Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

MÀU XANH QUYẾN RŨ (Báo Người Hà Nội 30/11/2007)

     


Bữa nhậu hôm đó, Kim thông báo cho chúng tôi rằng, đã trở thành “Famer” (nông dân). Cứ nghĩ nó nói chơi chơi vậy, nhưng đến khi cầm trong tay tờ quảng cáo, với những giới thiệu cụ thể về Công ty Thiên Nhiên Xanh, về loại rau mầm giàu dinh dưỡng, sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, tôi mới tin đó là sự thật.

Để được “mục sở thị” loại sản phẩm mới này, một chiều thu tôi theo Kim đến tận nơi sản xuất. Nơi ấy cách trung tâm thành phố chừng hơn bốn mươi cây số, giữa những ngọn núi cây cối xanh um. Nắng chiều thu hơi chói gắt nhưng gió vẫn man mát, lành lạnh, khiến cảm giác trong tôi thật dễ chịu. Thích thật, chỉ cách một quãng đường nhỏ, ngoài kia ô tô xe máy vù vù, bụi tung mù mịt, còn ở đây không khí tĩnh lặng, trong lành, nhẹ nhõm.

Đứng trước cổng vào trang trại, tôi thấy ngay ngôi nhà mái cao vút nằm trên đỉnh một quả đồi nhỏ. Tường nhà xây bằng những viên gạch đỏ hồng miết mạch giản dị. Bước ngắt quãng qua những tấm bê tông vuông vắn đặt rải trên con đường dẫn lên khoảng sân nhỏ trước thềm nhà, tôi thích thú ngắm khóm hoa mảnh mai màu tím rất lạ mắt. Thấy vậy Kim bảo, hoa này chị Phương mang từ trong Nam ra đấy (thực ra, chị là Phương Trâm, nhưng cả bốn chị em đều tên Trâm, nên ở nhà gọi nhau bằng tên đệm). Tôi thầm nghĩ, kỳ công thật. Chắc chắn, chị phải là người có thẩm mỹ và đôi bàn tay rất khéo léo. Ý nghĩ của tôi được minh chứng ngay lập tức, khi nó đưa tôi lên thăm gian phòng nhỏ trên gác hai, nơi chị Phương đang triển khai cấy mô tế bào một số loài hoa phong lan, chủ yếu là giống nhập ngoại. Quy mô phòng không lớn, nhưng cách bài trí và sắp xếp mang dấu ấn rõ ràng của những con người tinh tế, quen với nếp sống khoa học và luôn có khả năng tự chủ cuộc đời mình.

Tôi được biết, Kim sở hữu cơ ngơi này từ nhiều năm trước. Còn được nó thông báo, ở “thì tương lai”, trang trại xinh xẻo đây sẽ trở thành điểm náu mình yên tĩnh để nàng ngồi đọc sách, dịch văn, mỗi khi chán chốn đô thành nhộn nhịp. Về cái dự định khá hấp dẫn này của nó, tôi cũng không một lần vương chút hoài nghi. Bởi, có thể chưa phải là dịch giả tiếng tăm lẫy lừng, thì qua tay nó, nhiều nhà xuất bản đã cho ra đời hàng chục cuốn tiểu thuyết bán chạy. Mặc dù, xuất phát điểm “vào đời” của nó là một kỹ sư cơ khí. Thực ra, cái sự học một đằng, ra làm việc một nẻo, ở nước ta là chuyện xưa như trái núi rồi. Tuy nhiên trường hợp nó, cũng không hẳn là vậy. Vì, từng có giai đoạn dài theo nghề được đào tạo, rồi là nhà kinh doanh, rồi làm dịch giả, dường như nhảy vào lĩnh vực nào, nó cũng trụ được vững vàng, khoẻ mạnh. Còn bây giờ, khi bước chân tới đây, ngó thấy tận mắt phòng nuôi cấy mô, và tí nữa sẽ được nó đưa xuống xem nơi sản xuất rau mầm, một loại rau sạch mà các nước tiên tiến thường dùng, lại một lần nữa tôi tin chắc, nó sẽ tiếp tục khẳng định sự thành công trong lĩnh vực mới mẻ này.

Ngồi xuống bộ sa lông mây kê góc nhà, nhấp ngụm  nước mát, tôi hỏi: Thế, còn ý định trốn lên đây ngồi dịch sách thì sao? Kim cười hì hì: “Ý định làm dịch giả vẫn còn đó, nhưng để sau. Giờ, phải xông vào làm rau sạch đã. Đó mới là vấn đề thực sự cấp thiết trong lúc này. À, chị Phương biết không”? - Nó quay sang nói với chị Phương - “Sáng nay, em đưa rau mầm đến giới thiệu ở các Toà nhà Ngân hàng của quân đội, nông nghiệp, dầu khí, hầu hết họ đều nhận dùng thử. Nhưng thật buồn cười, riêng Bộ Y tế, đúng là: Cho cũng không đắt. Tất cả đều lẳng lặng lắc đầu. Mà em đã làm sạch rau, gói từng gói nhỏ cùng nước sốt Mayonnáie. Kèm theo là tờ rơi, nói rõ về quy trình trồng trên giá thể trong nhà kính, ở điều kiện khí hậu trong lành, tưới bằng nước sạch, được thu hoạch trong thời kỳ giàu các loại vitamin A, E, B… nhất, rồi hướng dẫn cả cách chế biến rau. Vậy mà họ... “quay lưng”. Nói xong, nó lại cười. Cái cười rất tự tin. Tôi đọc được trong nụ cười ấy một quyết tâm rắn như thép, với ngụ ý: Ừ, thì các vị cứ ngoảnh đầu với rau mầm của chị em tôi đi, nhưng nhất định rau mầm của chúng tôi rồi đây sẽ có mặt rộng rãi trên thị trường. Các vị hãy đợi đấy!

Chị Phương nghe nó nói như vậy về Bộ Y tế, quay sang tôi, giọng bức bối: “Đấy em thấy không, điều đó thể hiện sự mất lòng tin ghê gớm trong xã hội. Mà những vị ở Bộ Y tế, có phải là không biết xuất thân của mình đâu”. Tôi cười: “Cũng chẳng trách được họ. Bởi, nhiều siêu thị, rồi cửa hàng kinh doanh rau sạch mà vẫn cố tình làm sai, bán đầy rau quả ô nhiễm, không có xuất xứ đấy thôi. Để xây dựng được niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm của mình, thật không dễ! À quên - tôi trêu chị -  có khi phải thêm vào tờ quảng cáo, chị là chuyên gia sản xuất rau mầm tại TP Hồ Chí Minh lâu rồi, rất có tín nhiệm. Thế mới hiệu quả, chị ạ ”. Chị Phương chỉ cười.

Kim kéo tôi xuống nơi sản xuất rau mầm. Đó là dãy nhà kính có thiết bị điều chỉnh vi khí hậu, ngăn chặn được sự xâm nhập của côn trùng, nên rau trồng không cần sử dụng thuốc trừ sâu. Trong nhà đặt những giá sắt nhiều tầng, với rất nhiều hộp xốp đựng giá thể hữu cơ. Hạt giống rau được ủ trong những giá thể đó. Các giá đặt hộp xốp đều ghi rõ ràng ngày giờ gieo hạt, tưới nước, thu hoạch. Những hộp rau xanh mướt, non tơ, sắp đến ngày thu hoạch, ngắm thật thích mắt. Hơn chục công nhân đang cặm cụi làm việc. Họ đều là dân địa phương.

Nó cười bảo: “Đấy, công nghệ mới trồng rau không cần đất của tao là thế đấy. Sắp tới, tao dựng tiếp một dãy nhà kính nữa. Sẽ phải tuyển thêm nhân lực. Mới thử nghiệm, đưa vào hơn chục siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch, mà giờ không đủ rau để cung cấp”. Ngay cạnh nhà kính, nhiều cột bê tông đang nằm ngổn ngang, minh chứng cho dự định phát triển thêm diện tích để trồng rau mầm của nó sẽ là hiện thực trong nay mai. Cách nơi sản xuất rau mầm một quãng, là nhà kính khác. Đến tận nơi, tôi thấy chị Phương cùng mấy công nhân đang ươm một số loài hoa phong lan. Kim bảo, tết tới, thị trường Hà Nội sẽ có sự góp mặt những loài hoa phong lan của trang trại nó. Dương, con trai chị Phương, vừa rời vô lăng đưa tôi với Kim lên trang trại, đã xắn ngay tay áo cắm cúi cùng mẹ trồng hoa. Nhìn động tác thuần thục của Dương, lại chợt trong tôi một nhận xét: Cái sự “miệng nói tay làm” có vẻ như thuộc “bản sắc” của gia đình Kim vậy! Gần cuối trang trại, một khu đất rộng quây lưới, bên trong Trâm thả nuôi gà. Tôi hỏi: “Gà nuôi thế này có sợ H5N1 không”? Kim hỏi lại tôi: “Thế, mày không thấy à? Quây nuôi nhốt, lại còn tiêm chủng đầy đủ. Như thế còn “hat” thế chó nào đuợc!”. Đúng thật. Nếu thả ra một câu: “Quả là một quy hoạch khoa học và bài bản”? E quá sáo với nó, tôi kịp dừng, hỏi tiếp: “Thế, có được năm mươi con không”? “Chỉ còn khoảng ba mươi thôi”. “Sao vậy? Thế có gà đẻ không”? Kim bật cười: “Chưa kịp đẻ đã thịt. Cứ có khách là mổ chén”'. Hay thật, đúng là một trang trại tự cấp tự túc. Rau có. Thịt có. Thậm chí, cá cũng có. Bởi, bên cạnh trang trại của Kim, là trang trại của chị Hiền Trâm, nơi có một cái ao thả cá to đùng. Kim kể, hôm qua chị Hiền tát ao. Cá nhiều vô kể. Giờ, một nồi tướng cá trong tủ lạnh mà chưa biết tiêu thụ thế nào.

Sau một vòng dạo quanh trang trại, Kim kéo tôi đi theo con đường vừa bạt qua một ngọn đồi, dẫn về khu đất kế tiếp, nơi nó mở rộng thêm và dự định phát triển sản xuất rau mầm và một số loại nông sản khác. Tất nhiên, không phải là theo phương thức sản xuất thủ công truyền thống ngàn đời xưa, mà phải đưa vào áp dụng công nghệ trồng trọt , chăn nuôi tiên tiến của thế giới. Đây là mô hình chị em Kim ôm ấp và mong muốn sẽ được nhân rộng ra khắp vùng núi mênh mang  này, một mơ ước đầy màu xanh quyến rũ!

Trước nay, có nhiều người quan niệm rằng, người Hà Nội thường viển vông, mang nặng chất tiểu tư sản, ngại lăn lộn với lĩnh vực mới mẻ. Nhưng cuộc đời không ít biến động của Kim từng có rất nhiều mơ ước - những mơ ước mà bạn bè cùng trang lứa chúng tôi ít ai dám nghĩ đến. Vậy mà, với Kim, những mơ ước ấy hầu hết đã trở thành hiện thực. Thế nên, tôi tin rằng, Dự án sản xuất rau mầm quy mô lớn hơn nữa của nó rồi sẽ thành công. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giúp địa phương giảm tình trạng thất nghiệp, đói nghèo, những điều luôn đi kèm với tệ nạn xã hội. Có lẽ, với người dân địa phương, đây mới thật sự là một điều đáng quan tâm nhất. Tất nhiên với Kim, cùng với đó phải là sự góp mặt trên thị trường của một loại rau sạch - rau mầm bổ dưỡng, giàu vitamin, giúp làm chậm quá trình lão hoá và tăng cường sinh lực cho con người; và còn là một đóng góp nho nhỏ nhưng thiết thực để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Trời đã ngả về chiều, nắng thu đang dần tắt. Tôi cùng Kim trở bước về nhà. Đứng trên thềm cao, ngó lên bầu trời trong xanh, phóng mắt bao quát cả một vùng núi cây cối xanh tươi êm ả, yên tĩnh, tôi thấy lòng mình thanh thản lạ. Cũng phải thôi. Lại lần nữa được tận mắt chứng kiến sự thành công của bạn trong một vai trò mới - một “famer” với những kiến thức nông nghiệp tiên tiến, sản xuất bằng phương pháp công nghiệp, tạo ra những nông sản sạch rất cần cho thực tế tiêu dùng thực phẩm đang có nhiều vấn nạn hiện nay, thử hỏi, làm sao lòng tôi không thanh thản?

Báo Người Hà Nội, số 48, 30/11/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét