Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

Tia chớp nơi đầu nguồn(*)


Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm  
       
            Cơn mưa đổ ập xuống bất ngờ. Mưa sầm sập. Mưa xối xả. Hai người trên hai chiếc xe đạp vội vã dừng. Nhưng chẳng tìm đâu ra một chỗ trú. Đây là quãng đê trống trải, xung quanh không một ngôi nhà, không một gốc cây to. Mà đi tiếp cũng thật khó, bởi gió hắt chéo làn mưa trắng xoá, mạnh tới mức không thể mở mắt nhìn đường. Họ đành đứng sát vào con đê quai. Trong làn mưa trắng xoá, cô gái ngước mắt nhìn người đàn ông. Nước mưa ướt đẫm trong mắt. Dường như có cả nước mắt lẫn nước mưa. Thày ơi, nước mưa lạnh quá. Thày ơi, em đang run bắn lên đây này. Thày không nhận ra à? 
            Người đàn ông đeo kính cận. Đứng quay mặt nhìn về phía bên kia sông. Chốc chốc lại gỡ kính ra lau nước. Thày biết chứ. Thày biết em rất lạnh. Thày thương lắm. Nhưng chẳng thể nào khác được! Cơn mưa bất chợt. Cả hai người đều không mang áo mưa. Chỉ tòn ten trên ghi đông xe túi nhỏ thức ăn và quần áo. Chắc là bị ướt hết. Phía trước là bến phà rồi. Qua phà, chỉ còn khoảng dăm cây số là đến nơi sơ tán. Cô bé, sắp đến nơi rồi. Cố qua được phà, em sẽ về đến căn nhà đang cùng sống với các bạn. Em sẽ cảm thấy khá hơn. Không biết giờ này, học sinh đã sang đến nơi đủ chưa.
          Mưa có vẻ bớt nặng hạt dần. Gió cũng đỡ mạnh hơn. Hạt mưa không tạt ngang xối xả nữa. Những hạt mưa bắt đầu rơi nhẹ theo chiều thẳng đứng. Người đàn ông quay lại nhìn cô gái. Chiếc áo sơ mi phin trắng cổ lá sen dính chặt vào thân hình mảnh mai, đường nét còn chưa kịp đầy đặn. Vẫn còn trẻ con quá, cô bé ạ. Sao cô bé lại cứ đón đường đợi ta cơ chứ. Sao cô bé không đi trước cùng bạn bè. Nếu ta nghe lời nàng đi sớm, thì liệu bé có gặp được ta không? Đám mây đen trên đầu hai người bị gió thổi trôi đi rất nhanh. Chắc lại đem mưa tiếp tục đi trút ở nơi khác. Không nói không rằng, cô gái dắt xe ra giữa đường, bắt đầu ngồi lên đạp. Thày ơi, em cứ muốn mưa nữa. Em cứ muốn đứng ở trên đê này với thày nữa. Em rét lắm, nhưng em vẫn chịu được. Chỉ cần được ở cạnh thày. Ngay cạnh cơ, thày ạ. Thế mà mưa lại tạnh mất rồi. Thôi, đành... Người đàn ông lặng lẽ đạp phía sau. Cái dáng mảnh mai, trông thương quá. Nhưng liệu bé con đã hiểu hết, thế nào là tình yêu không nhỉ? Trong giờ giảng văn, ta đã thấy ánh mắt bé con nhìn ta như thế nào rồi. Nhưng hãy đừng lẫn lộn. Văn chương là một chuyện. Còn cuộc đời, đừng có liên tưởng như những áng văn, cô bé ạ.
Hai người đã đến bến phà. Phà cũng vừa cập bến. Trên phà còn nhiều chỗ rộng. Trời vừa mưa, nên nhiều người không kịp chuyến. Hai chiếc xe đạp được dựa vào chiếc ô tô tải đỗ chính giữa phà. Người đàn ông rút trong túi ra chiếc khăn mùi xoa, vắt kiệt nước, đưa cho cô gái. Cô bé, lau mặt đi nào. Môi tái xám vì lạnh kìa. Thày ơi, giá mà em được ấp mặt vào ngực thày nhỉ. Mới tạnh mưa được một lúc mà áo thày đã khô. Chắc ngực thày ấm lắm. Chiếc khăn này, thày đã từng lau cho ai chưa? Lau cho vợ thày chẳng hạn. Sao em không phải là người đầu tiên của thày nhỉ? Cô gái vắt lại chiếc khăn, trao trả người đàn ông. Phà đã sang quá nửa sông. Sóng đập ì oặp thân phà. Những con sóng không đủ làm con phà vững chãi chao đảo. Ta đang có một mái ấm cùng nàng. Nàng gắn với ta, ngay tự thuở hai người còn để chỏm. Nàng lũn cũn theo ta đi cắt cỏ. Nàng ngồi trước ta trên lưng con trâu có đôi sừng nguềnh ngoàng. Ta cảm nhận hơi ấm thơ ngây, trinh trắng từ tấm lưng bé nhỏ của nàng. Nàng bọc trong vạt áo củ khoai lang còn nóng, ngấp nghé ngoài ngõ gọi cho ta. Nàng khóc nức nở khi ta giả vờ lặn mất tăm dưới lòng sông Thao. Nàng âm thầm chăm sóc mẹ ta khi đau yếu. Nàng tỉ mẩn gửi, khi chai mắm, lúc lọ muối vừng cho ta khi học xa nhà. Hành trang ta mang theo ra trận, là hình dáng nàng cùng màu xanh bát ngát của rừng cọ đồi chè quyến rũ miền trung du. Ta trở về từ cõi chết cũng là nhờ tình yêu của nàng níu gọi. Còn bé con, ta đã cảm nhận tình cảm của bé từ lâu lắm rồi. Chỉ sau một học kỳ giảng văn cho khối lớp chín. Thương lắm, bé con ạ. Nhưng yêu lại là chuyện hoàn toàn khác. Thời gian đầu ta cũng bị lúng túng. Sang đến lớp mười, khi bé con tỏ rõ tình cảm với ta, ta lại thấy bình tâm vô cùng. Ta biết, bé yêu thích môn văn. Vì thế, bé ngộ nhận. Chỉ còn gần một học kỳ nữa thôi, bé sẽ thi vào đại học. Cuộc đời sang trang sẽ có nhiều mới mẻ. Bé sẽ gặp được người đàn ông đích thực của mình. Khi đó, bé quay nhìn lại quãng thời gian đã qua và mỉm cười nhẹ nhõm. Bé sẽ thấy, ta vẫn luôn là người bạn lớn tuổi đáng tin cậy của mình.
          Như ta và nàng chẳng hạn. Suốt đời sẽ chẳng có ai thay được chỗ của nàng trong tim ta. Nàng bảo, cái nghề của anh, nghèo tiền nhưng lại giàu cái khác. Ta biết nàng nói gì. "Cái khác" nàng nói chính là tình yêu. Ta cũng biết nàng nói thật bụng. Nàng không vì tiền mà đến với ta. Nàng vì "cái khác" mà yêu ta. Nàng lại bảo, nàng tin ta không đem "cái khác" ấy để cho bất cứ ai, ngoài nàng. Ta đã từng sống với niềm tin mà nàng trao gửi trong suốt mấy năm khoác màu xanh áo lính trên vai. Trong một trận giặc càn, ngồi dưới hầm với ta là một cô du kích người địa phương. Trên đầu, cả một đại đội giặc lùng sục gắt gao. Tiếng tên chỉ huy quát lính cục cằn, thô lỗ: "Đ... mẹ, vừa thấy bóng người chạy lúp xúp trong vườn chuối này, lúc tao đứng phía bên con đường lớn ngoài kia. Giờ nó biến mất tăm. Xăm kỹ cái vườn chuối này nghe, tụi bây". Đó là lần ta được giao nhiệm vụ vào một xóm ven đô bắt liên lạc với quân địa phương, chuẩn bị cho trận tổng tiến công vào Huế. Cuộc vây ráp hôm đó của giặc không phải bất ngờ, chỉ là hoạt động thường xuyên của chúng. Cô du kích người địa phương rất bình tĩnh, nghe tiếng quát của tên chỉ huy, còn nhoẻn cười, thì thào vào tai ta, giọng lả lơi: "Cứ để cha nội đó xăm đi anh. Đến cố tổ nó cũng chẳng tìm thấy hầm của chúng ta đâu. Cụm chuối ni được trồng trên một tấm thép dày đó. Đêm anh đói, em đội hầm lên, vặt chuối ngự xuống ăn. Thơm hết chê đó anh". Hơi thở của cô phả vào má ta ngọt ngào. Đôi nhũ hoa tì mạnh bên vai ta, nóng rực. Ngay lúc đó, trong đầu ta, hình bóng nàng lại hiện ra mới lạ chứ. Nàng nhoẻn cười, hàm răng trắng bóng. Lẫn với giọng Huế ngọt ngào của cô du kích, ta lại nghe rõ tiếng nói dịu dàng vùng đồi núi trung du phía Bắc của nàng: "Em biết, anh chỉ giành "cái khác" ấy cho em thôi!". Ta còn cảm thấy cái vị ngọt lịm của củ khoai lang nướng, nàng đưa vào miệng ta, trong cái đêm chia tay đầu làng để hôm sau tiễn ta lên đường nhập ngũ. Khi đó nàng bảo: "Anh ra chiến trường, nhớ bảo toàn "cái gáo". Để khi về, còn giảng tiếp cho em nghe bài thơ: "Trên dòng Hương Giang" đấy nhé". Nàng thích bài thơ ấy. Nàng thương cho số phận cô gái làng chơi bị dập vùi, dày vò đến rách nát. Nàng xót xa khi nghe tiếng than ai oán của cô trong những câu thơ: "Trời ơi em biết khi mô. Thân em hết nhục dày vò năm canh. Tình ơi gian dối là tình. Thuyền em rách nát còn lành được chăng?"... Khi ta bình giảng đến đoạn thơ đó, mắt nàng dõi lên bảng nhìn ta đăm đắm, long lanh, ươn ướt. Trong cái đêm nằm dưới hầm bí mật cùng cô du kích địa phương, khuôn mặt nhẹ nhõm, dễ thương của nàng luôn chập chờn, níu gọi, làm ta nhớ quay quắt về một miền quê trung du đầy nắng, đầy gió và những vùng đồi cát sỏi mênh mông. Bên cạnh, cô du kích oằn mình trăn trở. Tiếng thở dài day dứt của cô luôn vọng đến tai ta từ phía đầu kia căn hầm. Ta nằm lặng ngắt, cố đặt sát đôi chân vào vách hầm, tránh mọi sự đụng chạm mời gọi, thầm mong có tín hiệu quen trên mặt đất, để được đội nắp hầm chui lên. Tha lỗi cho tôi, tôi không thể... cô du kích ạ. Hãy cho tôi tiếp tục nhận được tình cảm quý trọng, yêu thương của nàng. Kỷ niệm về người con gái dũng cảm trong một lần như thế này đã là vô giá. Tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời mình...
          Phà đã cập bến. Hai người tiếp tục cuộc hành trình. Sau khi dắt xe qua khỏi dốc, họ ngồi lên và đạp. Bóng tối bắt đầu nhè nhẹ lan toả. Gió mơn man, mang hơi ẩm ngọt ngào. Không khí mát dịu sau trận mưa. Thỉnh thoảng có người đạp xe ngược về phía bến phà. Lại có cả những người đi cùng chiều, vượt lên vội vã. Thày ơi, sắp đến nơi trường mình sơ tán rồi. Em sẽ phải chia tay thày, để về căn nhà chúng em được dân cho ở nhờ. Mấy đứa cùng trọ sẽ lại căn vặn em: Sao mày sang muộn thế? Đi một mình à? Đến chỗ bọn mình hẹn nhau để cùng đi, đợi mãi chẳng thấy mày đâu, chúng tao đi trước. Hay lại "đánh lẻ" với Hải "đơ" đấy? Em sẽ phải bịa đủ lý do để trả lời chúng nó. Cũng là để trả lời Hải "đơ" nữa. Chúng nó biết Hải "đơ" thích em. Nên chúng nó tưởng em hẹn đi riêng với Hải "đơ" mà thày. Thôi kệ, chúng nó tưởng sao cũng được. Miễn là chúng nó không biết, em đi cùng thày. Mai có tiết thày giảng đấy. Nhưng em buồn lắm. Em sẽ lại chỉ ngồi ở dưới, ngước mắt lên bảng, cảm nhận sự xa cách vời vợi với thày! Em sẽ lại rơi vào cảm giác xót xa, thương mến, khi thấy bụi phấn rơi đầy trên vai áo thày. Lại vang lên trong tai em câu hát: "Khi thày viết bảng, bụi phấn bay bay... ".
Lúc chiều, nàng bảo, anh sang trường sớm đi, kẻo trời mấy hôm nay hay mưa về chiều. Một lúc nữa em cũng chở con về chỗ sơ tán của cơ quan. Ta cứ lần lữa để chơi với con gái. Xa nó, ta nhớ quá. Ta nhớ cả nàng. Từ hôm Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, gia đình ta, cũng như bao gia đình khác, chia năm xẻ bảy. Nàng đưa con đi sơ tán theo cơ quan, tận mãi gần thị xã Bắc Giang. Ta đưa học sinh sang một làng cách phà Chèm dăm cây số. Khoảng vài ba tuần, cả nhà mới có dịp gặp nhau. Có tuần không hẹn được nàng, mình ta về Hà Nội. Căn phòng nhỏ xíu vắng bóng nàng, lặng tiếng bi bô của đứa con gái nhỏ, lòng ta quặn thắt, trống trải lạ thường. Sự nghiệt ngã của chiến tranh thì ở đâu cũng vậy, dù ở nơi đạn bom khốc liệt, hay tận cùng sâu thẳm xó hậu phương, chỉ khác nhau ở cách thể hiện bên ngoài. Ta quanh quẩn trong căn phòng chỉ mươi mét vuông, mà thấy nó mênh mông, lạnh lẽo quá. Khi còn ở chiến trường, lúc đạn bay viu víu qua đầu, bom cày xới tung đất xung quanh, là lúc ta chẳng nghĩ gì hết. Chỉ khi rơi vào khoảng lặng giữa hai trận đánh, ta mới cảm nhận mọi ngóc ngách tàn bạo nhất của chiến tranh. Mảnh đạn nhỏ xíu còn nằm sau mang tai và vết sẹo ngực bên trái ta là chiến tích của trận tổng tiến công vào Huế. Rất may, viên đạn đi sát cuống tim, chệch lên phía vai, nên ta chưa đến nỗi phải đem theo hình dáng nàng về cõi hư vô. Tuy vậy, vết thương mất khá nhiều máu, đến nỗi ta ngất đi và xuýt bị đưa vào con số tử vong của đơn vị. Ta được chuyển ra Bắc. Sau khi bình phục, ta trở lại với nghề.
Chờ cho hai mẹ con nàng đi trước, ta mới lên xe sang nơi trường sơ tán. Vậy là, đến đầu phố lại thấy bé đang đứng chờ. Đêm qua, nàng hỏi ta về bé. Ta không giấu nàng. Ta đã kể hết nàng nghe về một cô bé yêu thích môn văn. Về một đôi mắt đen tròn với ánh mắt dỗi hờn con trẻ luôn bám riết ta trong những giờ đứng trên bục giảng. Về sự quấn quýt công khai của bé đối với ta trong mấy tháng qua. Nàng im lặng hồi lâu, nắm tay ta thật chặt. Ta hiểu, nàng tin ta. Nàng luôn là người độc quyền "cái khác" của ta - theo cách nàng gọi tình yêu ta dành cho nàng. Khi ta tốt nghiệp sư phạm, được trở về quê dạy học, nàng bắt đầu vào lớp cuối cấp. Sau mỗi buổi học, ta và nàng rủ nhau đi dạo trên một đồi phi lao gần trường. Mùa hè trung du, trời trong lắm. Trăng trung du cũng như sáng hơn mọi nơi, có thể soi rõ từng con chữ trên trang sách. Gió thổi vi vu mát rượi. Ngồi bên ta cạnh một gốc phi lao, nàng còn giở cuốn sổ nhỏ, đọc những câu châm ngôn về tình yêu, về cuộc sống lứa đôi. Qua những câu châm ngôn đó, nàng như muốn gửi gắm thông điệp tình cảm con tim mình, mà nàng không muốn trực tiếp nói ra. Ta ôm nàng, khẽ nắn cái bờ vai mảnh mai dưới làn áo mỏng. Nàng run lên, úp mặt vào ngực ta tin cậy.
Năm nàng học hết lớp mười, không có điều kiện học tiếp đại học, nàng xin đi học trung cấp kế toán. Ta và nàng hẹn, sau hai năm nàng học xong sẽ tổ chức lễ cưới. Nhưng rồi, chiến tranh đã cuốn ta đi. Trận tổng tiến công năm Mậu Thân đã kịp để lại dấu ấn đạn bom trên thân thể một anh giáo dạy văn luôn khát khao với nghề.
          Cụm tre đầu làng nơi trường sơ tán đã hiện ra trước mặt. Chợt cô gái bóp phanh, dừng xe lại. Người đàn ông bị bất ngờ, cũng phanh theo, bánh xe trước dừng sát nơi bàn đạp bên phải cô gái. Thày ơi, sắp chia tay thày rồi. Dù mai có gặp lại cũng xa cách lắm. Chỉ những ngày nhà trường cho phép về Hà Nội, em mới có dịp được gần gũi thày trong mấy tiếng đồng hồ đi lại thế này. Hà Nội đang ở phía sau em và thày. Về nơi đó, dù có cha, có mẹ, em vẫn thấy chơi vơi, buồn bã. Nhớ thày đến nôn nao. Em tưởng tượng cảnh gia đình thày xum họp sau mấy tuần xa cách, mà tim nhói buốt, xót xa. Em như nhìn thấy thày và người đàn bà ấy ngồi bên mâm cơm. Đứa con gái nhỏ bê cái bát nhựa bé xíu, tay nắm chiếc thìa nhỏ, vụng về xúc cơm ăn. Quanh miệng bé dính đầy cơm. Thày và người đàn bà ấy nhìn con, cười hạnh phúc. Em như nghe thấy câu giục giã âu yếm: Anh ăn đi. Còn thày: Sao em lại gắp thức ăn cho anh nhiều thế. Sau bữa cơm, đứa con gái nhỏ đi ngủ. Thày và người đàn bà ấy ngồi bên nhau âu yếm trò chuyện. Không... Không... Không... Em không muốn nghĩ thêm một giây phút nào nữa! Em đau đớn nhận ra thân phận của kẻ đến sau. Sao không phải là em mà lại là người đàn bà ấy, trong vòng tay của thày cơ chứ? Ôi, cái vòng tay mạnh mẽ, khoẻ khoắn, mê đắm. Và cả giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, truyền cảm mà em được biết đã gần hai năm. Em khát khao được sở hữu cái vòng tay ấy, chất giọng nói ấy. Chỉ cần một tín hiệu nhỏ từ thày, dám chắc, em sẽ ngả ngay đầu lên bờ vai của thày. Nhưng mọi thứ sao vời vợi quá thày ơi! Nhiều khi em muốn gào lên: Thày ơi, bỏ cái bộ mặt cao đạo ấy đi. Thày là thày. Vâng, bao giờ cũng là thày! Nhưng thày còn là một người đàn ông. Hãy là một người đàn ông với em, đi thày. Nhưng em không thể! Chỗ em ngồi, chỉ cách bục thày đứng ba dãy bàn, mà trước mắt em là cả một khoảng không xa cách vô tận. Em hồi hộp chờ tiếng chân thày bước vào lớp. Tim em nghẹt thở khi thày cất lời. Tay em run bắn trước trang giấy trắng. Thân thể em rã rời, suy sụp. Chống tay vào má, em cúi gằm xuống bàn, giấu đi bộ mặt thê thảm của mình. Quanh em là lũ bạn gái tinh nghịch và bạo nói. Liệu chúng nó có nhìn thấy bộ mặt em những lúc như thế? Liệu chúng có ré lên: "Chớp được tim đen rồi đấy nhé"? Em sợ chúng nó lắm. Em sợ một ngày kia, chúng nó còn truy em về những chuyến đi về "đánh lẻ" này. Thày nói gì với em đi chứ. Sắp về đến nhà trọ rồi. Sáng mai sẽ có tiết của thày. Lại một lần tiếp tục em bị hành xác, có phải? Từ cuối học kỳ một lớp chín đến giờ, thân xác em luôn phải chống đỡ nhọc nhằn với con tim lúc nào cũng có thể nổi loạn. Đôi khi, sự sợ hãi về điều cấm kỵ lại vò xé, đe doạ em.
Tim cô gái đập dồn. Tiếng đập bình bịch khiến cô thấy nghẹt thở. Cô nhìn người đàn ông trân trối, chờ đợi. Một cơn gió làm tung bay lọn tóc xoã ngang vai, hất che cả một bên má bầu bĩnh của cô. Người đàn ông hiểu ý định dừng xe của cô gái. Vẫn ngồi trên xe, chống một chân xuống đất, người đàn ông gỡ kính ra khỏi mắt, vẫn im lặng. Chợt, cô gái đưa tay phải lên chiếc khuy cổ của người đàn ông, định cài lại. Nhân cơ hội đó, cô đứng sát thêm vào người đối diện. Người đàn ông nhẹ nhàng giữ tay cô gái lại. "Nào em, cứ để mặc thày". Tay trong tay, lần đầu tiên trong suốt chuyến đi, người đàn ông lên tiếng. "Bài văn kiểm tra một tiết vừa rồi của em sao vậy? So với sức học của em, nó đuối quá". Cô gái run bắn lên: "Sao lại là bài văn lúc này hả thày? Em đợi thày nói về một điều khác cơ". "Điều gì, cô bé? Em có nhớ chỉ còn ba tháng nữa là thi tốt nghiệp không? Đó mới là điều quan trọng nhất". Cô gái nức nở: "Không... thày ơi. Thày... quan trọng nhất...". "Nào... nín đi, cô bé". "Không, em không phải là cô bé". "Thày hiểu. Nhưng không thể khác được. Rồi em sẽ bình tâm trở lại". "Nếu em không thể...". "Không có gì là không thể cả, cô bé ạ. Tất cả sẽ qua đi... Nào, lên xe thôi". "Nhưng... thày ơi". "Em đã soạn bài văn ngày mai chưa? Có thể, thày sẽ gọi em lên bảng...". "Em...". "Về với các bạn thôi nào". Cô gái miễn cưỡng đạp theo xe người đàn ông. Chân trời phía bên kia sông, chỉ còn những tia chớp vẫn nhì nhoằng loé lên nơi đầu nguồn.
          Ba mươi năm sau...
          "Thày... em đây". "Ồ, cô bé... thày xin lỗi". "Không, thưa thày... luôn là như thế... em vẫn là cô trò nhỏ, trước thày". Họ gặp nhau ngay cửa khách sạn. Một người đàn ông và một người đàn bà. Cửa thang máy khép lại, từ từ đi lên. "Đã ba mươi năm rồi nhỉ?... Một quãng thời gian khá dài". "Vâng. Thật dài... thày ạ. Em đang ở độ tuổi U50". "Trời đất". "Độ tuổi đủ để em bình thản nhìn về quá khứ... Để... không tủi thẹn". "Sao lại phải tủi thẹn cơ chứ? Em đã quá thành đạt". Người đàn bà trông thật khoẻ khoắn, trẻ trung, mạnh mẽ trong chiếc áo da màu đồng đúng mốt và chiếc quần bò màu xanh sẫm, nhìn thẳng vào mắt ông, tia nhìn ấm áp, biết ơn. "Cảm ơn thày. Cảm ơn những giờ bình giảng văn học thật hấp dẫn và cuốn hút... Những kỷ niệm về thày đã giúp em vững vàng và tự tin trước bao thử thách của cuộc đời". "Thật mừng khi nghe em nói. Tôi hiểu, rất hiểu. Dù sao, những thời khắc khó khăn cũng đã qua. Chẳng riêng gì với em. Cả tôi cũng phải cố, cố rất nhiều... cô bé ạ". Người đàn ông thì thầm thú nhận. Cái cô bé mặc chiếc áo sơ mi trắng cổ lá sen, mảnh mai của ba mươi năm trước đâu rồi nhỉ? Bến phà năm xưa, nơi ghi dấu những cuộc đón đưa run rẩy của một tâm hồn non nớt, khát khao tìm kiếm bí ẩn trái tim, nay đã không còn. Tiếng sóng vỗ ì oặp của lòng sông, giờ chỉ có thể tìm lại trong tâm tưởng khi phóng nhanh trên cây cầu bốn làn xe vắt ngang qua lòng sông Hồng ngầu đỏ phù sa!
          Cửa thang máy mở. Người đàn ông và người đàn bà bước ra. Vỡ oà trước mặt họ là một tấm băng rôn lớn: "Chào mừng kỷ niệm ba mươi năm..." và mấy chục khuôn mặt rạng rỡ, tươi cười, ấm áp, ùa ra đón họ.
                                                                                                              
(*) - Tâm huyết Nhà giáo 11/2005
    - Tâm huyết Nhà giáo 4/2007 (Tái bản)
 - Tập truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Mùa của ngày hôm qua 11/2007
Tập truyện ngắn Nốt nhạc trầm, NXB Hội Nhà văn, 2014


1 nhận xét:

Phạm Hồng Thắm nói...

Từ một câu chuyện tình có thật của một người bạn cùng lớp thuở thiếu thời. Đến giờ đã ngót 50 năm. Ôi cuộc đời... đã qua nửa thế kỷ...

Đăng nhận xét