Giờ đây, thực sự tôi đã coi Nga như người trong nhà; coi Nga là: “Con gái đỡ đầu út ít” của Cha tôi - Nhà viết kịch Lộng Chương. Dù rằng, Cha tôi đã mất hơn 13 năm rồi, và tôi với Nga cũng mới quen biết nhau được khoảng gần 4 năm.
Nguyên do thì…
giản dị lắm. Nhưng… để làm được điều giản dị như Nga đã làm, liệu có mấy ai?
Trước khi quen biết Nga, tôi từng đọc những tản văn, những truyện ngắn, truyện dài, những trang ký của Nga đăng rải rác trên báo Lao động, trên trang nhavantphcm.com.vn. Tôi đọc tác phẩm của Nga, như đọc những sáng tác của người khác, chưa mấy ấn tượng. Đến khi gặp gỡ trực tiếp, hiểu rõ hơn về con người và cuộc sống của Nga, những nhìn nhận trong tôi dần vỡ vạc, thêm yêu quý và ngưỡng mộ Nga; càng trân trọng nhiều lắm cái chất “nhân” đầy ắp trong người phụ nữ trẻ luôn tất bật bằng hành động, luôn ngồn ngộn suy tư trong tâm tưởng, luôn tràn đầy những ý tưởng cho phía trước… là Nga.
Bởi, Nga không
chỉ là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận văn học; mà Nga còn là một phụ
nữ làm quản lý, từng đứng đầu một hội nghề nghiệp không dễ lãnh đạo, đó là Hội
văn học nghệ thuật Hải Dương. Nay Nga đang đảm trách ngành Văn hóa - Thể thao -
Du lịch Hải Dương, còn là đương kim đại biểu Quốc hội. Vì thế, cái chất “nhân” ấy
rất cần để một phụ nữ làm lãnh đạo một ngành, vừa có những lĩnh vực cụ thể, lại
có cả những vấn đề phi vật thể quá “mênh mông”, phải điều hành.
Nhưng ngoài cái
chất “nhân” ấy, tôi còn cảm nhận rõ một “khoảng trống” trăn trở… trong Nga, qua
những trang viết mà mình đã đọc. Một góc kỷ niệm cũ không thể quên (Bếp củi mùa
đông, Mùa hè quê ngoại, Ông nội và kẹo lạc…); những hoài niệm buồn miên man về
nguồn cội (Nhà có giỗ, Cánh đồng chiều đông); nỗi băn khoăn về tình người, tình
đời (Về quê ăn giỗ, Bạn thân, Những bức tường…); một cách nhìn về “giới” trong
cuộc sống hiện đại (Đàn ông - đàn bà…); một hiện tượng thiên nhiên như vốn đã vậy
mà vẫn thấy lạ lẫm, mới mẻ (Đom đóm, Hoa xoan… ); câu chuyện tâm linh ở góc nhìn
của con trẻ, nhưng chẳng “ngây thơ” chút nào (Ước một lần làm tượng); những day
dứt khi đọc trang viết của “người xưa” về chiến tranh, về tình yêu… Dường như,
tất cả đều toát lên sự khắc khoải, khát khao, muốn vươn tới, muốn tìm ra, muốn đạt
được sự trọn vẹn, đẹp đẽ, trong trắng, tinh khôi, cao cả… để lấp đi khoảng trống
trăn trở của người viết. Đặc biệt, những bài nghiên cứu của Nga như: “Phật ở tầng
áp mái: Nỗi xót xa cho thân phận con người”, “Một bộ phận văn học dân tộc cần được
tiếp tục nghiên cứu”, “Siddhartha - Câu chuyện dòng sông, câu chuyện đời người”…
thể hiện rất rõ góc nhìn đầy chất “nhân” nhiều trăn trở của Nga khi đứng ở góc độ
làm nghề - “nghề” lý luận văn học.
Ngay trong việc
chọn đề tài làm Luận văn Tiến sĩ Văn học “Vấn đề thân phận con người trong tiểu
thuyết đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975” của Nga (Luận văn đã được cả 7/7 thành
viên của Hội đồng cho điểm xuất sắc) cũng cho thấy nỗi khát khao cái mới, cái
khó, cái lạ, và đặc biệt là cố gắng tìm ra bằng được trong đó những đánh giá công
minh, những góc nhìn nhân bản của Nga. Đó cũng là “cái tầm” của người chọn con đường
nghiên cứu không hề đơn giản, trong một môi trường còn đầy những định kiến gai
góc, là Nga.
Cũng lạ, khối
lượng sáng tác của Nga không hề ít. Cô sinh viên năm cuối Trường ĐHSP Hà Nội đã
kịp cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên Hoa cúc tím (Nxb Trẻ - 1998); rồi ngay sau
đó hai năm, Nga ra mắt tiểu thuyết Đường đời (Nxb Trẻ - 2000); đến khi về làm
giảng viên Khoa Xã hội, trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, rồi về công tác tại
Hội VHNT tỉnh, ngay cả khi đã ngồi ghế quản lý Hội, Nga vẫn đều đặn sáng tác, với
đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, tạp văn, thơ… để đến giờ,
“gia tài tinh thần” của Nga lên đến khoảng 30 đầu sách, mà tới tận cách đây khoảng
2 năm, Nga mới chính thức là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Chưa kể, mong
muốn đạt được kết quả cao khi chọn đề tài cho Luận án Tiến sĩ của mình, trong hơn
năm trời Nga đã phải đánh đổi quá nhiều công sức và tiền bạc, miệt mài tìm tòi,
sưu tầm, đọc hàng vạn trang sách (triết học, tiểu thuyết, lịch sử…) để tìm lời
giải cho những băn khoăn rất “đời”, rất “người” của mình về một “khu vực nghiên
cứu” từng được coi là nhạy cảm. Nói vậy để thấy niềm đam mê, sức làm việc bền bỉ
cùng với tình yêu nghề của Nga mới đáng nể làm sao! Và vì thế mà thấy thật ngán
ngẩm cho những “nhà” cũng học văn ra, nhưng cả đời chả viết được một câu cho ra
hồn; hoặc mới ra được một đôi cuốn chẳng hề nặng ký, nhưng lại loay hoay mọi cách
để được sở hữu cái danh “nhà văn” qua tấm thẻ của Hội, rồi đi đâu cũng lấy đó làm
niềm hãnh diện “chả giống ai”! Nói vậy cũng còn để thấy, cái “danh” với Nga chẳng
quá quan trọng. “Chỉ cần mình say mê và làm việc mình thích, đó là viết và… viết.
Viết như một cách thanh lọc tâm hồn. Là một cách giải tỏa nỗi buồn. Chứ em chẳng
cần phô diễn, chẳng mưu cầu một cái danh gì gắn với văn chương…” - Nga nói vậy!
Thế nên, dùng
cái câu “văn là người” để nói về Nga cũng thật đáng ngẫm ngợi. Từ sự nhận ra cái
chất “nhân” đầy ắp trong Nga, tôi đã nhanh chóng cảm nhận thật nhẹ nhõm, gần gũi
mỗi khi gặp gỡ Việt Nga. Tôi cũng đã hiểu, tại sao một phụ nữ trẻ như Nga, điều
hành một Hội có những hội viên cây đa cây đề với nhiều thành tích trong hoạt động
nghề nghiệp, lại có thể trơn tru và được tín nhiệm như vậy. Được biết, năm 2002
Nga về công tác ở Hội. Bốn năm sau (2008), Nga được bầu làm Phó Chủ tịch Hội;
tiếp đến 5 năm sau Nga lên vị trí Chủ tịch. Cả 2 lần được tín nhiệm bầu làm lãnh
đạo ấy, so cùng hàng ngũ trong cả nước, Nga đều trẻ nhất. Hơn chục năm trời công
tác ở Hội, là ngần ấy năm Nga “luôn luôn lắng nghe - luôn luôn thấu hiểu” những
tâm sự riêng tư, những băn khoăn về nghề, những giãi bày về nhân tình thế thái…
kể cả kiên nhẫn làm khán giả (duy nhất),
thưởng thức sáng tác của các nhà “nghệ” khi họ tìm tới Nga, ngẫu hứng “trình diễn,
biểu đạt”, chả ngại sớm trưa mưa nắng. Nga chấp nhận thức thâu đêm đọc không bỏ
sót bất kể một sáng tác nào của hội viên, để chủ động trao đổi khi gặp mặt, khiến
tác giả mến phục. Nga nhớ từng nét chữ, thuộc từng kiểu trình bày văn bản của mỗi
tác giả, quen từng giọng nói mỗi khi nghe ai đó “Alo”… Thế nên, dù Nga quan niệm,
quản lý một hội đầy đặc thù thế, như làm “dâu trăm họ”; nhưng các hội viên hầu
hết ở tuổi thất thập ấy lại gọi Nga là “con gái”. Còn gì đáng kiêu hãnh hơn khi
được nhận cái “danh” bình dị này! Đúng không Nga?
Viết đến đây,
tôi lại nhớ đến việc Nga chủ trì ra được tuyển tập thơ dày 500 trang cho Câu lạc
bộ Thơ của các cụ huyện Bình Giang, chỉ trong 20 ngày trước tết; từ khi Việt
Nga cầm vào tay bản thảo, đọc biên tập trong một đêm, rồi liên hệ nhà xuất bản,
in ấn… cho đến khi ấn phẩm hoàn thành. Và, Nga chủ động làm “cửu vạn” để đặt sản
phẩm tới tận tay các cụ, thì chả cần thêm một lời bình nào cho cái chất “nhân”
trong Nga nữa.
Tôi hiểu, Việt
Nga làm được điều này, trước hết phải nói đến cái tâm - cái tâm không vụ lợi của
một người vì sự nghiệp VHNT của tỉnh nhà. Thứ nữa, xưa nay thường có câu: “Phù
thịnh, chứ ai phù suy!”. Nga giúp các cụ là những người không quyền chức, không
tiền bạc… Chắc chắn, Nga chẳng trông mong bất kể một lợi lộc gì từ những bậc tiền
bối rất gần với “cõi vô thường” này. Vậy, chỉ có thể nói rằng, chữ “nhân” đã nằm
trong tâm khảm, chữ “nhân” chính là cốt cách để Nga nương vào đó mà sống, mà làm
việc! Nói về điều này, tôi lại nhớ đến câu kết trong một tạp văn của Nga: “Mỗi
lần tưởng rơi vào ngõ cụt, lại nhớ đến ánh mắt trong veo của trẻ con miền núi mà
đứng lên bước tiếp, tìm đường”. (Tạp văn: Thêm một lần với núi). Một câu văn giản
dị nhưng thật ám ảnh!
Còn chuyện “xử
lý” của Nga với mấy ông “nghệ” luôn chả nhìn thấy trời đâu, thì tôi nghe được câu
chuyện tưởng như đùa.
Một lần, chả
hiểu nguyên cớ từ đâu, có ông “nghệ” đến trụ sở Hội kêu ầm ầm về bốn cái trụ ở
tầng một quá vướng, làm trật chội và vướng cả cái không gian của sảnh. Chả ai có
thể làm ông ấy “nguội” được cơn “nghệ” đang dâng trào. Nghe ồn ào, Nga chạy từ
tầng trên xuống, cười vui mời ông lên phòng làm việc. Sau khi nghe ông “đùng đùng”
đề đạt nguyện vọng, Nga sôi nổi “vun vào”:
- Bác nói đúng.
Rất đúng. Cháu cũng muốn chặt béng mấy cái cột vướng mắt ấy từ lâu rồi.
Nghe vậy, ông
“nghệ” nở mặt nở mày vì thấy ý kiến của mình được lãnh đạo Hội ủng hộ quá “nhiệt
thành”. Chợt ông chưng hửng, mặt nghệt ra khi Nga tiếp:
- Nhưng bác ơi,
đó là bốn cái trụ đỡ cho cả mấy tầng nhà này. Giờ đốn đi, cả tòa này ụp xuống,
cháu chết, bác chết, mọi người chết, bác nghĩ sao?
Thế là, ông như…
bừng tỉnh, cười xòa có phần bẽn lẽn…
Đơn cử câu
chuyện này (còn nhiều chuyện khác), để thấy cách xử lý nhẹ nhàng, tinh tế, và cũng
rất “khôn” của Nga - một phụ nữ trẻ làm Chủ tịch Hội, lại là Hội của giới “nghệ”,
là giới thường có không ít người mang chút tính “tinh vi” trong máu.
Trở lại câu
chuyện mà tôi coi Việt Nga là: “Con gái đỡ đầu út ít” của Cha tôi. Sau những lần
đến với Việt Nga, với Hội VHNT, được tiếp đón nồng hậu và nhiệt thành, được nghe
Nga nói: “Cụ Lộng Chương là một trong những bậc “Khai quốc công thần” của Hội NSSK
Việt Nam, cũng là người thày, người cha đáng kính của giới sân khấu, của cả chúng
em. Đưa được hương hồn, tên tuổi của cụ về Thành Đông, thật là niềm vinh dự của
không chỉ giới nghệ sĩ, mà của cả tỉnh nhà. Em sẽ lo việc của cụ, như của em,
như chính em là người trong nhà, anh chị yên tâm nhé”. Trong tôi chợt nảy ra một
ý tưởng…
Biết rằng thời
gian qua, công việc đặt tên Cha cho đường phố đã làm Nga mất không ít thời gian
và tâm sức, không dễ ai cũng sẵn lòng… Thế nên, trước hương hồn anh linh của
Cha, tôi đã xin Người nhận Nga là: “Con gái đỡ đầu út ít” của Cha. Sinh thời,
Cha tôi rất nhiều học trò, rất nhiều con đỡ đầu ở khắp các tỉnh thành của cả nước.
Nay nơi cõi thiên thu, chắc chắn Người vui lắm, vì khi đã khuất núi hơn chục năm
rồi, mà vẫn có được thêm một cô con gái út ít đáng yêu đến thế! Khi nói với Nga
điều này, em cười: Em rất vui chị à. Chị hãy tin, bất kỳ ai được gần gũi với bố
Lộng Chương nhà mình (kể cả khi cụ không còn nữa), cũng đều lấy đó là niềm vinh
hạnh! Cả hai chị em tôi cười. Thật chả còn gì vui hơn!
Năm trước, Việt
Nga được điều sang làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương
- Một lĩnh vực quản lý hoàn toàn mới mẻ với em (vì thế, chắc chắn không nhiều
thuận lợi). Cùng với đó, Nga trúng Đại biểu Quốc hội với số phiếu tín nhiệm rất
cao. Thế nhưng Nga vẫn tiếp tục viết, viết như một sự khát khao, một nhu cầu bản
thể, có lẽ, cũng là để điều hòa, làm dịu đi những căng thẳng, mệt mỏi của người
gánh vị trí lãnh đạo một ngành, của người đại biểu đại diện cho dân.
Lần ngồi với
Việt Nga gần đây nhất, em tâm sự: Tại vị trí công tác mới, em lo nhiều hơn vui,
nhưng em sẽ cố gắng làm thật tốt. Em muốn đem đến cho mọi người một cái nhìn khác
về nghệ sĩ. Đó là, trái tim nhạy cảm, sự tinh tế trong tâm hồn người nghệ sĩ sẽ
giúp cho mình biết thông cảm hơn, thấu hiểu hơn, nhân ái hơn… và vì thế sẽ xử lý
công việc tốt hơn. Chứ trước nay, có vẻ người đời luôn nghĩ: Nghệ sĩ thì chỉ “lãng
đãng mây với gió”. Nghe Nga nói tôi tin lắm.
Nga còn thủ thỉ:
Rằm - Mùng một em hay đến thắp hương tại Côn Sơn - Kiếp Bạc. Em một mình “một
ngựa”, không “tiền hô hậu ủng”, (em cười: nhiều khi làm mấy nhân viên quản lý ở
đó tròn mắt sợ, tưởng em đi kiểm tra đột xuất). Trước thánh thần, em chỉ khấn
xin 3 điều: 1/ Cho em sáng suốt đủ để phân biệt đúng sai trong cuộc sống hiện tại;
2/ Xin cho em đủ trí tuệ để điều hành tốt công việc; 3/ Là điều quan trọng nhất:
Xin các cụ cho em vượt lên tất cả tham - sân - si trong cuộc sống, không tham
lam điều gì cả và chiến thắng được chính mình, giữ cho mình được trong sạch!
Có lẽ chưa bao
giờ, tôi nghe được từ một người đang có chức, có quyền, thắp hương cầu xin những
điều như em tâm sự. Cầu chúc mọi điều đến với em, như lòng em mong muốn!
Phạm Hồng Thắm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét