Cuốn “Lộng
Chương – Để đến… Nơi đến” là sự tiếp tục mong muốn mang đến cho bạn đọc những vở
kịch của Lộng Chương mà NXB và gia đình đã sưu tầm được tại thư viện, đơn vị lưu
trữ và từ những bản thảo còn lại tại gia đình tác giả. Nói tiếp tục là bởi lẽ,
năm 1997 NXB Văn học và gia đình đã cho ra mắt tập “Kịch Lộng Chương”, gồm 54 kịch
mục với những vở nổi tiếng như: Quẫn, A Nàng, Quẫy, Cửa mở hé, Đôi ngọc lưu ly…
Năm 2003, nhân 100 ngày ông mất, NXB Sân khấu và gia đình cũng đã chia sẻ với bạn
đọc về sự nghiệp của Lộng Chương qua cuốn “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường”.
Cuốn
sách mang tên “Lộng Chương – Để đến… Nơi đến” chính là tên gọi vở kịch cuối
cùng của nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương. Vở được khởi bút năm 1996; tuy
nhiên, cho đến khi tác giả qua đời (26-6-2003), bản thảo vẫn dang dở… bởi lý do
sức khỏe, ông đã không thể thực hiện xong ý định của mình. Mặc dù “Để đến… Nơi đến”
chưa trọn vẹn, song tác giả cũng đã mở hướng đi khá rõ cho câu chuyện. Vở đề cập
tới viễn cảnh đổi thay tại một vùng nông thôn nước ta vào đầu thế kỷ XXI, khoảng
những năm cuối thập niên thứ ba. Viễn cảnh ấy cũng chính là hy vọng lớn lao của
Lộng Chương về tương lai xán lạn của đất nước, của nhân dân, của chính những người
thân mình mà tác giả đã lấy làm lẽ sống, làm mục đích cống hiến của người nghệ
sĩ trong suốt cuộc đời.
Ngoài “Để
đến… Nơi đến”, sách còn giới thiệu một số vở kịch khác của ông như: Chỉnh lý,
Thánh đường hỏa ngục, Hội thề, Đổi đầu heo, Tình sử Loa thành, Nhỡ chuyến tàu
bay…
Bên cạnh
đó, cũng trong cuốn sách này, bạn đọc còn có thể tìm thấy những tản mạn, truyện
ngắn, ca dao, ký sự… của nhà viết kịch từ thuở thiếu thời, trong thời gian
kháng chiến với vai trò nhà báo và một số bài nghiên cứu trên cương vị người hoạt
động trong lĩnh vực sân khấu.
Trong suốt
cuộc đời mình, ngoài mảng sáng tác, Lộng Chương còn cống hiến nhiều công sức để
xây dựng các đoàn nghệ thuật giúp các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành dựng vở
cho các đoàn nghệ thuật, lựa chọn và đào tạo diễn viên, sửa chữa kịch bản giúp
bạn bè và học trò… Trong quá trình xẻ mình cho các hoạt động nghệ thuật sân khấu,
Lộng Chương đã nhận được tình cảm yêu mến, trân trọng của hầu hết những ai từng
một lần gặp ông, được ông giúp đỡ. Nhiều câu chuyện cảm động giữa ông với bạn
bè, với học trò, đã trở thành kỷ niệm khó quên của cuộc đời người làm nghệ thuật.
Đây cũng chính là nội dung của cuốn sách thứ hai mang tên “Lộng Chương trong
trái tim bè bạn”.
Cuối
cùng, tập “Lộng Chương, Ta – Bạn và Đời” đăng tải những vần thơ thế sự, trăn trở
với nghiệp, với đời mà nhà viết kịch sáng tác từ những ngày đầu đi theo cách mạng
cho đến khi ông ở vào lúc tuổi cao sức yếu mà vẫn còn ngổn ngang bao dự định…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét