Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

DIỄN VĂN CỦA ĐẠO DIỄN XUÂN BA VỀ NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG

Tại Lễ kỷ niệm 100 năm sinh ông tổ chức ở quê nhà (Thúc Kháng, Bình Giang, HD)

Đạo diễn Xuân Ba - Trưởng ban Sân khấu, Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương, đọc diễn văn tại Lễ tôn vinh Nhà viết kịch Lộng Chương được tổ chức tại quê nhà xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương

Kính thưa:   …
Hôm nay chúng ta có mặt tại đây để vinh danh một người con của mảnh đất địa linh nhân kiệt - thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Đó là Nhà viết Kịch lão thành Lộng Chương. 
Nhà viết Kịch lão thành Lộng Chương có tên khai sinh là Phạm Văn Hiền, sinh ngày 05 tháng 02 năm 1918. Ông từng sống ở Hàng Bạc - Hà Nội, nhưng không theo nghề kim hoàn. Tuy là viên chức nhà nước thời Tây, song ông chẳng thiết tha với công việc của một viên chức “sáng vác ô đi, tối vác về”; mà ông âm thầm, bướng bỉnh theo nghiệp văn chương - cái nghiệp khó khăn khắc nghiệt đã dằn vặt ông suốt cả kiếp đời như một định mệnh.
Lộng Chương sớm “cầm bút” ngay khi rời ghế trường học. Trước CM Tháng Tám - 1945, trên các báo Đông Pháp, Sinh Lực… đã xuất hiện nhiều bài báo mang tên Lộng Chương. Năm 1942, tiểu thuyết phóng sự Hầu thánh của ông được ấn hành lần đầu. Đến nay, tiểu thuyết này đã tái bản nhiều lần, và góp mặt ở những bộ sách lớn của nền văn học nước nhà. Tuy nhiên, sự nghiệp sáng tác của Lộng Chương lại nghiêng về kịch bản sân khấu. 
CM Tháng Tám thành công, Lộng Chương luôn xuất hiện trong những ban kịch xung kích tại Hà Nội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nghe theo tiếng gọi “Sơn hà nguy biến”, Ban kịch Bình Dân của Lộng Chương đã rong ruổi ra đi. Đôi chân Lộng Chương từng in dấu từ Việt Bắc xuống Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng đến Điện Biên... Cả Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn tận Thanh Hóa cũng mời gọi ông về làm việc. 
Giai đoạn chống thực dân Pháp, ngoài viết báo và những công việc khác, Lộng Chương đã sáng tác 17 vở kịch ngắn, là con số đáng kể đối với một người mới cầm bút. Vở Chiến đấu trong lòng địch được Hội Văn nghệ Việt Nam tặng Giải thưởng Văn học 1954-1955... 
Hòa bình lập lại, với tinh thần trách nhiệm cao của một công dân, Lộng Chương đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm sân khấu như Quẫn; Cửa mở hé, Lý Thới, Đòi con, Đoàn quân tóc trắng, Hỏi vợ, A Nàng, Tình sử Loa thành, Đôi ngọc lưu ly,… Hàng trăm tác phẩm khác nữa viết cho Đài Phát thanh TNVN, về phong trào sản xuất và đấu tranh giải phóng đất nước… đã được ông đêm ngày sáng tác.
Những tác phẩm của Lộng Chương một thời đã làm rạng rỡ cho sân khấu, là sinh mệnh của biết bao nhiêu đoàn nghệ thuật, là miếng cơm manh áo cho biết bao nhiêu con người. 
Quẫn là một trong những vở diễn lớn của ông với số lượng hàng ngàn đêm diễn, trải mấy chục năm trời, làm rạng danh cho Đoàn Kịch nói Trung ương, nay là Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở diễn đã làm sáng rực bao tên tuổi nghệ sĩ, diễn viên. Vở diễn đã trở thành kinh điển, trở thành niềm mơ ước của các tác giả và đạo diễn hôm nay.
Kịch hát A Nàng từng được gần 20 đoàn nghệ thuật từ Bắc chí Nam dàn dựng biểu diễn trong nhiều chục năm. Quẫn cùng A Nàng đã góp phần quan trọng để Nhà hoạt động Sân khấu Lộng Chương giành Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000.
Vở tuồng Tình sử Loa thành đã trải qua 14 năm, với gần 1000 đêm diễn, mà ở đâu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt.
Có một giai đoạn Đoàn kịch Hải Phòng từng được gọi là Đoàn Cửa mở hé. Chứng tỏ vở Cửa mở hé của Nhà viết kịch Lộng Chương được quần chúng đánh giá rất cao. 
Bằng sức sáng tạo khổng lồ không mệt mỏi, Lộng Chương đã ký thác đời mình vào một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Không chỉ vậy, ông còn chia gửi những ý tưởng lớn cho mọi người, cho cả trong những tác phẩm của nhiều người viết kịch đến thụ giáo ông. Ngôi nhà cổ, cũ kỹ ông ở chính là một “Tụ Nghĩa đường”, để nhiều đồng nghiệp, những tác giả, đạo diễn, cả những người chơi kịch nghiệp dư, thường lui tới nhờ ông giúp đỡ, mong ông dạy bảo, để được thụ giáo ở ông dăm bảy “miếng nghề”. Nghệ sĩ - Nhà viết Kịch Lộng Chương không có trường lớp, không đứng trên bục giảng, nhưng những người trẻ tuổi đến nhà chỉ mong được gọi ông bằng Thầy, chỉ ao ước được là người trò nhỏ của ông. Học trò của ông đủ mọi thành phần: những người thầy thuốc, những kỹ sư, những sinh viên, những công nhân và nông dân, trải khắp đất nước, từ các thành phố lớn đến những vùng heo hút thưa người. Ngày nay nhiều người đã có tên tuổi tiếng tăm lừng lẫy, nhiều người giữ trọng trách của Sân khấu từ Trung ương đến các địa phương. Đến nay, tất cả vẫn nhớ về ông, vẫn dành cho ông những niềm yêu thương, kính trọng. Vì ông - Người thầy lớn, đã dạy cho họ một nghề nghiệp, một nhân cách sống, để cố gắng gánh vác cái sân khấu ngổn ngang, gian khó, cay đắng, nhưng cũng đầy vinh quang này.
Nhà nghiên cứu Chèo Hà Văn Cầu từng nói, nếu không có Thày Lộng Chương dìu dắt, ông đã làm nghề khác. Ông còn tự nhận mình gặp may mắn lớn, vì luôn được ở bên Lộng Chương. 
Trong một bài đăng trên báo Lao động mang tên “Thương nhớ Thày Lộng Chương”, GS Hà Văn Cầu viết: 
“… Thày sinh ra không phải để làm nghề kim hoàn, buôn vàng bán bạc; cũng không phải để cấy lúa trồng khoai. Thày sinh ra để làm cái nghề khó nhất trong các nghề sáng tạo: Nghề Sân khấu!
… Thày không thuộc về một họ, mà là người của trăm họ, uống nước trăm sông, ăn gạo trăm nhà, để phục vụ hàng triệu con người…”.
* * *
Kính thưa…
… Tới nay, Nhà viết kịch Lộng Chương vĩnh biệt chúng ta đã hơn 14 năm. Nhưng chúng ta vẫn luôn luôn nhớ ông. Tại lễ tưởng niệm 10 năm Ngày ông qua đời, do Hội NSSK VN và Hội Nhà văn VN tổ chức, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội NSSK VN đã nói: “Ta luyến tiếc và trân trọng ông… Cây đại thụ của nền sân khấu Cách mạng VN. 10 năm qua, Cây đại thụ này vẫn che bóng mát cho lớp nghệ sĩ trẻ sân khấu VN, coi đó là tấm gương lao động nghệ thuật, coi đó là nhân cách của người nghệ sĩ chân chính…”. 
Cũng tại Lễ tưởng niệm này Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật VN, Chủ tịch Hội Nhà văn VN coi “Tên tuổi Lộng Chương là tinh hoa… là niềm tự hào của nền sân khấu VN, của đất nước VN, nhưng trước hết là của tỉnh Đông-Hải Dương… Nhà văn Lộng Chương đã bắt đầu ngay sự nghiệp văn chương của mình bằng tiểu thuyết Hầu thánh, xuất bản năm 1942. Đó là một kỳ tài… Một sản phẩm tinh hoa của một nhân kiệt…”. 

Kính thưa Quý vị,
Để ghi nhận sự đóng góp lớn của Nhà viết kịch Lộng Chương, Cây đại thụ sân khấu Cách mạng VN, Giải thưởng Hồ Chí Minh; Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Phố Lộng Chương, tại TP Hải Dương. Phố Lộng Chương dài hơn 1000 mét, điểm xuất phát từ đường Ngô Quyền - là con đường lớn, và điểm kết thúc được nối tiếp với Phố Tôn Thất Thuyết. Hiện tại, Phố Lộng Chương (cùng nhiều con phố khác thuộc Thành phố) đều chưa hoàn chỉnh, nhưng trong tương lai gần, Phố Lộng Chương chắc chắn sẽ được tu sửa đẹp đẽ hơn. 
Việc đặt tên Phố Lộng Chương là sự tôn vinh của toàn thể nhân dân trong tỉnh đối với Danh nhân Lộng Chương - Người đã có cống hiến lớn lao cho nền sân khấu Cách mạng VN và làm sáng danh thêm truyền thống văn hiến xứ Đông chúng ta. 
Hôm nay, Lễ công bố con đường mang tên Phố Lộng Chương vào dịp ông tròn 100 tuổi, được long trọng tổ chức tại nguyên quán của Danh nhân Lộng Chương; hy vọng đây sẽ là niềm tự hào góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
… Tại buổi Lễ này, xin Quý vị cùng nghiêng mình kính cẩn tưởng nhớ Nhà viết kịch Lộng Chương - Cây đại thụ của Sân khấu Cách mạng VN, người con của đất Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, và của cả tỉnh Hải Dương chúng ta. 

… Phút tưởng nhớ bắt đầu!
 Mời Quý vị an tọa!
Sau đây, chương trình được tiếp tục…

                                     (Tối 30/9/2017 tức 11 tháng 8 âm lịch)

                                                                                                                      


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét