Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

ĐỐ KỴ(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
 
Lão Hượu hay vỗ ngực tự đắc là dân gốc gác ở cái xóm ven đô này. Chỉ khổ nỗi gia đình lão nghèo xác nghèo xơ. Ba gian nhà lụp xụp, lớp ngói ta, mủn lâu rồi mà không có tiền sửa sang lại. Còn miếng cơm manh áo của cả nhà chỉ dựa vào gánh cháo kĩu kịt trên vai vợ lão. Thế nên lão đố kỵ thật lực với ông Tân. Đố kỵ ngay từ khi ông Tân xây ngôi nhà ba tầng lừng lững trước cửa nhà lão. Mất mẹ cái gió đông nam của người ta. Lại như bịt mắt nhau. Khiến chẳng còn nhìn thấy xe cộ tấp nập trên con đường cái quan, mà lão hay ngoác mồm rủa chúng gây điếc tai bố mày!
            Đã vậy, cái thằng cha Tân lại khác lão nhiều quá. Cứ nghĩ nó kém mình hàng chục tuổi, hoá ra bằng vai cùng lứa. Chưa đến sáu mươi mà cả xóm gọi mình là lão,  thật vô lý quá. Gọi nó thì là ông. Thậm chí là anh. Nó trẻ chẳng qua nhờ áo quần đậy điệm và nốc lắm của trời. Nốc lắm nên cao to như thằng hộ pháp. Chỉ hít không khí thì gầy trơ xương như bố mày đây này. Nhưng hãy đợi đấy, xem thằng nào sống dải sống dai. Nóng bức thế này, bố mày độc cái quần xà lỏn, đủ nhênh nhang khắp nơi. Trên răng dưới dái càng thoải mái tự do. Chẳng lo con mả mẹ nào cưa cẩm. Lại được tiếng thuỷ chung. Chứ com - lê cà - vạt như mày chỉ tổ làm tôi tớ quần áo. Sẵn tiền ăn diện rồi khốn nạn con ạ. Rồi khó tránh tan cửa nát nhà. Còn họa si đa si đề nữa chứ!
            Đố kỵ là thế, bực là thế, mà không dễ khạc nhổ ra, khiến lão nghẹn họng, ngứa ngáy chân tay.
            Về phía ông Tân, khi mới đến mua đất xây nhà, tưởng lão nghễnh ngãng. Vì nhiều lần chào, lão tảng lờ. Bất quá lắm thì lão đành mấp máy mồm, không ra "phải", không ra "ừ". Nhận rõ bụng dạ lão, ông Tân tạnh hẳn khoản chào hỏi, cắt luôn cả ý định mời mọc lão nước nước non non. Lão là cái qué gì cơ chứ!
            Hằng ngày, nhà ông Tân lại luôn luôn khép kín cửa ra vào. Để giảm tiếng ồn và ngăn bụi bặm, ruồi muỗi. Đấy là nếp sống chung của người thành thị. Nó khác hẳn nếp sống nông thôn. Ở nông thôn, mọi nhà đều mở toang cửa. Bất kể tối ngày, ai cũng có thể xộc đến nhà nhau. Hút nhờ điếu thuốc lào. Hoặc buông ra vài câu chuyện trời ơi đất hỡi rồi cắp đít phới. Dân thành thị không thế. Người ta đến với nhau chỉ khi nào gia chủ ngỏ lời mời, hoặc có việc cần gặp thì bấm chuông gọi cửa. Cái lý do khép cửa mở cửa thật là đơn giản, dễ hiểu. Nhưng khi bụng đầy ác cảm thì lão Hượu nghĩ xiên xẹo rằng: ông Tân coi khinh lão. Nâng cao quan điểm thì là coi khinh người nghèo. Tức khinh giai cấp nông dân. Khinh các bố thì vác mặt đến ở đất này làm gì. Phải tống cổ cả nhà nó bật khỏi đây thôi, các ông các bà ạ! Mà các vị có biết không? Nhà nó đóng cửa im ỉm ngày đêm, cổng ra vào cũng khoá chặt, hẳn còn có chuyện làm ăn mờ ám gì trong đấy. Chứa chấp thuốc phiện chẳng hạn. Hoặc trai trên gái dưới với nhau. Có trời biết được. Các ông các bà cứ ngẫm mà xem! Bằng cách đơm đặt như thế, làm cho cái khối ác cảm với ông Tân (cả với vợ con ông) cứ to dần lên, lan rộng mãi ra. Khiến cho người vô tâm mấy cũng gợn chút bất bình. Bất bình luôn cả ngôi nhà ba tầng vô tri vô giác của ông. Giá mà tương cho nó đổ được thì, trước tiên là lão Hượu, lão cho ngụp luôn. Thế mới hả!
            Chưa tìm được cớ quật đổ ông Tân, lão chơi trò vặt, nhằm chọc tức nhau. Viết lên tường rào những câu tục tĩu, và vẽ các kiểu làm tình nhố nhăng. Thậm chí, ném cả đùm cứt vào tận cửa ngôi nhà. Mấy bận ông Tân sai anh con trai cọ rửa cho sạch những dấu vết vô văn hóa ấy, nhưng rồi lại bị vấy bẩn. Ông đành mặc kệ. Giữ đấy làm bằng chứng để ông thưa chuyện với chính quyền thôn xã, về nếp sống văn minh và vấn đề an ninh trật tự. Để xem các nhà chức trách địa phương xử việc này thế nào. Còn gia đình ông, từ ngày đến cư trú tại đây chưa ai vi phạm điều gì về trách nhiệm công dân. Lại từng tích cực đóng góp tiền bạc xây dựng các phong trào địa phương. Nhưng sao lão Hượu và mấy người khác cố tình đặt điều bêu xấu, làm hại ông. Họ nhằm cái đích gì? Muốn ông cùng cảnh nghèo như họ ư? Để sớm tối cùng họ ngồi lê nơi ngã ba ngã bảy, hóng hớt chuyện trên trời dưới biển, nói phét nói lác ư? Ở họ, cứ như tiềm ẩn một tài năng dư sức gánh vác trọng trách quốc gia. Chỉ vì không gặp thời gặp vận, họ đành cam phận nghèo hèn(!?)
            Thấy họ chơi rông chơi dài, ông Tân tiếc cái sức lao động bị bỏ phí ấy. Họ không chỉ có ít người quanh xóm ông. Mà khắp mấy thôn mấy xã trong vùng đều chung hiện tượng này. Do xu thế đô thị hoá phát triển, nên đất đai canh tác không còn; khiến sức lao động ở nơi thuần nông này trước đã dư thừa, nay càng tăng gấp bội. Đã có lần ông Tân đồng ý yêu cầu của chính quyền địa phương, bày việc để thu hút số người nhàn rỗi ấy. Song họ không chấp nhận làm việc nặng nhọc mà thu nhập thấp. Vô nghề nghiệp, lại thích việc nhàn và muốn nhiều tiền là điều trái khoáy, không tưởng. Tuy nhiên, họ không thấy nhận thức ấy là sai lầm; còn đổ tại chủ thợ bóc lột, ăn dày. Kết cục, chính họ tự xô đẩy mình ngày càng nghèo thêm. Nghèo thì dễ hèn, trở thành "Chí Phèo" dễ như bỡn.
            Ông Tân luôn dặn vợ con phòng ngừa sơ hở, để ngăn lão Hượu lợi dụng giở "Trò Chí Phèo". Vợ con ông cũng xác định vậy, song khó tránh hết.
            Một hôm đi làm về, bà Tân thấy mấy chậu hoa trong vườn bị tướp táp hết. Biết gà hàng xóm nhảy vào phá phách; bực mình, bà kêu toáng lên: Nuôi nấng thì phải nhốt chứ, ai lại để nó làm hại người ta! Lão Hượu liền chạy ra chõ mồm qua hàng rào: Người ta người ngô với ai, hả con mẹ kia? Bà Tân càng bực: Với ai có gà ấy! Lão Hượu phồng mang: Gà của bố mày đấy! Bà Tân: Này, nói cho mà biết, xưng bố trong nhà thì được; ra ngoài, người ta vạc mặt ra! Lão Hượu: Tao thách cả nhà mày đấy! Rồi mượn cớ, lão thả sức tương đủ thứ bẩn thỉu sang vườn và sân nhà bà. Biết dây với lão là dại, bà vội đóng chặt cửa. Nhưng lão chưa tha. Lão lồng lộn như con chó đói trong cái sân hẹp tựa cũi chó, trước cửa nhà lão. Các ông các bà xa gần ơi! Con vợ thằng Tân nó chửi tôi... Chửi tuốt cánh nghèo xóm ta! Chỉ thế, xem chừng chưa thuyết phục được ai, lão phải bày thêm cách khác. Thấy con gà rù khật khừ bên đống rơm, lão quật một nhát chết đứ đừ. Thế là bố mày có cái để bắt đền. Lại được bữa nhắm tối nay. Lão xách con gà đến trước cổng nhà ông Tân gào: Bà con xóm giềng ơi! Vợ thằng Tân đập chết gà nhà tôi. Nó còn chửi tất cả nhà nào nuôi gà. Các ông các bà ra đây mà nhìn này. Con gà mái nhà tôi sắp đẻ, mà nó đang tâm đập chết! Tức thì, đám người từ mấy nhà xung quanh đều xô ra. Đúng mười mươi con gà bị đập chết rồi. Lại dám chửi chúng ông nuôi gà à. Đồ láo toét. Thế thì đánh bỏ mẹ nó đi. Đến ngụ cư mà không biết điều. Vênh vang cậy của hử. Phi ăn cắp bóc lột thì đào mả bố nó lên để làm giàu à?...
Chưa bao giờ, và chưa ở đâu bà Tân thấy đám người nghèo ụ lại như nơi đây. Mà họ có thân thiết nhau đâu. Cũng cãi cọ, chửi bới, móc mói nhau luôn. Đôi khi chỉ do con gà nhà nọ bới đổ cây rau của nhà kia, cũng đủ để họ sinh sự. Xong rồi, họ lại tụ tập cùng nhau, cứ như không hề xảy chuyện lôi thôi bao giờ. Thật lạ!
            Vừa lúc đó, ô tô ông Tân xịch về đến cổng. Bỗng cả đám người vội co cụm lại một chỗ, nhìn ông bằng ánh mắt gườm gườm. Còn lão Hượu tiến sát ô tô, giơ con gà chết lên, nói hung hăng: Ông phải đền đi. Vợ ông vừa đập chết nó! Ông Tân bình tĩnh nói: Nếu nhà tôi có lỡ tay thì trước hết tôi xin lỗi. Sau nữa, chúng tôi sẵn sàng đền bù thoả đáng. Không dám để ông thiệt. Vậy ông định bao nhiêu? Lão Hượu: Giá thị trường, gà này bốn mươi nghìn đồng một cân. Con gà nặng hai cân tươi. Lại là gà sắp đẻ. Vài ba tháng sau nó sẽ nở thành món tiền lớn gấp nhiều lần! Ông Tân thoáng nhìn con gà gầy đét, chỉ đáng dăm bảy lạng. Hiện tại, giá gà ngon chỉ khoảng ba mươi nghìn đồng một cân. Nhưng ông chìa ra tờ một trăm nghìn đồng, cốt nhổ mau cái gai chướng mắt này đi. Lão Hượu: Không được! Phải hơn! Và những tiếng lao xao cất lên từ đám đông: Đúng đấy! Phải hơn! Ông Tân không chấp. Chẳng phải họ quý hoá gì lão Hượu. Từng rủa lão là đồ nát rượu, sống núp gấu quần vợ, vô tích sự cả với con cái. Còn lúc này họ co cụm lại với nhau, xuất phát từ sự đố kỵ ông thôi. Đó là sự đố kỵ giữa lớp người nghèo khổ với tất cả những ai có cuộc sống hơn họ. Sự đố kỵ này như là thuộc tính của lớp nghèo, nhất là lớp nghèo nơi cận kề các thành phố lớn. Với ông, sự đố kỵ của họ còn mang ý đồ bắt nạt dân ngụ cư nữa. Ông thầm cười và thương thay những cái đầu ngu ngốc ấy. Họ hành động chẳng vì mục đích đòi chia xẻ quyền lợi vật chất của ông; chỉ cốt để hả một quan niệm sống lỗi thời, có phần ác độc, đang tồn chứa trong người. Ông nhìn họ mấy tích tắc, rồi quay lại bảo lão Hượu: Thế này nhé, nếu ông không bằng lòng, đành để lại giải quyết sau. Cần thiết, ông cứ kiện. Tôi sẵn sàng hầu kiện! Thấy một trăm nghìn đồng quá to so với con gà rù, lão Hượu vội nhận tiền đền. Không vội không mau, nó đổi ý thì bố mày hỏng ăn à? Cầm tờ một trăm nghìn đồng, lão sung sướng run nẩy người. Gần cả đời, chưa bao giờ lão được làm chủ số tiền to đến thế. Cả đám người phía lão cùng tỏ ra hý hửng trước món lời này.
            Sống giữa đám người chơi rông chơi dài, xấu tính xấu nết, ông Tân thật khó chịu. Có điều, ông ít khi bận tâm đến nó. Bởi hằng ngày ông thường rời nhà trước bảy giờ sáng, đến sáu giờ chiều mới về. Quanh năm công việc bận tối mắt tối mũi. Thế mới lo nổi công ăn việc làm ổn định cho mấy trăm con người. Công ty của ông là một doanh nghiệp tư nhân làm ăn giỏi trong cơ chế kinh tế thị trường. Đó chính là niềm vui của ông. Còn với lão Hượu, thậm chí cả đám người phía lão, có giở trò xấu chơi đến đâu cũng không thể cản bước phát triển của doanh nghiệp ông. Họ chỉ như là những cái gai, ở đâu chẳng có; đặc biệt nhiều tại những địa bàn đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, và vùng cận kề.
            Với vợ ông Tân, phải đối đầu trước sự khó chịu, đôi lần bà ngỏ ý muốn chuyển chỗ ở. Ông cười cho qua. Anh con trai thì hoàn toàn đồng tình với bố - tức không bận tâm đến những kẻ xấu bụng. Anh luôn bảo mẹ rằng: Thách cái đám ấy dám làm càn hơn thế. Chúng mà đập phá nhà cửa hoặc đánh người nhà mình, thì con bắt cả lũ ra hầu toà. Chúng không đủ gan liều đến thế đâu. Chỉ cần mẹ xác định bỏ qua hành động khiêu khích của chúng!
            Nói vậy, song phải nín nhịn trước sự cố tình chọc tức, gây gổ triền miên của lão Hượu quả là khó. Giá như điều đó chỉ giới hạn trong ít ngày thì dễ vượt qua. Đằng này, nó kéo dài năm nọ sang năm kia, mà không biết bao giờ kết thúc. Tất cả, nó chất chồng, tích tụ, dồn nén, gây nên tâm trạng căng thẳng cho mọi người trong gia đình ông Tân. Với riêng ông, do ít thời giờ lưu tại nhà, vì thế không mấy khi chứng kiến những cảnh gây rối, nên cũng bớt nặng đầu. Thế nhưng khi ông phải đối mặt thì đều là những vụ việc khá căng.
            Như cái lần ô tô ông bị đâm thủng hai lốp, gần ngay nhà mình. Xe lạng hẳn sang rệ đường, tý nữa thì lao xuống mương nước sâu. Ông vội bấm điện thoại gọi công ty cử ngay thợ đem lốp mới đến thay thế, để kịp chuyến công tác chiều. Rất mau chóng, chiếc xe được tu sửa hoàn chỉnh. Hai ngưòi thợ trẻ còn khẳng định  nguyên nhân sự cố là do kẻ xấu bẫy đinh. Thế thì - ông Tân nói - dứt khoát chỉ là cái lão Hượu. Kia kìa, lão ta đứng cổng nhà mình kia kìa. Anh thợ cao to, da bánh mật, có hàng ria nâu nói: Là cái thằng hay gây rối nhà anh chị phải không ạ? Được rồi, bọn em sẽ cho nó bài học nhớ đời. Ông Tân: Nhưng chớ có gây to chuyện mà đi tù cả lũ.
Chiều hôm ấy, vì phải chạy gấp cho kịp dự hội nghị ở tỉnh bạn, suýt nữa xe ông Tân gây chết người. May mà gặp được anh lái xe ôm dễ tính, ông chỉ phải đền năm triệu đồng để họ sửa xe. Sự cố này, chung quy tại lão Hượu gây chậm trễ cho ông. Tội lão đáng phải trừng trị. Tha bổng, lão dễ lấn tới, có thể bày tiếp những vụ nguy hại khôn lường. Nhưng mà, chẳng biết khi ra tay, mấy anh chàng nhà ta có tỉnh táo không?
            Ngay tối hôm sau, lão Hượu bị xơi đòn bất ngờ. Đang ngồi câu cá, lão bị cú đạp ngã nhào xuống hồ nước đầy bèo, cùng với lời đe: Cấm kêu! Kêu thì mất mạng! Lóp ngóp mãi mới lội được vào bờ, lão lại bị dìm ngập đầu một lần nữa. Ằng ặc đầy bụng nước rồi, lão run rẩy tiếp nhận lời phán truyền: Từ nay chúng tao cấm mọi hành động gây rối hàng xóm, nghe không?... Hãy nhớ, đây là đòn trả thù đầu tiên của năm trăm con người trong doanh nghiệp ông Tân dành cho mày. Chúng tao có trách nhiệm bảo vệ giám đốc của chúng tao. Khi cần, mày chỉ được khai bị ngã xuống hồ nước. Nếu khai thật sẽ ăn đòn tiếp. Tất nhiên lời mày tố cáo không đủ căn cứ để cơ quan có trách nhiệm tin đâu. Muốn yên thân thì chừa ngay lối sống "Chí Phèo" đi! Lão Hượu vội vàng: Vâng ạ!
            Tuy thế, lão không dễ chừa. Vẫn giở thói kinh điển cố hữu xưa nay. Chúng mày có gan thì vác mặt đến nhà bố chơi nhau. Bố chỉ kêu một tiếng, chết cả lũ!
            Một lần khác, lão chơi trò bịt lỗ khoá cổng và lại bôi bẩn lên tường rào nhà ông Tân. Ác thay, cái trò khỉ ấy xảy ra đúng sớm ba mươi tết, mà buổi trưa ông Tân mời khách thân dự cơm kết thúc năm. Sáng ba mươi tìm đâu ra thợ chữa khoá, mà là loại khoá đặc biệt này? Ông đành điều thợ trong công ty đem máy hàn đến cắt khoá. Tiện thể, anh tổ trưởng cơ khí nhận xử lý luôn bức tường bẩn. Anh đang cọ rửa thì lão Hượu lễnh khễnh đi tới. Trời lạnh nên lão mặc quần dài màu hạt dẻ bạc phếch; khoác cái áo gà dù quá "đát", cóc cáy bẩn; nom chẳng khác thằng hình nhân coi lúa thời đầu thế kỷ trước.
            Lúc lão còn từ xa, ông Tân nói khẽ với anh tổ trưởng cơ khí: Đấy đấy... cái thằng cha ấy đấy! Anh tổ trưởng: Phải tay em, cho một thụi chết tươi! Ông Tân: Chả thế được. Mà nó chết lại có thằng khác. Thiếu gì “Chí Phèo” thời nay.
            Thấy cần phải đáp trả cái điệp khúc cố tình trêu ngươi, cố tình phá phách của lão Hượu, mấy anh em trong công ty ông Tân bảo nhau ra tay một lần nữa. Thế là giữa đồng lúa vắng, lão bị cả đống quả thụi điếng người.  Còn bị dìm xuống vũng bùn, lấm bẩn như trâu lăn. Và họ bắt lão phải nhận mình ngã vì say rượu. Nếu không sẽ khó tránh đòn lần thứ ba, thứ tư, thứ năm… Lão vừa rét vừa đau, mà buộc phải mở mồm “vâng… vâng”, nhưng uất quá. Uất cái thằng cha Tân cho tay chân đánh bố nó. Thằng Tân! Mày là kẻ thù của tao!
            Trận ra đòn lần này, mấy ngày sau ông Tân mới biết. Ông bảo: Các cậu chơi thế, lão kiện thì gay... Ừ nhỉ, bằng chứng đâu mà kiện. Nhưng nếu lão ốm to cũng tội thân. Liệu có cách nào đỡ hơn không? Anh thợ cao to nói: Loại người ấy phải chơi mạnh thế, may ra lão mới chùn tay. Ông Tân gật gù. Nhưng sớm muộn mình cũng chuyển chỗ ở thôi! Anh thợ cùng nhóm lên tiếng: Chuyển tức là mình chịu thua à? Ông Tân: Cứ cho là thua đi, có sao đâu. Thật ra, cái cuộc chiến không tuyên bố này, mình không hề chủ trương, không hề nghĩ đến. May mà có các cậu trợ sức. Chỉ riêng mình, sức đâu chơi lão như kiểu các cậu đã làm. Chửi nhau tay đôi, mình cũng chịu. Ném đất đá vào nhà nhau, cũng chịu. Dây với lão sẽ rắc rối to. Bởi ngoài lão còn cả lũ phía sau. Chúng sẽ câu kết ào lên làm liều. Anh thợ cao to: Thế bao giờ giám đốc chuyển? Ông Tân: Mới dự kiến thôi. Mà chuyển chỗ cốt để bà xã mình được thanh thản ấy mà. Đó là lý do chính!

                                                            *          *          *

            Gần hai năm nay sức khoẻ ông Tân sụt hẳn xuống. Do vết thương hồi ở bộ đội nó hoành hành trở lại. Bác sĩ khuyên ông phải hạn chế làm việc. Bà vợ thì muốn ông nghỉ hẳn, giao công ty cho anh con trai đảm nhiệm. Nó thông thạo đường đi nước bước rồi, ông đừng có băn khoăn làm gì. Còn tham công tiếc việc, ông đổ kềnh ra đấy, cuối cùng tôi là người khổ nhất. Trước sức thúc ép của bà, ông đành nghe. Cho dù thôi chức giám đốc, ông vẫn có thể giúp con điều hành sản xuất kinh doanh được mà.
            Sau khi giao quyền đứng đầu công ty cho con, ông Tân quyết định rời nơi ở. Còn sống bên cạnh lão Hượu thì nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sao nổi. Lão cũng yếu hẳn so gần mười năm trước, khi ông mới dọn đến ngụ tại xóm ven đô này. Vậy mà tính nết lão không hề thay đổi. Thấy con ông tổ chức sinh nhật, mở nhạc xập xình trên sân thượng, lão ngồi bệt trước cửa nhà mình chửi đổng, và văng buồi dái không chút ngượng mồm. Rồi tịnh hẳn. Tưởng lão đi ngủ, hoá không. Lúc khuya, lũ bạn con ông ra về, cả chục chiếc xe máy vừa chạy được đoạn đường ngắn thì ba chiếc bị xì lốp. Thủ phạm không là lão mặt choắt ấy, hỏi còn ai? Sáng hôm sau, chúng nó kéo đến nhà lão, bảo: Ông nhận tội thì chúng tôi tha bổng, coi thế là xong. Nếu không, nhất định ông bị trừng trị. Sẽ khốn nạn gấp nhiều lần những trận đòn trước. Mà ông là cái thân con gì, thích gây sự để chuốc vạ vào thân? Ngoài vạ, ông còn được gì? Được gì nào?... Lão chẳng được gì. Chẳng qua tính đố kỵ làm cho lão khổ. Ấy nhưng lão bảo: Bố đéo khổ!
            Khi biết vợ chồng ông Tân đi khỏi ngôi nhà trước mặt, lão sung sướng nhảy cẫng lên: Thế là bố mày thắng lợi rồi. Thắng lợi rồi. Bà con xóm giềng ơi, ta thắng lợi rồi. Chúng nó thua rồi. Kẻ thù của chúng ta thua rồi. Đầu hàng rồi. Cút xéo rồi... Ha... ha... ha!... Từ trong nhà, thằng Tiêu - con lão quát: Ông có điên không đấy. Thắng thắng cái gì? Suốt đời đi chọc ngoáy người ta, ghen ăn tức ở, mà không thấy mình sai! Lão quát lại: Mặc tao! Cứ như mày và mẹ mày thì thiên hạ nó ỉa vào mặt cũng đành chịu. Tao khác. Tao phải đánh đến cùng. Đánh cho nó cút. Đánh cho nó nhào. Thế mới hả! Con lão: Thứ người như ông mà giọng lưỡi cũng sặc mùi chính trị. Ông bị nhiễm cái thứ khỉ gió ấy từ bao giờ thế? Nhà sẵn cờ đỏ sao vàng, sao không đem treo mà ăn mừng?
            Lão không thèm đối đáp với thằng con láo toét mất dạy nữa. Lão nghển cổ, gí mũi sát tường rào nhà ông Tân. Ngó nghiêng.  Tự nhiên. Đàng hoàng. Nghĩ nhà này vắng tất, không ngờ có tiếng hỏi từ trên tầng ba, khiến lão chột dạ: Ông tìm gì đấy ạ? Lão cố lấy lại chút bình tĩnh: T... ôi tôi... tưởng con gà nó nhảy sang... Nhưng không thấy. Anh con trai ông bà Tân: Vâng, không có đâu ạ! Ra chẳng phải chúng nó cút tất - lão Hượu nghĩ. Thế thì bố mày còn tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi. Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đừng nghĩ giở giọng lễ phép hòng bố mày tha. Nhất định phải quét sạch nó đi! Nay đối thủ của ta chỉ là thằng nhãi ranh. Nhưng coi chừng cánh trẻ. Cách trẻ dễ hung hăng. Chơi quá tay, nó nện như mấy lần trước thì hết hơi. Tốt nhất vẫn là dùng chiến thuật du kích. Gậm nhấm dần dần. Gấm nhấm trường kỳ, dai dẳng. Chơi lối này, già dơ như thằng bố con mẹ mày còn chịu thua, huống chi là mày.
            Tối hôm ấy, lão Hượu ra tay luôn. Lão lại tương đùm cứt sát cửa sổ nhà bếp, để tặng thằng nhãi ranh. Tối khuya, Nhân - con trai ông bà Tân đi làm về, ngửi thấy mùi thối, đoán ngay lão là thủ phạm. Cái lão khốn kiếp này sẽ còn làm khổ ta bằng mọi trò vặt vãnh bỉ ổi. Ta đã xác định bỏ qua, không chấp. Để thời giờ sức lực vào việc làm ăn. Theo nếp người cha, hằng ngày Nhân rời nhà rất sớm, tối thường về muộn. Lúc này dù rất mệt, anh vẫn phải dọn ngay, không thể mặc đống uế tạp chềnh ềnh ở đấy. Nếu là đất đá, rác rưởi, để lại chẳng sao. Anh khác hẳn mẹ. Bà là người kỹ tính, khó ngồi yên khi thấy một cái rác vương trên sân. Nhất là từ khi hưu, suốt ngày ngồi nhà, làm sao bà chịu nổi sự gây rối của lão Hượu. Đi ở nơi khác, nhưng bà vẫn thầm lo con trai một mình một chỗ. Liệu nó chống chọi với hàng xóm thế nào? Nhân cười cười: Mẹ yên tâm đi. Lão Hượu không dám hành động nguy hiểm, ngoài những trò bẩn đã làm. Con trẻ khoẻ, có thể đương đầu lâu dài với lão ta. Để xem lão đủ sức hoành hành đến bao giờ?
            Thật tiếc thay, sau ý nghĩ "quét sạch nó đi", lão Hượu chưa kịp giở trò gì thì đổ bệnh. Phải hàng tháng liệt giường, rồi gắng gượng lắm lão mới có thể ôm gậy nhảy lò cò quanh nhà. Nói năng thì chẳng thành tiếng. Thày lang bảo bệnh lão tiêu tiền tấn may ra mới phục hồi. Tiền tấn nhà lão đào đâu ra. Đến miếng ăn còn chưa thoát cảnh rau muống kinh niên kia. Vợ lão đã khốn nạn nay càng khốn nạn hơn. Vừa phải chạy ăn, lại không thể vất lão ở nhà một mình suốt ngày được. Thằng Tiêu thì quen lông bông lang bang, không coi việc trông nom bố là trách nhiệm của nó. Một phần cũng tại lão mấy lần chỉ mặt con: Tao từ cái mặt mày! Nghĩ cảnh gia đình, bà thở dài thườn thượt. Thằng Tiêu bảo: Mẹ buồn thì giải quyết được gì, chỉ tổ ốm thêm. Bà nói: Mẹ buồn không phải vì sợ chết. Bây giờ mẹ chết hay bố chết cũng chẳng sao. Có điều mẹ muốn con thay đổi đi. Lớn rồi. Hai mươi hai mốt tuổi rồi. Thằng Tiêu: Vậy con phải thế nào? Bà mẹ: Con nên đi làm. Thằng Tiêu: Làm gì. Làm ở đâu?
            Sau mấy đêm trằn trọc, mẹ thằng Tiêu quyết định gặp Nhân để nhờ vả. Bà rụt rè trình bày vắn tắt gia cảnh, rồi nói: Thôi thì, xin anh bỏ qua cho tất cả những gì không phải do ông nhà tôi gây ra. Phần tôi không lòng nào muốn thế, song chẳng thể ngăn nổi ông ấy. Mong anh thông cảm, thương em, giúp em. Nhân: Bà khỏi bận tâm về chuyện cũ. Còn việc làm cho Tiêu, tôi sẵn sàng chấp nhận. Chỉ cần cậu ấy tận tâm là bà yên lòng được.
            Nghe giám đốc Nhân nhận con lão Hượu vào làm việc tại công ty, anh thợ cao to, có hàng ria nâu nói: Tôi không hiểu vì sao giám đốc nhận con lão Hượu. Không phòng ngừa cẩn thận, trong nó đánh ra, ngoài nó đánh vào là mình toi! Nhân cười, nét cười hiền lành trên khuôn mặt rạng rỡ, y hệt người cha. Rồi anh nói: Nó không dám đâu! Thằng Tiêu không thuộc loại gây gổ ngổ ngáo. Làm việc ở nơi có kỷ cương chặt chẽ, buộc nó phải thích ứng để tồn tại. Còn cái lão Hượu cuồng chiến, nay kiệt sức rồi!
            ... Thoắt một cái, Tiêu vào làm việc tại công ty của giám đốc Nhân đã nửa tháng. Nửa tháng vừa học vừa làm, Tiêu được nhận năm trăm nghìn đồng tiền công. Cậu ta đưa mẹ ba trăm nghìn đồng, đủ để nuôi nó cơm ngày ba bữa suốt tháng. Hai mẹ con đều ngầm ngầm vui. Niềm vui trong bà có phần bất ngờ. Vì trước đó bà không dám chắc nó chịu lam làm. Thế mà nay lại biết đưa tiền cho mẹ nữa. Còn Tiêu, anh ta không nói ra nhưng nghĩ: Giá bố đừng đố kỵ, không gây nỗi bất hoà, thì mối quan hệ xóm giềng giữa hai nhà hay biết mấy. Bố thích gây sự, lại hiếu thắng, chẳng để làm gì. Bố tự nhận phần thắng về mình, nhưng thắng ai, thắng cái gì, và được gì. Hay chính bố đã mất. Mất hết. Cả sức lực và nhân cách. Tài sản thì trắng tay, khiến cả nhà phải sống cảnh cơ cực bần hàn. Cuối cùng thì, thằng con của bố không có sinh kế nào khác, buộc phải cúi đầu đi làm thuê. Hơn nữa, lại làm thuê cho phía mà bố cố tình gân lên gọi họ là: Kẻ thù!

            Giờ đây, liệu bố còn đâu hơi sức để mà tỉnh ngộ?...

(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6499.html                                           
-  In trong tập Chuyện đời 3, Nxb Hội Nhà văn, 2014               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét