Tính đến nay ông nghỉ hưu
đã được mấy năm. Theo quan niệm người đời, nghỉ hưu nghĩa là được an nhàn tĩnh
dưỡng sau những năm tháng lao động miệt mài vất vả. Nhưng với ông, thì không!
Được biết vừa qua, một lần nữa ông giành Giải Nhất cuộc thi Vang Quốc tế Việt
Nam (Best Vietnamese Fruit Liguor Troply), tôi đến để chúc mừng, ông cười bảo:
Ôi trời. Đấy là cái nghiệp của mình rồi. Còn sống, còn nhúc nhắc được, thì còn
phải nghiên cứu chứ. Suốt đời, mình sống bằng nghiên cứu. Lấy nghiên cứu nuôi
nghiên cứu. Lấy nghiên cứu phục vụ cho đời sống dân sinh. Không nghiên cứu thì
ngứa ngáy chân tay lắm.
Nhắp xong ngụm chè, ông
kể: Năm 1977, khi đất nước còn trong giai đoạn khó khăn, chuyện ăn bột mì luộc
triền miên đã như một cơn ác mộng với mọi người. Ông đứng ra đảm nhận nghiên
cứu đề tài men nở bột mì. Sự thành công của đề tài đã “khai sinh” ra chiếc bánh
mì làm bằng men nở “nội”, góp phần cải thiện rất lớn cho cuộc sống của hàng
ngàn sinh viên và công nhân Mỏ cọc 6 (nơi ông chuyển giao kết quả nghiên cứu).
5 kilogam thịt lợn là giải thưởng đầu tiên ông được cấp trên tặng cho kết quả
công trình nghiên cứu khoa học này. So với mức sống hiện nay, “giải thưởng”
thật nhỏ bé, song trong giai đoạn đó, điều này đã động viên ông và cộng sự rất
nhiều trong việc dám tiếp tục dấn thân, phục vụ thiết thực đời sống xã hội bằng
con đường nghiên cứu khoa học. Chính vì thế mà một loạt các sản phẩm mới được
ra đời từ những đề tài nghiên cứu của ông: nước ngọt có gas, nếp gas, bia sinh
tố, chế biến đào lộn hột… Từ những kết quả nghiên cứu ấy, nhiều cơ sở đã ứng
dụng vào sản xuất và đạt được hiệu quả kinh tế không nhỏ.
Năm 1983 là năm đầu tiên
ông bắt tay nghiên cứu về vang. Từ kết quả nghiên cứu, một cái “nền” của công
nghệ sản xuất vang đã được ứng dụng để các cơ sở sản xuất ra Vang Thăng Long,
Vang Gia Lâm, Vang Hồng Hà…
Năm 1995 là điểm nhấn
đáng kể trong cuộc đời nghiên cứu của ông. Khi đó, một đại biểu Quốc hội - lãnh
đạo đầu tỉnh Ninh Thuận mời ông vào tham gia giải quyết vấn đề sau thu hoạch,
phát triển sản xuất vang từ nho. Công việc nghiên cứu của ông ở đây đang tiến
hành thuận lợi, sản phẩm vang của ông đã được Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường -
Chất lượng II (TP Hồ Chí Minh) công nhận đạt yêu cầu, thì bất ngờ, căn bệnh
“sính ngoại” của một số vị lãnh đạo tỉnh đã đánh bật ông ra khỏi vị trí mà
chính họ mời ông đảm nhiệm. Nhưng thực tế đã chứng minh, “đồ ngoại” không phải
bao giờ cũng ưu việt hơn “đồ nội”. Chỉ sau 3 năm, công trình “ngoại viện” bị đổ
vỡ, ông cùng một số cộng sự khác đã tiếp thu lại cơ sở đó, kiên trì nghiên cứu,
cải tiến nâng cao chất lượng vang và mở rộng sản xuất cho đến nay.
Điều khiến ông luôn lao
tâm khổ tứ trong cái nghiệp của mình, ấy là làm sao nâng cao được giá trị nông
sản, khi mà đất nước ta thuộc xứ nhiệt đới, có rất nhiều loại cây trái được thu
hoạch theo mùa vụ. Thu hoạch mà không tiêu thụ kịp sản phẩm tồn đọng sẽ hư
hỏng. Điều quan trọng hơn nữa là, nếu phát triển được công nghiệp chế biến, giá
trị của các loại cây ăn quả tăng lên, đời sống người lao động cũng vì thế được
cải thiện. Với tâm huyết ấy, ông đã giành cả cuộc đời mình, cùng cộng sự thực
hiện nhiều công trình nghiên cứu hữu ích phục vụ cho cuộc sống con người. Chính
vì thế mà sản phẩm của ông liên tục nhận được đánh giá cao: 2 Bằng Lao động
sáng tạo (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 1987 và năm 2004); Giải VIFOTEC
năm 2004 (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) và Giải Nhất cuộc thi
Vang Quốc tế Việt Nam vừa qua.
Và giờ đây, các sản phẩm
vang ngày càng tinh tuý, được chắt lọc từ chất xám của cuộc đời một con người,
đã được mang chính cái tên lúc chào đời, cha sinh mẹ đẻ âu yếm đặt cho ông:
Vang ông Hào, do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp (tên đầy đủ của ông là Nguyễn
Quang Hào. Ông là Tiến sĩ chuyên ngành Vi sinh vật, tốt nghiệp trường Đại học
Tổng hợp Leningrat, Liên Xô trước đây). Ngắm nhìn nụ cười thanh thản trên gương
mặt ông, tôi thật sự mừng cho đoạn cuối cuộc đời có hậu, mà không phải ai cũng
có được như ông.
Báo Lao động
Thủ đô, 7/12/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét