Lúc này, 17h30 phút, mình mới mở mắt, rời khỏi giường. Người đau ê ẩm, nhưng đau trong sự thở phào, nhẹ nhõm!
Sáng, việc "gần như cuối cùng" của nhiều tuần vừa rồi, là tiễn chị và cháu gái trở về nơi định cư. Giờ thì, cuộc sống sẽ trở về như nó vốn vẫn là vậy...
Những ngày qua, là dịp con cháu chắt của Cha chúng tôi từ bốn phương về hội tụ ngay tại mảnh đất Thúc Kháng, Bình Giang thân yêu-nguyên quán của Người. Nơi đây, những con người chưa từng gặp mặt một thời gian dài trước, đã phóng khoáng, hồ hởi, đầy trách nhiệm... giang rộng vòng tay ấm áp đón nhận đại gia đình chúng ta trở về, trao cho chúng ta những cảm giác tự tin, gần gũi, thân thương và vô cùng xúc động!
Tại đây, những người trò thuộc xứ Đông của Cha đã chẳng quản đường xá xa xôi, chạy đi chạy về, lo toan dàn dựng không gian và chương trình sao cho thật trọn vẹn một buổi Lễ trọng, khi trong lòng họ luôn tự nhủ: cố không để bất kỳ một sơ sảy nhỏ, gây ảnh hưởng cho sự linh thiêng của không khí Lễ.
Cũng tại đây, nhiều ngày trước Lễ, những cán bộ gánh trọng trách của địa phương đã mất ăn mất ngủ, lo từ chuyện an ninh trật tự, hậu cần, đến giao thông đường xá về nơi tổ chức Lễ sao cho an toàn, trôi chảy...
Và cuối cùng, vào ngày 30 tháng 9 năm 2017 đáng nhớ vừa rồi, đại gia đình chúng ta đã cùng hàng trăm bạn bè, người quen, nhân dân địa phương tưởng nhớ tới Cha - Nhà viết kịch Lộng Chương, trong tâm thế hoàn toàn thư thái, thanh thản và đầy tự hào.
Thưa Cha,
Ngay từ khi Cha còn tự tại trên cõi đời này, báo chí, truyền thông, bạn bè, đồng nghiệp, học trò, người thân... mỗi khi nói về Cha đều luôn yêu quý, trân trọng, ngưỡng mộ. Tất cả tình cảm đó dành cho Cha, trước hết con chắc chắn, là bởi cái tâm cái đức Cha dành cho đời, cho người... Điều đó thật đáng tự hào biết bao!
Chú Hà Văn Cầu - GS nghiên cứu Chèo, người tự nhận là "Học trò được thày Lộng Chương cầm tay dạy chữ", đã tặng Cha đôi câu đối, gói gọn "cái chất" trong con người Cha:
* Trọn một đời lấy bút làm gươm, nhếch mép nên câu trào Lộng
* Trải mấy độ coi trò như bạn, dắt tay theo nghiệp văn Chương
Và để kết cho một bài viết về Cha, GS nói: "... Con người có thể qua đi, tác phẩm có thể mòn mỏi, song Anh vẫn còn mãi. Cái còn của Anh thuộc về nhân cách, về đạo đức, về ứng xử, về thái độ đối với lịch sử và xã hội".
Riêng gái út của Cha, đã nhận được từ Cha một món "hồi môn" rất lớn. Đó là khi con đi đâu, gặp bất kỳ ai, nếu biết con là gái út của Cha, thì đều được đón nhận hồ hởi, yêu quý, trân trọng. Con tự hào lắm đó, Cha ơi!
Cuối cùng, nghĩ về Cha trong những ngày tất bật, vất vả vừa rồi, con lại nhớ đến bài viết nhỏ con dùng để đặt dấu chấm hết cho cuối tập thơ của Cha (Tập Ta-Bạn&Đời), con đăng lại để Cha (cùng Mẹ) biết, tấm lòng, tình cảm, sự thấu hiểu về Cha của con, thưa Cha.
Nỗi niềm con đọc thơ cha
Thưa Cha!
Lại một lần nữa con đắm chìm vào khối tài sản tinh thần mà Cha để lại cõi dương gian. Lần này, không phải là những tác phẩm kịch. Cũng chẳng phải những bài nghiên cứu về sân khấu. Mà là thơ - những tác phẩm Cha chưa công bố bao giờ!
Trước nay, chưa ai từng gọi Cha là Nhà thơ. Cũng phải thôi! Sự nghiệp của Cha là sân khấu. Nên, Cha làm thơ chỉ để tải thế sự; cái thế sự giả dối, bon chen, vần xoay, chao chát, mà Cha luôn bất bình và phẫn nộ nhưng cứ phải lẳng lặng đau đớn chấp nhận. Chính vì thế, Cha đành dùng thơ để dồn vào đó Nỗi niềm nhân thế!
Với sự nghiệp sân khấu, Cha đã là một Lộng Chương sáng tạo ra khối lượng tác phẩm đồ sộ và khẳng định vững vàng vị trí của mình trong nền kịch trường nước nhà. Với nhân gian, Cha là một Tính cách Lộng Chương: rộng rãi và bao dung, trách nhiệm và nghiêm túc; nhưng… trung thực đến mạnh mẽ, khảng khái đến bạo liệt, thẳng thắn đến nghiệt ngã! Vậy mà, nhiều ngẫm suy Cha vẫn không thể bộc lộ, bao bất bình Cha vẫn phải kín đáo giữ cho riêng mình trong những vần thơ thế sự. Thế nên, khi nghiền ngẫm thơ Cha, con càng thấu hiểu: Thói đời nghiệt ngã và thế nào là nỗi đau nhân tình không thể thốt bằng lời!
Cha ơi!
Cả cuộc đời Cha đã tận tâm tận lực dành cho sự nghiệp sân khấu nước nhà. Cái chân Thường vụ Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam mấy chục năm Cha gánh và sự nghiệp sân khấu Cha để lại đã minh chứng điều đó. Cha là con ong thợ, cần mẫn trao phấn hoa để đơm trái thơm quả ngọt cho đời. Nhưng hầu hết, trong các văn bản chính thống dường như rất ít hiện diện cái tên Lộng Chương. Bởi Cha chẳng phải ông nọ; cũng không là bà kia. Chẳng sao phải không Cha? Chức quyền để làm gì, nếu sống mà cứ luôn phải e dè, khép nép, lọc lừa, khom lưng luồn cúi… Vì thế, Cha đã chọn cho riêng mình một cách sống - một Tính cách Lộng Chương. Mặc dù con biết, để khẳng định một Tính cách Lộng Chương, Cha đã phải trải nhiều vật vã day dứt đớn đau, để tự lột xác trong tâm thế ngạo nghễ và ngông nghênh, chua cay và khinh bạc với bọn mặt người dạ thú, với thói hư tật xấu; nhưng lại rất nhân hậu và kiêm ái với bạn bè cùng học trò. Một Lộng Chương - như Cha, chưa từng tại vị quyền cao chức trọng. Điều này cũng không khỏi có lúc làm Cha đau đớn. Con hiểu lắm chứ. Bởi, Cha cũng là một con người, như triệu triệu con người bình thường trong cõi nhân gian. Nhưng Cha đã vượt qua được mặc cảm này để mà tự tại và đặt dấu ấn của mình với đời. Tất cả những tâm thế này, đều có trong thơ của Cha. Thế mới đúng là Cha - một Tính cách Lộng Chương!
Và, dù rằng Cha không ở ngôi vị cao của xã hội, Cha hãy tin một điều chắc chắn rằng, Cha đã chiếm vị trí xứng đáng trong trái tim của rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè và học trò của Cha đấy, Cha ơi. Đó là sự tồn tại vững vàng và lâu bền nhất! Điều này, cũng có trong các bài thơ bạn bè cùng học trò tặng Cha.
Nghiền ngẫm thơ Cha, con càng hiểu thêm một điều, sống trên đời thật khó biết bao! Vô cùng khó, nhất là với một người như Cha. Thế mà, Cha đã sống. Sống vững vàng! Sống đúng nghĩa là: Một con người tử tế!
Con gái út của Cha
Hồng Thắm
Đại gia đình chúng ta ơi, vậy là kết thúc một sự kiện quan trọng, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cha/Ông/Cụ Lộng Chương của chúng ta; đón nhận quyết định công bố đặt tên phố Lộng Chương tại thành phố Hải Dương, trong không khí THIÊN THỜI - ĐỊA LỢI - NHÂN HOÀ.
Hẹn gặp lại (có thể) trong những sự kiện tiếp theo. Love All!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét