GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT
ĐỌC LẠI “HẦU THÁNH” CỦA LỘNG CHƯƠNG
Pgs. NGUYỄN
BÍCH THU
Nhà
nghiên cứu phê bình văn học
Ngày Hầu
thánh hiện diện trên văn đàn, người khai sinh nó mới ngoài hai mươi tuổi.
Vậy mà trên từng trang tiểu thuyết, người đọc vẫn cảm thấu một giọng văn giàu
trải nghiệm; với góc nhìn tinh tế, nhậy bén, từ nhiều góc độ, chiều cạnh; và
cách dụng ngôn hoạt, gọn, gần với lời thoại của kịch; đã kích thích trí tò mò
của người đọc từ chương đầu đến chương cuối của thiên truyện. Chuyện hầu thánh,
hầu bóng, (hay hầu đồng) từng nở rộ trong đời sống người Việt vào giai đoạn
trước năm 1945. Từ 1945 đến 1975, có quan niệm cho rằng hầu đồng là mê tín dị
đoan, nên bị cấm đoán. Nhưng từ sau 1986, nhất là vào những năm đầu thế kỷ 21,
chuyện hầu đồng lại được gắn với văn hóa tâm linh - một dạng thức tín ngưỡng
của người Việt, nên việc phục hồi nó trở thành vấn đề thời sự. Đặc biệt là, từ
khi tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại
diện cho nhân loại, thì việc hầu bóng - hầu đồng càng trở thành vấn đề “nóng”,
bởi nó là một hình thức diễn xướng chủ yếu của tín ngưỡng này. Cũng theo tín
ngưỡng văn hóa tâm linh người Việt, hầu bóng - hầu đồng là một cách thức giải
tỏa các dồn nén, bức xúc, lo âu của con người trong đời thường; giúp họ cân
bằng trạng thái tâm lý, tình cảm, tìm được sự an nhiên trong cuộc sống. Nhưng
bên cạnh tính tích cực và hiệu quả, hầu bóng - hầu đồng cũng không tránh khỏi
tiêu cực, khi nó bị lợi dụng để trục lợi, buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan.
Khi Hầu
thánh của Lộng Chương ra đời, tín ngưỡng thờ Mẫu chưa được gọi là Di sản
văn hóa phi vật thể. Và trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, nó đưa tới hệ lụy
hơn là giá trị. Nên không phải ngẫu nhiên, trên trang đầu sách Hầu Thánh, có lời đề tựa đầy ẩn ý: “Tặng
các bà đồng non và các cô tấp tểnh ra đồng.”
Trong cảm quan sáng tác của Lộng Chương,
cùng với sự chi phối của thể loại, tác giả nghiêng về cái nhìn thế sự, đời
thường, với ý thức phơi lộ, tái hiện những bí ẩn và góc khuất của một số kẻ
sống “dị biệt”, lệch chuẩn về giới. Đó là những người đàn bà tập tễnh bước “ra
đồng” nhanh chóng nhập cuộc, rồi như bị “bỏ bùa”, si mê đến man dại, bởi “cái
lòng sùng bái đã thắng, để các bà đồng có thể vượt hết những nỗi khó khăn, mà
yên vị ngồi hầu thánh với cả một lòng hả hê”(*). Một trong những
nhân vật tự biến đổi và tha hóa, nhận về mình một kết cục bất hạnh bởi lao vào
vòng xoáy hầu bóng, lên đồng, là bà Hàn Sính. Bà là vợ ông Hàn Sính, một nhà cự
phú ở giữa đô thành, “tiền của ở đâu lại cứ nhảy về ông ùn ùn như nước lũ kỳ
mưa, trên cao nguyên chảy xuống đồng bằng”, không ai là không biết tiếng. Ông
bà chỉ có một cậu con trai sắp đậu cử nhân bên Pháp. Tiền của có, danh giá có,
thế mà bà Hàn vẫn buồn. Bà muốn có thằng em trai để hương khói cho ông bà, tổ
tiên. Nhưng, dù đã mua năm nàng hầu, ông thân sinh chỉ thêm được một cô con gái
là dì Hồng. Về phía bà, nhà trống vắng nên phải gọi em gái lên để trông nom nhà
cửa. Trong thâm tâm, bấy lâu nay, bà ao ước thêm vài mụn con cho có người ra kẻ
vào vui vẻ, nhưng không sao được. Bà đã nhiều lần chạy chữa tốn kém mà vẫn
không kết quả. Sau có người xui bà đi
xem bói. Xem ở đâu người ta cũng bảo bà có số thờ, phải “ra đồng”, phải đội bát
nhang mới hòng thêm người, thêm của được. Lại có lời người bạn “Các ngài đã sai
chấm lính thì mẹ nó trốn làm sao được, vài cái lễ tốn kém là bao nhiêu…”. Lời
nói như lửa đổ thêm dầu, càng nung nấu “cái số phải đội bát nhang” của bà. Mặc
cho ông Hàn, là người bài xích kịch liệt
việc này, vì tin rằng rồi thánh sẽ thay đổi tâm tính của ông để theo bà. Rồi,
nhờ bà Tư mở lối, nhiệt tình giúp đỡ vì cái lợi của đôi bên, nên bà Hàn đã được
hầu thánh ở đền Chầu, “là ngôi đền có tiếng trong những nơi tối linh”. Ngay lần
đầu, không ai ngờ được, “bà Hàn lại có thể mở diện nhanh nhẹn”, “âu là căn mạng
của bà nhẹ nhàng lắm, và thánh cũng thương bà lắm” một cách hoàn hảo. Từ đó, bà
Hàn Sính nhờ “bạn căn” mà có được “cơ cánh” bước vào cửa thánh suôn sẻ, ngày
một thuần thục. Thuần thục ngay cả việc “làm tiêu hẳn hai phần ba số ngày trong
một năm vào việc đi lễ đi bái”. Nếu không, bà lại lao vào hội tổ tôm, bàn chắn.
Từ ngày ra đồng, bà Hàn quên hết cả
chồng con gia đình, buôn bán, hàng họ; và, chính bà phải gánh lấy nỗi khổ của
riêng mình khi ông Hàn có con riêng với dì Hồng - cô em gái bà, mà lại là con
trai nữa. Bà giận em gái, thù ghét cái gọi là “trót dại” như lời thú tội của
chồng. Bà lại bỏ nhà đi tối ngày. Như con thiêu thân, bà Hàn càng chăm đi lễ,
đi bái, đi tiêu khiển, trở thành bà Hàn Sính “đồng bóng lẫm liệt, coi tiền như
rác”. Cả bọn con đồng lẫn bọn đồng nam tìm cách làm thân với bà, để phỉnh phờ,
tâng bốc, để bòn rút trục lợi trên tiền và trên cả thân xác của bà. Và cái gì
đến sẽ đến, bà Hàn si mê tên cung văn Ký Sìn có giọng hát chiều nịnh bà “hầu đủ
hai mươi mấy giá quan lớn đệ nhất cho tới giá cậu bé”: Từ lúc “bà mềm mại hất
cái khăn diện phủ lên đầu, cho tới khi hai bàn tay run bần bật để từ từ nâng lên
ra hiệu - nếu các quan thì tay trái, và tùy theo thứ bậc giơ số ngón tay. Tỉ dụ
quan đệ nhất thì một ngón, quan đệ tam thì ba ngón; và nếu các giá chầu thì
cũng thế, nhưng dùng tay phải. Thật là một dị cảnh huyền hoặc”. Thế rồi, bà Hàn
- cung văn Ký Sìn đã “đón đưa” nhau bằng ánh nhìn và giọng hát, tiến tới sống
cùng nhau. Và lạ thay, họ cũng có một đứa con trai! Nhưng cái sự gần gũi kiểu
ăn xổi ở thì đã đưa đến đoạn kết không như ý muốn của họ. Gã cung văn nghiện
thuốc phiện đã phá kỳ hết tiền bạc. Khi không có tiền mua thuốc, gã hành hạ bà
đồng Hàn xuân sắc một thời, thành ra thân tàn ma dại. Tới đây, các nhân vật
tiểu thuyết đã đi hết số phận của họ. Ông Hàn cùng dì Hồng về trông nom đồn điền, di dưỡng tinh thần; cậu
cử về nước, trụ lại nhà, đi dạy học, viết báo, viết sách; còn bà Hàn vẫn lay
lắt ở ngoài đền, tự trả giá cho lòng tự tín và hầu bóng quá đà của mình. Có thể
nói, cảm hứng nổi bật trong Hầu thánh
là cảm hứng phê phán sự khốc hại của mê tín dị đoan, của bói toán quàng xiên,
của bài bạc tổ tôm; với một giọng mỉa mai, hài hước mà thấm thía, nhân văn.
Hầu
thánh có sự giao thoa, tương tác giữa tiểu thuyết và phóng sự. Nhìn từ góc
độ tiểu thuyết, tác giả đã khá thành công trong miêu tả nhân vật và xây dựng
cốt truyện. Một cốt truyện có mở đầu, có cao trào, thắt nút, với sự đan xen
giữa ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật. Dễ nhận thấy mỗi nhân vật đều có
cá tính và tiếng nói riêng; cả từ ngoại hình, dáng vẻ đến nỗi niềm sâu kín đều
rất riêng. Nhìn từ góc độ phóng sự, Hầu
thánh nổi bật ngôn ngữ trần thuật ở ngôi thứ nhất. Với những chương mang
chất phóng sự , người đọc nhận ra cái tôi chứng kiến, cái tôi nhập cuộc của
người trần thuật rất rõ ràng. Những trang viết về thế giới hầu đồng thì thật
sinh động, đầy màu sắc từ ngoại cảnh đến tâm cảnh; cho thấy sự quan sát tường
tận, cặn kẽ, thật đáng nể của một tác giả đang ở tuổi hoa niên. Những trang
viết về lên đồng đã giúp người đọc hình dung các bước chuẩn bị cho buổi hầu
đồng khá bài bản quy củ; từ điện thờ, chọn ngày đẹp, dàn nhạc, nhân sự đến
trang phục và lễ vật, đều đâu ra đấy. Người đọc như nghe được trong Hầu thánh: “tiếng đàn, tiếng xóc ống
thẻ, tiếng xuýt xoa khấn vái, tiếng kêu của người hầu dâng, tiếng hú của các bà
đồng, và tiếng rì rào nói chuyện… Tất cả hợp thành một thứ tiếng ồn ào kỳ dị,
làm mê hoặc và huyễn ảnh lòng người”, bên cái “không khí tôn nghiêm mù mịt khói
hương, ngạt ngào hoa…” ấy. Và, người đọc như thấy “các bà vẫn ung dung nhảy
múa, trang điểm giữa sức nóng hâm hấp của một lò than và những cái sức đè nén
ghê rợn kia, thì thật là những kỳ nhân đại tài vậy. Âu là việc thánh, mình
người phàm, mắt tục, hiểu sao thấu được thiên cơ”. Ở đây, tác giả như đã thuộc
nằm lòng lời ăn tiếng nói của con nhang đệ tử qua những lời thoại, đối đáp;
cùng với diễn biến truyện đầy kịch tính, đã kích thích người đọc hứng thú khám
phá mọi điều bí ẩn của thế giới đồng bóng, hầu bóng - vốn là vấn đề “nóng” hiện
nay.
Đọc Hầu
thánh trong thời hiện đại còn cho ta liên tưởng đến một khía cạnh mới, đó
là vấn đề đồng tính. Vấn đề này trong phạm vi toàn xã hội, việc nhìn nhận và xử
lý sao cho phù hợp là điều không dễ dàng. Còn hiện tượng đồng tính trong Hầu Thánh thì ta nên hiểu thế nào? Phải
chăng đó chỉ là hệ lụy của hầu đồng - hầu bóng mà thôi? Hệ lụy này tuy chỉ xảy
ra trong phạm vi hẹp ở một số đền chùa, nhưng cũng làm phức tạp thêm cuộc sống
của cộng đồng. Xử lý nó thế nào, càng không dễ. Bởi nó còn liên quan đến vấn đề
tâm linh thần thánh nữa.
Để
được hầu thánh thì, một trong những bước quan trọng là phải “kết căn”. Mà khi
“kết căn” rồi, nghĩa là họ đã là “vợ chồng” với nhau. Vấn đề ở đây là, các bà
đồng phải tự giới hạn được chính mình, để không bị lóa mắt, hợm mình trong quan
hệ với các bạn “đồng căn”. Lộng Chương đã khéo léo dẫn ra các trường hợp a dua
theo đòi đồng bóng, như trường hợp bà giáo Đào. Bà là vợ góa của một ông giáo.
Bà có thể là từ mẫu, nếu biết gìn giữ cảnh quả phụ trong việc chăm nom săn sóc
gia đình mình. Nhưng không, “đồng bóng đã đưa bà đến chỗ quên cả thiên chức của
người đàn bà, và nhất là của người mẹ”. Bà đã đến ở hẳn với bà đồng Châu, “kết
căn” với bà đồng Châu. Bởi, “Cái tình âu yếm ái ân đứt đoạn đã gieo vào lòng bà
một sự tiếc rẻ buồn phiền, để bà phải đi tìm sự ve vuốt âu yếm của một thứ tình
yêu kỳ dị với người đàn bà khác”. Vì thế, hai bà đã “kết căn” với nhau, nôm na
là kết ngãi vợ chồng. Bời bà đồng Châu có căn đồng quan lớn, bà giáo có căn
đồng chầu bà. Nên hai bà “kết căn”, sóng đôi “cho hai cõi lòng đỡ lạnh”.
Ở
một trường hợp khác, Lộng Chương với bút pháp trào lộng quen thuộc, đã vẽ bức
tranh biếm họa về sự “kết căn” của bà Hai và bà Năm Khách. Nhưng ở đây sự “kết
căn” đã bị một bên lợi dụng. Từ khi bà Hai bị đuổi đi, “… bà Năm Khách lại ở
vậy một mình. Có lẽ số bà cao quá! Góa bụa cả với một cuộc chung đôi với người
cùng giống”. Bằng cách nhìn của một tác giả phóng sự, sau những cảnh ngộ, tình
huống éo le phức tạp từ các bà đồng, Lộng Chương ngao ngán nhận thấy “… với
những bọn con cái nhà thánh này, thì một bài học dù có đắt đỏ và sâu xa đến đâu
cũng không bao giờ làm cho họ tỉnh ngộ”.
Là tiểu thuyết đầu tay, nhưng Hầu thánh đã cho thấy tính chuyên nghiệp
của ngòi bút Lộng Chương. Không bằng giọng chói gắt, đao to búa lớn, mà bằng
thái độ khách quan, tỉnh táo, với nghệ thuật trần thuật trào lộng, hài hước,
Lộng Chương đã vén mở một góc của hiện thực Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, đưa đến
cho người đọc ngày nay một cách nhìn, cách nghĩ mới về quá khứ: văn hóa tâm
linh, phái tính, là những vấn đề nóng, đòi hỏi giới nghệ sĩ cùng các nhà nghiên
cứu cần thận trọng, tỉnh táo trong quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn chương,
nghệ thuật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét