Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

100 NĂM SINH NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG

Đây là lời nhắn qua iMessage của con trai cả cụ Trần Huyền Trân khi nhận được lời mời từ gái út của Cha:
"Không thể đổi công việc chiều nay đã định trước, không đi được rồi, tiếc quá. Thắp giùm cụ Trần Huyền Trân nén nhang tới cụ Lộng Chương. TRĂM NĂM SINH NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG trên FB." 
Xin phép bạn mình lưu trữ bài viết rất tuyệt này vào Blog của Cha mình. Cảm ơn nhiều lắm!


Trần Bằng

Cười cùng Quẫn, trào lộng văn chương, vung bút, đời thành hài Kịch 
Khóc Trương Viên, chuyển làn ghé điệu, múa tay, chiếu hóa nền Chèo. 

Ở Việt Nam, nhắc đến Sân khấu hài kịch, có nhẽ ai cũng phải thốt lên: Lộng Chương.
Ngược lại, nếu nhắc tới tên Lộng Chương, ai cũng phải nói đến kịch hài: Quẫn.
Chả cần kể tới dững thứ giải thưởng hư danh, chắc chắn rằng Ông đã sừng sững như cây cổ thụ của Sân khấu Việt Nam. Bởi chỉ cần một Quẫn là đã đủ.
Nếu hiểu nôm: Lộng Chương là... văn chương trào lộng? Như vậy, với Ông hình như thiêu thiếu? Bởi trào lộng nhất của Sân khấu Việt Nam phải kể đến Chèo. Hay tại bởi người đời dễ quên...
Cũng không cần phải nhắc nhớ nhiều, chỉ nhìn vào tấm ảnh chụp tại Hà Nội năm 1955. Đó là những "tiền bối" của Chèo Việt Nam. Ngoài các bậc nghệ nhân Chèo bạc phơ râu tóc, là Lộng Chương (vỗ trống) - Lưu Quang Thuận (đứng cạnh) - Trần Huyền Trân (gảy đàn) - Hoa Tâm (áo dài đeo vòng) - Dịu Hương (áo trắng) - Hà Văn Cầu (ngồi thứ hai từ phải) - Diễm Lộc khi ấy còn là cô bé áo hoa.
Đấy là Đoàn Chèo Cổ Phong.



Trong ba vở Chèo cổ được cho là hay nhất (?): Quan âm Thị Kính-Vân dại-Trương Viên, Lộng Chương dàn dựng một vở: Trương Viên (ảnh). Sau này, Ông viết lại lấy tên: Đôi ngọc lưu ly in trong Tích cổ viết lại.
Thế đã đủ để Chèo lưu danh Ông chưa?
Chớp mắt, Ông ra đi đã 14 năm. Trước đó cũng đúng 14 năm, khi Trần Huyền Trân, người bạn nghề tri kỷ ra đi, trong những câu thơ Ông làm tiễn bạn, Sân khấu Chèo như trở lại, như sống với hai Người cùng hơi thở Cổ Phong:
... Thương da diết Xúy Vân cuồng dại
Tóc tuôn dài quằn quại sức xuân 
Thương Mầu đòi hỏi ái ân
Mắt chao ngút lửa mình trần uốn cong
Thương chú hề moi trong u uất
Tiếng cười dường gẫy khúc không trôi
Nghề này chân giả bạn ơi
Thương ai, ai biết, ai người ai thương
Đường son phấn đoạn trường đã lắm
Biết rõ là nghiệp chướng vẫn theo
Dở dang chưa dứt Tích chèo
"Lưu không" tiếng trống nhịp treo chập chờn
Trổ "xuyên tâm" ai hờn ai oán
Giọng "trường canh" đứt đoạn đêm thâu.
Trần ơi !
Một đời dài được bao lâu
Trăm năm rồi cũng một câu "Vãn Trò".

1 nhận xét:

Phạm Hồng Thắm nói...

Một bài viết hay của thế hệ con của các cụ: Trần Kim Bằng, con trai cụ Trần Huyền Trân.
Câu chữ gọn, chắt lọc, không đao to búa lớn, cũng đủ nói lên được tầm vóc, tình yêu, sự tâm huyết của các cụ dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Đăng nhận xét