Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

"QUẪN" ĐÃ TÁI XUẤT!




Quẫn - tác phẩm Hài kịch kinh điển của Nhà viết kịch Lộng Chương đã làm mưa làm gió trên sân khấu kịch Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước, nay được NSƯT - Đạo diễn Trần Lực phục dựng. Về Quẫn, nhiều nhà nghiên cứu nhận định: Quẫn đã đánh dầu sự ra đời của nền Hài kịch Việt Nam và Lộng Chương là một Danh thủ Hài kịch.

Sau rất nhiều năm lặng tiếng, Quẫn đã được Đạo diễn Trần Lực dồn tâm huyết phục dựng, với phong cách hoàn toàn mới. Và, trong Liên hoan sân khấu Thủ đô lần II, Quẫn đã giành Giải Bạc;  diễn viên Trương Mạnh Đạt - vai ông Đại Cát giành Huy chương Vàng; 2 diễn viên Phương My - vai cụ Đại Lợi và Ngọc Trâm - vai bà Đại Hưng, giành Huy chương Bạc; đặc biệt, NSƯT - Đạo diễn Trần Lực giành Giải đạo diễn xuất sắc nhất và là Giải đạo diễn duy nhất.

Cú phôn của Đạo diễn Trần Lực làm tôi nhảy bật khỏi giường bệnh, khi đang thiêm thiếp sốt gần 40 độ. Và, nội dung tiếp theo của cuộc thông báo, không khác một liều thuốc bổ "độc nhất vô nhị" đối với con bệnh đang liệt giường như tôi.

Ôi, vậy là Quẫn của Cha tôi đã được "sống lại" qua bàn tay Đạo diễn Trần Lực và dàn diễn viên Trường ĐHSKĐA Hà Nội. Dù mới trao đổi vài lời qua phôn, dù chưa được "sống" cùng không khí Quẫn của Đạo diễn Trần Lực dựng, nhưng sao trong tôi vẫn rưng rưng, xốn xang khó tả. Quẫn "sống lại" - thực sự đó là điều không tưởng, là giấc mơ không thể có ngoài đời!? Lâu nay, việc dựng lại những "đứa con tinh thần" của Cha luôn là chuyện đau đáu, ray rứt trong tôi.


Vậy mà giờ đây...

Màn mở, một dàn "âm binh" lừ lừ tiến về khán giả trong tiếng dập chân rầm rập. Bao phủ sân khấu là màu đen nhờ nhờ, u ám. Tiếp theo là hai nhân vật chính: ông bà Đại Cát rón rén, mò mẫm, mờ ám, sợ sệt, hoảng loạn... xuất hiện. Và sau đó từng nhân vật khác ra trò, như những gì vốn có trong tác phẩm Quẫn lừng danh của Cha tôi trong thập niên 60-80 thế kỷ XX. Đó là bà tư sản Đại Hưng đành hanh, nanh nọc, "đâm bị thóc, chọc bị gạo". Là cụ Đại Lợi gày quắt queo, nanh ác, miệng leo lẻo tuyên

ngôn "vô vi" với mọi sự trên đời, nhưng khi nghe đến cơ nghiệp ông cha có khả năng bị tan biến thì lồng lộn, quay cuồng, dựng nanh dựng vuốt như sẵn sàng ăn tươi nuốt sống tất tần tật những gì bất ưng xảy ra trước mắt...

Ôi, Quẫn của Cha tôi đấy!?

Nhưng... Quẫn đấy mà không phải là Quẫn "xưa"!

Quẫn "nay", qua bàn tay "phù phép" của Đạo diễn Trần Lực, đang "chảy cuồn cuộn" trên cái không gian sân khấu ước lệ kia, xem mà không cười nổi! Một vài cảnh và đối thoại có gây được tiếng cười, nhưng ngay lập tức con tim tôi nhói đau, xót sa, trĩu nặng.

Tôi còn nhớ trong một bài viết của NSƯT Vũ Hà về Quẫn "xưa", đại thể: "Vở kịch qua bàn tay đạo diễn tài năng của Trần Hoạt đã liên tiếp làm nổ ra những trận cười "đến vỡ tung nhà hát". Và: "Đêm diễn nào khán giả cũng đông chật nhà hát; từng trận cười thâm thuý, khi thì vỡ oà, lúc thì nhỏ nhẹ; rời nhà hát trên đường về nhà vẫn gằn gặn tiếng cười. Tiếng cười giã từ quá khứ để khoát đạt bước vào thời kỳ mới.".

Nhắc lại những nhận định này, tôi hoàn toàn không có ý so sánh cách làm giữa 2 thế hệ xa nhau hơn nửa thế kỷ; mà tôi muốn nói đến xu hướng dựng Quẫn QUÁ MỚI, QUÁ TÁO BẠO của Đạo diễn Trần Lực. Bởi, Trần Lực không thể đứng ở vị trí của Đạo diễn Trần Hoạt của hơn 60 năm trước để làm Quẫn. Đạo diễn Trần Lực đã đứng ở cái năm 2016 (thế kỷ XXI) để ngoái lại hơn nửa thế kỷ trước, để suy ngẫm, thấy bức bối, để cảm nhận đau đớn, để xót thương quằn quại (có thể còn chịu áp lực gì đó)... mới có thể cho thoát thai nổi đứa con tinh thần được như hôm nay. Tôi trộm nghĩ, ở góc nhìn của mình, Đạo diễn Trần Lực đã rất thấu hiểu, rất thông cảm, rất xót sa về một thời mà tất cả mọi người chỉ được phép: mặc đồng phục, nói theo câu mẫu, tư duy đúng "một chiều"... Thậm chí, ngay cả sự sáng tạo nghệ thuật, thì cũng chỉ được phép sáng tạo trong khuôn khổ, sáng tạo theo chỉ định với những cách nhìn, cách thẩm định và sự xét nét, bắt ne bắt nẹt, vạch vòi, bới lông tìm vết một cách rất "ấu trĩ" để phục vụ cho một mục tiêu duy nhất. (Con xin lỗi Cha, đó là thực tế đớn đau mà con chắc chắn Cha quá hiểu, Cha từng nghiến răng chấp nhận, để được cho qua nhiều tác phẩm. Bởi, ngoài tâm niệm và khát khao làm nghệ thuật đích thực của Cha, có một thực tế phũ phàng ai ai cũng biết: Cơm áo không đùa với bất kể ai; nhất là trên vai Cha là cả một gia đình đông đúc hơn chục người, cùng mỗi ngày biết bao bạn bè, học trò đã đến tá túc, giao đãi cùng Cha dưới mái nhà mình). Chính với góc nhìn ấy, mà Trần Lực cho xuyên suốt vở diễn, bao trùm không khí sân khấu là đội tăng gia sản xuất, thực chất đó là đội "âm binh" đầy u ám, bặm trợn, hằm hè, đe dọa, như một biểu tượng tối tăm để khiến người ta nhớ đến cái thời mà cuộc sống bị điều hành bởi hệ tư duy một chiều, gò bó, đè nén nghẹt thở ngày xưa ấy. Cùng với đó là diễn xuất quật quã, lăn lộn, bối rối, quẩn quanh, giằng xé đến hoảng loạn của đôi vợ chồng nhà tư sản Đại Cát trong cơn quẫn bách trước nguy cơ đe dọa bị ất trắng tài sản, cơ nghiệp. Và, sự đôi co, cãi vã, cắn xé, chao chát, xỉa xói... giữa bốn mẹ con anh em gia đình tư sản Đại Cát, như làm cái không gian ước lệ của sân khấu bị "xé nát".

Tất cả những nhân vật ấy đã làm chao đảo sân khấu trong cơn mê cuồng mất mát.

Tất cả bọn họ đã bị dồn vào ngõ cụt đen tối không lối thoát. Điểm đỉnh của vở diễn bung ra trong phút chót, khi cả bốn người trong gia đình Đại Cát cùng hét lên những từ "Không" đau đớn, bế tắc trong tuyệt vọng. Cái kết, cũng là điểm đỉnh mâu thuẫn của Quẫn dường như càng bị thắt chặt hơn, dồn nén hơn, khiến người xem nghẹt thở và thấm thía sâu sa hơn nỗi đau đớn, mất mát đến phi lý của gia đình ông Đại Cát - nỗi đau của một thời mà cả xã hội đều phải "hơn hớn" chấp nhận sống theo nếp chỉ đạo "duy ý chí". Một cái kết bùng nổ đầy sức lay động lòng người.

(Trừ mấy nhân vật Hùng, Trinh, hay buôn lậu... vẫn giữ "hơi hướng" vở diễn xưa).

Rõ ràng, phải đứng trong hiện trạng hôm nay, trong cái không khí "thoáng, mở" của nền kinh tế, trong cái không gian đa chiều của cả thế giới ở mọi lĩnh vực, để ngoảnh lại quá khứ, nhìn rõ những hạn chế, lỗi thời của cái cũ bằng trái tim mẫn cảm, nhân bản thì Đạo diễn Trần Lực mới làm nên được một Quẫn "mới" thật tài tình của ngày hôm nay. Ở đây, tôi là người ngoại đạo, nên không lạm bàn về các thủ pháp dựng vở. Tôi chỉ xem, suy ngẫm, cảm nhận bằng tất cả khả năng cảm thụ hạn chế của mình.

Cảm ơn Đạo diễn Trần Lực. Cảm ơn dàn diễn viên trẻ tuổi của ĐHSKĐA Hà Nội đã nỗ lực hết mình để tạo nên một sản phẩm sân khấu tuyệt vời đối với tôi - là "Quẫn hôm nay!".

Cõi thiên thu, chắc chắn Cha tôi đang rạng nét cười!

(Trên giường bệnh, một ngày sau khi xem Quẫn của Cha do Đạo diễn Trần Lực dựng, 17/12/2016).







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét