Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

KỂ TIẾP CHUYỆN VỀ LỄ KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CHA TẠI QUÊ NHÀ


Sau Lễ một ngày, chúng tôi trở lại Thúc Kháng (Bình Giang, Hải Dương) và TP Hải Dương, để đáp lễ những con người đã dành nhiều tình cảm cho Cha tôi - Nhà viết kịch Lộng Chương, trong nhiều ngày tất bật qua. 
Tất cả đều hồ hởi, vui mừng với những gì đã đạt được ngoài mong đợi. Nếu không tính lượng người dân địa phương tham gia buổi tối; ngay từ chiều, số con cháu, bạn bè từ Hà Nội về, từ TP Hải Dương đến, đã tới gần 300 thành viên.
Vậy mà, với kết cấu liên hoàn, Ban tổ chức Lễ của địa phương đã bố trí địa điểm liên hoan cho gần 300 thành viên (UBND xã Thúc Kháng), nơi trông giữ ô tô xe máy (Trường Tiểu học), đến địa điểm tiến hành Lễ (Trường THCS), hết sức thuận tiện và khoa học, khiến mọi người đều ngỡ ngàng và vui sướng.





Những người bạn giữ trọng trách của TP Hải Dương thì khỏi phải nói, họ vui như thế nào! Bởi họ là người chịu trách nhiệm chính về buổi Lễ, từ khâu dựng sân khấu, nội dung Chương trình, cho đến khi kết thúc Lễ vào lúc gần nửa đêm; để chính họ phải điều hành thu dọn “chiến trường”, mà mọi việc cứ trơn chu, trôi chảy.
Lãnh đạo địa phương thì luôn miệng: Đón được (hương hồn) cụ về là niềm tự hào, là trách nhiệm, là tình cảm, là niềm sung sướng… mà không phải địa phương nào cũng có được; nên chúng tôi đã yêu cầu các lực lượng từ y tế, giao thông, hậu cần… phải đảm bảo an toàn mọi mặt trong suốt quá trình diễn ra Lễ
(Khoe tí): Những người bạn ở TP Hải Dương cùng lãnh đạo xã Thúc Kháng đều nói: Nhờ sự hợp tác rất ăn ý của gia đình, mà buổi Lễ đã thu được kết quả thật mỹ mãn!
Điều mà mình muốn nói thêm ở đây: Khi gặp mặt cảm ơn lãnh đạo xã Thúc Kháng, người giữ trọng trách điều hành trong suốt những ngày từ khâu chuẩn bị đến kết thúc Lễ đã thông báo: Rất cảm ơn gia đình, bởi kinh phí sử dụng vừa qua hoàn toàn là do gia đình chuyển về (có một phần nhỏ của TP Hải Dương). Địa phương không phải chi một đồng ngân sách nào! (Riêng mình nghĩ: Công sức và tình cảm của toàn thể lãnh đạo, anh chị em các ban ngành, nhân dân xã Thúc Kháng dành cho Cha mình là không thể đo đếm được bằng tiền!).
Khi nghe thông báo này, lại nhớ đến bài viết: “Chỉ một Anh thôi” về Cha mình của GS Chèo Hà Văn Cầu, trong đó có đoạn:

“… Cuối năm 1951, Anh (tức là Cha mình) tập hợp chúng tôi (Việt Hồ, Phùng Văn Thái, Hoàng Linh và tôi) bàn việc thành lập một Đoàn Văn công cho Liên khu. Chẳng ai có một đồng xu dính túi. Anh bảo:
- Không lo! Việc đó, mình chịu trách nhiệm!
Thế là Anh và tôi lao vào viết vở. Rồi Anh ra phố Rừng Thông (Thanh Hóa), thuyết phục mấy gia đình người Hà Nội tản cư, cho phép các cô con gái tham gia tập kịch với chúng tôi. Chẳng biết Anh vận động như thế nào mà những người chúng tôi đề nghị đều được phép vào làng Sơn Viện tập kịch.
Anh lại đi gặp các anh Viềng, anh Thuấn, anh Ngạn, các chị Phương, Sĩ, Tâm, đại biểu thanh niên Rừng Thông lo việc xây dựng một cái Rạp ở chân núi Phượng để chúng tôi kịp diễn Tết.
Họ đều nhận lời và hôm diễn có tới bảy cái đèn măng-sông, một sự lạ thời tản cư ấy!
Tết năm 1952, chúng tôi diễn ở Rừng Thông, Cầu Bố.
Tiền thu được, trang trải xong nợ nần, chúng tôi còn may sắm được đủ phông màn cho một đơn vị nghệ thuật, lại trang bị cho mỗi người 2m vải sơn để đi mưa (ngày ấy ở ngoài kháng chiến chưa có ni lông).
Khi ra mắt lãnh đạo Liên khu III, bác Lê Thanh Nghị(**) cứ ôm lấy chúng tôi mà khen nức nở về thành tích "lập một đoàn Văn công mà không phải tiêu của dân một xu nào". Thực ra, đó là thành tích riêng của anh Lộng Chương.
Thử hỏi: trong điều kiện chiến tranh cài răng lược lúc ấy, có mấy văn nghệ sĩ làm được công việc tốt đẹp như vậy?
Đó đúng là một hiện tượng! - Hiện tượng Lộng Chương”.

Ngẫm lại cuộc đời Cha, mình cũng rất tự hào về “tư chất” của Người, đã được cũng chính GS Hà Văn Cầu “thách đố” mọi người trong bài “Thay lời bạt”:

 “… Là người có nhiều đóng góp cho sân khấu cách mạng, từ sáng tạo đến đào tạo xây dựng, anh cười cợt và nói bông cả ngày, cả tháng, nhưng tôi dám đánh cuộc với bất cứ ai phát hiện được một sự lệch lạc ở Anh về tiền bạc, về đàn bà hoặc về chấp hành công tác trong suốt nửa thế kỷ qua”...

Có lẽ, Cha mình nơi cõi thiên thu cũng vui lắm về buổi Lễ này. Con/ cháu/ chắt của Cha đã biết gom góp những đồng tiền mồ hôi nước mắt kiếm được, để cùng nhau tổ chức thành công một buổi Lễ trang trọng, linh thiêng, tưởng nhớ đến người Cụ/ người Ông/ người Cha đáng kính của mình.
Chắc chắn Cha cũng sẽ rất vui, vì trong quá trình thông báo, tổ chức chuẩn bị Lễ của Cha, con/ cháu/ chắt đã đồng tâm thống nhất: Chấm dứt chuyện “văn hóa phong bì” - điều đã trở thành vấn nạn chung hiện nay.
Để kết bài viết này, chúng tôi muốn nói rằng: Điều đáng tự hào nhất về Cụ/ Cha/ Ông chúng tôi là: Người đã giành được sự yêu kính, trân trọng, nể vì… trong trái tim nhiều thế hệ học trò, bạn bè, đồng nghiệp, người thân và khán giả từng xem những tác phẩm do Ông sáng tác!
Đó là Giải thưởng lớn nhất, phải không các bạn!?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét