Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT

“CHÁT” VỚI BÁC LỘNG CHƯƠNG

                                                                                                                Nhà Biên kịch ĐỖ TRÍ HÙNG

Trước hết, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới chị Phạm Hồng Thắm, anh Lê Tiến Thọ - những người đã tin tưởng và tạo cơ hội cho tôi được đứng ở vị trí này, trong buổi hội thảo rất trang trọng kỷ niệm 100 năm sinh một bậc thày của nền sân khấu nước nhà - cố Nhà văn, Nhà viết kịch Lộng Chương.

Tôi có những lý do để ngại ngùng khi được trao quyền phát biểu về một bậc thày, bởi giữa tôi và ông là khoảng cách quá xa về tầm cỡ và thời gian; ngoài ra công việc của tôi là viết lách, chỉ quen ngồi trước máy tính gõ bàn phím thôi.

Nhưng do tình cờ rất may mắn, nên tôi được là người biên tập kịch bản Quẫn của bác Lộng Chương, để giúp người bạn đạo diễn Trần Lực làm bài tốt nghiệp cho học sinh trường Sân khấu - Điện Ảnh. Bởi vậy, tôi cũng có vài lý do để “cung kính không bằng vâng lời”, vì đây là cơ hội cho tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ tới một “bậc thày của nhiều bậc thày”; mặt khác, tôi có thể trình bày suy nghĩ của mình về cách tiếp cận khám phá một tác phẩm thuộc hàng kinh điển của sân khấu nước nhà.

Và như người ta thường nói: Văn là người; khám phá tác phẩm còn để hiểu hơn về tác giả, nhất là tác giả đó là một tên tuổi lớn!

                                                                          *          *          *

Những tác phẩm lớn của văn học nói chung và sân khấu nói riêng, luôn có nhiều tầng ý nghĩa, và mỗi tầng ý nghĩa đó được bộc lộ ra theo những cách khác nhau tùy thuộc trình độ nhận thức, quan điểm của người thưởng thức; thậm chí, có những lớp ý nghĩa phải trải qua một thời gian dài, khi thời đại thay đổi, các hệ giá trị cùng hệ thẩm mỹ thay đổi, người ta mới nhận ra.

Bởi vậy, những tác phẩm lớn luôn giữ nguyên giá trị thời sự, cho dù lịch sử dân tộc và đất nước thay đổi thế nào.

Nội dung kịch bản “Quẫn” -  mọi người đều đã biết - kể về gia đình tư sản Đại Cát trước chính sách công tư hợp doanh của nhà nước, giai đoạn những năm 50-60 của thế kỷ trước, thực chất là quốc hữu hóa tài sản và tư liệu sản xuất của giai cấp tư sản, là bước khởi đầu cuộc đấu tranh giai cấp, tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đại Cát cùng vợ đã tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để có thể cất giấu và phân tán số tài sản không chỉ của bản thân họ, mà còn là của cha ông, của dòng họ nhiều đời tích lũy được. Hành động của vợ chồng Đại Cát bị chính con đẻ là Thúy Trinh và Hùng - bạn trai của cô, phản đối quyết liệt. Cuối cùng, nhờ sự đấu tranh kết hợp việc vận động giải thích của Trinh - Hùng, ông bà Đại Cát đã giác ngộ và tự nguyện đem của cải tài sản đóng góp cho nhà nước, cho công tư hợp doanh.

Vào thời điểm kịch bản ra đời, xét theo bề mặt của nội dung câu chuyện, thì rõ ràng ông bà Đại Cát là nhân vật tiêu cực, đại diện cho lực lượng bảo thủ lỗi thời, cố níu kéo cái địa vị xã hội dựa trên số tài sản mà họ sở hữu; hoặc nói cách khác là, họ cố giữ địa vị giai cấp của mình.

Thời điểm đó, do tính thời sự nóng hổi, kịch Quẫn đã tạo cơn sốt trong đời sống sân khấu kịch nói Thủ đô. Lại được đạo diễn tài hoa bậc thày Trần Hoạt dàn dựng, nên Quẫn có sức trường thọ tới hai mươi năm với cả ngàn đêm sáng đèn sân khấu. Theo những tài liệu tôi đọc được thì, mỗi đêm diễn thời đó khán phòng luôn chật khán giả và tiếng cười không dứt suốt năm hồi kịch.

Chính từ vở Quẫn, tác giả Lộng Chương đã được tôn vinh lên hàng ông tổ hài kịch, là Danh thủ hài kịch… và nhiều danh hiệu vinh quang khác.

Nụ cười của khán giả dành cho vở hài kịch ở thời điểm đó, đương nhiên là nụ cười đả kích châm biếm sự bảo thủ lạc hậu, thậm chí là phản động, của giai cấp tư sản mà đại diện là ông bà Đại Cát.

Thời điểm đó, nhân vật tư sản địa chủ đương nhiên là người xấu, mặc định là xấu; và không ai cần thắc mắc, bởi cả một thời đại được tạo niềm tin như vậy.

Nhưng ngày nay - với khoảng thời gian quá nửa thế kỷ - chúng tôi có quyền đặt câu hỏi, có quyền thắc mắc với thế hệ tiền bối. Vì thế, để tìm hiểu về tác giả, hiểu rõ hơn về kịch bản và dàn dựng thành công Quẫn, Lucteam đã có cuộc “đối thoại” thẳng thắn với tác giả - cố Nhà văn - Nhà viết kịch Lộng Chương - về những điều mà Lucteam còn băn khoăn.

Đây là cuộc đối thoại giả định giữa Lucteam với bác Lộng Chương về các vấn đề của nội dung kịch bản.

                              *          *          *

Lucteam:

Thưa bác Lộng Chương, vở Quẫn của bác chúng cháu công nhận là hoàn hảo về mọi mặt, từ cấu trúc hình thức đến nội dung, đều đạt đến tầm kinh điển của HÀI KỊCH CHÂM BIẾM. Câu hỏi của chúng cháu là, nếu hành động cất giấu và tẩu tán tài sản của vợ chồng Đại Cát là hành động xấu, đáng để ta đả kích châm biếm và lên án, thì BẢN CHẤT của sự xấu xa đó là gì? Nói cách khác, lý do gì để có thể kết luận hành động đó của ông bà Đạt Cát là hành động xấu?

Nếu khối tài sản của gia đình Đại Cát là xấu, là tài sản phi nghĩa, và sự sở hữu nó là không chính đáng, thì chí ít phải có một - hai lớp kịch thể hiện sự xấu xa đó. Chẳng hạn như cảnh: đám công nhân xưởng dệt đến tận nhà ông bà chủ Đại Cát, kêu khóc về việc họ phải lao động 14 - 15 tiếng một ngày, mà lương thì không đủ ăn. Như vậy, khán giả ắt hình dung được khối tài sản của ông bà Đại Cát là nhờ bóc lột thậm tệ người lao động, và hành động cất giấu tài sản của vợ chồng họ chắc chắn là hành động đáng đả kích lên án.

Lộng Chương:

Thời đó, cứ nhân vật tư sản địa chủ thì đương nhiên là xấu rồi, nhận thức cùng tâm lý thời đại là vậy; khán giả cũng đã được giáo dục như vậy rồi, nên không ai thắc mắc như các cháu đâu. Bởi thế tôi không cần phải viết những cảnh đó.

Lucteam:

Cháu không quan tâm mọi người nghĩ thế nào, mà cháu muốn biết bác nghĩ thế nào cơ. Nếu bác nghĩ họ - giai cấp tư sản - là xấu thật, hẳn bác đã viết những cảnh đó. Nhưng bác không viết, vậy bác KHÔNG NGHĨ họ xấu. Đúng không ạ? Nhưng nếu bác không nghĩ họ xấu, sao bác lại CHÂM BIẾM họ?

Lộng Chương:

Không nghĩ họ xấu thì không được châm biếm à? Mà này… các bạn trẻ, làm sao các bạn dám chắc rằng: cứ CHÂM BIẾM thì đối tượng CHÂM BIẾM là XẤU? Nhỡ tôi châm biếm chỉ để nói về thứ đằng sau - thứ sinh ra hoàn cảnh đó, thì sao? Các bạn hãy đọc kỹ “Quẫn” đi!

Lucteam:

Vậy tuyến nhân vật Thúy Trinh - con gái ông bà Đại Cát, cùng anh bạn trai tên Hùng, đương nhiên là tuyến tích cực, đại diện cho lớp trẻ tiến bộ. Cả hai tuy rất cố gắng ngăn chặn hành động cất giấu tài sản của ông bà Đại Cát, đồng thời giáo dục tư tưởng cho họ; nhưng dường như chính bản thân đôi trẻ này cũng chưa biết rõ mục đích việc mình làm là gì, họ hành động chỉ vì niềm tin vào CÁI CHƯA BIẾT. Và như vậy, họ chỉ là những cỗ máy(!) Rõ ràng là, những câu thoại của Trinh - Hùng đã được lặp lại khá nhiều lần, rằng “Tương lai của chúng ta không cần tới của cải vàng bạc!”. Vậy tương lai đó là gì, chắc họ cũng không hề biết?

Lộng Chương:                                                                        

Đúng vậy! Nhưng con người nói chung luôn tin vào cái chưa biết, thậm chí luôn tin vào cái họ chả bao giờ biết là cái quái gì. Như thế mới có tôn giáo chứ, đúng không? Mà con người ở đâu cũng vậy và lúc nào cũng vậy.

Lucteam:

Vậy rốt cuộc ý bác nói gì? Gia đình tư sản Đại Cát đúng hay sai? Cả việc công tư hợp doanh của nhà nước thời đó - thông qua tuyến chính diện Trinh và Hùng - là đúng hay sai?

Lộng Chương:

Các cậu đoán xem, ý tôi là: ai đúng ai sai?

Lucteam:

Chúng cháu chịu. Nhưng, cứ theo nội dung vở kịch thì có vẻ như tư sản Đại Cát là sai, mà cháu chả thấy cảnh kịch nào bác viết rằng TẠI SAO HỌ LẠI SAI; cũng như tuyến Trinh - Hùng là đúng, thì cháu cũng chả thấy cảnh nào cụ thể để bảo rằng họ ĐÚNG?...

Lộng Chương:

Các chàng trai trẻ, đừng hỏi câu hỏi đúng - sai như vậy nữa được không? Thời điểm lịch sử đó, người ta thấy cần công tư hợp doanh thì người ta phải thực hiện thôi, còn kết quả của nó là gì, nó đúng hay không thì... ai mà biết được. Giai cấp tư sản, cụ thể là gia đình Đại Cát phải nộp tài sản cho nhà nước, thì phải nộp thôi. Còn tài sản của họ có xấu xa hay không, tôi cũng chịu, không dám khẳng định đâu.

Lucteam:
Nhưng bác đã khiến khán giả châm biếm họ?

Lộng Chương:

Khán giả thời đó là vậy! Còn các bạn trẻ, không lẽ các bạn cũng là họ hay sao? Nếu vậy tôi thất vọng quá! Câu chuyện của tôi kể với các bạn là như vậy thôi. Thời của chúng tôi, chuyện này diễn ra hàng ngày, và nó hiển nhiên đến mức, ai đi ngược lại xu thế đó sẽ bị châm biếm. Nhưng, các bạn thấy đấy, tôi không nói ai đúng, ai sai đâu nhé! Bởi tôi nghĩ, việc hôm nay bị coi là sai, rất có thể ngày mai, khi hoàn cảnh thay đổi, nó sẽ được coi là đúng; và, ngược lại, việc hôm nay tưởng đúng, có khi ngày mai là sai. Thế nên, nụ cười của các vị hôm nay là diễu cợt châm biếm ai đó, thì sau này, rất có thể nụ cười ấy lại hóa thành cay đắng chua xót đấy!”.

 

Cuộc trò chuyện trứ danh kết thúc, và chính thái độ của Nhà viết kịch đồng thời là Nhà tư tưởng lớn - bác Lộng Chương - đã tạo điều kiện cho chúng tôi biên tập kịch bản Quẫn theo cái hướng là: Nụ Cười có mùi vị Cay đắng và chua xót, thay vì nụ cười châm biếm đả kích trước đây.

Ảnh: Cảnh trong kịch Quẫn của Lucteam
                                        

                   Hơn hai trăm năm trước, triết gia lớn người Anh - John Stuart Mill, nhà tư tưởng dân chủ tư sản, người đặt nền móng tư tưởng cho hiến pháp Mỹ, đã viết cuốn sách nổi tiếng “Bàn về tự do”; trong cuốn sách đó ông nêu luận điểm lừng danh “Con người sinh ra có quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu. Đó là những quyền tự nhiên bất khả xâm phạm”.

                  Rõ ràng, Triết gia này đã đặt quyền sở hữu như là quyền tự nhiên thiêng liêng, ngang với quyền sống, quyền tự do của con người. Từ bỏ quyền sở hữu cũng không khác gì từ bỏ quyền tự do và quyền sống vậy.

                  Thế thì, điều gì khiến ông bà Đại Cát - ở phần kết kịch của bác Lộng Chương - lại tự nguyện vui vẻ nộp tài sản, tức là từ bỏ quyền sở hữu thiêng liêng đó của mình?

                  Điều gì khiến họ, từ chỗ tìm mọi cách, mọi thủ đoạn, dồn hết năng lực tinh thần vào việc cất giấu tài sản, rồi bỗng dưng tự nguyện vui vẻ giao nộp như vậy?

                  Tôi không tin vào mấy lời thuyết giáo thuộc lòng của cặp đôi miệng còn hơi sữa kia - Thúy Trinh và Hùng - lại có thể dễ dàng thay đổi được ông bà Đại Cát.

                  Và tôi chắc tin rằng, bác Lộng Chương cũng không tin điều đó!

                  Bởi lẽ, câu trả lời vốn đã được cài sẵn từ trước, từ miệng Đại Cát: Sống thời nào phải theo thời đó thôi!

                  Và kết cục của kịch, bác Lộng Chương cho nhân vật tự nguyện nộp tài sản, dường như bác muốn nói thêm rằng: Không tự nguyện, liệu có giữ được tài sản không?

                  Tôi tin chắc bác Lộng Chương muốn nói điều đó, nhưng ở thời điểm ấy bác không thể nói. Vì vậy, hôm nay tôi cùng với Đạo diễn Trần Lực xin được nói thay bác bằng ngôn ngữ Kịch hiện đại - ngôn ngữ biểu hiện ước lệ của Lucteam, mà quý vị sẽ xem vào tối nay - Kỷ niệm 100 năm sinh Nhà viết kịch Lộng Chương.

 

      Vâng, thưa quý vị.

                  Chính những lớp kịch mà tôi thắc mắc, những lớp kịch mà nhiệm vụ của nó là đưa phán quyết cái gì đúng, cái gì sai, đã không bao giờ được viết ra, khiến vở kịch có tầm vóc lớn.

                  Chính cái thái độ được giấu kín của bác Lộng Chương, mà hậu thế mới có cơ hội để tìm hiểu, để có thể diễn tả lại theo đúng cách của chúng tôi, mà thực chất là để làm rõ hơn tư tưởng của bác, rằng: Đằng sau một tấn hài kịch, luôn có cơ sở của một thực tại bi kịch, và ngược lại.

                  Chính điều này đã làm nên kích cỡ của tác phẩm lớn, làm nên sức sống của nó.

      Và, ngay cả khi cái chủ đề về quyền sở hữu không còn là chủ đề thời sự nữa, thì những thế hệ nghệ sỹ tương lai vẫn có thể phát hiện ra ý nghĩa mới của tác phẩm Quẫn. Đó là ý nghĩa nhân văn muôn thuở, là triết lý về thân phận con người, và nó luôn hiện hữu với bất cứ quốc gia hay dân tộc nào.

                  Trong vở Quẫn, ông bà Đại Cát, (hay có thể là bất cứ ai trên thế giới này), họ chỉ là cá nhân nhỏ bé, bị quăng vào một hoàn cảnh họ không được lựa chọn, vào một thời điểm họ không mong muốn, cho dù họ ra sức vùng vẫy nhằm bứt khỏi hoàn cảnh đó, muốn vượt qua thời điểm đó, nhưng mọi cố gắng của họ đều trở thành vô nghĩa.

                  Với ý nghĩa đó, tôi tin Quẫn là một số ít, trong số những tác phẩm lớn của sân khấu Việt, còn sống mãi với thời gian!

 

      Xin cảm ơn!

7/1/2018

 


1 nhận xét:

Phạm Hồng Thắm nói...

Mình rất tâm đắc với những nhận định trong bài viết này của Đỗ Trí Hùng. Rõ ràng một người sống rất vì cuộc đời, vì tất cả những cái gì tốt đẹp nhất cho sân khấu Việt Nam, được bạn bè, học trò trên cả nước yêu mến, ngưỡng mộ, không thể "đánh" tư sản như mọi người hiểu. Đọc Hài kịch Quẫn và xem Lucteam diễn, phải hiểu được ý tứ sâu sa, khi tác giả muỗn chúng ta hiểu rằng: "Đằng sau một tấn hài kịch, luôn có cơ sở của một thực tại bi kịch, và ngược lại".
Cảm ơn Trí Hùng!

Đăng nhận xét