Đầu năm 1979, cha tôi - Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương nghỉ hưu. Vào khoảng tháng 3/1979 cha tôi được ông Trương Đức Chính - Thường trực Viện Nghiên cứu sân khấu mời đến Viện, trao đổi về dự kiến tập hợp lực lượng, thành lập Câu lạc bộ Kịch thơ (CLB Kịch thơ - do Viện Nghiên cứu sân khấu đỡ đầu). Viện trưởng Viện Nghiên cứu sân khấu khi ấy là ông Hoàng Châu Ký rất ủng hộ chủ trương này. Theo nguyên văn nội dung giấy mời họp do ông Hoàng Châu Ký, ký ngày 18/4/1979, thực ra Viện Nghiên cứu sân khấu mong muốn tổ chức một Đoàn Kịch thơ thể nghiệm, trực thuộc Viện nhưng chưa có điều kiện. Vì thế trước mắt Viện đứng ra tổ chức một CLB Kịch thơ. Viện sẽ đảm nhiệm đỡ đầu CLB một phần về tổ chức vật chất. Thành phần tham gia CLB là những nghệ sĩ lão thành, những nghệ sĩ trẻ, các tác gia, diễn viên, những nhà lý luận sân khấu, họa sĩ, nhạc sĩ… với tinh thần tham gia một cách tự nguyện, vô tư, thiết tha với thể loại kịch thơ…
Với một CLB mang tính chất “tay không” về vật chất và đường lối hoạt động như thế, đương nhiên trong Ban Vận động thành lập CLB Kịch thơ không thể thiếu gương mặt Nhà thơ Trần Huyền Trân – một người bạn tri âm, tri kỷ của Lộng Chương từ những ngày tháng 7/1957, khi hai người cùng với nhiều bạn hữu khác đứng ra thành lập Đoàn Chèo Cổ Phong; cũng với tư thế của những ông bầu “tay trắng”. Và thế là, hai người bạn hiểu nhau đến tận chân tơ kẽ tóc đã cùng các thành viên trong Ban Vận động mời được gần bốn chục người, từ các đơn vị nghệ thuật chuyên và không chuyên: Đoàn ca nhạc Ủy ban PTTH Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, Công ty Xe khách Thống Nhất, Trường Nghệ thuật sân khấu VN, Đoàn kịch Công nhân Hà Nội… tham gia hoạt động.
Theo
Di cảo cha tôi để lại, ngày 24/4/1979 tại trụ sở Viện Nghiên cứu sân khấu đã tổ
chức buổi họp đầu tiên bàn về việc thành lập CLB Kịch thơ, do ông Hoàng Châu Ký
chủ trì. Tại cuộc họp đã đề cử một Ban Chủ nhiệm, trong đó, cha tôi được cử làm
Chủ nhiệm và bác Trần cùng nghệ sĩ Đào Mộng Long gánh vai Phó chủ nhiệm. Là một
nhà thơ tiếng tăm và là người giàu kinh nghiệm trong việc dựng thể loại kịch
thơ, chính bác Trần đã được CLB tín nhiệm đặt vào vị trí chỉ đạo nghệ thuật. Trụ
sở chính của CLB Kịch thơ được quyết định đặt tại Viện Nghiên cứu sân khấu. Ngoài
ra, còn một số địa điểm khác cũng được chọn làm nơi sinh hoạt cho CLB như Rạp
Kim Môn (Phố Hàng Buồm) và CLB Giáo dục Hà Nội (Phố Quang Trung).
Chỉ
sau ngày đó khoảng mươi ngày, ngày 6/5/1979 Ban chủ nhiệm CLB Kịch thơ đã tiến hành
họp thông qua Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động Câu lạc bộ Kịch thơ. Cuộc họp
Ban chủ nhiệm này được tiến hành tại nhà cha tôi – 47 Hàm Long. Thời gian này
tôi vừa đi tập huấn quân sự ở Sơn Tây, được phân công về công tác tại Viện Công
nghệ (Bộ Quốc Phòng). Rất vô tình hôm đó tôi không đi làm tại đơn vị mà đi công
tác lẻ nên về nhà sớm. Lúc về đến nhà, cuộc họp Ban Chủ nhiệm CLB đã xong. Mọi
người đã ra về hết. Riêng bác Trần vẫn còn ngồi lại cùng cha tôi. Tôi ngồi ở
nhà ngoài, nghe cha tôi và bác Trần trao đi đổi lại về vấn đề kịch thơ rất lâu,
nhưng không thể nhớ cụ thể hết. Chỉ có một ý mà tôi để được vào đầu, bởi khi
nói đến điều này, hai cụ nhắc đi nhắc lại rất to. Bác Trần nói:
-
Ông Lộng Chương
này, phải là kịch có thơ. Thật cô đọng. Kịch phải diễn đạt bằng thơ. Diễn viên
phải truyền cảm đến khán giả bằng “sự rung động của thơ”!
-
Đúng, ông nói
đúng! Vì đây là CLB Kịch thơ. Không phải kịch. Không phải thơ. Mà là kịch có
thơ. Thơ có kịch – Cha tôi vỗ tay đánh đốp một cái, tán đồng ý kiến của bác Trần.
-
Mà này, trang
trí và phục trang ta phải cố gắng nhờ vào tay các họa sĩ, làm cho thật đẹp, thật
hấp dẫn. Chứ ta không thể làm phục trang như hồi hai mươi năm trước đây làm với
Đoàn Cổ Phong (tức là những năm 1957-1960). Còn về phần ta, nghệ thuật biểu diễn phải được nâng cao, rèn luyện công phu ông Lộng Chương ạ! – Bác Trần càng nói càng hăng.
-
Ông nói đúng. Đã
làm thì phải cho ra làm. Làm đến nơi đến chốn – Cha tôi nghe bác Trần nói, cũng
vô cùng hỉ hả đáp lại.
Rồi
sau đó, tôi nghe “cách” một cái rất to của tiếng cốc va vào nhau. Tôi chắc rằng,
hai cụ vừa hồ hởi chạm ly để tự chúc mừng “tư tưởng lớn” lại gặp nhau một lần nữa;
sau cái lần cùng nhau “thai nghén đẻ” ra Đoàn Chèo Cổ Phong. Cùng với đó là tiếng
cười ha hả rất vui của 2 cụ. Tôi chắc lúc này, 2 cụ rất hy vọng vào sự thành
công của CLB Kịch thơ. Đến bây giờ, khi có dịp nhớ lại câu chuyện này, tôi thầm
cười cha mình và bác Trần về cái tính “lãng mạn” nhất trong những người lãng mạn
của thế kỷ đó của 2 cụ. Và với nội dung cuộc trao đổi mà tôi nghe được, rõ
ràng, bác Trần là một người “lãng mạn” còn hơn cả cha tôi – chất “lãng mạn” của
một nhà thơ nổi tiếng và chất “lãng mạn” của một kịch tác gia! Tại sao tôi cười
2 cụ? Bởi, năm 1979 là quãng thời gian của những năm vô cùng khó khăn của nền
kinh tế đất nước sau 2 cuộc chiến tranh. Chiến tranh chống Mỹ dai dẳng hàng chục
năm, chiến tranh chống Tàu xảy ra ngay đầu năm 1979. Quãng thời gian của những
năm đó, nhân dân cả nước đang phải gồng mình vật lộn với miếng cơm manh áo mỗi
ngày. Vậy mà 2 cụ lại hăm hở thành lập CLB Kịch thơ với số vốn chỉ là hai bàn
tay trắng cộng với tình yêu nghệ thuật hết mình của những người có tấm lòng
trong sáng. Hơn thế nữa, 2 cụ lại còn đặt ra những yêu cầu: nào là trang phục
phải đẹp, nào là trang trí phải hấp dẫn, nào là nghệ thuật biểu diễn phải nâng
cao… Tuy nhiên, ngẫm kỹ thì… tôi, dù có chút “hỗn xược” dám “chê” 2 cụ “lãng mạn”
đến đâu đi chăng nữa thì chính tôi (và nhiều người khác) cũng phải mạnh dạn khẳng
định rằng: 2 cụ là những người “lãng mạn” vô cùng đáng kính!
Trong
một câu chuyện nhỏ về người bạn tri kỷ của mình, cha tôi kể: Thời gian CLB Kịch
thơ hoạt động, bác Trần đã chuyển nhà về Nam Đồng, khá xa nơi tập của CLB,
nhưng bác Trần không hề vắng mặt buổi tập nào. Bác vẫn hăng hái đạp chiếc xe
“cà khổ” (từ cha tôi dùng) để cùng đến lo toan mọi việc với các thành viên của
CLB. Là một nhà thơ nổi tiếng, già dặn, giàu kinh nghiệm dựng kịch thơ, bác Trần
đã hết lòng giúp anh chị em diễn viên trong khi tập vở.
Để
chuẩn bị cho đêm ra mắt đầu tiên của CLB Kịch thơ, cuộc họp của Ban Chủ nhiệm
và Ban Nghệ thuật vào ngày 19/5/1979 đã dự kiến sẽ chọn ra 2 trong 3 trích đoạn
của 3 tác giả để biểu diễn. Đó là các vở: Lý Thường Kiệt của bác Trần; Tình sử
Loa thành của cha tôi và Ngõ thề của tác giả Trúc Đường.
Cũng
theo Di cảo của cha tôi để lại, sự ra đời của CLB Kịch thơ đã được thông tin
trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào tối thứ bảy ngày 2/6/1979 và Báo Hà nội mới chủ
nhật ngày 3/6/1979.
Hoạt
động của CLB Kịch thơ theo một lịch trình liên tục, dày đặc; trong suốt từ đầu
tháng 4/1979 cho đến khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7/1979 thì CLB Kịch thơ nhanh
chóng đi vào tan rã.
Kết
quả không thành công của CLB Kịch thơ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có thể
vấn đề kinh phí hoạt động là một trong những khó khăn nhất. Còn có thể có những
nguyên nhân tế nhị khác, tuy nhiên theo tôi nay cũng không cần tìm hiểu kỹ làm
gì. Chỉ biết rằng, bao công sức, ý tưởng, kỳ vọng dành cho CLB Kịch thơ của những
người yêu bộ môn này như bác Trần, như cha tôi và nhiều thành viên khác của CLB
đã không đem lại kết quả như mong đợi. Người buồn và thất vọng ghê gớm, chắc chắn
phải là những người nhiều tâm huyết xây dựng CLB Kịch thơ như bác Trần, như cha
tôi… Tôi tự hỏi, không biết khi “mộng đẹp” về một CLB Kịch thơ sẽ ra đời bị tan
vỡ, 2 cụ có ngồi lại với nhau sau đó, và trên tay, mỗi người 1 ly rượu nhỏ để rồi:
“Rót đau lòng ấy vào đau lòng này” không?
Để
kết thúc bài viết nhỏ này, tôi xin mượn 2 câu thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ viếng
cụ Trần Tế Xương, mà cha tôi sử dụng trong bài thơ có tên: Tâm sự cùng Tú Xương, để
mạo muội thưa với hương hồn bác Trần rằng: “Kìa ai chín suối xương không nát; Có lẽ
ngàn thu tiếng vẫn còn!”.
Bác
Trần ơi, trong tâm thức cha Lộng Chương cháu khi còn trên cõi dương gian này
(cũng có thể ngay bây giờ, nơi cõi hư huyền), chắc chắn cha cháu luôn nghĩ về bác
như thế đấy!
Phạm
Hồng Thắm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét