗ cho những làn gió nam phe phẩy. Chỉ đến lúc này họ mới chịu tĩnh lặng. Một chút thôi, trước khi cả hai nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.
            Thế là lại qua một tuần nữa đấy. Rồi sẽ qua một tháng. Và một năm... Họ sẽ bên nhau được đến bao giờ? Ông nói: “Anh sẽ sống đến tám mươi!”. Nàng ứ hự: “Không... Vậy lúc đó em mới... sáu mươi à? Chết theo anh thế còn trẻ quá”. Nàng kéo dài cái âm tiết “mới”, nghe ngồ ngộ. “Thế em muốn bao nhiêu?” - “Anh phải một trăm. Em tám mươi!”. Ông cười: “Em định chết theo anh à?”. Nàng nheo mắt: “Còn xem...”. Cái câu “còn xem” của nàng thật nghịch.
            Nàng đùa nghịch ngay cả khi hai người còn đang sống trong lâu đài trên cát!
            Ngày mai sẽ bắt đầu một tuần mới. Còn hai hôm vừa qua, hai ngày nghỉ cuối tuần, dài mà lại ngắn!
            Lệ thường, mỗi sáng ra, chưa đến năm giờ ông đã mò lên gác thượng tập thể dục. Không khí ban mai trong trẻo, mát dịu. Ông dựng nàng cùng dậy. Ông kéo nàng lên đây. Ông muốn nàng cùng hít hà cái ngọt lành của thiên nhiên trao tặng. Hai ngày nghỉ cuối tuần, ông cũng muốn thế...
            Vậy mà...
            “Nào, dậy thôi, con mèo lười của anh” - Nàng nhõng nhẽo, dài giọng: “Ôi, sao cái thân tôi khổ thế này. Đến ngày nghỉ mà cũng bị lôi dậy từ bốn giờ sáng”. Ông phì cười: “Này, vu oan cho anh nhé. Mở mắt ra xem nào”. Nàng he hé. Kim đồng hồ chỉ tám giờ ba nhăm phút, chợt chu chéo: “Ôi trời ơi, em mới chợp mắt được có mấy chục phút từ lúc ăn cơm tối xong. Anh này...”. Nàng ăn gian, tính giờ ngủ dậy buổi sáng tiếp ngay giờ ăn cơm tối, cắt phứt luôn quãng thời gian của một đêm dài. Rồi nàng vùng dậy. “Em đi tập thể dục đây!” - “Nắng tràn sân rồi đấy, em ạ". Ông doạ. “Kệ, em tập cho thiên hạ ngắm”. Nàng chủng chẳng... Ông lại lẽo đẽo theo nàng lên gác. Bê cái ghế nhựa, ngồi ngắm nàng vặn vẹo.
            Nàng vừa ngoáy người, vừa dụi mắt. “Em chẳng sao mở được mắt” - “Trông em cứ như con mèo rửa mặt” - “A, anh chê em nhé! Anh bảo em là con mèo”. Ông đấu khẩu: “Thế ai bảo anh: Đưa mõm đây em ngửi”. Nàng chẳng chịu thua: “Em chẳng bảo bé Hương Linh: Đưa mõm đây bà trẻ ngửi nào, đấy thôi”. Đến nước này thì ông giơ tay chào thua nàng. Trước mắt nàng, ông và bé Hương Linh mười tám tháng tuổi bằng nhau rồi!
            Ông không tự ái. Chỉ vui vui.
            Nắng và gió. Không sao! Bởi là nắng gió của một sáng hè đẹp trời. Ông thấy thanh thản, dễ chịu. Tuần qua, ông đã đặt dấu chấm cuối cùng cho một bài viết. Cũng tạm ưng ý.
            Lại nói đến viết...
            Cơ chế kinh tế mới hồi đầu bung ra, khiến ai cũng tưởng rằng, cứ nhào vô thị trường thì sẽ dễ dàng hốt bạc đầy túi. Ông và nàng, xưa nay đâu có dính đến làm kinh tế. Chỉ nghe thằng cháu họ đằng ông nịnh ngon ngọt, ông đã thuyết phục nàng góp vốn cùng nó kinh doanh. Lúc đầu nó chơi đẹp, chia lãi đều đặn. Nhưng mỗi lần chia lãi xong, nó lại rủ ông đưa thêm vốn. Qua vài lần, số tiền ông đưa nó lên ngót ba trăm triệu. Rồi cái sự đổ vỡ xảy ra. Không chỉ nợ ông và nàng, thằng cháu còn nợ nhiều người khác. Nó biến mất tăm khỏi tầm mắt của ông. Ông và nàng mất trắng số vốn ấy. Nàng vật vã nhiều ngày. Ông ân hận, xót xa: “Anh mà không lấy lại được tiền cho em, anh sẽ chết!”. Nàng bật dậy, quát: “Em đã mất tiền, chẳng lẽ lại chịu mất anh nữa à?”. Nàng quát. Nhưng ruột gan ông lại nở bung ra, sung sướng! Với nàng, ông là tất cả!
            Được vài hôm, nhân một tối lên gác đếm sao, nàng trầm ngâm: “Anh ạ, mình trắng tay rồi, làm gì để sống đây?”. Ông còn chưa kịp trả lời, nàng bật cười: “A, em nghĩ ra cách rồi. Chúng mình sẽ viết văn!”. Ông biết nàng hài hước, song vẫn hùa theo: “Ừ, em sáng suốt. Xưa nay, các nhà văn vĩ đại trên thế giới đã chẳng cho ra đời những tác phẩm bất hủ trong quẫn bách, đói ăn đến quằn quại đó sao?”. Nàng luôn đem lại cho ông sự nhẹ nhõm khôn cùng!
            Nàng đùa ngay cả khi sống trong lâu đài trên cát là vậy!
            Thế là ông ngồi vào bàn viết. Ông viết chẳng phải để tìm nguồn sống theo câu nói đùa của nàng. Nhưng ông viết thực sự.
            Khi đã ngồi vào bàn viết, những con chữ tuôn ra từ đầu ngòi bút lôi cuốn ông, giúp ông tạm quên cái hiện tại đầy trắc trở. Tuy nhiên, quãng gần trưa, ngày nào nàng cũng gọi điện về. Ông biết vậy nên chủ động dừng. “Em đây! Đang làm gì? Được mấy chữ rồi? Có nhớ em không?”. Nàng tuôn ra một chuỗi những câu hỏi. Chẳng cần nghe trả lời. Ngày nào cũng những câu hỏi đó. Vậy mà ông vẫn ngóng đợi, vẫn muốn nghe. Ông ậm ừ, cười trừ. “Thế ăn cơm chưa? Ăn với gì?”. Vẫn hỏi, dù đã biết ông ăn gì, vì thức ăn do chính nàng chuẩn bị!
            Nhưng phần lớn những bài ông viết đều không được đăng. Chẳng hiểu  sao, bao ký ức nặng nề của mấy chục năm chiến tranh liên miên và những khó khăn cùng cực của thời bao cấp xưa cứ trào ra khỏi ngọn bút của ông, ứ đầy trang giấy. Những người lãnh đạo các báo gai gai khi đọc bài ông. Bài vở gửi đến báo giờ nhiều lắm. Thôi, an toàn vẫn hơn. Thế là họ gác bài của ông sang một bên. Ông biết chuyện. Ông cười!
            Giống ông, nàng cũng viết. Nhưng khác ông, bài nàng viết ra hầu hết được đăng khi đã gửi đến bất cứ một toà soạn báo nào. Nàng kể về mối tình đầu thoang thoảng như hương đồng gió nội. Nàng viết tâm sự của một người con chăm sóc cha mẹ khi về già. Nàng nói về một người có tấm lòng bao dung khi nâng đỡ trẻ thơ côi cút. Nàng khóc cho nỗi đau người mẹ nhìn con mình bị đại dịch thế kỷ cướp đi... Ông đọc bài nàng đăng trên báo. Ông cũng cười. Nhưng là cái cười thương mến. Cái cười này ông dành trọn vẹn cho nàng. Bởi ông hiểu rằng, qua cơn sóng gió phũ phàng của sự mất mát tiền của, giờ nàng đã tìm lại được sự thư thái cho tâm hồn!
            Chiều muộn. Ông nhấp nhổm đợi nàng về. Sáu giờ. Chuông điện thoại réo. Ông vồ lấy ống nghe. Thở hắt ra. Không phải nàng. Một giọng trẻ con gọi thằng cu út...
            Lại chuông. “Anh à. Em ngồi rốn một tí. Phòng làm việc đang vắng. Muốn xong bài viết trước khi về.” Ông thở phào: “Ừ, khi nào về, phôn trước. Anh đặt cơm cho nóng”. Nàng trêu. “Nếu cần kiểm tra, cứ điện đến phòng nhé!”. Ông cười: “Nếu léng phéng, anh khoá cửa không cho về”.
            “Anh biết không?”. Nàng ríu rít khi dắt xe vào nhà: “Sáng nay em tìm nhà ông Chủ nhiệm đồ án thiết kế cái cầu cách nay gần hai mươi năm. Bở hơi tai. Trèo gác bốn đến ba lần. May tìm ra. Bõ công”. Vậy là ông hiểu, chỉ ngày mai nàng sẽ xong bài viết này. Tính nàng vậy. Nói thì chơi chơi. Vào việc thì hết mình!
            “Anh xong bài viết đã kể em nghe rồi đấy” - “Thế à?”. Nàng giật giọng hăm hở. Rồi hăng hái: “Mai em sẽ tranh thủ đánh máy cho anh” - “Cứ từ từ. Mệt quá đừng cố”. Ông nói vậy, nhưng biết ngày mai nàng sẽ xong bài cho ông. Nàng lại đùa: “Phải cố để lấy vài ngàn chứ. Em tính rẻ thôi. Ba ngàn đồng một trang”. Nàng tiếp khi ngồi vào mâm: “Ôi, em mệt đứt cả hơi”. Ông nói: “Em phải liệu sức mình. Khéo không quỵ”. Và nháy mắt: “Nhỡ “đi” để anh cho ai?”. Nàng giơ cốc rượu nhẹ lên môi, dài giọng: “Anh cho phép...”. Rồi không vừa: “Đừng tưởng bở. Em lôi theo”.
            Cứ vậy, ông và nàng thủng thẳng xong bữa cơm. Hai đứa nhỏ nghe ba mẹ đùa, thỉnh thoảng cũng chen vào.
            Ngày mai sẽ bắt đầu một tuần mới. Còn hai hôm vừa qua, hai ngày nghỉ cuối tuần, dài mà lại ngắn!
            Hai ngày nghỉ, mọi trật tự ngày thường bị đảo tung. Ăn sáng xong đã chín giờ. Lũ trẻ đi chơi. Ông và nàng, mỗi người tìm một xó cho riêng mình...
            Đang cắm cúi viết, ông nghe nàng giật giọng: “Anh ơi!...”. Nàng ríu rít kể cái điều nàng chợt nghĩ ra. Ông đặt bút, ngồi nghe nàng “xả”. Cứ một lúc lại “Anh ơi!” thế này chắc không cầm bút yên ổn mất!
            Ăn trưa xong nàng tuyên bố chắc nịch: “Chiều nay nghỉ “sáng tác”. Em sẽ tái hiện tuổi xuân cho anh!”.
            Vậy là, nàng bới đến cùng những cái tóc trắng ngắn tẹo trên đầu ông. Ông lim dim ngủ, như một đứa trẻ nhỏ được mẹ xoa đầu nhè nhẹ đưa vào giấc mơ. Nàng vẫn rỉ rả mọi chuyện trên đời. Chuyện hôm qua. Chuyện hôm nay. Và cả chuyện ngày mai.
            Hôm nay đẹp trời. Tối, ông và nàng lại lên gác đếm sao.
            Ngày mai sẽ bắt đầu một tuần mới. Còn hai hôm vừa qua, hai ngày nghỉ cuối tuần, dài mà lại ngắn!
(*) - Đăng trên  http://newvietart.com/index3.6505.html
-  In trong tập Nốt nhạc trầm, Nxb Hội Nhà văn, 2014
- Báo Người Hà Nội, số... 
                                               












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét